- VÔ MÔN QUAN
-
無門関
- Chữ Vô của Phương Đông
- Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
- Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
- Bản Thảo - 2009 -
Tựa của Tập Am[1]
序:習庵
Nếu bảo lối vào đạo Phật không có cửa
thì người trên đời ai vào mà chẳng được. Còn như bảo muốn vào đạo bắt
buộc phải qua cửa thì chả có anh chàng nào muốn bỏ nhà đi tu !Nếu Tập Am
tôi cố tình thêm thắt mấy lời cước chú nơi đây thì chẳng khác nào đội
thêm một lần nón cho người đã đội nón. Tôi hò reo tán dương nó đấy nhưng
việc thật khó khăn như muốn vắt lấy nước từ bó lá tre khô. Quyển sách
này tựa như món đồ đưa ra để phỉnh trẻ con, nếu có đem vứt đi chắc không
oan. Xin chớ để lọt một chữ nào của bài tựa ra cho thiên hạ nhé. Bởi vì
sau khi lời nói đã thốt ra thì dù có ngựa thiên lý như Ô Chuy cũng khó
lòng bắt lại.
Ngày 30 tháng 7 năm Thiệu Định cải nguyên
(1228)
Tập Am Trần Huân đề.
[1]
Tập Am là hiệu của Trần Huân (1197-1241) tiểu truyện có ghi lại
trong nhiều sách kể cả Tống Sử. Ông đỗ tiến sĩ trong năm Gia Định
(1208-1224) đời Cảnh Tông, làm đến chức Thái Thường Bác Sĩ, Xu Mật
Viện Biên Tu, Quốc Tử Tư Nghiệp.
Lời tâu của Huệ Khai
表文:慧開
Mùng năm tháng giêng năm Thiệu Định thứ hai (1229)
này, một lần nữa, chúng thần lại được may mắn đón chào thánh đản của
hoàng đế bệ hạ[1].
Bần tăng Huệ Khai, với tư cách là thần dân của ngài, ngày mùng năm tháng
chạp năm ngoái, đã tuyển chọn được 48 câu chuyện liên quan đến cơ duyên
của Phật tổ, và theo chỗ hiểu biết của mình, thêm vào lời giải thích cho
từng truyện một rồi đem đi in, những mong làm một món quà để chúc hoàng
đế bệ hạ long thể an thái.
Nguyện cầu trí tuệ của hoàng đế bệ hạ sáng mãi như nhật
nguyệt, sống lâu vô hạn, cùng với thiên địa tuần hoàn, để cho sinh linh
trong tám cõi được ngợi ca thánh đạo và toàn thế giới được cảm hóa bởi
ân đức của ngài.
Sư truyền pháp, hạ thần là tăng Huệ Khai, nguyên
trụ trì Công Đức Báo Ân Hựu Từ Thiền Tự, được xây lên để báo đền công
đức của Từ Ý Hoàng Hậu[2],
cẩn tấu.
[1]
Tức sinh nhật của Tống Lý Tông.
[2]
Tức mẹ ruột của Tống Lý Tông. Để cúng dường cho bà ,
nhà vua đã xây chùa này nên nó mới có tên là Công Đức Báo Ân Tự.
Lời Tựa Thiền Tông
Vô Môn Quan của Huệ Khai
序:慧開
Chư Phật dạy cái tâm thanh tĩnh mới là trọng yếu[1]
còn pháp môn thì không cần cửa cũng có thể vào. Thế
nhưng, nếu không có cửa, làm sao đi xuyên qua. Còn “theo cửa mà vào được
thì đâu biết của nhà là quí”. Há không thấy “Cái gì nhờ duyên mà đạt
được đều có lúc bắt đầu và lúc chấm dứt, khi sinh thành khi hủy hoại”,
hay sao?
Những câu chuyện về Phật tổ mà tôi thu thập ở đây
cũng vậy. Chúng giống như làm cái việc không có gió mà muốn dậy sóng, da
thịt đang lành lại đi rạch vết thương[2].
Huống chi bám đuôi văn tự hòng lý giải một điều gì thì chẳng khác gì
hươi hèo đập mặt trăng hay gãi ngứa ngoài giày. Như thế thì làm sao tìm
đến chân lý được.
Huệ Khai tôi nhân mùa an cư năm Thiệu Định nguyên
niên (Mậu Tý 1228), đến chỉ đạo việc học tập cho tăng chúng ở chùa Long
Tường huyện Đông Gia. Người theo học tùy theo trình độ tu tập đã đặt ra
những câu hỏi cho trường hợp cá biệt của mình. Nhân đó, tôi mới lấy công
án[3]
của người xưa trao cho họ như viên ngói dùng để gõ
cửa[4]
và tùy theo căn cơ của mỗi người mà hướng dẫn. Trong
khi tuyển chọn để ghi chép lại, chẳng ngờ đúc kết được một tập. Trước
vẫn không chủ tâm sắp xếp theo thứ tự nào cả, toàn thể cộng lại được 48
bài tập (tắc), đặt cho nó cái tên Vô Môn Quan. Nếu có ai thật tâm quyết
ý muốn tu thiền mà không tiếc thân mệnh thì có thể đi thẳng một lèo vào
cánh cửa này. Lúc đó thì có lẽ Đại Lực Quỉ Vương có ba đầu sáu tay như
thái tử Na Tra cũng không thể ngăn cản được. Ngay cả 28 đời Phật Tổ bên
Thiên Trúc[5]
hay 6 đời tổ sư thiền Trung Quốc[6]
nếu vướng phải đường tiến của anh ta, chắc chỉ mong
sao thoát thân toàn mạng. Tuy nhiên, nếu ngần ngừ một chút không chọn
con đường này thì sẽ giống như người nhìn ngựa phi qua song cửa, chỉ
trong một nháy mắt, không còn cơ hội bắt kịp chân lý nữa.
Có lời tụng rằng:
Đại đạo vô môn,
Thiên sa vạn lộ.
Thấu đắc thử quan,
Càn khôn độc bộ.
大 道 無 門
千 差 有 路
透 得 此 關
乾 坤 獨
步
(Đường lớn không cửa,
Trăm vạn lối đi.
Vượt ải này rồi,
Thong dong tùy ý)
[1]
“Phật ngữ tâm”. Câu nói nổi tiếng của Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) khi
thị chúng có chép lại trong ngữ lục của ông. Theo đó tam thế chư
Phật (các Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai) đều dạy người đi
tu phải tự mình giữ cái tâm thanh tĩnh.
[2]
Câu nói thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, chương Vân Môn Văn Yển.
[3]
Nguyên công án có nghĩa là án lệ khi xử kiện, sau có nghĩa là lời
nghị luận đúng đắn của thánh hiền xưa, dùng làm bài tập cho người tu
thiền theo đó mà tự tìm cách giải đáp.
[4]
Ý nói ngói để gõ cửa chân lý. Khi cửa mở ra rồi, ngói thành vô dụng,
chỉ đáng vứt đi.
[5]
Từ Phật Đà đến Đạt Ma.
[6]
Từ Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng.
http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_02.htm