Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
HƯỚNG DẪN VÀO
THIỀN ĐỊNH SHAMATHA
(THIỀN ĐỊNH TĨNH LẶNG)
Thrangu Rinpoche
Bản dịch Việt ngữ: Thanh Liên

 

Dẫn nhập

 Thiền giả quá hăm hở khi nắm bắt những giáo huấn thiền định đúng đắn có thể bị cuốn hút khiến lướt vội qua những đề mục về lòng sùng mộ, niềm tin, sự cầu nguyện dòng truyền thừa mà chỉ chú tâm vào các kỹ thuật chẳng hạn như làm thế nào duy trì tư thế thiền định của mình. Đây chính là bỏ quên toàn bộ tinh tuý của sự thiền định. Tinh tuý ấy là một phương cách toàn hảo để nhận chân thế giới, một phương pháp để phát triển mối tương quan của cá nhân hành giả với chính mình và với người khác. Để gặt hái tối đa những lợi lạc từ các giáo huấn này, ta phải đọc từng câu như thể nó được ghi khắc trên những trang giấy bằng vàng, đó là cách mà một vài trong số những thánh điển lúc ban đầu đã được soạn ra.

 

Bởi tâm thức mọi người thì dị biệt nên cách thiền định của mỗi người cũng khác nhau. Đây là lý do vì sao giáo huấn riêng cho mỗi cá nhân thì thật cần thiết. Điều cực kỳ quan trọng là trước khi thực sự bắt đầu thực hành thiền định, ta phải thỉnh ý một thiền sư có đầy đủ phẩm tính. Trung tâm Karma Triyana Dharmachakra (352 Meads Mountain Road, Woodstock, NY 12498) lưu giữ một danh sách các trung tâm thiền định Tây Tạng trên khắp thế giới dành cho những người đang tìm kiếm giáo huấn. Để biết thêm thông tin chi tiết về thiền định, ta có thể tham khảo nơi trung tâm Thiền định Shamatha và Vipashyana của Thrangu Rinpoche.

 

Việc học Pháp

 

Ta nên bắt đầu bằng cách xem xét ý hướng của ta, điều đó có nghĩa là xoay tâm vào trong và khảo xét xem thái độ của ta thanh tịnh hay bất tịnh. Bởi chúng ta chỉ là chúng sinh bình thường nên đôi khi thái độ của ta thanh tịnh và những lúc khác nó lại bất tịnh. Chẳng có gì phải ngạc nhiên về điều đó. Khi nhận ra thái độ của ta thanh tịnh, ta có thể hoan hỉ và hãy để nó an trụ trong sự thanh tịnh. Khi nhận ra thái độ của ta bất tịnh thì cũng chẳng có lý do gì để thất vọng, bởi ta có thể chuyển hoá được nó. Nếu chúng ta chuyển hoá thái độ và lập đi lập lại như thế, thì từng chút một, thái độ tiêu cực của ta sẽ tự nhiên trở nên thanh tịnh. Để phát triển ý hướng nhắm tới sự Giác ngộ này, nên suy tưởng rằng bất kỳ điều gì ta đang làm đều là để giúp đỡ chúng sinh đạt được Phật Quả.

 

Yếu tố cần thiết để thiền định

 

Khi ta làm một hành động thuộc thân xác, hành động này có thể có một kết quả tích cực hoặc tiêu cực. Khi ta nói điều gì, nó có thể tốt hoặc xấu. Vì thế với lời nói và hành động, ta có thể thấy được những kết quả rõ ràng, nhưng với tư tưởng thì tác dụng cụ thể không được biểu lộ. Tuy nhiên, tâm thức quyết định mọi hành động thuộc thân thể và lời nói của ta, bởi bất cứ ta làm điều gì, tư tưởng luôn hiện diện ở phía sau nó. Khi tư tưởng đó tích cực, những hành động theo sau sẽ tốt lành. Khởi điểm của việc thay đổi những gì ta làm là hãy thay đổi cách thức suy tưởng của chúng ta.

 

Khi cốù gắng thay đổi một ý hướng tinh thần, ta phải sửa đổi các tập quán của mình. Tuy nhiên, ta có thể thực hành sự thiền định này, đó là vận dụng tâm thức ta trong một phương cách cô đọng và được kiểm soát hơn nữa. Những gì đang quấy nhiễu tâm thức có thể được loại trừ bằng thiền định khiến tâm thức ta có thể hiện hữu trong sự thanh tịnh trong trẻo của nó. Nếu tâm ta bị xao lãng, thì nhờ thiền định, ta có thể chuyển hoá nó thành một tâm thức không phóng dật. Thiền định khiến ta có thể chuyển hoá những tập quán xấu thành tập quán tốt. Rồi khi ta biết cách thay đổi những tập quán tinh thần của mình, ta có thể thay đổi những hành động vật lý và cung cách nói năng của ta. Một khi đã thay đổi những điều này, ta có thể đạt được mục đích tối hậu của sự thực hành của ta, đó là Phật Quả.

 

Niềm tin và lòng Sùng mộ

 

Một điều chung nhất cho mọi thực hành thiền định là thiền giả cần có động cơ đúng đắn, đó là ước muốn đem lại lợi lạc cho mọi người, chứ không chỉ cho riêng mình. Cùng với điều này, ta cũng cần có lòng sùng mộ hết sức mãnh liệt đối với Đạo sư của ta và với tất cả các bậc Đạo sư trong dòng truyền thừa. Nếu chúng ta khẩn cầu các ngài với lòng sùng mộ thực sự chân thành thì ta có thể nhận được những sự ban phước của các ngài, nhờ đó việc thiền định của ta sẽ tiến bộ rất nhanh chóng. Ta được biết rằng suối nguồn của sự phát triển bốn phái chính và bốn phái phụ trong dòng Kagyu là những ân phước được tạo nên bởi những thiền giả cầu nguyện các bậc Đạo sư của họ với lòng sùng mộ chân thực. Họ đã thọ nhận những sự ban phước và đã có thể phát triển sự thiền định và thấu suốt của mình một cách nhanh chóng.

 

Với thực hành thiền định, chúng ta có thể thực sự làm cho tâm được ngưng đọng, tâm thức trở nên trong trẻo hơn và an bình hơn. Truyền thống Kim Cương thừa (1) đã phát triển một phương pháp thực hành khiến ta có thể kinh qua tiến trình này còn nhanh chóng hơn những thực hành thiền định khác. Trong cách thực hành này, ta cầu nguyện Đạo sư của ta và tất cả các bậc Đạo sư tiền bối, và phát triển một lòng sùng mộ hết sức mãnh liệt – một sự mở trống để nhận lãnh những ân phước của các ngài. Nếu ta khẩn cầu bậc Đạo sư, ta sẽ nhận được sự ban phước, và nhờ sự ban phước này mà việc thiền định của ta sẽ tiến bộ nhanh chóng và tự nhiên.

 

Làm thế nào mà những sự ban phước có thể không được một số người cảm  nhận? Chẳng phải bởi chư Phật và các bậc Thầy nghĩ tưởng: “Tốt, nó không cầu nguyện ta, do đó ta sẽ không ban phước cho nó.” Với thiện tâm và lòng từ ái không phân biệt, chư Phật và các bậc Đạo sư xử sự với tất cả chúng sinh như một bà mẹ đối với đứa con trai duy nhất của bà, nhưng chỉ có những người mở lòng ra với những sự ban phước này mới có thể cảm nhận được chúng. Ví dụ, nếu ta có một cái móc và cố gắng móc một quả trứng thì điều đó không thể thực hiện được. Nhưng nếu với cái móc ta cố câu một cái vòng lên thì thật là dễ dàng. Cũng thế, lòng bi mẫn và những sự ban phước của chư Phật vẫn luôn luôn hiện diện ở đó, nhưng điều mà chúng sinh phải làm là mở lòng ra để nhận lãnh những sự ban phước. Niềm tin và lòng sùng mộ thì giống như một cái vòng để cái móc của lòng bi mẫn và sự ban phước của chư Phật kéo chúng ta ra khỏi vòng sinh tử. Cho dù lòng bi mẫn của chư Phật có bao la đến đâu chăng nữa, nhưng nếu không có lòng sùng mộ thì sẽ chẳng có điều gì xảy ra.

 

Sự cầu nguyện Dòng truyền thừa

 

Để phát triển lòng sùng mộ, ta tưởng tượng Đạo sư của ta như hiện thân của tất cả chư Phật trong thân tướng Đức Dorje Chang (Phạn: Vajradhara.) (2) Bài cầu nguyện Đức Dorje Chang có một giá trị đặc biệt. Nó được Đạo sư của Đức Karmapa Thứ Bảy (3) sáng tác. Ngài sống trên một hòn đảo rất nhỏ giữa một cái hồ ở xứ Tây Tạng trong 18 năm và thiền định về Mahamudra (Đại Ấn.) (4) Ngài dùng tất cả thời gian đó chỉ để thiền định cho tới khi đạt được sự chứng ngộ toàn triệt về Đại Ấn. Vào thời điểm này, ngài sáng tác bài cầu nguyện Đức Dorje Chang một cách tự nhiên, và vì thế bài này được rất nhiều sự ban phước. Khi đọc bài cầu nguyện này, (5)  ta phải tỉnh thức đối với ý nghĩa của các ngôn từ. Ta nên đọc nó trong khi cố gắng thực sự tập trung vào những gì ta đang nói, hết sức chú tâm, không để tâm vẩn vơ trên những sự việc khác, và trong suốt thời gian đó ta cầu nguyện với lòng sùng mộ chân thành để tưởng nhớ tới những phẩm tính của Đạo sư  của ta.

 

Khi bắt đầu thiền định, ta cần hướng tâm tới sự Giác ngộ khiến cho những điều kiện khác cần thiết cho một sự thiền định chân thực sẽ phát sinh trong ta. Giáo lý Kim Cương thừa có nói rằng thiền định chân thực sẽ xảy ra một cách tự nhiên nếu ta thọ nhận sự ban phước của Đạo sư của ta và các bậc Thầy của dòng truyền thừa. Đó là lý do vì sao ta cầu nguyện với Đức Dorje Chang. Ta quán tưởng Ngài ở trong không gian trước mặt ta và được vây quanh bởi các bậc Thầy (Lạt Ma) của dòng truyền thừa. Nếu không thể quán tưởng nhiều đối tượng, ta có thể chỉ tưởng tượng thân tướng Đức Dorje Chang như  một tích tụ của mọi phẩm tính và tinh tuý của các bậc Thầy của dòng truyền thừa.

 

Bài cầu nguyện Đức Dorje Chang có bốn phần. Phần thứ nhất là xoay chuyển tâm khỏi vòng sinh tử khiến ta có thể thấy được tính chất huyễn hóa của nó, phát triển tâm nhàm chán sinh tử, và thiết tha thực hành Pháp. Phần thứ hai là trưởng dưỡng lòng sùng mộ của ta đối với Đạo sư và Pháp khiến ta có thể nhận được những sự ban phước của các bậc Đạo sư và phát triển sự thiền định chân thực. Phần thứ ba là ta cầu nguyện để có được sự an bình trong tâm và không bị xao lãng, nhờ đó ta sẽ phát triển thiền định chân thực. Phần thứ tư là nỗ lực để thấu suốt bản chất của các niệm tưởng của ta là Pháp Thân (dharmakaya). Khi đã thấu suốt điều này, chúng ta thực sự trở thành Đức Dorje Chang. Sau đó, chúng ta chỉ việc an trú trong thiền định. Bất kỳ niệm tưởng nào khởi lên, chúng ta chỉ ngơi nghỉ trong bản chất của niệm tưởng này.

 

Khi quán tưởng Đức Dorje Chang, ta tưởng tượng Ngài có mầu xanh dương, một mặt và hai tay cầm chày và chuông. Ngài ngồi trong tư thế kim cương. (6) Ta có thể quán tưởng Ngài đang ở trên đầu ta hoặc ở trong không gian trước mặt. Ta thường quán Ngài ở trước mặt ta và nếu có thể được, quán tưởng Ngài được tất cả các Đạo sư của dòng truyền thừa vây quanh. Ta không quán tưởng các Đạo sư trong hình tướng bình thường với thân thể thịt xương thô nặng, bởi nếu quán tưởng như thế, những hình tướng ấy sẽ làm phát sinh những tư tưởng tầm thường trong tâm ta. Việc nảy sinh những tư tưởng tầm thường trong khi thiền định là dấu hiệu cho thấy ta không có lòng sùng mộ mạnh mẽ. Vì thế ta quán tưởng Đạo sư trong thân tướng Đức Dorje Chang để phát triển một thị kiến thanh tịnh trong ta và để thấy Ngài không như thân xác thịt xương bình thường, mà trong một cách thế thanh tịnh. Ta biết rằng đó là Đạo sư của ta, nhưng ngài ở trong thân tướng Đức Dorje Chang. Nếu không thể quán tưởng tất cả các bậc Đạo sư này thì ta chỉ đơn giản quán tưởng Đức Dorje Chang và suy tưởng rằng Ngài tượng trưng cho mọi phương diện của Tam Bảo. Trong khi cầu nguyện, ta gắng tưởng nhớ tới tất cả các phẩm tính tốt đẹp của Đạo sư của ta và của các bậc Đạo sư dòng truyền thừa Kagyu, và nỗ lực cảm nhận lòng sùng mộ chân thực trong mức đôï có thể. Ta cố gắng cảm nhận càng nhiều càng tốt niềm tin từ tận đáy lòng ta. Cảm nhận niềm tin ấy, ta đọc bài cầu nguyện dòng truyền thừa, (7)  và khi điều này xảy ra, ta suy tưởng: “Tôi đã nhận lãnh mọi sự ban phước về thân, khẩu, ý của tất cả chư Phật và Đạo sư.” Cuối bài cầu nguyện, ta tưởng tượng rằng Đạo sư của ta và tất cả các bậc Đạo sư khác tan thành ánh sáng, rồi  ánh sáng này được thâu rút qua đỉnh đầu và đi vào tim ta. Trong khoảnh khắc đặc biệt này, ta tưởng tượng đã nhận lãnh mọi sự ban phước về thân, khẩu, ý của Đạo sư của ta và của tất cả các bậc Đạo sư khác. Ta quán tưởng ta đã nhận được một cách đúng đắn cũng những phẩm tính mà các ngài có, bởi giờ đây tâm ta và tâm các ngài là một. Vì thế, mọi phẩm tính của sự hoàn toàn giải thoát khỏi những che chướng và của sự chứng ngộ viên mãn của các ngài giờ đây là của chúng ta, như thể các ngài đã in một tấm ảnh những phẩm tính giác ngộ của các ngài lên chúng ta. Ta suy tưởng rằng ta đã thâu thập toàn bộ sự ban phước, và bất kỳ sự chứng ngộ nào có trong tâm Đạo sư  của ta thì giờ đây cũng có trong tâm ta.

 

Tư thế thiền định

 

Có hai vấn đề quan trọng trong thiền định, đó là thân và tâm. Thân rất cần được giữ cho thẳng để các kinh mạch vi tế (8) trong thân cũng được ngay thẳng. Nếu những kinh mạch vi tế này thẳng đứng thì các năng lực vi tế trong chúng sẽ vận hành trôi chảy. Ta được biết rằng tâm giống như  một con ngựa lướt trên những năng lực vi tế của thân. Khi ngựa chạy, năng lực này trôi chảy, nó thư thản và êm dịu.

 

Có nhiều mô tả về tư thế thiền định tốt đẹp và ta sẽ sử dụng sự mô tả gồm năm điểm.(9) Điểm thứ nhất: thân nên ngay ngắn và thẳng đứng. Phải “thẳng như một mũi tên” có nghĩa là lưng ta cần thẳng và không nên ngả về phía trước, phía sau, hay hai bên. Điểm thứ hai là cổ họng nên hơi congï xuống như một cái móc. Trong cổ họng có hai kinh mạch vi tế, và nếu chúng hơi được uốn về phía trước, năng lực sẽ lưu thông trong đó làm giảm bớt tâm khích động trong việc thiền định của ta. Điểm thứ ba là chân phải xếp chéo lại theo “kiểu lưới mắt cáo” có nghĩa là cẳng chân cần được giữ trong tư thế bắt chéo. Nếu có thể ngồi trong thế kiết già thì thật tốt, còn không thì chỉ đơn giản chéo chân theo thế bán già. Điểâm thứ tư là thân phải “cùng tập hợp như sợi giây xích.” Sau khi ngồi thẳng người, ta khoá thân lại trong tư thế đó như thể bằng những chiếc cùm thép. Cách thức để làm điều này là chắp hai bàn tay tay lại, đặt chúng cách dưới rốn bằng bề dày của bốn ngón tay. Điểm thứ năm là giữ tâm và thân trong mức độ căng thẳng hợp lý, sử dụng một nỗ lực để thân và tâm được hoà hợp và tập trung. Điều này được so sánh với lưỡi của ta, chẳng hạn khi ta phát âm những chữ Tây Tạng “li” và “ri”, lưỡi cần được căng lên ở một mức độ nào đó. Cũng thế, ta nên luôn luôn duy trì một số nỗ lực và tỉnh giác trong thân và tâm.

 

Đạo sư vĩ đại Marpa đã nói rằng có nhiều giáo huấn khác nhau về tư thế thiền định, nhưng ngài thích tư thế năm điểm này hơn khi nói rằng nếu ta giữ thân thể trong tư thế này thì năng lực vi tế lưu thông trong thân thể sẽ thật lý tưởng và sẽ thực sự lưu thông trong kinh mạch giữa. (10)

 

Tâm trong khi thiền định

 

Khi ta thiền định, hãy thiền định trong một thời gian ngắn, nhưng lập đi lập lại nhiều lần. Toàn bộ vấn đề là để phát triển một tập quán thiền định. Nếu ngay từ lúc đầu ta thiền định quá lâu, tâm chỉ trở nên bị kích động hơn nữa và khó kiểm soát. Nếu ta thiền định trong một thời gian ngắn và thực hiện lại thời khoá nhiều lần, thì trong mỗi thời khoá tâm sẽ tươi mới, trong trẻo và có thể lắng dịu dễ dàng hơn. Vì thế hãy lập đi lập lại sự thiền định cho tới khi tập quán thiền định phát triển mạnh mẽ hơn.

 

Điều cần là kiểm soát tâm trong khi thiền định. Tâm thức không được kiểm soát thì mãnh liệt và nguy hiểm như một con voi giận dữ. Không những ta không kiểm soát được nó mà tâm còn có thể vận hành theo cách riêng của nó. Nếu một cảm xúc giận dữ hay tham muốn rất mạnh mẽ phát sinh trong ta, ta thường không thể kiểm soát nó. Nhưng nó là tâm ta, vì thế ta có thể kiểm soát nó nếu ta sử dụng các khí cụ đúng đắn là sự chánh niệm và tỉnh giác. Tỉnh giác là thấu biết một cách chính xác điều gì ta đang làm. Chánh niệm là kiểm soát tâm ta và không để nó vuột ra ngoài sự kiểm soát.

 

Khi thiền định, ta không nên theo đuổi một tư tưởng thuộc về quá khứ,  không dấn mình vào tương lai, và không nên bị dính mắc với những tư tưởng trong hiện tại. Tư tưởng thuộc quá khứ thì giống như điều ta đã làm ngày hôm qua; tư tưởng thuộc tương lai thì giống như những gì ta đang hoạch định để làm vào ngày mai và tư tưởng trong hiện tại chỉ xuất hiện bất ngờ. Trong tất cả các trường hợp, ta không nên theo đuổi dòng niệm tưởng này mà chỉ nên thư dãn và để mặc chúng bằng cách không đi theo chúng cách này hay cách khác. Ví dụ, trong khi thiền định ta có thể nghĩ tưởng về điều đã xảy ra một tháng trước hay nghĩ tới một tư tưởng ta vừa mới có và nghĩ :”Tôi vừa nghĩ về điều này.” Sau đó ta chỉ chấm dứt việc đi theo tư tưởng đó. Như vậy ta không nên đi theo bất kỳ tư tưởng nào. Cũng thế, ta có thể đang hoạch định điều gì cho tuần tới và ngay lập tức ta nghĩ tưởng: “Tôi không được suy nghĩ về điều này!” Ta phải tránh theo đuổi các niệm tưởng trong thiền định của ta bởi một cách đơn giản, thiền định chỉ để mặc các sự việc đúng như chúng là, không quá lơi lỏng hay quá căng thẳng. Nếu ta làm được điều này, ta sẽ nhận ra rằng tự nó tâm sẽ an tĩnh hoàn toàn tự nhiên.

 

Những Chướng ngại chung cho Thiền định

 

Trong thời gian thiền định, tâm phải có một sự căng thẳng đúng đắn. Ví dụ, nếu ta có một con mèo và ta nhốt nó trong một căn phòng, con mèo sẽ trở nên điên dại. Không tìm được cách thoát ra ngoài, nó bắt đầu chạy lên chạy xuống, kêu meo meo và đập phá đồ vật. Nhưng nếu chúng ta để cửa mở, con mèo sẽ chạy ra ngoài, loăng quăng đâu đó một chút rồi quay trở lại và ngủ trong phòng. Tương tự, nếu ta bắt đầu thiền định và nghĩ :”Tôi phải thực sự ngừng suy tưởng và giữ tâm hết sức tập trung và an bình,” thì ta sẽ thường xuyên lo lắng và nghĩ:” Ô, tôi đã có một niệm!” hay” Bây giờ tôi căng thẳng quá.” Rồi ta sẽ nóng nẩy bực dọc đến độ không thể ngừng suy nghĩ. Vì thế hãy thư dãn, chỉ để tâm trôi chảy và nghĩ : “ Bất kỳ điều gì đến, nó chỉ đến và đi.” Nếu ta ngồi đó thật thư dãn và để mặc mọi sự xảy ra, ta sẽ không bị quá nhiều xáo trộn trong khi thiền định.

 

Nếu ta sử dụng sự chánh niệm và tỉnh giác đúng đắn trong khi thiền định, tâm ta sẽ trở nêân an tĩnh. Có hai chướng ngại chính cho sự an tĩnh của tâm. Một là tâm trở nên quá lơi lỏng và hai là nó trở nên quá căng thẳng. Khi ta trở nên quá lơi lỏng, ta bắt đầu đi theo các niệm tưởng của ta và miệt mài trong chúng. Khi ta quá căng thẳng, ta nỗ lực rất nhiều khi chú tâm vào ý niệm tập trung và an tĩnh khiến cho cuối cùng tâm không thể an trụ và ta trở nên xao lãng. Ta phải cố gắng liên tục tìm thế quân bình giữa sự quá căng thẳng và quá lơi lỏng bằng cách đặt vào thiền định của ta một mức độ nỗ lực đúng đắn. Đại thành tựu giả Saraha đã nói rằng khi ta thiền định, tâm phải giống như sợi chỉ của người Bà la môn. Ở Ấn Độ, người Bà la môn thường hay se chỉ. Nếu kéo sợi chỉ căng quá, nó sẽ đứt. Nếu sợi chỉ chùng quá, nó không đủ mạnh. Cũng thế, khi ta thiền định, tâm nên duy trì một mức độ tỉnh giác đúng đắn, không căng quá mà cũng không lơi lỏng quá.

 

Thiền định về một Đối tượng bên ngoài

 

Có ba kỹ thuật thiền định chính: sự tập trung vào một đối tượng bên ngoài, sự tập trung vào một đối tượng bên trong, và sự tập trung không có đối tượng. Mục đích của thiền định là đạt tới chỗ không cần tới bất kỳ đối tượng nào trong thiền định. Nhưng để chuẩn bị cho mục đích này, ta cần quen thuộc với sự thiền định sử dụng các đối tượng bên ngoài và sau đó sự thiền định sử dụng các đối tượng bên trong.

 

Lúc bắt đầu, sẽ rất ích lợi nếu ta thiền định trên những đối tượng bên ngoài chẳng hạn như một tượng Phật. Thiền định trên một đối tượng bên ngoài thì không xem xét hay nghĩ tưởng về hình dáng, sự cấu tạo hay mầu sắc, nhưng chỉ đơn giản duy trì sự tỉnh giác đối với pho tượng ở trước mặt ta và không bị phóng tâm bởi những tư tưởng khác. Khi nhìn pho tượng, mắt ta không nên căng ra và chỉ nên ghi nhận hình ảnh Đức Phật trong tâm. Nếu những tư tưởng khác xuất hiện, ta nỗ lực tỉnh giác về những tư tưởng này càng nhanh càng tốt, ngừng chúng lại lập tức và xoay sự tỉnh giác trở lại pho tượng.

 

Đối với người mới bắt đầu, loại thiền định này khó thực hành trong một thời gian dài bởi chúng ta rất dễ bị thất niệm. Vì thế ta hãy thiền định trong một quãng thời gian ngắn với sự tập trung hoàn hảo khiến việc thiền định không trở nên rối loạn bởi những tư tưởng. Lúc bắt đầu, hãy thực hành trong một thời gian ngắn, và khi nhận thấy có chút ít dễ dàng hơn thì ta có thể kéo dài thời khoá thiền định.

 

Ngài Tilopa nói rằng ta nên từ bỏ mọi hoạt động vật lý và chỉ an trú thật tĩnh lặng trong khi thiền định. Nên ngừng nói chuyện và nghĩ tưởng; chỉ để mặc tâm ngơi nghỉ. Nếu ta thiền định về một pho tượng Phật, ta không nên nhìn chăm chăm bằng cái nhìn mạnh mẽ hay cố định vì điều này sẽ chỉ khiến ta đau đầu và mỏi mắt. Ta phải thư dãn, để mắt nghỉ ngơi trên pho tượng và chỉ ghi nhận hình ảnh. Cái nhìn của ta sắc bén hay mờ tối thì không có gì khác biệt. Và khi nhìn nó, ta đừng nghĩ :”Pho tượng, pho tượng, pho tượng.” Ta chỉ nhìn nó và cố đừng để hình ảnh vuột khỏi tâm ta. Nếu ta bắt đầu có một niệm tưởng mạnh mẽ đang khiến ta bỏ quên pho tượng, ta chỉ nhẹ nhàng đưa sự chú ý trở lại pho tượng vì nếu ta đi theo tư tưởng đầu tiên thì những tư tưởng khác sẽ đến, rồi những tư tưởng khác nữa và ta sẽ hoàn toàn quên mất đối tượng của sự thiền định. Khi tư tưởng xuất hiện, cần nhận ra được sự hiện diện của nó. Nếu tâm ta bắt đầu chạy theo tư tưởng, hãy chỉ nhận thức sự kiện này và đem tâm trở lại với pho tượng.

 

Ta nên luôn luôn tập trung vào những gì được gọi là “vật hỗ trợ” của sự thiền định, đó là pho tượng hay đối tượng khác mà ta đang tập trung vào. Nếu ta phát triển tập quán cố gắng tránh hai khiếm khuyết là quá căng thẳng hay quá lơi lỏng trong thiền định thì sự thiền định của ta sẽ tiến bộ. Nếu thực hành loại thiền định này nhiều hơn nữa, dần dần tâm ta an tĩnh hơn, có khả năng tập trung hơn và sự thiền định của ta sẽ trong sáng hơn.

 

Thiền định nội quán

 

Trong việc thực hành Pháp, ta phải làm việc với thân, khẩu và ý của ta. Tâm thức quyết định phẩm tính của hoạt động thuộc thân và khẩu. Ta đang nỗ lực tự giải thoát mình khỏi các vấn đề và nỗi khổ, và vì thế ta đang nỗ lực siêu vượt luân hồi sinh  tử. Gốc rễ của luân hồi sinh tử là những ô nhiễm, và bao lâu mà chúng còn hiện diện thì ta không thể hy vọng có được bất kỳ hạnh phúc lâu dài nào.

 

Có hai cách nhờ đó ta có thể đạt được sự giải thoát khỏi các ô nhiễm; cả hai đều liên quan tới sự thiền định. Nhờ thiền định, trước tiên ta sẽ có thể có được sự tĩnh lặng nào đó, ta ít có những niệm tưởng và những tư tưởng tiêu cực, nhờ đó những ô nhiễm bớt dần đi. Nhưng hột giống của những ô nhiễm vẫn còn hiện diện, vì thế ta phải phát triển một sự thấu suốt về sự không hiện hữu của cái “ngã.” Như thế ta thiền định về bản tánh thực sự của các hiện tượng.

 

Khía cạnh thứ hai của thiền định có thể quét sạch những ô nhiễm là thiền định nội quán (thiền định vipashyana). Nhưng để phát triển mạnh mẽ loại thiền định này, trước tiên, ta phải phát triển vững chắc thiền định tĩnh lặng. Không có thiền định này, tâm chỉ rong ruổi mọi nơi và ta không thể kiểm soát nó. Một khi đã phát triển thiền định tĩnh lặng, ta có thể sử dụng tâm trong sự kiểm soát. Vì thế, nếu ta quyết định để tâm ngơi nghỉ thì ta có thể làm điều đó. Nếu ta quyết định tập trung tâm vào sự việc nào, ta cũng có thể thực hiện được. Phương cách lý tưởng để đạt được thiền định tĩnh lặng là để tâm hoàn toàn nghỉ ngơi một cách tự nhiên không có bất kỳ tư tưởng nào. Nhưng điều này cực kỳ khó đạt được vì ta đã quá quen có những niệm tưởng và bị dính mắc với chúng. Bởi ta luôn luôn hướng tâm tới những ngoại vật nên khi bắt đầu thiền định, sẽ dễ dàng hơn khi ta dùng một đối tượng bên ngoài. Vì thế bước đầu tiên là thiền định về một đối tượng bên ngoài như một tượng Phật nhỏ.

 

Những chướng ngại của Thiền định Tĩnh lặng

 

Đối với thiền định tĩnh lặng, có hai chướng ngại chính. Chướng ngại đầu tiên là “suy tưởng” (hôn trầm), nó có nghĩa là khi tâm bắt đầu nghĩ tưởng, nó trở nên nặng nề, trầm trệ, và ta bắt đầu cảm thấy buồn ngủ. Đó là một cảm giác lừ đừ, lãnh đạm và muốn ngủ nhưng không thể ngủ được, vì thế ta không có sự trong sáng trong thiền định . Chướng ngại khác là sự phấn khích (trạo cử), trong đó tâm trở nên lộn xộn, nảy sinh nhiều tư tưởng và đeo đuổi những tư tưởng này theo mọi hướng – tương lai, hiện tại, hay quá khứ – khiến tâm chẳng thể nghỉ ngơi chút nào.

 

Cách thức để sửa trị sự hôn trầm này là nghĩ tới những phẩm tính của Đức Phật và Giáo Pháp, và nghĩ tưởng xem nhờ thiền định mà ta có thể gặt hái được biết bao nhiêu điều lợi lạc. Việc nghĩ tưởng tới điều này sẽ tạo nên một cảm giác hạnh phúc, sự hứng khởi và lòng nhiệt thành của ta được làm tươi mới lại, nhờ đó ta sẽ tự động chỉnh sửa tâm thức trầm trệ của mình. Để làm điều này, ta nghĩ tưởng rằng nhờ thiền định, ta sẽ giải thoát khỏi những ô nhiễm, những khó khăn thuộc cảm xúc và đạt được giải thoát. Ngay cả trước khi thành tựu sự giải thoát viên mãn, thiền định sẽ đem lại cho tâm ta sự an bình, khiến ta hạnh phúc hơn. Hãy nhớ rằng ta có quá nhiều khó khăn, căng thẳng và thất vọng chính là bởi ta có quá nhiều tư tưởng và bị dính mắc với những tư tưởng đó. Nếu ta bắt đầu suy nghĩ : “Tôi muốn cái này” hoặc “Tôi cần cái này,” tâm ta sẽ trông chờ những điều đó và sẽ là một sự căng thẳng liên tục khởi đi từ ước muốn này. Sau đó nếu ta không thể sở hữu hay thành tựu điều ta mong muốn, ta sẽ bị giam giữ trong đau khổ và thất vọng triền miên. Nhưng nếu ta có thể làm an dịu tâm thức thì tư tưởng sẽ ít đi, điều đó có nghĩa là ta bớt đi lòng ham muốn và sự khao khát triền miên này sẽ được giảm thiểu. Vì thế thiền định có tác dụng ngắn hạn tạo nên sự tĩnh lặng và tác dụng dài hạn giải thoát ta khỏi những ô nhiễm là nguyên nhân của mọi bất hạnh.

 

Sự phấn khích trong tâm (trạo cử) được tạo nên bởi sự phóng tâm, nó có thể đến từ sự kiêu ngạo hay ham muốn. Thuốc chữa cho vấn đề này là nghĩ tưởng rằng mọi nỗi khổ đều sẵn có trong đời sống tương đối (Phạn: samsara, sinh tử) và trở nên tỉnh thức đối với những khiếm khuyết của sự phóng tâm. Chúng ta đã từng lang thang hết sức dài lâu trong sinh tử bởi ta để cho tâm thức thường xuyên xao lãng (phóng tâm) và điều này chỉ đem lại đau khổ. Bởi để cho tâm xao lãng, ta chẳng đạt được điều gì. Cũng thế, nếu ta phóng tâm trong đời sống hàng ngày, ta không thể thành tựu nhiều được. Vì thế khi suy tưởng về những khiếm khuyết của sự phóng tâm và lang thang trong sinh tử, ta sẽ tự động tiếp tục làm an dịu sự kích động tinh thần trong thiền định của ta.

 

Cách loại trừ sự uể oải trong thiền định là tưởng tượng trong tim ta có một bông sen tám cánh hướng lên trên. Rồi ta tưởng tượng có những điểm ánh sáng nhỏ thật trắng và chói ngờiø trên bông sen. Ta đưa những điểm trắng này lên đỉnh đầu ta ở khoảng mái tóc. Thân ta hơi rướn lên, chuyển đôïng thân hướng lên trên một chút. Để loại trừ sự phấn khích  trong thiền định, ta tưởng tượng một bông sen đen hướng xuống dưới. Trong bông sen này, ta tưởng tượng một điểm đen và đưa nó hướng xuống mặt đất. Đồng thời ta thư dãn tư thế, để thân hơi cúi xuống.

 

Sự Phát triển sự Trong sáng trong Thiền định

 

Nếu muốn sự thiền định của ta được trong sáng, ta nên nuôi dưỡng một cảm thức vui thích đối với thiền định. Cảm thức đó có thể được phát triển bằng cách nghĩ tưởng tới mọi phẩm tính có được từ sự thiền định. Còn nếu ta phóng tâm, ta gặp sự đối nghịch của những phẩm tính này. Đâu là sự tai hại của sự phóng tâm? Đó là bất kỳ điều gì ta làm sẽ có phẩm tính tệ hại, và vì thế sẽ uổng phí thời gian. Còn nếu ta để mặc tâm trong trạng thái tự nhiên không theo đuổi các niệm, thì những gì ta làm sẽ rất chính xác, rất trong sáng và hiệu quả. Khi phóng tâm, ta đang lãng phí một ít thời gian của đời người quý báu của ta mà nó có thể không bao giờ tìm lại được.

 

Ta có thể cho rằng có lẽ thật tốt đẹp nếu hoàn toàn thả mình  theo các niệm tưởng và điều này sẽ đem lại sự thích thú trong tâm. Nhưng nếu ta rơi vào ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực như sự đam mê, hung hăng, kiêu ngạo, hay đố kỵ, thì sẽ không thật vui thích đâu. Khi một trong những cảm xúc này phát khởi, rất khó ngưng nó lại và nó sẽ chỉ đem lại cho ta những khổ đau. Ví dụ, một khi ta bắt đầu giận dữ, cảm xúc ấy gây nên nhiễu nỗi bực dọc, và nếu nó kéo dài, nó thực sự có thể khiến ta cảm thấy thân tâm đau bệnh. Cũng thế, cảm thức ham muốn tiêu cực là một nỗi khao khát liên tục. Ta luôn luôn tìm kiếm điều nào đó mà ta cho là sắp đem lại cho ta niềm vui, sự hài lòng hay thỏa mãn. Nhưng vì một lý do nào đó, dường như  không bao giờ ta có thể đạt được điều ấy, vì thế ta liên tục ước muốn. Sự việc sẽ trở nên hết sức khốn khổ bởi ta chẳng bao giờ đạt được những gì ta nhắm tới. Vì thế nếu xem xét cẩn thận những cảm xúc và tư tưởng tiêu cực, ta thấy rằng tự nền tảng, bản tánh của chúng là đau khổ.

 

Tuy nhiên, nhờ thực hành thiền định, ta có thể giải trừ đau khổ bởi tâm ta sẽ đặt dưới sự kiểm soát và được an tĩnh. Bằng cách phát triển sự tập trung qua thiền định, ta có thể đạt được sự tĩnh lặng. Ta được dạy rằng một khi đạt được mức độ lão luyện trong thiền định, ta sẽ tự động có sự an vui, thoải mái trong thân và tâm. Đó là bởi sự thiền định giảm thiểu những niệm tưởng thường xuyên làm xao lãng tâm ta và điều này làm bớt đi những cảm xúc tiêu cực. Thiền định cũng sẽ đem lại một cảm thức to lớn về hạnh phúc bởi từng chút một, ta sẽ có thể kiểm soát được những tư tưởng và cảm xúc của ta.

 

Thực hành Hậu-Thiền định

 

Khi nhờ năng lực của thiền định mà sự tập trung của ta từng chút một đã khá hơn, ta sẽ có thể mở rộng sự tập trung tự nhiên này tới phần còn lại của đời ta. Dù ta đang đi, ngồi, nói năng hay làm việc, ta có thể học cách ngưng tâm thức lang thang của ta lại. Nếu bị phóng tâm trong khi làm việc thì ta không thể làm công việc của ta một cách đúng đắn. Nếu ta có thể giải trừ sự phóng tâm và phát triển sự tập trung hơn nữa thì đời ta sẽ tự động tốt đẹp hơn, và điều ấy cũng sẽ làm hoàn thiện thực hành thế tục và thực hành Pháp của ta. Nếu ta phải tuỳ thuộc vào người khác để thay đổi tâm thái của ta, thì có thể sẽ là một tiến trình hết sức phức tạp. Sự kiểm soát tâm thức của ta thì hoàn toàn tuỳ thuộc vào bản thân ta. Đây là điều mà chính ta có thể thực hiện với một chút chánh niệm và tỉnh giác. Từng chút một, khi sự tập trung được phát triển, ta có thể hướng tâm vào trong dễ dàng hơn.

 

Thực hành Cho và Nhận

 

Mục đích của ta là sự phát sinh thiền định chân thật. Do đó ta phải khơi dậy lòng sùng mộ trong ta, là điều không nhất thiết phát khởi tự nhiên trong hầu hết mọi người. Vì thế ta phải tiếp tục làm việc đó bằng cách cầu nguyện với Đức Dorje Chang, Pháp Thân, Ngài là sự kết hợp của Đạo sư của ta và tất cả các bậc Đạo sư khác và của mọi khía cạnh của sự quy y. Nếu ta mong muốn sự ban phước đến với ta thì việc thiền định của ta phải được trợ giúp bởi một động cơ đúng đắn. Động cơ này phải là vì sự Giác ngộ, nghĩ tưởng rằng ta đang thực hành điều này là vì lợi lạc của tất cả chúng sinh; rằng ta có thể đạt được Phật Quả là để giúp đỡ tất cả chúng sinh. Động cơ này được gọi là “động cơ căn bản,” và ta phải có nó trước khi bắt đầu thực hành. Nó cũng là “động cơ trực tiếp, ” điều ta luôn luôn có khi ta đang thực sự thực hành.

 

Thông thường thì ta không quá quan tâm tới người khác. Vì thế ta đã phát triển niềm tin hết sức mạnh mẽ này vào cái “tôi.” Từ niềm tin này phát sinh mọi cảm xúc tiêu cực. Để giải trừ tất cả cảm xúc tiêu cực và các tư tưởng về cái “tôi,” ta phải học cách tu tập tâm thức bằng thiền định về Cho và Nhận. Thiền định về Cho và Nhận (Tây Tạng: tonglen)  giúp ta phát triển một thái độ thuần tịnh bằng cách giảm thiểu sự dính mắc vào chính mình và gia tăng việc nghĩ tưởng tới người khác. Thiền định về Cho và Nhận sẽ giúp ta phát triển Bồ Đề Tâm (bodhicitta), (11)  lòng khao khát chứng ngộ Phật Quả vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Trong thực hành này ta hoán chuyển hạnh phúc của ta với sự bất hạnh và đau khổ của chúng sinh khác. Thiền định này cũng được liên kết với hơi thở. Khi thở ra, ta tưởng tượng ta gởi một luồng áng sáng rất chói lọi đi tới mọi chúng sinh. Ánh sáng trắng này tượng trưng cho tất cả hạnh phúc của ta, mọi sự tốt lành trong đời ta. Ta cũng nghĩ tưởng rằng nó chứa đựng những hạt giống của hạnh phúc, là tất cả những đức hạnh của ta. Vì thế ánh sáng trắng này đi tới mọi chúng sinh và khi chạm vào họ, nó đem tới cho họ hạnh phúc và niềm vui lớn lao. Ngược lại, khi ta thở vào, ta tưởng tượng đang nhận một luồng ánh sáng rất tối ám đem lại cùng nó tất cả những đau khổ, những vấn đề, những khó khăn và mọi nguyên nhân của những vấn đề đó. Ta thực hành thiền định này hoàn toàn theo nhịp thở tự nhiên. Ta biết rằng ta mong muốn hạnh phúc và với thực hành Cho và Nhận (tonglen) ta nhận thức rằng những người khác cũng mong muốn hạnh phúc này. Do đó bất kỳ những gì ta có, ta hiến tặng nó cho họ. Bất cứ bất hạnh và đau khổ nào họ không mong muốn, ta tưởng tượng mình nhận lãnh nó. Thực hành Cho và Nhận là một khí cụ tuyệt hảo để tăng trưởng Bồ Đề Tâm rộng lớn hơn nữa, và Bồ Đề Tâm chính là động cơ cho sự Giải thoát.

 

Thật là một điều tốt đẹp khi nghĩ tưởng tới việc chấp nhận nỗi đau khổ của ta và cố gắng thực sự mở lòng ra với người khác trong một cách thức bi mẫn. Nhưng để làm điều này một cách đúng đắn, trước tiên ta phải tu hành tâm thức. Ta cố gắng nghĩ tưởng rằng ta thực sự mong muốn hiến tặng những người khác điều gì đó và thực sự muốn nhận lãnh và làm nhẹ bớt nỗi khổ của họ. Chỉ nhờ sự tu hành bản thân mà động lực thuần tịnh đích thực mới có thể sinh khởi trong ta. Một khi đã có động cơ thuần tịnh này, ta mới có thể thực sự giúp đỡ những người khác. Ta không thể chuyển đổi nghiệp của người khác, nhưng có thể thay đổi những điều kiện (duyên) trực tiếp ảnh hưởng tới họ. Nếu ta có lòng bi mẫn chân thực thì ta sẽ có thể làm rất nhiều việc. Có một động cơ thuần tịnh là một việc hết sức quan trọng. Khi ta chân thành mong ước muốn giúp đỡ chúng sinh khác, ta sẽ thực sự có thể giúp đỡ họ. Ta sẽ nhận ra rằng nếu cố gắng giúp đỡ họ khi ta không sẵn sàng thì sau này ta sẽ hối tiếc. Ví dụ, khi ngài Xá Lợi Phất quyết định đạt tới Giải thoát để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, ngài quyết định bố thí bất cứ điều gì nếu có ai yêu cầu. Một hôm một con quỷ muốn quấy nhiễu nên đi đến và nói: “Hãy cho tôi bàn tay phải của ông.” Bởi ngài Xá Lợi Phất không muốn từ chối nên với lòng can đảm lớn lao, ngài chặt bàn tay phải cho con quỷ. Con quỷ chỉ cười và nói: “Tôi không muốn bàn tay phải của ông. Tôi muốn bàn tay trái.” Dĩ nhiên sau đó ngài Xá Lợi Phất nghĩ rằng món bố thí đó quá nhiều và ngài hối tiếc về điều ấy. 

 

Khi thực hành pháp Cho và Nhận, ta không nên sợ rằng mình sẽ nhận những khó khăn của người khác, vì ta đang tưởng tượng ta đang nhận lãnh những phiền não của mọi người. Nhưng đừng nên nghĩ rằng sự thiền định này không có tác dụng gì bởi lẽ ta không thực sự nhận bất kỳ nỗi khổ nào hay cho đi bất kỳ hạnh phúc nào. Thực hành này rất quan trọng vì trong khi thực hành thiền định Cho và Nhận, ta đang tu tập tâm ta để dần dần biến đổi thái độ rất ích kỷ của ta thành một mối tương quan cởi mở và từ ái với người khác khiến ta có thể phát triển ý hướng chân thật đi tới Giác ngộ.

 

Thiền định Nội tâm

 

Ta bắt đầu thiền định  bằng cách làm tâm kiên cố với sự trợ giúp từ bên ngoài. Khi đã trở nên thuần thục, ta có thể tập trung tâm hướng vào trong. Thực hành thiền định nội tâm là sự vận dụng hơi thở. Đức Phật đã dạy sáu vấn đề (12) khác nhau trong thiền định shamatha. Có ba thiền định chính đặt nền trên hơi thở, chẳng hạn như đếm hơi thở, theo hơi thở v..v..

 

Lúc mới bắt đầu thiền định, tâm ta không kiên cố và đây là lý do vì sao ta có thể thật dễ dàng rơi vào ảnh hưởng của những cảm xúc của ta. Với thiền định ta cố gắng tập trung trở lại bằng cách chú tâm vào sự vật nào đó hơi nhỏ, nhưng đừng nhỏ quá. Vì thế ta dùng một tượng Phật để học cách chú tâm. Từng chút một, sự tập trung của ta được cải thiện, và sau đó ta có thể chú tâm vào một chữ tượng trưng cho ngữ của đức Phật. (13)  Sau đó ta tập trung trên một biểu tượng của tâm Phật là một điểm nhỏ. Lúc bắt đầu, sự chú tâm của ta tản mạn trên hàng trăm đối tượng, rồi dần dần nó tập trung hơn trên những vật nhỏ hơn nhiều như một tượng Phật. Pho tượng có một mặt, hai cánh tay, hai bàn tay…và khi ta đã tập trung hơn, ta chú tâm trên một chữ duy nhất và sau đó chỉ còn lại một điểm. Trong mọi trường hợp, cũng giống như đối tượng của sự tập trung, kỹ thuật đòi hỏi sự chú tâm hơn nữa tạo nên một kiểu tập trung càng lúc càng tinh tế hơn.

 

Phương pháp thứ nhất là đếm hơi thở. Trước hết, ta có thể thở hoàn toàn tự nhiên. Khi thở ra, ta nghĩ : “Bây giờ không khí đi ra, giờ đây tôi đang thở ra.” Khi thở vào, ta tỉnh giác rằng không khí đang đi vào thân ta. Mỗi chu kỳ thở, ta tỉnh giác không khí đang đi vào và đi ra, và thầm đếm một lần. Việc này trở nên dễ dàng hơn khi ta phát triển tập quán thiền định này. Chỉ cần đếm thật rõ ràng xem ta đang thở bao nhiêu lần.

 

Phương pháp thiền định thứ hai được gọi là “đi theo hơi thở.” Ta thở bình thường, nhưng khi thở vào, ta tưởng tượng không khí tràn đầy toàn thân ta. Khi thở ra, ta tưởng tượng tất cả không khí trong thân thoát ra ngoài theo lỗ mũi và tan vào không gian. Khi làm điều này, ta đang đi theo chuyển động này bằng tâm ta để tâm và không khí được kết nối liên tục trong lúc thiền định. Đây là phương cách rất tốt để phát triển sự tĩnh lặng trong tâm.

 

Phương pháp thứ ba là kết hợp việc đếm hơi thở và đi theo hơi thở, vì thế trước tiên ta đếm hơi thở từ 1 tới 21, mỗi lượt hít vào thở ra ta tính là một lần. Cách này giữ cho tâm ta tập trung vào hơi thở và không lãng quên việc tính đếm. Ngay sau khi đếm tới 21, ta bắt đầu thực hiện thiền định đi theo hơi thở.

 

                   Ta nên thực hành thiền định hơi thở trong những thời khoá thật ngắn, nhưng làm nhiều thời khoá. Khi thực sự thiền định, ta nên thực hành thật thận trọng và càng chính xác càng tốt.

 

Khi thiền định về hơi thở, ta có thể nhận ra rằng tâm ta có khuynh hướng tăng trưởng chút ít tăm tối và không thật sự trong sáng. Khi điều này xảy ra, ta nên làm sắc bén sự chú tâm của mình. Để sự thiền định được trong sáng hơn, ta có thể thực hiện “thiền định ba chu kỳ.” Trước hết ta hít vào (chu kỳ thứ nhất), giữ không khí lại (chu kỳ thứ hai) và sau đó thở ra (chu kỳ thứ ba). Khi đang hít vào, ta nghĩ tưởng tới âm thanh OM. Khi không khí ở trong thân, ta nghĩ  tưởng tới âm thanh AH. Và khi không khí thoát ra khỏi thân, ta nghĩ tưởng tới âm thanh HUM. Cả ba chu kỳ này phải tự nhiên, không bị gò bó, và ta nên cố gắng thực hiện ba chu kỳ bằng nhau. Nếu thực hành như thế, ta sẽ nhận ra là mình không trở nên quá phấn khích (trạo cử) hay quá trầm trệ (hôn trầm). Thiền định này giữ cho tâm luôn trong sáng, nhờ đó khi ta nhận thấy tâm trở nên phấn khích hay trầm trệ, ta có thể chỉ cần chuyển sang ba chu kỳ thở này.

 

Thiền định Mahamudra

 

Sự nhận lãnh những ban phước vào lúc cuối của bài cầu nguyện Đức Dorje Chang là cách thức để thiền định chân thật sinh khởi trong ta và ta sẽ thành tựu sự chứng ngộ bản tánh chân thật của các hiện tượng. Bản tánh chân thật này gồm cả sự trống không lẫn sự trong sáng. Trong một chúng sinh bình thường thì sự trong sáng này được gọi là Phật tánh (Phạn: Tathagatagarba). Khi Phật tánh được chứng ngộ, sự trong sáng này được gọi là Pháp Thân (dharmakaya). Trên con đường đi tới Giác ngộ, Phật tánh là sự chứng ngộ từ từ tất cả các phẩm tính tốt đẹp và là sự giải trừ mọi phẩm tính xấu xa. Đây là lý do vì sao thiền định về chân tánh của các hiện tượng và bản tánh của tâm thì rất quan trọng. Trước tiên ta có được sự thấu hiểu trên lý thuyết về thiền định này nhờ giáo lý vĩ đại như Uttara Tantra. (14)  Sau đó nhờ thiền định Mahamudra, ta đạt được sự chứng ngộ trực tiếp chân tánh của các hiện tượng bằng cách nhìn vào chân tánh của tâm.

 

Bài Cầu nguyện Đức Dorje Chang

 

Đức Vajradhara (Kim Cang Trì) vĩ đại, Tilopa, Naropa

Marpa, Milarepa, và chúa tể của Pháp Gampopa.

Bậc thấu suốt ba thời, Đức Toàn Trí Karmapa.

Những bậc nắm giữ bốn phái lớn và tám phái phụ. 

 

Phái Drikung, Taklung, Tsalpa, phái Drukpa vinh quang và những phái khác

Trước tất cả các bậc đã hoàn toàn thấu suốt con đường Mahamudra sâu xa

Phái Dagpo Kagyu vô song, những bậc bảo hộ của chúng sinh

Con khẩn cầu các Ngài, những Đạo sư Kagyu, xin ban phước cho con

Khiến con có thể tuân thủ truyền thống và mẫu mực của các Ngài.

 

Giáo lý dạy rằng sự xả ly là chân của thiền định;

Không bị ám ảnh bởi thực phẩm hay của cải.

Đối với thiền giả xả bỏ những trói buộc với đời này,

Xin các Ngài ban phước để sự bám luyến vào danh vọng và sở hữu ngừng dứt.

 

Giáo lý dạy rằng lòng sùng mộ là đầu của sự thiền định.

Đạo sư mở rộng cánh cửa vào kho tàng giáo lý khẩu truyền sâu xa,

Đối với thiền giả luôn luôn quay về chính mình,

Xin các Ngài ban phước để lòng sùng mộ chân thật được sinh khởi trong thiền giả ấy.

 

Giáo lý dạy rằng sự chú tâm không lay động là thân của sự thiềnđịnh,

Bất kỳ niệm tưởng nào sinh khởi - bản tánh của nó thì trống không.

Đối với thiền giả ngơi nghỉ trong sự tự nhiên,

Xin các Ngài ban phước để việc thiền định thoát khỏi sự ý niệm hoá.

 

Giáo lý dạy rằng bản chất của niệm tưởng là Pháp Thân,

Niệm tưởng chẳng là gì cả, tuy thế chúng sinh khởi.

Đối với thiền giả quán chiếu sự phô diễn không chướng ngại của tâm,

Xin các Ngài ban phước để thiền giả chứng ngộ luân hồi sinh tử và Niết bàn thì bất khả phân.

 

Trải qua mọi cuộc đời, cầu mong con không bị xa lìa bậc Thầy toàn hảo

Và nhờ đó hân hưởng Pháp vinh quang

Cầu mong con nhanh chóng thành tựu các phẩm tính tốt đẹp của con đường và các giai đoạn,

Và nhanh chóng đạt được trạng thái Vajradhara (Kim Cương Trì).

 

 

Chú thích:

1.             Có ba truyền thống chính trong Phật giáo: Tiểu thừa (Hinayana), Đại thừa (Mahayana), và Kim Cương thừa (Vajrayana). Kim Cương thừa được thực hành chủ yếu ở Tây Tạng.

2.             Dorje Chang (Kim Cương Trì) là một hình thức Báo Thân của Đức Phật.

3.             Karmapa là vị lãnh đạo Dòng Kagyu của Phật giáo Tây Tạng.

4.             Mahamudra (Đại Ấn) là phương pháp thiền định chính của dòng Kagyu.

5.             Bài cầu nguyện được đưa ra ở cuối bản văn này.

6.             Kim cương hay tư thế hoa sen viên mãn là thế ngồi bắt chéo cả hai chân (thế kiết già).

7.             Bài cầu nguyện dòng truyền thừa Kagyu được đưa ra ở  cuối bản văn này.

8.             Đây là những kinh mạch (Phạn: nadi, Tây Tạng: tsa) đưa dẫn những năng lực vi tế (Phạn: bindu, Tây Tạng: tiglee). Những kinh mạch này không có những cấu trúc cơ thể, nhưng giống những kinh đạo trong khoa châm cứu hơn.

9.             Phương pháp bảy điểm của Đức Tỳ Lô Giá Na được đưa ra trong Thiền định Tĩnh Lặng và Nội quán của Thrangu Rinpoche, Nhà xuất bản Namo Buddha.

10.         Có ba kinh mạch chính đưa dẫn năng lực vi tế : kinh mạch phải, trái, và kinh mạch giữa. Kinh mạch giữa được phỏng chừng là chạy dọc theo tuỷ sống.

11.         Bodhicitta (Bồ Đề Tâm) là Phật tánh căn bản mà mọi người đều có.

12.         Đó là (1) có tư thế đúng đắn, (2) trụ tâm trên đối tượng nào đó của thị giác, (3) cắt đứt dòng niệm tưởng và sự lăng xăng trong tâm, (4) giải trừ sự hôn trầm và trạo cử trong thiền định, (5) không để tâm quá căng thẳng hay quá lơi lỏng, và (6) không làm đứt đoạn sự liên tục giữa thiền định và hậu-thiền định.

13.         Đây là những chủng tự thường dùng, chẳng hạn như OM AH HUM.

14.         Uttara Tantra của Thrangu Rinpoche có thể tìm  trong thư mục của Nhà xuất bản Namo Buddha.

 

Nguyên tác: “A Guide To Shamatha Meditation”

by The Venerable Thrangu Rinpoche

 

Bản dịch Việt ngữ: Thanh Liên                                                   

http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/hanhthien.htm

 


Vào mạng: 3-3-2006

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang