- Những bài tập
căn bản trong Thiền Minh Sát
- Thiền Sư Saddhammaransi
Đoàn Ngọc Bạch-Yến dịch
Mục
Lục
I. Thiền trong tư thế ngồi
Niệm đau
Niệm trong khi nghe
Niệm trong tư thế ngồi
II. Thiền khi đi kinh hành [thiền hành]
III. Thiền trong sinh hoạt hằng ngày hay "Niệm Tổng
Quát"
Niệm khi ăn
Niệm động tác ngồi xuống
Niệm động tác đứng lên hay ngồi dậy
Thấy sự Sanh Diệt Niệm khi co hay duỗi [cánh tay]
Châm ngôn để nhớ
Lời giới thiệu
Tất cả những ai đến thực
tập Thiền Minh Sát Tuệ [hay Thiền Minh Sát] đều mong phát triển Trí Tuệ
thật nhanh. Tất cả những ai chưa khai triển Trí Tuệ đều mong phát sanh
Trí Tuệ thật nhanh. Tất cả những ai đã có vài Tuệ giác đều mong phát
triển thêm Trí Tuệ thật nhanh. Mọi người mong phát triển Trí Tuệ thật
nhanh. Để đạt mục đích, trước hết phải lắng nghe thật chăm chú và
kỹ càng những "Bài Tập Căn Bản trong Thiền Minh Sát" để có thể
nhớ tỉ mỉ lời chỉ dẫn trong lúc thực hành. Phải hết lòng đọc và
nghiên cứu. Chỉ như vậy mới có thể đạt đến mục tiêu.
Thực tập Thiền Minh Sát
không cần thân nổ lực hay trí thuộc lòng, mà đòi hỏi năng lực tinh thần
hay tâm linh. Vì vậy, chủ yếu nhất là thiền sinh phải biết cách:
- trụ tâm thật chính xác
trên đề mục thiền
- tập tâm không đi đến các đối tượng bên ngoài
- tập tâm không đi quá lâu, nếu tâm đã đến với các đối tượng bên
ngoài
Để có thể thực tập được
như vậy, thiền sinh phải đọc, nghiên cứu, nhớ, nghe và chú ý kỹ đến
chi tiết của Những Bài Tập Căn Bản một cách tận tụy và tỉ mỉ. Như
vậy, tất cả những ai muốn thực tập Thiền Minh Sát cho có hiệu quả phải
đọc và nghiên cứu hết sức cẩn thận và chăm chú Những Bài Tập Căn Bản.
Đại Đức Thiền Sư tại
Saddhammaransi
Đây là buổi thuyết
pháp đầu tiên về Bài Tập Căn Bản hay Nguyên Tắc Căn Bản trong Thiền
Quán do Ngài Đại Đức Thiền Sư tại Saddhamma Ransi Yeiktha (thiền viện)
ban giảng cho những thiền sinh đến thực tập Thiền Minh Sát tại Saddhamma
Ransi Yeiktha (thiền viện).
Những ai đến thực tập
Thiền Minh Sát, dù chưa kinh nghiệm Tuệ giác, cũng mong phát triển Trí Tuệ
càng nhanh càng tốt. Những ai đã kinh nghiệm vài Tuệ giác cũng mong phát
triển thêm Trí Tuệ càng nhanh càng tốt. Để có thể nhanh chóng đạt đến
mục tiêu cao thượng nhất, phải hết sức chú tâm và cẩn thận nghe lời
giảng các "Bài Tập Thiền Quán" và thực tập đúng y như vậy.
Một cách tóm tắt, có 3 loại
"Bài Tập Thiền Quán":
- thiền trong tư thế ngồi
- thiền khi đi kinh hành [thiền hành]
- thiền trong sinh hoạt hằng ngày hay "Niệm Tổng Quát".
I. Thiền trong tư thế ngồi [^]
Trước nhất, sư giảng về
"niệm trong tư thế ngồi". Đầu tiên, phải chọn nơi vắng vẻ và
yên tịnh. Kế đến, chọn tư thế ngồi thoải mái nhất để ngồi lâu.
Có thể ngồi như quì [đầu gối cong lại và mông ngồi trên chân] hoặc
ngồi xếp bằng tròn. Phải chọn tư thế để có thể ngồi thiền thật
lâu. Sau khi vừa ý với tư thế ngồi rồi, hãy giữ lưng và đầu ngay thẳng
lên, nhắm mắt lại và chú tâm nơi bụng.
Khi hít vô, bụng Phồng lên
hay Giãn ra. Phải chú tâm ghi nhận cái phồng, khắn khít theo dõi từ đầu
cái phồng, qua những giai đoạn căng phồng lên, cho đến cuối cái phồng
- trong khi tâm không phóng đi nơi khác - và niệm"Phồng".
Khi thở ra, bụng Co lại hay
Xẹp xuống dần dần. Cũng phải chú tâm ghi nhận chính xác cái xẹp, từ
đầu cái xẹp, qua những giai đoạn xẹp xuống, cho đến cuối của cái xẹp
trong khi tâm không phóng đi nơi khác - và niệm"Xẹp".
Khi ghi nhận sự phồng và xẹp
của bụng, cố không để ý đến hình thể của bụng. Chú tâm để biết
độ căng và độ ép ở bên trong do ảnh hưởng của hơi gió hít vô. Cố
"biết bằng cảm giác" hoặc "nhận thức rõ" hơi gió đẩy
từ bên trong, độ căng và độ ép,v.v... mà không quan tâm đến hình thể
của bụng. Bụng chỉ là danh tự, khái niệm hay chế định [tục đế]
(Pannat). Minh Sát Tuệ không quan tâm đến khái niệm (Pannat) mà chú trọng về
Thực tính (Paramat; sự Thật [chân đế]). Đặc tánh của hơi gió đẩy lên
từ bên trong, độ căng, độ ép, v.v... là Thực tính (Paramat) - sự Thật xảy
ra khi hít hơi vô. Vậy, phải chú tâm kỹ càng và chính xác để tìm biết
sự Thật nầy.
Khi thở ra, cũng phải ghi nhận
kỹ. Cố không để ý đến khái niệm hay hình thể của bụng, nhưng phải
cố cảm giác sự chuyển động dần dần và chậm chạp, sự rung động và
hơi gió thoái lui khi thở ra.
Vậy, phải liên tục ghi nhận
2 cử động "Phồng, Xẹp", phải chú ý đến hơi gió đẩy bụng
phồng lên dần dần [khi hít vô] và sự co thắt dần của bụng khi thở
ra.
Nếu tâm không lắng dịu với
cách niệm 2 chuyển động "Phồng, Xẹp", có thể thêm một đối
tượng và niệm "Phồng, Xẹp, Đụng".
Khi định tâm ở "Đụng",
không để ý đến khái niệm hay hình thể của tứ chi [tay chân] đụng
nhau hoặc đụng xuống sàn hay đệm [tọa cụ], nhưng phải chú tâm theo độ
cứng hay độ căng nơi đụng chạm.
Nếu tâm vẫn chưa tập
trung đủ và có khuynh hướng phóng đi nơi khác với cách niệm 3 chuyển động
"Phồng, Xẹp, Đụng", có thể thêm một đối tượng nữa và niệm
"Phồng, Xẹp, Ngồi, Đụng".
Khi định tâm vào "Ngồi",
cố chú tâm đến "sức đẩy tổng quát" do nửa thân trên ép xuống,
và cố cảm giác "độ cứng và căng" của thân - do sức ép của
nguyên tố gió [Phong đại] đẩy thân vào tư thế ngồi. Không để ý đến
khái niệm hoặc hình thể của đầu, tay, chân hay thân. Tác ý "muốn
ngồi" khiến nguyên tố gió chuyển động để nâng và chống thân vào
tư thế gọi là "ngồi". Phải cố cảm giác độ cứng, độ căng,
ép, v.v... của sức nâng chống mà không quan tâm đến hình thể của thân,
tay hay chân.
Bây giờ, có 4 đối tượng
để ghi nhận: "Phồng, Xẹp, Ngồi, Đụng". Niệm 4 đối tượng nầy
thì tâm sẽ dần dần lắng dịu. Nếu niệm với 4 đối tượng "Phồng,
Xẹp, Ngồi, Đụng" mà tâm lắng dịu được, thì hãy tiếp tục với
cách niệm đó. Nếu niệm 4 đối tượng khiến tâm mệt mõi hoặc lo nghĩ,
tâm không lắng dịu, thì chỉ nên niệm 3 đối tượng "Phồng, Xẹp,
Đụng" thôi. Nếu niệm 3 đối tượng mà tâm vẫn chưa lắng dịu, chỉ
nên niệm 2 đối tượng "Phồng và Xẹp" thôi. Mục đích chánh là
an định tâm và phát triển tâm niệm.
Là bậc sơ cơ, khi niệm
"Phồng, Xẹp, Ngồi, Đụng", tâm có thể phóng đi đây đó - đến
chùa, đến tu viện hay đền thờ, đến các trung tâm buôn bán, đến nhà,
v.v... Khi tâm phóng, cũng phải ghi nhận nó và niệm "Phóng, Tưởng tượng,
Tính toán, v.v..." Khi Tâm Định vững mạnh và Trí Tuệ tiến triển,
thiền sinh sẽ phát hiện "sự phóng tâm biến mất sau vài niệm,"
và sẽ nhận thức rõ: "Sự suy nghĩ biến mất sau vài niệm liên tục
- với sự ghi nhận chính xác, tinh tường và cẩn thận."
Khi Tâm Niệm tiến triển
và sự hiểu biết ở tầng "Tuệ Diệt" (Bhanga Nyana), sẽ thấy tư
tưởng biến mất với từng niệm.
Với Tuệ giác tiến triển
hơn nữa, thiền sinh sẽ thấy:
- sự suy nghĩ biến mất với
mỗi niệm, và
- Tâm Niệm hay sự ghi nhận cũng biến mất với mỗi niệm.
Như vậy, thiền sinh nhận
thức: "Sự suy nghĩ không trường tồn. Tâm Niệm hay sự ghi nhận cũng
không trường tồn - Anicca [không trường tồn; Vô Thường]."
Bị sự đàn áp liên tục
và nhanh chóng của 2 hiện tượng Sanh và Diệt, thiền sinh sẽ ý thức rõ
"đặc tánh Bất toại ý" hay "Khổ." Cùng lúc đó, thiền
sinh phát hiện: "Không có cách nào và không có ai có thể thoát khỏi sự
Sanh, Diệt và hậu quả Khổ. Không thể làm gì được; đó là Vô Ngã
(Anatta)". Ngay lúc nầy, có sự nhận thức hay hiểu biết: "Tất cả
‘điều kiện pháp’ [hiện tượng tâm vật lý] đều có thực tánh Vô Thường
(tạm thời; Anicca), Khổ (Dukkha) và Vô Ngã (Anatta)." Vậy, thiền sinh nhận
biết hay hiểu rõ về Vô Thường (Anicca), Khổ Não (Dukkha) và Vô Ngã
(Anatta).
Niệm đau [^]
Tiếp tục chăm chú với
"Phồng, Xẹp, Ngồi, Đụng" độ một giờ hoặc 45 phút thì sẽ nhận
thấy tứ chi bắt đầu nhức, đau hay tê. Lúc nầy, phải chuyển sự chú
tâm, từ "Phồng, Xẹp, Ngồi, Đụng" đến chỗ đau, và trụ tâm nơi
đau.
Có 3 cách ghi nhận [niệm]
hay định tâm chỗ đau:
- chú tâm niệm với mục đích
hết đau;
- niệm với cương quyết diệt trừ đau trong một lần ngồi hay một ngày,
và nhất định chiến đấu với cái đau cho đến cùng;
- chú tâm niệm để biết Thực tính của sự đau.
Cách 1. "Chú tâm niệm với
mục đích hết đau" nghĩa là thiền sinh ao ước sự dễ chịu của lúc
không đau, nghĩa là Tham [thích] sự dễ chịu. Thiền Quán để diệt trừ
Tham, để ngăn chận Tham. Thay vì diệt Tham, bây giờ Tham (Lobha) trở thành
mối chướng ngại cho sự tiến bộ và sự hiểu biết về Thực tính của
mọi hiện tượng. Không nên quán niệm cách nầy.
Cách 2. "Niệm để diệt
trừ đau" cũng không tốt ,vì Sân (Dhosa) ẩn trong tâm quyết thắng.
Nói cách khác, sự quyết tâm bị oen ố vì Sân [không thích]. Không thể tiến
bộ nếu để Sân len lỏi vào tâm. Vậy, thiền sinh cũng không nên quán niệm
cách nầy.
Cách 3. "Chú tâm niệm
để biết rõ Thực tính của sự đau". Khi nào biết được Thực tính
[của sự đau], thì sự Sanh Diệt (Udaya Vaya) [của sự đau] mới hiển lộ
hoặc biết được. Khi nào biết được Thực tính, thì sự Sanh Diệt
(Udaya Vaya) mới hiển bày hay hiểu biết được.
Khi đau, thiền sinh thường
gồng cả Thân và Tâm. Không nên căng thẳng mà hãy cố thả lỏng Thân và
Tâm. Cũng cố không nghĩ:"Không biết mình phải chịu đau suốt thời
gian đau hay suốt một giờ thôi?" Phải cố không nghĩ vậy.
Phải giữ bình tĩnh và nghĩ
rằng: "Cơn đau đến và đi tùy ý nó, và bổn phận của tôi [thiền
sinh] là hiểu rõ về đau." Phải nghĩ rằng "[thiền sinh] tập nhẫn
với sự đau". Nhẫn nại là yếu tố quan trọng nhất trong lúc trực
diện đau. Câu "Nhẫn nại đưa đến Niết Bàn" là châm ngôn lợi
ích nhất trong Thiền Quán.
Khi đã quyết Nhẫn nại,
hãy giữ Thân và Tâm lắng dịu và thả lỏng, không căng thẳng, rồi định
tâm nơi đau và cố chăm chú theo dõi để biết: cường độ của đau (Đau
đến mức nào?) và nơi chủ yếu nhất của cái đau (Trong thịt, trên da,
giữa thớ thịt hay tận trong xương hoặc tủy?).
Trong từng niệm, phải cố
chú tâm đến cường độ của cái đau, phải biết chính xác nơi đau, và
niệm "Đau, Đau; Nhức, Nhức; v.v...". Sự hiểu biết về cơn đau
phải thâm sâu và thấu suốt, không lờ mờ hời hợt. Tiếp tục niệm với
Tâm Định vững mạnh thì sẽ nhận thấy rất rõ rằng: "Sau 4 hay 5 niệm,
chỗ đau và nhức trở nên khốc liệt và không thể chịu đựng nổi."
Sau mức tột đỉnh, cơn
đau thường giảm bớt và dịu dần theo tiến trình của nó. Khi cơn đau bắt
đầu lắng dịu, không giảm sự chú tâm; phải tiếp tục ghi nhận một
cách thận trọng và hăng hái để rồi tự kinh nghiệm: "Sau 4 hay 5 niệm,
cơn đau giảm dần dần và dời sang nơi khác."
Vì thấy được "Thực
tính thay đổi của sự đau", thiền sinh trở nên thích thú với việc
hành thiền. Tiếp tục [ghi nhận và niệm] như vậy thì Định Tâm dần dần
vững mạnh và cơn đau sẽ gia tăng với từng niệm.
Sau mức kịch liệt nhất,
cơn đau thường dịu đi. Khi cơn đau lắng dịu, không giảm bớt sức ghi
nhận, mà ngược lại, phải tiếp tục nổ lực[tinh tấn] như trước, thì
sẽ thấy rằng: "Cái đau dịu xuống với từng niệm và chuyển sang những
nơi khác". Vậy, thiền sinh nhận thức: "Sự đau không trường tồn,
luôn thay đổi, khi tăng, khi giảm". Đây là cách thiền sinh thấu hiểu
thêm về Thực tính của sự đau.
Tiếp tục quán niệm như vậy
cho đến khi tiến triển đến tầng Tuệ, gọi là "Tuệ Diệt"
(Bhanga Nyana), thì thiền sinh sẽ nhận thức rõ ví như thấy bằng mắt:
"Cái đau biến mất hoàn toàn với mỗi niệm tưởng chừng như thình
lình cái đau được bứng mất." Đây là cách thiền sinh phát sanh sự
hiểu biết: "Cái đau không trường tồn. Đau là Vô Thường." Đây
là lúc thiền sinh thắng thế cái đau.
Khi Tâm Định thâm sâu hơn
và "Tuệ Diệt" (Bhanga Nyana) bén nhạy, thiền sinh có thể kinh nghiệm:
"Với mỗi niệm, cơn đau và Tâm Niệm (hay sự ghi nhận) biến mất một
lượt."
Trường hợp Trí Tuệ bén
nhạy phi thường, thiền sinh phân biệt rõ 3 giai đoạn của sự tan biến:
"Sự tan biến của cơn đau, sự tan biến của Tâm Thức (hay biết hay
ý thức cái đau), và sự tan biến của Tâm Niệm (ghi nhận sự đau)."
Như vậy, thiền sinh phát
sanh sự hiểu biết: "Sự đau đớn, Tâm Thức (nhận biết hoặc cảm
giác đau) và Tâm Niệm đều không trường tồn hay thường còn."
Bị sự đàn áp liên tục
và nhanh chóng của hiện tượng tan biến hay hoại Diệt, thiền sinh cảm thấy
Bất toại ý (Khổ hay Dukkha). Không thể kềm chế hay ngăn tránh [Diệt và
Khổ] nên là Vô Ngã (Anatta; không thể tự chủ).
Như vậy, thiền sinh có được
sự hiểu biết về:
- Đau là Vô Thường -
Anicca.
- Đau là Khổ Não - Dukkha.
- Đau là Vô Ngã - Anatta [không thể làm chủ, không thể kềm chế].
Khi những trực giác như vậy
trở nên phân biệt và rõ rệt, Trí Tuệ sẽ tiến xa hơn nữa.
Niệm trong khi nghe [^]
Trong lúc thiền, có thể
nghe tiếng, thấy vật hoặc ngửi mùi. Có thể nghe tiếng nút chai (corks),
tiếng chim, tiếng búa và nện, tiếng người, tiếng xe, v.v... Khi nghe âm
thanh như vậy, phải niệm "Nghe, Nghe". Phải cố nghe âm thanh với sự
"hay biết đơn thuần" [nghe mà không suy diễn thêm]; nghĩa là nghe
mà phải cố "không bám theo hoặc tưởng tượng thêm" [về những
gì nghe được].
Khi Tâm Định khá vững mạnh,
mỗi lần niệm "Nghe, Nghe", âm thanh trở nên mập mờ tưởng chừng
như chúng phát xuất từ xa, hoặc tưởng như chúng bị mang ra xa, hoặc tưởng
như chúng đến gần hơn hoặc khàn đi hay không rõ. Được như vậy nghĩa
là Tâm Định vững mạnh hơn và Tâm Niệm tiến bộ hơn.
Tiếp tục với Tâm Niệm
và Tâm Định tiến bộ như vậy, thì mỗi khi niệm "Nghe, Nghe", âm
thanh biến mất từng đơn âm một, và Tâm Niệm (ghi nhận đơn âm) cũng biến
mất sau khi nghe đơn âm. Những thiền sinh với Trí Tuệ bén nhạy có thể
kinh nghiệm sự tan biến như vậy một cách rất rõ ràng và phân biệt.
Ngay cả những thiền sinh mới
tập niệm "Nghe, Nghe" cũng kinh nghiệm rõ: "Âm thanh tan rã
thành những đơn âm rời rạc, không ráp lại thành nghĩa. Thí dụ, khi nghe
chuỗi âm thanh "Thưa Quí Ông" và niệm "Nghe, Nghe", thì nhận
thấy rằng:
- trước tiên, nghe đơn âm
"thưa" rồi nó biến mất,
- kế đến, nghe đơn âm "quí" rồi nó biến mất, và
- sau cùng, nghe đơn âm "ông" sanh khởi và biến mất.
Nghe chuỗi [đơn âm] rời rạc
như vậy nên âm thanh trở nên khó hiểu và vô nghĩa [không ráp thành chữ].
Chỉ có sự Diệt của chuỗi đơn âm rời rạc là rõ rệt.
Có trực nhận về sự Diệt
của âm thanh nên ý thức rõ: "Âm thanh không thường còn". Có trực
nhận về sự tan biến hay hoại Diệt của Tâm Niệm, nên ý thức rõ
"Tâm niệm cũng không thường còn". Có như vậy nên hiểu biết
thêm rằng "Cả âm thanh (nghe được) và Tâm Niệm (ghi nhận âm thanh)
đều không trường tồn." Không trường tồn là Vô Thường (Anicca). Bị
sự đàn áp liên tục và nhanh chóng của sự hoại Diệt, tâm cảm thấy Bất
toại ý hay Khổ (Dukkha). Vì không thể ngăn cản hay tránh khỏi sức đàn
áp của sự Diệt nên là Vô Ngã (Anatta; không thể kềm chế). Như vậy,
trong khi chăm chú niệm "Nghe, Nghe", tâm phát sanh sự hiểu biết về
Vô Thường, Khổ Não và Vô Ngã (Anicca, Dukkha và Anatta), và Trí Tuệ tiến
triển thêm.
Niệm trong tư thế ngồi [^]
Trong tư thế ngồi:
- Niệm "Phồng, Xẹp, Ngồi,
Đụng" liên quan đến Thân, nên gọi là "Niệm Thân"
(Kãyãnupassanã Satipatthãna).
- Niệm "Đau, Tê, hay Nhức"
liên quan đến cảm giác, nên gọi là "Niệm Thọ" (Vedanãnupassanã
Satipatthãna).
- Niệm "Phóng, Phóng,
Tính toán, Tính toán, Suy nghĩ, Suy nghĩ, v.v..." liên quan đến Tâm hoặc
các hoạt động của Tâm Thức [sự hay biết], nên gọi là "Niệm
Tâm" (Cittãnupassanã Satipatthãna).
- Niệm "Thấy, Thấy,
Nghe, Nghe, Ngửi, Ngửi, v.v..." liên quan đến các pháp, nên được gọi
là "Niệm Pháp" (Dhammãnupassanã Satipatthãna).
Như vậy, khi tập ngồi thiền
quán theo sự giảng dạy của Thầy chúng tôi, Ngài Đại Đức Thiền Sư
Mahasi, sự thiền tập gồm đủ tất cả 4 niệm xứ của Tứ Niệm Xứ
(Satipatthãna).
II.
Thiền khi đi kinh hành [^]
Có 4 cách niệm trong khi đi
kinh hành như sau:
- một niệm cho mỗi bước,
- hai niệm cho mỗi bước,
- ba niệm cho mỗi bước,
- sáu niệm cho mỗi bước.
Cách 1. Ghi nhận mỗi bước
như một cử động và niệm "Trái Bước, Mặt Bước"
Khi niệm"Trái Bước",
tâm phải dán sát theo động tác, từ đầu đến cuối. Phải chăm chú khắn
khít vào tiến trình đưa chân dần dần về phía trước, nhưng cố không
để ý đến hình thể của bàn chân.
Khi niệm "Mặt Bước",
phải chú tâm kỹ vào tiến trình đưa chân dần dần về phía trước,
nhưng cố không để ý đến hình thể của bàn chân.
Cách 2. Ghi nhận một bước
như 2 cử động và niệm "Dở, Đạp, Dở, Đạp"
Khi niệm "Dở", phải
nhận thức thực tánh của tiến trình đưa bàn chân lên dần dần, ghi nhận
từng cử động, mà không để ý đến hình thể của bàn chân.
Khi niệm "Đạp",
cũng phải chú tâm vào thực tánh của tiến trình hạ bàn chân xuống dần
dần, - ghi nhận từng cử động, mà không để ý đến hình thể của bàn
chân.
Tên của hình thể (thí dụ:
bàn chân) chỉ là danh tự, tên tạm gọi như vậy mà thôi. Danh tự là
khái niệm hay chế định (Pannat). Khái niệm không phải là đối tượng của
Minh Sát Tuệ. Nguyên tố chuyển động hay động tác là Thực tính [sự thật,
chân đế, thực tại, chân lý](Paramat). Chỉ có Thực tính mới là đối
tượng của Thiền Minh Sát Tuệ.
Phong đại (Vãyo dhatu) -
nguyên tố gió hay nguyên tố di động - là Thực tính (Paramat) tạo ra sự
chuyển động. Phải chú tâm kỹ lưỡng và chính xác để trực nhận nguyên
tố Phong đại (Vãyo dhatu).
Cách 3. Ghi nhận một bước
như 3 cử động và niệm "Dở, Bước, Đạp"
Khi niệm "Dở", phải
chú tâm vào tiến trình đưa bàn chân lên dần dần, như đã giảng ở phần
trên.
Khi niệm "Bước",
phải chú tâm vào tiến trình đưa bàn chân dần dần về phía trước.
Khi niệm "Đạp", phải
chú tâm vào tiến trình hạ bàn chân xuống dần dần.
Phải quán sát kỹ và bén
nhạy tất cả động tác để bắt kịp "hiện tại" của bàn chân
di động, cùng lúc
"nhận biết" Thực
tính (Paramat) của động tác.
Niệm "Dở" với
Tâm Niệm mạnh thì sẽ tự phát hiện:
- tiến trình đưa lên từ từ
- từng động tác một, và
- sự nhẹ dần theo chuyển động đưa lên.
Cũng vậy, khi niệm"Bước
Tới", thiền sinh nhận thức:
- tiến trình đưa dần về
trước - từng động tác một, và
- sự nhẹ dần theo chuyển động đưa về phía trước.
Khi"Đạp" và niệm
như vậy, thì cũng sẽ nhận thức:
- tiến trình hạ xuống từ
từ - từng cử động một, và
- sự nặng dần theo chuyển động hạ xuống.
Nhận thức như vậy đưa đến
kết quả: "Thiền sinh trở nên thích thú với việc thiền tập."
Đây là Tuệ Minh Sát đầu tiên (sự hiểu biết xuyên thấu) của thiền
sinh.
"Cảm giác Nhẹ"nghĩa
là sự kinh nghiệm về đặc tánh của Hỏa đại (Tejo dhatu) là nóng và lạnh,
và đặc tánh của Phong đại (Vãyo dhatu) là di động hay cử động.
"C䭠giác Nặng" nghĩa là sự kinh nghiệm về đặc
tánh của Địa đại (Pathavi dhatu) là dãn, dai hay cứng, và đặc tánh của
Thủy đại (Apo dhatu) là dính và lỏng.
Sự hiểu biết hay nhận thức
về hiện tượng Danh (tâm) và Sắc (thân) là Tuệ giác đầu tiên đi vào
Ỏặc tánh thiết yếu của tiến trình Danh và Sắc, nhận chân đúng với
thực tánh.
Cách 4. Có 3 cách niệm một
bước như 6 động tác
1) Ghi nhận một bước như
6 động tác và niệm "Đầu Dở, Cuối Dở, Đầu Bước, Cuối Bước,
Đầu Đạp, Cuối Đạp".
"Đầu Dở" là chỉ
có gót chân vừa nhấc lên.
"Cuối Dở" là cả bàn chân và các ngón chân vừa nhấc hỏng lên.
"Đầu Bước" [hay "Đầu Đưa"] là khi bàn chân vừa mới
"bắt đầu" đưa về phía trước.
"Cuối Bước" [hay "Cuối Đưa"] là ngay khi bàn chân sắp sửa
hạ xuống.
"Đầu Đạp" là khi bàn chân vừa mới hạ xuống.
"Cuối Đạp" là ngay khi bàn chân vừa chạm đất hay sàn.
Thật ra, cách niệm nầy
chia mỗi động tác của 3 niệm [Cách 3] thành 2 phần: "đầu và cuối".
2) Còn cách khác để ghi nhận
một bước như 6 động tác và niệm "Muốn Dở, Dở, Muốn Bước, Bước,
Muốn Đạp, Đạp". Theo cách niệm nầy, hiện tượng Danh (tác ý;
"Muốn...") và hiện tượng Sắc (động tác; dở, v.v...) được ghi
nhận riêng rẽ.
3) Cũng còn cách khác nữa
để ghi nhận một bước như 6 động tác và niệm "Dở, Nhấc, Bước,
Đạp, Đụng, Nhấn".
"Dở" là chỉ có
gót chân bắt đầu dở lên.
"Nhấc" là cả bàn chân và các ngón chân được nhấc hỏng lên.
"Bước"[hay "Đưa tới"] là động tác đưa bàn chân đưa về
phía trước.
"Đạp" là bắt đầu hạ bàn chân xuống.
"Đụng" là khi bàn chân đụng đất hay sàn.
"Nhấn" [hay "Ấn"] là nhấn sức xuống bàn chân [đang di
chuyển] để dở bàn chân kia lên.
Thiền sinh thật sự tiến
triển và đạt Tuệ giác thâm sâu hơn nhờ cách niệm 6 động tác [cho mỗi
bước chân].
- III. Thiền
trong sinh hoạt hằng ngày [^]
"Niệm Tổng Quát"
nghĩa là quán sát từng chi tiết nhỏ những động tác thường làm trong
sinh hoạt hằng ngày, vào những lúc không ngồi thiền hoặc đi kinh hành.
Đây là những động tác nhỏ làm ở nhà như: mở cửa, đóng cửa, dọn
giường, thay y phục, chuẩn bị cơm nước, ăn, uống, v.v... Phải liên tục
ý thức và niệm tất cả các động tác nhỏ nầy.
Niệm khi ăn [^]
Ngay khi thấy thức ăn, phải
niệm "Thấy, Thấy".
Khi đưa bàn tay ra để lấy thức ăn, niệm "Đưa, Đưa".
Khi vừa đụng thức ăn, niệm "Đụng, Đụng".
Khi gom và xắp xếp thức ăn, niệm "Gom, Gom".
Khi đưa thức ăn vào miệng, niệm "Đưa, Đưa".
Khi khom đầu xuống để ăn, niệm "Khom, Khom".
Khi mở miệng ra, niệm "Mở, Mở".
Khi để thức ăn vào miệng, niệm "Để vào, Để vào".
Khi ngước đầu thẳng lên, niệm "Lên, Lên".
Khi nhai, niệm "Nhai, Nhai".
Khi nếm được mùi vị, niệm "Nếm, Nếm".
Khi nuốt, niệm "Nuốt, Nuốt".
Những chỉ dẫn trên đây
là phương pháp của Thầy chúng tôi, Ngài Đại Đức Thiền Sư Mahasi
Sayadaw. Ngài đã tập và niệm như vậy trong lúc dùng một miếng thực phẩm
nhỏ. Thiền sinh cũng nên quán sát hay ý thức - kỹ càng, chính xác và sống
động - [kịp thời với] những động tác động tác như trên.
Lúc mới thực tập, không dễ
gì niệm kịp tất cả động tác. Sẽ quên niệm rất nhiều động tác, nhưng
đừng nản chí. Khi Tâm Niệm sâu sắc, sẽ ghi nhận kịp tất cả động tác.
Lúc mới tập ghi nhận như
trên, trước hết phải cố chú tâm vào "một" động tác "nổi
bật nhất" đối với thiền sinh, và chỉ niệm động tác đó mà
thôi. Động tác nào nổi bật [chú ý] nhất ?
Nếu chú ý đến động tác
đưa tay ra, thì phải niệm "Đưa, Đưa" - không thiếu sót hay quên
niệm.
Nếu chú ý đến cúi đầu,
thì phải niệm "Cúi, Cúi" - không thiếu sót hay quên niệm.
Nếu chú ý đến nhai, thì
phải niệm "Nhai, Nhai" - không thiếu sót hay quên niệm.
Phải cố niệm ít nhất là
một động tác nổi bật như đối tượng chánh - không thiếu sót hay quên
niệm.
Khi sự chú tâm khắn khít
chính xác trên đối tượng và Tâm Niệm tiến triển, thì có thể chú tâm
ghi nhận thêm những động tác khác, và duy trì sự chú tâm [liên tục].
Theo cách nầy, có thể tiến triển qua các tầng Minh Sát Tuệ khác nhau ngay
trong lúc dùng bữa ăn.
"Nhai" là động tác
rất rõ rệt. Thầy của chúng tôi, Ngài Đại Đức Thiền Sư Mahasi Sayadaw,
đã dạy rằng: "Trong động tác nhai, chỉ có hàm dưới di động."
Sự cử động của hàm dưới mới thật gọi là "Nhai".
Nếu tâm niệm có thể ghi
nhận tiến trình di động của hàm dưới, và tâm định vững chắc, thì sẽ
cảm thấy "niệm Nhai" trở nên thuần thục dễ dàng. Khởi đầu với
niệm Nhai thì về sau có thể niệm tất cả động tác trong lúc dùng thức
ăn.
Niệm động tác ngồi xuống [^]
Niệm "Ngồi, Đứng [đứng
thẳng], Khom, Lên [đứng lên]" cũng thuộc về Niệm Tổng Quát. Nếu chăm
chú tỉ mỉ, thì sẽ nhận thức:"tác ý ‘Muốn Ngồi’ có trước động
tác ‘Ngồi’ thật." Những thiền sinh với tâm niệm khá vững mạnh
thường kinh nghiệm được như vậy. Vậy, trước hết phải tập niệm tác
ý "Muốn ngồi, Muốn ngồi", và chỉ khi nào động tác ngồi thật
sự bắt đầu thì mới niệm "Ngồi, Ngồi".
Khi niệm "Ngồi, Ngồi",
hãy cố không chú ý đến hình thể của đầu, thân, chân, v.v... Phải chú
tâm kỹ đến đặc tánh của tiến trình động tác dần dần hạ xuống,
để ý tỉ mỉ từng cử động một. Phải chú tâm làm sao để tâm khắn
khít với "hiện tại" của tiến trình hạ xuống, theo từng cử động
một.
Phải chú tâm thật kỹ và
chính xác để hiểu rõ Thực tính (Paramat) của sự chuyển động. Nếu chú
tâm như vậy và giữ tâm ngay trong "hiện tại", thì có thể tự nhận
thức rõ:
- tiến trình của động tác
ngồi xuống từ từ, và
- cũng cảm giác nặng dần theo động tác hạ xuống.
Niệm động tác đứng lên hay ngồi dậy
[^]
Khi muốn đứng lên, nếu
chú ý kỹ càng và thấu suốt thì sẽ ý thức tác ý "Muốn đứng lên"
xãy ra trước; phải niệm "Muốn Đứng Dậy, Muốn Đứng Dậy". Tác
ý khiến Phong đại (nguyên tố gió; Vãyo dhatu) chuyển động và đẩy thân
đứng lên.
Khi nghiêng mình về phía trước
để gom sức đứng lên, niệm "Gom Sức, Gom Sức".
Nếu chống tay một bên để
lấy thế đứng lên, niệm "Chống, Chống".
Khi đầy đủ sức, Thân sẽ
dần dần vươn lên. Động tác nầy được gọi là đứng lên hay ngồi dậy;
niệm "Đứng Dậy, Đứng Dậy" hay "Đứng Lên, Đứng Lên".
Chỉ dùng những từ ngữ nầy
để gọi tạm - [danh tự] khái niệm. Phải cố nhận thức đặc tánh của
tiến trình động tác vươn lên từ từ. Vậy, phải chú tâm khắn khít và
chính xác đến đặc tánh của động tác vươn lên, và phải giữ tâm ngay
trong hiện tại của tiến trình vươn lên.
Nếu có thể giữ tâm dán
sát theo "hiện tại" và đồng thời có ý thức tinh tế và chính
xác về đặc tánh của động tác vươn lên (Thực tính; Paramat), thì sẽ
nhận thức rằng: "Lên càng cao thì [cảm giác] thân càng nhẹ dần."
Vậy, thiền sinh tự nhận
thức rằng:
- cảm giác Nặng dần theo
động tác "hạ" xuống, và
- cảm giác Nhẹ dần theo động tác vương "lên".
Cảm giác Nhẹ nghĩa là thấy
đặc tánh của Hỏa đại (Tejo dhatu; nguyên tố lửa) và Phong đại (Vãyo
dhatu; nguyên tố gió).
Cảm giác Nặng nghĩa là thấy
đặc tánh của Địa đại (Pathavĩ dhatu; nguyên tố đất) và Thủy đại (ãpo
dhatu; nguyên tố nước).
Thấy sự Sanh và Diệt [^]
Châm ngôn: Phải biết Tự
Tánh (bản chất riêng hay đặc tánh riêng), thì mới thấy được sự Sanh
Diệt (Udaya Vaya).
Sau khi biết được "đặc
tánh riêng" của hiện tượng, thì sẽ biết giai đoạn Udaya (Sanh) và
giai đoạn Vaya (Diệt). Sẽ thấy sự Sanh Diệt, hết lúc nầy sang lúc
khác: sanh rồi diệt, sanh rồi diệt, sanh rồi diệt, v.v... Thấy rõ sự
Sanh và Diệt nghĩa là thấy "Nhân Duyên Tướng" (Sankhata Lakkhana) (dấu
hiệu hay biểu tượng của "điều kiện pháp" - trạng thái Sanh và
Diệt [của các Pháp Hữu Vi]).
Sau khi thấy được sự Sanh
Diệt, tiếp tục ghi nhận như vậy cho đến khi tâm niệm vững mạnh và tiến
triển, thì thấy sự Sanh chìm dần [không rõ] nhưng sự Diệt nổi bật
hơn. Cảm giác sự Diệt rõ hơn thì thiền sinh sẽ nhận thức rằng:
"Không có hiện tượng nào là trường tồn. [Không có Pháp Hữu Vi nào
là bền vững.]"
Một khi ý thức rõ là
chính tâm niệm cũng tan biến, thiền sinh sẽ nhận thức rằng:
- tâm niệm cũng không trường
tồn, và
- cả hai, hiện tượng Danh (tâm) và hiện tượng Sắc (thân), đều không
trường tồn - Vô Thường (Anicca).
Bị đàn áp liên tục và
nhanh chóng của sự hoại diệt, nên cảm thấy:
- Khổ (Dukkha; Bất Toại
ý); và
- không thể chận đứng hay ngăn tránh sự hoại diệt. Vì sự Diệt xảy
ra theo ý nó nên không thể kềm chế được, Vô Ngã (Anatta).
Khi hiểu rõ và thấu suốt
về Vô Thường, Khổ Não và Vô Ngã, thiền sinh có thể tiến thêm về Tuệ
Minh Sát.
Vậy, khi ghi nhận các tiến
trình ngồi xuống và đứng lên, sẽ nhận thức 3 đặc tánh: Vô Thường,
Khổ Não và Vô Ngã - Sãnnanna Lakkhana (Tam Tướng hay đặc tánh chung). Biết
rõ và xuyên thấu về Tam tướng thì sẽ đạt các Tuệ Minh Sát cao hơn
như thiền sinh hằng mơ ước.
Niệm khi Co hay Duỗi [cánh tay] [^]
Niệm "Co" và
"Duỗi" cũng thuộc về Niệm Tổng Quát. Lúc sắp co cánh tay, nếu
chú tâm ghi nhận liên tục, sẽ thấy tác ý "Muốn Co" có trước;
phải niệm "Muốn Co, Muốn Co". Sau đó, phải chú tâm khắn khít
và tỉ mỉ để biết đặc tánh của tiến trình động tác co cánh tay.
Trong trường hợp nầy, nếu chú tâm kỹ lưỡng và chính xác thì cũng có
thể cảm giác nhẹ dần theo động tác đưa lên.
Sau khi làm xong việc gì cần
làm trong lúc co tay và sau đó lại muốn duỗi tay ra, tác ý "Muốn Duỗi"
sẽ nổi bật [trước], vậy phải niệm "Muốn Duỗi, Muốn Duỗi".
Khi động tác duỗi đang thật sự diễn ra, niệm "Duỗi, Duỗi". Sự
chuyển động của cánh tay đưa ra và hạ xuống được gọi là "Duỗi".
Khi niệm "Duỗi, Duỗi", cũng có thể nhận thức cảm giác nặng
dần theo cánh tay hạ xuống.
Đặc tánh Nhẹ và Nặng
được gọi là "Tự Tánh Tướng" (Sabhãva Lakkhanas) - bản chất
riêng hay đặc tánh riêng".
Châm ngôn: Phải biết Tự
Tánh (bản chất riêng hay đặc tánh riêng), thì mới thấy được sự Sanh
Diệt (Udaya Vaya).
Tiếp tục ghi nhận theo cách
nầy thì sẽ nhận thức đặc tánh Nhẹ và Nặng phát sanh lên và tan biến
đi, và như vậy sẽ thấy được "Nhân Duyên Tướng" (Sankhata
Lakkhana) (đặc tánh tập hợp hay điều kiện cách - có [3 giai đoạn] đầu
[sanh], giữa [trụ] và cuối [diệt]).
Với "Tuệ Diệt"(Bhanga
Nyana), hiện tượng Diệt (của động tác Co và Duỗi) nổi bật và dễ
phân biệt hơn, nên thiền sinh nhận thức rằng:
- động tác Co không trường
tồn,
- tâm niệm (ghi nhận động tác Co) không trường tồn,
- động tác Duỗi không trường tồn, và
- tâm niệm (ghi nhận động tác Duỗi) không trường tồn.
Vậy, trong khi co hay duỗi,
thiền sinh có thể hiểu biết rõ ràng và thấu suốt về các đặc tánh của
Vô Thường, Khổ Não và Vô ngã, và tiến triển đến những sự hiểu biết
hay Tuệ Minh Sát mà thiền sinh hằng ao ước.
Lời cầu nguyện của Ngài Đại Đức Thiền Sư [^]
Các thiền sinh đã nghe 3
khía cạnh của các "Bài Tập Căn Bản trong Thiền Minh Sát Tuệ".
Nguyện cho quí vị thiền tập được như vậy, dễ dàng thâu thập được
sự hiểu biết mà quí vị hằng tìm kiếm, và mau kinh nghiệm sự an vui của
Niết Bàn (Nibbãna) - tịch diệt tất cả khổ đau.
Lời của các thiền sinh [^]
- Chúng con xin vâng giữ tất
cả như lời dạy của Ngài Đại Đức Thiền Sư.
Sadhu, Sadhu, Sadhu (lành thay)!
Ra~i
Tâm Từ [^]
Đây là bài Kinh Rãi Tâm Từ
(Metta; Loving Kindness) được đọc tụng tại Thiền Viện Saddhammaransi:
Nguyện cho tất cả chúng
sanh trong mười phương
tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại,
tránh khỏi mọi sự đau khổ về tinh thần,
tránh khỏi mọi sự đau khổ về thể xác,
thân và tâm được an vui,
và nguyện cho tất cả chúng sanh kham nhẫn nổi sự khó khăn của đời sống
ngũ uẩn. lặp lại 3 lần
Châm Ngôn để ghi nhớ [^]
- * Chỉ khi nào ghi nhận kịp hiện tại của
sự Sanh khởi, thì mới thật sự biết được Tự Tướng (Sabhãva - bản
chất riêng hay đặc tánh riêng).
- * Chỉ khi nào biết được Tự Tướng (đặc
tánh riêng), thì mới thấy được sự Sanh-Diệt (Udaya - Vaya).
- * Phải nhận biết rõ rằng: "sự Sanh
khởi của tất cả hiện tượng Danh (tâm) và Sắc (thân) đều không thể
tránh khỏi kết cuộc là sự tan rã (sự hoại Diệt)".
- * Biết về sự hoại Diệt thì sẽ thấy
rõ Vô Thường (Anicca).
- * Thấy Vô Thường (Anicca) thì Khổ
(Dukkha) sẽ hiển lộ.
- * Khổ (Dukkha) hiển lộ thì sẽ thấy Vô
Ngã (Anatta).
- * Thấy Vô Ngã (Anatta) thì sẽ chứng nghiệm
Niết Bàn (Nibbana).
Chân thành cảm ơn cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên
bản điện tử. ĐPNN, 4-8-2000