Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
KHAI THỊ VỀ THIỀN (TT)

  

Bốn Cảnh Giới Của Thiền

Thiền có sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Sơ thiền là khi đạt đến cảnh giới khinh an, hành giả cảm thấy trên thân của mình có một niềm an lạc nhẹ nhàng, tự tại và rất dễ chịu. Sự tự tại nhẹ nhàng này gọi là pháp hỷ, tức là hành giả đã đạt được pháp hỉ. Khi đạt được cảnh giới pháp hỷ này rồi hành giả thấy rất đầy đủ, không ăn cũng không đói, không ngũ cũng không mệt, thậm chí không mặc áo quần cũng không cảm thấy lạnh, đây là một loại  cảm giác mà hành giả mới đầu tiên khi tâm có chút lắng động, rất thoải mái, cảm thấy dường như không có sự hiện diện của chính bản thân mình, không biết mình đang ở đâu.

Sau khi an trụ nơi cảnh giới Khinh an này rồi thì hành giả bắt đầu bước vào cảnh giới sơ thiền. Khi bước vào định sơ thiền, không còn thấy sự hiện diện của thân nên mạch cũng ngừng đập, lúc ấy hành giả ngồi một tiếng tiếng hoặc hai tiếng hoặc lâu hơn nhưng cảm thấy như mới ngồi, thời gian rất ngắn, như một phút chóc đã trôi qua. Đạt đến cảnh giới này, hành giả cũng không thể nói là cảm thấy khó khăn cho mình, đây mới chỉ là phương tiện ban đầu trong sự tu tập mà thôi, tức là đã thấm được mùi vị của định.

Bước thứ hai là hơi thở của hành giả cũng ngưng, mũi không còn hô hấp, bởi vì hô hấp bên ngoài đã ngưng hoạt động, hô hấp bên trong bắt đầu hoạt động trở lại, không cần phải nhờ vào sự hô hấp ở bên ngoài, có sự hô hấp trong nội tại cho nên khí cũng ngừng. Sau khi hơi thở đã dừng, hành giả cứ tiếp tục dụng công như trước, dần già an lập được ý, không còn sanh khởi vọng niệm, lúc ấy một niệm cũng không sanh, không còn bất cứ một niệm nào dấy khởi, nhờ đó vọng tưởng bị đánh tan, bản tánh của mình đồng nhất với tự nhiên tánh, không còn phân biệt, không còn suy nghĩ.

Lên bước thứ ba, tuy nói niệm đã được an lập nhưng hành giả chưa vượt qua được nhất niệm vô minh, nhất niệm vô minh này mới chỉ là phần thô, hành giả chưa xả được niệm, chỉ mới an trụ niệm mà thôi.

Lên bước thứ tư, đây là giai đoạn mà phải đoạn được nhất niệm trụ này, bằng cách buông xả. Buông xả tất cả những vọng niệm, suy tư, vọng tưởng mà ở cấp độ trước hành giả đã an lập. Giống như đám cỏ gấu, ban đầu hành giả mới dùng đá đè cỏ, tiếp đến là bạn phải nhổ sạch gốc rễ của nó. Tham thiền cũng như thế, Khi tham đến giai đoạn này  thì phải buông xả tất cả vọng niệm, suy lự. Hành gia tham đến cảnh giới này rồi nhưng vẫn còn phần Hữu lậu của Tứ thiền, không còn sanh tử, cũng không còn chứng quả. Bước vào dòng thánh, hành giả phải đoạn 81 phẩm kiến hoặc. Sao gọi là kiến hoặc? Kiến hoặc có nghĩa là khi hành giả thấy cảnh liền khởi tham ái, đắm trước vào cảnh giới, tâm của hành giả sanh khởi chấp thủ nên gọi là kiến hoặc, tức là đắm trước, bị mê hoặc. Chứng sơ quả nhập lưu, nhập vào dòng nào? đó là dự vào dòng pháp tánh, trái với dòng phàm phu lục đạo. khi hành giả bước vào sơ quả nhập lưu tức là không bị vướng vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; sắc cũng không thể là dao động tâm của hành giả, âm thanh cũng không thể làm giao động, hương vị, xúc chạm, pháp cũng không làm lay động được tâm tư của hành giả, không bị cảnh giới sáu trần chi phối. Đó là hiện tượng tâm thức khi bước lên quả vị dự lưu. Ngày nay chúng ta hành thiền, quả vị sơ thiền cũng cũng khó mà đạt đến, nên không có cảm giác huyết mạch của mình an trụ đâu, hoàn toàn không có. Do vậy mà không có người đạt được cảnh giới của bậc thánh, người tu tập thiền định phải biết hạ thủ công phu, phải nổ lực trong từng giờ từng phút, từng sát na sanh diệt, chớ nên để thời gian uổng phí qua đi, điều này rất nghiêm chỉnh và cần thiết cho hành giả. Phương pháp ngồi, nếu hành giả ngồi kiết già được thì tốt, còn không thì cứ ngồi bán già, còn nếu không ngồi được cả hai thì tuỳ muốn ngồi như thế nào cảm thấy thuận tiện thì ngôi theo kiểu ấy. Vấn đề tu tập không phải là ở nơi chân mà chính là ở nơi tâm của chúng ta. Nếu tâm của bạn không có vọng tưởng, thì bạn ngồi như thế nào cũng đều có thể dụng công; nếu tâm của bạn bị vọng tưởng xáo động, dù cho ngồi như thế nào đi nữa, thì công phu của bạn cũng không thể tương ưng được. Vì vậy tu đạo là tu tâm dưỡng tánh; tu tâm chính là tự mình thường phải quán sát, quán sát vọng tưởng của mình, thấy được thứ vọng tưởng nào nhiều, vọng tưởng tham dục của bạn nhiều hay là sân hận, ngu shi nhiều? Cần phải quán sát phản chiếu lại chính bản thân mình, tự mình phải thanh lọc tâm ý hkiến cho những thứ vọng tưởng ấy trở thành thanh tịnh, đựơc như thế thì công phu của hành giả mới tương ưng. Như vậy, dù hành giả ngồi như thế nào đi nữa cũng có thể đoạn trừ được vọng tưởng. Khi vọng tưởng đã đoạn tận thì trí tuệ liền hiển lộ hiện tiền, còn như vof5ng tưởng chưa hết thì trí tuệ không hiển lộ được. Giống như đám mây che mặt trời, mây tan thì mặt trời hiện. Vì vậy, việc chính yếu của người tu tập là dụng công nhiếp tâm, đây còn gọi là pháp môn tâm địa, khiến cho tâm luôn luôn được thanh tịnh, tâm của chúng ta một lúc được thanh tịnh thì lúc ấy chúng ta đang ở tại Linh sơn; luôn luôn được thanh tịnh thì thường trụ tại Linh sơn. Bất luận là hành giả tu tập niệm phật, trì chú hay thiền toạ, tu tập giới luật, giảng giáo lý v.v.. đều là nhằm chế tâm nhất xứ. Vì thế trong những lời di huấn cuối cùng của Đức Phật có câu mà ngài ân cần nhắc nhở chúng ta "chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện" (nhiếp tâm một chỗ thì không việc gì là không làm được), khi đã chế tâm nhất xứ thì chính là hành giả không thu nhận vọng tưởng từ ngoài vào, lại loại dần những phiền não câu sanh ở trong chúng ta, luôn luôn soi chiếu lại chính bản thân để nhận thức đựơc mặt thật xưa nay của chúng ta, đây là phương pháp ban đầu của hành giả dụng công tu tập.

Tham thiền không phải cầu cảnh giới, không bám víu vào bất cứ một cảnh giới nào, tất cả đều là không, ngay cả cái không cũng không có, không sợ hãi, không vui mừng, nếu như có chút sợ hãi thì đó chính là cảnh giới của ma; nếu sanh khởi niềm vui mừng thì ma vui sẽ đến. Tong kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy có năm mươi loại ấm ma, đều là cảnh giới của người tu tập thiền định. Nếu hành giả biết được cảnh giới nào là ma thì không bị ma quấy nhiểu, không bị ma chuyển. Cho nên các vị tổ thường day: "Phật đến thì chém phật, ma đến thì chém ma", Phật đến cũng không nên an trú vào cảnh giới Phật, ma đến cũng không nên kẹt vào cảnh giới ma. Vì sao? Khi cảnh giới phật xuất hiện thì hành giả sanh khởi niềm vui, đây không phải là thật mà là hoạt cảnh mà thôi. Tất cả sự sợ hãi đều không phải là chân chánh. Vì vậy tâm hành giả cần phải an trú trong như như bất động, gặp phải cảnh giới ma cũng không lay động, không khởi tâm phân biệt, cũng không phải đeo đuổi bất cứ một cảnh giới nào. cảnh giới hiện tiền thì cứ để như thế, không nên bị đắm trước vào nó, không nên cầu tìm nó. Bởi vì chúng ta từ vô thỉ cho đến nay, trong tám thức cảu chúng ta cảnh giới nào cũng dầy đủ cả. Khi tâm của hành giả mới yên lặng thì nó lại trồi lên, giống như dòng nước đục, nếu cứ khuấy động dòng nước ấy thì nó không bao giờ trong được, nếu để cho nó lặng rồi dần dần lắng xuống thì nước ấy mới trong, những thứ cáu bẩn, những thứ bụi bặm lóng xuống đáy rồi nước ấy mới trong sạch được. Điều này cũng giống như việc hành thiền của hành giả vậy.

Tâm trong nước hiện trăng

Tâm định trời không mây.

Tâm của hành giả thanh tịnh khác nào dòng nước trong hiện ánh trăng vàng, cho nên không thể nói cảnh giới này là chân hay giả được, nếu hành giả dụng công thì nó trở thành chân. Nhưng khi dụng công cảnh giới xuất hiện, hành giả cũng không nên cho nó là không tốt mà chạy trốn nó. Cảnh giới ấy cũng do hành giả dụng công mà có cho nên không sợ nó, chỉ cần hành giả không duyên theo nó mà cứ một mực nhiếp tâm trong chánh niệm thì cái gì cũng không bị vướng mắc.

 

Ngày nay chúng ta muốn học có trí tuệ, học có trí tuệ thì trước tiên phải chịu khổ, phải chịu nung nấu, dùng lửa để nung lui nung tới. Giống như một cục vàng, cần phải lấy lửa nung đi nung lại mới biết được nó là chân hay giả. Nếu không phải vàng thì sẽ bị lửa nấu chảy; nếu thật là vàng thì không có lửa nào có thể đốt đốt cháy. Vì vậy, bây giờ chúng ta phải luyện, phải luyện thành thân Kim cang bất hoại, bất luận là bomb nguyên tử hoặc là bomb Hydrogen, hay bomb gì đi nữa cũng không sợ. Vì sao bạn không sợ nó? Bởi vì bạn đã đạt được thân kim cang bất hoại mà! Không có bất cứ một thứ gì có khả năng phá hoại thân Kim cang bất hoại của bạn được, nhưng trước tiên bạn phải chụi khổ luyện tập.

Có người nói rằng:

-Khổ như thế làm sao tôi chụi nổi, rất là khổ.

-Là ai biết khổ? Ai biết đau?

-Chính là tôi biết khổ, tôi biết đau chứ còn ai nữa".

-Vậy thì bạn là ai?

-Tôi chính là tôi, là thân thể này của tôi đây.

-Thân thể này là của bạn sao? Vậy thì khi chết rồi thì thân thể này còn là của bạn không? Chết rồi thì đánh nó cũng không biết đau, chưởi nó cũng không phản ứng, khổ như thế nào chụi cũng được. Lúc ấy cái gì cũng trở về không.

-Bởi vì lúc ấy đã chết rồi cho nên bất cứ vần đề gì cũng không có.

-Vậy thì bây giờ bạn xem thân bạn như đã chết để thực tập rèn luyện vậy.

 

-Bạn có muốn không chết không? Nếu muốn thì trước tiên bạn thử chết xem.

-Bằng cách nào, tự sát chăng?

-không phải, là giống như người chết thôi. Bây giờ bạn hãy nhìn bạn như người chết rồi, tức là không còn đấu tranh, không còn tham lam, không còn sân hận, cũng không còn si mê vậy đó. Lịch đại Tổ sư, vị Bồ-tát cho đến chư Phật đều thành tựu từ pháp môn này, hết thảy chư Phật cũng từ đây mà xuất sanh, hết thảy chư vị Bồ-tát cũng xuất sanh từ đó, tất cả các vị Tổ sư cũng xuất sanh từ pháp môn này.

chúng ta hiện nay cũng không nên sợ khổ, sợ gian nan, mà phải chịu khó tu tập, chịu khó nhận chân được việc tu tập để gạn lọc tất cả những vọng tưởng, không nên trốn tránh, không nên lười biếng, mạnh mẽ như thế thì đó chính là lúc thiền hành, là lúc toạ thiền. Chúng ta mượn giả để tu chân, phải cố gắng chịu khó, càng khó thì càng phải làm. Chúng ta làm những việc khó làm, nếu như dễ thì mọ người đều làm rồi, vì nó không dễ, cho nên chúng ta phải làm những việc không thể làm, nhẫn những điều mà mọi người không thể nhẫn, dũng mãnh tinh tấn bạn mới có thể thành tự thành tựu trí tuệ chân chánh cho bạn. Đây gọi là lò lửa lớn để rèn luyện thân kim cang bất hoại. Cũng vậy, người tu tập nếu đã trải qua giai doạn luyện tập thì thân thể rất cường tráng, trí tuệ cũng hiện tiền.

Việc tham thiền cũng là rèn luyện thân thể, rèn luyện tâm lý; rèn luyện thân tức là đoạn trừ tham sân si, là không còn sát sanh hại vật, không còn trộm cướp, không còn dâm dục. Đây cũng chính là con đường tu tập giới định tuệ, tức là diệt trừ tham sân si. Ngồi thiền ở trong thiền đường thì không có lỗi lầm nào mà có thể phạm phải, tuy nhiên sức định còn thấp, tâm hồn luôn bị vọng tưởng chi phối, nhưng hành giả không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, cẩn thận để làm, cho nên thân không còn phạm vào sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, khiến cho toàn bộ tập khí của thân thể lắng động và dần dần đạt được thanh tịnh; rèn luyện thân thể khiến cho vọng tưởng trong tâm không còn nữa. Thân tâm đều đã thanh tịnh thì mặt trời trí tuệ vốn có bắt đầu hiển lộ, mây đen vô minh bị đẩy lùi.

Thân tâm chúng ta không dễ dàng phản bổn hoàn nguyên, bỏ tà về chánh. Chúng ta chấp trước thân thể của chúng ta, chấp trước cái ta, cái của ta, nay đem nó bỏ đi. Nếu là người có thiện căn thì họ có thể không chấp trước bất cứ một điều gì, lại có thể phá trừ tất cả chấp ngã chấp pháp của mình. Hành giả quán thân này là không để diệt trừ tình chấp, khi đã diệt trừ chấp ngã rồi thì tâm liền định, pháp chấp cũng không còn. Khi ngã chấp và pháp chấp đã diệt trừ rồi thì hành giả đã vượt ra khỏi quỷ đạo, không còn bị tập khí câu thúc, không bị ngoại cảnh chi phối. Đạt được như thế rồi thì tận cùng hư không khắp cả pháp giới đều là pháp thân của hành giả. Điều đáng tiếc là chúng ta chưa đạt đến, muốn đạt được như thế thì phải trải qua không biết bao nhiêu số kiếp mới có thể được.

Lúc hành giả tu đạo, dùng pháp môn bố thí để xả bỏ tât cả tình chấp của mình; dùng phương pháp trì giới, các việc ác không làm, chỉ làm các điều thiện; dùng phương pháp nhẫn nhục để nhẫn nại những khó khăn trong việc tu tập, liên tục đừng để tâm tu tập bị thối lui. Khi thời gian chín mùi thì trí tuệ tự nhiên hiển lộ, trí tuệ Bát-nhã chiếu khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới. tất cả đều phải chịu khó tu tập mới có thể đạt được.

Không phải một phen sương lạnh buốt

Hoa mai đâu thể toả hương thơm.

Bất luận là gặp phải khó khăn nào thì hành giả phải cố nổ lực, sau mới có thể thành tựu. Không nên khó khăn mà thối lui, như thếthì không thể thành tựu được.

 

Thật Tướng Bát Nhã Hiện Tiền

Pháp môn toạ thiền là pháp môn (vô vi nhi vô bất vi) không làm mà làm tất cả. Như vậy có nghĩa gì? Hành giả tham thiền tức là không làm bất cứ một việc gì, nhưng đối với thế giới, có hành giả tham thiền tức là có một người giúp cho thế giới này thêm phần chơn chánh; mọi người hành thiền thì thế giới này không còn nạn chiến tranh. Người ta cho rằng, tham thiền là phải ngồi thiền, điều ấy không sai, ngồi tâm mới tỉnh lặng, ngồi lâu mới có định lực, nếu hành giả ngồi thiền với thời gian rất lâu, có được định lực sâu dày thì hành giả sẽ có một cảnh giới bất tư nghì tương ứng. Nhưng đối với người tham thiền một cách đúng đắn và nghiêm túc thì không phải chỉ ngồi mới là thiền, mà là đứng cũng tham thiền, lúc đi cũng tham thiền, lúc ngủ cũng tham thiền, cho nên tất cả hành vi cử chỉ đi đứng nằm ngồi mà có thể nhiếp tâm trong từng giây từng phút thì đó đều là tham thiền cả. Người dụng công tham thiền thì bất cứ lúc nào cũng đều phản chiếu lại câu thoại đầu của mình, tham niệm Phật là ai, thậm chí cũng không có thời gian để ăn cơm, uống trà, ngủ nghĩ, từng hành vi đi đứng nằm ngồi đều phải dụng công bằng cách nhiếp tâm vào câu thoại đầu. Tham miệt mài đến lúc lâm vào bế tắc, không còn lối thoát thì đây chính là bạn đã tham thiền đến cực điểm.

Chúng ta tham thiền cần phải chuyên nhất, chuyên nhất cho đến điểm cuối cùng thì lúc đó sẽ có biện pháp khai ngộ. Chỗ gọi là "sự vật phát triển đến chỗ tột cùng thì sẽ chuyển hoá theo hướng ngược lại, con người khi lâm vào bế tắc thì sẽ có phương pháp để giải quyết" hay còn gọi là "cùng tắc biến". Đúng như vậy, bất cứ một sự việc nào mà đạt đến cực độ của nó thì mới có phương pháp để giải quyết. Chúng ta ngồi thiền cũng vậy, không nên vì ngồi đau mà la làng, bời vì khi đau đến cực độ của cái đau thì nó lại hết đau, sau đó như thế nào thì không thể luận bàn được, tuyệt vời không thể dùng ngôn ngữ diễn đạt, điều này bạn cứ thử nghiệm đi rồi bạn sẽ thấy!

Khi bạn đau nhức đến cực độ thì không còn đau nhức nữa, tức là bạn đã vượt qua một cửa ải đau nhức, nhưng vẫn còn những cửa ải khác nữa, ngồi một xíu là có một cửa ải, ngồi thêm xíu nữa là xuất hiện thêm một cửa ải. Cứ như thế, người tham thiền cần phải nhẫn nại, nhẫn không nổi cũng phải nhẫn, phải cố nghiến răng mà nhẫn, nhất định phải chụi đựng cho được, không sợ khổ, không sợ đau, không sợ khó. Nếu tâm bạn luôn miên mật, không nghĩ đến những chướng ngại đó thì bạn sẽ mau chóng vượt qua được tất cả các cửa ải nặng nề mà bước đầu phải vượt qua. Nếu hành giả không chụi nhiếp tâm mà cứ lang mang theo những niệm đau nhức v.v.. thì không bao giờ có được định lực. Trong các chướng nạn của việc ngồi thiền, đặc biệt là ba cửa ải đáng sợ đó là đau nhức, khó chịu và khổ sở. Nếu hành giả đã vứt bỏ được ba tâm niệm này thì sẽ được tự tại để đi sâu vào định. Khi sự đau nhức của bạn đã đến cực độ thì nó không còn đau nhức nữa, khi thân không còn đau nhức tức là bạn đã quên mất thân, quên mất thân chính là lúc cái ta của bạn không còn tồn tại nữa. Hành giả nhiếp tâm đạt đến cực điểm, tức là thanh tịnh đến cực điểm, định lực đạt đến cực điểm thì tự nhiên trí tuệ sáng suốt xuất hiện, hành giả đã vỡ ngộ.

Có người hỏi: "Sống giữa thế giới ồn ào náo nhiệt như thế chúng ta làm sao mà tham thiền?"

Vâng ngay trong thiền đường cũng không phải là thanh tịnh, nếu chính bạn không có cái động này thì bạn lại có cái động khác, không có cái động khác thì lại có cái động khác nữa, cứ như thế, "nhất niệm sanh tâm khởi, bá vạn pháp môn khai". Nếu thật bạn là hành giả dụng công tu tập, có động nhưng bạn không bị cái động ấy làm chủ xuay chuyển mình, không nên bám vúi vào cái động ấy, nếu bạn bị dính mắc vào cái động ấy thì không bao giờ nhập định được. Nếu bạn nhiếp tâm được thì dù cho đi giữa chợ bạn cũng có thể tham thiền, còn như không dụng công thì dù ngồi trong thiền đường cũng cảm thấy ồn ào vậy.

Điều cần thiết của việc tu tập là phải khắc phục được hoàn cảnh, không nên thấy môi trường này không tốt rồi bỏ đến một môi trường tốt hơn, cứ như thế thì cho dù tìm cả thiên hạ cũng khó mà có được mốt nơi cho tốt, cho yên ổn. Bất luận là một hoàn cảnh nào, nếu bạn có thể khắc phục được thì chính bạn đã tu tập rồi. Chính ngay Đức Phật, ngài cũng không nói là chỗ này mới thành Phật còn chỗ kia không thể thành Phật.

Lúc này hành giả cần phải nhẫn, bất luận là khó chịu như thế nào đi nữa thì cũng phải nhẫn chịu, không nên để cảnh giơi ấy làm lay động tâm mình, được như thế là hành giả cũng đã thành tựu được một phần định lực, và khi đã có định lực thì trí tuệ sẽ khai mở. Có người nói: phải cần thọ giới, hiện tại chúng ta toạ thiền thì đó cũng chính là thọ giới vậy. Thọ giới nào? chính là thọ giới khổ. Thọ giới đau. Hành giả nhất tâm tham thiền, tham câu niệm Phật là ai, giữ vững câu thoại đầu này, miên mật không ngừng, không bỏ quên công án, cứ mãi niệm Phật là ai. Lúc này bạn nói bản thân bạn có tội hay không? Bạn có tạo ra nhiều nghiệp ác hay không? Trong lúc tham thiền bạn có biết giết người không, có khởi lên tâm niệm đánh người không? Có muốn đi ăm trộm hay không? Hoàn toàn không! Đã không giết người, không ăn trộm thì đó chính là trì giới mà! Kiểu trì giới này gọi là trì trong không trì, không cần phải trì giới nhưng tự nhiên bạn đã giữ giới, cho nên gọi là định lực sanh.

Nếu như bạn không tham thiền, tâm thường khởi lên những vọng tưỡng khác, hoặc là sát sanh, hoặc là ăn trộm, hoặc tà dâm, nói giối, uống rượu v.v.. . Vì một niệm khởi lên theo đó là hành động tạo ra rất nhiều tội lỗi. Trong lúc bạn toạ thiền thì tất cả những vấn đề đó không phạm phải, nên gọi đây là không trì mà lại trì, không định mà định. Tuy nhiên hơi đau một chút nhưng bạn phải chịu khó, nhờ đó mà định lực mới sanh. Khi đã có định lực thì sẽ có trí tuệ, cho nên đây chính là tu tâp giới định tuệ vậy. Tu giới định tuệ tức là diệt trừ tham sân si. Khi chúng ta đạt được thiền định thì có đủ cả giới và định, tức nhiên bạn đã loại trừ được ba món độc tham sân si rồi.

Cho nên tham thiền đều có đủ tất cả các pháp, hết thảy pháp đều bao quát trong tham thiền. Nhưng chúng ta tham thiền càng tham thì càng khai ngộ, càng tham càng có định lực, càng tham thì càng có trí tuệ, không thể mơ mơ hồ hồ được.

 

Bạn nên biết, chúng ta sanh sống trong thế giới này, từng hơi thở, từng cữ động, từng lời nói, từng ý nghĩ đều có sự quan hệ liên đới với toàn thế giới cũng như không gian và thời gian. Bầu không gian bao hàm trong thế giới vũ trụ, đó là thiện khí, ác khí, thanh tịnh khí và ô nhiễm khí, tất cả đều có sự liên thông với chúng ta. Nếu như bạn có được sự thanh tịnh chơn chánh thì tức là bạn đã trở về với nguồn cội, thấy được bản lai diện mục của chính mình. Điều này đòi hỏi chính bản thân bạn phải buông xả tất cả, chịu nhọc chịu khó gạn lọc mới cóthể trong ra trong, đục ra đục. Lúc đó thì tâm tư và hơi thở của bạn đều biến thành thanh tịnh, không còn nhiễm ô nữa, mặt trời trí tuệ của bạn sẽ bừng sáng. Nếu như tâm bạn còn nhiễm ô, chưa đầy đủ thanh tịnh thì bạn vẫn còn vô minh. Cho nên lúc chúng ta tham thiền là để gạn lọc cho tâm được trong sạch, trong sạch rồi  thì pháp thân thanh tịnh sẽ được hiện tiền, rõ tâm thấy tánh, thấy được  bản lai diện mục xưa nay vốn là như thị.

Thiền giả phải đạt được tâm thanh tịnh, tức là trong tâm thanh tịnh, ngoại cảnh thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì không còn khởi vọng tưởng, bên ngoài thanh tịnh thì không làm những việc gì sai trái. Tâm thanh tịnh là thánh, việc làm thanh tịnh là vua. Tâm thanh tịnh là thánh có nghĩa là khi tâm đã trong lắng thì tánh đức hiển lộ, việc làm thanh tịnh là vua chính là không làm các việc ác, chỉ làm các việc lành, vì lợi ích tất cả chúng sanh. Cho nên bên ngoài chúng ta phải tích tụ công đức, bên trong thành tựu Phật quả, bên ngoài là lập công, bên trong là tồn đức. Lập công chính là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, nhưng việc làm lợi ích cho chúng sanh đòi hỏi bạn không vì cái danh dự mà làm, không nghĩ đến việc mình đã làm, tất cả việc làm ấy đều vô sự, không nên chấp trước; giả như bạn nghĩ rằng mình đã làm được những việc lợi ích cho chúng sanh, như thế thì bạn đã chấp vào tướng làm. Phải lập tất cả công đức, mang lợi ích đến cho mọi người, đây đều là nhưng công việc mà bổn phận chúng ta phải làm. Nhưng làm rồi chúng ta không nên nghĩ mình đã làm được như vậy như kia, không nên chấp trước như thế. Bên ngoài vì lợi ích cho mọi người, bên trong vì lợi ích cho chính mình, vì vậy chúng ta phải có sức định tỉnh, phải tham thiền mới có thể thành tựu được. Hành giả ngồi thiền một giờ đồng hồ thì sẽ có sự thọ dụng của một giờ đó, có lợi ích đối với chúng sanh và cũng là công đức lớn lao cho chính bản thân. Khi hành giả đã đạt đựơc nội vô thân tâm, ngoại vô thế giới, tức là hoàn toàn thanh tịnh không chấp trước bất cứ điều gì, thì bạn đã thành tựu định lực, trí tuệ đã hiển lộ. Khi  ngồi thiền bạn đã đạt được cảnh giới thanh tịnh hoàn toàn, khi bạn xả thiền thì cảnh giới ấy vẫn luôn tồn tại, tức là trong tịnh cũng tịnh mà giữa động cũng tịnh, động tịnh nhất như, động tịnh không hai. Công phu của bạn đã thành tựu được như thế tức bạn thường hằng ở trong tam muội (định), mỗi mỗi cữ động, mỗi lời nói, mỗi bước đi, mỗi cái ngồi đều ở trong định. Cho nên nói:

Tâm thường trụ an nhiên định tỉnh

Không lúc nào dấy khởi cảnh thinh

Mắt nhìn sắc tâm không chút vướng bận

Tai nghe tiếng thế sự vẫn như nhiên.

Đây đều là cảnh giới của định tỉnh, nhờ vào công phu tham thiền, ngồi thiền lâu dài mới có được. Nếu bạn thật sự dụng công tu tập đúng pháp, khi đạt được định thì đói cũng không biết ăn, khát cũng không biết uống, lạnh cũng không biết lạnh, nống cũng không biết nống, cái gì cũng không bị chi phối. Khi đạt đến trình độ hnư thế rồi thì cái gì bạn cũng thấu suốt cả, lúc ấy trí tuệ đã "vượt tầm pháp giới, từ bi thấm nhuận non sông". Cho nên, bất cứ làm một việc gì, hành giả cũng phải làm đến chỗ tột cùng của nó, khi đó sẽ có sự biến đổi. Đây cũng chính là cực tịnh sanh động, cực động sanh tịnh. Giống như ban ngày và ban đêm, ngày là động, đêm là tịnh; tối đến điểm cuối cùng thì trời sáng; sáng đến cuối ngày thì trời lại tối. Lên thêm một bước nữa là khi hành giả đã đạt được như trên rồi thì không còn lo ngại gì vấn đề động tịnh  nữa, bởi tất cả đều nhất như; động không ngại tịnh, tịnh cũng không ngại động; động ở trong tịnh, tịnh ở trong động. Dụng công như thế thì chính là giữa chân không mà lại có muôn vật hiện hữu, giữa thế giới muôn màu muôn tượng mà lại là chân không.

Điều chúng ta phải chú ý, hôm nay sống như thế nào thì ngày mai chết sẽ như thế ấy. Nếu như không chịu tu tập thì khi chết chúng ta không được tự tại. Khi sống đã được tự tại thì chết cũng sẽ tự tại, chúng ta muốn đến thì đến muốn đi thì đi. Đến cũng không vướng bận, không phiền não. Đi cũng không vướng bận, không phiền não. Đây chúng ta gọi là làm chủ được sanh tử, hay liễu sanh thoát tử. Muốn đạt được như thế thì điều trước tiên bạn phải chịu khổ, chịu đau, chịu khó nhẫn nại mới mong thành tựu.

Pháp môn thiền là mẹ của ba đời chư Phật. Mười phương chư Phật cũng từ thiền mà xuất sanh. Nếu như không có công phu thiền định thì không bao giờ khai ngộ, không bao giờ thành tựu Phật quả. Mặc dầu chúng ta không phải là môn hạ riêng của ngài Lâm Tế, của Tào Động, của Vân Môn, của Pháp Nhãn, của Quy Ngưỡng, nhưng chúng ta là môn hạ của tất cả. Cho nên hôm nay chúng ta phải nối gót các ngài, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh và cho chính bản thân chúng ta, thoát ra khỏi biển khơi sanh tử mà bao kiếp đã chìm đắm.

http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/

 


Vào mạng: 17-12-2006

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang