- Mười Sáu Tuệ Minh Sát
- Trương Văn Huấn
- Phước Tuệ Tịnh Môn, Sài gòn, 1971
Namo tassa Bhagavato Arahato Sammàsabuddhassa
Namo tassa Bhagavato Arahato Sammàsabuddhassa
Namo tassa Bhagavato Arahato Sammàsabuddhassa
Kính thưa quí vị,
H
ôm nay tôi thuyết về 16 cái
Tuệ của Thiền Minh-Sát-Tuệ (Vipassana). Nói rằng tôi thuyết thì không đúng
lắm, bởi vì không phải tôi đặt bài để mà thuyết. Chẳng qua là tôi lặp
lại những bài thuyết-trình của Đại-Đức Thiền Sư Raja Siddhimuni (Chùa
Mahadhatu, Bangkok, Thái-Lan) đã thuyết rồi từ trước. Đầu tiên Thiền-Sư
tổ là Đại-Đức Mahasi Sayadaw (Miến-Điện) truyền cho môn đệ Ngài là
Đại-Đức Asàbhà (Miến-Điện). Đại-Đức Asàbhà truyền lại cho môn đệ
Ngài là Đại-Đức Raja Siddhimuni (Thái-Lan). Tôi được nghe lý thuyết về
Thiền Vipassana lần đầu tiên tại chùa Parinayot (Bangkok), do Đại-Đức Thiền-Sư
Raya Siddhimuni là Giám-Đốc của Thiền-Đường ở Bangkok và vùng lân cận.
Các môn đệ Ngài là Thiền-Sư về Minh-Sát-Tuệ ở rải rác trong các Thiền-Đường
toàn cỏi nước Thái-Lan.
1.- Đại-Đức Thiền-Sư nhắc rằng 15 năm về trước thuyết
trình về 16 cái Tuệ của Thiền Minh-Sát chỉ dành riêng cho các Hành-giả
đã hành xong 16 pháp Thiền Vipassana. Song lần đầu, vì số Hành-giả càng
ngày càng đông, phương pháp thâu băng, ghi âm, càng phát triển, quí vị
Thiền-Sư cho phép số đông Hành-giả được phép dự thính và ghi âm các
bài Thuyết-trình về Minh-Sát-Tuệ.
Tại sao lúc ban sơ, quí Đại-Đức Thiền Sư hạn chế số
thính giả? Tại vì quí Ngài lo xa, sợ rằng những người chưa hành xong,
hoặc những người chưa hành, muốn hành, sẽ móng vọng. Khi móng vọng
thì khó tiến tới được, mất thì giờ mà hành không kết quả. Có khi
vì tâm móng vọng mà các hiện tượng giả phát sanh, Hành-giả vì đã có
nghe Pháp rồi, tưởng mình đã đắc đạo quả. Sự thật Hành-giả chưa hề
đắc gì cả, họ đã nhận được đồ giả, mà tưởng lầm là thiệt.
Vì một năm thuyết có một lần về Minh-Sát-Tuệ, cho nên
Đại- Đức Thiền-Sư mở rộng giảng đường cho tất cả mọi người. Các
Ngài khuyên Hành-giả không nên móng, vì móng là tham và được đồ giả.
Đại-Đức Thiền-Sư Asàbhã còn cho biết Ngài cũng có phương pháp để thử
coi một Hành-giả đắc đạo thiệt hay giả.
2.- Đại-Đức Thiền-Sư nhắc cho thính giả biết là khi
thuyết về Thiền Minh-Sát, Ngài như là người đem cái kính, cái gương để
trước mặt cho Hành-giả tự soi vào. Cái gương, cái kính là "Pháp-bảo
Vipassana" Hành-giả khi soi vào, tự biết mình đã hành xong tuệ nào, tuệ
nào chưa tới, ráng hành cho tiến tới. Thiền-Sư không có quyền phán đoán
ông hay bà nào đã đắc đạo quả gì. Thuở xưa khi Đức Phật còn tại
thế, chỉ có Đức Phật mới phán đoán ông này đắc Tu-đà-hườn (Dự
lưu), Tư-đà-hàm (Nhất lai), ông kia đắc A-na-hàm (Bất lai), A-la-hán. Từ
khi Đức Phật nhập Niết- Bàn, không còn ai có quyền phán đoán, dù là
Thinh-văn, Đệ-tử Phật, Phật Độc Giác, hay các vị Alahán, cũng không ai
phán đoán. Đại Đức Thiền Sư nhắc câu kệ ngôn "Paccattam veditabbo
vinnuhi" là "Pháp mà các vị Thiện-Tri-Thức được biết, được
thấy tự nơi tâm".
Như thế là Hành-giả, khi nghe xong Pháp, tự biết mình đã
hành xong đến tuệ nào và đã đắc đạo quả gì, Đại Đức Thiền Sư
không hề xác định.
Sau đây tôi xin lần lượt giải thích 16 cái tuệ của Thiền
Minh-Sát (vipssana).
Tuệ thứ
I- Nàmarùpa paricchedanàna - Tuệ Phân Tách Danh Sắc.
Khi Hành-giả ngồi niệm "Phồng à, xọp à", hoặc
khi Hành giả đi kinh hành niệm "mặt bước à, trái bước à" thì
phải phân biệt Danh và Sắc. Trước hết Hành-giả hiểu rằng thân ta có
2 phần: "vật chất và tinh thần". Vật chất là phần Sắc, tinh thần
là phần Danh hay Tâm. Mặt, mũi, tai, mắt là Sắc. Tâm hiểu biết là Danh.
Khi Hành-giả niệm "mặt bước à", bàn chân bước
là Sắc, sự biết chân đang bước là Danh. Khi niệm "phồng à", bụng
phồng là Sắc, biết bụng đang phồng là Danh.
Mỗi chúng sanh có 2 phần Danh và Sắc, ngoài ra không có
cái chi khác, nghĩa là không có cái Ta (vô ngã).
Hành-giả phải tập phân biệt Sắc trước, rồi phân biệt
Danh sau. Như mắt thấy sắc, màu trắng, màu đỏ cũng là Sắc. Lổ tai nghe
tiếng, lổ tai là Sắc, tiếng cũng là Sắc. Lổ mũi hửi mùi, lổ mũi là
Sắc, mùi cũng là Sắc. Sự thấy biết, sự nghe biết, sự biết mùi là
Danh.
Khi phúc trình, Thiền sư thường hỏi Hành-giả: - Phồng
và Xọp là hai cái hay một cái? Khi ngồi niệm mà nghe, thấy cái gì có niệm
không? Khi thọ khổ, như tê, nhức, mỏi có niệm không? Bởi ít trí nhớ,
hành giả thường quên niệm. Thiền sư dặn cần phải có trí nhớ luôn
luôn. Ba điểm mà Đại Đức Thiền sư hằng nhắc nhở Hành-giả là: Trí
nhớ, Biết mình và Tinh tấn.
Thiền sư nhắc Hành-giả lúc ngồi tưởng tượng thân
mình như cái ống, bên trong rổng không, lớp ngoài là Sắc, lớp trong là
Danh, không có cái Ta.
Muốn cho dễ hiểu, Thiền sư cho nhiều thí dụ:
1) Thí dụ cái kính, có bụi đóng lu mờ, ta lau chùi sạch
sẻ, nhìn vào thấy hình ảnh rõ rệt. Cái gương là Sắc, bụi đóng là
phiền não, niệm là lau cho sạch bụi, hình ảnh rõ rệt bên trong là Danh.
Vậy thì Hành-giả đã thấy Danh trong cái Sắc.
2) Thí dụ chiếc xe hơi. Toàn thể cái xe là Sắc, máy móc,
nệm, đèn đều là Sắc. Người tài xế là Danh. Danh điều khiển Sắc,
như tài xế điều khiển xe hơi.
Danh là Tâm, điều khiển sai khiến cái thân là Sắc. Khi muốn
ăn, muốn ăn là Danh. Ta ăn, răng nhai là Sắc. Đó là Danh điều khiển Sắc.
Ta muốn đi chùa, muốn đi là Danh, hai chân bước đi là Sắc, vậy Danh sai
khiến Sắc.
Khi mà Hành-giả nói: "Ta thấy hoa đẹp". Thêm cái Ta
vào thì là rắc rối, vì phiền não phát sanh. Phải chi thấy hoa đẹp niệm
"thấy à" thì xong, còn thêm cái Ta vào, thì Hành-giả chấp cái Ta,
phát sanh cái thủ (Upadana) liền phát sanh ái dục (Tanhà), toàn là phiền
não (Kilesa). Chấp cái ta là Ngã-chấp, là Thân kiến (Sakkayadítthi), pháp
ấy dẫn đến chúng sanh đi vào 4 đường ác đạo (Ngạ quỉ, Atula, Súc
sanh, Địa ngục).
Có trí nhớ (Sati) để niệm. Niệm nhiều, trí tuệ phát
sanh Hành-giả phân tách Danh-Sắc dễ dàng.
Tuệ thứ
II - Paccayapariggalanàna - Tuệ Phân Tách Nhân Quả
(Tuệ Phân Biện Nhân Duyên).
Nhân là hạt giống, Quả
là trái. Nguyên do là hạt giống được gieo, mọc cây cho trái sau nầy,
cái gì sanh ra trước là Nhân, cái gì sanh ra sau là Quả.
Khi niệm "Phồng à, xọp à", bụng phồng lên là
nhân, bụng xọp xuống là quả. Ở đây Sắc là nhân, Danh là quả. Có khi
ngược lại Danh là nhân, Sắc là quả. Thí dụ: Hành-giả muốn đi, Tâm muốn
là nhân, chân đi là quả, Tâm muốn là Danh, chân đi là Sắc; ấy vậy Danh
là nhân, Sắc là quả.
Lúc ngồi, chúng ta nghe tiếng động, chúng ta niệm
"nghe à" hoặc tuy mắt nhắm mà thấy cảnh chúng ta niệm "thấy
à". Tiếng nghe là nhân, niệm "nghe à" là quả . Cảnh phát sanh
là nhân, tâm thấy là quả. Những ấn chứng phát sanh là nhân, tâm biết rồi
niệm là quả, Hành-giả nên để ý: niệm Tứ-niệm-xứ là nhân, Trí tuệ
phát sanh là quả.
Thiền sư khuyên Hành-giả không nên tìm kiếm cảnh trần
để nghe, để thấy. Tự nhiên để cho hiện tượng phát sanh, rồi niệm.
Có lúc niệm "Phồng à, xọp à" rồi nó mất. Hành-giả có trí nhớ,
biết mất, niệm "biết à". Nếu Phồng Xọp không trở lại, niệm
"biết à" thì Phồng Xọp trở lại như cũ.
Có Hành-giả khi Phồng Xọp mất, tìm kiếm, lấy tay rờ bụng,
coi còn hơi thở không. Thiền sư khuyên nên chú tâm ở bụng và nhớ rằng
niệm là nhân, biết là quả.
Trong bộ Thanh-Tịnh-Đạo (Visuddhi Magga), Đại Đức
Buddhaghosa-cariya có giải: "Tuệ thứ nhì gọi là Culasotapanna (Tiểu Tu-đà-huờn)
vì Hành-giả khi nghe thấy rõ nhân-quả, bớt hoài nghi, nhẹ lo trong thâm
tâm, được sự nương nhờ trong Phật Giáo và có con đường vững chắc
để đi đến Đạo Quả".
Tóm lại thân chúng sanh gồm có Danh-Sắc, và Danh-Sắc đó
cũng là nhân quả, không có cái Ta, do đó, Hành-giả không còn hoài
nghi. Để cho dễ hiểu, Đại Đức Thiền sư kể cho nghe một thí dụ. Có
người nhà quê ở trong đồng thường thấy trâu, bò, dê, đều có sừng.
Nghe nói con thỏ, thì tưởng tượng thỏ cũng có sừng như những thú vật
mà anh ta thường thấy hằng ngày. Khi một người bạn đi ra thành, mua một
con thỏ, mang về, anh nhà quê nhận ra rằng con thỏ nhỏ hơn con trâu, bò,
và không có sừng. Chừng đó anh nhà quê hết hoài nghi.
Tuệ thứ
III - Sammasananàna - Tuệ suy xét thấy Danh Sắc là vô thường, khổ não, vô
ngã. (Tuệ Thấu Đạt)
Đây là do sự suy xét mà
thấy, chớ không phải thấy bằng Trí Tuệ. Có 4 loại suy xét:
1) Suy xét từ bộ phận của thân, thấy không có gì tốt
đẹp. Thí dụ suy xét tay, chân, thấy có da, có lông, bên trong là bắp thịt,
gân, máu, xương, chất dơ bẩn, lúc thì nổi mụt sần sùi, khi thì da nhăn,
ngứa ngáy. Hành-giả nhận thấy sự vô thường của thân.
2) Suy xét từ lúc còn bé thơ đến lúc già, có nhiều sự
thay đổi. Mới hồi nào còn ham ăn, ham chơi, ham đánh lộn, lớn lên ham
coi hát, ham hoạt động, bây giờ già, như mặt trời về chiều, tóc điểm
sương, răng rụng, mắt lờ. Đời là vô thường.
3) Suy xét thấy sự nối tiếp (Santati) của Danh Sắc. Tóc mới
hớt, râu mới cạo, nay đã ra dài; móng tay, móng chân mới cắt, tiếp tục
mọc ra, đó là sự nối tiếp của cơ thể. Cảm giác cũng có sự nối tiếp,
hết buồn đến vui, hết đau đến mạnh, hết an vui đến lo sợ. Chúng
sanh sống trong sự vô thường.
4) Suy xét hơi thở hay sự hô hấp. Khi Hành-giả niệm
"Phồng à" thấy bụng phồng lần lần, đến một mức nào phồng
không đặng nữa, là khổ, tức nhiên phải xọp, niệm "Xọp à". Xọp
đến một bực nào, chịu không đặng, là khổ, phải phồng lại, v.v...
Có lúc Hành-giả niệm thấy Phồng Xọp rất nhanh, có lúc phồng xọp rất
chậm, có lúc phồng xọp mất, đó là sự vô thường của hơi thở. Hành-giả
nhận thấy tự mình không điều khiển được hơi thở được, đó là vô
ngã.
Do 4 điều suy xét trên, Hành-giả nhận biết được một cách
thô sơ về Tam Tướng là: vô thường, khổ não, vô ngã.
Khi Hành-giả bắt đầu niệm qua Tuệ thứ III, Đại Đức
Thiền Sư thường dặn phải khời tâm bằng niệm "Muốn à". Như
"muốn đi à, muốn nằm à, muốn uống nước à, muốn ăn à, muốn ngồi
à" v.v...
Nếu Tuệ thứ III mạnh, thì có mười vi-tế phiền não
phát sanh (Vipassanupakilesa), làm cho Thiền Minh-Sát ô nhiễm hay lu mờ. Hành
giả không biết đó là phiền não, ôm ấp hoài, cho là vật quí báu, dính
ở đó, không tiến tới được. Mỗi Pháp nếu tách riêng ra là Thiện
pháp, song bởi Hành-giả, do tâm ái dục, ngã mạn, tà kiến, cho mình đã
đắc đạo quả, không tiến tới và bị kẹt ở Tuệ thứ III, nên gọi
là phiền não vi tế.
Sau đây là 10 vi-tế phiền não:
1. Obha - Ánh sáng - Tùy người, ánh sáng phát
sanh lúc ngồi tham thiền, hoặc lúc đi kinh hành. Ánh sáng có thể yếu ớt
như đom đóm, rõ hơn như bóng đèn pin. Có khi sáng loà như đèn pha xe hơi,
xẹt qua xẹt lại. Đại Đức Thiền Sư Raja Siddhimuni thuật chuyện, lúc
Ngài mới hành Minh-Sát-Tuệ tại Thiền-đường chùa Mahadhatu thấy ánh
sáng lần đầu tiên. Ngài tưởng mình đã đắc quả Tu-đà-hườn. Vì
Ngài đã học xong Pháp học (Abhidhamma, Vi Diệu Pháp), trong đó nói rằng
ánh sáng cũng là một trong những triệu chứng đắc đạo quả. Một lúc
sau, Ngài thấy ánh sáng lại xẹt qua xẹt lại. Ngài mừng quá nghĩ rằng mình
đắc quả Tu-đà-hườn rồi. Kế đó Ngài đau bụng, đứng dậy về cốc
kiếm thuốc uống. Khi ra tới cửa có người gác cửa hỏi "Ngài đi đâu?"
"- Tôi đau bụng quá, định về Cốc lấy thuốc uống." "Không
được, Ngài phải trở vô, ngồi lại, niệm 'đau bụng à, đau bụng à'
thì hết đau bụng". Đại Đức trở lại ngồi, niệm it tiếng
"đau bụng à" thì hết đau bụng. Ngài tự xét mình chưa đắc quả,
đây chẳng qua là Ma Vương nó quấy phá. Người gác cửa mà còn biết hơn
mình. Vì vậy Đại Đức dạy Hành-giả khi thấy ánh sáng, phải niệm
"thấy à" thì ánh sáng mất.
Đại Đức Raia Siddhimuni nhắc thêm một tích nữa. Thuở xưa
có một vị Thiền Sư chưa đắc đạo quả mà tự cho là mình đã đắc quả
A-la-hán. Ngài dạy cho nhiều đệ tử, cũng có người đắc đạo quả. Ngài
biết thần thông, biến hoá các thú như voi, cọp, sư tử. Trong số đệ tử
Ngài, có một Sadi đã đắc quả rồi. Ngày nọ Sadi đến thăm thầy và bạch
thầy: "Xin Đại Đức biến một con voi cho tôi coi" "- Được,
Sadi sẽ coi đây". Rồi Đại Đức Thiền Sư liền hoá phép một con voi
to tướng hiện ra cho Sadi xem. Sadi nói tiếp: "Ngài bảo con voi đút vòi
vào mồm" "- Được, xem đây, voi đút vòi vào mồm." "Ngài
cho con voi rống coi." "- Được, xem đây, voi rống to lên."
"- Ngài cho voi chạy coi chơi?" Lúc ấy Đại Đức Thiền Sư sợ voi
chạy đạp bể đổ hết đổ trong chùa, Ngài định chận voi lại. Sadi kéo
y Ngài lại và nói: "Một vị A-la-hán không còn sợ voi đạp bể đồ".
Đại Đức sực tỉnh lại, biết mình chưa đắc đạo quả gì. Sadi chỉ
cho thầy mình hành lại cho đến khi đắc đạo quả thật.
2- Piti - Phỉ lạc - Có năm loại phỉ lạc:
a) Neo-piti - Phỉ lạc chút ít, như rởn ốc, rùn mình, mát
mẻ, xây xẩm chút ít, thấy trong mình như nặng nặng, chảy nước mắt.
b) Khamikapiti - Phỉ lạc chốc lác. Hành-giả thấy màu đỏ,
ánh bình minh, thấy như rát rát ở thân, như ruồi bay hay kiến bu nhột nhột,
như kiến bò ở mặt, ở tay, ở lưng. Hành-giả rờ, phủi, thấy không có
gì hết. Khi nghe tim run run như mất ngủ, có khi thấy như cây cấm dưới
nước, bị nước chảy làm rung rung vậy.
c) Okkantikapiti - Phỉ lạc trong một cơn hay hải-triều-hỉ.
Hành-giả thấy như sóng tấp vào mình, thân mình lúc lắc, nghiêng qua,
nghiêng lại, hất tay, hất chân, có khi muốn ói hoặc ói thật.
d) Ubengapiti - Hân hoan phỉ lạc. Thân hành-giả nhẹ nhàng,
cao lên, đụng trần nhà. Có khi thân hỏng lên khỏi chỗ ngồi một gang.
Đại Đức Raja Siddhimuni nhắc tích một Sadi 19 tuổi, gọi là "Sadi
bay". Cách nay ít năm, tại chùa Mahadhatu, có một Sadi lúc đi kinh-hành,
phỉ lạc Ubengapiti phát sanh. Nhằm lúc Sadi nhớ mẹ, muốn về nhà thăm mẹ
ở ngoại ô Bangkok, Sadi liền bay thẳng về nhà lúc đêm khuya. Các anh ra mở
cửa hỏi: "Sao em về khuya vậy?" "- Nhớ mẹ quá em bay về
". Khi trở lại chùa, Sadi phải đi bộ, vì không bay được nữa.
Phỉ lạc này phát sanh làm Hành-giả gục tới, gục lui, hoặc
xây qua, xây lại, khi thì hả miệng nhóp nhép như lầm thầm chửi ai.
e) Pharamapiti - Phỉ lạc tràn ngập - Hành-giả thấy mát cả
châu thân. Có khi ngứa cả châu thân, gải rồi ngứa nữa, có khi mát lạnh
như ngồi trên nước đá. Có khi thấy màu đẹp như ngọc bích, như màu đọt
chuối.
Đấy là hết 5 loại phỉ lạc. Hành-giả có 1 hay 2 loại
nào cũng tốt, không cần phải có đủ 5 loại. Điều cần nhất là khi phỉ
lạc phát sanh, Hành-giả nhớ niệm "rởn ốc à", "rần rần
à", "ngứa à, nhẹ hỏng à, mát mẻ à, xây à", v.v... Nếu
không niệm, Hành-giả sẻ dính mắc ở đó, không tiến được. Phải niệm
cho mất phỉ lạc.
3. Sukha - Sự an vui - Đây là sự an vui của Chư
Thiên. Vì là sự an vui chưa từng thấy, Hành-giả tưởng là Niết-Bàn,
nên mắc dính ở đó. Đại Đức Raja Siddhimuni nhắc chuyện một Hành-giả
người Hoa-Kỳ, gốc ở California, hành Thiền Minh-Sát tại chùa Mahadhatu.
Khi được Sukha phát sanh, tìm đến vị Thiền sư bạch rằng "Bạch Ngài,
trên 30 năm nay, tôi mới có được an vui như ngày hôm nay khi tôi ngồi thiền.
Xin Ngài cho tôi xuất gia." Đại Đức Thiền sư khuyên Hành-giả nên tiếp
tục hành cho xong. Hiện nay người Mỹ này đã xuất gia và còn tu học tại
chùa Mahadhatu, Bangkok.
4. Passaddhi - Tịnh - Lúc niệm, Hành-giả thấy từ
từ nhẹ nhẹ, ít ít, rồi mất, như mê vậy. Hành giả tưởng mình đã đắc
đạo quả. Hành-giả tưởng mê là tịnh, là Niết Bàn.
Tịnh là Thiện pháp, song bởi Hành-giả tham dục, ngã mạn,
tà kiến, chấp dính, không tiến tới, cho nên gọi là vi-tế phiền não.
5. Saddha - Đức tin - Lúc Hành-giả đang hành Tuệ
III, đức tin phát sanh mạnh mẽ. Hành-giả suy tính liên miên, phát tâm muốn
làm phước, muốn đền ơn Thầy tổ, muốn trả ơn cho bạn bè đã dìu dắt,
chỉ bảo, khuyến khích các người chưa biết Thiền-Minh-Sát, nên hành Thiền-Minh-Sát.
Đức tin là Thiện pháp, nhưng Hành-giả vi tính toán về vị lai, vì để tâm
suy nghĩ về quá khứ mà quên hiện tại, không hành cho đến nơi đến chốn.
Vì đó mà đức tin biến thành vi tế phiền não.
6. Paggàha - Tinh tấn - Pháp Tinh Tấn phát sanh,
Hành-giả hành hoài, không biết mỏi mệt, không nghỉ ngơi. Hết đi rồi
ngồi. Ban đêm cũng ít ngủ. Vì tinh tấn quá mức lại ít ngủ, nên làm
Hành-giả kém trí nhớ, có hại cho sức khoẻ. Đây là vi tế phiền não.
7. Upatthana - Trí nhớ - Khi trí nhớ phát sanh,
Hành-giả tự thấy mình sáng láng, hiểu biết nhiều. Thường thường Hành-giả
nhớ tới những chuyện viễn vông ở quá khứ rất rõ ràng, rồi lơ là
không tiếp tục hành thiền cho đến tiến hoá. Đó cũng là vi tế phiền
não.
8. Panna - Tuệ - Tuệ biết chúng sanh là Danh Sắc,
không có nhơn, ngã, bỉ thử, thú, người, trời. Nhớ lời Đức Phật dạy:
"Này Mokkharàja, người nên biết rằng thân thể này là vật rỗng
không, là vô ngã. Như vậy tử thần theo không kịp". Khi tuệ phát sanh
mạnh, nếu Hành giả là người biết Pháp học (Abhidhamma) thường đem đó
ra bình phẩm. Hành-giả nghĩ sau này mình sẽ thuyết pháp giỏi, nghĩ chuyện
vị lai, bình phẩm cái hiện tại, quên lo hành. Như thế gọi là vi tế phiền
não.
9. Upekkha - Xả - Khi pháp này phát sanh, Hành-giả
tự thấy mình có tâm bình thản, không buồn, không vui. Ai làm gì cũng dửng
dưng, không thỏa thích, cũng không giận hờn. Có người nghĩ rằng mình đã
đắc đạo quả vì không còn phiền não khuấy động. Nghĩ như vậy là
sai, vì Hành-giả chưa đắc gì cả.
10. Nikanti - Vọng - Hành-giả có tâm mong muốn
thấy lại các ấn chứng mà mình đã thấy rồi như ánh sáng, rừng, núi,
sông, rạch, nhà, cửa, dinh thự. Muốn thấy lại các hình ảnh hoặc đẹp
như đàn bà, cô gái hoặc xấu xí như ngạ quỉ, a-tu-la hoặc thú vật. Những
người có tánh sân, thường thấy thú dữ hoặc những cảnh đáng ghê sợ.
Người có tánh tham, thường thấy cảnh đẹp đẻ. Người có tánh si, thường
thấy những cảnh lu mờ không rõ rệt.
Trong 10 vi tế phiền não vừa kể trên, Hành-giả ít khi có
đủ hết 10 phiền não vừa kể trên, mà có một số ít thôi, thí dụ có
phỉ lạc, ánh sáng, hoặc pháp an vui.
Đại Đức Thiền Sư giải thích rằng 10 pháp vi tế phiền
não này đều là Thiện pháp, vì những pháp này đều có trong 37 Pháp chứng
quả Bồ-Đề. Song đến Tuệ III, Hành-giả thường mắc dính ở đây, do
tâm Tham dục, Ngã mạn và Tà kiến; 3 Pháp nầy kết hợp với mỗi pháp vi
tế phiền não kể trên, thành ra đến 3 x 10 = 30 Pháp vi tế phiền não.
Tuệ thứ III là ranh phận của Thiền Chỉ (Samatha) và Thiền
Minh-Sát (Vipassana), 95% Hành-giả đều bị kẹt ở đây vì tưởng mình đã
hành xong, vì đã đắc đạo quả rồi. Vì tưởng sai nên không tiến tới
kết quả thật sự.
Tuệ
thứ IV - Udayabbayanàna - Tuệ thấy sự Sanh-Diệt của Danh Sắc.
Tuệ thứ IV là Tuệ khởi đầu về Thiền Minh-Sát chánh thức.
Ba Tuệ trước còn đi chung với Thiền Chỉ (Samatha). Tuệ thứ IV có 2 điểm
đặc biệt:
1.- Hành-giả ngồi niệm Phồng Xọp, thấy nhiều cảnh vật,
ánh sáng, sông núi, chùa, tháp, có khi thấy Tiên, Phật. Nếu Hành-giả niệm
"thấy à" mà các hiện tượng lâu mất, có nghĩa là Hành-giả chưa
qua Tuệ thứ IV. Nếu niệm "thấy à" mà các hiện tượng mất liền,
thì Hành-giả đã qua Tuệ thứ IV. Đó là Pháp Sanh-Diệt của Danh Sắc.
Các ấn chứng phát sanh lên cho Hành-giả thấy là Sắc. Hành-giả thấy biết
là Danh. Khi niệm "thấy à" mà ấn chứng mất là Diệt. Đó là sự
Sanh Diệt của Danh Sắc.
Tại sao phải niệm cho mất? Là vì tất cả những cảnh hiện
ra do Tâm cấu tạo, là cảnh giả, chúng sanh muốn giải thoát phải diệt tất
cả cái giả tạo. Đại Đức Thiền Sư lập lại Phật ngôn:
"Người thấy Pháp Sanh-Diệt của Danh Sắc, dù là
có sanh mạng chỉ trong một ngày, cũng quí báu hơn kẻ không thấy pháp
Sanh Diệt của Danh Sắc, sống đến trăm tuổi". (Kinh Pháp Cú)
Người hành Thiền Chỉ (Samatha) không thấy Pháp Sanh Diệt
của Danh Sắc.
2.- Về thọ khổ, Hành-giả ngồi hoặc đi thấy nhức mỏi
nhiều, tê nhiều. Song khi niệm, thì các thọ khổ mất mau lẹ. Như niệm
"tê à" thì hết tê, niệm "nhức à" là hết nhức. Đó là
điểm đặc biệt của Tuệ thứ IV.
Có khi Hành-giả như ngủ gục, có lúc lại ngả ngữa ra,
phía sau. Có khi thấy như nghẹt nghẹt. Hoặc giả niệm thấy Phồng Xọp
nhanh lên rồi diệt mất.
Nếu Hành-giả có Tuệ thứ IV phát sanh rõ rệt và mạnh mẻ
thì Hành-giả có hy vọng đi đến bậc cao.Nếu còn yếu, nghĩa là Tuệ thứ
IV yếu, thì phải cần hành lại cho có pháp Sanh-Diệt rõ rệt, sau nầy mới
có kết quả.
Tuệ thứ
V - Bhanganàna - Tuệ Diệt
Hành đến đây, Hành-giả thấy thân thể nhẹ nhàng, niệm
"Phồng à, Xọp à", không thấy rõ rệt rồi mất. Khi niệm thấy
Phồng lên lâu rồi mới Xọp, Xọp lâu lâu rồi mới Phồng lại. Có khi Phồng
với Xọp cách nhau xa lắm. Có người thấy trằn trằn, hoặc như xây xẫm,
hoặc cảm thấy như cơ thể mất hết, chỉ có Tâm thôi. Có người thấy
như mất một tay, hoặc như mất một chân. Hoặc thân nhẹ như bông gòn.
Có khi hai tay để chồng lên mà không biết. Đây là Pháp Diệt.
Đến Tuệ thứ V này, Hành-giả đã bỏ chế-định
(Pannatti) và nhận thức của bản thể (Paramatthi). Tuệ I, II, III còn là chế
định. Qua Tuệ IV, V là Bản thể. Vì Hành-giả không có Pháp học
(Abhidhamma) nên khó nhận rõ, vì Tuệ phát sanh lối 5 phút rồi diệt.
Tuệ thứ
VI - Bhayanàna - Tuệ Sợ
Tuệ này cũng như Tuệ thứ V, phát sanh không lâu rồi diệt.
Hành-giả ngồi niệm " Phồng à, Xộp à " rồi phát sanh sợ. Không
phải sợ ma quỉ, không phải sợ trộm cướp hoặc kẻ thù. Không biết sợ
cái gì mà Tâm phập phồng lo sợ, rồi có khi khóc một mình. Có người thấy
ớn ớn. Hành-giả sợ như thấy người leo lên cây cao hoặc thấy người
đứng cạnh hố sâu, nếu té xuống chắc chết. Hành-giả sợ cho mình hoặc
sợ cho người khác. Đó là Tuệ thứ VI, phát sanh không lâu, rồi mất. Nếu
Hành-giả không để ý, không nhận biết.
Tuệ thứ
VII - Adinavanàna - Tuệ thấy Hiểm Nguy của Ngũ uẩn.
Ngũ uẩn là gì? -Là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc
là sắc Thân. Còn Thọ, Tưởng, Hành, Thức là Tâm hay Danh. Ấy vậy, Ngũ uẩn
hay Danh Sắc cũng đồng một nghĩa.
Hành-giả khi ngồi niệm thấy Phồng-Xọp mất, có khi quên
niệm "mất à" rồi "biết à". Hỏi biết cái gì? Biết
thân ngũ-uẩn này là Tứ-đại: đất, nước, lửa, gió. Phồng Xọp mất
là Danh Sắc mất, mà Danh Sắc là Ngũ-uẩn. Hành-giả sợ thân này mất.
Các thọ khổ lại xuất hiện lại như nhức, mỏi, tê, mệt. Có lúc
Hành-giả thấy lông nheo đâm vào mắt, nhức mỏi khó chịu, lổ tai lùng
bùng, hoặc đau bụng, hoặc ngứa ngáy cùng thân thể. Hành-giả suy nghĩ:
"Tại ta có thân ngũ-uẩn này nên ta phải chịu các bệnh tật, khổ
não." Trí tuệ phát sanh, Hành-giả chán nãn.
Theo trong kinh nói có cả thảy 59 hay 96 thứ bệnh có thể
phát sanh khi Hành-giả đến Tuệ thứ VII này. Các bệnh cũ có thể tái
phát. Thí dụ: có một Hành-giả có bệnh lên máu. Lúc ấy, bệnh lên máu
phát sanh lại, lấy máy đo thấy máu lên cao. Hành-giả niệm "lên máu
à", ít lâu sau thấy máu giảm xuống. Có khi bệnh hết luôn. Nếu bệnh
trở lại, Hành-giả cũng niệm như cũ, bệnh dứt.
Hành-giả suy xét thì tại có thân ngũ-uẩn này, có Danh Sắc
này nên phải thọ khổ, thọ bệnh hoạn. Suy xét như vậy. Hành-giả thấy
tội của ngũ-uẩn, nên có tâm chán nãn không muốn có thân nầy nữa.
Tuệ thứ
VIII - Nibbidanàna - Tuệ Chán nãn.
Hành-giả niệm "Phồng à, Xộp à" thấy Danh Sắc mất,
có diệt, gục. Lúc này tâm tánh Hành-giả như khô khan, như cây cỏ ở giữa
trời nắng, như cảnh vật đồng ruộng lối tháng 2, tháng 3, sau mùa gặt,
trời nắng, đất nẻ, cây cỏ đều khô. Hành-giả có tánh gắt gỏng, ưa
ở một mình nơi thanh tịnh, ai nói động một chút cũng không chịu. Thí dụ:
chồng hành Thiền, vợ đem cơm trể một chút là giận, là cằn nhằn vợ
không quan tâm chú ý. Hành-giả có tâm tánh thay đổi, ai nói phải cũng cho
là quấy cả. Không muốn tiếp bè bạn. Tiếng động trước kia không sao,
bây giờ tiếng động làm cho điếc tai, chán nãn. Trước kia Hành-giả muốn
quyền thế, công danh tiền của cho nhiều, bây giờ cho điều đó là phù
du. Trước kia muốn sanh về cõi Trời, muốn làm Phạm-thiên, nay thấy Trời,
Người, Phạm thiên cũng đều là Danh Sắc. Chỉ có Niết Bàn là diệt được
tất cả. Tâm Hành-giả hướng về Niết Bàn.
Ba Tuệ vừa kể trên, Tuệ thứ VI, thứ VII nà thứ VIII,
tuy khác danh từ, nhưng cũng đồng có một nghĩa. Ba Tuệ này đều có liệt
kê đủ trong quyển Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga). Tuệ còn yếu là Tuệ Sợ
(VI). Tuệ bậc trung là Tuệ thấy Tội của Ngũ-uẩn (VII). Tuệ bậc cao là
Tuệ Chán nãn (VIII).
Cả ba Tuệ đều tựa vào nhau. Hành-giả có khi không thể
phân biệt rõ rệt hết được.
Tuệ thứ
IX - Mũncitukamyatanàna - Tuệ muốn Giải thoát.
Do sự chán nãn vừa qua, Hành-giả không còn muốn có cái
thân này, hoặc muốn bỏ cốc, bỏ chùa, tìm một nơi nào thanh tịnh hơn,
được khoẻ khoắn hơn. Khi Hành-giả niệm "Phồng à, Xọp à, Ngồi
à, Đụng à" thì như có con rệp, con mạt làm cho thân mình ngứa ngáy
khó chịu, gải không biết đã. Ngồi thì thấy ngứa, xả thì hết ngứa.
Có người tưởng rằng có rệp có rận gì đây, đem mền, chiếu giũ,
nhưng không thấy gì cả. Chẳng qua đây là sự biểu lộ của bản thể
(Paramattha). Có khi Hành-giả thấy như ai đem mũi sắt nhọn đâm vào thân
mình. Có người nói nghe ngực nóng lên. Người khác nói: "miệng ngáp
lên, ngáp xuống hoài, hoặc đầu lắc lư như quây". Có người ngồi
khóc sướt mướt một mình mà không biết khóc chuyện gì.
Có Hành-giả suy tư muốn bỏ chùa về nhà, có người muốn
đi thiệt, nói rằng: "Mình hết phước rồi! Hành đến đây, chán
quá, không tiến tới được nữa!".
Đaị Đức Thiền Sư Raja Siddhimuni thuật tích một Hành-giả,
người Anh, hành ở chùa Mahadhatu, cách ít năm về trước. Khi Hành-giả đến
Tuệ thứ IX này, ông chán nãn tính bỏ chùa, trốn về Anh-quốc. Thừa dịp
Đại Đức Thiền Sư vắng mặt (Ngài đi dự lễ dâng y ở ngoại ô
Bangkok), Hành-giả người Anh này, cuốn hết đồ đạt vô va-li, dặn người
gác chùa "Tôi về khách sạn, chờ máy bay trở về Luân Đôn, anh bạch
lại giùm với Ngài Thiền Sư." Khi Đại Đức Thiền Sư về đến chùa
chiều tối mới hay tự sự. Ngài kêu điện thoại lại khách sạn hỏi
Hành-giả "Sao ông trở về khách sạn?" "-Tôi chán nãn quá rồi,
có lẻ tôi hết phước rồi, hành không tiến tới". "Ông hành đến
Tuệ thứ IX là Tuệ cuốn chiếu, tốt lắm. Ông nên trở lại."
Hành-giả mừng quá, cười ngất, hứa xách va-li trở lại chùa Mahadhatu. Hiện
nay Hành-giả này đã xuất gia và còn tu học tại chùa Mahadhatu.
Riêng về phần tôi (Trương-văn-Huấn), khi hành đến đấy,
cũng chán nãn, không phải muốn trốn, vì không nói được một tiếng Thái,
trốn đi đâu, rồi ở đâu? Lúc ấy tôi hành tại chùa Parinayok (Bangkok),
nhờ có ba nhà sư Việt-Nam dịch giùm các phúc trình. Đại Đức Thiền Sư
chùa Parinayok không khi nào cho Hành-giả biết đã hành đến bậc nào, Tuệ
thứ mấy. Vì chán nãn, buồn quá, tôi mời 3 vị sư Việt-Nam là Đại Đức
Kim-Quang, Sư Giác-Tuệ và Sư Hộ-Giới cùng họp tại cốc tôi tại chùa
Parinayok. Tôi trình cho quí Ngài hay rằng tôi không muốn hành nữa vì chán
quá, hết phước rồi, hành không tiến tới. Tôi muốn kiếm một ông Thiền
Sư khác, ở chùa khác, vì có lẽ Ngài Thiền Sư ở đây (Đại Đức
Sang-Wan) dấu nghề như các thầy võ bên ta. Sư Hộ-Giới liền cản tôi
"Ông đừng nói vậy, phạm tội à! Quý Ngài Thiền Sư không dấu nghề
như các ông thầy dạy võ đâu!"
Câu chuyện bàn tán chưa xong, lúc ấy có Ngài Phó Thiền Sư
là Đại Đức Som-Bạt đi ngang qua cốc tôi, thấy có đông người. Ngài bước
vào, chúng tôi đảnh lễ Ngài và luôn dịp tôi xin Ngài cho tôi biết đã
hành đến đâu và tôi tính rời chùa đi nơi khác. Đại Đức Som-Bạt hỏi
qua cách hành của tôi, rồi Ngài nói: "Ông đã đến Tuệ thứ IX là Tuệ
cuốn chiếu. Chẳng riêng gì cư sĩ thường năm ở Thiền đường này, các
vị Tỳ Khưu Thái-Lan, khi hành đến Tuệ thứ IX, các Ngài cũng muốn trốn,
trở về chùa của mình. Nếu Thiền Sư hay đặng, kêu lại giải thích thì
họ ở lại. Nếu không có Ngài ở đó để giải thích, họ cũng đi luôn".
Đại Đức Raja Siddhimuni còn thuật lúc Ngài đi truyền bá
Phật-pháp tại Luân Đôn. Ngài có mở một lớp dạy Thiền-Minh-Sát Tuệ.
Trong số Hành-giả có 4 ông trưởng giả hành đến Tuệ thứ IX, cũng chán
nãn, bỏ tịnh xá trốn về nhà. Vì trước khi đi 4 ông có đãi tiệc, giả
từ các bạn cùng hành Thiền một lớp. Khi hay được 4 ông bỏ đi. Đại
Đức Thiền Sư cho mời trở lại, giải thích, song 4 ông không trở lại,
vì đã lỡ từ giả anh em rồi. Đại Đức mới phái một vị Phó Thiền Sư
đến chỉ bảo cho 4 ông trưởng giả ấy. Khi hành xong, 4 ông rất thích
thú, hiến dâng cho Ngài Thiền Sư một biệt thự ở ngoại ô Luân Đôn, để
làm Trung Tâm Thiền đường dạy Minh-Sát-Tuệ, hiện nay còn hoạt động
ở Anh Quốc.
Đại đức Raja Siddhimuni nói không riêng gì người thế mà
cả nhà Sư cũng thường cuốn gói, có vị trốn luôn, có vị đi rồi trở
lại. Vị nào muốn trốn, mà Thiền Sư không cho thì van lơn, hoặc có thái
độ không tốt đẹp nói: "Tôi nóng nảy, bực bội khó chịu quá. Nếu
không cho tôi về, tôi nổi cơn điên lên đây mà coi!".
Tuệ thứ
X - Patisankhanàna - Tuệ Suy Tư
Hành-giả khi ngồi cảm thấy có kim đâm nhức tới xương,
hoặc như có ai treo đá nặng cả mình, hoặc thấy thân mình bị cưa từng
khúc. Tuệ này ôn lại các Tuệ trước, Hành-giả thọ khổ nhiều và niệm
cũng mau mất. Hành-giả hết chán nãn, trái lại, dù thọ khổ nhiều,
Hành-giả cũng tinh tấn hành hoài không muốn nghĩ, cố hành thật sự,
không đòi về nhà nữa.
Trạng thái Tuệ thứ X rất dễ nhận xét như bị kim châm,
thân mình nặng, nóng như bỏ trong lửa, lạnh như ngồi trên nước đá, như
có ai lấy cưa cưa bụng, hay ai đóng đinh vào bụng. Tuệ này phát sanh
không lâu rồi diệt, chỉ lối 5 phút là qua rồi.
Tuệ thứ
XI - Sankharùpekkhanàna - Tuệ Xả Hành
Hành-giả đến Tuệ thứ XI thấy thân thể nhẹ nhàng, Tâm
cũng nhẹ nhàng. Dù không cố gắng, Hành-giả cảm thấy niệm dễ dàng,
lúc đi kinh hành cũng như lúc thiền.
Tuệ thứ XI rất quan trọng, do đó có 6 chi sau đây:
1) Hành-giả không buồn, không vui, có tâm xả. Có trí nhớ
theo dõi các điểm đụng ở hai vòng vai.
2) Hành-giả không vui thích với ngũ-uẩn và cũng không còn
sợ ngũ-uẩn.
3) Hành-giả không cố gắng, mà niệm dễ dàng như có cố
gắng.
4) Hành-giả có thể đi kinh hành lâu, hoặc ngồi lâu không
thấy mệt mỏi.
5) Hành-giả khi niệm Phồng, Xọp, Ngồi, Đụng, thấy rõ rệt,
lần lần nhỏ nhỏ, vi tế, không thô như trước.
6) Tâm Hành-giả luôn luôn khắng khít với các điểm đụng
trong thân, Tâm không phóng túng nữa.
Đại Đức Thiền Sư nhấn mạch rằng khi có đủ 6 chi này,
đạo quả mới phát sanh. Nếu không có đủ 6 chi mà nói có đạo quả là
giả dối. Trong 6 chi có cái nhanh, cái chậm, có cái dễ thấy, có cái khó
thấy vì phát sanh nhanh rồi diệt. Nhứt là cái chi thứ 6 phải cần cho thấy
rõ rệt.
Nếu Hành-giả là người đã có Pháp học (Abhidhamma) thường
hay móng Tâm (móng là tham) cho nên lâu có kết quả, vì 6 chi trồi sụt, mất
nhiều thời giờ, mà đạo quả không phát sanh.
Có 3 trạng thái cần phải biết:
- a) Nếu Tuệ thứ XI yếu, không thể đi đến Niết-Bàn.
- b) Nếu Tuệ thứ XI vừa, cũng không đi đến Niết-Bàn.
- c) Nếu Tuệ XI mạnh, Hành-giả có thể đi đến Niết-Bàn. Nói "có
thể" là vì cần phải có Tuệ thứ XII giúp đở mới đắc đạo quả
được.
Tuệ thứ
XII - Anulomanàna - Tuệ Thuận-Thứ
Tuệ thứ XI và XII còn có tên chung là Tuệ "Hướng về
Niết-Bàn". Hai tuệ này quan hệ, vì nó giúp đỡ cho nhau. Đại Đức
Thiền Sư thường nhắc Hành-giả niệm cho ngũ-căn được thăng bằng.
Ngũ-căn là Tín-căn, Tấn-căn, Niệm-căn, Định-căn và Tuệ-căn.
Tín-căn đi đôi với Tuệ-căn. Nếu Đức-tin nhiều hơn Trí-tuệ
thì sanh ra tà-kiến. Nếu Tuệ-căn nhiều mà Tín-căn ít, sanh ra hoài nghi.
Tấn-căn đi đôi với Định-căn. Nếu Tinh-tấn nhiều Định
ít, thì sanh ra phóng tâm. Trái lại Định nhiều mà Tinh-tấn ít thì sanh ra
Hôn-trầm.
Hành-giả cần phải sửa đổi cho Ngũ-căn được thăng bằng,
nhứt là 4 căn kể trên. Còn Niệm-căn là chủ, phải niệm cho nhiều, càng
nhiều càng tốt. Niệm là Sati, là Trí-nhớ. Niệm, tỷ như người cầm
cương của 4 con ngựa kéo xe. Con ngựa nào làm biếng, cho nó một roi, con
ngựa nào siêng quá kéo cương bớt lại . Lúc Hành-giả đi kinh hành, chú
tâm ở chân và niệm, Định nhiều hơn, Tinh-tấn ít. Bời vậy thời gian
đi và ngồi phải cho bằng nhau. Nếu đi kinh hành 1 giờ, thì ngồi cũng 1
giờ.
Tuệ thứ XII còn gọi là Tuệ "Ôn lại", vì khi
hành, Hành-giả liên tiếp ôn lại từ Tuệ thứ IV đến Tuệ thứ XI. Đến
đây phát sanh tam-thập-thất Bồ Đề phận (37 Pháp chứng quả Bồ Đề) là
Tứ niệm-xứ, Tứ chánh-cần, Tứ như-y-túc, Ngũ-căn, Ngũ-lực, Thất giác-chi,
Bát chánh-đạo.
Hành-giả như người sắp sửa muốn nhảy qua một cái mương.
Chạy lui, chạy tới, để lấy trớn. Chạy tới có nghĩa là ôn xuôi, là
Thuận thứ (anulomà); chạy lui nghĩa là ôn ngược, là Nghịch-thứ
(Patilomà).
Đến Tuệ thứ XII, Tam tướng phát sanh rõ rệt:
1) Hành-giả niệm "Phồng à, Xọp à, Ngồi à, Đụng
à" lần lần nhanh lên, nhanh lên rồi diệt, niệm "mất à, biết
à", Phồng-Xọp trở lại. Đó là vô thường. Hành-giả bíết lúc niệm
diệt ở Phồng, hay ở Xọp. Người nầy do quả bố thí và trì-giới từ
kiếp trước nên thấy rõ vô thường.
2) Khi niệm "Phồng à, Xọp à, Ngồi à, Đụng à",
Hành-giả thấy nhẹ dần dần, rồi yếu dần dần; ở đây không nhanh, chỉ
nhẹ nhẹ, rồi yếu dần dần rồi diệt liền. Hành-giả biết diệt lúc
nào, ở Phồng, ở Xọp, ở ngồi, hay ở đụng. Đây là Vô-ngã rõ rệt.
Người nầy có Trí-tuệ mạnh, người có lưu tâm đến Thiền Minh-Sát ở
kiếp quá khứ.
3) Hành-giả niệm thấy nghẹn nghẹn khó thở rồi diệt liền.
Đó là khổ-não. Người nầy thường quan-tâm đến Thiền Chỉ ở kiếp quá
khứ.
Một trong 3 pháp nầy cũng đủ rồi. Tùy theo Hành-giả, có
khi 3 Pháp cùng phát sanh một lúc.
Nên chú ý, Tam tướng không tách rời nhau. Theo kinh Đức Phật
dạy, khi thấy vô-thường, thì cũng thấy khổ-não, vô-ngã. Khi thấy khổ-não
thì cũng thấy vô-thường và vô-ngã. Khi thấy vô-ngã, thì cũng có vô-thường
và vô-ngã. Thấy 1 trong 3 Pháp nào cũng gọi là thấy cả 3 Pháp. Nhưng tùy
duyên, tùy nghiệp, khiến cho Hành-giả chú ý cái nào nhiều hơn thì thấy
cái đó rõ rệt hơn 2 cái kia. Thí dụ như chúng ta nhìn vào mặt người nào,
chú ý nơi cặp mắt, thì chúng ta thấy đôi mắt rõ hơn, trong khi ấy cũng
thấy mũi, miệng vậy nhưng ít rõ hơn.
Thí dụ: Hành-giả niệm "Phồng à, Xọp à" rồi
nó nhanh lên, đó là vô-thường. Khi hết nhanh rồi nó diệt vì Danh Sắc chịu
không được phải diệt, đó là khổ-não; bắt buộc đừng cho diệt không
được, là vô-ngã.
Từ Tuệ thứ I đến Tuệ thứ XII là phàm tuệ.
Từ Tuệ XIII đến Tuệ thứ XVI là Thánh-tuệ.
Tuệ thứ
XIII - Gotrabhunàna - Tuệ Chuyển Tánh
(còn gọi là Tuệ "Cắt dòng phàm")
Pháp nầy Hành-giả khó biết được. Khi Hành-giả niệm
"Phồng à, Xọp à", liền đó diệt phụp; cảm giác biết diệt
ngay ở Phồng hay ở Xọp, không có tới 1 giây đồng hồ, chỉ có một
chút bằng sợi tóc, biết nó diệt. Sau khi diệt, mất cảm giác một chút,
gọi là Chuyển-tánh hay là Gotrabhu. Kế tiếp mất cảm giác một chút nữa,
có diệt phụp. Đó là Đạo Tuệ (Magganàna). Rồi tiếp theo diệt phụp 2 lần
nữa là Quả-Tuệ (Phalanàna). Tất cả có 17 nấc tâm, thời gian lấy ngón
tay gỏ cộp là 17 nấc tâm đã dứt. Trong 17 nấc tâm đó, nấc tâm 1 là niệm
(Parikama), nấc tâm 2 là cận (Upacàra), nấc tâm 3 là thuận-thứ (Anulomà),
nấc tâm 4 là chuyển tánh (Gotrabhu), nấc tâm 5 là đạo (Magga), nấc tâm 6
và 7 là quả (Phala) v.v... Có một chút xíu thôi, 17 nấc tâm đem ra thực hành
để đến Đạo-Quả. Nấc tâm Hữu-phần (Bhavanga) phát sanh, Hành-giả biết
mình, tự nghĩ : -"Nảy giờ ta ngủ quên à?"
Chỉ có một chút thôi, Tuệ XIII, XIV, XV phát sanh mà
Hành-giả không biết được. Nếu nói theo Pháp-học (Abhidhamma) thì cho rằng
biết, nghĩa là biết Niết-Bàn, biết Xuất-thế hay ngoài thế-gian
(Lokuttora). Biết cái đó là cái không biết của chúng ta đây. Chúng ta
không thể so sánh cái biết thông thường của thế gian với cái biết xuất
thế là cảnh Niết-Bàn, vì nấc tâm khác nhau.
Hành-giả chỉ biết ở Tuệ thứ XII, đến Tuệ XIII, XIV,
XV, không biết. Hành-giả niệm "Phồng à, Xọp à", diệt phụp hồi
nào không biết, giựt mình nghĩ: -"Ta buồn ngũ hay sao? Nảy giờ ta quên
niệm?" Hành-giả từ Tuệ XIII đã vào ranh Niết-Bàn đó.
Thí dụ như người đu dây, định nhảy qua bờ bên kia. Khi
đặt chân được ở bờ bên kia, khi chân đạp đất là lấy Niết-Bàn
làm cảnh giới. Nhưng tay còn nắm dây đu, nghĩa là còn cảnh trần.
Hành-giả biết Niết-Bàn một chút thôi, song cũng biết Niết-Bàn (chuyển
tánh).
Ví như ta làm nước cam xong, lấy muổng múc một chút nếm
thử coi ngọt chưa? Biết ngọt hay chưa gọi là chuyển tánh (Gotrabhu). Khi
ta uống cam là phần Đạo-Tuệ (Magganàna), đến khi ta uống cho no đó phần
Quả-Tuệ (Phalanàna). Kinh Pali viết: "Khi đến Niết-Bàn, Hành-giả
không thể nói cho ai biết được." Tại sao? Niết-Bàn có hình dáng gì
không? -Không có. Có nhà cửa, cây cối gì không? -Không có. Có đất, nước,
lửa, gió không? -Không có. Vậy chớ Niết-Bàn là cái gì? -Niết-Bàn là nơi
thanh tịnh tuyệt đối, là nơi diệt Tham, Sân, Si.
Khi tâm Hành-giả xuống hữu-phần (Bhavanga) thì tuệ giác của
Hành-giả tự biết sự Diệt của Danh-Sắc như thế nào, biết nơi đó là
NIết-Bàn.
Tuệ thứ
XIV - Magganàna - Đạo-Tuệ
Đến đây phiền não bị cắt đứt. Hành-giả vừa đắc
Đạo. Trong 8 cái tham (Lobha), diệt hết 4 còn 4; trong 2 cái Si, diệt 1 còn
1; và 2 Sân-hận còn nguyên. Đến đây Hành-giả hết hoài nghi về tội phước,
về thiên đàng, địa ngục, về luân hồi, nhân quả. Pháp hoài nghi đến
Tuệ thứ XIV mới thật dứt. Những người không từng thực hành
Minh-Sát-Tuệ thì làm sao không hoài nghi? Thật đáng thương hại cho người
ấy. Chúng ta không nên cãi, dù có muốn sửa chữa cũng không được. Vấn
đề phải tự lực, chớ nhờ tha-lực không được. Đến Tuệ thứ XIV thì
tự nhiên hết hoài nghi. Con đường hành trình có đúng hay không, chỉ có
người đó biết, không còn tin ai nữa cả.
Tuệ thứ
XV - Phalanàna - Quả-Tuệ
Phát sanh trụ 2 tốc lực-tâm, riêng Hành-giả chỉ biết như
sau: Khi niệm "Phồng à, Xọp à, Ngồi à, Đụng à", nó nhanh lên,
nhanh lên rồi diệt phụp. Hành-giả tự nghĩ: Ta sao vầy, buồn ngũ hay sao?
Chỉ bấy nhiêu là xong rồi. Hành-giả đã đắc Quả-Tuệ. Có Phật ngôn: "Akaliko
là Pháp độ cho đắc Quả, không chờ ngày giờ, khi nào đắc Đạo thì đắc
Quả không chậm trể".
Hành-giả lúc diệt như ngủ quên, tự hỏi: -Nảy giờ ta
quên niệm sao? Đạo-tuệ và Quả-tuệ đi liền nhau. Hành-giả đắc
Tu-đa-hườn quả là Nhập-lưu hay Thất-lai, khi hết tuổi thọ, không còn sợ
đi vào 4 đường ác đạo.
Tuệ thứ
XVI - Pacechavkkhananàga - Tuệ Kiểm-soát Phiền-não và Tuệ Niết-Bàn.
Còn gọi là Tuệ "quay nhìn lại" hay "ôn lại",
vì Hành-giả như người bị kẻ nghịch rượt chạy. Chạy một đổi rồi
nhìn lại coi kẻ nghịch có theo chăng? Bởi vậy pháp hành đi nhanh từ Tuệ
thứ XIII, XIV, XV, đi qua nhanh lắm.
Bậc thánh nhơn luôn luôn suy xét Đạo-Quả Niết-Bàn, suy
xét phiền-não nào đã diệt. Người biết Pháp-học (Abhidhamma) thường hay
làm bài toán trừ để coi trong 12 phiền não là 8 tham, 2 sân, 2 si, cái nào
diệt cái nào còn. Đại Đức Thiền-Sư thường bảo Hành-giả phát nguyện.
Phát nguyện không phải là cầu nguyện cho đắc Đạo-Quả. Đây là phát
nguyện để xem các Tuệ cũ đã phát sanh, xin cho phát sanh lại, coi có đủ
hay không.
Trước hết Hành-giả nguyện xin cho pháp Sanh-Diệt phát
sanh thật nhiều trong 1 giờ, rồi trong nữa giờ, trong 20 phút, trong 10
phút, trong 5 phút. Kế đó, Hành-giả nguyện cho pháp Diệt và Thanh-tịnh
phát sanh trong 5 phút, trong 10 phút, trong 20 phút, trong nữa giờ, trong 1 giờ.
Diệt và Thanh-tịnh là pháp mà Hành-giả khi định tâm, không còn cảm
giác gì đối với cảnh trần bên ngoài, không còn nghe, không còn thấy biết
gì hết, hình như ngủ mà không phải ngủ.
Kế đó Hành-giả tập pháp Thuần-thục, nguyện cho diệt
và thanh tịnh 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ v.v... Hành-giả tập hành cho đặng pháp
Thuần-thục là để hưởng hạnh phúc Niết-Bàn. Hành-giả không nên buồn
phiền, nếu không có pháp Thuần-thục. Dù có, dù không cũng không quan hệ
lắm, vì Hành-giả đã qua Tuệ XIV và Tuệ XV rồi nghĩa là đã đắc Đạo-Quả.
Sau khi giảng xong 16 cái Tuệ của Thiền Minh-Sát, Đại Đức
Thiền sư khuyên Hành-Giả nên so sánh phần đầu, phần giữa, và phần
chót, coi có giống như đã hành không, và tự biết mình đã đắc đạo-quả
chưa. "Paccattam veditabbo vinnuhi" là Pháp mà các vị thiện-tri-thức
được biết, được thấy tự nơi tâm. Thiền Sư không có quyền phán đoán
chi cả. Chỉ có Đức Phật mới có quyền phán đoán mà thôi.
Sau khi xả, Hành-giả hành lại kỳ nhì cho phát sanh 15 Tuệ
(trừ tuệ thứ XII là Tuệ chuyển-tánh hay Gotrabbunàna) thì đắc quả
Tư-đà-hàm quả.
Hành lại kỳ thứ ba, cho đủ 15 Tuệ, Hành-giả đắc
A-na-hàm quả. Hành lại kỳ thứ tư, cho đủ 15 Tuệ, Hành-giả đắc A-la-hán
quả.
Đến đây là chấm dứt lý thuyết Pháp hành Minh-Sát-Tuệ
(Vipassana) tròn đủ 16 Tuệ.
-oOo-
Tứ-Diệu-Đế
(Ariyasacca)
Đại Đức Siddhimuni thuyết
tiếp về Tứ-Diệu-Đế hay Tứ-Thánh-Đế, là Pháp Cao Thượng, là Sự-Thật
làm người phàm trờ nên thánh, xa lìa phiến-não. Đức Thế Tôn hiệu Buddho,
bởi Ngài giác ngộ lý Tứ-Diệu-Đế và đem ra giáo hoá chúng sanh cùng biết
với.
Khi Hành giả hành Minh-Sát-Tuệ, mỗi câu niệm đều có Tứ-diệu-đế
phát sanh. Hành-giả nên phân biệt 2 phần: Phần phàm-đế và phần thánh-đế.
Từ Tuệ I đến Tuệ XII, là phàm-đế, Từ Tuệ XIII đến Tuệ XVI là
thánh-đế.
Theo Pháp-học (Abhidhamma, Vi Diệu Pháp), cần giải thích
lâu dài Khổ-đế, Tập-đế, Diệt-đế, Đạo-đế. Thuyết hằng giờ
chưa hết. Theo Pháp-hành, khi Hành giả niệm "Phồng à", bụng của
Hành-giả khởi sự phồng lên là Tập-đế (Samudaya). Trong kinh Pàli Tam Tạng
Patisambhidàmagga có ghi: "Sanh là sự phát khởi của Danh-Sắc, là Tập
(Samudaya)". Trạng thái của Danh-Sắc sanh lên rồi không chịu nổi gọi
là Khổ (Dukkha). Tại sao không chịu nổi? Vì có sanh, do có sanh là nhân,
nên khổ là quả. Trạng thái Phồng, sanh sanh lên, chịu không nổi gọi là
Khổ (Dukkha) phải Diệt (Nirodha). Tâm Hành giả niệm biết từ khi khởi Phồng
cho đến khi Phồng hết nổi phải Xọp, là con đường từ sanh đến diệt,
là Đạo (Magga). Bốn pháp Tập-Khổ-Diệt-Đạo, đều đồng nhứt, hiệp
nhứt, nghĩa là 4 pháp đồng sanh một lượt và mất một lượt. Pháp-hành
khác hơn với Pháp-học là chổ đó.
Muốn cho dễ hiểu, Đại Đức Thiền Sư nêu ra một thí dụ:
- Đây là cây nến (đèn cầy), tôi lấy diêm quẹt đốt lên.
Bốn hiện tượng phát sanh cùng một lúc: ánh sáng phát sanh, bóng tối tan
mất, đồng thời sáp cháy, tim cũng lụn. Bốn cái nầy đồng một lượt,
không trước (apubham) không sau (acariyam) như thế nào, Tứ-diệu-đế cũng
như thế ấy. Không phải như Pháp-học kể cái nầy Khổ, rồi tới cái nầy
Tập, tới cái nầy Diệt, sau cùng cái này Đạo. Pháp-hành thì trong một
khắc là Đạo-Quả hoàn toàn.
Tích có vị Sadi 7 tuổi, đang ngồi cạo đầu. Vừa cạo
Sadi biết đau, tâm quán tưởng, đắc quả A-la-hán liền. Nhanh như thế!
Như Đại Đức Ananda vừa đặt mình lên giường, niệm "ngồi à, ngồi
à, nghiêng à, nghiêng à". Thân mình Ngài vừa ngã xuống, đầu chưa đụng
gối, đắc quả A-la-hán liền. Nhanh như vậy! Chỉ trong nháy mắt mà diệt
tận phiền-não. Đó là hành đúng. Còn hành sai thì không bao giờ kết quả.
-oOo-
Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga)
Đại Đức Thiền Sư Raja
Siddhimuni thuyết tiếp về Thanh-tịnh-đạo (Visuddhi-magga).
Hành-giả hành Minh-Sát-Tuệ là tìm đường giải thoát Niết-Bàn.
Pháp đi đến Niết-Bàn rất khó, vì phải hành chân chánh, phải có phương
pháp chân chánh mới đi đến Niết-Bàn. Phương pháp chân chánh là 16 Tuệ
Minh-Sát và 7 Thanh-tịnh pháp, đó là con đường duy nhất đi đến Niết-Bàn.
Thanh-tịnh (Visuddhi) là trong sạch. Trong lúc Hành-giả hành
Minh-Sát-Tuệ, trong đó có đủ 7 pháp thanh-tịnh. Thảo luận về đường
đi Niết-Bàn, Đại Đức Xá-Lợi-Phất nói: "Người đi Niết-Bàn phải
sang xe 7 chặng, nghĩa là lên xe nầy đi qua một khúc đường rồi xuống
sang xe khác đi một chặng nữa, rồi cũng xuống, sang xe khác đi nữa. Như
thế hết 7 chặng, thì tới Niết-Bàn" (Trung Bộ, Kinh Bảy Trạm Xe,
24). Hành-giả hành Minh-Sát-Tuệ cũng phải có 7 pháp Thanh-tịnh như sau đây:
Thanh-tịnh thứ I - Silavisuddhi - Giới thanh-tịnh. Khi
Hành-giả đi kinh hành, niệm "mặt bước à, trái bước à" hoặc
khi ngồi niệm "Phồng à, Xọp à", thâm tâm của Hành-giả đều tịnh,
tư tưởng đều trong sạch, đó là giới thanh tịnh.
Thanh-tịnh II - Cittavisuddhi - Tâm thanh-tịnh. Tâm của
Hành-giả trụ ở "Phồng à, Xọp à", hoặc ở bàn chân "Mặt
bước à, trái bước à", đó là Tâm thanh-tịnh .
Thanh-tịnh thứ III - Ditthivisuddhi - Kiến thanh-tịnh.
Đây thuộc Tuệ thứ I. Hành-giả biết phân Danh Sắc, nghĩa là thấy rõ
ràng Phồng Xọp. Thân cử động là Sắc, biết sự cử động là Danh. Đó
là cái thấy trong sạch.
Thanh-tịnh thứ IV - Kankhavitaranavisuddhi - Đoạn hoài-nghi
thanh-tịnh. Đây là pháp đả áp dụng trong Tuệ thứ II, là Tuệ phân
tách Nhân-quả, đoạn tuyệt hoài nghi. Đó là đoạn hoài nghi thanh-tịnh.
Thanh-tịnh thứ V - Magga Magganànadassanavisuddhi - Tuệ kiến
đạo chánh-tà thanh-tịnh. Đây là Pháp thanh-tịnh thứ V, thuộc về Tuệ
thứ III của Minh-Sát . Tuệ mạnh thấy 10 vi tế phiền não cho rằng không
phải Chánh Đạo, niệm cho mất đi, đó là con đường chánh. Nếu ai còn
mê lầm muốn thấy Tiên nữ Thiên đàng và các cảnh khác đó là Tà-đạo
(Amagga).
Thanh-tịnh thứ VI - Patidanànadassanavisuddhi - Tuệ kiến
chánh đạo thực hành thanh tịnh. Thanh tịnh thứ VI nầy áp dụng trong
Minh-Sát là Tuệ thứ XII (tất cả 9 Tuệ-Minh-Sát). Đây là thực hành trong
sạch chánh đạo với một phương pháp chơn chánh. Nếu thuyết tóm tắt
là thuyết 7 Pháp Thanh tịnh, còn thuyết rộng là thuyết 16 Tuệ. Ấy vậy,
Minh-Sát-Tuệ và Thanh Tịnh-Đạo là một, chớ không khác nhau.
Thanh tịnh thứ VII - Nànadassanavisuddhi - Tuệ kiến Đạo-Tuệ
thanh tịnh. Có sự hiểu biết trong sạch, thuộc về Đạo-Tuệ thứ XIV
(Magganàna).
Như vậy, Hành-giả thấy rằng Thanh-tịnh pháp từ I đến
VI đã áp dụng trong Minh-Sát từ Tuệ I đến Tuệ XII. Thanh-Tịnh thứ VII
thuộc về Tuệ thứ XIV.
Tuệ Minh-Sát thứ XIII (chuyển tánh hay Gotrabhunàna) ở khoảng
giữa Thanh tịnh VI và VII, nghĩa là khoảng chuyển từ phàm qua thánh. Nói
là Phàm cũng không phải, nói là Thánh cũng không phải. Cũng như người
bước vào ngưởng cửa, 1 chân bên ngoài, 1 chân bên trong. Nói rằng người
ấy ở ngoài nhà cũng không phải, mà nói người ấy ở trong nhà cũng không
đúng. Vì vậy mà gọi là Gotrabhunàna (Chuyển tánh).
-oOo-
Phiền-não (Kilesa)
Tiếp theo đây Đại Đức Thiền
Sư Raja Siddhimuni thuyết về 12 Phiền-não (Kilesa) là 8 tham, 2 sân, 2 si. Phiền-não
này còn gọi là Tam Độc: Tham-lam. Sân-hận, Si-mê.
Đại Đức giảng rằng hành Thiền là thiêu đốt phiền-não,
để đi đến diệt khổ. Trong Tứ-diệu-đế, Đức Phật có dạy: Khổ-Tập-Diệt-Đạo.
Tập là nguồn gốc cái khổ. Nguồn gốc ấy là Ái-dục,
là một trong Tam độc. Khi Hành-giả thiêu đốt hết phiền não là diệt
được khổ, con đường Đạo-Quả không xa.
Hành-giả hành Minh-Sát-Tuệ tuần tự diệt các phiền não
như thế nào? Diệt được bao nhiêu?
Khi hành đến Tuệ thứ XIV là Đạo-Tuệ (Magganàna),
Hành-giả đã diệt được 4 tham, 1 si. Bốn tham đã diệt được là:
1) Tham có sự vui thích, cho rằng không tội, và tự mình
làm lấy. Thí dụ ăn cắp. Theo Pháp-học (Abhidhamma) thì nói rằng "Tham
thọ hỉ, hợp tà, không trợ".
2) Tham có sự vui thích, do bạn bè rủ mới làm, và ăn cắp
cũng cho rằng không tội. Theo Pháp-học thì nói: "Tham thọ hỉ, hợp
tà, có trợ".
3) Tham có sự xả, tự mình làm và cho rằng không tội.
Thí dụ ăn hối lộ quen rồi, có tâm xả, tự mình thâu tiền hối lộ.
Theo Pháp-học thì nói là "Tham thọ xả, hợp tà, không trợ".
4) Tham có sự xả, có bạn bè rủ mới làm, và cho rằng
không tội. Thí dụ ăn hối lộ, mà có người trung gian giúp cho hối lộ.
Theo Pháp-học thì nói là "Tham thọ xả, hợp tà, có trợ".
Về phiền não Si (Moha), Hành-giả diệt được Si hoài nghi.
Còn Si phóng dật, chưa diệt.
Đến bậc Tu-đà-hườn mà diệt có 5 trong 12 phiền não. Bậc
Tu-đa-hườn đã cắt đứt 3 dây trói buộc (thằng thúc) là Thân-kiến,
Hoài-nghi và Giới cấm-thủ:
a) Thân-kiến là chấp ta, hay Ngã-chấp. Tuệ thứ XII, đả
thấy rõ vô-thường, khổ-não, vô-ngã, không còn chấp ta.
b) Bậc Tu-đà-hườn không còn hoài nghi, vì Tuệ XIV, với sự
diệt Si hoài nghi, tự nhiên hết hoài nghi.
c) Giới-cấm-thủ là chấp nghi lể cúng tế tà-đạo. Tuệ
thứ III trong 10 vi tế phiền não, Hành-giả đã bỏ tà theo chánh.
Bậc Tu-đà-hườn là Nhập-lưu hay Thất-lai nghĩa là còn trở
lại 7 kiếp, trước khi nhập Niết-Bàn.
Bậc Tu-đà-hườn hành tiếp 15 Tuệ của Minh-Sát (trừ Tuệ
XIII - Gotrabhunàna), nghĩa là thấy Niết-Bàn và Tứ-diệu-đế lần thứ 2,
đắc Tư-đà-hàm quả, hay Nhứt-lai, nghĩa là còn trở lại 1 kiếp, trước
khi nhập Niết-Bàn. Trong 12 phiền não, bậc Tư-đà-hàm cũng diệt được
5, như Tu-đà-hườn, còn lại 7 phiền não. Song 7 phiền não nầy còn vi tế,
không phải thô tục như của phàm nhơn.
Bậc Tư-đà-hàm hành tiếp 15 Tuệ của Minh-Sát, nghĩa là
thấy Niết-Bàn và Tứ-diệu-đế lần thứ 3, đắc A-na-hàm quả, hay Bất-lai,
nghĩa là không trở lại nữa. Bâc A-na-hàm khi hết tuổi thọ, sanh về cỏi
trời Vô-phiên-thiên, hoàn toàn thanh tịnh, để rồi hưởng hết tuổi thọ
và nhập thẳng Niết-Bàn. Bậc A-na-hàm diệt thêm 2 phiền não là 2 sân.
Còn lại 4 tham và 1 si.
Bậc A-na-hàm hành tiếp 15 Tuệ của Minh-Sát nghĩa là thấy
Tứ-diệu-đế và Niết-Bàn lần thứ 4, đắc A-la-hán quả, là bậc cao nhứt
trong 4 quả thánh. Bậc A-la-hán đã cắt đứt 5 thằng-thúc còn lại là:
ái cảnh Sắc, ái cảnh Vô-Sắc, ngã mạn, phóng dật và vô-minh. Bậc
A-la-hán không còn tạo nghiệp. Hàng cư-sĩ mà hành đến đây phải có đời
sống độc thân, nghĩa là phải xuất gia.
Bậc A-la-hán không còn tái sanh nữa. Ngài đắc quả Thánh
cao nhất, là Hữu-dư-y Niết-Bàn. Ngài có đời sống làm gương cho chúng
sanh, khi hết tuổi thọ là nhập Vô-dư-y Niết-Bàn.
-oOo-
Bậc Tu-Đà-Huờn (Sotàpanna)
Khi Hành-giả hành xong 16 Tuệ
của Thiền Minh-Sát và sau khi nghe Đại Đức Thiền Sư thuyết Pháp, nếu tự
biết mình đã đắc quả Tu-Đà-Hườn, thì chúng ta có bằng chứng gì để
biết người nầy là bậc Tu-Đà-Hườn thật?
Đức Phật, trong kinh Maha-Parinibbana Sutta (Đại Bát Biết
Bàn, Trường Bộ, Kinh 16), có chỉ dạy 4 điều làm nền tảng để chúng
ta dựa nơi đó mà biết được một Hành-giả đã đắc Tu-đa-hườn thật.
(1) Điều thứ nhứt - Nếu Hành-giả đắc thật thì
có sự trong sạch đối với Đức Phật, không bao giờ rung động. Người
tin rằng Đức Phật có thật, Đức Phật dạy sự thật. Những Pháp của
Đức Phật để lại, nếu hành theo sẽ được sư an vui và được giải
thoát thật. Hành-giả không còn tin theo tà ma ngoại đạo nữa. Đó là gọi:
"Trong sạch với Đức Phật".
Đại Đức Thiền Sư kể một tích để thấy rõ. Xưa kia
khi Đức Phật còn tại thế, Ngài hay thuyết pháp cho tứ chúng nghe. Có
ông Bàlamôn tên Suppabuddhakuti (người có bịnh lác) lén nghe. Ông đắc quả
Tu-đà-hườn. Ông muốn chen vào đảnh lễ Đức Phật để bạch cho Đức
Phật biết: "Con đã đắc quả rồi!" song ông không dám vào, vì sợ
mọi người xung quanh ghê tởm thân hình ông vì bịnh lác. Ông đành trở về
nhà. Khi ấy có Trời Đế-Thích hiện thân xuống, gõ cửa nhà ông và nói:
"Ta sẽ cho nhà ngươi số tiền đáng bạc triệu, nếu nhà ngươi nói rằng
Đức Phật không có, Đức Pháp không có, Đức Tăng không có!" "-
Ông là ai?" "Ta là Chư-Thiên" "- Chư-Thiên gì ngu vậy? Ta
không lấy tiền của ông đâu, ông đi đi cho khuất mắt!" Trời Đế-Thích
vào hầu Đức Phật và bạch cho Đức Phật nghe câu chuyện đã xảy ra, Đức
Thế Tôn dạy rằng: "Này Đại Vương, Ngài đừng lầm tưởng, dù 100,
1000 vị như Ngài cũng không quyến rủ được người đã đến bờ giác-ngạn.
Vì người ấy không còn rung động với tiền bạc đâu. Bậc ấy không
nghèo vì đã có Thánh-Sản". Kế đó, Đức Thế Tôn thuyết về 7 báu
gọi Thánh-Sản là:
1. Saddhàdhanam: Đức tin là Thánh-Sản.
2. Siladhanam: Giới hạnh là Thánh-Sản
3. Hiridhanam: Hổ thẹn tội lổi là Thánh-Sản
4. Ottappadhanam: Ghê sợ tội lỗi là Thánh-Sản.
5. Sutaddhanam: Đa văn hay nghe nhiều hiểu rộng Pháp là Thánh-Sản.
6. Càgadhanam: Bố thí là Thánh-Sản.
7. Pannàdhanam: Trí tuệ là Thánh-Sản.
Người nào dù nam hay nữ mà có đầy đủ Thánh-Sản kể
trên, người ấy không nghèo đâu, dù có nghèo về vật chất, chớ tinh thần
không nghèo.
Hành-giả nhìn lại tâm mình, xem coi có được cứng rắn
như vậy không?
(2) Điều thứ 2 - Hành-giả đắc Tu-đà-hườn thật
thì luôn luôn trong sạch với đức Pháp, không bao giờ rung động. Pháp là
Kim-ngôn của Đức Thế-Tôn. Trong sạch với Đức Pháp không phải là khen
vị Pháp sư này thuyết pháp hay, tiếng thanh, có văn hóa chải chuốt, hoặc
trong sạch thỉnh Kinh Tam Tạng dâng cho chùa, chất đầy tủ. Trong sạch với
Đức Pháp là hành Pháp Minh-Sát-Tuệ cho đến có kết quả, nghĩ rằng:
"Svàkkhàto Bhavagatà", là Tam Tạng Pháp Bảo của Đức
Thế Tôn đã khẫu truyền có thật. "Dhammo" là Pháp
Thánh có thật, đạo quả Niết-Bàn có thật. Nếu ai tận tâm cố gắng thực
hành, sẽ được kết quả như ý muốn, không ai lôi cuốn ngoài con đường
chân lý được nữa.
Tính xưa có ông thiện nam tên Sankhali đến nghe Đức Phật
thuyết Pháp, đắc quả Tu-đà-hườn. Khi về đến nhà, có Ma vương hiện
ra, giống hệt như Đức Phật, gỏ cửa kêu to rằng: "Ông Thiện nam ra
đây cho ta dạy. Hồi nãy ta thuyết rằng ngũ-uẩn là vô-thường, khổ não,
vô ngã, là không đúng. Phải sửa lại ngũ uẩn là trường tồn, an lạc và
hữu ngã!" Ông Sankhali nhìn một lát, lấy làm lạ, Đức Phật gì mà
nói sai vậy, bèn hỏi: "Ông là ai? Có phải ông là Ma vương không? Đừng
nói vậy chớ!" Ma vương mắc cở biến mất.
Quí vị thấy chưa, Ma-vương hiện hình giống hết Đức Phật
mà còn không tin theo. Đó mới gọi là người đã đắc quả rồi, không
rung động với đức Pháp là vậy.
(3) Điều thứ 3 - Hành-giả đắc Tu-đà-hườn thì
trong sạch với đức Tăng. Tăng còn gọi là Sangha hay Tăng-già. Tăng có hai
bậc:
1. Tăng chế-định là Tỳ-khưu, người xuất gia chơn chánh,
đúng theo chơn truyền, từ 4 vị sắp lên là Tăng.
2. Thánh-Tăng gồm bậc xuất gia và tại gia đã thực hành
pháp Minh-Sát, diệt được phiền não, đã đắc quả từ Tu-đà-hườn quả
đến A-la-hán quả.
Bậc Tu-Đà-Hườn luôn luôn trong sạch đối với đức
Tăng, không bao giờ lay chuyển.
Xưa kia, ông Bá-hộ Cấp-Cô-Độc, là bậc Tu-Đà-Hườn bố
thí, cúng dường đến Đức Phật và chư Tăng mỗi ngày 500 vị. Dù là bậc
Bá-hộ nhưng ông bố thí cho đến hết tiền của trong kho. Sự bố thí chỉ
còn nước dưa giá và cơm tấm, nhưng ông vẫn trong sạch, không ngừng nghỉ.
Vị Chư-Thiên ngự tại cửa ngõ của ông Bá-hộ, nửa đêm hiện ra yêu cầu
ông Bá-hộ thôi đừng bố thí cúng dường nữa. Ông Bá-hộ hỏi: "Người
là ai?" "- Tôi là Chư-Thiên ngự tại cửa ngõ." "Người
ăn nhờ, ở đậu nơi cửa nhà tôi mà không khuyên nhủ tôi làm lành, lại
còn cản trở việc thiện của tôi, vậy người phải ra khỏi cửa của tôi,
không cho ở nữa". Ông chư-thiên khuyên không được, lại còn bị mất
chỗ ở. Đây để quí vị thấy rằng bậc Thánh-nhơn, không bao giờ rời
bỏ Tam-Bảo, dù ở trong trường hợp nào.
(4) Điều thứ 4 - Bậc Tu-Đà-Hườn luôn luôn có giới
đức trong sạch. Nếu người xuất gia thì giữ theo giới hạnh của mình
là Tứ Thanh-tịnh giới và 227 Điều-học. Bậc tại-gia thì không khi nào
phạm đến ngũ giới, như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu.
Cho đến cờ bạc, nha phiến cũng không bao giờ rờ mó đến. Dù có ai đem
tiền ngàn, bạc vạn đến quyến rũ, cũng không làm điều quấy, nghĩa là
không có tác ý phạm giới. Ngũ giới, bát giới, thập giới, hay Tứ
Thanh-tịnh giới của mỗi bậc đều giữ gìn trong sạch. Bậc Tu-Đà-Hườn
luôn luôn thường trụ trong giới đức.
Đây là sự thí nghiệm mà Đức Phật dạy 4 điều là: có
sự trong sạch, không bao giờ rung động thay lòng đối với Đức Phật, Đức
Pháp, Đức Tăng và Giới Đức. Nếu còn rung động, đổi thay thì không phải
là Thánh-nhơn. Đó là di giáo trong bộ kinh Maha-Parinibbana Sutta (Kinh Đại Bát
Niết-bàn), Tam Tạng quyển 7, rằng: "Này Ananda, người nào đã
hành Minh-Sát-Tuệ rồi, có những đức tánh kể trên, người ấy có thể
tiên đoán rằng mình đã đắc Tu-Đà-Hườn rồi, mình đã có pháp không
sa đọa, mình đã thoát khỏi bốn đường ác đạo". Vậy quý vị
Thính giả nào đã hành xong Thiền Minh-Sát, nên suy xét xem mình có đủ các
đức tánh kể trên không?
-oOo-
Đôi lời khuyên bảo
Sau rốt, Đại Đức Thiền Sư Raja Siddhimuni có 10 điều
khuyên bảo quý vị Hành-giả, sau khi ra Hạ, về nhà hoặc về chùa, nên
ghi nhớ:
1.- Hành-giả đã hành xong, chẳng nên khoe khoang với tất
cả mọi người dù là với người thân mật. Đức Phật đã có cấm hẳn
sự khoe khoan đó. Nếu vị Tỳ khưu đã đắc quả mà khoe khoan thì phạm
ưng đối trị. Nếu vị Tỳ khưu chưa đắc mà khoe khoan thì phạm bất-cộng-trụ.
Khi chỉ dạy, nhắc nhở cho nhau, thì không phải là sự khoe khoang Pháp cao
nhơn.
2.- Hành-giả khi trở về nhà sẽ có những hạng người
đến chất vấn hoặc để bắt bẻ chê bai, hoặc để chọc tức, hoặc để
học lóm.
a) Hạng người chất vấn để bắt bẻ chê bai không ít.
Hành-giả phần đông là những vị không có Pháp học (Abhidhamma) nên để
bị bắt bí, không trả lời được các câu hỏi về Pháp-học. Dù bậc
A-la-hán mà kém Pháp-học cũng không thể trả lời theo Pháp-học được.
Tích vua Milanđà, sau thời Phật, chất vấn chư Thánh Tăng,
có đến 2 muôn, mà không ai trả lời được. Các Ngài đành phải lánh mặt
vào rừng tập hợp. Các Ngài chọn một vị có thần thông, lên cung Trời
Đao-Lợi mời Na-Tiên để sau này đối chất với vua Milanđà. Tiền kiếp
của Na-Tiên là một vị Tỳ khưu và tiền kiếp của vua Milanđà là một vị
Sadi cùng ở chung một chùa. Ngày nọ, tỳ khưu Na-Tiên quét rác trong chùa
xong, bảo Sadi hốt đi đổ xuống sông. Bảo lần thứ nhứt Sadi làm thinh
không đi. Bảo lần thứ hai, Sadi cũng ngồi ì. Bảo lần thứ ba, Sadi Milanđà
giả đò không nghe. Tỳ khưu Na-Tiên quất cho một roi đau điến. Sadi
Milanđà mới chịu đi lấy giỏ hốt rác, vừa đi vừa khóc, đem xuống sông
đổ. Nhìn thấy rác bị sóng đánh, trôi giạt vào bờ, Sadi liền phát nguyện:
"Công đức đổ rác này, kiếp sau cho tôi có trí tuệ như lượn sóng
vậy". Biết là Sadi có ý chống đối mình, Tỳ khưu Na-Tiên bèn nghĩ rằng:
"Nhờ ta quét, Sadi mới có rác để đổ, như vậy ta có phước nhiều
hơn". Tỳ khưu Na Tiên liền phát nguyện: "Xin cho tôi kiếp sau có
trí tuệ như bờ sông, có thể ngăn chận được lượn sóng vậy!"
Sadi sau sanh lại là vua Milanđà, còn Tỳ khưu sanh về cỏi
Trời Đao Lợi làm Chư Thiên, do đó các vị Thánh Tăng mới cho đi thỉnh
xuống cõi trần để sau nầy đối đáp với vua Milanđà. Một vị Thánh Tăng,
vì vắng mặt trong buổi hội, nên bị phạt phải lảnh nuôi và tế-độ cậu
bé Na-Tiên 7 năm 7 tháng 7 ngày rồi cho xuất gia Sadi. Sau đó Sadi Na-Tiên học
suốt thông Tam Tạng, hành đến đắc Đạo Quả và chống chỏi thông suốt
những lời chất vấn của vua Milanđà được.
Quí vị thấy chưa? A-la-hán đến 2 muôn mà còn bị bí khi
vua Milanđà là một học giả phàm nhơn chất vấn. Chúng ta không có Pháp-học
thì dễ bị bí lắm.
b) Có hạng người hỏi để chọc tức chơi. Vì ta đã có
hành rồi, họ thử coi sao. Đôi khi chồng hành, vợ không hành, có xảy ra
việc xích mích, chồng giận, vợ hỏi: "Sao anh có hành rồi mà còn
sân?". Đôi khi còn móc moi tới vị Thiền Sư là khác! "Thầy anh dạy
anh vậy phải không?". Vì vậy Hành-giả nên cẩn thận, phải dè dặt
và nhẫn nại cho nhiều.
c) Có hạng người hỏi để học lóm. Người bạn hỏi:
"Anh hành tới phát nguyện phải không?" "-Phải." " Tới
bậc nào?" "-Đến chỗ thanh-tịnh rồi gục". Người bạn về
nhà, tìm chỗ thanh vắng, ngồi hành, buồn ngủ cũng gục, tưởng mình đã
được như bạn. Đó là học được cái giả, được đồ giả, mà lầm tưởng
là thiệt.
3.- Hành-giả nên thật tâm cố gắng truyền bá chơn
lý của Đức Phật cho được phổ biến sâu rộng, khắp đó đây, vì ta
đã có nếm được ít nhiều hương vị của chơn lý rồi. "Tự giác,
giác tha" là như thế. Đem giáo lý của Đức Phật, truyền bá cho nhiều
người cùng biết, là cúng dường đến Đức Phật, một cách cúng dường
cao thượng.
4.- Nên hướng dẫn thân nhân, cùng quyến thuộc, nhứt
là bậc hữu ân của chúng ta, như cha mẹ, thầy tổ, tiến bước trên đường
giải thoát. Đó là báo ân về tinh thần, quý báu hơn là báo ân về vật
chất. Món ăn quý báu nhứt mà người con có hiếu dâng đến cha mẹ, lúc
còn sanh tiền, là món ăn "giải thoát".
5.- Nên có sự đoàn kết giửa những hành-giả cùng
sống chung ở một Thiền-đường. Anh em cùng một đạo, như con một nhà.
Có gì thắc mắc, nên chỉ bảo nhau.
6.- Có người lầm tưởng rằng khi hành xong pháp
Minh-Sát thì không còn làm việc phước thiện nữa. Nghĩ như thế là sai.
Chúng ta nên tiếp tục làm việc phước thiện, như bố thí là gieo duyên với
chúng sanh, là vun bồi thêm đạo hạnh. Càng bố thí bao nhiêu, thì phước
báo càng nhiều bấy nhiêu.
7.- Phải diệt trừ Tứ-đổ-tường. Cờ bạc, rượu
chè, đàng điếm, hút xách là những phiền não làm cho Hành-giả thối hóa
thay vì tiến hóa.
8.- Không nên chỉ trích người khác hay thiền-đường
khác. Lệ thường không ai muốn nghe chỉ trích. Nếu mình nói người khác
hành sai, người đó cũng có thể nói mình hành sai vậy. Chỉ trích là gây
thêm mối oán thù, ganh ghét. Chỉ trích là mình hạ phẩm giá mình và hạ
luôn phẩm giá Thầy Tổ mình.
9.- Dù hành chưa xong, Hành-giả chớ nghĩ sai lầm rằng
hành không được gì cả. Trước kia, không biết cách niệm, cách đi kinh hành,
cách ngồi, bây giờ biết hết. Trước kia không rõ Tứ-niệm Xứ là gì,
bây giờ hiểu rõ, và mỗi tuần đều được nghe Thiền Sư nhắc nhở.
Trước kia khi chưa biết phỉ lạc là gì, bây giờ hành ít hơn là có phỉ
lạc phát sanh. Thay vì ôm giữ như của quí, Thiền Sư dặn phải niệm cho
mất. Nếu nói rằng hành trong 3 tháng Hạ mà không có gì là không đúng.
10.- Hành-giả cố gắng giữ gìn Phạm-hạnh. Xã hội
không phải có một mình mình, mà còn phải sống chung chạ với nhiều người;
mọi người đều phải có sự nương nhờ, tương trợ lẫn nhau. Vì vậy
Hành-giả phải bảo vệ danh giá của cá nhơn, của đoàn thể, Thầy Tổ
và Thiền-Đường.
Về chùa, hoặc về nhà, Hành-giả không nên viện cớ gì
mà thối chuyển, không tiếp tục hành thêm cho có nhiều kết quả, cho đến
nơi giải thoát.
Chúng ta nên noi gương vua Mahànàma. Ngài là một vị vua,
hành Minh Sát-Tuệ đắc quả Tu-đà-hườn, nhưng lúc nào Ngài cũng không dễ
duôi, luôn luôn thực hành Pháp của mình.
Thời Pháp đến đây vừa phải lẽ. Xin chúc Quý vị Thính
giả và Hành-giả thâm tâm nhàn lạc, hầu mạnh tiến đến bờ giác ngạn
y như ý nguyện.
Hiện nay ở Phước-Tuệ Tịnh-Môn nầy, do sự trình bày về
lý thuyết pháp hành Minh-Sát-Tuệ, tôi xin hồi hướng phước báu đến tất
cả Chư Thiên và Phạm-Thiên trong Ta Bà thế giới, mong nhờ Chư Thiên và
Phạm-Thiên hộ trì quý vị Thính giả và Hành giả tu hành tinh tấn và
được nhiều hạnh phúc. Tôi xin hồi hướng phước báu đến ông bà đốc
Nguyễn-văn-Hiểu, Chánh Hội-Trưởng Hội Phật-Giáo Nguyên-Thủy Việt-Nam,
cùng các cô cậu và gia quyến được nhiều hạnh phúc an vui, tu hành tinh tấn.
Sau hết, tôi xin hồi hướng phước báu đến Ma-vương, Ngạ
quỷ, Atula, Súc-sanh và Chúng-sanh có oan trái cùng không oan trái ở chung
quanh Phước Tuệ Tịnh-môn được thọ lãnh phước báu do sự trình bày
Pháp hành Minh-Sát, và được thoát sanh nơi miền an vui cực lạc.
Cư Sĩ
Trương văn Huấn
Phước Tuệ Tịnh Môn
Sài gòn, 1971
-oOo-
- Chân thành cảm ơn cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng bài
viết này. ĐPNN, 28-6-2000