- Thiền và Tịnh độ trong mạch sống Việt
Nam
- TK. Ta Bà Ha
Vâng ! Đây là sự thật chứ không phải chuyện đùa, bởi
lâu nay ai cũng nghĩ rằng hễ Thiền thì không có Tịnh, và Thiền tông lúc
nào cũng không chấp nhận sự hiện diện của Phật A Di Đà trong tâm thức
hành giả.
Ở đây chúng tôi không dám luận bàn về tôn chỉ của hai
phái, chỉ cung cấp một vài cứ liệu minh chứng cho sự hiện diện đó
trong thực tế lịch sử.
Cứ liệu thứ 1 : Tam pháp ấn của Thiền phái Trúc Lâm
Ai cũng biết Phật giáo Việt Nam rực rỡ ở thời kỳ Thiền
phái Trúc Lâm Yên Tử. Một tư tưởng Thiền học đặc thù và tiêu biểu
cho dòng Thiền Việt Nam gắn bó với dân gian, tinh thần dân tộc, ý thức
bảo vệ đất nước, phóng khoáng trong tư tưởng qua hành trạng của Trúc
Lâm Tam Tổ : Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.
Điểm nổi bật của Thiền phái Trúc Lâm là "Phật
pháp bất ly thế gian giác", tổng hợp được vạn pháp qui tâm nên
dung hợp được cả ba pháp môn Thiền - Mật - Tịnh làm tôn chỉ trong đời
sống Thiền gia.
Để dẫn chứng, chúng ta có thể thấy cách thờ cúng ở tất
cả các chùa mang dấu tích của Thiền Trúc Lâm ở miền Bắc đều có thờ
Tam thế Phật (Thích Ca - Di Đà - Di Lặc) biểu tượng của Tịnh Độ, có
thờ Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (hóa thân Chuẩn Đề) biểu tượng của
Mật Tông, và khi gặp nhau trong mọi hoàn cảnh, câu Nam mô A Di Đà Phật
là đầu cửa miệng lúc hào hỏi, là truyền thống xưa nay của nhân dân
miền Bắc khi gặp nhau ở cửa chùa.
Cứ liệu thứ 2 : Thiền Sư Chuyết Công với tượng Di Đà,
chùa Phật Tích, Bắc Ninh.
Thiền Sư Chuyết Công (1590 - 1644) người Phúc Kiến, là vị
Tổ truyền dòng Thiền Lâm Tế từ Trung Quốc sang Việt Nam. Chùa Phật
Tích là nơi Ngài Chuyết Công hoằng dương đạo pháp, truyền thừa Tông
phái, cũng như nổi danh ở trụ xứ này. Và tại đây cũng nổi tiếng với
tượng Phật Di Đà bằng đá, một nét nghệ thuật hoàn chỉnh còn lại
sau bao điêu tàn của thời gian thế cuộc. Tượng Di Đà này đã được phục
chế phiên bản để trưng bày nơi viện Bảo Tàng Hà Nội và TP.Hồ Chí
Minh, như minh chứng cho một nền nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của Việt
Nam, một thời kỳ vàng son của Phật giáo thời Trịnh - Lê, và minh chứng
cho sự phát triển của Tịnh độ vào thời bấy giờ, phát xuất từ một
Thiền Sư dòng Lâm Tế. Thế thì đó là sự truyền bá Thiền Tịnh song
hành có phải chăng ?
Cứ liệu thứ 3 : Thiền Sư Chân Nguyên (1647 - 1726) và chùa
Cửu Phẩm, Hải Dương. Dân gian quen gọi là chùa Cửu Phẩm vì trong chùa
có một đài cửu phẩm do Thiền sư Chân Nguyên tạo dựng còn nguyên vẹn
duy nhất ở miền Bắc ngày nay.
Ai cũng biết, cửu phẩm liên hoa là biểu trưng quả vị của
Tịnh độ ở cõi Cực Lạc thế giới, thế mà do một vị Thiền Sư danh
đức đương thời tạo dựng, để tiếp nối phổ hệ truyền thừa từ
Thiền phái Trúc Lâm. Thế là dù Lâm Tế hay Tào Động, sang đất Việt Nam
đều qui ngưỡng Trúc Lâm mà nối pháp vậy. Đài cửu phẩm ở Thanh Hà, Hải
Dương chính là kiểu mẫu được lấy từ đài cửu phẩm ở chùa Bút
Tháp do Tổ Huyền Quang đã dựng trước kia.
Từ những cứ liệu trên, ta có thể thấy rằng Thiền
chính thống của Việt Nam gồm Thiền - Tịnh song hành, là hai trong ba yếu
tố của Thiền phái Trúc Lâm còn được duy trì cho đến ngày nay.
Với câu A Di Đà Phật, ngày nay còn các câu chào hỏi nhau
ở miền Bắc khi đến cửa chùa. Cụ thể là nơi lễ hội chùa Hương hàng
năm, ta có thể thấy lớp lớp dòng người lên xuống vào hội đều rơm rã
câu A Di Đà Phật, Tăng hay tục, Việt Nam hay ngoại quốc, Thiền hay Mật -
Tịnh, tôn giáo hay không tôn giáo... cũng đều với câu chào nhau như thế.
Và nếu không như thế hoặc khác đi thì ta là người lạ lẫm và lạc lỏng
trong biển người thuần nhất câu A Di Đà Phật, đã là một tục lệ gắn
chặt vào đời sống linh hoạt của lễ hội xưa nay.
Từ những cứ liệu logic đó, chúng tôi muốn nói rằng,
Thiền của Việt Nam, tôn chỉ và hành trạng là sự dung hợp chứ không hề
mang tính cố chấp một chiều chỉ biết có Thiền mà bác tất cả, hay bê
nguyên xi cái của Thiền Tông Trung Quốc mà nhận làm Thiền của mình. A Di
Đà Phật là tự tánh, là thoại đầu là một phần không thể tách rời của
Thiền Việt Nam chính thống.
Để kết luận về tính thực tế lịch sử này qua các cứ
liệu được nêu, chúng tôi xin trích dẫn bài kệ thơ của nhà Thiền đã
gồm đủ ý trên :
- " Có thì có tự mảy may
- Không thì cả thế gian này cũng không
- Có không bóng nguyệt lòng sông
- Nào ai hay đó có, không làm gì !".
- Mùa Hạ năm 2000
- TK. Ta Bà Ha