- Bát phong
- Cư-sĩ Chính-Trực (Toronto-Canada)
Trên thế gian này, trong cuộc sống đầy bon chen, tranh
đấu, vất vả để sống còn, con người thường than khổ, thường
kêu khổ, thường rên khổ: khổ quá, khổ quá và khổ quá! Con
người, dù là thường dân hay quan chức, dù là da trắng, da đen, hay
da màu, dù là chủ nhân hay công nhân, dù là bình dân hay học
thức, dù là nam phụ lão ấu, dù theo bất cứ tôn giáo nào, ai ai
cũng đều công nhận rằng: cuộc đời này khổ nhiều vui ít. Tại sao
vậy? Bởi vì cuộc sống của con người luôn luôn có những bước
thăng trầm, kể từ khi mở mắt chào đời cho đến lúc nhắm mắt
giã từ thế giới ta bà khổ này. Tất cả mọi người trên thế
gian, ai ai cũng đều phải đối diện và đương đầu với những
bước thăng trầm của cuộc đời, không một ai có thể tránh khỏi.
Sách có câu: "Phước bất trùng lai, họa vô đơn
chí". Nghĩa là trên cõi đời này những việc may mắn, những
việc hên, còn gọi là có phước, được phước, hưởng phước,
thường không đến hai lần, không đến một lượt. Ngược lại,
những tai họa, những chuyện không may, bất trắc, bất như ý,
thường gọi là xui xẻo, lại đến dồn dập, liên miên, liên tua bất
tận. Chuyện này vừa xong thì chuyện khác xảy ra. Có khi chuyện này
chưa dứt thì nhiều chuyện khác đã ập đến. Nhiều khi những chuyện
như vậy xảy ra tới tấp, làm chúng ta tối tăm mặt mũi, choáng
váng mặt mày, trở tay không kịp. Với những người tinh thần yếu
đuối, bạc nhược, cầu an, hoang mang, sợ sệt, những bước thăng
trầm của cuộc đời sẽ nhận chìm họ trong biển khổ đau, ngập tràn
nước mắt, đầy tiếng kêu than. Trái lại, với những người tinh
thần mạnh mẽ dũng kiệt, thấu hiểu đạo lý, thực tâm tu học,
những bước thăng trầm của cuộc đời chính là những thử thách,
những rèn luyện, để nâng cao cuộc sống nội tâm của họ ngày một
sung mãn hơn, nghị lực của họ ngày một vững vàng hơn, dũng tiến
trên bước đường tu học. Sự giác ngộ và giải thoát chắc chắn
sẽ đến với những người như vậy một ngày không xa. Ích lợi
của việc tìm hiểu đạo lý, thực tâm tu học, chính là chỗ này
vậy.
* * *
Trong kinh sách, những bước thăng trầm của cuộc
đời được gọi là "Bát Phong". Bát phong gồm có bốn điều
phước lành và bốn điều bất trắc như sau: "thịnh và suy, hủy
và dự, xưng và cơ, khổ và lạc". Tức là bát phong có bốn
cặp: Một là hưng thịnh, lợi lộc và suy sụp, điêu tàn. Hai là hủy
báng, gièm pha và danh dự, tiếng thơm. Ba là xưng dương, tán tụng
và cơ bài, chỉ trích. Bốn là phiền não, khổ đau và an lạc, hạnh
phúc. Đó là tám ngọn gió thường tình của thế gian, lúc nào
cũng không ngừng thổi, hết cơn gió này rồi đến cơn gió khác,
có lúc gió thổi hiu hiu, nhẹ nhàng, mát mẻ, có khi gió thổi mãnh
liệt, khủng khiếp, tàn khốc, như trong các cơn giông bão.
Trong đời sống của mọi người trên thế gian, không
ai không gặp những bước thăng trầm, lúc được lúc thua, lúc vinh
lúc nhục, lúc vui lúc khổ, lúc sướng lúc cực, lúc lên voi lúc
xuống chó, lúc danh dự lúc nhục nhằn, lúc lạc quan lúc bi quan, lúc
bước lên xe lúc té xuống ngựa, lúc được làm vua lúc thua làm
giặc, lúc lên đài danh vọng lúc xuống tận bùn đen, lúc cười
tươi hỷ hạ lúc cười ra nước mắt, lúc hân hoan ra mặt lúc khóc
thầm trong tâm, lúc muốn sống dai với đời lúc muốn chết phứt cho
rồi. Những bước thăng trầm như vậy sở dĩ làm cho con người
phải phiền não khổ đau, bởi vì khi gặp phải bất cứ cảnh ngộ
nào, dù vừa ý hay không vừa ý, tâm trí của con người luôn
luôn xáo động, bất an.
Cho nên, nếu chịu khó tìm hiểu đạo lý, thực tâm tu
học, hạ thủ công phu, quán chiếu tự tâm, thì chắc chắn chúng ta
sẽ có an lạc và hạnh phúc. Nếu không, con người "còn sống
là còn động, còn động là còn khổ" , vì cuộc đời sống
động sôi nổi, vì những bước thăng trầm đó vậy.
* *
1) thịnh và suy: Trước hết, chúng ta thử xét cặp
thăng trầm mà người đời phải thường xuyên đối phó, đó là
lúc hưng thịnh, hưởng lợi lộc và lúc suy sụp, lãnh nợ đời.
Thịnh và suy là hai ngọn gió thường xuyên trên thế gian, trong cuộc
đời của bất cứ người nào.
Ở trên trần đời, con người thường gặp phải cả
hai điều: được và thua, lời và lỗ, thắng và bại. Dĩ nhiên, lúc
hưng thịnh, khi được lợi thì con người vui mừng, khoái chí, thích
thú, hả hê. Điều này không có gì là lạ, nên được gọi là
thường tình thế gian. Những mối lợi dù to hay nhỏ, dù chánh đáng
hay không, cũng đều đem lại niềm vui mà ai cũng ước mong, ai cũng
tìm kiếm. Nếu không có những giờ phút vui vẻ, dù là ngắn ngủi
tạm bợ, cuộc đời quả thực không đáng sống. Trong thế gian đầy
tranh chấp và bon chen này, con người rất ít được cơ hội hưởng
những giây phút làm tâm trí vui tươi, phấn khởi, nhẹ nhàng.
Những lạc thú như vậy, dù là vật chất hay tinh thần, chắc chắn
sẽ giúp con người thêm sức khỏe và tăng tuổi thọ.
Nhưng đến khi thất bại, thua thiệt, lỗ lã, mất mát,
sa sút, suy sụp, điêu tàn, thì phiền não và khổ đau bắt đầu phát
khởi. Con người có thể mỉm cười dễ dàng lúc hưng thịnh, khi đắc
thời được thế hay khi lợi lộc đến, nhưng đến lúc thua lỗ, suy
sụp, mạt vận thì không, khó lắm. Nhiều trường hợp thua thiệt
nặng nề, lỗ lã lớn lao, mất mát quan trọng có thể làm cho con
người cuồng loạn tâm trí. Thí dụ như khi bị phá sản, cơ nghiệp suy
sụp, gia đình tan nát, thân bại danh liệt, thường đưa đến cảnh
quyên sinh mạng sống, bởi vì con người không còn chịu đựng
được nữa.
Đạo Phật chính là đạo cứu khổ nhân loại. Cho nên,
chính trong những trường hợp này, con người cần áp dụng, phát huy
sự học hiểu giáo lý của đạo Phật, để tinh thần dũng kiệt và
cố gắng giữ tâm trí bình thản, không để quá chao động. Trong lúc
vật lộn với đời sống, tất cả mọi người ai ai cũng đều phải
gặp những lúc thăng, lúc trầm. Cho nên con người phải sẵn sàng
chấp nhận, sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng đối phó, nhứt là khi
sống trong nghịch cảnh. Chúng ta có niềm tin nơi Đức Phật, nên cố
gắng tìm hiểu Phật Pháp, đó là những lời dạy vô cùng quí báu
được ghi trong các kinh điển, để có thể áp dụng trong cuộc sống
hằng ngày và chịu đựng được bát phong đến bất cứ lúc nào,
dưới bất cứ hình thức nào. Được như vậy, nỗi thất vọng,
niềm đau thương sẽ giảm thiểu rất nhiều.
Mười điều tâm niệm, trong Luận Bảo Vương Tam Muội,
có dạy: "Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn
nạn thì kiêu xa nổi dậy. Hãy lấy hoạn nạn làm giải thoát".
Tại sao vậy? Bởi vì van xin cầu khẩn thực sự có
được gì đâu. Con người kiếp trước tạo ít phước báo, gây
nhiều nghiệp báo, cho nên cuộc sống kiếp này mới gặp nhiều tai
nạn, bất trắc, bất như ý. Muốn cuộc sống bớt tai nạn, vui nhiều
hơn khổ, con người cần tích cực tu tâm dưỡng tánh, làm phước
nhiều hơn, đừng làm người khác đau khổ, dù bằng hành động,
lời nói hay ngay cả trong ý nghĩ cũng vậy. Người nào sống ở
trên đời không gặp hoạn nạn, làm việc gì cũng thành công dễ
dàng, thường sanh tâm kiêu căng, ngạo mạn, phách lối, tiêu xài xa
xỉ, khinh thường thế nhân, nghi kỵ mọi người, khiến mọi người xa
lánh, không ai muốn gần gũi. Khi gặp hoạn nạn, con người thường
không còn tâm kiêu căng, vì kiêu căng thì gặp nạn, không còn xa
hoa phung phí, tâm không còn duyên theo cảnh trần, không còn dễ nổi
lòng tham lam, không còn dễ sân hận, không còn si mê lầm lạc, bởi
vì tham lam thì dễ gặp nạn, sân hận thì dễ gặp nạn, si mê thì dễ
gặp nạn! Nói cách khác, hoạn nạn giúp cho con người sớm giải
thoát khỏi những trói buộc, triền phược của tham lam, sân hận, si
mê, ngã mạn, nghi kỵ đó vậy.
Khi mất một vật gì, dù quí giá hay nhỏ mọn, nhưng là
vật thường dùng hằng ngày, tức nhiên chúng ta cũng sẽ cảm thấy
bực bực trong lòng. Chính cái buồn bực đó làm cho tâm trí chúng
ta xao xuyến, dao động, bất an, chứ không giúp tìm lại được vật
đã mất. Chúng ta có thể tự an ủi: Đây chỉ là một sự mất mát
nhỏ nhen, không đáng quan tâm. Nhiều người trên đời còn mất
nhiều thứ to tát, lớn lao hơn nhiều. Cái sự mất mát lớn lao
nhứt, hầu hết mọi người đều sợ, đó chính là: "mất
mạng!", nghĩa là mất cái mạng sống của chính mình. Con người
thường quan niệm lấy của che thân, có mất mát vật gì cũng
thường tự an ủi: cái mạng này còn là tốt rồi, là có phước
rồi, còn người thì còn làm ra của, lo gì! Chỉ có ít người chịu
chết thay cho của cải mà thôi. Đạo Phật chính là đạo giúp chúng
ta bớt đi sự sợ hãi, giúp chúng ta dứt trừ những ưu tư, lo
lắng trên đây, giúp chúng ta đạt được sự bình tĩnh, thản
nhiên, tự tại, điềm đạm, trước mọi bát phong.
Chúng ta nên quán chiếu rằng: Ngay cái thân tứ đại
của chúng ta nhứt định cũng có ngày phải bị mất đi, tan rã và
trở về với cát bụi, huống gì là bất cứ vật gì khác có hình
tướng, trên thế gian này. Bất cứ vật gì trên thế gian này cũng
đều trải qua các giai đoạn: "sinh, trụ, dị, diệt". Nghĩa là
mọi vật sinh ra, hình thành, tồn tại trụ thế một thời gian nào
đó, rồi cũng biến dị, hư hỏng, cho đến khi hoàn toàn bị hủy diệt.
Hiểu được "lý vô thường" do Đức Phật dạy một cách
sâu sắc như vậy, chúng ta sẽ giảm bớt nhiều phiền não và khổ
đau trong cuộc đời và có thể giữ tâm trí được bình thản
trước những sự mất mát trên thế gian, dù lớn hay nhỏ, dù là
vật chất hay tinh thần, dù là tiền bạc hay người thân. Ngoài ra,
giáo lý đạo Phật còn giúp chúng ta tìm được "con người
chân thật" của chính mình, ngoài cái thân giả tạm này.
Trong gia đình, nếu người vợ có lỡ tay đập bể
một món đồ nào đó, dù cho quan trọng và quí giá đến đâu đi
nữa, đức phu quân cũng không nên nặng lời vì tiếc của, làm cho
gia đạo bất an, huống gì những chuyện lặt vặt nhỏ mọn khác.
Được như vậy, những cặp vợ chồng này khỏi cần phải đi coi bói
xem chừng nào hết tiểu hạn, hết đại hạn, chừng nào tai qua nạn
khỏi, chừng nào mới được bình yên. An lạc và hạnh phúc ở ngay
trong gia đạo của họ rồi, khỏi phải tìm kiếm nhọc công, mệt sức.
Thực ra đại hạn hay tiểu hạn là tùy ở mình hết trơn, bao lâu
mình còn lầu bầu tiếc của thì bấy lâu mình còn phải xức dầu cù
là cho bớt nhức đầu, cho đỡ đau bụng. Cũng vậy, khi ông chồng
có thất bại trong công việc hùn hạp làm ăn, thua lỗ, thậm chí có
đứt vốn, vỡ nợ đi chăng nữa, vị hiền thê cũng không nên
nặng lời vì tiếc của, không nên đay nghiến, phải chi ông để tiền
cho tôi mua hột xoàn, mua cẩm thạch đeo, vừa chưng diện được đẹp
đẽ, vừa để dành làm của sau này. Được như vậy, gia đạo sẽ
bình yên, cuộc sống được an lạc và hạnh phúc chắc chắn, không
nghi.
Ai ai cũng hiểu rằng dù có than trời trách đất, la
lối om sòm chăng nữa thì cũng không có cách nào bù lại những
sự mất mát vật chất cũng như tinh thần. Chuyện gì đã qua hãy để
cho nó qua đi, đừng nhắc tới, đừng than van, đừng suy tư nghĩ
tưởng.
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy: "Quá khứ
tâm bất khả đắc".
Nghĩa là tâm nhớ nghĩ đến chuyện đã qua, tiếc nuối
chuyện quá khứ chẳng được ích lợi gì cả, chính là nghĩa đó
vậy. Có lần, Đức Phật và các môn đệ an cư kiết hạ trong một
làng nọ. Những người có trách nhiệm lo chuyện lương thực hoàn
toàn lãng quên bổn phận. Suốt trọn thời gian ba tháng hạ, Đức
Phật và chư tăng vẫn bình thản dùng những thức ăn do một người
lái ngựa mang đến dâng, không một lời than van hay phiền trách. Trong
mọi hoàn cảnh, dù trái ngang như vậy, Đức Phật luôn luôn sống
trong chánh định, tâm trí luôn luôn bình tĩnh, thản nhiên trước bát
phong của cuộc đời.
Một câu chuyện khác: Vào thời Đức Phật, có một
nữ thí chủ thường đến chùa chăm lo các nhu cầu cần thiết, tứ
sự cúng dường. Một hôm, bà mặc một cái áo choàng rất quí giá
đến chùa. Lúc ra về, người tỳ nữ vô ý, bỏ quên cái áo đó
lại. Về đến nhà, bà bảo người tỳ nữ quay trở lại tìm. Sau
đó, bà quyết định bán cái áo này để làm việc phước thiện.
Vì cái áo choàng rất đắt giá, không ai có đủ tiền mua, nên chính
bà mua lại và dùng số tiền ấy xây dựng một ngôi tịnh xá đẹp
đẽ, dâng đến chư tăng. Sau khi làm lễ dâng cúng xong, bà ngỏ lời
tri ân người tỳ nữ như sau: "Nếu con không lỡ bỏ quên cái
áo choàng, chắc ta không có cơ hội tạo nên phước báu này. Như
vậy ta xin chia phước này cho con". Thay vì buồn rầu hay phiền giận
vì mất một vật quí giá, và la rầy người tỳ nữ vô ý, bà cám
ơn người ấy đã giúp cho bà có cơ hội tạo phước. Thái độ
đáng kính của người thiếu phụ này quả là một bài học xứng
đáng cho những ai dễ nóng giận vì lỗi lầm của người giúp việc
dưới quyền. Chúng ta phải dũng cảm chấp nhận, chịu đựng đương
đầu với những lỗ lã, thua thiệt, phải điềm tĩnh đối phó, với
tâm xả hoàn toàn. Chúng ta nên nghĩ rằng: đây chính là cơ hội
ngàn vàng để thực hành đức tánh cao thượng nầy.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
- Thắng lợi sinh thù oán.
- Thất bại chịu khổ đau.
- Không quan tâm thắng bại.
- Sống an lạc hạnh phúc.
Hơn nữa, điều quan trọng trong đạo Phật chính là
"giáo lý vô ngã", dạy rằng không có cái gì thực là
"Ta", cho nên không có cái gì thực là "của Ta". Đó
chính là triết lý cao thượng vô cùng mà chúng ta cần phải nghiên
cứu, tìm hiểu, học hỏi, suy tư cho thấu đáo, để khi gặp chuyện
thịnh suy, được thua, lợi hại, thắng bại, nên hư, trên thế gian
này, chúng ta vẫn giữ được tâm trí bình thản.
* *
2) hủy và dự: Nghĩa là hủy báng, khinh chê và danh
dự, tiếng tốt, cũng còn gọi là danh thơm và tiếng xấu. Hủy và
dự là hai ngọn gió, là một cặp thăng trầm khác mà người đời
phải thường xuyên đối phó hằng ngày. Thói thường người đời
hoan hỷ, vui vẻ đón mừng tiếng tốt, danh thơm. Còn tiếng xấu, phỉ
báng, khinh chê, tức nhiên con người không thích. Danh thơm làm cho con
người phấn khởi, khích lệ tinh thần. Tiếng xấu làm cho con người
bực bội, bất an.
Thực ra, con người không cần phải chạy theo danh thơm,
tiếng tốt. Nếu xứng đáng, con người sẽ có danh thơm tiếng tốt,
không cần phải tìm. Sách có câu: "Hữu xạ tự nhiên
hương". Nghĩa là một loài hoa có mùi thơm, có hương sắc, thì
tự nhiên mọi người đều biết. Một người thực tốt, khỏi cần
khoe tốt, ai ai cũng cảm nhận được. Mọi người thường cảm thấy
an lạc, bình yên khi sống bên cạnh một vị thánh hiền. Một vị chân
tu thực học, đức hạnh cao cả, thường được ví như một cây to
có bóng mát che rợp, cho mọi người có nơi nương tựa, tránh ánh
nắng như thiêu đốt, tượng trưng cho những phiền não và khổ đau
của thế gian. Còn như "chuột xạ tự nhiên hôi", không nghi,
khỏi bàn.
Có người khi làm việc thiện nhưng thường có ẩn ý
vụ lợi nào đó. Chẳng hạn như có người cúng chùa hằng bao
nhiêu tiền, bao nhiêu lượng vàng để cầu phước, nhưng đếm từng
chén cơm người giúp việc ăn mỗi ngày. Có người vô chùa nấu
cơm, nấu nước, rửa chén, quét sân, tưới cây, nhổ cỏ, làm đủ
mọi chuyện, vì nghĩ làm việc chùa có phước, còn ở nhà chẳng
động móng tay, chỉ sai người khác làm! Bất cứ người nào đã
làm được một việc thiện, cũng đều đáng được tán dương, có
còn hơn không! Chúng ta tức nhiên cảm nhận vui sướng, hạnh phúc
vô cùng, khi thanh danh bay xa, lan rộng. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận
định rằng danh thơm, tiếng tốt, danh vọng, vinh quang, chỉ đi theo con
người đến nấm mồ là cùng. Rồi nó cũng tan biến thành mây, ra
khói. Tất cả cũng chỉ là những ngôn từ lời nói, dù là kim
ngôn, là ngân từ, là mỹ ngữ, có thể làm êm dịu đôi tai con
người trong một thời gian ngắn mà thôi.
Còn tiếng xấu thì sao? Dĩ nhiên, con người không thích
nghe, không thích bàn, không thích nghĩ đến. Khi những lời nói xấu
lọt vào tai chúng ta sẽ làm cho tâm trí bàng hoàng, khó chịu. Nỗi
đau khổ trong tâm trí càng sâu đậm hơn nữa, nếu những lời
tường thuật hay báo cáo ấy tỏ ra bất công, hay hoàn toàn sai lạc.
Thường phải mất một thời gian khá lâu để kiến tạo, xây dựng
một công trình vật chất hay tinh thần nào đó. Nhưng, chỉ trong nháy
mắt con người có thể tàn phá mọi thứ một cách dễ dàng. Lắm
khi con người phải mất nhiều năm hay trọn cả một kiếp sống để
gầy dựng thanh danh. Bao nhiêu công lao khó nhọc ấy có thể tàn rụi
trong khoảnh khắc. Người đời trên thế gian thường có thói quen
"vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết", luôn luôn muốn chỉ
bày khuyết điểm và lỗi lầm của người khác. Bao nhiêu tánh tốt
của người khác thì giấu nhẹm, hoặc lờ đi, không bao giờ muốn
nhắc tới.
Mười điều tâm niệm, trong Luận Bảo Vương Tam Muội,
có dạy: "Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân
ngã chưa xả. Hãy lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh".
Tại sao vậy? Bởi vì con người kiếp trước tạo ít
phước báo, gây nhiều nghiệp báo, cho nên kiếp này mới gặp nhiều
điều oan ức. Còn thấy có "mình" bị oan ức, tức là chưa
thông suốt "giáo lý vô ngã". Còn thấy "có người hại
mình" là còn đau khổ, không làm nên chuyện gì cả. Muốn cuộc
sống bớt những oan ức trái ngang, con người cần tích cực tu tâm
dưỡng tánh, làm phước nhiều hơn, cố tránh đừng gieo tiếng oán,
đừng loan truyền tin đồn, đừng vu oan giá họa, đừng làm đau khổ
cho người khác, dù cho đó là kẻ thù của mình, kẻ đã hại mình,
kẻ mình không ưa cũng vậy. Tại sao vậy? Bởi vì nếu mình ra tay trả
thù, trả đũa, tìm cách hại những kẻ đó, thì mình với họ có
khác gì nhau đâu?
Mỗi khi bị hiểu lầm hoặc bị người ta truyền rao một
cách bất công, dù vô tình hay cố ý, chúng ta nên bình thản, sáng
suốt suy nghĩ: May quá, họ không quen mình nhiều, chỉ biết sơ sài, cho
nên chỉ nói xấu có bấy nhiêu thôi. Nếu họ biết nhiều hơn, chắc
mình còn bị chỉ trích nhiều hơn nữa! Khi bị phê bình là mất uy tín
quá, chúng ta có thể quán chiếu rằng: mình thực không có uy tín
để mà mất! Tốt hơn hết, chúng ta không cần trả lời những câu
nói vô nghĩa, chỉ có tính cách chọc tức người khác mà thôi.
Trong Pháp Tứ Y, Đức Phật có dạy: "Y nghĩa bất y
ngữ".
Nghĩa là chúng ta không nên bận tâm với những lời
nói, những câu văn không có ý nghĩa gì cả. Thí dụ như có
người nói chúng ta ngu như con bò, nếu chúng ta nổi giận, thì quả
là chúng ta ngu thực rồi, còn gì nói nữa. Các câu nói vô nghĩa
tương tự khó có thể làm động tâm những người thấu hiểu đạo
lý.
Chúng ta không cần phung phí thì giờ vô ích để đính
chính những lời đồn đãi sai lạc, nếu hoàn cảnh không bắt buộc
phải làm sáng tỏ vấn đề. Kẻ thù nghịch sẽ lấy làm thỏa thích
khi thấy chúng ta bực bội vì lời nói của họ. Đó chính là điều
mà họ mong muốn. Nếu chúng ta bình tĩnh, thản nhiên, như không có
chuyện gì xảy ra, thì những lời vu oan đó sẽ tan biến vào quên
lãng. Chúng ta chỉ nên dành thì giờ tập trung lo chuyện tu tâm
dưỡng tánh cho đến khi được giác ngộ và giải thoát mà thôi.
Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy:
- Không nên quan tâm chuyện thế gian.
- Không nên loan truyền các tin đồn.
Tây phương dịch như sau:
"You should not concern yourselves with worldly affairs, nor yet
circulate rumours". Tại sao vậy? Bởi vì các chuyện thế gian thường
là những chuyện nhơn ngã, thị phi, phải quấy, đúng sai, tranh chấp
hơn thua, còn các loại tin đồn thường là vô căn cứ, không xác
thực, khó kiểm chứng được, chỉ làm hại thanh danh người khác,
tất cả đều làm cho tâm trí chính mình bất an, dao động mà thôi,
chẳng ích lợi gì.
Mười điều tâm niệm, trong Luận Bảo Vương Tam Muội,
có dạy: "Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma
chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.
Hãy lấy ma quân làm bạn đạo".
Ma chướng ở đây có nghĩa là những lời khen tiếng
chê, là danh thơm hay tiếng xấu. Nếu chúng ta có thể coi những
người khen chê như những người giúp đỡ chúng ta trên bước
đường tu tập, rèn luyện tâm tánh, thì chính họ là bạn đạo, là
thiện hữu tri thức, là bồ tát nghịch hạnh, là giám khảo trên
đường đạo của chúng ta vậy. Thông suốt được như vậy, chí
nguyện của chúng ta mới kiên cường, không thoái chuyển, khi gặp
lời khen hay tiếng chê, danh thơm hay tiếng xấu, và tâm trí của chúng
ta mới không bị dao động.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
Không nên nhìn lỗi người. Không nên quan tâm người
có làm hay không làm. Nên tự nhìn thân mình, có làm hay không
làm.
Đối với lỗi lầm của người khác, chúng ta phải
làm như người mù, không thấy gì cả, không biết gì cả, để khỏi
bực mình, để khỏi bận tâm. Đối với lời chỉ trích người khác,
chúng ta phải làm như người điếc, không nghe, không tin, không rao
truyền. Đối với chuyện nói xấu người khác, chúng ta phải làm
như người câm, không tham dự, không bàn cãi, không thêm bớt.
Không ai có thể ngăn cản những lời buộc tội, những lời tường
thuật hay đồn đãi sai lầm do những người cố ý hay ác ý. Thế
gian này đầy chông gai và đá nhọn. Nhưng nếu bắt buộc phải đi
trên đó, không thể nào tránh né, hơn nữa chúng ta không thể
dời gai và dẹp đá được, thì tốt hơn hết, chúng ta nên mang một
đôi giày thực chắc và thận trọng đi từng bước. Như vậy chúng
ta sẽ được an toàn. Đôi giày thực chắc đó được kết bằng
những lời dạy của Đức Phật cùng chư vị Tổ Sư truyền lại.
Chúng ta nên biết rằng:
- "Nếu chấp nhận trở ngại thì sẽ được thông suốt.
- Nếu mong cầu thông suốt thì sẽ thấy trở ngại".
Giáo pháp của nhà Phật dạy chúng ta:
- "Hãy như con sư tử, không run sợ trước tiếng động.
- Hãy vững bước một mình như con tê giác.
- Hãy như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới.
- Hãy như hải đảo sừng sững trước mọi phong ba bão táp.
- Hãy như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục mọc lên, nhưng không bị
nước đục và bùn nhơ làm ô nhiễm".
Là chúa sơn lâm, sư tử không sợ hãi run rẩy, hay
giựt mình khi nghe tiếng kêu của các loài thú khác. Trong kinh sách
thường ví lời thuyết pháp của Đức Phật, có công năng dẹp tan
mọi si mê lầm lạc vô minh của chúng sanh, làm khiếp sợ ma quân,
như tiếng rống của chúa sơn lâm trong cõi rừng sâu, giữa muôn
thú. Trên thế gian này, mọi người có thể nghe thuật lại những
chuyện trái tai bất lợi, những lời buộc tội giả dối, những
tiếng vu oan phỉ báng, từ miệng lằn lưỡi mối, thực ra không đáng
bận tâm, không cần để ý đến. Sách có câu: Mặc cho chó sủa,
đoàn lữ hành cứ tiến bước.
Nhiều đóa sen đã từ bùn nhơ nước đục vượt
lên, tô điểm cuộc đời, mà không bị nước đục và bùn nhơ làm
hoen ố. Chúng ta đang sống trong cảnh bùn dơ nước đục, hãy như hoa
sen, cố gắng sống một đời trong sạch và cao quí, không màng để ý
đến bùn dơ mà người khác có thể ném vào chúng ta. Chúng ta
không mong đợi nhưng hãy sẵn sàng đón nhận bùn dơ mà người
khác có thể ném vào mình, thay vì mong đợi những đóa hoa hồng mà
người ta có thể đem tặng. Như vậy chúng ta sẽ không ngỡ ngàng,
không thất vọng, bởi vì chúng ta không muốn tranh chấp hơn thua.