Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Thỏng Tay vào Chợ
Đại-lãn

Sau khi chúng ta được các ngài hướng dẫn chỉ bày, và đánh thức mọi trói buộc đã được thể hiện trong cuộc sống của mỗi chúng ta; qua đó vọng tâm phân biệt chấp trước, nó làm chủ tạo ra mọi cái nhìn sai lạc cho mọi hành động, theo đó nghiệp nhân được hình thành, và hiện hữu qua cái gọi là quá khứ, hiện tại, vị lai trong ba cõi sáu đường. Trong khi đó, cũng cuộc sống này có những lúc lại có những hành động, lời nói của chúng ta được thể hiện ra như là vô tình bất chợt, nên chúng ta không để ý chúng, vì chúng không bị trí năng ý chí can thiệp vào nên trở thành vô tác dụng đối với trí năng phân biệt của chúng ta. Do đó, chúng trở thành như là không hiện hữu giữa cuôsống của chúng ta. Nhưng thật ra những thể hiện này chính là những cái đáng được thấy đáng đuợc biết. Cái đó được các ngài dùng để chỉ thẳng cho chúng ta, vì chúng tự thể hiện cái tâm vô phân biệt. Cái được thể hiện này chúng tôi tạm gọi là cái bản lai diện mục xưa nay của mỗi chúng ta, cái bản lai diện mục này vẫn thường thêiện ra bên ngoài, trong cuộc sống của chúng ta, một cách trần truồng như một vô vị chân nhân, thường hay ra vào nơi mặt mũi trong một cục thịt đỏ au của mỗi người chúng ta như ngài Lâm Tế đã bảo. Cái mà thường ngày nó ra vào đó, chính là cái mà ngài Huệ Năng đã từng chỉ dạy cho Huệ Minh thượng tọa khi ông hỏi pháp. Huệ Năng bảo:

"- Nhà ngươi đã vì pháp mà đến, thì hãy dẹp bỏ các duyên chớ sanh một niệm, ta sẽ vì nhà ngươi mà nói rõ trong giây lát. Ngài bảo tiếp:

- Không nghĩ thiện không nghĩ ác, ngay lúc đó cái gì là bản lai diện mục của Huệ Minh thượng tọa?

Ngay câu nói này Huệ Minh đại ngộ."

Huệ Minh đã ngộ được cái chi đây? Phải chăng ông đã nhận ra được cái bản lai diện mục xưa nay của chính mình qua: "Không sanh một niệm và, không nghĩ thiện không nghĩ ác?"Ở đây, vừa phủ định vừa khêu gợi để cho người đối thoại tự nhận ra mình, theo đó Huệ Minh đã đủ lanh cơ để nhận diện. Lúc này là lúc chính cuộc sống vô sự của chúng ta được thể hiện qua biểu tượng vô phân biệt. Không phải 'Chớ sanh một niệm, không nghĩ thiện không nghĩ ác' chúng không có bất cứ một sự sinh hoạt nào, mà chính nó là nếp sống, bề ngoài xem như là tiêu cực, nhưng thật sự bên trong chúng mang một tính tích cực vượt thoát. Chính vì tính tích cực vượt thoát này, nên trong mỗi hành động của chúng ta được thể hiện tự tại không bị trói buộ, hay lệ thuộc vào bất cứ khái niệm hóa nào. Do đó, khi tâm vô sự của các thiền sư hay của chúng ta thể hiện thì, đối với các duyên giờ đây không còn là đối tượng để "đoạn tuyệt"nữa, vì tự thân chúng không mang một rắc rối chướng ngại nào cả, mà chúng luôn luôn tự dung thông vô ngại đối với mọi pháp, như Linh Hựu đã trả lời nhân Huệ Tịch hỏi:

"- Trăm ngàn muôn cảnh cùng lúc đến thì phải làm thế nào?

Linh Hựu đáp:

- Xanh chẳng phải là vàng, dài chẳng phải là ngắn; các pháp tự chúng ở vào địa vị của chúng chẳng can hệ gì đến công việc của ta."

Khi thiền sư không khởi tâm phân biệt đối với cuộc sống, thì đối với các duyên bên trong hay bên ngoài, giờ đây trở thành không can hệ và lệ thuộc nhau, vì tự thân chúng (tâm và vật) không mang bất cứ một ý niệm thủ-xả, thường-đoạn, có-không, dài-ngắn, tốt-xấu, một-khác, sanh-diệt hay bất cứ một hiện tượng nào khi chúng hiện hữu hay biến dịch, mà qua đó chúng nói lên được một sinh hoạt sống động linh nghiệm qua cuộc sống trong cuộc chơi: "Tuỳ duyên pháp hiệp, xứng vật dụng thành. Tuỳ duyên pháp biến, theo vật dụng thông." Tooàn thể cuộc sống này được hiện hữu trong cái Hiệp và Biến không mang bất cứ nhãn hiệu nào; chúng không thuộc về tâm hay vật, hay không phải tâm-vật, mà chúng thể hiện cái nhiệm màu dung nhiếp một cách sinh động vô ngại.

Ở đây, chính cái vô sự của toàn thể cuộc sống đã nói lên được cái lẽ đang hiệp-biến tùy duyên, mà chúng tôi tạm gọi là: "Đương-Niệm"trong cái toàn thể "Đang-là"của chúng xuyên qua cái cá-biệt không can hệ. Từ đó, chúng quyết định được sự giải thoát toàn thể cuộc sống của thiền sư qua cái nhìn trói buộc của chúng ta như là xa lạ, như vua Lý thái Tôn hỏi Thiền Lão một thiền sư Việt Nam.

"Lý thái Tôn hỏi Thiền Lão:

- Hòa thượng ở núi này được bao lâu?

Thiền Lão đáp:

- Chỉ biết ngày tháng này,

Ai rành xuân thu trước.

Vua hỏi:

- Hằng ngày làm việc gì?

Thiền Lão đáp:

- Trúc biếc hoa vàng không ngoài cảnh,

Trăng trong mây bạc hiện toàn chơn.

Vua hỏi:

- Có ý chỉ gì?

Thiền Lão đáp:

- Nhiều lời sau không ích!"

Con người đang ở trong hiện tại mà không biết sống cho hiện tại, luôn luôn sống cho quá khứ và tương lai ở bên ngoài giây phút hiện tại này! Ở đây, họ đã đánh mất chính họ, nghĩa là họ đã đánh mất tất cả cái toàn thể ngay bây giờ và tại đây mà họ không biết. Họ luôn luôn muốn tìm hiểu chúng ngoài cuộc sống này, họ loại bỏ cuộc sống nhiệm mầu hiện có nơi họ. Vì vậy các thiền sư luôn luôn dùng cuộc sống chính mình và môn hạ, để chị cho họ cách nhìn cách sống nơi chính dòng sống nơi mỗi người đang thể hiện, mà họ không nhận thấy, như thiền sư Đạo Ngộ đã dạy môn đệ mình.

"Một hôm Sùng Tín thưa Đạo Ngộ:

- Từ ngày con vào đây cho đến giờ, mà chưa được thầy chỉ dạy tâm yếu!

Đạo Ngộ bảo:

- Từ ngày nhà ngươi vào đây, ta chưa từng chưa chỉ dạy tâm yếu cho nhà ngươí!

Sùng Tín thưa:

- Chỉ dạy ở chỗ nào?

Đạo ngộ bảo:

- Ngươi dâng trà ta vì ngươi mà tiếp, ngươi bưng cơm đến ta vì ngươi mà nhận, ngươi xá lui ta vì ngươi mà gật đầu. Chõ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu đây!? Gã cuối đầu lặng thinh giây lâu.

Đạo Ngộ bảo:

- Thấy thì ngay đó thấy liền, suy nghĩ liền sai. Ngay câu nói này sư được khai ngộ."

Tâm yếu là gì? Ở đâu? Tại sao phải tìm kiếm? Trong khi cuộc sống đơn sơ bình thường hằng ngày chúng ta lại bỏ quên, không màn để mắt đến để nhìn ra cái như thật chính nó như ngài Nam Tuyền đã từng dạy: "Bình thường tâm thị Đạo: Tâm bình thường là Đạo." Ở đây, tâm bình thường luôn luôn được thể hiện ra bên ngoài, trong những hành động bình thường hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta, mà chúng ta đã bỏ quên, chỉ vì chúng xuất hiện từ tâm vô phân biệt, do đó cái hiệu quả tác dụng là vô sự đối với trí năng phân biệt, thành ra cái hậu quả trói buộc cũng theo đó trở thành không hiện hữu. Đó cũng chính là cái kỳ đặc của thiền sư Tịnh Không (Việt nam) trả lời cho một vị tăng.

"Tăng hỏi Tịnh Không:

- Hoà thượng có việc kỳ đặc, tại sao không nói cho người học biết?

Tịnh Không đáp:

- Ông thổi lửa tôi vo gạo, ông khất thực tôi cầm bát, ai phụ ông đâu?! Nghe qua vị tăng liền tỏ ngộ."

Qua những trích dẫn trên, cho chúng ta một cái nhìn mới về tâm. Khi tâm vô phân biệt được thể hiện ra bên ngoài, thì hành động vô sự không có tác dụng đối với trí năng, do đó cuộc sống của chúng ta không bị trói buộc đối với bất cứ duyên nào, cho dù là ờ bên trong hay bên ngoài nữa. Chính cái nhìn mới toanh này, giờ đây mới thấy được cuộc sống phiêu bồng vô ngại của các thiền sư trong cái lẽ tuỳ duyên. Ở đây, vì tùy duyên nên vấn đề buông-giữ không cò tác dụng nữa, và vì vậy cho nên cái Đương-là vô phân biệt đó, chính là mặt động của phản diện tĩnh của Đương-niệm chú không gì khác hơn. Động (dụng) Tĩnh (thể) của một toàn thể, chúng không phải là một cũng không phải là khác. Do đó, sự xuất hiện của chúng, giờ đây mang một bộ mặt mới toanh, hoàn toàn không bị trí năng phân biệt can thiệp vào, và sự thể hiện này trở thành toàn thể sung mãn căn đầy nhiệm mầu tự tại. Giây phút này là giây phút đúng lúc của bắt đầu và chung cuộc Đương-là của cuộc sống các thiền sư mà qua đó, chúng xuất hiện như chính chúng ta đã từng thấy trong cuộc sống bình thường hằng ngày của chúng ta.

"Một hôm Thúy Vi dâng lễ vật cúng dường cá vị A-la-hán, một ông tăng hỏi sư:

- Đơn hà đã cho Phật gỗ vào lửa, sao thầy còn lễ bái A-la-hán?

Sư đáp:

- Trong lửa mà chẳng cháy. Về việc lễ A-la-hán hãy để một mình ta."

Ở đây, rõ ràng vì tâm phân biệt của phàm tăng cho nên việc lễ bái A-la-hán trở thành có vấn đề trở ngại, trong cái lệ thuộc thủ đắc bỡi hành động của Đơn Hà, và cho đó là một biện pháp khả thi để thủ đắc, chính vì phân biệt cho nên có trở ngại. Ngược lại, các vị thiền sư vì không có chỗ khả đắc, cho nên việc làm của các ngài trở thành tự tại như trường hợp Vân Nham dạy chúng.

"Vân Nham dạy chúng:

- Có đứa trẻ nhà kia, khi hỏi đến không gì không đáp được.

Động Sơn Lương Giới hỏi:

- Ở trong đó kinh sách nhiều hay ít?

Đáp:

- Một chữ cũng không.

Hỏi:

- Sao biết được nhiều vậy?

Đáp:

- Ngày đêm chưa từng ngủ.

Hỏi:

- Làm một việc được không?

Đáp:

- Nói được nhưng chẳng nói."

Ngày đêm chưa từng ngủ là con đường Đại định của Đương-niệm hiện tiền trong tùy duyên bất biến. Chính nhờ tùy duyên bất biến này, nên khi hỏi đến không gì không đáp được, không gì không làm được, vì chúng thể hiện con đường tự tại vô phân biệt. Đó cũng là con đường mà ngài Mã Tổ-Đạo Nhứt đã áp dụng vào phương pháp dạy người của ngài.

"Mã Tổ bảo:

- Ta có khi dạy Y nhướng mày chớp mắt, có khi không dạy Y nhướng mày chớp mắt. Có khi nhướng mà chớp mắt là phải, có khi nhướng mày chớp mắt không là phải, ngươi làm sao?

Ngay câu nói này Dược Sơn khế ngộ, bèn lễ bái.

Mã Tổ hỏi:

- Ngươi thấy đạo lý gì mà lễ bái?

Dược Sơn thưa:

- Con ở chỗ Thạch Đầu như con muỗi đậu trên trâu sắt.

Mã Tổ bảo:

- Ngươi đã biết nyhư thế thì nên tự khéo léo giữ gìn!"

Duyên phải duyên không phải tự chúng không có ý phân biệt, cho đến tâm như một con trâu sắt cũng vậy, và chính con muỗi đang thể hiện cái "Vô trụ xứ"của mình trên con trâu sắt. Ở đây, mọi việc trở nên thông suốt, tự tại không trói buộc nhau. Lúc này là lúc tự do được thể hiện trọn vẹn trong dòng sống, do đó ở đây không gì không là Đạo, như Huệ Tịch và Trí Nhàn thể hiện qua cuộc trắc nghiệm của Linh Hựu.

"Linh Hựu vừa thức giấc, Huệ Tịch vào thăm hỏi, Linh Hựu liền xoay mặt vào vách, Huệ Tịch thưa:

- Hoà thượng không được như vậy!

Linh Hựu chỗi dậy bảo:

- ta vừa nằm mộng thấy một điềm, con có thể vì ta đem lại xem.

Huệ Tịch liền lấy thau múc một thau nước đem lại cho sư. Sư rửa mặt xong, giây lát Hương Nghiêm Trí Nhàn cũng đến thăm hỏi, Sư bảo:

- Vừa rồi ta nằm mộng thấy một điềm, Huệ Tịch Ngưỡng Sơn đã vì ta đem lại cho ta xem rồi, nhà ngươi cũng nên đem lại cho ta xem thử !

Hương Nghiêm liền đi rót một chung trà mang đến.

Sư bảo:

- Hai con thấy hiểu còn hơn cả Xá-lợi-phất."

Giờ đây bảo gì không là Đạo. Trắng đen vàng tía xanh lam đỏ thắm, ngắn dài, tốt xấu là gì đi nữa mà tự chúng không có niệm phân biệt, thì đối với người thể hiện tâm vô phân biệt có gì là sai trái chướng ngại đâu. Xuôi ngược tuỳ duyên, xuống lên tự tại nào buộc nào vương, tâm vật nhất như ngoài tâm không khác. Ở đây, mọi chuyện không gì là không nhiẹm mầu dung nhiếp, như Đại Mai đã thể hiẹn trong cuộc sống của chính mình khi được Mã Tổ trắc nghiệm.

"Mã Tổ nghe Đại mai lên núi ở, bèn sai một người đến thăm dò, tăng đến hỏi Đại Mai:

- Hoà thượng gặp Mã Tổ được cái gí mà về ở núi này?

Sư đáp:

- Mã Tổ nói với tôi "Tức tâm tức Phật"tôi bèn ở núi này.

Vị tăng thưa:

- Gần đây Mã Tổ nói "Phi tâm phi Phật."

Đại mai nói:

- Ông già mê hoặc người chưa lúc nào nghỉ. Mặc ông phi tâm phi Phật, tôi chỉ biết tức tâm tức Phật.

Vị tăng trở về thưa lại Mã Tổ những lời sư nói. Mã Tổ bảo với đại chúng:

- Trái Mai (me) đã chín rồi."

Khi tâm thức đã chín mùi bùng vỡ thì còn gì để chướng ngại trong cuộc sống nữa. Giờ đây dù nói ngược nói xuôi, nói phải nói quấy đều là những thể hiện nhiệm mầu của cuộc sống, có gì sai trái nhau đâu. Khi mê thì có tâm có Phật, có mọi thứ thể hiện đối lập ngăn cách nhau, còn khi ngộ ra rồi chúng đâu có ngăn cách sai biệt nữa. Vì vậy mà việc thể hiện hằng ngày của các thiền sư trong cuộc sống luôn luôn tự tại thong dong, như thiện sư Viên Chiếu (Việt Nam) đã trả lời nhân một vị tăng hỏi:

"Tăng hỏi Viên Chiếu:

- Nếu gặp lúc cấp bách đôi đường thì sẽ xử sự như thế nào?

Viên Chiếu đáp:

- Trượng phu theo phóng khoáng

Trăng gió hãy vui chơi."

Giờ đây cái gì không thể hiện việc vui chơi. Tất cả giờ đây đều trở thành một trò đùa không hơn không kém. Một trò đùa vô tư lự, không mang bất cứ một giá trị nào được áp đặt lên chúng, để biến chúng trở thành cái xác chết cứng nhắc không hồn, mà chúng luôn luôn thể hiện một cách linh động uyển chuyển, tuỳ theo duyên khởi Hiệp-biến mà thể hiện cái tâm vô phân biệt, không dính mắc đối với cuộc sống. Ở đây, sẽ rõ ràng hơn trong cung cách thể hiện tâm không phân biệt vượt thoát trong cuộc sống được Linh Hựu và Vân nham thể hiện qua cuộc đối thoại sau.

"Linh Hựu hỏi Vân nham:

- Nghe nói huynh ở Dược Sơn lâu lắm phải không?

Vân Nham đáp:

- Phải.

Linh Hựu hỏi:

- Tướng Dược Sơn đại nhơn như thế nào?

Vân Nham đáp:

- Sau khi Niết bàn mới có.

Linh Hựu hỏi:

- Sau khi Niết bàn mới có là thế nào?

Vân Nham đáp:

-Rưới nước chẳng dính.

Vân Nham hỏi lại Linh Hựu:

- Bách Trượng đại nhơn tướng thế nào?

Linh Hựu đáp:

- Chững chạc vòi vọ, sáng suốt rực rỡ. Trước tiếng chẳng phải tiếng, sau sắc chẳng phải sắc. Con muỗi đậu trên trâu sắt, không có chỗ cho huynh cắm mỏ."

Cái gì rưới nước chẳng dính, cái đó không bị nhiễm; cái gì cắm mỏ vào mà không có chỗ để cắm, thì cái đó không rỉ lậu. Ở đây tâm vô phân biệt của các thiền sư được thể hiện một cách tự do tự tại không nhằm bất cứ một chủ đích nào cả. Do đó cũng không có bất cứ một hậu quả nào khả dĩ tác động trong tương lai, và vì vậy hệ thống nhân-quả sẽ không còn can hệ lệ thuộc vào cuộc sống của các ngài, mặc dù các ngài sống với nó như muôn ngàn các duyên khác. Đây cũng là nếp sống mà thiền sư Thạch Đầu đã từng tuyên bố.

"Một hôm Thạch Đầu tuyên bố như vầy:

- Dù các ông có nói gì, các ông có hành xử như thế nào, nhưng những điều như thế vẫn không liên hệ gì đến cái đó.

Duy Nghiêm ở Dược Sơn luận giải lời tuyên bố ấy như vầy:

- Ngay cả khi các ông không nói gì, ngay cả khi các ông không hành xử theo cách nào hết; nhưng nhũng điều như thế cũng không liên hệ gì đến cái đó.

Thạch Đầu bảo:

- Ở đây dù muốn cắm mũi kim cũng chẳng có chỗ.

Duy Nghiêm nói:

- Ở đây giống như người trồng hoa trên đá."

Có nói hay không có nói, hành xử hay không hành xử, thì cũng không liên hệ đến cái đó. Vậy, cái đó là cái gì? Trong khi chúng vẫn luôn luôn hiện hữu tất cả thời tất cả nơi, mà vẫn không có chỗ để cắm mũi kim, không có chỗ để bám rễ, hay chính hoa không thể nào ccó thể ra rễ được. Ở đây, nếu có chỗ để cho hoa bám rễ thì điều đó sẽ báo hiệu cho chúng ta một sự lệ thuộc đang hiện hữu; hay có chỗđể cắm được mũi kim thì chính chỗ đó đang rỉ lọt. Cả hai điều này nói lên tánh cách mất tự tại của cuọc sống chúng ta, nhưng ở đây thiền tông luôn luôn thể hiện nếp sống tự tại giải thoát ngay trong dòng sống. Do đó những gì được thể hiện ra bên ngoài mà mang tánh cách trói buộc lệ thuộc thì không phải là nếp sống của thiền tông. Cho nên từ điều kiện không điều kiện này, đã tạo ra bước đi phiêu bồng tự tại. Các thiền sư tự thân đã không bị lệ thuộc vào các duyên, thì các duyên tự chúng cũng chả can hệ gì đến các ngài. Do đó, cho dù chúng đã bị tâm phân biệt con người áp đặt lên tự thân chúng những nhãn hiệu mà tự thân chúng không có, thì đối với cái hậu quả không hậu quả của vô sự giữa chúng và các thiền sư sẽ trở thành tự tại vô ngại.

Ở đây, mọi giá trị luân lý đạo đức theo cuộc sống thế tục của nhân-quả nhị nguyên, đều bị hành động của các thiền sư vô hiện hóa, bỡi sự thể hiễn vô phân biệt vượt thoát này, mặc dù đối với giá trị nhân-quả của chúng ta là một điều tối kỵ. Đó là bước đi tự tại được thể hiện qua cuộc sống, vừa đoiidi trị vọng chấp, vừa đem lại hiệu quả chuyển đổi đột biến trong lối nhìn và bước đi kế tiếp của hành giả. Ở đây, mọi trở ngại mâu thuẫn sai biệt đều không hiện hữu, nên vấn đề thắc mắc tại sao như thế này mà không như thế kia hay ngượ lại như ngài Triệu Châu đã thể hiện.

"Triệu Châu hỏi một vị tăng mới đến:

- Đã từng đến đây chưa?

Tăng thưa:

- Đã từng đến.

Sư bảo uống trà đi, sư lại hỏi một vị tăng khác:

- Đã từng đến đây chưa?

Tăng thưa:

- Chưa từng đến.

Sư bảo uống trà đi. Sau đó viện chủ hỏi sư:

- Vì sao đã từng đến dạy uống trà, và chưa từng đến cũng lại dạy uống trà?!

Sư gọi:

- Viện chủ!

Viện chủ đáp:

- Dạ!

Sư bảo:

- Uống trà đi!

Việc uống trà là một viẹc bình thường trong việc đói ăn khát uống, trong những cuộc tiếp xúc gặp gỡ nhau, chứ có chi lạ đâu; chúng cũng chả can hệ chi đến việc đã từng đến hay chưa từng đến. Vậy thì việc viện chủ nêu lên thắc mắc đó, là tự treo tâm mình lên trên cầu sanh tử, trong khi tách nước trà đang ở trên tay mà vẫn bị chết khát. Thử hỏi ở đây, ai có thể vì viện chủ, mà trong một hớp uống hết nước sông sanh tử thay cho ông đưỡc không? Nếu được thì cho dù lão Triệu Châu, có làm chi nữa cũng chả can hệ chi đến chúng ta, và lúc này là lúc đạt được bước đi tự tại.

* * *

Để thay lời kết luận chúng tôi xin trích dẫn, những lời tự thuật của thiền sư Lâm Tế sau đây:

"Hỡi các đạo lưu, kẻ hiện lúc này, trước mắt chúng ta, sáng tỏ đơn độc, rõ rõ ràng ràng, đang lắng nghe, kẻ này chẳng trệ ở bất cứ chỗ nào, thông quán mười phương tự tại trong ba cõi. Vào tất cả cảnh giới sai biệt, mà cũng không hề bị chuyển biến. Kẻ ấy trong một sác na đi vào pháp giới. Gặp Phật nói Phật, gặp Tổ nói Tổ, gặp La Hán nói La Hán, gặp ngạ quỷ nói ngạ quỷ.

Vào khắp mọi nơi, lang bạt các quốc độ, giáo hóa các chúng sanh thế mà chưa từng lìa nhất niệm. Ở bất cứ nơi nào cũng thanh tịnh, ánh sáng thấu nhập mười phương, vạn pháp nhất như ...

"Duy có kẻ hiện đang nghe pháp trước mắt các đạo lưu, vào lửa không bị thiêu, vào nước chẳng bị chìm, vào ba nẻo địa ngục như vào vườn ngắm cảnh, vào cõi của ngạ quỷ súc sanh mà chẳng phải chịu báo. Tại sao lại như vậy? Vì chẳng có pháp nào để ghét vậy.

"Nếu ông yêu thánh ghét phàm, ông hẳn bị trôi nổi trong biển sanh tử. Phiền não do tâm mà có; vô tâm phiền não trói buộc ai? Đừng bận phân biệt chấp tướng, tự nhiên đắc đạo trong khoảnh khắc. Ông còn cho rằng bôn ba theo kẻ bên cạnh mà học được, trong ba kỳ kiếp rốt cuộc thế nào cũng quay về sanh tử. Chẳng bằng vô sự quay về chốn tòng lâm, lên góc giường mà ngồi khoanh chân...

"Sư núi tôi ở đây chẳng luận tăng tục. Nhưmg có kẻ đến tôi đều biết rõ hắn, dù hắn từ nơi nào lại. Hễ có danh văn ngôn cú, thảy đều mộng huyễn. Tôi chỉ thấy con người cỡi các cảnh, kẻ ấy huyền chỉ của chư Phật vậy...

"Nếu có người đến hỏi tôi là muốn cầu Phật, tôi tức ứng hợp cảnh thanh tịnh ma 2xuất hiện. Có người hỏi tôi Bồ tát, tôi tức ứng hợp với từ bi mà xuất hiện. Nếu có người đến hỏi tôi về Bồ đề, tôi tức ứng hợp với cảnh tịnh diệu mà xuất hiện. cảnh thì vạn loại sai biệt, nhưng Nhân thì không sai biệt. Cho nên ứng vật hiện hình, như mặt trăng phản chiếu trong nước...

"Hỡi các đạo lưu! Sư núi tôi thuyết pháp, thuyết pháp gì vậy? Ấy là thuyết tâm địa pháp, cái pháp đi vào phàm, đi vào thánh, đi vào tịnh, đi vào uế, đi vào chân đi vào tục. Điểm chính yếu là các ông (Nhân) không phải chân tục phàm thánh, mà các ông có thể gán cái danh cho chân tục phàm thánh. Chân tục phàm thánh đối với người (Nhân) không gán cho cái danh được. Hỡi các đạo lưu! Như các ông mà nắm được thì tha hồ mà dùng nó. Đừng có chấp trước vào danh tự. Ấy gọi là huyền chỉ...

"Như chỗ dụng xứ hôm nay của sư núi tôi, dù thành dù hoại đều ứng hợp với chân tri. Ngoạn lộng thần biến đi vào tất cả cảnh mà đâu đâu cũng như vô sự. Cảnh chẳng ảnh hưởng được đến tôi.. Như có kẻ đến cầu gì nơi tôi, tôi chỉ ra mà xem hắn. Hắn không nhận được tôi, tôi bèn mặc một vài thứ áo, những người học bèn rơi vào ngôn cú của tôi mà làm ra hiểu biết. Khổ thay những kẻ ngốc nghếch mù quáng, kẻ không có mắt bám vào y phục tôi mặc, mà nhận là xanh vàng đỏ trắng. Ta bèn cởi bỏ mà vào cảnh giới thanh tịnh, kẻ học khi thấy bèn sinh ham thích; tôi lại cởi bỏ nữa, kẻ học liền ngơ ngác hoang mang chạy quanh nói rằng tôi vô y. Tôi bè quay qua hắn mà bảo: "Ông có biết cái Người mặc áo đó chăng?"Hốt nhiên họ quay đầu lại mà nhận ra tôi.

"Này các đại đức, đừng nhận lầm y phục, y phục không tự quyết được, Người mặc được y phục: Có thanh tịnh y, có vô sanh y, có bồ đề y, có niết bàn y, có tổ y, có phật y. Này các đại đức, chúng ta chỉ có âm thanh, danh từ ngôn cú, thảy đều là y phục mà chúng ta thay đổi. Từ cái khí hải trong bụng đánh vào răng, gõ vào khẩu cái thành cú nghĩa. Như thế ta mới rõ rằng chỉ là huyễn hóa.

"Này các đại đức, bên ngoài phát ra cái âm thanh của nghiệp ngôn ngữ, bên trong biểu hiện tâm sở pháp, để suy nghĩ mà khởi niệm, thảy đều là y phục mà ta mang. Sao các ông lại nhận cái y phục mà người ta mang là thực tại. Dù có trải qua số kiếp như vi trần, cũng chỉ là kẻ không hiểu y phục thôi. Các ông sẽ tuần hoàn trong ba cõi, luân hồi trong sanh tử. Như thế sao bằng được vô sự. Cổ đức nói:

"Gặp nhau mà chẳng biết,
Cùng nói chẳng biết tên."
(Tương phùng bất tương thức,
Cọng ngữ bất tri danh.")

http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/to-008-thongtay.htm

 


Cập nhật: 27-4-2000

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang