Thiền sư Mã Tổ
(709-788) là đệ tử của thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng vốn là đệ tử của Lục
Tổ Huệ Năng (638-713). Số đệ tử ngộ đạo của sư lên tới 139 người, có chỗ
ghi là 84 người được coi là kỷ lục so với tất cả các thiền sư khác. Nơi sư
hoằng pháp là Giang Tây cũng được mệnh danh là trường thi Phật. Dòng thiền
của sư sau này có những vị nổi tiếng là Hoàng Bá Hy Vận, và kế đó là Lâm
Tế Nghĩa Huyền (?-866), vị tổ sáng lập tông Lâm Tế vẫn còn được truyền
tiếp cho tới ngày nay. Thiền tông Trung Hoa là do công lao sáng lập của tổ
Bồ Ðề Ðạt Ma cho đến Lục tổ Huệ Năng, nhưng kể từ thời hai vị Mã Tổ và
Thạch Đầu thì mới hưng thịnh và có những đường lối, đặc điểm rõ rệt. Trong
khi Mã Tổ khai đường ở Giang Tây thì Thạch Ðầu Hy Thiên hoằng pháp ở Hồ
Nam. Hai vị đó được coi như hai cột trụ của Thiền Tông lúc bấy giờ. Dòng
thiền của Mã Tổ là tông Lâm Tế, còn dòng thiền của Thạch Ðầu là tông Tào
Ðộng. “Phật
giáo Trung quốc đời Ðường
(618-907) được
coi là cực thịnh, nhiều tông phái phát triển mạnh như Thiền tông, Tịnh Ðộ
tông, Luật tông, Pháp Tướng tông, Hoa Nghiêm tông, Mật tông ... Nhưng đến
cuối đời Ðường thỉ các tông khác đều đi tới chỗ suy vi, chỉ có Thiền Tông
là vẫn thịnh đạt xán lạn”. (trích: Lịch sử Phật giáo Trung quốc, Thích
Thanh Kiểm)
Sau đây xin giới
thiệu một cuốn sách nghiên cứu khá đầy đủ về thiền sư Mã Tổ.
Tóm lược sách: “Sun
Face Buddha – The Teachings of Ma-tsu and the Hung Chou School of
Ch’an. Tác giả: Cheng Chien Bhikshu. Nhà xuất bản: Asian Humanities Press-
Berkeley, California, 1992. Tỳ kheo Cheng Chien, vốn người Yugoslavia, tục
danh là Mario Poceski, sanh năm 1964, đã thọ giới tỳ kheo tại Sri Lanka
năm 1983.
Tựa đề cuốn sách
được dịch là: “Mặt trời Phật - Ngữ lục của Mã Tổ và tông phái Thiền
Hồng Châu”.
Phần 1: Dẫn
nhập
Trước khi viết về
cuộc đời và pháp môn của Mã Tổ (709-788) tăng Cheng Chien giới thiệu về sự
phát triển Thiền tông tại Trung Hoa trong thời đại của Mã Tổ. Đời Đường
thường được coi là thời cực thịnh của văn hóa Trung Hoa nhờ sự tương đối
ổn định về chánh trị và kinh tế. Đạo Phật được du nhập trước đó hơn 500
năm đã phát triển rất mạnh. Đến thời đó những kinh, luận quan trọng của
Phật giáo đã được dịch ra tiếng Trung Hoa, người dân đã thấm nhuần tư
tưởng Phật giáo. Các tông phái đã bắt đầu xuất hiện.
Tông Thiên Thai
được coi như xuất hiện trước nhất. Vị sáng lập ra tông này là Trí Khải
(Chih-i) (538-597) ở núi Thiên Thai. Ngài là đệ tử của Huệ Tư (515-577) và
đã thiết lập một hệ thống đầy đủ bao gồm toàn thể giáo lý đạo Phật, phối
hợp lý, sự, quyền, thiệt, đốn, tiệm thành một khối. Một tác phẩm quan
trọng của Trí Khải là “Ma Ha Chỉ Quán”. Ảnh hưởng của Trí Khải rất quan
trọng trong sự phát triển Phật giáo, nhất là đối với Hoa Nghiêm tông và
Thiền Tông.
Một tông phái
khác được xuất hiện sau Thiên Thai tông là Hoa Nghiêm tông, y cứ vào kinh
Hoa Nghiêm (Avatamsaka sutra). Sơ tổ ở Trung Hoa là Đỗ Thuận (557-640),
nhưng 2 nhân vật chủ yếu là tổ thứ 2 Trí Nghiêm (Chih-yen) (602-668) và tổ
thứ 3 Pháp Tạng (Fa-tsang) (643-712). Sau đó tổ thứ 4 là Trừng Quán
(Ch’eng-kuan) (738-839) cũng đã có công lớn trong việc truyền bá Hoa
Nghiêm tông, dệ tử của ngài là Tông Mật (Tsung-mi) (780-841) rất nổi tiếng
và là người đã bắc cầu giữa hai tông Thiền và Hoa Nghiêm. Ảnh hưởng của
Hoa Nghiêm tông và Thiền tông được thấy rõ trong pháp môn của Mã Tổ.
Sự
hình thành của Thiền tông tại Trung Hoa.
Vị tổ thứ nhất
của Thiền tông tại Trung Hoa là Bồ Đề Đạt Ma (?-532, có nơi ghi là
470-543). Tổ vốn là vị tổ thứ 28 Thiền tông đã từ Ấn Độ qua miền Nam Trung
Hoa vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5. Cuộc đời của tổ không được ghi rõ lắm,
tổ có để lại tác phẩm “Thiếu Thất Lục Môn”, ghi sáu cửa vào động Thiếu
thất, tức sáu pháp môn để vào cửa Thiền. Tổ thứ hai là Huệ Khả (487-593),
người Trung Hoa. Năm 40 tuổi Huệ Khả thọ pháp của tổ Bồ Đề Dạt Ma và theo
tu học 6 năm, được tổ trao cho cuốn kinh Lăng Già (Lankavatara Sutra) coi
như căn bản Phật pháp. Tổ thứ 3 là Tăng Xán, viết tác phẩm Tín Tâm Minh.
(Tổ gặp một vị sư người Ấn Độ tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Trung Hoa cầu
pháp. Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi được truyền tâm ấn và được tổ khuyên qua phương
Nam để tiếp độ chúng sinh, và sau này được coi là sơ tổ Thiền tông Việt
Nam- trích Tín Tâm Minh nghĩa giải, của Thuần Tâm - Nhựt Quang)
Tổ thứ 4 là Đạo
Tín (580-651). Từ thời Đạo Tín thì lịch sử Thiền tông đã bắt đầu được ghi
chép rõ ràng. Đệ tử của tổ lên đến 500 người. Đạo pháp của tổ được đệ tử
ghi thành cuốn (Record of the Transmission of the Lankavatara).
Tổ thứ 5 là Hoàng
Nhẫn (601-674). Sư họ Châu, ở tại huyện Huỳnh Mai. Năm lên 7 được tổ Đạo
Tín thu nhận và ở với tổ 30 năm. Khi tổ Đạo Tín tịch năm 651 thì Hoàng
Nhẫn dời về Huỳnh Mai. Sau này hai pháp môn của Đạo Tín và Hoàng Nhẫn được
gọi là Pháp môn Đông Sơn, là tên núi tổ ở. Pháp môn của Hoàng Nhẫn được
ghi trong Tối thượng thừa luận ? (Discourse on the Essentials of Mind
Cultivation). Nhiều đệ tử của Hoàng Nhẫn đã chứng ngộ có nhiều người nhưng
nổi tiếng là Thần Tú (Shen-hsui) và Huệ Năng (Hui-neng).
Thần Tú
(606?-706) truyền bá Thiền tông về hướng Bắc, tại kinh Tràng An và Lạc
Dương theo phương pháp tiệm tu, còn Huệ Năng về phương Nam, tại tỉnh Hồ
Nam và Giang Tây theo phương pháp đốn ngộ. Thần Tú xuất gia năm 20 tuổi
theo học kinh, luận, đến năm 45 tuổi mới đến Huỳnh Mai thọ pháp Hoàng
Nhẫn, và ở đó 6 năm, sau khi được truyền tâm ấn, sư đến trụ trì ở chùa
Ngọc Tuyền ở Kinh Châu khoảng năm 676-679, đệ tử theo học rất đông (có tài
liệu ghi hơn 3000 người) và nổi tiếng, nên đến năm 701 sư được triều đình
mời về Tràng An hoằng pháp. (Khi sư tịch được phong là Đại Thông thiền
sư).
Huệ Năng
(638-713) họ Lư sanh ở Tân Châu, cha mất sớm, làm nghề bán củi để giúp đỡ
mẹ già. Đến năm 25 tuổi thì đến chùa Đông sơn tại huyện Huỳnh Mai thụ giáo
Hoàng Nhẫn. Sau khi được tổ Hoàng Nhẫn truyền tâm ấn, trao y bát chứng
nhận sư là người kế nghiệp và như vậy là vị tổ Thiền tông Trung Hoa thứ 6.
Sư đi ẩn dật ở miền Nam trong 16 năm. Khi biết thời cơ đã tới, sư đến chùa
Pháp Tánh tại Quảng Châu. Nơi đây sư mới chánh thức thọ giới tỳ kheo từ
luật sư Trí Quang. Đến năm 676 tổ dời về chùa Bửu Lâm ở Tào Khê và hoằng
pháp tại đó khoảng 40 năm cho đến khi tịch. Pháp môn và cuộc đời của tổ
được ghi lại trong cuốn Pháp Bảo Đàn kinh. Tổ truyền pháp Vô Niệm, và Định
Huệ đồng tu. Tổ nhấn mạnh cần thấy tự tánh, tức kiến tánh, bằng pháp tu vô
tướng, vô trụ và vô niệm. Công lao truyền dựng pháp môn của Lục tổ Huệ
Năng phần lớn là do Thần Hội Hà Trạch (Shen-Hui, 670-762 hoặc 684-758).
Những đệ tử nổi tiếng của Huệ Năng gồm có: Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744),
Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713) trước tác tập Chứng Đạo Ca, Thanh Nguyền
Hành Tư (660-740), Nam Dương Huệ Trung sau này là Quốc sư (?-775).
Ngoài tông chánh
thống kể trên còn có vài tông phái Thiền khác nhưng không phát triển được
bao lâu và đã suy tàn. Đó là thiền phái Ngưu Đầu do Pháp Dung (594-657)
sáng lập. Pháp Dung được coi như là đệ tử của Tứ tổ Đạo Tín, trụ trì tại
núi Ngưu Đầu (có tài liệu khác ghi Pháp Dung là đệ tử của tổ Hoàng Nhẫn).
Ngoài ra có tông Tứ Xuyên mà đại diện là sư (Wu-hsiang) và sư (Wu-chu).
Cuộc đời và
pháp môn Mã Tổ
Sư họ Mã, sanh
năm 709 tại Hán Châu gần biên giới Tây Tạng. Từ hồi còn nhỏ sư đã xuất gia
với hòa thượng Đường (Ch’u-chi) (665-732), hòa thượng Đường vốn là đệ tử
của (Chih-shen) (609-702) nguyên là một đệ tử của Ngũ tổ Hoàng Nhẫn. Trong
một tài liệu Tông Mật (Tsung-mi) có ghi là Mã Tổ theo học hòa thượng Kim
có pháp danh là (Wu-hsiang), người Đại Hàn (684-762) mà cũng là đệ tử của
hòa thượng Đường. Hai hòa thượng Đường và Kim đều là những vị Thiền sư nổi
tiếng thời đó. Hòa thượng Kim dạy pháp 3 câu là: không nhớ
(no-remembering), không nghĩ (no-thought), không quên (no-forgetting) liên
quan tới giới, định, huệ của các kinh Phật. Mục đích của “ba không” là
không nhớ những quá khứ, không lo nghĩ về tương lai để chuyên chú tu tập.
Do đó nên tác giả Cheng Chien cho rằng có lẽ Mã Tổ chịu nhiều ảnh hưởng
của phái thiền Tứ Xuyên của hoà thượng Kim hơn là của thiền sư Hoài Nhượng
sau này.
Năm 738 Mã Tổ thọ
giới tỳ kheo với luật sư Viên ở Du Châu và sau đó đã dời Tứ Xuyên đến vùng
Trung của Trung Hoa. Khoảng năm 738 đến 742 sư tới Hoành Nhạc ?
(Heng-yueh) và chuyên tu thiền định theo thiền Bắc phái, vì sư thường hay
nhắc tới kinh Lăng Già vốn được áp dụng tại Bắc phái, thay vì theo kinh
Kim Cang thường được nhắc tới tại Nam phái. Vấn đề đó không được ghi rõ
ràng lắm.
Khi ở Hoành Nhạc
thì Mã tổ có gặp và theo học thiền sư Hoài Nhượng trong 10 năm. Sau khi
rời Hoài Nhượng khoảng năm 750 thì sư du phương để tiếp tục tu tập và giáo
hóa. Đó là thời mà Trung Hoa có nhiều xáo trộn trong xã hội vì có loạn An
Lộc Sơn và nhà Đường bắt đầu suy đồi. Vào khoảng năm 776-779 Mã Tổ đến
Kiến Dương, kế dời đến núi Cung Đông Nam Dương cho đến khi sư tịch năm
788. Tại đó học giả các nơi tụ hội về rất đông. Số đệ tử ngộ đạo lên đến
139 người - có tài liệu ghi 84 người - hơn tất cả những thiền sư khác.
Dòng thiền của Mã
Tổ sau này được gọi là phái Hồng Châu, là nơi mà Mã Tổ và các đệ tử truyền
bá. Pháp môn này được các đệ tử truyền bá khắp Trung Hoa trong thế kỷ thứ
9. Mã Tổ cùng với Thạch Đầu Hy Thiên thời đó là hai vị đã đem lại cho
Thiền tông Trung Hoa sự phát triển lớn mạnh đời Đường.
Mối liên quan
giữa Mã Tổ và Thạch Đầu rất là đặc biệt. Không có tài liệu nào ghi việc
gặp mặt của hai vị đó nhưng họ rất quý trọng nhau. Nhiều tăng đã theo học
cả hai vị. Nhiều khi vị này lại giới thiệu đệ tử của mình qua tham vấn vị
kia. Có thể nói là Thiền tông đã bước qua giai đoạn mới trong giai đoạn
này, có tính cách cởi mở và trực tiếp. Những phương pháp giảng dạy như
quát, đánh, những câu hỏi như bí hiểm là do ảnh hưởng của Mã Tổ. Có thể
nói rằng kể từ thế kỷ thứ chín cho đến nay các vị đại thiền sư đều là đệ
tử tinh thần của Mã Tổ và Thạch Đầu.
Căn bản của pháp
môn Mã Tổ là thuyết Như Lai Tạng (tathagatagarbha). Thuyết này đã được nêu
lên trong nhiều kinh điển, đặc biệt là kinh Hoa Nghiêm, phẩm Như Lai Xuất
Hiện. Thuyết Như Lai Tạng cũng có được nói đến trong kinh Lăng Già.
Theo thuyết Như
Lai Tạng thì tất cả các chúng sinh đều có Chân Tâm (True Mind) mà vốn xưa
nay sáng suốt, thanh tịnh nhưng thường bị vọng tưởng che lấp. Tuy cái Chân
Tâm hoặc Phật tánh (Buddha nature) đó ngoài sự nghĩ lường và không có dấu
vết gì, nhưng tùy duyên có thể biểu hiện thành mọi thứ. Cái đặc tính năng
động đó của Chân Tâm rất là quan trọng đối với Mã Tổ vì sư cho rằng việc
chứng ngộ là do nhận được những biểu hiện đó. Đạo không phải là những
nguyên tắc siêu hình trừu tượng, mà những lời nói, ý nghĩ và hành động của
mình đều là sự biểu hiện của Chân Tâm. Sự thật thưòng có mặt trong tất cả
mọi thứ - là tất cả mọi thứ - mọi thứ đây có nghĩa là mọi pháp, chỉ vì
chúng ta chìm đắm trong si mê nên không nhận ra điều đó.
Chúng sanh không
biết trở về nguồn nên chỉ biết chạy theo danh và tướng, do đó vọng tưởng
khởi lên và tạo ra muôn nghiệp. Vì vậy mê là mê cái bản tâm, và ngộ chỉ là
ngộ cái bản tâm.
Vì Chân Tâm thì
ai cũng có cho nên nói không phải tu mà được, cũng có nghĩa là không có
thứ lớp. Tuy vậy vì chúng sanh quá si mê nên phải nói có nhiều pháp tu.
Vọng tưởng nói đây là tâm phân biệt tốt và xấu, đúng và sai, phàm và
thánh; vọng tưởng là những ý nghĩ hai bên, tạo ra những kiến chấp và coi
đó là thật. Vì vậy thay vì lo diệt vọng thì chỉ cần thấy bản chất của
chúng là không. Tu là buông xả những thói quen tạo mọi thành kiến và để
cho cái bản thể tự biểu hiện.
Câu mà Mã Tổ
thường chỉ rõ pháp tu đó là : “Tâm bình thường là Đạo”. Tâm bình
thường là tâm không chấp những điều như là tốt và xấu, đúng và sai, thường
và vô thường, phàm và thánh; đó là cái tâm không chấp, cũng không xả. Câu
chuyện sau đây giữa Nam Tuyền (747-834) và Triệu Châu (778-897) chỉ rõ về
nghĩa “Tâm bình thường”:
Triệu Châu hỏi
Nam Tuyền: “Thế nào là đạo?”
Nam Tuyền đáp:
“Tâm bình thường là đạo”
- Lại có thể nhằm
tiến đến chăng?
- Nghĩ nhằm tiến
đến là trái.
- Khi chẳng nghĩ
làm sao biết là đạo?
- Đạo chẳng thuộc
biết và chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt
đạo thì chẳng nghi, ví như hư không, thênh thang rỗng rang, đâu thể gắng
nói phải quấy?
(trích từ Trung
Hoa chư thiền đức hành trạng, của H.T. Thích Thanh Từ)
Pháp môn của Mã
Tổ được coi thuộc truyền thống “đốn ngộ”, tức là khác với “tiệm ngộ”.
Nhưng trong khi công việc tu tập hàng ngày thì vẫn phải có sự giảng giải,
chỉ dẫn nên không sao tránh khỏi việc dẫn dắt đệ tử từng bước. Các tài
liệu không ghi rõ sự hướng dẫn tu tập ra sao nhưng theo các ngữ lục của
các đệ tử thời sau này thì vẫn có sự thờ phụng, tụng kinh, học hỏi, giới
luật và ngồi thiền. Chỉ sau khi các đệ tử đã có trình độ căn bản thì mới
áp dụng pháp chỉ thẳng của Thiền tông. Trong ngữ lục của Mã Tổ cũng có nói
tới các kinh điển như Lăng Già, Duy Ma Cật, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp
Hoa … Các thiền sư chỉ nhấn mạnh đến việc đừng quá chấp chặt vào kinh
điển rồi có những quan điểm sai lạc mà rất thịnh hành ở nhà Đường thời đó.
Pháp môn Thiền
tông đều được căn cứ từ các kinh điển. Thí dụ như lời giảng “tức tâm
tức Phật” cũng được thấy trong đoạn sau đây ở kinh Hoa Nghiêm:
“Cũng vậy, trí
huệ của Như Lai vô lượng, vô ngại có thể lợi ích khắp tất cả chúng sanh,
đầy đủ trong thân chúng sanh. Chỉ vì hàng phàm phu vọng tưởng chấp trước
nên chẳng biết, chẳng hay, chẳng được lợi ích.
Bấy giờ đức
Như Lai do trí nhãn thanh tịnh, vô ngại xem khắp pháp giới tất cả chúng
sanh mà nói rằng: Lạ thay, lạ thay! Tại sao các chúng sanh này có đủ trí
huệ Như Lai, mà ngu si mê lầm chẳng hay, chẳng thấy. Ta nên đem thánh đạo
này dạy cho họ lìa hẳn vọng tưởng chấp trước. Từ trong thân, họ thấy được
trí huệ Như Lai quảng đại, như Phật không khác.”
(Phẩm
Như Lai xuất hiện, Kinh Hoa Nghiêm, tập 3, trang 408)
và trong đoạn
khác:
“Như tâm, Phật
cũng vậy
Như Phật,
chúng sanh đồng
Phải biết Phật
cùng tâm
Thể tánh đều
vô tận”
(Phẩm
Dạ Ma Cung, tập 1, trang 661)
Câu “Phi tâm,
phi Phật” cũng thấy trong kinh:
“Chúng sanh
vọng phân biệt,
Là Phật, là
thế giới,
Người liễu đạt
pháp tánh
Không Phật,
không thế giới”
(Phẩm
Đâu Suất kệ tán, tập 2, trang 74)
và về câu “chẳng
mắc danh tự”:
“ Vì Bồ Tát
này nghĩ rằng: Tôi phải quán sát tất cả các pháp như huyễn, chư Phật như
bóng, Bồ Tát hạnh như giấc mơ, Phật thuyết pháp như vang. Tất cả thế giới
như hóa …”
(Phẩm
Thập hạnh, tập 1, trang 686)
(Những đoạn trích
này đều từ bản dịch kinh Hoa Nghiêm của hòa thượng Thích Trí Tịnh)
Như vậy những lời
giảng dạy của Thiền tông không có sai khác với kinh điển nhưng chỉ khác
biệt về cách trình bày và áp dụng trong việc tu tập cũng như đời sống hàng
ngày. Các thiền sư giảng dạy một cách tự do, không câu nệ mà mục đích là
giúp cho đệ tử vượt khỏi vọng tưởng và đạt tới giải thoát. Vì vậy những
lời nói rất là sống động, mạnh mẽ, đi thẳng vào tâm can đệ tử. Các ngài
không dùng những lý thuyết trừu tượng hoặc mỹ từ, như vậy các đệ tử có thể
tập trung tâm trí trực tiếp vào việc thấm nhuần trí huệ vô biên của đức
Phật.
Truyền thống
thiền viện
Theo truyền thống
của đức Phật, những bài pháp thường là phương tiện tùy theo trường hợp để
dẫn dắt đệ tử qua những chướng ngại để vượt qua những đám mây vô minh tới
ánh mặt trời trí huệ. Vì vậy không cần một hệ thống cố định trong việc
giáo hóa mà chỉ chú trọng việc thực hành và kinh nghiệm. Truyền thống này
cũng được áp dụng trong việc truyền bá Thiền tông. Không như các tông phái
khác thường dùng một học thuyết cố định để giáo hóa, các thiền sư từ thời
Mã Tổ trở đi đều tùy căn cơ đệ tử mà dùng những phương pháp khác nhau để
giảng dạy. Như thiền sư Lâm Tế có nói: “Sơn tăng chẳng có một pháp cho
người, chỉ là trị bệnh mở trói”. Pháp môn Thiền tông chỉ có thể hiểu được
trong sự liên hệ giữa thầy và đệ tử, và chính cái đặc tính linh động đó đã
làm cho Thiền tông có sức mạnh. Cho nên muốn hiểu Thiền tông thì cần biết
rõ bối cảnh xã hội, văn hóa, nhất là cơ chế hoạt động của Thiền tông lúc
đó. Điều mà các học giả phương Tây thường mắc phải là hay suy nghĩ theo
hoàn cảnh hiện tại mà tìm hiểu các pháp môn Thiền cho nên có nhiều hiểu
biết sai lạc.
Việc tổ chức
thiền viện ở thế kỷ thứ tám và chín thì không có nhiều tài liệu ghi chép.
Chỉ sau khi thiền sư Bá Trượng Hoài Hải (724-814) soạn ra bộ quy tắc trong
nhà thiền, gọi là “Bá Trượng thanh quy” thì việc tổ chức các thiền viện
được ấn định rõ ràng và được áp dụng mọi nơi. Có thể nói rằng từ lúc đó
Thiền tông đã có một tổ chức khác với các tông phái khác trong Phật giáo.
Một điểm đặc biệt là theo giới luật của Tiểu thừa và Đại thừa thì các tăng
không được phép trồng trọt, nhưng Bá Trượng lại bắt buộc các tăng phải
trồng trọt để thiền viện được tự túc về lương thực. Phần vì lúc đó số tăng
rất đông cho nên không thể chỉ trông chờ bá tánh cung cấp được. Việc tổ
chức chư tăng rất chu đáo, chỉ rõ từng chi tiết trong việc ăn, ở, tu tập,
công tác cùng những kỷ luật rất nghiêm nghị. Các tăng có quyền đi đến bất
cứ thiền viện nào để tham vấn, học hỏi. Có biết rõ về bối cảnh sinh hoạt
đó thì mới hiểu được cách giảng dạy đặc thù của các thiền sư.
Tông Mật luận
về phái Thiền Hồng Châu
Tông Mật Khuê
Phong (780-841), người Quảng Châu tỉnh Tứ Xuyên. Năm 25 tuổi Tông Mật theo
học thiền sư Đạo Viên thuộc Thiền tông. Sau đó sư rời đi miền Trung năm
812 và là đệ tử sư Trừng Quán, vị tổ thứ 4 tông Hoa Nghiêm. Sư viết rất
nhiều tác phẩm về kinh và luận. Sư là tổ thứ 5 tông Hoa Nghiêm và cũng là
thiền sư của Thiền tông cho nên những bài viết của sư bao gồm cả hai tông.
Tài liệu về Thiền tông thuộc thế kỷ thứ 8 thường căn cứ theo sách của Tôn
Mật. Tác phẩm chính thường được nhắc tới là: “Thiền Nguyên Chư Thuyên Ðô
Tập”
Tông Mật viết:
“Pháp môn của Mã Tổ- cũng được gọi là phái Hồng Châu là nơi Mã Tổ, Bá
Truợng đặt thiền viện- dạy rằng tất cả các pháp đều là đạo, là biểu hiện
của Phật tánh, như vậy việc tu tập là để cho tâm được biểu hiện một cách
tự nhiên.
Tự tánh của
muôn pháp thì không hình tướng, không động, không thể diễn tả bằng cách
nào được, không phàm không thánh, không nhân không quả, không thiện không
ác. Nhưng khi nó biểu hiện thì có nhiều thứ, là phàm là thánh, có hình có
tướng … Cái mà đã tạo ra nói năng, động tác, tham, sân, từ bi, nhẫn nhục,
thiện, ác, khổ, vui … chính là Phật tánh của chúng sanh. Đó là bản Phật,
và ngoài cái đó ra không có Phật nào khác. Cho nên không thể khởi tâm để
tu Đạo được. Đạo là tâm, không thể đem tâm để tu tâm. Không đoạn, không
tu, chỉ cần tự tại, đó là giải thoát. Tánh như hư không, không tăng không
giảm. Đâu cần phải làm cho nó đầy đủ. Chỉ tùy thời, tùy nơi ngưng tạo
nghiệp. Đây tức là chân ngộ, chân tu, chân chứng.”
Nhưng nếu chỉ quá
chú trọng về khía cạnh năng động của Phật tánh thì có thể sẽ bỏ sót phần
bản thể. Khi Chân tâm biểu hiện ra do duyên cảnh thì nó vẫn có cái chức
năng cố hữu của nó, đó là điều mà có thể phái Hồng Châu sơ sót chăng.
Tông Mật viết:
“Bản chất của Chân Tâm có hai chức năng: đó là chức năng cố hữu của bản
thể và chức năng tùy duyên mà biểu hiện. Có thể ví như tấm gương. Thể chất
của cái gương coi như bản chất của tự tánh, cái tính sáng chiếu của gương
là chức năng của cái gương. Những hình ảnh phản chiếu trong gương là chức
năng tùy duyên biểu hiện. Hình ảnh hiện ra trong gương thì có nhiều nhưng
tính sáng chiếu thì không thay đổi. Cái hằng biết của tâm là cái chức năng
của tự tánh, còn cái khả năng nói năng , phân biệt, hành động … là tùy
duyên mà có. Như vậy, khi phái Hồng Châu chỉ nhấn mạnh về khả năng biết
nói năng v..v.. thì đã bỏ sót cái chức năng cố hữu của tự tánh.”
Vì phái Hồng Châu
cho rằng “cái bản chất của tâm không thể chỉ tới được, mà chỉ khi cái
khả năng nói năng… biểu hiện thì mới thấy được Phật tánh”. Tông Mật
cho rằng đó là sự thiếu sót. Dù rằng thể và dụng đều là những khía cạnh
của một thực tại, nhưng cùng lúc chúng khác nhau về phương diện quy ước.
Tông Mật viết: “Bây giờ phái Hồng Châu nói rằng sân và si, giới và định
đều là Phật tánh. Vì họ chú trọng về chức năng nên không phân biệt vô minh
và giác ngộ. Ví như khi gió ngưng, sau khi ngộ rồi thì những vọng tưởng tự
ngừng giống như sóng tự lặng. Thân và tâm sẽ thể hiện định và huệ, như vậy
hành giả sẽ lần lần được giải thoát … Phái Hồng Châu thường cho rằng tham,
sân, từ bi và phước báo cũng đều là Phật tánh, như vậy đâu có gì sai khác?
Như vậy cũng như cho rằng tánh ướt của nước không có thay đổi, nhưng họ
không thấy rằng có sự khác biệt lớn giữa con tầu đang đi trên mặt nước và
con tầu đang chìm xuống đáy. Như vậy phái này đã gần kề đốn ngộ nhưng
không đạt tới được, về việc tiệm tu cũng bị hiểu lầm.”
Tác giả cho rằng
có thể nói là đứng về phương diện cứu cánh thì muôn pháp đều là sự thể
hiện của Chân Tâm và vô minh và giác ngộ đều cùng từ một gốc mà ra, nhưng
đứng về phương diện quy ước thì thật có sự khác biệt lớn lao giữa vô minh
và giác ngộ, chánh và tà, và luật nhân quả vẫn rành rành. Chỉ đứng về một
phương diện và nhận xét về muôn pháp thì chỉ có cái nhìn lệch lạc, không
thấy được sự hòa hợp của toàn thể. Điều đó là sự chướng ngại cho sự tu
hành khi biết rằng không có có gì phải tu, nhưng thực tế cần phải có sự tu
hành. Chính sự chướng ngại đó đã là động lực để sau này Thiền tông phải
vận dụng để giải quyết theo thực tế. Tông Mật cho rằng điểm thiếu sót của
phái Hồng Châu là quá chú trọng về phương diện cứu cánh mà không chú ý tới
điều thực tế quy ước.
Nhưng tác giả
cũng không biết chắc là những chỉ trích của Tông Mật là nhắm vào Mã Tổ hay
là vào những đệ tử sau này đã hiểu lầm ý của Mã Tổ. Thực ra trong nhiều
đoạn ghi lại pháp môn của những thiền sư phái Hồng Châu cũng có nhiều sai
lạc, nhưng cũng có nhiều đoạn ghi nhiều thiền sư phái đó có giải thích rõ
ràng giống như những chỉ trích của Tông Mật. Như vậy chúng ta chỉ có thể
đoán rằng nhiều đệ tử ghi lại những lời của các thiền sư không đúng hẳn và
họ đã áp dụng một cách sai lạc. Nhiều thiền sư cuối đời Đường đã than
phiền là nhiều thầy đã đi lầm đường. (Ghi chú: xin coi Lâm Tế ngữ lục để
thấy rõ tổ mắng nhiếc không tiếc lời về những sai lầm của những “lão trọc”
) Dầu sao những chỉ trích của Tông Mật cũng giúp ích cho chúng ta lưu ý và
hiểu rõ hơn về các pháp môn của các thiền sư. Tác giả kết luận trong phần
dẫn nhập là: dầu các câu như “không gì không phải là Đạo”, “không có vọng
tưởng để trừ” rất hấp dẫn về lý, và đúng với tông môn cứu cánh của tổ Bồ
Đề Đạt Ma nhưng cũng cần phải thấy rõ những thọ cảm bất thường, những suy
tư mông lung cần phải giải quyết.
Phần 2: Ngữ
lục của Mã Tổ
Phần này trong
cuốn sách rất dài, ghi những câu chuyện theo những tài liệu được truyền
lại khi Mã Tổ giảng dạy các đệ tử. Nhiều cuốn sách của các tác giả khác
cũng đã dịch như vậy, nên chỉ xin trích sau đây một vài bài thôi.
Một hôm Sư dạy
chúng:
- Các ngươi mỗi
người tin tâm mình là Phật, tâm này tức là tâm Phật. Tổ Ðạt-ma từ Nam Ấn
sang Trung Hoa truyền pháp Thượng thừa nhất tâm, khiến các ngươi khai ngộ.
Tổ lại dẫn kinh Lăng-già để ấn tâm địa chúng sanh. Sợ e các ngươi điên đảo
không tự tin pháp tâm này mỗi người tự có, nên kinh Lăng-già nói: "Phật
nói tâm là chủ, cửa không là cửa pháp." (Phật ngữ tâm vi tông, vô môn vi
pháp môn.)
Phàm người cầu
pháp nên không có chỗ cầu, ngoài tâm không riêng có Phật, ngoài Phật không
riêng có tâm, không lấy thiện chẳng bỏ ác, hai bên nhơ sạch đều không
nương cậy, đạt tánh tội là không, mỗi niệm đều không thật, vì không có tự
tánh nên tam giới chỉ là tâm, sum la vạn tượng đều là cái bóng của một
pháp, thấy sắc tức là thấy tâm, tâm không tự là tâm, nhân sắc mới có.
Các ngươi chỉ tùy
thời nói năng tức sự là lý, trọn không có chỗ ngại, đạo quả Bồ-đề cũng như
thế. Nơi tâm sanh ra thì gọi là sắc, vì biết sắc không, nên sanh tức chẳng
sanh. Nếu nhận rõ tâm này, mới có thể tùy thời ăn cơm mặc áo nuôi lớn thai
thánh, mặc tình tháng ngày trôi qua, đâu còn có việc gì.
Các ngươi nhận ta
dạy hãy nghe bài kệ này:
Tâm
địa tùy thời thuyết
Bồ-đề
diệc chỉ ninh
Sự lý
câu vô ngại
Ðương
sanh tức bất sanh.
Dịch:
Ðất
tâm tùy thời nói
Bồ-đề
cũng thế thôi
Sự lý
đều không ngại
Chính
sanh là chẳng sanh.
*
Một hôm Sư dạy
chúng:
- Ðạo không dụng
tu, chỉ đừng ô nhiễm. Sao là ô nhiễm? - Có tâm sanh tử, tạo tác, thú hướng
đều là ô nhiễm. Nếu muốn hội thẳng đạo ấy, tâm bình thường là đạo. Sao gọi
là tâm bình thường? -Không tạo tác, không thị phi, không thủ xả, không
đoạn thường, không phàm thánh. Kinh nói: "Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng
phải hạnh thánh hiền, là hạnh Bồ-tát." Chỉ như hiện nay đi đứng ngồi nằm,
ứng cơ tiếp vật đều là đạo. Ðạo tức là pháp giới, cho đến diệu dụng như hà
sa đều không ngoài pháp giới. Nếu chẳng phải vậy, tại sao nói "pháp môn
tâm địa", tại sao nói "vô tận đăng"? Tất cả pháp đều là pháp của tâm, tất
cả tên đều là tên của tâm. Muôn pháp đều từ tâm sanh, tâm là cội gốc của
muôn pháp. Kinh nói: "Biết tâm đạt cội nguồn nên hiệu là Sa-môn." Tên
đồng, nghĩa đồng, tất cả pháp đều đồng thuần nhất không lẫn lộn.
Nếu ở trong giáo
môn được tùy thời tự tại thì dựng lập pháp giới trọn là pháp giới, lập
chân như là chân như, lập lý tất cả pháp trọn là lý, lập sự tất cả pháp
trọn là sự, nắm giở một thì ngàn theo, sự lý không khác, toàn là diệu
dụng. Lại không có lý riêng, đều do xoay lại của tâm. Ví như bao nhiêu
bóng mặt trăng thì có, mà bao nhiêu mặt trăng thật thì không, bao nhiêu
nguồn nước thì có, mà bao nhiêu tánh nước thì không, bao nhiêu sum la vạn
tượng thì có, mà bao nhiêu hư không thì không, bao nhiêu lời nói đạo lý
thì có, mà bao nhiêu Tuệ vô ngại thì không; bao nhiêu các thứ thành lập
đều do một tâm. Dựng lập cũng được, dẹp hết cũng được, thảy là diệu dụng.
Diệu dụng trọn là nhà mình, chẳng phải lìa chân mà có, nơi nơi đều chân,
thảy đều là thể của nhà mình.
Nếu chẳng vậy,
lại là người nào? Tất cả pháp đều là Phật pháp, các pháp tức là giải
thoát, giải thoát tức là chân như, các pháp không ngoài chân như, đi đứng
ngồi nằm thảy là dụng bất tư nghì, không đợi thời tiết. Kinh nói: "Chỗ chỗ
nơi nơi đều có Phật." Phật là năng nhân, có trí tuệ khéo hợp lòng người,
hay phá lưới nghi cho tất cả chúng sanh, vượt ra vòng trói buộc của có và
không v.v... tình chấp phàm thánh hết, nhân pháp đều không, chuyển bánh xe
không gì hơn, vượt các số lượng, việc làm không ngại, sự lý đều thông, như
trời hiện mây, chợt có lại không, chẳng để dấu vết. Ví như vẽ nước thành
lằn, không sanh không diệt. Ðại tịch diệt tại triền gọi là Như lai tàng,
xuất triền gọi là Pháp thân thanh tịnh. Thể không tăng giảm, hay lớn hay
nhỏ, hay vuông hay tròn, hợp vật hiện hình như trăng trong nước, vận dụng
mênh mông, không lập mầm gốc chẳng hết hữu vi, không trụ vô vi. Hữu vi là
dụng của vô vi, vô vi là chỗ nương của hữu vi, chẳng trụ chỗ nương, nên
nói: "Như không chẳng chỗ nương." Nghĩa tâm sanh diệt, nghĩa tâm chân như:
Tâm chân như dụ như gương sáng soi vật tượng. Gương dụ tâm, vật tượng dụ
pháp. Nếu tâm chấp pháp là dính với cái nhân bên ngoài, tức là nghĩa sanh
diệt. Tâm không chấp pháp tức là nghĩa chân như.
Thanh văn tai
nghe Phật tánh. Bồ-tát mắt thấy Phật tánh. Liễu đạt không hai gọi là bình
đẳng tánh. Tánh không có khác, dụng thì chẳng đồng. Tại mê là thức, tại
ngộ là trí. Thuận lý là ngộ, theo sự là mê. Mê tức là mê bản tâm mình, ngộ
là ngộ bản tánh mình. Một phen ngộ là hằng ngộ chẳng trở lại mê. Như đang
khi mặt trời mọc lên không trở lại tối. Mặt trời trí tuệ xuất hiện, không
chung cùng cái tối phiền não. Liễu đạt cảnh giới của tâm liền trừ vọng
tưởng. Vọng tưởng đã trừ tức là vô sanh. Pháp tánh sẵn có, có chẳng nhờ
tu. Thiền không thuộc ngồi, ngồi tức có chấp trước. Nếu thấy lý này là
chân chánh hiệp đạo, tùy duyên qua ngày, đứng ngồi theo nhau, giới hạnh
huân thêm, nhóm nơi tịnh nghiệp. Chỉ hay như thế, lo gì chẳng thông.
*
Một đêm, Trí
Tạng, Hoài Hải, Phổ Nguyện theo hầu Sư xem trăng.
Sư hỏi:- Ngay bây
giờ nên làm gì?
Trí Tạng thưa:-
Nên cúng dường.
Hoài Hải thưa:-
Nên tu hành.
Phổ Nguyện phủi
áo ra đi.
Sư bảo:- Kinh vào
Tạng, Thiền về Hải, chỉ có Phổ Nguyện vượt ngoài sự vật.
*
Có vị Tăng hỏi:
- Ly tứ cú tuyệt
bách phi, thỉnh Thầy chỉ thẳng ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?
Sư đáp:
- Hôm nay ta mệt
nhọc không thể vì ngươi nói, ngươi đến hỏi Trí Tạng. Vị Tăng ấy đến hỏi
Trí Tạng.
Trí Tạng bảo:-
Sao không hỏi Hòa thượng?
Tăng đáp:- Hòa
thượng dạy đến hỏi Thầy.
Trí Tạng hỏi:
- Hôm nay tôi đau
đầu, không thể vì ông nói, đến hỏi Sư huynh Hải.
Tăng đến hỏi Hoài
Hải, Hoài Hải bảo:- Ðến chỗ ấy tôi cũng chẳng hội.
Tăng trở lại
trình Sư, Sư bảo:- Tạng đầu bạch, Hải đầu hắc.
*
Huệ Hải đến tham
vấn Mã Tổ.
Mã Tổ hỏi:- Từ
đâu đến?
Huệ Hải thưa:- Ở
Việt Châu chùa Ðại Vân đến.
- Ðến đây tính
cầu việc gì?
- Ðến cầu Phật
pháp.
- Kho báu nhà
mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một
vật, cầu Phật pháp cái gì?
Huệ Hải lễ bái,
thưa:- Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?
- Chính nay ngươi
hỏi ta, là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử
dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.
Ngay câu này, Huệ
Hải tự nhận bản tâm không do hiểu biết, vui mừng lễ tạ.
*
Lúc còn tại gia,
Huệ Tạng chuyên nghề săn bắn, không thích gặp các nhà tu. Một hôm, nhân
đuổi bầy nai chạy qua trước am Mã Tổ, gặp Mã Tổ đứng trước.
Huệ Tạng hỏi:-
Hòa thượng thấy bầy nai chạy qua đây chăng?
Mã Tổ hỏi lại:-
Chú là người gì?
- Thợ săn.
- Chú bắn giỏi
không?
- Bắn giỏi.
- Một mũi tên chú
bắn được mấy con?
- Một mũi bắn
được một con.
- Chú bắn không
giỏi.
- Hòa thượng bắn
giỏi không?
- Bắn giỏi.
- Một mũi tên Hòa
thượng bắn được mấy con?
- Một mũi tên bắn
được một bầy.
- Sanh mạng chúng
nó, đâu nên bắn một bầy.
- Chú đã biết như
thế, sao không tự bắn?
- Nếu dạy tôi bắn
tức không có chỗ hạ thủ.
- Chú này phiền
não vô minh nhiều kiếp, ngày nay chóng dứt.
Ngay khi đó, Huệ
Tạng ném cung bẻ tên, tự lấy dao cạo tóc, theo Mã Tổ xuất gia.
Một hôm, Huệ Tạng
làm việc ở nhà trù, Mã Tổ xuống hỏi:
- Làm việc gì?
Huệ Tạng thưa:-
Chăn trâu.
- Làm sao chăn?
- Một khi vào cỏ,
bèn nắm mũi kéo lại.
- Con thật là
chăn trâu.
*
Có vị Tăng hỏi:-
Hòa thượng vì cái gì nói tức tâm tức Phật?
Mã Tổ đáp:- Vì vỗ
con nít khóc.
- Con nít nín rồi
thì thế nào?
- Phi tâm phi
Phật.
- Người trừ được
hai thứ này rồi, phải dạy thế nào?
- Nói với y là
"phi vật".
- Khi chợt gặp
người thế ấy đến thì phải làm sao?
- Hãy
dạy y thể hội đại đạo
*
(Những đoạn dịch
trong phần 2 trích từ “Trung Hoa chư thiền đức hành trạng” của HT Thích
Thanh Từ)
Phần 3: Các đệ
tử của Mã Tổ
Phần này ghi ngữ
lục của một số đệ tử của Mã Tổ. Những ngữ lục này bằng tiếng Việt có thể
được tham khảo trong các cuốn “Trung Hoa chư thiền đức hành trạng” của HT
Thích Thanh Từ.
-
Hsi-t’ang Chih-tsang – Tây Đường Trí Tạng (734-814)
-
Pai-chang Huai-hai - Bá Trượng Hoài Hải
-
Nan-ch’uan P’u-yuan - Nam Tuyền Phổ Nguyện (747-834)
-
Ta-chu Hui-hai - Đại Châu Huệ Hải
-
Shi-kung Hui-tsang - Thạch Củng Huệ Tạng
-
Ma-ku Pao-ch’e – Ma Cốc Bảo Triệt
-
Ta-mei Fa-ch’ang - Đại Mai Pháp Thường
-
Fen-chou Wu-yeh - Phần Châu Vô Nghiệp (761-823)
-
Wu-tai Yin-feng - Đặng Ẩn Phong ?
-
Hung-chou Shui-lao - Hằng Châu Thiên Long
-
Layman P’ang-yun – cư sĩ Bàng Uẩn (?-808)
-
Kuei-tsung Chih-ch’ang – Quy Tông Trí Thường
*
Ghi chú:
1.-Cuốn sách Sun
Face Buddha không giới thiệu nhiều về tác giả nên không rõ tác giả tu hành
theo pháp môn nào. Chỉ biết là tác giả đã thọ giới tỳ kheo tại Sri Lanka
năm 1983. Theo cuốn sách này và cuốn thứ hai là “Manifestation of the
Tathagata” (Phẩm Như Lai xuất hiện) trích trong kinh Hoa Nghiêm thì tác
giả chuyên về tông Hoa Nghiêm.
2. Tác giả trình
bày nhiều về Tông Mật Khuê Phong, vị tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm, đặc
biệt là tác phẩm “Thiền Nguyên Chư Thuyên Ðô Tập”. Tông Mật theo học các
thiền sư Đạo Viên, Kinh Nam Trương, Thần Chiếu, khoảng 7 năm, sau đó là đệ
tử của Trừng Quán, vị tổ thứ tư tông Hoa Nghiêm. Tông Mật thông thạo “ba
tạng giáo điển, phối hợp cả giáo lý gồm Kinh, Luật, Luận và Thiền”
(trích “Nguồn Thiền giảng giải” của HT Thích Thanh Từ). Tác giả Cheng
Chien đã trích dẫn trong cuốn sách trên những điểm Tông Mật chỉ trích
Thiền Tông. Tông Mật chỉ rõ đường lối tu Thiền theo ý kiến của sư:
Thiền Giáo song tu, Biết vọng là tu, Vọng niệm hết sạch là tu thành công …
(trích: Nguồn Thiền giảng giải- HT Thích Thanh Từ)
3. Tông Mật cùng
thời với tổ Lâm Tế, đầu thế kỷ thứ chín. Pháp môn thiền của Tông Mật không
theo đường lối tu hành của tổ Bồ Đề Đạt Ma, Lục tổ Huệ Năng, cho đến Lâm
Tế. Vấn đề không phải là so sánh pháp môn nào hay hoặc dở, vì tùy căn cơ
mỗi người, nhưng là để phân biệt cho rõ ràng. Pháp môn Thiền của một vị tổ
Hoa Nghiêm tông đề ra không giống pháp môn của các vị tổ Thiền tông thì
cũng là điều tự nhiên nhưng cũng nên lưu ý.
4. Tên cuốn sách
của Cheng Chien "Mặt trời Phật" có thể là dựa theo tên của "tắc 3: Mã Tổ
Mặt trời Phật, Mặt trăng Phật" cuốn Bích Nham Lục:
LỜI DẪN: Một cơ
một cảnh một lời một câu vẫn mong có chỗ vào. Trên da thịt lành khoét
thành thương tích thành ổ thành hang, đại dụng hiện tiền chẳng còn phép
tắc, lại mong biết có việc hướng thượng. Che trời che đất, lại dò tìm
chẳng được. Thế ấy cũng được, chẳng thế ấy cũng được, thật bé nhỏ thay.
Thế ấy cũng chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, rất cao vót thay.
Chẳng kẹt hai bên làm sao mới phải, xin cử xem ?
CÔNG ÁN: Mã Tổ
bệnh, Viện chủ đến thăm, hỏi: Gần đây thân thể Hòa thượng thế nào? Mã Tổ
đáp: Mặt trời Phật, mặt trăng Phật.
GIẢI THÍCH: Mã Tổ
bệnh, Viện chủ đến thăm, hỏi: Gần đây thân thể Hòa thượng thế nào ?
Mã Tổ đáp: Mặt trời Phật, mặt trăng Phật. Bậc Tổ sư nếu chẳng lấy việc bổn
phận thấy nhau thì làm sao đạo này được chói lọi. Công án này nếu biết chỗ
rơi là riêng bước trong không, nếu chẳng biết chỗ rơi thì thường thấy cây
khô trước núi vẫn còn lầm đường. Nếu là bổn phận Tông sư, đến trong đây
phải có thủ đoạn, cướp trâu của người cày, đoạt cơm của người đói, mới
thấy chỗ vì người của Mã Tổ. Hiện nay có nhiều người nói Mã Tổ tiếp Viện
chủ, nực cười không dính dáng. Nay ở trong chúng phần nhiều hiểu lầm,
trừng mắt nói: Mắt trái là mặt trời, mắt phải là mặt trăng. Thật có dính
dáng chút nào, đến năm lừa cũng chưa mộng thấy, chỉ làm sai lầm việc cổ
nhân. Đến như Mã Tổ nói thế ấy, ý tại chỗ nào ? Có người nói: “Rót cho một
chén thuốc đau bụng”. Có lỗ mũi gì ? Đến trong đây làm sao được bình ổn ?
Sở dĩ nói con đường hướng thượng ngàn Thánh chẳng truyền, học giả nhọc
hình như khỉ bắt bóng. Chỉ câu “mặt trời Phật, mặt trăng Phật”, rất là khó
thấy. Tuyết Đậu đến đây cũng khó tụng, song vì thấy thấu, nên Sư dùng hết
công phu trong lúc bình sanh chỉ chú ra. Các ông cần thấy Tuyết Đậu chăng
? Xem lấy văn sau:
TỤNG: Nhật diện
Phật, nguyệt diện Phật
Ngũ Đế, Tam Hoàng thị hà vật ?(Ngũ đế: Thái Hiệu, Hoàng Đế, Thần Nông,
Thiếu Hiệu, Chuyên Húc; hoặc là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường
Nghiêu, Ngu Thuấn.Tam hoàng: Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhân
hoàng.)
Nhị
thập niên lai tằng khổ thân
Vị
quân kỷ hạ thương long quật
Khuất, kham thuật
Minh
nhãn nạp Tăng mạc khinh hốt.
DỊCH: Mặt trời
Phật, mặt trăng Phật
Ngũ
đế, Tam hoàng là vật gì ?
Hai
mươi năm lại từng cay đắng
Vì
anh bao phen xuống hang rồng
Cúi, cam nói
Thiền tăng mắt sáng chớ xem thường.
GIẢI TỤNG: Thời
vua Tống Thần Tông ở ngôi, tự bảo bài tụng này là nói mát quốc gia, nên
không cho đem vào tạng kinh. Tuyết Đậu trước niêm rằng: “mặt trời Phật,
mặt trăng Phật”, lại nói:
“Ngũ đế, Tam
hoàng là vật gì ?” Hãy nói ý Tuyết Đậu thế nào ? Chính đã nói rồi vậy.
Liền đó chú ra lý do, thả câu bốn biển chỉ câu rồng to, một câu này đã rõ.
Phần sau Tuyết Đậu tự tụng ra lý do bình sanh dụng tâm tham tầm, “hai mươi
năm lại từng cay đắng, vì anh bao phen xuống hang rồng”. Giống cái gì ?
Giống như người vào hang rồng lấy hạt châu. Sau lại đập phá thùng sơn, sẽ
bảo có bao nhiêu kỳ đặc ? Trước sau chỉ tiêu được câu “Ngũ đế, Tam hoàng
là vật gì”. Hãy nói lời Tuyết Đậu rơi tại chỗ nào ? Phải tự lui lại xem,
mới thấy chỗ Sư rơi. Há chẳng thấy thị giả Hưng Dương Phẩu đáp Viễn Lục
Công hỏi: Rồng Ta Kiệt ra khỏi biển càn khôn động, thấy mặt trình nhau
việc thế nào ? Hưng Dương Phẩu đáp: Chim chúa cánh vàng kình vũ trụ, trong
đây ai là người xuất đầu ? Viễn Công hỏi: Bỗng gặp xuất đầu lại làm sao ?
Phẩu đáp: Giống như chim cáp bắt chim cưu, anh không tin, trước đầu lâu
nghiệm mới biết thật. Viễn Công nói: Thế ấy thì cúi mình bày ngực, thoái
thân ba bước. Phẩu đáp: Rùa đen dưới tòa Tu-di núp, chớ đợi gõ đầu mới
thoái lui. Đây là lý do “Ngũ đế, Tam hoàng là vật gì”. Người ta phần nhiều
không thấy ý Tuyết Đậu, chỉ biết nói mát quốc gia. Nếu hiểu thế ấy chỉ là
tình kiến. Ngài Thiền Nguyệt với tựa đề Công Tử Hành nói:
“Áo gấm hoa tươi
tay cầm cáp,
nhàn đi dáng mạo
càng thư thả,
gặt lúa gian nan
có biết chi,
Ngũ đế, Tam hoàng
là vật gì ?”
Tuyết Đậu nói:
“Cúi, cam nói, Thiền tăng mắt sáng chớ xem thường.” Đa số người nhằm trong
hang rồng to tìm kế sống. Dù cho trên đảnh có mắt, trong tay có linh phù,
Thiền tăng mắt sáng soi khắp tứ thiên hạ, đến trong ấy cũng chớ xem
thường, cần phải chín chắn mới được.
(Trích: Bích Nham Lục, HT Thích Thanh Từ dịch)
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/mato_daonhat.htm