Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Bốn Núi
(Trích chương "bốn núi," dụ cho bốn tướng sinh già bệnh cbết, trong Khóa Hư Lục)
Nguyên tác chữ Hán: Trần Thái Tông
Dịch thơ: Thành Tâm - Phan Khắc Nhượng

 

Bốn chất lớn tạo thành muôn vật,
Thường gọi là bốn đại vốn không;
Còn như năm uẩn chung lồng,
Sắc hành thọ tưởng thức đồng như không.
Từ cái chỗ không hình không tướng,
Mà khởi thành vọng tưởng manh nha,
Vọng thành sắc tướng mới ra,
Sắc hình từ chỗ như là chân không;
Vọng do không, không lồng hiện vọng,
Vọng mê thành sắc tượng khác nhau;
Trái điều nguyên bản từ đầu,
Không sanh không hóa để vào hóa sanh.
Chẳng hóa sanh thì nào sanh hóa,
Sanh hóa lìa chẳng hóa không sanh,
Đã mà có hóa có xanh,
Sanh sanh hóa hóa, hóa sanh hoài hoài.
Hoặc sanh loại ngây ngô, hiền thánh.
Hoặc sanh loài có cánh có lông,
Hoặc loài có vẩy có sừng,
Luôn còn chìm đắm trong vùng bến mê.
Giữa biển khổ lê thê chìm nổi,
Còn mơ màng chưa tỉnh biết chi;
Đã nào tỉnh ngộ biết gì,
Thả tâm mê mải thường đi không về.
Khiến lưu lạc trường kỳ sáu nẻo,
Lên xuống hoài sinh tử quẩn quanh;
Sinh già bệnh chết hoành hành,
Đó là bốn núi đầm mình thương đau.

 

Kệ[1] Bốn Núi

Bốn núi trùng trùng đặc ngát thông,
Tỉnh ngộ thấy rành mọi thứ không.
Mừng được có lừa ba chân cưỡi,
Thúc mạnh qua non thỏa chí hồng.

(Trùng trùng bốn núi đầy thông,
Tỉnh ra muôn một đều không có gì,
Lừa ba chân được mừng ghê,
Ra roi vượt núi về quê nào sờn.)

-oOo-

Núi Thứ Nhất Là Tướng Sinh

Một niệm nổi đã là lầm lạc,
Nhiều mối liền dầy đặc manh nha;
Hình hài huyết mẹ tinh cha,
Mượn đường thai nghén điều hòa âm dương.
Cõi tam tài đường đường đứng giữa,
Trong muôn loài giữ chỗ cao như,
Cho dù kẻ trí người ngu,
Ai người trước đó không từ thai ra.
Ai là kẻ lìa xa trần thế,
Không về nơi ống bễ thợ trời,
Hoặc sinh giữa cảnh trần đời,
Trở thành bậc thánh rạng ngời đức ân.
Hoặc là bạ⣠văn nhân lỗi lạc,
Ngọn bút thần xua giặc an dân,
Hoặc người vũ lược kinh luân,
Đã từng trăm trận ra quân khải hoàn.
Hoặc như thể Phan Lang khi trước,
Hoặc là trang sắc nước nghiêng thành;
Bao người khoe sắc phô danh,
Sang giầu quyền quý đua tranh hơn người.

Nhìn lại kiếp luân hồi trôi nổi,
Đã ai người thoát khỏi tử sanh,
Tướng sanh như tiết xuân lành.,
Cỏ cây tươi tốt yến oanh vang lời.
Hương xuân tỏa đầy trời trong sáng,
Khắp thôn làng hoa thắm liễu xanh;
Bướm bay ong lượn dập dình,
Muôn loài như thể trần tình xuân tươi.

Kệ rằng
Trời đất đúc hun vạn tướng thành,
Không mầm khởi thủy há nha manh;
Chỉ sai không niệm quên thành có,
Nên ngược không sanh phải có sanh.
Vị khiến lưỡi mê hương đắm mũi,
Tiếng làm tai luyến mắt say hình,
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày một xa quê vạn dặm trình.

(Đất trời nhào nặn muôn hình,
Không mầm không mống khai sinh chỗ nào.
Sai là quên để niệm vào,
Không sanh đáng lẽ lại hầu có sanh.
Tai mê tiếng, mắt say hình,
Lưỡi ta đắm vị mũi mình say hương.
Lang thang làm khách phong sương,
Mỗi ngày xa cách cố hương nghìn trùng.)

-oOo-

Núi Thứ Hai Là Tướng Già

Núi thứ hai: Tướng hình già cỗi,
Hình dung nhìn rất đỗi suy vi;
Tuổi già sức yếu cực kỳ,
Uống thì nước sặc, ăn thì nghẹn thay.
Xưa tóc xanh hây hây má đỏ,
Nay tóc sương lỗ chỗ da mồi;
Áo hoa gậy trúc xưa ngồi,
Nay thì xe cói tay thời gậy đi;
Xưa dẫu mắt lưu ly chăng nữa,
Nay xem ra chẳng rõ sự gì,
Thính tai Sư Khoáng đương thì,
Về già muôn tiếng có chi rõ ràng,
Nhìn vóc dáng muôn vàn suy yếu,
Chẳng khác nào cành liễu lơ thơ,
Dung nhan tiều tụy cơ hồ,
Bông hoa héo úa đến giờ tàn xuân.
Bóng ngả dần về tây sắp tắt,
Dòng nước gần ra tắp biển đông;
Tướng già muôn loại khắp cùng,
So vào tiết hạ nấu nung khác nào.
Trời oi bức nắng hầu đá chẩy,
Vạn vật dường khô cháy nắng chang;
Nắng như vàng nhão đá tan,
Nước sông khô cạn hoa tàn liễu phai.

Nước kinh rạch đã bày khô hạn,
Thấp thoáng ngoài bướm lượn oanh bay.
Cỏ cây sắc lá vàng phai,
Lá vàng khô héo đợi giây lìa cành.

Kệ rằng
Đời người bèo bọt thật mong manh,
Thọ yểu xưa nay há tự mình.
Bóng ngả ngọn dâu vừa xế nắng,
Thân như bồ liễu trải thu thanh.
Phan lang ngày trước đầu xanh mướt,
Lã vọng đương thời tóc trắng tinh;
Cuồn cuộn sự đời nào đoái tưởng,
Trời chiều nước đổ xuống đông nhanh.

(Đời người bèo bọt mong manh,
Sống lâu chết yểu do mình được đâu.
Chiều tà bóng xế nương dâu,
Thân như bồ liễu hoen màu thu sang.
Tóc xanh ngày trước Phan Lang,
Đương thời Lã vọng lo toan bạc đầu.
Việc đời nào trở lại đâu,
Trời tây bóng ngả nước hầu xuôi đông)

-oOo-

Núi Thứ Ba Là Tướng Bệnh

Núi thứ ba đó là tướng bệnh,
Tuổi già nên bệnh hoạn khó trừ,
Chân tay rời rã mỏi nhừ,
Máu suy mạnh lạc cơ hồ khó thông.
Xương lỏng lẻo khó lòng đi đứng,
Nóng lạnh gì người cũng cảm ngay,
Mất đi linh hoạt trước đây,
Mọi nguồn điều xướng lệch sai cả rồi.
Tính mạng tựa đèn soi trước gió,
Sắc thân dường bọt bóng trên sông;
Hình ma bóng quỷ chập chờn,
Lập lòe đom đóm chuồn chuồn mắt ra.
Thân xác đã thật là yếu ớt,
Dù Hoa Đà, Biển Thước cao tay;
Dù cho thày giỏi thuốc hay,
Dễ mà cứu thoát thân này được đâu.
Bạn thân thích tâm giao thăm hỏi,
Nâng đỡ phiền nông nỗi anh em;
Lắm khi suốt tháng bệnh liền,
Hàng tuần liệt chếu nào thuyên giảm gì.
Tướng bệnh ấy khác chi thu lại,
Gặp phải khi sương lạnh buốt người;
Cỏ cây khô héo rã rời,
Chỉ cơn gió nhẹ tả tơi lá vàng.
Trước rừng núi muôn ngàn hoa lá,
Nay hoang tàn rời rã xác xơ;
Non xanh núi biếc ai ngờ,
Nay thành trơ trụi hoang sơ cả rồi.

Kệ rằng
Âm dương tội phúc vẫn xoay vần,
Gieo rắc đau thương lại khách trần.
Đã biết có thân là có bệnh,
Nếu mà không bệnh chắc không thân.
Trường sinh há cậy vào linh dược,
Bất tử đừng mong ở thuốc thần,
Hãy nguyện đường ma đừng vướng phải,
Quay đầu về lại tỏ ‘thiên chân.’

(Âm dương tội phúc xoay vần,
Tang thương chi để khách trần đớn đau.
Có thân là có bệnh vào,
Không thân không bệnh đã nào có ai.
Sống lâu há cậy thuốc tài,
Ai người bất tử nhờ bày linh đơn.
Nguyện xa cảnh giới ma vương,
Hồi tâm hướng lại ‘thiên chân’ tỏ tường.)

-oOo-

Núi Thứ Tư Là Tướng Chết

Núi thứ tư đó là tướng chết,
Bệnh tật rồi đến việc trối trăn;
Tuổi đời khó hẹn trăm năm,
Sắc thân như mộng đến lần ra đi.
Dù tâm ý cực kỳ thông suốt,
Cũng không sao tránh được hạn này;
Anh hùng cái thế xưa nay,
Đã nào chống được bi ai vô thường.
Vợ con dẫu cảm thương tha thiết,
Anh em dù thương tiếc vô phương,
Cam đành cách biệt đôi đường,
Vật mình vỗ đất bi thương được à ?
Giờ ruộng đất cửa nhà chi nữa,
Ngọc vàng cầu cất giữ uổng công;
Mồ cao đêm tối mịt mùng,
Mây mù ảm đạm gió lồng vi vu.
Cái tướng chết giống mùa đông rét,
Cửa càn khôn thái tuế khép vòng,
Hiếu huyền nhật nguyệt tụ chung,
Sao âm cực thịnh tập trung đầy trời.
Ngoài mưa lạnh tuyết rơi lả tả,
Khí dương hầu rời rã còn đâu;
Tám dòng công đức bấy lâu,
Trời đông lạnh giá ngõ hầu đóng băng,

Kệ rằng
Bỗng chốc cuồng phong dậy đất trời,
Thuyền chài ông lão tít chơi vơi.
Bốn bề mây nổi che mù mịt,
Bao đợt sóng trào dập tả tơi.
Ào ạt mưa dông tràn khiếp vía,
Ì ầm sấm sét nổ kinh người,
Qua cơn mưa gió trời quang đãng,
Sông lộng trăng đêm lại sáng ngời.

(Đùng đùng giông nổi bụi bay,
Ngư ông say tít thuyền chài lênh đênh.
Bốn bề mù mịt mây đen,
Sóng gào gió rít dậy lên đêm dài.
Ào ào từng chập mưa dầy,
Ầm ì sấm sét inh tai hãi hùng.
Qua mưa trời lại sáng trong,
Vẫn vầng trăng tỏ soi dòng sông đêm.)

 

Bài thơ đút kết Bốn núi
của Phan Khắc Nhượng

Luân hồi sáu nẻo quẩn quanh,
Sinh già bệnh chết hoành hành không ngơi.
Tang thương vật đổi sao dời,
Đời dường bốn núi ai ơi vô thường.

TT. P.K.N

 

Ghi chú
[1] Riêng đối với năm bài kệ, dịch giả Phan Khắc Nhượng đã dịch mỗi bài hai bản, một bản theo thể thơ của nguyên tác và một bản theo thể thơ sáu tám của Việt Nam (Thích Nhật Từ).

 


Cập nhật: 27-4-2000

Trở về mục "Thơ và Nhạc Phật giáo"

Đầu trang