Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
THIỀN ĐỊNH – NỀN TẢNG CỦA  QUẢ VỊ GIÁC NGỘ

I – KHÁI LUẬN:

Trong tất cả các bức họa vẽ về cuộc đời Đấng Thích Tôn, có lẽ bức họa đẹp nhất là hình ảnh Đức Thế Tôn ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề. Thế ngồi kiết già vững chãi, lưng mình thẳng đứng đoan nghiêm, đôi tay gát chéo trên chân thong thả, đôi mắt khép hờ an thuận và nụ cười hàm tiếu trên môi. Người ngồi đó an nhiên, cảnh vật xung quanh cơ hồ cũng thanh bình và sống động lên. Thế ngồi ấy, ánh mắt và nụ cười điềm nhiên ấy như phát biểu một cách trung thực nhất toàn bộ triết lý Phật giáo: Nền tảng của sự giác ngộ trước mọi khổ đau phiền não chính là ở chỗ thực hành Thiền định thâm sâu.

Nếu giác ngộ là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tồn tại của Phật giáo, hay nói một cách khác, nếu Phật giáo là một ngôi nhà được xây dựng trên căn bản của sự giác ngộ thì Thiền định chính là nền móng vững chắc nâng đỡ ngôi nhà kiên cố ấy. Tất cả các kinh điển, dù là Tiểu thừa hay Đại thừa, Đức Phật cũng tuyên thuyết giáo lý của mình dựa trên cơ sở Thiền định. Thiền định là một từ ngữ đặc biệt sáng tạo của những thiên tài Trung Hoa, sau khi quán triệt giáo lý giác ngộ của Phật. Bởi lẽ nếu truy nguyên từ ngữ, Thiền định là từ gọi ghép của Thiền và Định. Khi chỉ nói Thiền hoặc nói Định, người ta có quyền phê phán hoặc phân tích rằng có sự thiên lệch giữa Định và Huệ, giữa Chỉ và Quán. Còn khi gọi chung Thiền định thì từ ngữ đã vượt qua nhị nguyên, bao hàm mọi khía cạnh của pháp tu và hiển nhiên không có sự đối đãi. Khổ nỗi, trong lý luận trạch pháp của người đời sau, phần nhiều hay chỉ ra sự khác biệt và hơn kém của Thiền và Định, từ đó mới có sự khích bác nhau về phương pháp thực hành. Thế rồi, kinh nghiệm trực giác của Thiền tông vô tình phủ lên vấn đề một màn sương đầy bí nhiệm đối với sự học giải, khiến cho mỗi lần ai đề cập đến chuyện Ngộ là bị đấm ngay một câu hỏi đầy cản trở: Chưa ngộ thì làm sao nói đến chuyện ngộ? Quả là nếu không uống nước thì không thể biết được nước nóng hay lạnh, thậm chí đối với người thực hành thiền định thâm sâu mà chưa chứng ngộ thì vẫn không thể nói chính xác được sự giác ngộ. Nhưng chẳng lẽ các cánh cửa đều đóng kín? Phương tiện nào dành cho những kẻ sơ cơ?

Thực tế là ở Việt Nam hiện nay, nhiều người vẫn có sự phân biệt hơn kém về những pháp tu thiền quán vốn đang được thông dụng. Chẳng hạn phương pháp quán niệm hơi thở bị xem như chỉ là phương pháp định tâm; phương pháp “tri vọng” lại bị xem là có Quán mà không có Chỉ. Đó là cách nhìn lệch lạc. Chẳng qua chúng ta không hiểu hết được phương pháp hành trì, rồi bằng từ ngữ, chúng ta phân biệt đúng sai. Theo thiển ý của người viết, cách chia chẻ các loại thiền định của chư Tổ là để chúng ta hiểu rõ, khỏi phải lầm lạc. Còn phương pháp tu trì, đã gọi Thiền định thì Định Huệ đều tương ưng, chỉ sợ chúng ta không thực hành đúng pháp mà thôi. Một số người đang tu quán niệm hơi thở hiện nay thường đọc một bài kệ, nghe qua chừng khá đơn giản:

“Hít vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giây phút đẹp tuyệt vời”

Tâm tĩnh lặng là định, miệng mỉm cười là huệ. Chúng ta thấy có vẻ rất dễ dàng, nhưng thật ra không dễ gì mỉm cười được. Theo tôi trong bài kệ này đã bao hàm cả Tam ma địa, Thiền na và Hiện pháp lạc trú. Giây phút có đủ ba thứ ấy há chẳng phải là giây phút giác ngộ đó sao?

Cách thức hiểu rõ một bài kinh hay nhất là tụng thật kỹ bài kinh ấy chứ không phải là xem qua luận giải của người sau. Chẳng hạn khi được học pháp Ngũ Đình Tâm Quán, Tứ Niệm Xứ trong Tứ Diệu Đế, có thể tư tưởng của ta đã bị đóng khung bởi khái niệm mà một số học giả thừờng cho rằng thuộc Tiểu thừa, thậm chí bị phân biệt bởi cái tên hàm ý thấp kém: Như Lai Thiền, nghĩa là không đặc biệt như Tổ Sư Thiền. Nhưng khi tụng kinh Tứ Niệm Xứ, ta thấy rằng từng câu chữ trong kinh không bao giờ có sự thiên lệch. Ba môn học vô lậu: Giới, Định, Huệ gần như có mặt ø cùng khắp trong tất cả các kinh điển. Có khác chăng là một số kinh điển đề cao khía cạnh Phật của sự giác ngộ, như kinh Pháp Hoa chẳng hạn, thì trái lại, Thiền tông lại đề cao tinh thần giác ngộ của Phật tánh. Trong các tông phái Phật giáo, mục đích giác ngộ có thể được diễn tả khác nhau về tên gọi, nhưng cách thức để đạt đến không nằm ngoài Thiền Định, dù đó là Hiển giáo hay Mật giáo. Do vấn đề giáo lý có sâu cạn khác nhau nên cảnh giới ngộ có sự sai biệt. Tiểu thừa đoạn hết phiền não trong ba cõi, chứng lý tịch diệt. Tông Duy Thức của Đại thừa thì nói về sự ngộ nhập Duy Thức tánh. Tam luận tông đề xướng đến chỗ cái không bất khả đắc, Hoa Nghiêm nói chứng nhập Thập Phật cảnh giới, Thiên Thai nói chứng Chư pháp thật tướng, Thiền tông thì lại chủ trương Kiến tánh thành Phật. Phương pháp nền tảng để đạt đến những mục đích ấy đều y cứ trên Thiền định, tức lắng đọng vọng tưởng, quán chiếu các pháp để đạt được trí tuệ cao tột.

Trong 7 chi của 37 phẩm trợ đạo, chúng ta thấy Định và Huệ thường được xếp cuối cùng, như là điểm then chốt phải đạt đến trong quá trình tu tập. Giữa Thiền định của Phật giáo và Ngoại đạo, sự khác nhau căn bản nhất không phải là ở cảnh giới Định, mà là thái độ buông xả sau khi đã đạt được. Trong 4 thiền của cõi Sắc và 4 định cõi Vô sắc, riêng về tên gọi, chúng ta cũng đã dễ dàng thấy được thái độ buông xả, một trạng thái Thiền định này để đạt đến một cảnh giới cao hơn. Ví dụ: Nhị thiền là cảnh giới Định phát sanh sự hỷ lạc, thì Tam thiền là lìa sự hỷ lạc ấy để đạt được một sự an lạc vi diệu hơn. Đến Tứ thiền thì xả luôn cả niệm an lạc ấy, đạt đến cảnh giới hoàn toàn thanh tịnh v.v… Thiền và Định không phải là phương pháp của riêng Đức Phật chỉ dạy. Trước thời Đức Phật đã có và chính Đức Phật đã trực tiếp học được của ngoại đạo. Như Vô sở hữu xứ định, Đức Phật học được từ A-la-la Ca-ma-la. Phi tưởng phi phi tưởng xứ định là học từ Uất-đà-ca La-ma-tử. Đức Phật vẫn áp dụng các loại Thiền định này trong quá trình tu tập của mình, nhưng thay vì lấy nó làm cứu cánh, Đức Phật lại dùng nó như một phương tiện nền tảng để đạt sự giải thoát hoàn toàn. Các kinh điển mô tả quá trình chứng ngộ khi ngồi dưới cội Bồ đề 49 ngày là sự đi qua các cảnh giới Thiền định. Đến trước lúc Đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài cũng lần lượt đi qua các cảnh giới định này trước khi nhập vào Đại định. Do vậy, muốn tìm hiểu sự giác ngộ bằng cách học giải, việc tìm hiểu ý nghĩa các loại định là vô cùng cần thiết.

II. – CÁC LOẠI THIỀN ĐỊNH

Định là một từ ngữ có nghĩa rất rộng , có thể bao hàm cả Thiền. Khi cần xác định rõ tính chất của Định, các kinh thường để nguyên âm chữ Tam-muội hoặc Tam-ma-địa(Samàdhi). Thực ra Samàdhi là bản thể của Định. Còn tự tánh, tự tướng của Định và những trạng thái Định khác thì rất nhiều. Theo Thành Duy Thức Liễu Nghĩa Đăng quyển 5, có đến 7 từ tiếng Phạn được người Trung Hoa dịch là Định, tuần tự như sau:

1.                   Tam-ma-hý-đa (Samàhita), Hán dịch: Đẳng dẫn: “Đẳng” là trạng thái thân tâm an ổn, xa lìa trạo cử và hôn trầm.  “Dẫn” nghĩa là do tu tập Thiền định mà phát sanh công đức thắng diệu. “Đẳng dẫn” chỉ chung cho Định hữu tâm và Định vô tâm, nhưng không chung cho tán vị (trạng thái tán loạn).

2.                   Tam-ma-địa, Tam muội (Samàdhi), Hán dịch: Đẳng trì, Chánh tâm hành xứ: Tu tập định này thì tâm an trụ 1 cảnh, nghĩa là tâm bình đẳng nhiếp trì. Đẳng trì chỉ chung cho Định và Tán, nhưng chỉ có ở Định hữu tâm mà không có ở Định vô tâm. Đây là bản thể của Định.

3.                   Tam-ma-bát-đểå (Samàpati), Hán dịch: Đẳng chí: Nếu tu được định này thì chánh thọ hiện tiền, tâm tánh sáng tỏ, an lạc thù thắng, ở cảnh nhiễm mà không nhiễm, không bị thoái lui, đạt đến chỗ thân tâm bình đẳng. Đẳng chí chỉ chung cho Định hữu tâm và Định vô tâm, nhưng không chung cho tán vị. Đây là tự tướng của Định.

4.                   Đà-na-diễn-na, Thiền na (Dhỳana), Hán dịch: Tĩnh lự : Lắng tâm quán tưởng. Tĩnh lự chỉ chung cho Định hữu tâm và Định vô tâm, hữu lậu và vô lậu, nhưng chỉ có ở Định cõi Sắc, chứ không có ở Định Vô sắc.

5.                   Chất-đa-ế-ca-a-yết (Cittaikàgratà), Hán dịch: Tâm nhất cảnh tánh: Nhiếp tâm vào một cảnh, tinh tấn siêng năng tu tập, tâm tập trung vào một đối tượng. Đây là tự tánh của Định.

6.                   Xa-ma-tha (Samàtha), Hán dịch: Chỉ, Chánh thọ: Ngăn dứt các pháp bất thiện của các căn, lìa những ý niệm tà vạy, diệt trừ tất cả phiền não tán loạn để tâm được vắng lặng.

7.                   Hiện pháp lạc trú (Drsta-dharma-sukha-vihàra): Tu tập Thiền định, lìa tất cả vọng tưởng, thân tâm vắng lặng, hiện được pháp hỷ và an trụ chẳng động. Tức ở hiện đời do tu tập các Tịnh định, Vô lậu định… mà hưởng thọ pháp lạc của Định. Hiện pháp lạc trú chỉ có ở 4 Định cơ bản của cõi Sắc.

Bảy tên gọi kể trên bao hàm các trạng thái Thiền định. Nhưng không phải cả bảy loại này luôn có mặt. Có những loại định có được nhờ sức thiện nghiệp đời trước khi sanh vào cõi Vô sắc, gọi là Sanh đắc định. Có những loại định có được là nhờ sự nỗ lực tu hành khi sanh vào cõi Dục, gọi là Tu đắc định. Thông thường Định được chia làm 2 loại là Hữu tâm định và Vô tâm định. Hữu tâm định gồm 4 tĩnh lự và 4 định Vô sắc. Trong đó nếu xét theo tính chất có Tầm, Tứ hay không mà chia ra ba loại: Định có giác có quán, Định không giác có quán, Định không giác không quán. Còn Vô tâm định thì chỉ cho Vô tưởng định và Diệt tận định. Vô tưởng định là loại định mà phàm phu và ngoại đạo tu tập, nhận lầm trạng thái vô tướng là chân Niết bàn. Còn Diệt tận định là định mà bậc Thánh tu tập, lấy cảnh giới định làm cảnh giới Vô dư Niết Bàn.

Như trên là những tên gọi về Định thường dùng trong các kinh luận. Ngoài ra còn rất nhiều tên gọi chỉ cho những trạng thái khác nhau của Thiền định ở từng cảnh giới tu tập. Ở đây không tiện liệt kê ra. Nhưng có điều cần lưu ý đối với hai pháp Chỉ và Quán của Hữu tâm định, có khi Quán tăng Chỉ giảm, có khi Quán giảm Chỉ tăng. Ở 4 định căn bản thì Chỉ Quán bằng nhau, hòa hợp cùng chuyển nên gọi là tĩnh lự. Tĩnh lự là từ ngữ có thể đại biểu cho các loại Thiền định của Phật giáo. Tên tiếng Phạn của Tĩnh lự là Đà-na-diễn-na hay Thiền-na (Dhỳana), chính vì thế một chữ Thiền đủ nói lên căn bản của sự tu tập. Từ đó có các từ Thiền tông, Thiền môn, Thiền đạo v.v…

Thực ra không phải lúc nào cũng phải cân bằng Chỉ và Quán. Đức Phật đã cặn kẽ dạy chúng sanh tùy theo căn cơ mà tu tập thiền định. Đối với hàng Nhị thừa, Đức Phật dạy 37 đạo phẩm . Thành tựu 37 đạo phẩm này tức mới hoàn tất con đường đi đến Niết bàn. Trong luận Đại Trí Độ quyển 20 ghi: “ Đã nói con đường thì tiếp theo phải nói cửa vào đến nơi. Bốn thiền v.v… là pháp giúp mở cửa.” Cửa vào thành Niết bàn có 3, đó là: Không, Vô tướng và Vô tác. Tâm của chúng sanh ở Dục giới tán loạn, hành giả phải nương vào 37 đạo phẩm để dứt trừ, nương vào các Thiền định của cõi Sắc và Vô sắc. Còn đối với Bốn Vô Lượng Tâm, Tám bội xả, Tám thắng xứ, Chín thứ đệ định, Mười nhất thiết xứ là dùng để thử nghiệm tâm xem đã được nhu nhuyễn tự tại tùy ý chưa? Khi đã thành tựu được ba món: Không, Vô tướng và Vô tác tức là đã mở được cánh cửa giải thoát. Vì thế gọi là Tam giải thoát môn. Giải thoát chính là đạt được trí huệ cao tột.

Bây giờ ta thử đặt một câu hỏi: Khi đạt được trí huệ thì có cần phải ở trong Định chăng? Đây là một câu hỏi đầy thiên chấp. Chúng ta luôn luôn muốn phân biệt Định và Huệ khác nhau. Nhưng thực ra, Huệ ấy chính là Định .

Theo luận Đại Trí Độ (bản dịch của HT Thiện Siêu, chương 30,trang777):

-                      Hỏi: Ba thứ ấy, do trí tuệ quán Không, Vô tướng, Vô tác. Trí tuệ ấy vì sao gọi là Tam muội?

-                      Đáp: Ba thứ trí tuệ ấy, nếu không ở trong Định, thời là cuồng tuệ, phần nhiều rơi vào tà nghi, không thể làm gì được. Nếu ở trong Định thời có thể phá các phiền não, ngộ được thật tướng các pháp…”

Có thể lời đáp trên do Luận Trí Độ nêu ra dùng để phá nghi chấp của hàng phàm phu. Ở đây rõ ràng muốn nhấn mạnh rằng chính trí tuệ là tam muội. Tóm lại, đã gọi là Thiền định Phật giáo thì Định Huệ không hai, Chỉ Quán bất nhị. Rất nhiều luận giải của Chư Tổ chú trọng điểm nầy. Thiền sư Vĩnh Minh Trí Giác đã viết tác phẩm “Định Huệ Tương Tư Ca” nói về sự tương quan giữa Định và Huệ, tác phẩm còn cho thấy tầm quan trọng của Định Huệ đối với sự giác ngộ giải thoát. Câu cuối cùng của tác phẩm nói rằng: “Nhược vô Định Huệ mạc năng luận” (Nếu không Định Huệ chớ huyên thuyên).

III. – PHƯƠNG TIỆN CHÍNH LÀ NỀN TẢNG CỨU CÁNH

Thiền định là nền tảng của quả giác ngộ. Nhưng để thành tựu Thiền định cần phải có nhiều phương tiện dành cho nhiều căn cơ khác nhau. Nghĩa là nếu không có phương tiện sẽ khó có được Thiền định. Vì vậy chúng ta có thể nói phương tiện để đạt được Thiền định cũng chính là nền tảng, là cứu cánh giác ngộ. Từ đây, Phật giáo được phát triển thành nhiều tông phái khác nhau, nhiều pháp môn khác nhau, nhưng tất cả đều dựa trên cơ sở giúp hành giả đạt được Thiền định.

Nếu nghiên cứu Phật giáo bằng nhãn quan như thế, người học sẽ không bị vướng mắc bởi những chủ trương khác nhau giữa các tông phái. Nếu Giới – Định – Huệ được xem là ba môn học Vô lậu thì bất cứ pháp môn nào giúp hành giả trì giới tức đó là pháp môn đúng đắn. Trong kinh hay nói: “Nhân giới sanh định, nhân định pháp huệ”, theo thiển ý người viết, câu này nên hiểu là ngay nơi giới có định, ngay nơi định có huệ. Như vậy 10 hoặc 13 tông phái của Trung Quốc, rõ ràng không có tông phái nào không dựa trên cơ sở Giới – Định – Huệ cả.

Tất nhiên, căn cơ chúng sanh khác nhau nên có nhiều phương tiện. Điều đó không có nghĩa là tông phái này thấp hoặc cao hơn tông phái kia. Sự cao thấp chỉ có trong phương tiện của mỗi tông phái mà thôi. Đến với tông phái nào là do nhân duyên, hoàn cảnh, điều kiện của mỗi hành giả chứ không phải căn cơ cao thấp. Chẳng hạn Tịnh độ tông chủ trương Niệm Phật, hoặc là Trì danh, hoặc là Quán tưởng, hoặc là Thật tướng Niệm Phật, xét cho cùng có những phương tiện cao tột mà không phải căn cơ bình thường có thể thực hiện được. Nếu cứ đứng ở núi này trông núi nọ, hoặc chê bai pháp môn khác, đề cao pháp môn mình đang tu là tà vạy, dù đứng trên bất cứ lập trường nào. Những quan điểm trên đây không phải là mới mẻ gì nhưng những sai lầm mắc phải của người học thì vẫn còn diễn ra hằng ngày, thậm chí đầy dẫy trên các phương tiện truyền thông đại chúng, vì thế cần phải lặp lại như một sự quyết đoán. Chẳng hạn nói thế giới Cực Lạc là cứu cánh rốt ráo của hành giả niệm Phật A Di Đà nguyện sanh đến là chưa đọc kỹ Kinh A Di Đà. Đó chỉ là một thế giới lí tưởng để khi hành giả đã vãng sanh, có thể nương vào bản nguyện và tha lực để tiếp tục tu tập, đạt đến quả vị giải thoát cao tột. Bất cứ pháp môn nào cũng vậy, quả vị cao tột là đạt đến cảnh giới Niết bàn tịch tĩnh, hoàn thành tâm nguyện tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Như phần đầu của bài viết này có đề cập đến hình ảnh Đức Thế Tôn thiền tọa dưới cội Bồ đề. Cách ngồi kiết già là cách ngồi an ổn nhất, ngồi chỉ là phương tiện, nhưng là phương tiện căn bản nhất để tìm đến Thiền định. Nên chi để kết thúc bài viết, xin được tụng lại một bài kệ trong luận Đại Trí Độ quyển 7 nói về phương tiện căn bản để đạt được Thiền định này (Đại chánh tạng 25, 111 trung):

“Nếu ngồi thế kiềt già
Thân an nhập Tam muội
Oai đức được kính ngưỡng
Như nhật chiếu thế gian
Trừ ngủ, biếng che tâm
Thân nhẹ nhàng không mỏi
Giác ngộ cũng dễ dàng
Ngồi yên như rồng cuộn
Thấy tranh ngồi kiết già
Ma vương còn khiếp sợ
Huống chi người nhập đạo
Ngồi yên không lay động.”
 

Tết Dương lịch 2002


http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/nentanggiacngo.htm

 


Vào mạng: 2-5-2002

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang