rước
khi giác ngộ, Thế Tôn nhận thấy con đường xuất ly là an tịnh, nhưng lại
không cảm thấy phấn khởi. Khi Thế Tôn suy nghĩ đến cùng về sự nguy hiểm
của các dục thì sự hứng khởi của tâm xuất ly khởi sinh, và tâm của
Thế Tôn thấy "Đây là an tịnh". Sau đó Thế Tôn an trú Sơ thiền.
Trong khi trú Sơ thiền thì các tưởng đi đôi với dục vẫn có mặt, bấy
giờ các tưởng này trở thành bệnh hoạn, nó cũng gây ra đau khổ.
Thế Tôn liền ngưng tầm và tứ, và chứng Nhị thiền; nhưng
Thế Tôn lại không thấy hứng khởi và giải thoát. Sau đó, Thế Tôn suy
nghĩ đến cùng về sự nguy hiểm của tầm và tứ thì Thế Tôn liền thấy
hứng khởi, giải thoát, biết "Đây là an tịnh". Nhưng khi trú Nhị
thiền thì các tưởng cùng đi với tầm, tứ vẫn có mặt, bấy giờ chính
các tưởng này là bệnh.
Thế Tôn liền rời khỏi hỷ và chứng đắc Tam thiền. Thoạt
đầu Thế Tôn không cảm thấy hứng khởi và giải thoát của Tam thiền,
Ngài liền suy tư đến cùng sự nguy hiểm của hỷ thì Thế Tôn liền cảm
thấy hứng khởi, an tịnh và giải thoát, biết rằng "Đây là an tịnh".
Sau một thời gian trú Tam thiền, các tưởng đi đôi với hỷ vẫn xuất hiện,
bấy giờ chính các tưởng này là bệnh.
Thế Tôn liền từ bỏ hỷ, từ bỏ lạc và chứng đắc
Thiền thứ tư. Buổi đầu trú ở Thiền này, Thế Tôn không cảm thấy hứng
khởi, an trú, giải thoát. Sau đó, Thế Tôn tư duy đến sung mãn về sự
nguy hiểm của lạc thì Ngài cảm thấy hứng khởi, an tịnh và giải thoát
của xả niệm trú (Tứ thiền), biết rằng "Đây là an tịnh".
Trong khi an trú Tứ thiền, xả lạc, xả khổ, thì các tưởng đi đôi với
xả lạc vẫn hiện hành, bấy giờ đối với Ngài, các tưởng này là bệnh.
Rồi Thế Tôn đi ra khỏi các sắc tưởng, chấm dứt hoàn
toàn các sắc tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt. Bấy giờ Thế
Tôn chứng đắc "Không vô biên xứ định". Lúc đầu chứng đắc
Thiền cảnh này, Thế Tôn không cảm thấy hứng khởi và không có giải
thoát đối với Thiền này. Thế Tôn liền suy nghĩ đến nguy hiểm của các
sắc, thấy nguy hiểm này đến cùng độ thì Thế Tôn liền cảm thấy hứng
khởi, an tịnh và giải thoát đối với Không vô biên xứ, biết rằng
"Đây là an tịnh". Sau một thời gian an trú trong Không vô biên xứ
định, các tưởng cùng đi với các sắc vẫn còn hiện hữu. Thế Tôn thấy
đây là chứng bệnh, như là khổ đau phát khởi ở người đang sung sướng.
Thế Tôn lại từ bỏ hoàn toàn Không vô biên xứ định, và
chứng đắc "Thức vô biên xứ định" (Thức là vô biên). Ban đầu
của sự chứng đắc này, Thế Tôn không cảm thấy hứng khởi, không cảm
thấy an tịnh và giải thoát đối với Thức vô biên xứ, Ngài bèn tư duy
đến sự nguy hiểm của Không vô biện xứ định, thấy sung mãn sự nguy
hiểm này, Ngài liền thấy hứng khởi, an tịnh và giải thoát đối với
Thức vô biên xứ định, các tưởng có mặt của Không vô biên xứ vẫn
hiện hành, đây là chứng bệnh đối với Ngài, như là nỗi khổ đau khởi
lên giữa lúc đang sung sướng.
Thế Tôn lại từ bỏ hoàn toàn Thức vô biên xứ định và
đạt được "Vô sở hữu xứ định" (biết rằng không có gì cả).
Buổi đầu của sự chứng đắc Thiền này, Ngài không cảm thấy phấn khởi,
an tịnh và giải thoát, Ngài bèn tư duy đến sự nguy hiểm của Thức vô
biên xứ định cho đến khi thấy sung mãn sự nguy hiểm của cảnh giới
Thiền đó, Ngài mới cảm thấy hứng khởi, an tịnh và giải thoát đối với
Vô sở hữu xứ. Sau một thời gian an trú trong Thiền Vô sở hữu xứ này,
các tưởng có mặt của Thức vô biên xứ vẫn hiện hành như là hiện
hành của khổ đau đối với người đang sung sướng. Với Ngài, đây là một
chứng bệnh cần được loại bỏ.
Thế Tôn lại ra đi, ra đi nữa. Ngài từ bỏ hoàn toàn, chấm
dứt hoàn toàn tưởng Vô sở hữu, và chứng đắc "Phi tưởng phi phi
tưởng xứ định". Dù biết rằng "Đây là an tịnh" nhưng lúc
đầu Ngài vẫn không thấy hứng khởi, an tịnh và giải thoát đối với
Thiền này. Ngài chuyển qua tư duy về nguy hiểm của Vô sở hữu cho đến
khi thấy sung mãn sự nguy hiểm này thì sự cảm nhận hứng khởi, an tịnh
và giải thoát đối với "Phi tưởng phi phi tưởng" định đến với
Ngài. Sau một thời gian trú Phi tưởng phi phi tưởng, các tưởng có mặt của
Vô sở hữu lại khởi lên như là khổ đau khởi lên với người đang sung
sướng. Đối với Ngài, đây là một chứng bệnh cần được đoạn trừ.
Rồi Thế Tôn lại ra đi nữa, từ bỏ hoàn toàn Phi tưởng
phi phi tưởng định và chứng đắc "Diệt thọ tưởng định". Dù
có biết rằng "Đây là an tịnh", trong buổi đầu chứng đắc Thiền
này, Thế Tôn vẫn không có hứng khởi, an trú và giải thoát đối với
Thiền ấy. Ngài bèn suy nghĩ đến nguy hiểm của Phi tưởng phi phi tưởng
xứ định, cho đến khi thấy rõ sự sung mãn của sự nguy hiểm ấy, Ngài
thưởng thức được lợi ích của Diệt thọ tưởng định với tâm hứng
khởi, an trú và giải thoát. Thế Tôn thấy "Đây là an tịnh, thật an
tịnh". Sau một thời gian an trú ở Diệt thọ tưởng định, với trí
tuệ Thế Tôn thấy rằng, tất cả các lậu hoặc đều đi đến tận diệt.
Sau khi thuận thứ và nghịch thứ chứng đắc, an trú và xuất
khởi nhuần nhuyễn chín cảnh giới Thiền trên, Thế Tôn mới tuyên bố
Ngài đã chứng đắc "Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác".
Trên đây là lộ trình tu chứng chín cảnh giới định của
Thế Tôn. Đấy là lộ trình liên tục ra đi, liên tục từ bỏ những gì
chứng đắc, liên tục giác tỉnh, biết rằng các Thiền định (từ sơ khởi
đến Phi tưởng phi phi tưởng định) là các pháp do nhân duyên sinh, là hữu
vi, là vô thường, là khổ đau, liên tục khởi lên ưu tâm tìm vào giải
thoát chân thực. Ưu tâm ở đây lại là cần thiết để không bị dính mắc,
đắm trước vào các Thiền cảnh, là sức mạnh của từ bỏ hết thảy
các pháp bị tác thành. Ưu tâm ở đây chính là sự có mặt của tuệ
giác, của khả năng thấy sự vật như thật.
Chúng ta có thể rút ra từ kinh nghiệm của Thế Tôn một
bài học vô vàn quý giá rằng: "nếu hành giả luôn luôn giữ chánh niệm
tỉnh giác trên ý nghĩa như thật của các pháp hữu vi: vô ngã, vô thường,
và khổ đau thì hành giả sẽ vượt nhanh qua được các cảnh giới Thiền
định, dễ dàng xuất khởi khỏi các Thiền cảnh để hướng về 'Diệt
thọ tưởng định', nơi mà các lậu hoặc sẽ hoàn toàn được đoạn trừ,
các cảm thọ lạc, khổ và các tưởng đi đến các cảm thọ lạc, khổ sẽ
hoàn toàn được tịnh chỉ".
Chúng ta cũng có thể rút ra một bài học kỳ diệu khác rằng:
tinh hoa của việc tu tập Thiền nằm ở chỗ an trú trong chánh niệm về
khổ, vô thường, vô ngã của các pháp để xả ly tham ái và chấp thủ.
Sự giải thoát khổ đau có mặt ngay trong sự xả ly đó. Sự từ bỏ đến
ngay sau khi sự thấy rõ nguy hiểm của những gì đang ràng buộc chúng ta,
đang trói buộc tâm thức chúng ta; sự chứng đắc một cảnh giới Thiền
định cao hơn lại đến ngay sau sự từ bỏ cảnh giới đang là; sự an
trú cảnh giới chứng đắc là kết quả của sự thấy sâu sắc cái nguy
hiểm của cảnh giới vừa đi ra. Cứ thế, lộ trình tu tập giải
thoát là sự trải qua của những quá trình thấy rõ khía cạnh vô thường,
nguy hiểm và khổ đau của các pháp, và sự từ bỏ những gì được làm
ra, được tác thành. Hành giả không mỏi mệt, đi những bước đi
đầy giác tỉnh, hứng khởi, an tịnh và giải thoát. Con đường phải đi
này là con đường Thiền định chính thống của Phật giáo.
Khác đi là đường đi của ngoại đạo.
Từ bỏ, hay buông xả trong Thiền định của Phật giáo đồng
nghĩa với sự an trú trong chánh niệm tỉnh giác và đồng nghĩa với an tịnh,
giải thoát của Thiền định. Nói khác đi, buông xả là buông xả tham ái
và chấp trước mọi pháp được tác thành, được làm ra.
Nếu có ai chủ trương giữ tâm Không (hay Không tâm) khi tu
tập Thiền định của đạo Phật, thì phải hiểu tâm Không chính là
chánh niệm tỉnh giác rời xa mọi tham ái, chấp trước ở đời. Hành
giả hành Thiền định Phật giáo thì không có mơ màng chờ đợi gì ở
cách thở hay thế ngồi, hoặc bất cứ một kỹ thuật tu tập nào, ngoại
trừ việc hàng phục chính vọng tâm của mình. Chúng ta phải trở về
con đường Thiền định của Thế Tôn. Chân lý và con đường về chân lý
chỉ được sáng ở dưới cội Bồ-đề, mà không phải là những nơi nào
khác. Tại đó, chân lý sẽ rực sáng một lần và sẽ rực sáng
mãi mãi. Đấy là nơi quy hướng của chúng ta trong việc học hỏi Pháp, hiểu
Pháp và hành Pháp. Đấy cũng là nơi quy hướng của những ai tự nhận mình
là Phật tử, dù đang ở phương hướng nào trên trái đất. Tại đấy, rực
sáng hào quang của Duyên khởi và Tứ niệm xứ, và hào quang đó vẫn còn
tỏa sáng ở mốc điểm phân ranh giữa sanh tử và giải thoát, giữa con
đường chánh và con đường tà.
Hướng về Duyên khởi và Tứ niệm xứ là thắp sáng giáo
lý của Thế Tôn giữa cuộc đời này. Chúng ta hãy lắng nghe lời dạy sau
đây của Thế Tôn về nhơn duyên của diệu pháp không được tồn tại lâu
dài, hay được tồn tại lâu dài:
"Này Bà-la-môn, do bốn niệm xứ không được tu tập,
không được làm cho sung mãn sau khi Như lai nhập diệt, nên diệu pháp
không tồn tại lâu dài. Do bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho
sung mãn, này Bà-la-môn, sau khi Như lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại
lâu dài". (Tương Ưng V, tr. 183)
Cho đến đây, chúng ta có một kết luận rõ ràng là vấn
đề chủ yếu của một giáo hội Tăng-già hưng thịnh và Phật giáo hưng
thịnh hay tồn tại, chính là vấn đề học hỏi Phật pháp và tu tập Giới,
Định, Tuệ của các Phật tử xuất gia cũng như tại gia. Các vấn đề khác
chỉ là thứ yếu. Thời đại của một xã hội Phật giáo hưng thịnh như
dưới thời vua A-dục (Asoka) phải là thời đại mà quần chúng Phật tử
học hỏi nhiều về giáo lý và thực hành giáo lý, đặc biệt là Thiền
định (Tứ niệm xứ).
Cho đến khi nào mà các Thiền viện được phát triển mạnh
hơn các lãnh vực gọi là "tín ngưỡng" khác của Phật giáo, thì
cho đến khi ấy, chúng ta mới có niềm tin lạc quan rằng Phật giáo hưng
thịnh, hay đang đi vào hưng thịnh.
Phải chăng cần chuyển công phu thực hành Tứ niệm xứ
thành buổi công phu sáng hay chiều của hàng xuất gia, và thành công phu
thay thời công phu Tịnh độ của hàng Phật tử tại gia để diệu pháp
được tồn tại lâu dài hơn ở đời?
Đó là câu hỏi mà người Phật tử cần trầm tư sau khi thông hiểu
giáo lý Tứ niệm xứ ...