Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÀI TRUNG TÂM TU THIỀN Ở MIẾN ĐIỆN

 

Ngày nay, nói đến thiền học Phật giáo Nguyên Thuỷ, Tăng Ni, nam nữ Phật tử thường nghĩ ngay đến Miến Điện, hoặc Thái Lan. Bởi lẽ những tác phẩm thiền học nổi danh đương thời phần lớn đều xuất phát từ các vị danh Sư ở Miến, ở Thái, hoặc các nhà Sư phương Tây vốn đã nhiều năm tu tập tại rừng thiền bên Thái. Thứ nữa, nhiều vị Sư Nguyên Thuỷ cũng như các vị tu theo các truyền thống khác cũng đã từng qua các nơi ấy thăm viếng, gia công hành trì.

Một yếu tố khác có lẽ cũng không kém phần quan trọng để nhiều người để ý đến thiền học Miến là nhờ công của Thiền Sư cư sĩ N.S. Goenka. Hiện nay ông đang hướng dẫn thiền tập Vipassanā tại nhiều trung tâm tu thiền ở Ấn và nhiều trung tâm trực thuộc trên khắp thế giới. Khi đề cập đến truyền thừa phổ hệ, ông luôn giới thiệu đất Miến như là mảnh đất Pháp, mảnh đất còn giữ lại truyền thống thiền tập từ thời Phật tại thế cho đến ngày nay.[1]

Khi hành giả vừa bước vào trường thiền Dhammagiri tại Igatpuri thuộc Trung Ấn, cơ sở trung ương của hệ thống thiền Quán này, câu đầu tiên rất lớn đập vào mắt của hành giả là LỐI VÀO MIẾN ĐIỆN (GATE OF MYANMAR). Chính vì vậy, nhiều thiền sinh dầu đã từng theo các khoá thiền tập theo truyền thống thiền Quán này tại Ấn, cũng thầm ao ước ít nhất một lần trong đời đến được đất Miến để học cốt tuỷ của nhà Phật, đó là phương pháp hành Thiền. Tôi được duyên may mắn ấy.

Với thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, chúng ta có thể vào internet gõ google để tìm các thông tin về thiền học ở Miến như thế nào, chúng ta sẽ tìm thấy trên mạng giới thiệu 12,13 trường thiền khác nhau. Những thông tin đó, quả thật không thể nào cung cấp đầy đủ những chi tiết cần biết cho một thiền sinh nếu chưa từng qua Miến một lần tham học. Do đó, những trường thiền mà tôi đã vào ở, trình bày chi tiết hơn, chia thành từng chủ đề: Thiền Lâm Pa-Auk, Thiền Viện Shwe Oo Min, Thiền Viện Chanmyay, còn những thiền viện mà tôi chỉ có dịp ghé thăm, hoặc  chỉ đọc được một vài mẫu thông tin trên mạng, hoặc những điều do chư Tăng Ni sinh Việt Nam tại Miến cung cấp thì trình bày sơ lược trong bài này.

Người viết ghi lại những thông tin này, trước là làm tròn “phận sự” của các thân hữu “dặn dò.” Thứ hai nhằm chia sẻ cho tất cả những vị sắp qua Miến tu học có được tầm nhìn tổng quát về các trường thiền, đời sống, xã hội, nhờ đó chuẩn bị thái độ tâm lý đúng đắn hơn, khỏi phải hết bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác, hoặc rất có thể khỏi phải thất vọng, sụp đổ với thần tượng của mình mà bấy lâu nay ôm ấp, tôn thờ chỉ vì những mẫu tin trình bày những mặt tích cực của Miến mà thôi. Sau gởi cho tất cả những ai có dự định qua đất Miến hoặc cho những ai không đủ điều kiện đi, vẫn có thể có cái nhìn tổng quát về các vấn đề liên hệ đến Thiền học ở Miến như thế nào.

I. THIỀN VIỆN MAHĀSI

1.      Tầm Vóc Lịch Sử

Nói tới thiền viện ở Miến, người dân Miến có học thức một chút, không ai không nhắc tới Mahāsi  Sāsanā Yeiktha Meditation Centre (Trung Tâm Hoằng Truyền Thiền Học Mahāsi), thông thường gọi tắt là Thiền viện Mahāsi.[2] Tôi viếng thăm thiền viện này vào một buổi chiều thu đông trước khi tạm giã từ đất Miến. Thiền viện nằm nhích bên trong một chút xíu, sát đại lộ chính dẫn đến các khu khá quan trọng. Đây là một cơ sở lớn có tầm vóc lịch sử nhất về thiền học tại Miến vào thế kỷ XX, do một vị Đại Thiền Sư và cũng là vị đại học giả thuộc lòng Tam Tạng Thánh Điển Pāli, đó là Thiền Sư Mahāsi  Sayādaw [3] (29 / 07 / 1904 – 14 / 08 / 1982).

Người viết có duyên may ghé thăm phòng làm việc, phòng tiếp khách, và phòng toạ thiền cũng như dãy nhà dài để cho Ngài thiền hành lúc trước. Qua sự quan sát, chúng ta có thể thấy rằng, không những Ngài là một vị Thiền Sư tinh thông Tam Tạng Pāli, mà còn có cách tổ chức đặc biệt, rất quan tâm đến các vấn đề thời sự thế giới, nên trên bàn làm việc của Ngài có để chiếc radio, máy đánh chữ cũng đã cũ kỹ lắm rồi. Phong cách này không phải vị Thiền Sư ở Miến hay ở nước nào cũng có !

Trong các Đại Sư về thiền học ở Miến trước thời Ngài Mahāsi , vị có tầm vóc, uy tín, ảnh hưởng đến Phật giáo Miến Điện rất lớn, đó là vị đại hành giả và đồng thời cũng là học giả Mahā Thera Ledi Sayādaw.[4] Sau thời Ngài chỉ có Thiền Sư Mahāsi  Sayādaw có thể nói  là sánh ngang tầm với Ngài Ledi Sayādaw mà thôi. Lớp đệ tử học trò thành tựu của Ngài Mahāsi  Sayādaw phần lớn đều là những bậc tài đức trác việt, nổi danh một thuở cả, như HT Shwe Oo Min Sayādaw, HT U. Sīlananda Sayādaw, HT U Āsabha, HT U Pandita Sayādaw. 

2. Cơ Sở Hạ Tầng và Môi Trường

Cơ sở hạ tầng của thiền viện khá khang trang. Các công trình chính hầu như đã xây dựng hoàn tất từ năm 1977, và được tu bổ nhiều lần. Diện tích khá rộng nên được chia thành các khu cho từng nhóm: chư Tăng Miến, nam cư sĩ Miến, nữ cư sĩ Miến, ngoại quốc. Thiền đường rất lớn ngay cổng vào, có thể dung chứa khoảng 200 thiền sinh dành cho nữ cư sĩ. Thiền đường ở giữa dành cho chư Tăng và nam cư sĩ Miến. Thiền đường trên lầu, sát với các dãy lầu của khu ngoại quốc dành cho hành giả ngoại quốc. Khu ngoại quốc ở rất sạch sẽ và tiện nghi hơn người bản xứ, có cả tủ lạnh và máy giặt cho thiền sinh. Có những con đường thiền hành rất trang nhã và thoáng mát.

3. Pháp Môn Tu và Sách Tham Khảo

Tôi chưa có dịp vào tu nơi đây nên không dám bảo đảm những suy tưởng của mình là đúng hoàn toàn. Nhưng tôi tin tưởng rằng, Ngài Mahāsi Sayādaw là vị Đại Thiền Sư quán niệm phồng xẹp nơi bụng, và các vị đệ tử hiện nay như Ngài  U Pandita Sayādaw hoặc Ngài Chanmyay Sayādaw đều có cùng một chủ trương, nên những gì qúy Ngài dạy hầu như là giống nhau. Có khác chăng là vì mỗi hành giả có những căn bệnh khác nhau, được các Thiền Sư chỉ cách hoá giải khác nhau, hoặc khả năng chứng đắc tâm linh của Thiền Sư đó khác nhau, chứ tất cả đều dựa trên hệ thống Thất Tịnh và Thập Lục Tuệ.

Tôi có hỏi quý vị Tăng Ni sinh Việt Nam đang học ở Miến, tại sao Ngài Mahāsi  Sayādaw lại hướng dẫn các thiền sinh để tâm vào vùng bụng và theo dõi sự phồng xẹp của nó không ? Các vị nói, các vị Giáo Thọ Thiền Sư giải thích rằng, vì nhiều người không có khả năng theo dõi hơi thở của mình, nên theo dõi sự phồng xẹp vùng bụng dễ hơn. Điều này cũng được giải thích trong Hướng Dẫn Thiền Quán.[5]

Tài liệu hướng dẫn về thiền tập của HT Mahāsi  Sayādaw đã được một số vị dịch ra Việt ngữ, đều có đăng trên mạng Buddhasasana của Cư Sĩ Bình An Sơn (http://www.budsas.org): Thực Tập Thiền Quán do Tỳ-kheo Khánh Hỷ dịch, HT Kim Triệu hiệu đính; Pháp Duyên Khởi do Tỳ-kheo Minh Huệ dịch; Kinh Vô Ngã Tướng do Phạm Kim Khánh dịch; Lợi Ích Chữa Bệnh Trong Thiền Quán do Tỳ-kheo Tăng Định dịch.  Một số tiểu phẩm bằng tiếng Anh khác có bán tại trung tâm Thiền Quán này với giá rất rẻ, thiền sinh có thể tham khảo thêm, như: To Nibbāna via the Noble Eightfold Path (Bát Thánh Đạo – Đạo Lộ Đưa Đến Niết Bàn), Purpose of Practising Kammaṭṭhāna Meditation (Mục Đích Hành Thiền Đề Mục), The Problems of Life (Những Trục Trặc Trong Đời Sống), Nibbanapatisamyutta Katha or On the Nature of Nibbana (Bản Chất Của Niết Bàn), v.v…

Trong kho tàng pháp bảo về thiền học, cuốn sách trình bày khá chi tiết về hệ thống Thất Tịnh, bao gồm 16 tầng Tuệ, đó là tập THIỀN HỌC NGUYÊN THUỶ của một Thiền Sư (dường như của Thiền sư U Āsabha thì phải), vốn là một trong số đệ tử đích truyền của Thiền Sư Mahāsi  Sayādaw. Cuốn sách viết bằng Thái ngữ, được Sư Giác Nguyên dịch sang Việt ngữ 9-10 năm rồi. Hiện nay tôi không có cuốn sách này, nên không nhớ rõ mọi chi tiết. Muốn hiểu đỉnh cao của thiền Quán theo truyền thống của Ngài Mahāsi Sayādaw như thế nào, mười tuỳ phiền não xuất hiện trong quá trình tu Quán, Ba pháp Quán: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, và một số điểm căn bản khác nữa thì Thiền quyển này giải mã khá tường tận. Có thể nói nó là sách giáo khoa, mà tủ sách Thiền học Nguyên Thuỷ không thể thiếu ! Tuy nhiên, cuốn sách này hơi khó hiểu đối với những vị không có nền tảng về luận thư Phật giáo Nguyên Thuỷ, vì có quá nhiều thuật ngữ Phật học liên hệ đến tâm thức, và những trạng thái tâm đôi lúc hành giả không hiểu gì cả, vì chưa đạt đến !

4. Đóng Phí

Đây là thiền viện chính thức quy định đóng phí khi thiền sinh vào xin thiền tập. Quy định đóng phí này nhằm để trang trải những chi phí cho cách sống tiện nghi của người ngoại quốc, cũng như để bảo đảm kinh tế cho thiền viện. Mỗi thiền sinh mới vào đóng 50 hoặc 70 Mỹ kim tuỳ theo nhu cầu của mỗi thiền sinh, và vị ấy sẽ ở bao lâu cũng được. Chúng tôi được biết, đây là phương hướng của Thiền Sư Mahāsi từ lúc sinh thời. Tịnh tài của thiền sinh ngoại quốc và của Phật tử Miến đóng vào có thể gởi ngân hàng, và với số lãi đó, có thể giúp ổn định lâu dài cho thiền viện, dầu hoàn cảnh kinh tế của xứ Miến thay đổi thế nào đi nữa, thiền viện vẫn có thể đứng vững được.

II. THIỀN VIỆN PANDITARĀMA

1. Hoà Thượng Thiền Sư

Thiền viện Panditarāma do HT U Pandita Sayādaw làm thiền chủ. Tuổi Ngài năm nay trên 80. Ngài đã từng làm thiền chủ và trú trì tại trường thiền Mahāsi   Yeitha một thời gian, sau khi Ngài Mahāsi  Sayādaw viên tịch. HT cũng từng đi nhiều nước Phương Tây để tổ chức các khoá thiền tập từ năm 1951, và được rất nhiều thiền sinh ngoại quốc cũng như trong nước kính ngưỡng. Hiện nay Ngài không trực tiếp phỏng vấn thiền sinh nữa, nhưng thỉnh thoảng thuyết pháp khi các khoá tu Thiền Quán Nghiêm Mật tổ chức tại thiền viện hoặc trong rừng thiền. Tôi có dịp ghé thăm và định tu tại thiền viện này khi vừa đặt chân đến đất Miến, nhưng rồi “duyên lỡ làng” đành buồn bã trở về, tìm một nơi “trú ẩn” khác !

2. Cơ Sở Chính

Cơ sở chính nằm ở thủ đô Yangon,[6] đi tốn khoảng 5 –7 Mỹ kim từ trường Đại Học Phật Giáo. HT thiền chủ trú trì thường ở cơ sở này để tiếp nhận thiền sinh và hướng dẫn thiền tập trong giai đoạn đầu. Cơ sở mặc dầu nằm trong lòng thành phố, nhưng khá yên tĩnh vì nó trệch vô trong làng một chút ! Diện tích đất không lớn lắm, nhưng nhờ xây dựng theo mô hình hiện đại, tất cả đều xây lầu  2 tầng, nên rất gọn và có quy cũ. Thiền sinh ở đây khoảng 100 vị đến từ nhiều nước khác nhau, cả Đông lẫn Tây. Khi thiền sinh đông, HT thiền chủ cho các thiền sinh kỳ cựu vào cơ sở thứ hai tu tập, trước là giải quyết nơi ăn chốn ở cho thiền sinh, mà đó cũng là nguyện vọng của thiền sinh nữa.

3. Cơ Sở Trong Rừng (Thiền Lâm Panditarāma)

Cơ sở II nằm cách thủ đô khá xa, đi xe taxi khứ hồi tốn khoảng 20 Mỹ kim. Thông thường thiền sinh vào thiền viện chính rồi, khi nào tiện thì ban quản trị thiền viện sẽ sắp xếp đưa thiền sinh vào trong rừng bằng xe của thiền viện. Cơ sở thứ hai này rất lớn, cả 100 mẫu đất rừng. Thiền đường hai tầng khá rộng hoàn tất được mấy năm rồi. Phía trên dành cho chư Tăng và cư sĩ nam, phía dưới dành cho chư Ni và cư sĩ nữ.  Một số cây nguyên sinh còn sót lại khi Thiền Sư tiếp nhận khu rừng này, một số đã và đang được trồng. Cốc am và các công trình phụ đang được xây dựng thêm.

Thiền sinh trong rừng thiền này không nhiều lắm. Khi chúng tôi đến thăm thiền viện, nghe Sư Pháp Luân nói lại hiện nay thiền sinh trung bình chỉ khoảng 50 – 70 vị. Sư Pháp Luân là người Việt Nam định cư ở Mỹ sau 1975, biết đến HT Thiền Sư nhiều năm nay. Hiện nay Sư là người thông dịch cho các thiền sinh Việt Nam tới đó tu không rành tiếng Anh.

4.      Phương Pháp

Cách thiền tập của thiền viện này, như người viết đã nói, vì truyền thừa từ truyền thống của Thiền Sư Mahāsi  Sayādaw, nên cách tu hoàn toàn giống với các trường thiền theo mô hình của Ngài Mahāsi , nghĩa là hoàn toàn căn cứ trên bài Kinh Đại Niệm Xứ (Mahā-satipaṭṭhāna Sutta) trong Trường Bộ Kinh mà phát triển. Cũng quán niệm đủ Thân Thọ Tâm Pháp, nhưng chỉ khác biệt chút xíu, thay vì Đức Phật bảo các hàng đệ tử để tâm trước mặt (vùng mũi, nhân trung, hoặc chóp mũi), để theo dõi sự dài ngắn, nóng lạnh của hơi thở ra vào, v.v... Ở đây, thiền sinh được hướng dẫn để tâm nơi vùng bụng mà tôi đã trình bày sơ lược trong các bài khác.

Vì trường thiền chủ trương phát triển Thiền Quán (Vipassanā), nên không đặt nặng đến bốn trạng thái nhập định sắc giới như trong kinh thường mô tả, nhưng lại đề cao đến bốn trạng thái Thiền Quán (Vipassanā jhāna)[7] thông qua quán Vô Thường, Khổ, Vô Ngã ngay trong tự thân.

Căn bản thiền tập của thiền viện này cũng giống như căn bản của thiền viện Chanmyay. Có khác chăng là thời khoá và cách quản lý thiền sinh nghiêm ngặt hơn mà thôi. Mười ba điều sau đây có thể được xem như là những hướng dẫn căn bản cho các khoá Thiền Quán Nghiêm Mật.[8] Thiền sinh có thể chuẩn bị tâm lý trước khi đến thiền viện.[9]

1. Các thiền sinh chỉ có một nhiệm vụ cần thực hiện, đó là thiền tập với tất cả:

            - Sự chân thành và quý trọng Pháp

            - Tinh tấn

            - Nỗ lực hết sức mình

            - Chuyên cần

            - Kiên nhẫn

- Duy trì chánh niệm trong từng sát na từ lúc thức dậy sáng sớm cho đến lúc đi ngủ vào buổi tối.

2.      Thiền sinh phải thiền tập nghiêm túc 14 tiếng đồng hồ cả thiền hành và thiền toạ mỗi ngày.

3.      Thiền sinh phải sống lặng lẽ một mình và phải giữ yên lặng. Không được liên hệ với ai, với bất cứ hình thức nào.

4.      Thiền sinh phải tránh nói chuyện.

5.      Thiền sinh phải tránh đọc và viết đến mức tối đa.

6.      Cư sĩ phải giữ 8 giới một cách nghiêm túc. Không được hút thuốc. Tăng và Ni phải giữ Giới Bổn theo truyền thống của từng bộ.

7. Thời gian ngủ nghỉ phải giảm tối thiểu, chỉ ngủ từ 4 đến 6 tiếng mỗi ngày.

8. Thiền sinh phải bám sát theo sự hướng dẫn của Thiền Sư mà thiền tập. Không được luyện tập theo các phương pháp khác.

9. Thiền sinh không được tham gia các hoạt động không liên hệ đến công phu thiền tập (như là nghe đài, nghe các loại băng từ, mát-sa, chụp hình, sưu tập sách vở, châm cứu, tiếp khách, nấu ăn, học tiếng Miến, học tiếng Anh, học Pāli, hoặc tham gia các hoạt động chính trị, thương mại và xã hội).

10. Thiền sinh phải điều phục các căn. Thiền sinh cũng giống như những người mù, điếc và câm.

11. Trong sinh hoạt hằng ngày, thiền sinh phải làm chậm lại mọi thứ, giống như người bệnh.

12. Trong khoá thiền Quán Nghiêm Mật, không có chỗ để suy nghĩ, hồi tưởng, tư biện, phân tích và giải thích.

13. Nói một cách tổng quát, thiền tập chỉ dành cho những người có tâm trí ổn định và bình thường. Nếu người tâm trí không ổn định thì không nên thiền tập. Đặc biệt người không thể thọ trì giới luật một cách trọn vẹn, người đó không thể chấp nhận như một hành giả.

Chúng tôi được biết thêm một điều do các Sư Nguyên Thuỷ cung cấp. Các Sư ở trường thiền này không được mặc các loại áo che khuất cánh tay mặt, hoặc y trung loại ngắn mà các Sư Thái, Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam thường mặt. Vào mùa đông hoặc tiết trời lạnh thì có thể lấy y thượng Tăng-già-lê để quấn và che thân cho ấm mà thôi.

Khi chúng tôi vào thiền viện Panditarāma tại Yangon định tu, ngồi tại văn phòng chờ đợi, thấy quý cô xuống văn phòng thiền viện nhờ mua một số dụng cụ cá nhân. Tất cả đều đi trong chánh niệm, lặng lẽ. Tất cả đều đã được ghi trên giấy sẵn, và cũng nhẹ nhàng đưa tịnh tài cho người phụ trách văn phòng.

5. Khất Thực và Thọ Thực

Người viết không đủ duyên tu ở đây, nên không biết nhiều về cách khất thực của thiền viện. Tuy nhiên, vào buổi chiều trước vài hôm rời Miến, tôi và một vài thân hữu đến thăm Thiền Lâm Panditarāma, đồng thời hỏi thăm về cách tu tập của rừng thiền này. Được Sư Pháp Luân nói, mỗi sáng chư Tăng tại rừng thiền đều đi khất thực. Vì rừng thiền khá xa với khu dân cư ở, nên thiền viện tổ chức xe đưa đón chư Tăng ra tới làng khất thực và trở về thiền viện. Cách tổ chức này từ lúc rừng thiền vừa được thành lập từ năm 1995 cho đến nay.

Cách nhận thực phẩm ở rừng thiền này cũng giống như ở thiền viện Shwe Oo Min. Chư Tăng gần như chỉ nhận cơm, lâu lâu mới có nam nữ cư sĩ dâng đồ ăn, và cũng có cư sĩ hộ bát theo giúp chư Tăng. Khi bát chư Tăng đầy cơm rồi, cũng đổ vào nồi lớn đem theo, và đi khất thực cho đến hết một vòng vậy. Thông thường phải đổ vào sô, nồi lớn ít nhất là hai lần.

Ở đây ăn chay hay ăn mặn  tuỳ vào mỗi hành giả, không có điều gì bó buộc. Thức ăn chay và mặn rất đầy đủ, kể cả thức ăn tráng miệng. Điều này tôi được biết là nhờ các Tăng Ni sinh đang học tại trường Đại Học Phật Giáo tại Miến đã tu ở đó cung cấp. Dĩ nhiên, khi chúng tôi vào thiền viện xin tu cũng có thọ trai ở thiền viện chính một bữa, nên cũng biết thiền viện này rất quan tâm đến sức khoẻ của thiền sinh.

Trong các vị Thiền Sư ở Miến, không biết có vị nào phát biểu rõ ràng về quan điểm ăn chay, ăn mặn, ăn tam tịnh nhục của Phật giáo Nguyên Thuỷ chưa thì tôi không dám khẳng định. Vấn đề trên trong quá khư đã từng là vấn đề tranh cãi trên diễn đàn vài năm trước. Người viết không muốn đi sâu vào vấn đề này, vì mỗi người có cách nhìn riêng theo quan kiến của mình. Tuy nhiên, cũng có vài vị cho rằng vấn đề này cần phải được phân tích kỹ hơn, nhằm giúp hành giả có một thái độ đúng khi tu tập, vì nó liên hệ đến đạo đức ăn uống của người tu,  một vấn đề mà hành giả nào cũng phải đối diện hằng ngày. Hay nói cách khác, nó liên hệ trực tiếp đến giới sát – giới đầu tiên mà một Phật tử tại gia cần phải học hỏi và thọ trì. Một số vị khác nghiêm trọng hơn cho rằng, điều đó ảnh hưởng đến việc tu trì rất nhiều, và theo các vị, nghiêm túc mà nói, điều đó có thể gây sự trở ngại cho việc tu học.

Đề cập đến vấn đề này Thiền Sư U Pandita Sayādaw phát biểu quan điểm của Ngài rất rõ trong cuốn Ngay Trong Kiếp Sống Này. Tôi trích nguyên văn một đoạn trong tác phẩm trên do Tỳ Kheo Khánh Hỷ soạn dịch:

Trong phần nói về thực phẩm này, tôi muốn đề cập đến vấn đề ăn chay. Nhiều người cho rằng chỉ ăn rau trái mới hợp đạo đức. Trong Phật giáo không hề có quan niệm ăn chay sẽ dễ giải thoát. Ðức Phật không hề cấm đoán việc ăn cá thịt. Ðức Phật chỉ quy định một vài điều kiện về việc ăn thịt cá. Ngài qui định phải ăn theo tam tịnh nhục: Tức là không thấy con vật bị giết, không nghe tiếng kêu của con vật bị giết, không nghi con vật bị giết với mục đích giành riêng cho mình ăn. Ngoài ra Tỳ khưu phải cử ăn mười loại thịt như: thịt chó, thịt cọp, thịt rắn, thịt người v.v… điều này cho thấy Ðức Phật không cấm Tỳ khưu ăn thịt cá. Ðề-Bà-Ðạt-Ða có yêu cầu Ðức Phật đặt ra luật cấm ăn thịt cá, nhưng Ðức Phật sau khi thẩm định đã từ chối lời yêu cầu.

Vào thời kỳ Ðức Phật cũng như ngày nay, phần đông ăn cá thịt và rau trái hỗn hợp. Chỉ có những người bà la môn, hay những người thuộc giai cấp cao trong xã hội Ấn Ðộ là ăn chay. Khi nhà sư đi khất thực để sống, nhà sư phải nhận mọi thứ thực phẩm của các giai cấp thí chủ khác nhau mà không được phân biệt, nhận của người này và từ chối người kia. Nếu phân biệt thức ăn chay, mặn thì trái với tinh thần khất thực này. Hơn nữa, để cho những người bà la môn và những người thuộc giai cấp khác đều có thể gia nhập tăng hay ni đoàn và không còn chấp trước vào thực phẩm nên Ðức Phật để ý đến sự kiện này khi quyết định vấn đề chay mặn. Như vậy, không cần phải tự thúc buộc mình vào việc ăn chay khi thực hành Thiền Minh Sát. Dĩ nhiên, có sự quân bình về rau trái và cá thịt sẽ có lợi cho sức khoẻ. Nếu bạn muốn ăn chay vì lòng từ bi thì đó cũng là một điều thiện. Mặt khác, nếu vì lý do sức khoẻ, nhất là cần phải có những chất bổ dinh dưỡng chỉ có trong thịt, cá, thì cũng cần nên ăn cá, thịt. Không có vấn đề tội lỗi trong việc ăn cá thịt; ăn cá thịt cũng chẳng làm hại hay cản trở gì trong việc hành Thiền Minh Sát.

Quý vị có thể tham khảo, đối chiếu bản tiếng Anh: In This Very Life The Liberation of the Buddha, do Buddhist Publication Society, Kendy, Tích Lan xuất bản năm 1991, trang 40 – 41. Như soạn dịch giả đã tường trình trong Lời Nói Đầu bản tiếng Việt trên trang Buddhasasana (http://www.budsas.org), bản dịch dựa trên bản Anh ngữ, đồng thời phối hợp với những lời giảng giải bằng tiếng Miến và tiếng Anh mà Thiền Sư đã hướng dẫn khoá tu tại Hoa Kỳ. Do đó, bản tiếng Việt nhiều đoạn thêm vô, cắt ra, không ăn khớp với bản tiếng Anh cho mấy.

Tôi không muốn đi sâu vấn đề đạo đức trong việc ăn chay, ăn mặn trong bài viết này, rất có thể sẽ trình bày trong một bài khác, phần còn lại nhường cho độc giả suy tư và giải hoặc cho chính mình.

6. Thời Khoá và Trình Pháp

Thời khoá ở thiền viện này gắt hơn các thiền viện khác. Thiền sinh phải thức dậy từ lúc 3 giờ  sáng và thiền tập cho đến 9 giờ tối. Chúng tôi nghe nói lại, lúc trước, không có giờ nghỉ trưa, sau khi thọ trai xong là lên thiền đường liền, nhưng có lẽ vì thiền sinh chịu không nổi với thời khoá quá nhặt ấy, nên lúc này thiền sinh tu chính thức từ lúc 1.00 chiều cho đến tối.  Thời khoá biểu chính thức như sau:

03:00               : Thức chúng

04:00 – 05:00: Thiền toạ

05:00 – 06:00 : Điểm tâm

06:00 – 09:00:  Thiền toạ, thiền hành, thiền toạ

09:00 – 10:00: Tắm rửa hay thiền tập

10:00 – 12:00: Thọ trai, nghỉ ngơi, hoặc thiền tập

12:00 – 14:00: Thiền toạ, thiền hành

14:00 – 16:00: Nghe Pháp hoặc trình pháp 

16:00 – 21:00: Thiền toạ rồi thiền hành xen kẽ nhau

21:00 – 23:00: Thiền tập tuỳ theo sở thích của thiền sinh.

Thiền viện này nổi tiếng là nghiêm khắc. Tôi được nghe các vị khác nói lại, thiền sinh thiền tập đều có Thiền Sư theo dõi. Khi mình thiền hành thì các vị thiền toạ để quán sát. Khi mình thiền toạ thì các vị thiền hành cũng để quán sát. Nếu khi thiền hành hoặc thiền toạ có gì trục trặc thì Thiền Sư hoặc các vị phụ trách sẽ điều chỉnh cho. Nhiều vị cho rằng, nếu hành giả nào đã sống được với kỷ luật khắc khe của thiền viện này thì thiền tập bất cứ nơi nào trên đất Miến đều được.

Cách thức trình pháp ở đây cũng giống như một số trường thiền ở Miến. Thiền sinh có thể ghi vắn tắt đại ý những gì cần trình bày cho có thứ lớp, hoặc các trạng thái tâm lộn xộn hay thanh tịnh như thế nào trong một tập sổ trình pháp, để lên đọc, trình cho Thiền Sư. Các Thiền Sư thành tựu ở trường thiền này lúc nào cũng có mặt để hướng dẫn thiền tập, dù vị này hay vị kia đi Phật sự. Cách một ngày trình pháp một ngày, ngày nghỉ nghe Pháp thoại, và ngày chủ nhật sinh hoạt với đại chúng, trình bày nhận thức tu tập của mình. Cũng lưu ý là các Thiền Sư ở đây rất chú trọng đến niệm thân, nên oai nghi tế hạnh luôn luôn được xem trọng trong mọi lúc đối với thiền sinh. Ngay cả khi trình pháp, thiền sinh Việt Nam được Sư Pháp Luân khuyên là không nên nhìn Thiền Sư, mắt luôn luôn giữ chánh niệm nhìn xuống, nhìn vào đôi bàn tay đang chắp của mình.

7. Tài Liệu Tham Khảo Trước

Khi vô trong trường thiền với thời khoá nghiêm ngặt và theo dõi rất sát như vậy, thiền sinh dầu có muốn đọc sách để mở mang kiến văn, hoặc để giải quyết một nan đề về lý thuyết mà mình đang gặp cũng không có thời gian. Nếu muốn đọc sách tìm hiểu trước khi vô trường thiền, thì hãy đọc cuốn: In This Very Life. Người biên tập thiền phẩm này là một nữ văn sĩ nên văn phong rất trong sáng và chuẩn xác. Đây là một tài liệu căn bản hướng dẫn thiền tập và những vấn đề liên hệ đến lộ trình tu theo HT U Pandita, rất bổ ích cho thiền sinh. Tác phẩm đã được Tỳ-kheo Khánh Hỷ dịch sang Việt ngữ: Ngay Trong Kiếp Sống Này. Sư Khánh Hỷ đã phối hợp từ sách và pháp thoại của HT giảng cho thiền sinh khoá tu 3 tháng tại trung tâm Thiền Quán ở Paris, nên không dịch sát bảng Anh ngữ.

Thiền phẩm này cũng được chính Sư Khánh Hỷ ghi âm, nhằm giúp cho những thiền sinh, đặc biệt là các tu nữ Việt Nam (đến từ nhiều nước khác nhau) không rành tiếng Anh. Đây cũng là một tài liệu quý báu, có thể thỉnh để nghe và thiền tập tại nhà. Cuốn sách thứ hai được quý vị ở Miến tặng cho, của Thiền Sư U Pandita là On the Path to Freedom (Trên Đường Đến Giải Thoát) cũng là một nguồn tài liệu quý. Nó có nhiều phần trùng với cuốn In This Very Life, nhưng cũng có nhiều phần rất mới mà cuốn In This Very Life chưa trình bày hết được. Những cuốn sách khác được giới thiệu trên mạng như: The Way to Practise Vipassana Meditation (Cách Thực Tập Thiền Quán)  Dhamma Discussion Series, Vol. I, 1997 (Tuyển Tập Pháp Luận, Quyển I, 1997). Cùng với một vài thiền phẩm khác của các Thiền Sư tại thiền viện cũng được giới thiệu trên mạng nữa. Dựa trên nguồn tài liệu đó, chúng ta có thể nói rằng đây là trường thiền có nhiều người đã thành đạt trong học thuật và hướng dẫn thiền tập.

8. Quan Điểm về Bộ Phái

Người viết không có duyên học hỏi trực tiếp với Ngài, chỉ có duyên đảnh lễ và xin tu tại thiền viện mà thôi. Cộng với những gì được quý Sư Nguyên Thuỷ, quý Sư Cô Khất Sĩ nói lại cũng hiểu thêm một phần về quan điểm của Ngài.

Khi thọ trai, chư Tăng Đại Thừa đều ngồi chung với khu dành cho chư Ni và nam nữ cư sĩ. Chỉ có các nhà Sư Nguyên Thuỷ, dầu là Sa-di hoặc tu gieo duyên vẫn được ngồi trên phản. Các vị khác đều ngồi trên ghế và ăn trên bàn bình thường. Ngày tôi đến thăm trường thiền và xin tu cũng được áp dụng như vậy.

Đối với các vị Đại Thừa Ngài đã được biết. Còn đối với các nhà Sư Khất Sĩ rất có thể Ngài chưa được nghe nói tới, hoặc đã nghe nói tới rồi, tôi cũng không biết rõ. Khi tôi đến xin tu tại thiền viện, Ngài cật vấn rất nhiều, thọ giới theo truyền thống nào ? Ai truyền giới ? Giới Bổn của Nguyên Thuỷ ra sao, cách thức nhận y mới đối với một vị Tỳ-kheo Nguyên Thuỷ như thế nào, v.v… Có lẽ các Ngài cũng sợ  ai đó lạm dụng y phục của các nhà Sư Nguyên Thuỷ? Y  bá nạp của Khất Sĩ dường như Ngài chưa bao giờ thấy, nên cứ hỏi về vấn đề y phục rất nhiều ! Khổ nỗi là màu y vàng đậm nâu nâu mà tôi đang mặc lúc ấy cũng giống với màu y của Thiền Sư nữa, mà đó là màu y duy nhất chỉ có một vị Thiền Chủ được phép mặc tại thiền viện.

Bên cạnh đó, Ngài hỏi thêm một số vấn đề khác nữa, như có ăn chiều không ? Có giữ và chi tiêu tiền không? Ngài rất quan tâm đến Giới Bổn, nhưng rất tiếc không hề hỏi tới Giới Bổn của Đại Thừa hoặc Giới Bổn Khất Sĩ. Nhân tiện cũng nói thêm, sự thật, Giới Bổn của Đại Thừa và Khất Sĩ giống nhau, đều lấy luật của Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka), một trong những chi nhánh của Nguyên Thuỷ, mà bổ túc thêm. Nội dung căn bản của hai bộ luật Nguyên Thuỷ và Đại Thừa giống nhau, chỉ bổ sung hai mươi mấy giới liên hệ đến pháp tháp ở phần học pháp, mà Giới Bổn Nguyên Thuỷ không có. Thậm chí một số pháp yết ma, an cư, truyền giới của Pháp Tạng Bộ còn đầy đủ hơn so với các truyền thống Giới của các Bộ phái khác, kể cả Nguyên Thuỷ, đang có mặt tại Trung Quốc thời bấy giờ. Chính vì vậy các Ngài mới chọn Giới Bổn của Pháp Tạng bộ làm chuẩn mực để thọ trì. Đây cũng chỉ nói về giới tướng Thanh Văn, chứ chưa nói tới Bồ Tát Giới mà chỉ có trong truyền thống Đại Thừa.

 Qua cuộc thỉnh vấn dài, nếu tôi chịu xả giới và thọ giới lại theo truyền thống Nguyên Thuỷ thì việc xin vô trường thiền tu học là chuyện không khó tí nào, nhưng đó là điều mà tôi không muốn ! Cuối cùng chẳng đi tới đâu, mặc dầu tôi có thưa rằng, đối với tôi đi đứng, ngồi nằm, vị trí lớn nhỏ như thế nào cũng được, miễn rằng không cần phải thọ giới lại theo truyền thống Nguyên Thuỷ, nhưng câu trả lời vẫn bỏ ngỏ !

Như người viết đã nói, nếu là nhà Sư khác với truyền thống Nguyên Thuỷ thì ngồi phía dưới ăn cơm chung với cư sĩ. Ăn cơm ngồi đâu, có lẽ không quan trọng lắm đối với một hành giả thực thụ.  Nhưng điều tôi muốn nói, là cách sắp xếp của thiền viện phản ánh phần nào cách nhìn nhận về các Sư, các Thầy tu khác truyền thống Nguyên Thuỷ. Âu đó cũng là một nỗi buồn của riêng tôi, mà có lẽ của nhiều người nữa ! Phật giáo đúng ra là hiện thân của trí huệ và từ bi, là hiện thân của đoàn kết, của hoà hợp, của bao dung, của độ lượng, nhưng đôi khi vì thiếu kiến thức tổng quát hoặc vì một lý do nào đó, nên sự phân phái càng ngày càng rõ, dù rằng có người đã sẵn sàng bỏ những cái nhãn hiệu không quan trọng để thực hiện một lý tưởng chung, nhưng đôi khi cũng không được.

Vào ngày đi khất thực gạo sống do Thiền Lâm Pa-Auk tổ chức, người viết có duyên nói chuyện với một Sư Nguyên Thuỷ Việt Nam ở Mỹ. Trong cuộc trao đổi  ngắn khi đang đứng chờ ban tổ chức sắp xếp mọi việc, chúng tôi trao đổi về các trường thiền ở Miến, nhà Sư ấy mới cầm y chúng tôi (một Sư khác và tôi) mà nói rằng, ở Panditarāma, y này không được mặc, phải xuống hàng cư sĩ hết ! Có lẽ các nhà Sư Khất Sĩ đã từng  tới đó dự định tu mà không thành, cũng đã từng xảy ra trong quá khứ chăng ?

            III. TRƯỜNG THIỀN  MOGOK

Trường thiền này là một trong những trường thiền khá nổi tiếng tại Miến khi HT Thiền Chủ còn sống. Các vị ở Miến nói, đề cập đến thiền viện ở Miến phải kể đến thiền viện Mahāsi , thiền viện Mogok và thiền lâm Pa-Auk.

Hoà thượng kế nghiệp hiện đang giảng dạy tại trường Đại Học Phật Giáo, nhưng vì một lý do nào đó, người ngoại quốc gần như không được đón mời cho lắm, quả là điều đáng tiếc! Chúng tôi nhờ một vài vị gọi điện thoại để hỏi thăm thủ tục và dự định đến xin tu nửa tháng cho biết cách quán lý Duyên Khởi (Paicca-samuppāda) nhưng có lẽ các thủ tục liên hệ đến sở di trú, v.v… còn gặp khó khăn, nên đành chịu !

Khi HT viện chủ còn sinh tiền, Ngài chủ trương dạy cách quán Thập Nhị Nhân Duyên một cách rành rẽ trước, sau mới thiền tập. Đây cũng là một trong những nét đặc thù của trường thiền Miến. Vì ai cũng biết rằng, chính Đức Phật trước lúc thành Vô Thượng Giác nhờ quán lý Thập Nhị Nhân Duyên theo hai chiều thuận nghịch mà thấu suốt và thấy rõ được bản chất của sanh tử như thế nào, làm thế nào nó tiếp diễn và làm thế nào nó bị đoạn diệt, và nhờ đó Ngài trở thành Đấng Tối Thắng giữa chư Thiên và loài người.

Khi HT viên tịch có để lại Xá Lợi gân. Xin đọc Hành Trạng và Các Phép Quán của Hoà Thượng Mogok cũng sẽ được đăng trên trang nhà Buddhismtoday. Tôi mong ước đến thăm thiền viện này một lần trước khi rời đất Miến, nhưng duyên chưa đủ, đành hẹn khi khác vậy.

**************************************

Quả thật, trường thiền nào cũng có cái hay của nó, và bên cạnh đó cũng có những điều có thể không phù hợp với người này hoặc người kia, tuỳ theo trình độ, nhận thức và tu tập của mỗi hành giả mà có cách nhìn khác nhau. Đã là cõi ta bà và với những chúng sanh phàm phu thì những điều bất như ý trong cuộc đời là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu hành giả khéo tu tập, môi trường, tổ chức ở Miến như vậy có lẽ cũng quá đủ để mình an trú mà tu tập rồi.

 


 

[1] Pháp thoại ngày thứ 8, 9 dành cho các thiền sinh khoá tu 10 ngày, hoặc trong một số băng đĩa về Miến Điện.

[2] Điạ chỉ liên hệ: Mahasi Sasana Yeiktha Meditation Centre, Buddha Sasana Nuggaha Organisation, No. 16, Sasana Yeiktha Road, Yangon, 11201, Myanmar. Phone: Tel: 01 541971, 552501; Fax: 289960, 289961. Email: webmaster@mahasi.com; Website: http://mahasi.com.

[3] Xin đọc Hành Trạng và Phương Pháp Thiền Tập của Thiền Sư Mahāsi  Sayādaw cũng đăng trên trang Buddhismtoday.

[4] Muốn biết thêm về cuộc đời, sự nghiệp trước tác, tu tập thiền quán của Ngài Ledi Sayādaw, nên tìm đọc: The Manuals of Buddhism (The Expositions of the Buddha-Dhamma). Sách do Mother Ayeyyarwaddy Publishing House xuất bản tại Yangon năm 2004.

[5] Practical Vipassana, Meditational Excersises, (Rangoon: Buddhasāsanānuggaha  Association, 1978) pp. 13 - 14.

[6] Địa chỉ: Panditarama Meditation Centre, 80-A, Thanlwin Road, Golden Hill Ave, Bahan, Yangon, Myanmar; Tel: (951) 535448, 705525. website: ukonline.co.uk/buddhism/pandita.htm.

[7] Có thể tham khảo: Ngay Trong Kiếp Sống Này,  phần: Các Tầng Thiền Minh Sát, hoặc bản Anh ngữ: In This Very Life, trang 194-195.                                                                 

[8]  Tiếng Anh là Intensive Vipassana Meditation. Các thiền sinh Việt Nam tại Miến dịch là Thiền Quán Tích Cực. Khoá thiền Quán này một năm tổ chức một hai lần. Cách hành trì và cách tổ chức không có gì khác biệt với đời sống tu tập thường nhật tại thiền viện. Chỉ có điều thiền sinh phải tu tập khít khao như thời khoá biểu quy định, HT Thiền Sư lui tới chăm sóc thiền sinh, ban đạo từ, hướng dẫn tổng quát trong những ngày tu ở đó.

[9] Chúng tôi đã tìm những hướng dẫn căn bản tại thiền viện này trên mạng của trang nhà Panditarama.

http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/trungtam_tuthien.htm

 


Vào mạng: 1-5-2006

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang