- Hình ảnh thi ca trong THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT
- của VIÊN CHIẾU THIỀN SƯ
- Thích Nguyên Hiền
Sơ lược tác giả và
tác phẩm
Trong số các Thiền sư nổi tiếng của Thiền phái Vô Ngôn
Thông ở Việt Nam, Thiền sư Viên Chiếu (998-1090) có thể được xem như nhân
vật tài hoa bậc nhất. Tất cả những tác phẩm Sư để lại như kết
tinh hết những kỳ hoa dị thảo về khoe sắc giữa vườn văn học Thiền
Việt Nam. Và đúng như sứ mệnh của thi ca, thực tại đã được hiển bày
thơ mộng qua khung trời nghệ thuật đầy hoa bướm của Viên Chiếu Thiền
sư.
Viên Chiếu họ Mai, tên Trực, quê ở Phước Đường, Long
Đàm, là con của người anh bà Linh Cảm Thái Hậu (vợ vua Lý Thái Tông).
Sư thọ giáo với Định Hương Trưởng Lão, Sư rất am tường phương pháp
Tam Quán của Kinh Viên Giác, thâm đắc "Ngôn ngữ Tam-muội", các
thiền ngữ của Sư xuất phát từ sự thực chứng sâu xa về thiền chỉ.
Sư có 4 tác phẩm quan trọng để lại cho hậu thế : Tán Viên Giác Kinh, Thập
Nhị Bồ-tát Hạnh Tu Chứng Đạo Tràng, Tham Đồ Hiển Quyết và Dược Sư
Thập Nhị Nguyện Văn. Cuốn Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn được vua Lý
Nhân Tông sai sứ thần đem sang tặng vua Triết Tông nhà Tống, Trung Quốc.
Vua Tống đem sách này cho các danh tăng ở chùa Tướng Quốc xem và bảo có
chỗ nào đáng sửa chữa thì sửa lại. Các vị này xem xong liền tâu Vua :
"Đây là đấng hóa thân Đại sĩ ra đời ở phương Nam, giảng giải
kinh nghĩa rất tinh vi, chúng tôi không dám thêm bớt gì nữa". Vua nhà Tống
liền cho sao lại một bản, còn bản chính thì gởi trả lại Vua Lý Nhân
Tông với những lời khen ngợi.
Tham Đồ Hiển Quyết là một tác phẩm được trình bày
theo thể vấn đáp. Tức thiền sinh dùng thi kệ để hỏi về những vấn
đề nan giải như Chân như, Phật tánh, về những vấn đề trừu tượng,
siêu hình. Tất cả đã được Sư giải đáp tài tình bằng những câu thơ
đơn giản mà vô cùng thâm thúy.
Tháng 9 năm Quảng Hựu thứ 6 (1090), Sư gọi môn đồ vào
chỉ dạy, nói kệ rồi ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch, thọ 92 tuổi,
56 tuổi hạ.
* * *
Nếu THƠ là ĐẠO, thì trần gian này mấy kẻ biết làm thơ
?
Nếu ĐẠO là một bài thơ, thì Đạo vẫn còn con đường
cho ngôn ngữ đi đến.
Ôi ! Người xưa nói "Bất lập văn tự", "Ngôn
ngữ đạo đoạn", thế thì lấy gì cho ta bây giờ ngồi ôn chữ nghĩa
? Sự im lặng bí tàng của Thiền gia cốt để dắt người tìm về thực tại,
mà thực tại nhiệm mầu lại lìa ngôn thanh ngữ cú. Nhưng đôi lúc nói
trúc biếc hoa vàng thì đâu phải trừu tượng ! Vô Ngôn Thông đã chỉ
vào gốc cây thoan lư để giải đáp câu hỏi về thiền; Triệu Châu cũng
chỉ vào cây Bách trước sân để đáp lời hỏi về ý nghĩa Tổ sư Đông
Độ của Nam Tuyền. Trung Hoa cũng vậy, Việt Nam cũng vậy, gốc cây thoan lư,
cây tùng sân trước, cành mai đêm qua…, đó chẳng phải là những hình
thi ca tuyệt đẹp đó sao ?
Và nếu thi ca cũng đủ đại cơ đại dụng để chuyển tải
những Thiền ngữ đến học nhân, thì Viên Chiếu đã trở thành Thiền sư
thi sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam. Điều đáng ghi nhận là khi Thiền sư
Thảo Đường xuất hiện ở Việt Nam (1609), mang Tuyết Đậu Ngữ Lục từ
Trung Hoa sang thì trước đó đã có Thiền Lão dùng hình ảnh thi ca làm Thiền
ngữ, tiếp theo là Viên Chiếu và rất nhiều Thiền sư thi sĩ thuộc phái
Vô Ngôn Thông ra đời. Tuyết Đậu Trùng Hiển là nhân vật đại biểu của
Trung Hoa, còn Viên Chiếu là tinh hoa của Đại Việt. Đọc Tham Đồ Hiển
Quyết của Viên Chiếu, ta cứ ngỡ như đang nghe được lời tự tình của
trăng sao hoa cỏ, mà nghĩa đạo, hồn thơ như hòa quyện vô ngần.
Có vị tăng hỏi : Ý nghĩa của Phật và Thánh như thế nào
? Viên Chiếu đáp :
- Ly hạ trùng dương cúc
- Chi đầu thục khí oanh
- (Thu về hoa cúc vàng lưng giậu
- Xuân ấm hoàng oanh hót đầu cành).
Khỏi cần lý giải, khỏi cần phân tích. Hãy lắng nghe,
hãy ngắm nhìn, may đâu có thể nghe ra hồn vạn vật. Nếu hành giả biết
đắm mình trong dòng thực tại hiện hữu, biết nhảy vào ngay giữa hai
sát-na vọng tưởng, nhìn ngắm cỏ hoa như là chính nó, như cúc vàng bên
giậu thu, như oanh đề cành xuân ấm, thì bất chợt thấy ra nghĩa Thánh
nghĩa phàm, thấy ra cõi miền chân như tương ứng.
Tăng hỏi : "Thanh thanh thúy trúc tận chân như", thế
nào là dụng của chân như ? Sư đáp :
- Tặng quân thiên lý viễn
- Tiếu bả nhất bình trà.
- (Tiễn người xa muôn dặm
- Cười nâng một chén trà).
Thi vị biết dường nào ! Phảng phất nụ cười trao vị
hương trà tinh khiết. Cơ hồ câu trả lời chẳng dính dáng gì đến câu hỏi
của học nhân. Ai là người thưởng thức được hương thơm trà thiền
chén đạo ? Ta ư ? Ta lan man đi tìm nguồn gốc của trà thơm chén ngọc, ta
vất vưởng phân vân bởi sắc đậm nước trong. Tiễn người xa muôn dặm
- đâu là dụng của chân như ?
Tham Đồ Hiển Quyết nghĩa là chỉ rõ bí quyết cho người
tham vấn. Bí quyết ở đâu sau mỗi câu thi kệ đơn sơ gẫy gọn ấy ? Ta
không phải là người đặt ra câu hỏi, ta không đứng trong vòng tròn tương
ứng, trong cung bậc rung cảm của chính người trong cuộc. Do vậy, dù đọc
trăm ngàn lần câu kệ của Thiền sư, cảm giác trong ta cũng chỉ là kẻ cưỡi
ngựa xem hoa.
Tăng hỏi : Kiến tánh thành Phật, nghĩa ấy như thế nào ?
Viên Chiếu đáp :
- Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát
- Phong xuy thiên lý phức thần hương.
- (Cây héo xuân về hoa nở rộ
- Gió lay ngàn dặm nức mùi hương).
Hỏi :
- Ma ni dữ chúng sắc
- Bất hợp bất phân ly ?
- (Ma ni và các sắc
- Chẳng hợp chẳng phân ly ?).
Sư đáp :
- Xuân hoa dữ hồ điệp
- Kỷ luyến kỷ tương vi
- (Hoa xuân cùng bươm bướm
- Lúc mến lúc chia lìa).
Càng đọc các câu vấn đáp đầy thi vị của Tham Đồ Hiển
Quyết, ta có cảm tưởng Thiền sư đã dắt người đọc vào nhởn nhơ
trong khu vườn đầy thơ mộng, có bướm có hoa, có trăng trong mây trắng,
có tất cả những hình ảnh đẹp nhất của trần gian mà tuyệt nhiên
không có sự vướng víu của tự ngã, không có yêu ghét khổ vui. Cứ ngỡ
bao nhiêu nếp suy tư hằn trên trán người học như những công án ngàn đời
bí hiểm, khi được hỏi, sự giải đáp chỉ là chỉ ra cái sờ sờ trước
mắt.
Hỏi : Tâm pháp song vong tính tức chân. Thế nào là chân ?
Sư đáp :
- Vũ trích nham hoa thần nữ lệ
- Phong xao đình trúc Bá Nha cầm.
- (Mưa đẫm hoa rừng : Thần nữ khóc
- Gió lùa trúc ngõ : Bá Nha đàn).
Hỏi : Chẳng dùng bình thường, chẳng dùng thiên nhiên, chẳng
dùng tác dụng thì nay phải làm sao ? Sư đáp :
- Bồng thảo thê đê yến
- Thương minh ẩn cự lân
- (Cỏ bồng chim én đậu
- Biển cả cá kình bơi).
Đập vỡ mọi khái niệm triết lý, dẹp hết mọi phân biệt
thị phi, thắp sáng hiện hữu nhiệm mầu bằng chính tầng bậc rung cảm của
tâm hồn. Hãy nghe tiếng mưa rớt trên cánh hoa rừng bảng lảng, hãy lắng
tiếng vi vu giữa lau ngàn trúc ngõ. Thơ là dắt mây trắng về ngắm khói bếp
nhà xưa. Thơ là ẵm mặt trời đi qua sa mạc vô biên. Cuộc hôn phối giữa
tư tưởng và ngữ ngôn đã dìu thi ca vào một bước hụt, bước hụt hẫng
vào cõi phiêu bồng để rồi chan hòa cùng vũ trụ vô biên. Một lần chết
đi để rồi lại được phục sinh cùng với thực tại trong ngần. Thi ca
Việt Nam chưa bao giờ sáng chói đến như thế, chưa bao giờ vĩ đại đến
như thế. Không có gì quá đáng khi nói thi ca Lý Trần đã cứu vớt hồn
dân tộc. Riêng với Tham Đồ Hiển Quyết của Viên Chiếu, thi ca còn khẳng
định tính tự chủ, độc lập và tính nhân văn cao cả nhất của Việt
Nam giữa những nền văn hóa phương Bắc.
Thử so sánh với Đường Thi, cái khuôn vàng thước ngọc của
nền triết lý Khổng Mạnh không cho phép người thơ vén bức màn chữ nghĩa
lên khỏi kích cỡ của áo mão cân đai. Phải đến Tuyết Đậu Ngữ Lục,
tinh thần vô trước của Thiền Tông mới phá tan được trò chơi chữ
nghĩa. Nhưng Lý học Tống Nho lại vô tình dìu người chơi vào cuộc, thứ
"Thiền tông hổ lốn trong bụng Tô Đông Pha", rắn mọc thêm chân,
đầu mọc thêm đầu ngày càng nhiều, càng trở nên nhiêu khê và rối rắm.
Nhật Bản có loại thơ Hài cú (Haiku), được xem như
niềm tự hào dân tộc và được truy nguyên từ ảnh hưởng của Thiền Tông.
Nhưng với khuôn khổ vỏn vẹn 17 âm tiết, thơ Hài cú cũng tự trói mình
vào cái khuôn nhất định, dù cái khuôn ấy rộng lớn như thái hư, xem ra
cũng đã được giũa mài khá kỹ để thực tại chui vào trong "ống thấy"
của thi nhân. Chẳng hạn Basho viết :
- "Nhìn kỹ
- Tôi thấy đóa Nazuna
- Bên hàng giậu".
- (Tuệ Sỹ dịch)
thì đóa Nazuna đã được "nhìn kỹ" qua lăng kính
của cái tôi, dù cho cái tôi đó đã được thanh lọc qua cái nhìn vô ngã.
Ở Viên Chiếu thì khác : "Cúc trùng dương dưới giậu, Oanh thục khí
đầu cành". Ai tìm ra dấu vết của tự ngã tế phân ? Hình ảnh thi ca
không có dấu vết của thi ca mới là siêu tuyệt. Người đọc cảm thấy
rưng rức cõi lòng một niềm rờn lạnh hư linh. Chữ nghĩa rụng xuống hai
lần để cỏ cây hiển lộ khôn hàn giữa lớp lớp phù kiều của thế
phù hư huyễn. Nếu nói một cách hình ảnh, khi đọc Đường Thi, ta có cảm
giác như bước vào một cung đình nguy nga tráng lệ, mỗi nét đẹp đều
toát lên vẻ lạnh lùng đầy quyền uy mà ta chẳng dám xê dịch một tí
nào vị trí cố định của chúng; khi đọc thơ Hài cú, ta lại có cái cảm
giác được bước vào một vườn hoa kiểng Bonsai, tất cả đều đẹp đẽ,
cắt tỉa kỹ lưỡng, đầy tính nghệ thuật nhân tạo và có phần gò ép;
còn khi đọc thi kệ của Viên Chiếu thì ta lại như được bước vào một
khu rừng thiên nhiên thần tiên thơ mộng. Mưa nhỏ giọt xuống nụ hoa rừng
bên kẽ đá như giọt lệ của nữ thần, tiếng suối vẳng bên tai róc
rách, gió lùa qua khóm trúc gợi tiếng sáo diều man mác... Ta chỉ còn biết
ngắm nhìn, không phải không dám mà là chẳng muốn di dịch một vị trí
nào cỏ hoa uyên mặc. Khỏi cần phân tích nhiều, hãy đọc hết Tham Đồ
Hiển Quyết, ta sẽ thấy ngập tràn "bướm hoa như thị".
Tăng hỏi : Đường ngôn ngữ dứt là ý thế nào ? Sư đáp
:
- Giốc hưởng tùy phong xuyên trúc đáo
- Sơn nham đới nguyệt quá tường lai
- (Gió lùa tiếng nhạc xuyên trúc đến
- Núi mang ánh nguyệt vượt tường sang).
Hỏi : Chư Phật thuyết pháp đều nhằm giáo hóa mọi người,
nếu ngộ bản ý gọi là xuất thế. Sao gọi là bản ý ?
Đáp :
- Xuân chức hoa như cẩm
- Thu lai diệp tự hoàng.
- (Xuân dệt hoa như gấm
- Thu sang lá tự vàng).
Tiếc rằng ở thời đại của Viên Chiếu, Việt Nam chưa có
một thứ văn tự của riêng mình để Sư chắp cánh cho thi ca Việt Nam bay
cao trên nền văn học thế giới. Khi dịch những câu thi kệ của Sư, dịch
giả đã làm một việc đầy gàn dở, bỡi lẽ khó thể nào chuyển nguyên
cái thần của ngôn ngữ qua cảm tính thi ca. Tạm dịch là để hiểu, chứ
không phải để "dời chỗ" cho thơ. Khi Việt ngữ đã có chỗ đứng
cho riêng mình thì dựng lại hình ảnh thi ca như Viên Chiếu quả là việc
bới lông tìm vết. May ra có một Nguyễn Du, một Quách Thoại, nhưng ngôn
ngữ bây giờ đã nhảy vào một cuộc chơi khác, khác cả tính lẫn tình,
không còn dùng để giải đáp cho những câu hỏi về chân như, Phật tánh
nữa. Khi Nguyễn Du viết :
- "Cỏ non xanh tận chân trời
- Cành lê trắng điểm một vài bông hoa".
Hay một đóa Thược dược của Quách Thoại :
- "Đứng yên bên hàng dậu
- Em nở nụ nhiệm mầu".
thì thế nhân đang đi vào thời đại vi tính. Tính duy
lý thật ra không hề có chỗ đứng trong thi ca. Còn chăng những tâm hồn
muốn níu sợi thi ca để nhảy vào cuộc bùng vỡ tồn sinh của tâm thức
? Không ! nếu thi ca còn là sứ mệnh của việc chuyển hóa tâm thức, thì
hãy vững tin vào tiền đồ của một hai thế hệ tới. Thơ sẽ theo mây bước
xuống cuộc đời. Đó là tất mệnh của Việt Nam.
Đọc Tham Đồ Hiển Quyết của Viên Chiếu Thiền Sư, cũng
như đọc những ngữ lục Thiền Tông giàu hình ảnh thi ca, nếu chúng ta dắt
tâm viên ý mã vào rừng nhảy nhót cùng hoa bướm thì quả là lố bịch !
Nhưng biết làm sao bây giờ, khi hai chữ thi ca cũng bị lạm dụng một cách
quá đáng và đang hồi bế tắc. Thôi ! Ta về bên gian lều cỏ, đảnh lễ
từng trang cảo lục nhiệm mầu, đảnh lễ hết mười phương trăng sao hoa
cỏ, để một lần cùng hành nhân dạm hỏi :
- Ý Tông cùng ý Giáo thế nào ?
Biết đâu Viên Chiếu lại một lần xuất hiện, vỗ tay cười
đáp :
- Hứng lai huề trượng du vân kính
- Khốn tức thùy liêm ngọa trúc sàng.
- (Hứng liền sách gậy chơi đường núi
- Mệt tức buông mành ngủ chỏng tre).
Xin cảm ơn Sư.