Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Thiền và thơ Đường Tống
(Trích Thiền Môn Khai Ngộ Thi)
Đỗ Tùng Bách
Thích Thông Thiền dịch

Triều Đường là thời đại hoàng kim của thiền, đến đời Tống vẫn còn phát triển rộng rãi. Triều Đường cũng là thời hoàng kim của thơ, đến đời Tống vẫn còn kế thừa chuyển biến và hưng thịnh. Thiền là tôn giáo, thơ là văn học, mỗi cái có một lãnh vực riêng, nhưng cuối cùng thì ngoài chỗ khác biệt nhau, chúng lại chảy chung một dòng như nước với sữa hòa hợp, thật ra có nguyên nhân và quá trình diễn tiến như sau :

1. Lược sử Thiền Tông

Tương truyền : Đức Phật Thích-ca trên hội Linh Sơn giơ cành hoa dạy chúng. Cả hội chúng đều im lặng, chỉ có ngài Đại C a-diếp rạng mặt mỉm cười. Đức Phật nói : "Ta có kho tàng trí tuệ là diệu tâm thanh tịnh; thể của nó thì vô tướng, dụng của nó thì vi diệu. Nay ta giao phó cho ngươi, ngươi nên khéo gìn giữ, chớ để mất mát". Đây chính là khởi nguyên truyền tâm của Thiền Tông. Sau đó Tổ Tổ truyền nhau, đến đời ngài Đạt-ma là truyền pháp. Sự truyền thừa trải qua các vị : Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, rồi truyền đến Lục tổ Huệ Năng, từ đây tông phong phát triển, truyền bá khắp nơi. Sau đó lập ra 5 tông : Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Qui Ngưỡng, Pháp Nhãn. Đến cuối đời Tống, tông Lâm Tế lại phân ra 2 phái : Hoàng Long và Dương Kỳ, bao phen giữ lấy địa vị đứng đầu các tông, trở thành dòng chính của Phật giáo Trung Quốc, gọi giáo pháp là Giáo hạ, Thiền tông là Tông môn.

2. Sự khác biệt giữa thiền và thơ

Thiền và thơ chẳng những không có sự liên hệ đồng dòng chung nhánh mà còn khác nhau rất nhiều. Theo chỗ phát sinh của thơ mà nói, khi Thiền Tông chưa xuất hiện thì thơ đã thịnh hành. Xét về phạm vi thì Thiền thuộc tôn giáo còn thơ là văn học. Xét về nội dung thì chỗ mà Thiền nhắm đến là chứng ngộ Chân như pháp tánh, trình bày và phát huy sự lý; còn thơ dùng để bày tỏ tánh tình con người, biểu đạt sự hứng khởi của sự vật. Xét về tác dụng thì mục đích của Thiền là thành Phật làm Tổ, tự độ độ người; còn thơ làm cho vui vẻ tánh tình, bổ ích cho nhân tâm thế đạo. Xét về cảm thụ thì Thiền chỉ có thể tự tri, chẳng thể nói với người, như câu "Thiếu niên nhất đoạn phong lưu sự, chỉ hứa giai nhân độc tự tri" (Cái chuyện phong lưu thời trai trẻ, chỉ có giai nhân mới hiểu chàng), còn thi nhân không chỉ dùng tiêu khiển mà còn để dạy người, cảm hóa người; chỗ khác nhau là như vậy.

3. Khả năng dung hợp giữa thiền và thơ

Thơ vốn nói về tình mà cũng có thể tải đạo. Thiền tuy thuộc tôn giáo nhưng chỗ tham cứu lại là vấn đề thuộc triết học, như : Tự tánh, Đại toàn, Bản thể, là phần hình nhi thượng của đạo; còn thơ vốn đối đãi với hình nhi thượng mà cho là hiển dương. Như ĐÀM NGHỆ LỤC ghi :

"Chẳng nói lý vu vơ, mà thuật lại trạng thái sự vật để sáng tỏ lý. Chẳng nói đạo suông mà tả phương tiện tải đạo. Nêu lên phần Hình nhi hạ để làm sáng tỏ phần Hình nhi thượng, khiến cho từ chỗ mênh mông không hình tượng, mượn vật để khởi hứng, từ chỗ lờ mờ không có ta, lần theo dấu vết mà thấy được".

Cho nên trong bài "Cấu thi", Vương Duy viết : "Đi đến nơi xa xôi hẻo lánh, ngồi xem lúc mây đùn lên", nghĩa là tùy theo cảnh ngộ đều là đạo, đạo không nơi nào mà chẳng có, hễ chạm đến đều có thể ngộ, vì thế ở nơi bản chất của thơ có thể hàm chứa đạo lý, nhất là "Tự tánh", "Đại toàn" mà Thiền Tông tham cứu, về mặt nhận thức luận, cố nhiên là do suy nghĩ mà có và cuối cùng đến chỗ "đường tâm dứt tuyệt" – tứvượt qua cảnh giới của suy nghĩ và hiểu biết mà âm thầm khế hội chân lý. Ở tình huống "đường tâm dứt tuyệt" này, lúc đó Thiền sư muốn đem những gì có thể cảm giác để tỏ bày cái chẳng thể cảm giác, chẳng thể nghĩ bàn, ngoài việc nhướng mày, giơ tay, các ngài sử dụng thi ca làm phương thức biểu hiện tốt nhất, đặc biệt là ứng dụng thể thơ tỷ hứng rất nhiều. Vì xét về phần mà thơ muốn biểu đạt thì, "điều nói ra được thì có hạn mà ý lại vô cùng", có thể không trái với "Tự tánh", "Đại toàn"; xét về thơ có phần tỉnh lược mà chưa biểu đạt thì "bất trước nhất tự tận đắc phong lưu" (một chữ chẳng câu nệ mới tỏ hết tài năng) có thể không đụng đến "Tự tánh", "Đại toàn", chẳng phủ nhận chẳng xác nhận, nói mà không nói, cảnh thiền ý thơ dung hợp cả hai, như ở chương "Tân Tri Ngôn Luận Thi" trong sách TRINH NGUYÊN LỤC THƯ có ghi :

Nói đến thơ đạo ắt có chỗ biểu hiện, ý tứ của thơ, chẳng dừng ở những điều thơ nói. Điều mà thơ muốn mọi người lãnh hội được chẳng phải là điều thơ nói mà là những điều thơ chưa nói ra, đây gọi là "Siêu dĩ tượng ngoại" (Vượt ra ngoài sự vật). (Thi phẩm ).

Xét về những điều chưa nói thì đây là "Lời nói có hạn mà ý lại vô cùng" (Thương Lãng Thi Thoại), nói đến thơ đạo, chẳng những khiến mọi người cảm nhận điều đã biểu hiện, mà còn là ý nghĩa được cá quên nơm, được ý quên lời mà thôi.

Đoạn văn này, trên căn bản giải thích về nguyên nhân dung hợp giữa đạo và thơ. Nhà thiền còn cho rằng "Gom góp tất cả lời nói làm thành một câu, vò cả đại thiên thế giới trở thành một hạt bụi" để dung hợp đạo và thơ một cách đầy đủ, vì vậy mà thơ và thiền dung hợp nhau.

4. Quá trình dung hợp giữa Thiền và thơ

Sự dung hợp giữa Thiền và thơ, đầu tiên là nhà thiền dẫn thơ ngụ thiền "Thân tợ Bồ-đề thọ" của Thần Tú và "Bồ-đề bổn vô thọ" của Huệ Năng được truyền bá rộng rãi trong thiên hạ, gây nên biết bao sóng gió.

Nhân vì chủ trương "Bất lập văn tự" của Thiền tông, một là chẳng thể nói, hai là chẳng dám nói, vì lẽ sau khi ngộ, thấu suốt tự tánh, khế hợp bản thể ngoài nó không gì lớn bằng, trong nó không gì nhỏ bằng, nói giống như một vật thì chẳng đúng cho nên chẳng thể nói. Nếu muốn nói về nó thì trí lự sinh, vọng niệm khởi, sanh ra thế đối lập chủ khách năng sở, do đó trên hội Linh Sơn khi được hỏi thế nào là cảnh giới chí thượng ? Thế Tôn chỉ đáp : Chẳng thể nói, chẳng thể nói, chỉ giơ hoa mỉm cười mà thôi ! Vì sao chẳng dám nói ? Bởi bản thể vốn không thể mô tả, nếu gượng nói thì tâm niệm vọng động, tâm phân biệt khởi, dễ mất đi cảnh giới sở ngộ, có người cho rằng sau khi ngộ cũng nguy hiểm như lúc mê ? "Gương vỡ chẳng phản chiếu được hình, hoa rụng khó còn ở trên cành". Nhưng vì để độ người, đôi khi không thể không nói, liền dùng điệu múa, lời thơ để nói ra đây, là nói mà không nói, không nói mà nói, "Lời nói đầy tai thiên hạ nhưng không có miệng để nói".

Kế đó là nhà thơ đem Thiền vào trong thi ca, bởi các văn sĩ thi nhân đời Đường Tống tham thiền thành phong trào, lấy nó làm sở đắc sở tri, đưa nó vào trong thơ. Thi nhân đời Đường Tống phần lớn hay viết về chỗ áo diệu của thiền cảnh, chỗ thích thú về thiền lý. Được sự trợ giúp của Thiền, nhà thơ có cái nhìn sâu rộng về nội dung của thơ, đề cao ý cảnh của thơ, làm tăng thêm phương pháp biểu hiện trong thơ. Vương Duy là một trong những trường hợp nổi bật hơn cả. Sau đó người ta dẫn dụng thiền lý để nói về thi lý, như THI THỨC của Giảo Nhiên, THI PHẨM của Tư Không Đồ cùng với THƯƠNG LÃNG THI THOẠI đều chung nhận định : "Con Linh dương treo sừng không để lộ dấu vết cho nên chỗ khéo của nó biến đổi vô cùng, không thể nắm bắt được, như âm thanh trong hư không, như vẻ đẹp ở trong tướng mạo, như trăng trong nước, như bóng trong gương", đều là mượn thiền lý để dụ thi lý, đem thiền học để luận về thi học.

Tóm lại, vào thời cực thịnh của thơ, thiền nhân dùng thơ tả thiền; sau khi Thiền phong hưng thịnh, thi gia mới đem thiền vào thơ, dung hợp thiền lý với thi luận ánh sáng .

http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/to-22-DuongTong.htm

 


Cập nhật: 25-9-2000

Trở về mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang