Thiền sư Hoàng-Bá Hy-Vận
Tâm Thái
Tổ Hoàng Bá giữ một
vai trò rất quan trọng trong lịch sử Thiền Tông vì đệ tử của tổ là tổ Lâm
Tế, người đã sáng lập ra tông Lâm Tế. Muốn hiểu rõ về tông Lâm Tế thì cần
biết rõ về tổ Hoàng Bá là người đã đào tạo tổ Lâm Tế. Tại Trung Hoa, sau
thời Lục Tổ Huệ Năng (638-713) thì Thiền Tông chia làm 5 tông: Lâm Tế, Tào
Ðộng, Quy Nhưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn. Phần lớn các chùa tại Việt Nam
trước đây đều thuộc tông Lâm Tế. Tại Nhật Bản thì hiện nay Zen (Thiền
Tông) chỉ còn hai tông được phát triển mạnh nhất là Lâm Tế (Nhật: Rinzai)
và Tào Ðộng (Nh: Soto).
Sự nghiệp
Tổ Hoàng Bá (?-850)
pháp danh Hy Vận, người tỉnh Phước Kiến. Lúc nhỏ xuất gia và sau này
thường hoằng pháp tại núi Hoàng Bá nên người sau kính trọng chỉ gọi là tổ
Hoàng Bá. Tên Trung Hoa là Huang Po Hsi-yuan, tên Nhật Ōbaku Kiun. Tổ được
người chỉ dẫn đến tham vấn Mã Tổ Ðạo Nhất (709-788) nhưng đến nơi thì Mã
Tổ đã tịch nên sau đó tổ đến theo học Bá Trượng Hoài Hải (724-814). Sau đó
tổ về trụ trì tại chùa Ðại An ở Hồng Châu, đồ chúng đến theo học rất đông.
Ðôi khi tổ đến chùa Khai Nguyên cũng ở Hồng Châu. Tại chùa Khai Nguyên, tổ
có gặp một vị tướng quốc tên Bùi Hưu. Vị này đã xin nhận tổ làm thầy, theo
học tổ rất tích cực và được coi như đã ngộ đạo. Sau này Bùi Hưu đến trấn
Uyển Lăng lập đại Thiền Uyển và thỉnh tổ làm hóa chủ ở đó. Bùi Hưu được
theo hầu tổ nhiều năm, ngày đêm, nên sau này có viết được tài liệu "Truyền
Tâm Pháp Yếu" (năm 858) ghi rất rõ ràng, đầy đủ những lời dạy của tổ. Vì
vừa là một nhân vật có văn hóa cao, vừa là người đã ngộ đạo nên Bùi Hưu đã
để lại cho chúng ta một tác phẩm rất giá trị. Rất ít có tài liệu nào ghi
được đầy đủ và rõ ràng về các lời giảng của các tổ Thiền Tông như cuốn
này. Tuy đó là trái ý các tổ, vì Thiền Tông là 'không lập văn tự', nhưng
lại là điều có ích cho chúng ta.
Tổ tịch năm 850 tại núi Hoàng Bá và được nhà vua sắc phong là Ðoạn Tế
Thiền Sư.
"Truyền Tâm Pháp
Yếu"
Cuốn "Truyền Tâm
Pháp Yếu" của Bùi Hưu, ghi lại những bài giảng, lời dạy của tổ Hoàng Bá và
các mẩu chuyện ngắn về cuộc đời của tổ. John Blofeld đã viết cuốn "The Zen
teaching of Huang Po on the transmission of mind" và cho biết là dịch đầy
đủ từ "Huang Po Ch'uan Hsiu Fa Yao" chứ không phải là trích dịch. Bản dịch
này chia làm hai phần theo sự ghi chép của Bùi Hưu tại hai nơi là Khai
Nguyên và Uyển Lăng. Phần lớn là ghi những câu hỏi của Bùi Hưu, còn lại là
những câu thưa hỏi của các người khác và các bài giảng của tổ. Cũng nên
chú ý là cuốn sách của John Blofeld trình bày rất rõ, chia đoạn, đánh số
nên việc tham khảo dễ dàng. Cuốn "Truyền Tâm Pháp Yếu" đã được HT Thích
Thanh Từ giảng và ghi băng, theo sát tài liệu gốc, nhưng trong khi giảng
thì HT bỏ vài đoạn mà có lẽ cho là không cần thiết. Thiền sư Thích Duy Lực
có viết cuốn "Hoàng Bá Thiền Sư Truyền Tâm Pháp Yếu" và ghi là trích trong
Chỉ Nguyệt Lục của bộ Tục Tạng Kinh, tài liệu đại cương giống như cuốn
sách của John Blofeld.
Bài tựa của Bùi
Hưu
Trong bài tựa của
cuốn "Truyền Tâm Pháp Yếu" ông trình bày pháp Tối thượng thừa mà tổ dạy là
rời văn tự, chỉ truyền dạy Một Tâm, không có pháp gì khác.
"Ðối với người chứng được lý đó thì không có gì là mới/cũ, những ý
niệm về nông/sâu đều không có nghĩa, (tức là không còn chấp hai bên).
Người nói đó không lập nghĩa giải, không lập tông chỉ, không mở cửa ngõ.
Thấy ngay đó là phải, động niệm là trái, nhiên hậu mới là bổn Phật. Cho
nên lời nói kia rất gọn, lý thấy chỉ thẳng, đạo cao vót, hạnh này riêng
biệt". Lời tán tụng này thật là xác đáng.
Những bài giảng
của tổ
Trước khi học về
pháp môn của tổ Hoàng Bá, cũng nên ghi lại là từ khi tổ Bồ Ðề Ðạt Ma
(?-532) từ Ấn Ðộ qua Trung Hoa vào đầu thể kỷ thứ 6 và đặt nền tảng cho
Thiền Tông thì gần 200 năm sau tới Lục Tổ Huệ Năng Thiền Tông mới tạo ra
được pháp tu hành vững chắc, nhưng trong lời dạy vẫn còn dẫn chứng kinh
điển để dẫn dắt đệ tử dần dần tới chỗ "giáo ngoại biệt truyền". Từ sau đời
Lục Tổ thì các tổ thấy rằng các đệ tử đã được thấm nhuần tông chỉ của
Thiền Tông nên các tổ chỉ giảng dạy trực tiếp về Thiền Tông mà không còn
giảng dạy về các kinh điển nữa. Tuy không còn dùng kinh điển để giảng dạy
nhưng các tổ vẫn giữ y được mục đích tu hành của đạo Phật, không như một
số người hiện nay tuy giảng giải kinh điển làu làu mà mục đích lại đi trái
hẳn.
Ngay bài giảng đầu
tiên trong cuốn sách, tổ Hoàng Bá đã rứt khoát: "Chư
Phật với tất cả chúng sanh chỉ là Một Tâm, chẳng có pháp khác. Tâm này từ
vô thủy tới nay không từng sanh, không từng diệt, không xanh, không vàng,
không hình, không tướng, không thuộc có/không, không là mới/cũ, không dài,
không ngắn, không lớn, không nhỏ, vượt qua tất cả hạn lượng, tên gọi, dấu
vết, đối đãi. Thẳng ngay đó là phải, động niệm liền trái. Ví như hư không,
không có giới hạn, không thể đo lường. Chỉ Một Tâm này tức là Phật. Phật
cùng chúng sanh chẳng có sai biệt, chỉ vì chúng sanh chấp tướng bên ngoài,
càng cầu càng lạc lối, đem Phật tìm Phật, dùng tâm mà bắt tâm, mãn đời
cùng kiếp cũng không thể được."
Tâm
Tổ đã chỉ thẳng ngay
mục đích tối hậu của Thiền tông là phải thấy được Một Tâm của chư Phật và
tất cả chúng sanh. Tuy tổ đã căn dặn là Tâm đó vượt ra ngoài 'tên gọi',
nhưng nếu không dùng tên gọi thì không có cách nào để giảng nên phải tạm
gọi là 'Một Tâm'. Danh từ đó thật ra đồng nghĩa với nhiều danh từ khác như
Chân tâm, Bản Tánh, Chân Tánh, Bản lai diện mục .. đều chỉ cái bản thể, tự
tánh của vạn vật, cái bản thể mà không sanh/diệt, không đo lường được,
không hình, tướng, bao la như hư không mà không phải là hư không. Tâm đó
là Phật, đi tìm Phật ngoài Tâm đó là điều tốn công vô ích. Thực là phương
pháp chỉ thẳng, không dùng đường lối quanh co nào khác. Pháp tu đó được
truyền lưu đến nay không thay đổi, là một đặc thái của Thiền tông: "Trực
chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật". Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma cũng đã dạy: "Nếu
muốn tìm Phật hãy cần thấy tánh. Tánh tức là Phật. " Lục Tổ Huệ
Năng đã nói: "Bản tánh là Phật, lìa tánh chẳng có Phật ...
Trí Bát nhã đều từ bản tánh mà sanh, chẳng phải từ bên ngoài vào."
Tổ Hoàng Bá giảng
thêm: "Tâm này là cái tâm mà vô tâm. Lìa tất cả tướng, chúng sanh
cũng như chư Phật chẳng có khác biệt. Hễ được vô tâm thì đến chỗ cứu cánh."
Tâm mà không tâm, có nghĩa tâm mà không còn vọng tâm. Vọng tâm chính là
cái tâm suy nghĩ, tính toán, cái tâm phân biệt: yêu/ghét, phải/trái,
khen/chê .. thường được chúng ta coi là cái "ngã", cái "ta" mà chúng ta
quý trọng và dành cả cuộc đời để nuôi dưỡng. Khi thấy rõ được 'vọng tâm'
và không còn bị nó điều khiển, lôi cuốn thì chân tâm, tức 'tâm vô tâm'
hiện bày.
"Người đời
chẳng ngộ, chỉ nhận 'thấy nghe hiểu biết' (kiến văn giác tri) là tâm mình,
bị 'thấy nghe hiểu biết' che khuất cho nên chẳng thấy cái bản thể tinh
diệu sáng tỏ."
Nhưng tổ e rằng
người đời lại cho rằng như vậy thì phải cắt tuyệt 'thấy nghe hiểu biết',
để tìm Tâm nên giảng thêm: "Bản Tâm thể hiện nơi 'thấy nghe
hiểu biết', nhưng không thuộc 'thấy nghe hiểu biết', mà cũng
không rời 'thấy nghe hiểu biết'. Chớ nên ở 'thấy nghe hiểu
biết' khởi kiến giải, nhưng cũng chớ nên bỏ 'thấy nghe hiểu biết'
đi tìm Tâm." Ðiểm này quan trọng vì có người cho là phải cắt đứt
hẳn 'thấy nghe hiểu biết', hoặc cho rằng càng 'thấy nghe hiểu biết' ít,
thí dụ những người ngu si, thì mới dễ đạt được bản tâm. Chân tâm thể hiện
nơi 'thấy nghe hiểu biết' nhưng không phải cái 'thấy nghe hiểu biết' đó là
chân tâm. Cũng vậy, Chân tâm thể hiện nơi tánh Giác, nhưng cái tánh giác
đó không phải là Chân tâm. Nói tánh giác là chân tâm, Phật tánh ... tức là
chưa phân biệt rõ "thể" và "dụng". Không phải chỉ có cái thể của Giác là
chân tâm, mà cái thể của Mê cũng là chân tâm. Kinh Viên Giác chỉ rõ Giác
cũng là "huyễn", chỉ là phương tiện để giảng cho người huyễn thôi. Bát nhã
Ba la mật đa Tâm kinh cũng dạy là "không có 'vô minh', cũng không có 'hết
vô minh'". Nói một cách khác thì không có mê, cũng không có giác.
Tổ cũng chỉ rõ là
chúng ta vốn sẵn có cái Tâm đó, không phải vì tu hành mới có: "Tâm
này vốn thanh tịnh, chư Phật, Bồ tát, Trời, người cho đến sâu bọ hàm linh
đều cùng một bản thể Phật tánh. Khác nhau chỉ vì vọng tưởng phân biệt tạo
đủ thứ nghiệp." Chúng ta thường quan niệm chỉ đức Phật, các vị Bồ
tát mới có tâm thánh, còn chúng sanh chỉ có tâm phàm, nhưng mẩu đối thoại
sau đã giảng rõ hơn:
"Hỏi: Theo lời
hòa thượng dạy thì Tâm tức Phật; nhưng không rõ Tâm nào là Phật ?
Ðáp: Ngươi có bao nhiêu thứ tâm?
Hỏi: Tâm phàm là Phật hay tâm thánh là Phật?
Ðáp: Ngươi thấy tâm phàm, tâm thánh ở chỗ nào?
Hỏi: Trong các kinh Tam thừa nói có phàm thánh, tại sao hòa thượng lại nói
không?
Ðáp: Trong các kinh Tam thừa nói rõ là các tâm phàm thánh là vọng. Ngươi
không hiểu nên chấp thành có. Tuy không mà cho là thật há chẳng phải vọng
sao? Vì vậy vọng che mất cái Tâm ngươi. Nếu biết buông bỏ, không chấp phàm
thánh thì không có Phật nào khác ngoài Tâm. Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ đến
đã chỉ thẳng Tâm của mọi người là Phật"
Cũng nên để ý là
danh từ phàm/thánh dùng trên là nói về tâm phân biệt, đối đãi, tức cái tâm
thấy hai bên như yêu/ghét, khen/chê, phải/trái, thiện/ác, có/không .. tâm
phân biệt thường dẫn đến vọng tưởng tạo nghiệp. Khi bồ tát Văn Thù Sư Lợi
dấy niệm phân biệt thì liền bị hai núi thép ép lại, đó là câu chuyện tượng
trưng cho tâm phân biệt làm lu mờ trí huệ bát nhã.
Pháp tu
Pháp tu mà tổ Hoàng
Bá chỉ dạy rất là đặc biệt. Tổ chỉ rõ những pháp tu mà chúng ta thường
được nghe thấy đều chỉ mới là phương tiện, tức là tùy căn cơ của mỗi người
mà đức Phật đã chỉ những pháp tu khác nhau. Ngay cả pháp tu của các vị bồ
tát tức là tu theo lục độ mà tổ cũng cho thấy đó cũng chỉ là phương tiện:
"Hỏi: Nếu Tâm
đã vốn là Phật thì còn cần tu lục độ, vạn hạnh không?
Ðáp: Ngộ ở nơi Tâm, chẳng dính dáng với lục độ, vạn hạnh. Những pháp đó
chỉ dùng để giáo hóa chúng sinh trong cuộc sống cõi ta bà. Ngay cả những
danh từ như Bồ đề, Chân như, Thực tướng, Giải thoát, Pháp thân cho đến
Thập địa, Tứ quả, Thánh vị đều thuộc phần giáo hóa, không dính dáng gì đến
tâm Phật, nên trong tất cả các môn hóa độ, tâm Phật là bậc nhất."
"Cho đến tu lục độ, vạn hạnh hoặc tạo phước nhiều như số cát sông Hằng,
thì phải biết vốn đã tự đầy đủ nên các ngươi không phải tu theo như vậy.
Nếu không quả quyết tin Tâm này là Phật mà cứ chấp tướng tu hành để cầu
công dụng đều là vọng tưởng và trái với đạo."
Những lời dạy đó
không phải là có ý nói không cần tu lục độ, vạn hạnh, vì tu như vậy vẫn
được những quả tốt, nhưng chưa đạt tới chỗ cứu cánh. Nếu đã tu lục độ mà
theo được như lời tổ thì mới đúng là tu theo lời Phật dạy, còn đã tự mãn
cho là đủ thì là sai lầm. Tổ thấy rằng tu như vậy là hãy còn"chấp
tướng" vì còn thấy có ngã, có pháp.
"Cho nên nói
"tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức" chỉ là để dạy cho người ngoại đạo tà
kiến. Còn nói Pháp thân là quả tột cùng, cũng chỉ là đối với tam hiền,
thập thánh mà nói. Ðó là Phật muốn đoạn hai thứ ngu, một là vi tế sở tri
ngu, hai là cực vi tế sở tri ngu."
“Hỏi: Nếu như
vậy, chỗ nào là Bồ Đề?
Đáp: Bồ đề
không phải chỗ. Phật cũng không được Bồ Đề, chúng sanh cũng không mất Bồ
Đề, không thể do thân mà được, không thể lấy tâm mà cầu, tất cả chúng sanh
tức là tướng Bồ Đề.
Hỏi: Thế nào
là phát tâm Bồ Đề?
Đáp: Bồ Đề
không sở đắc, nay ông chỉ phát tâm không sở đắc, quyết định không được một
pháp, tức là tâm Bồ Đề. Bồ Đề không có chỗ trụ, thế nên không có đắc, nên
đức Phật nói :”Ta ở nơi Phật Nhiên đăng không có một chút pháp có thể
được, Phật liền thọ ký cho ta”. Biết rõ tất cả chúng sanh vốn là Bồ Đề,
không lẽ lại được Bồ Đề.”
Chúng ta thấy nói
vọng che lấp chân tâm nên lại cố tu tập để trừ vọng. Nhưng như vậy cũng
không đúng nữa:
"Hỏi: Vọng che
lấp tự tâm, nhưng hòa thượng không dạy chúng con cách trừ vọng.
Ðáp: Khởi tâm trừ vọng cũng thành vọng. Vọng không có gốc, chỉ do tâm phân
biệt của các ngươi nên thành có. Nếu các ngươi không còn chấp phàm thánh
thì vọng tự nó chẳng có được. Vậy còn muốn trừ nó để làm gì? "
Các tông khác trong
đạo Phật thường nói là có Ðịnh rồi mới có Huệ, coi như là có hai pháp khác
nhau, nhưng Lục tổ Huệ Năng đã chỉ rõ là Ðịnh, Huệ chỉ là một: "Ðịnh
là thể của Huệ, mà Huệ là dụng của Ðịnh, ngay trong lúc định có huệ, ngay
trong lúc huệ có định, thấu được nghĩa này tức là Ðịnh, Huệ đồng nhau"
(Pháp Bảo Ðàn Kinh, phẩm thứ tư).
Tổ Hoàng Bá dạy : "Những pháp như Ðịnh, Huệ (của các tông khác) trụ
vào thấy, nghe, cảm, biết để được những trạng thái của định và động. Nhưng
đó là những vọng tưởng trụ vào trần cảnh mà thôi, chỉ là phương tiện chỉ
dạy cho những người hạ căn dễ hiểu."
Ngữ lục:
"Suốt ngày
đừng để mọi việc mê hoặc ngươi, nhưng cũng không cần trốn tránh chúng."
”Tâm này là cội nguồn thanh tịnh, Phật và người đều có. Các loài bò, bay,
máy cựa cùng chư Phật, Bồ tát một thể không khác”
“ Cho nên muôn
pháp chỉ là tâm, tâm cũng không thể được, lại cầu cái gì? Người học Bát
Nhã không thấy một pháp có thể được, dứt ý nơi tam thừa, chỉ một chân
thật không thể chứng được. Bảo là ta hay chứng hay đắc đều là người tăng
thượng mạn.”
“Người học đạo
phần nhiều đối trên giáo pháp mà ngộ, không ở trên tâm pháp mà ngộ tức là
khinh tâm trọng giáo, theo hình tướng mà quên bản tâm.”
“Người thời
nay chỉ muốn được biết nhiều, hiểu rộng, không biết là biết nhiều, hiểu
rộng trở thành bít lấp. ‘Chỉ cần biết nhiều' cũng sánh với trẻ con ăn tô,
ăn sữa, trọn không biết tiêu cùng chẳng tiêu. Người học đạo tam thừa đều
giống như thế, chung gọi là ăn không tiêu. Nên nói “hiểu biết nhiều không
tiêu đều là thuốc độc”
"Hãy coi mỗi
niệm như hư không, như khúc gỗ mục, như tảng đá, như tro lạnh khi lửa
tắt."
"Cúng dường mười phương chư Phật không bằng cúng dường một đạo nhân vô
tâm. Tại sao? Người vô tâm là người bất cứ thế nào cũng không có tâm
vọng."
"Tâm này là Phật. Người học đạo không ngộ được tâm thể này, cứ ở nơi tâm
sanh tâm, hướng bên ngoài tìm Phật, chỉ biết chấp tướng tu hành, đều là
pháp tà, chẳng phải đạo Bồ đề."
"Kẻ cầu 'thấy biết' thì rất nhiều, kẻ ngộ đạo thì rất ít."
"Khi một niệm khởi lên mà ngươi biết nó là mộng là huyễn thì ngươi cũng
như các đức Phật quá khứ .. Ðiều cần nhất là khi niệm niệm nối tiếp nhau
thì chớ có trụ vào niệm nào hết .. Cái thức huyễn hóa của ngươi, ngươi làm
sao tính muốn đoạn dứt nó .. pháp tánh tự nó như vậy .. lấy chẳng được, bỏ
cũng chẳng được."
Tổ Hoàng Bá đặt
trọng tâm pháp tu là ngộ được "Một Tâm", tức Chân tâm, Phật tánh, Chân
tánh .. Không ngộ được Tâm này mà cứ chấp tướng để tu hành thì chẳng phải
là đạo Bồ đề. Muốn ngộ được Tâm này thì cần "vô tâm", tức không có tâm
vọng. "Cúng dường mười phương chư Phật không bằng cúng dường một đạo
nhân vô tâm". Tổ cũng nói: "Phật nói tất cả các pháp để độ
tất cả tâm, ta không tất cả tâm, đâu cần tất cả pháp." Như vậy
pháp tu của tổ nhằm trước hết là phải thấy rõ Tâm của mình, tức chân tâm
chứ không phải cái vọng tâm thường suy nghĩ, tính toán, phân biệt. Khi nào
tu đến được chỗ vô tâm, tức không còn bị cái vọng tâm chi phối, lôi cuốn
nữa thì mới thành quả.
Tài liệu trích dẫn:
- The Zen teaching of Huang Po - on the transmission of mind. John Blofeld
dịch.
- Truyền tâm pháp yếu, HT Thích duy Lực dịch.
- Truyền tâm pháp yếu, HT Thích thanh Từ dịch, giảng..
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/ts_HoangBa.htm