-
Đôi điều về Thiền
-
Thích nữ Liên Thảo
Đây
là những điều tôi đã viết trong bài 1 về thư ngỏ. Đã được đăng trên trang
web thuvienhoasen.org, và hôm nay tôi xin được nói rõ hơn về thiền.
1. Thiền là gì ?
Thiền là trạng thái tâm
vắng lặng trước sự vật, hiện tượng xảy ra trước mặt hay xung quanh ta .
2. Tại sao ta phải thiền ?
Chúng ta phải học thiền vì
sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh tâm ta không được sáng suốt và ngược
lại . Mê lầm và thiếu bình tĩnh ...
3. Tu tập thiền là tu tập thế
nào ?
Tu tập thiền là ta tu tập
tâm linh khi xảy ra sự việc, hiện tượng mà tâm ta vẫn điềm tĩnh và giải
quyết sự việc một cách có trí huệ .
Bản năng và quán tính của
ta nhiều đời đầy ô nhiễm, tham, sân, si . Muốn trừ bỏ nó ta phải luyện tập
về thiền . Luyện tập để xử lý sự việc có trí huệ, hoặc bất ngờ tình huống
xảy ra, tâm ta vẫn có trí huệ( không ô nhiễm) .
Có nghĩa là tâm làm chủ .
4. Sự luyện tập tuy gọi là khó,
nhưng không thể không làm được .
Tâm thức ta luôn tính trước,
vẻ vời mọi sự vật một cách mau lẹ nhưng gốc rễ vẫn cột trói là tham sân si
...
Giờ đây muốn tâm vắng lặng,
tâm làm chủ ( tâm vắng lặng còn có nghĩa là yên lặng trong sáng suốt) ta
phải luôn ở trạng thái tâm thiền ... ngồi thiền ... nằm thiền ... ngủ
trong thiền ... ( không mộng mị, hốt hoảng) .
* Ngoài giờ làm việc và tiếp
xúc thân cận ta vẫn luôn trong trạng thái tâm thiền, tâm làm chủ ...( yên
lặng như mặt nước lắng trong).
* Bước đầu luyện tập là quán
niệm hơi thở, hay nói khác là quan sát hơi thở . Hơi thở là mạng sống là
sự vận động tự nhiên của thân vật lý . Và tâm thì chịu sự chi phối của hơi
thở hay ngược lại: Ví dụ: khi tâm yên lặng, nhẹ nhàng thì hơi thở nhẹ
nhàng, điều hoà . Khi phiền não tham sân si nổi lên thì hơi thở mệt nhọc ,
không đều, khó thở ... Hoặc động niệm khởi lên thì hơi thở ngắn , dài, rối
loạn v.v...
Giờ đây tất cả các loại
hơi thở ấy ta chỉ nhìn ngắm nó , quan sát nó mà thôi ...
* Tại sao ta không luyện
tập, kiềm nén và đếm số hơi thở . Mà chỉ quan sát . Vì thiền đây khác với
luyện khí công và khác với luyện yoga . Mà thiền đây chỉ luyện cho tâm yên
lặng một cách có trí huệ . Khi yên lặng thì hơi thở tự động nhẹ nhàng, sâu
lắng, tự động điều hoà ...
* Tuyệt đối không nên niệm
đây là thở vào, đây là thở ra mà chỉ nhìn và biết nó đang thở thế nào,
biết nó thở vào thở ra thế nào ... Biết nó thở dài thở ngắn thế nào . Chỉ
là cái BIẾT mà thôi .
Nếu còn niệm tức là chưa
đạt yên lặng hoàn toàn . Còn niệm đây cũng chỉ là TRẠNG THÁI TÂM chưa đạt
đến đỉnh cao của nó (Bát Nhã ...) .
Phương pháp niệm Phật và
niệm số chỉ gần đến chỗ yên lặng, chứ chưa đạt đến trạng thái tự nhiên,
tâm làm chủ, tâm vắng lặng ...
5. Muốn đạt đến chỗ yên lặng và
sáng suốt này không dễ gì một sớm một chiều mà luyện tập được ( vì tuỳ
theo nghiệp thức dày, mỏng của từng mỗi cá nhân) .
Có người niệm Phật đến chỗ
TỰ ĐỘNG NIỆM, tưởng lầm là đã đạt đến trạng thái tâm yên lặng . Tự động
niệm có thể giải thích là không khởi động mà nó tự niệm như một cái máy .
Trạng thái này cũng chưa gọi là đạt đến cứu cánh , là tới bảo sở mà thực
ra chỉ đến hoá thành mà thôi ...
Trạng thái tâm không vọng
tưởng giờ được thay thế bằng cái tự động niệm , và cảm thấy nhẹ nhàng và
lầm tưởng là cứu cánh Niết Bàn . Ta gọi đó là : tạm gọi yên lặng, chưa
thật sự là yên lặng . Vì yên lặng thì phải sáng suốt và chơn không, và vô
niệm ... Trí huệ là sự đạt đến vô sư trí, huệ trí, Phật trí ... còn trạng
thái tự động niệm này chưa đạt đến tâm làm chủ .
Do vậy người niệm Phật đến
chỗ tự động niệm này ta phải nhận biết và khéo dẫn họ đến một bước ngoặc
khác là ngừng niệm Phật xem còn có khởi vọng nữa không? Yên lặng thật sự
là không vọng không chơn . Và dẫn dắt họ đến một bước chân thật khác : Đó
là không cần niệm mà vẫn yên lặng, một sự yên lặng thuần thục . Trạng thái
tâm thức này gọi là chơn tâm là giải thoát, là Niết Bàn ...
Còn những người niệm Phật
đến chỗ tự động niệm , an lạc niệm ... nếu trong thời điểm này mà vị ấy từ
giã cõi đời thì sẽ sanh thiên , vãng sanh về A Di Đà và tu tiếp chứ chưa
đạt đến trạng thái chơn tâm rỗng rang, không ngằng mé không thể tính đếm
và thí dụ được, dứt bặt nói năng ( không thể dùng ngôn từ diễn đạt được
...)
Người niệm Phật đến chỗ tự
động niệm này phải biết mình đang làm gì, trí huệ đã phát sanh điều gì ?
Con đường tu tập đã hướng đến đâu ? Đừng lầm tưởng rằng mình đã đến cứu
cánh !! Mà phải thấy rõ chỉ đang đứng trước cánh cửa KHÔNG , chưa vào cái
cửa không cửa . Và thấy rằng Phật trí là gì ? Vô sư trí là gì ? Cẩn thận
kẻo lầm lẫn đó ...
Cho nên người tu tập về
thiền phải đạt đến chỗ yên lặng và sáng suốt ( không phải yên lặng mà vô
tri)
HÃY SUY NGHĨ CHỖ NÀY ...
Một đại lão hoà thượng đã
nói rất đúng : Quán niệm hơi thở còn có nghĩa là quan sát hơi thở chứ
không phải luyện tập hơi thở . Hãy suy nghĩ ...
6. Phương pháp ngồi thiền:
Tuỳ ý ngồi thế nào cũng
được luôn thả lỏng cơ không co cứng :
- Ngồi bán già .
- Ngồi kiết già .
- Nằm nghiêng bên phải .
- Ngồi trên ghế thả lỏng
chân .
- Ngồi trên phản thả lỏng
chân ...
Tất cả đều là cách ngồi thả
lỏng không bó buộc . Nhưng xương sống phải thẳng đứng khi ngồi và thẳng
khi nằm .
7. Cốt lõi của thiền là tâm yên
lặng , yên lặng lâu dài , yên lặng và sáng suốt dù gặp sự việc, hiện tượng
gì vẫn sáng suốt nắm bắt kịp thời, giải quyết , và cho qua ...
Được vậy là bạn đã thành
công , đã vào được , và thấy được CHƠN TÂM rồi đó . Đắc thiền , ứng xử
trạng thái thiền trong hoàn cảnh xã hội ngày nay không khác chi là bạn đã
đạt được cứu cánh Niết Bàn tại thế . Chúc đạo hữu thành công và không e
ngại gì để bước chân vào thiền tập của mình .
* Mỗi khi bạn bỏ bớt một
chút tham sân si là bạn đang tiến bước từng bước trong luyện tập .
* Mỗi khi bạn cảm thấy
không ưu sầu vấn vương là bạn đã tiến lên từng bước của sự nhẹ nhàng khoan
thai .
* Mỗi khi bạn đạt được một
ít trạng thái tâm yên lặng . Trong cảnh rối ren khó làm khó nghĩ , những
sự việc trong xã hội ngày nay là bạn đã đạt đến một sự lắng sâu , huyền
diệu của cõi giới tâm linh huyền bí rồi đó ...
* Mỗi khi bạn hoan hỷ và
không ngừng tu tập , bạn sẽ cảm thấy yêu đời , sẵn lòng từ bi cứu khổ ban
vui , lúc ấy bạn đã có thêm nhiều bạn hữu mới , tốt .
* Mỗi khi bạn yên lặng
trước mọi hoàn cảnh . Khi ấy bạn lại cảm thấy sáng suốt . Không bị tham
sân si quấy rối , bạn cảm thấy tự tin trong việc tu tập của mình .
* Mỗi khi bạn đạt đến
trạng thái tâm yên lặng sáng suốt bạn cảm thấy mình dễ hoà đồng với mọi
người , và tâm từ bạn rộng mở đến mọi nơi ... bạn có thể vấn thân trong
các hoàn cảnh khó khăn mà vẫn vui và tự tin . Bạn sẽ thành công từ từ
trong mọi mặt từ sự tu tập này ...
Chúc bạn thành công .
sucothaolien@yahoo.com.vn
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/doidieu_vethien.htm