- Hàn Sơn - Thập
Đắc - Phong Can
- Thông Tánh (dịch)
Không ai biết tên họ quê quán của Hàn Sơn Tử là gì, ở
đâu. Ông ẩn cư trong Hàn Nham ở huyện Đường Hưng, Thai Châu, vì vậy phụ
lão trong huyện gọi ông là Hàn Sơn Tử. Người ông gầy ốm, thích đội
mũ bằng vỏ cây Hoa, đi guốc gỗ, mặc áo lông, quấn tua dải trông như gã
điên, thường cười hát nghêu ngao. Ông ở gần chùa Quốc Thanh, núi Thiên
Thai. Trong chùa có vị tăng Phong Can đốn củi, gánh nước, giã gạo để
chúng tăng dùng, thường rong chơi với Hàn Sơn Tử.
Hồi trước Phong Can đi ngang Xích Thành, nghe tiếng con nít
khóc ở trong bụi cỏ, ông đến xem, thấy đứa bé chừng hơn 10 tuổi, hỏi
nó ở đâu thì nó chẳng nói gì, trong lòng lấy làm lạ, ông bèn dẫn đứa
bé về chùa sai nó quét dọn. Do nhặt được ngoài đồng, nên ông đặt tên
thằng bé là Thập Đắc. Lớn lên Thập Đắc tu khổ hạnh đầu-đà, phong
cách lanh lợi xuất chúng. Phong Can, Hàn Sơn rất khâm phục ông, thường cùng
ông ngao du. Ba người rất tương đắc. Tăng chúng trong chùa lấy làm lạ,
ai nấy đều nghi nghi trong lòng mà chẳng biết vì sao.
Hàng ngày Thập Đắc rửa chén bát, ông nhặt cơm thừa cho
vào ống trúc để dành cho Hàn Sơn ăn. Hai người đều có tài làm thơ. Có
lúc dạo chơi trong thôn xóm gặp việc cảm hứng, họ liền làm thơ để bày
tỏ ý mình. Có lúc khắc thơ trên đá, có lúc viết trên lá cây, có lúc họ
ngồi trong quán rượu, nói năng trông rất thanh cao thoát tục. Dù là những
kẻ phong lưu ngày xưa cũng chưa có ai giống như họ. Có lần Hàn Sơn tự
thuật :
- Vốn chẳng phải ẩn sĩ
- Tự xưng người núi rừng
- Trong tối tăm sáng rỡ
- Chỉ thích buộc áo khăn.
- Đạo sạch như Sào, Hứa
- Thẹn làm tôi Thuấn, Nghiêu
- Khỉ vượn đội áo mão
- Chẳng học tránh phong trần.
Hoặc như :
- Muốn được nơi an ổn
- Hàn Sơn trụ mãi thôi
- Gió nhẹ lay tùng rậm
- Càng gần tiếng càng hay
- Dưới có người loang lỗ,
- Đọc thầm kinh Hoàng Lão.
- Mười năm về chẳng được,
- Quên mất cả cội nguồn
Hay là :
- Có thân cùng không thân,
- Là ngã là phi ngã
- Quán xét kỹ như thế,
- Dựa vách đá ngồi mãi
- Dưới chân cỏ mọc xanh,
- Trên đầu bụi trần bám
- Để thấy người thế gian
- Linh sàng bày rượu quả.
Hoặc như :
- Nhà ngọc treo rèm châu,
- Trong có gái thuyền quyên
- Nhan sắc hơn thần tiên,
- Nghi dung như đào lý
- Nhà đông sương xuân đọng,
- Nhà tây gió thu qua
- Đủ ba mươi năm nữa,
- Ngon ngọt như cam giá.
- Những câu như vậy nhiều vô kể.
Một lần Thập Đắc chắp tay cúng, đến lúc ăn thì ngồi
đối diện Phật mà ăn. Có lần ông đối trước tượng Kiều Trần Như mắng
: "Đồ tiểu căn bại chủng, đứng đây làm gì ?" Tăng chúng trong
chùa lấy làm lạ, chẳng sai ông cúng nữa.
Một hôm, ông thấy cơm cháo trước tượng thần Già-lam cứ
bị chim cú đến ăn phá, Thập Đắc đánh tượng Thần mà mắng :
"Ông ăn được mà không giữ được làm sao hộ trì Già-lam ?"
Đêm ấy thần Già-lam báo mộng cho Tăng chúng trong chùa,
nói : "Thập Đắc đánh tôi". Đến sáng ai nấy trong chùa cũng đều
nói mình thấy Thần nói như vậy. Bấy giờ Tăng chúng mới thất kinh. Lúc
này Phong Can đã hạ sơn xuất du.
Cuối năm Trinh Nguyên, Lư Khâu được bổ nhiệm làm Tuần
thú Thai Châu. Vừa mới đến, ông bỗng bị bịnh đầu phong, danh y đều bó
tay. Tình cờ Phong Can đến phủ ông, tự nói mình chữa được bệnh này.
Lư Khâu nghe liền cho Phong Can triệu kiến. Can sai đem nước đến rồi rảy
trên đầu ông. Lát sau bệnh của Lư Khâu hết hẳn. Từ đó, Khâu rất
kính trọng Phong Can. Khâu hỏi ông :
- Ông từ đâu đến ?
Phong Can đáp :
- Chùa Quốc Thanh ở Thiên Thai
- Ở đó có hiền tài không ?
- Có, nhưng không thể dùng danh lợi
thế gian thỉnh cầu họ được. Hàn Sơn, Thập Đắc là Văn-thù, Phổ Hiền
hóa thân. Hai ông ấy đang trà trộn trong chùa Quốc Thanh, nếu ông muốn
phong quan cho họ thì đến đó ngay, chớ chậm trễ.
Lư Khâu về Nam hành sự không lâu liền vào chùa tìm tin tức
của Phong Can. Ông chỉ thấy mái tranh tiêu điều, hổ nằm cạnh thất.
Ông vào chùa xin yết kiến hai vị Đại sĩ, tăng chúng trong chùa dẫn ông
ra sau nhà bếp, Lư Khâu bái yết Hàn Sơn, Thập Đắc, hai người đứng dậy
nói :
- Niệm mãi Di-đà mà chẳng biết,
thì lạy ta làm gì !
Nói rồi hai ông quay về Hàn Nham.
Hôm sau Lư Khâu sai sứ đem lễ vật đến, Hàn Sơn thấy sứ
đến, mắng "giặc ! giặc !" rồi trốn vào trong núi. Thập Đắc
cũng biệt tăm, về sau không ai biết họ mất ở đâu, lúc nào.
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/to-20-HanSon.htm