Trang tiếng Anh

    Đạo Phật Ngày Nay

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
Mặc Giang – Thơ 20

01.   Uốn, tan tác, còn chi uốn nữa !

02.   Hỡi Hai Mùa Mưa Nắng !

03.   Bài thơ thứ 6 : Kéo lại vầng thơ

04.   Bài thơ thứ 7 : Gởi Quê Hương

05.   Bài thơ thứ 8 : Gởi Đồng Quê

06.   Bài thơ thứ 9 : Gởi Vùng Sâu

07.   Bài thơ thứ 10 : Gởi Thị Thành

08.   Bài thơ thứ 11 : Gởi Riêng Nhà

09.   Bài thơ thứ 12 : Thăm lại trường xưa

10.   Bài thơ thứ 13 : Thăm Người Nghèo

11.   Bài thơ thứ 14 : Gởi Người Phế Nhân

***

Uốn, Tan Tác, Còn Chi Uốn Nữa !

Tháng 12—2004

 

Uốn chữ nghĩa mòn ba tấc lưỡi

Uốn tình người đè nén lương tri

Uốn mặc tình cứ thế mà đi

Uốn dửng dưng trơ trơ mắt ngó

 

Uốn bão nổi bẻ cong đầu gió

Uốn đau thương hỉ hả tiếng cười

Uốn lương tâm bêu rếu con người

Uốn trục lợi bào mòn nhân thế

 

Uốn nhũng lạm phì thân chẫm chệ

Uốn của công đầy túi vinh gia

Uốn huênh hoang nào cửa nào nhà

Uốn cửa quyền đắp be bề thế

 

Uốn danh lợi tình người không kể

Uốn ô danh đạp dưới đội trên

Uốn cá mè cho giống lền khên 

Uốn phù phiếm mặc ai sống chết

 

Uốn bào ảnh một đời lê lết

Uốn mặt dày múa võ giương oai

Uốn hiền nhân che phủ bên ngoài

Uốn mành thưa đem che mắt thánh

 

Uốn máu nóng biến dần máu lạnh

Uốn trơ gan che mắt con người

Uốn giã tâm vẽ phết tốt tươi

Uốn đã hết một đời chưa đủ

 

Uốn canh tân đắp be củ hũ

Uốn lòng không rỗng đáy sao vừa

Uốn tàn đời dừng lại hay chưa

Uốn tan tác còn chi uốn nữa ???

 ***

Hỡi Hai Mùa Mưa Nắng !

Tháng 12—2004

 

Mưa chi lắm cho mưa rơi xơ xác

Nắng chi nhiều cho nắng đổ điêu tàn

Sao không hòa cho mưa nắng bình an

Hỡi trời đất đọa đày chi nông nỗi

 

Mưa nữa đó, mưa cuồng phong bão thổi

Mưa dầm dề, mưa nước đổ mênh mông

Những vùng cao đã biến mất thành sông

Cho tất cả ngập chìm trong biển nước

 

Mưa nữa đó, mưa ngày đêm, lũ lượt

Nước cuốn trôi còn gì xoáy nữa đâu

Cho dầu dai lại đau khổ dãi dầu

Nước lại trút như nước bè nước lũ

 

Rồi đến nắng, nắng bạo tàn, giận dữ

Đốt xanh tươi, đốt cây cỏ cháy khô

Đốt ruộng nương, đốt sông lạch, ao hồ

Đốt cho cháy những cội cằn, nứt nẻ

 

Nắng nữa đó, nóng kinh hoàng, đổ lửa

Nắng cho thiêu đốt, bốc khói, hà hơi

Nắng cho khô khan, cay nghiệt rã rời

Sao mưa nắng phũ phàng chi, thế nhĩ ! 

 

Mưa ơi mưa, xin mưa rơi ý vị

Nắng ơi nắng, xin nắng đổ hoen vàng

Xin thương cùng cuộc sống của nhân gian

Đừng quá quắt, bạo tàn, nghe mưa nắng

 

Mỗi một năm chỉ hai mùa mưa nắng

Mà năm nào cũng gieo rắc lầm than

Hết hạn hán thì lũ lụt kinh hoàng

Xin thử hỏi, trần gian sao sống nổi ???

 

 ***

Bài Thơ Thứ Sáu :  Kéo Lại Vầng Thơ

Tháng 12—2004

 

Tôi viết tiếp bài thơ thứ sáu

Thất ngôn tứ tuyệt vắng đã lâu

Đến nay mới kéo vầng thơ lại

Biết lấy từ đâu để mở đầu

 

Biết chữ gì mà để mở câu

Ý thơ, không lẽ chảy qua cầu

Tôi xin kiếm lại vầng thơ đã

Thơ ở đâu rồi ai biết đâu

 

Xuôi bước bờ đê xuống cuối dòng

Sợi thơ theo nước cuốn, trôi sông

Ý thơ thấm nước chìm lâu lắm

Tôi vớt lên bờ đợi nắng hong

 

Con nước dùng dằng kéo ý thơ

Sợi dây cột chặt, quấn ngang bờ

Ê mình, con nước băng đi mất

Vãi rớt thơ tôi cách mấy bờ

 

Cảm ơn nước nhé giữ thơ tôi

Dù cách trùng dương khuất núi đồi

Dù có dập vùi bao sóng nước

Nhưng còn lại đó vẫn thơ tôi

 

Mượn bút tôi xin viết mấy lời

Bài thơ thứ sáu mở đầu thôi

Viết gì trong đó chờ xem nhé

Xin tạm biệt nghe, đừng trách tôi !

 

 ***

Bài Thơ Thứ Bảy :  Gởi Quê Hương

Tháng 12—2004

 

Bài thơ thứ bảy gởi quê hương

Xin nhắc nhau để nhớ để thương

Trên bước trường đời muôn vạn nẻo

Nhưng tình quê ai cũng tơ vương

 

Đã mở đề rồi, phải thế không

Thơ tôi gởi xuống dưới dòng sông

Nên tôi viết lại hồn sông núi

Sông núi muôn đời quyện núi sông

 

Có nước có sông có núi non

Có hương quê gấm vóc vuông tròn

Có tình non nước ngàn năm gọi

Có sử vàng ghi những sắc son

 

Quê hương nay đã được sao rồi

Có khổ nhiều không hay đỡ thôi

Thổ mộ, dốc đồi leo nặng nhọc

Vói bàn tay, nay đắp mai bồi

 

Hãy vá những gì còn rách nát

Hãy xoa cho hết những đau thương

Máu chảy ruột mềm cây rung cội

Dù sao đi nữa cũng quê hương

 

Nhắc đến quê hương nghe xuyến xao

Ra đi, dù có ở phương nào

Một khi nhung nhớ về quê cũ

Là nhớ một trời, nhớ biết bao !

 ***

Bài Thơ Thứ Tám :  Gởi Đồng Quê

Tháng 12—2004

 

Bài thơ thứ tám gởi đồng quê

Đồng thấp ruộng cao lối ngõ về

Thoang thoảng hương thơm mùi lúa mạ

Dân quê đầm ấm vẹn câu thề

 

Có những cây cầu nối lối đi

Cầu tre cầu khỉ hay cầu gì

Lại qua, có nhớ về nơi ấy

Lỡ bước bên đường lỡ bước đi

 

Mùa gặt thôn trang lắm rộn ràng

Hỡi ai gánh lúa mới băng ngang

Đường xa có nặng đôi vai gánh

Quảy bớt dùm cho một đoạn đàng

 

Hỏi bác nông phu có mấy lời

Một đời lam lũ giọt đầy vơi

Cháu con có giúp dùm cho bác

Đỡ được chút nào hay chút thôi

 

Xin hỏi thăm em bé mục đồng

Quê nghèo, em có học hành không

Nhớ xin cha mẹ cho đi học

Kẻo dốt, mai nầy, tội biết hông !

 

Cho tôi nhớ lại mái lều tranh

Của những ngày xưa sống đẹp lành

Dù đã xa rồi tôi vẫn nhớ

Cái thời thơ ấu, tuổi còn xanh.

 ***

Bài Thơ Thứ Chín : Gởi Vùng Sâu

Tháng 12—2004

 

Bài thơ thứ chín gởi vùng sâu

Cuộc sống khổ không, thật dãi dầu

Vách lá nhà tranh xây ọp ẹp

Phong trần vá đủ, chưa qua đâu

 

Tay trắng, sức người tạm dựng nên

Bào mòn lao khổ dễ nào quên

Đêm ngày cực nhọc đong đưa mãi

Từng bước gian truân lắm gập ghềnh

 

Như thế, hôm nay đã đỡ rồi

Thời gian mới đến khổ ôi thôi

Một trời heo hút đèo heo gió

Dở khóc dở cười chớ dễ đâu

 

Lần lượt phát quang từng khoảnh vườn

Rồi bầu rồi bí rồi bờ nương

Thêm cây ăn trái cùng khoai, bắp

Cuộc sống dần dà thấy cũng thương

 

Chung nhau để mở mái trường làng

Gọi lớp tình thương cho nó sang

Chứ thật, mấy cô cùng bọn trẻ

Lưa thưa, bàn ghế chỉ vài hàng

 

Tôi là người sống ở vùng sâu

Thời thế đẩy đưa chớ biết đâu

Khoảnh khoắc dần qua cây cắm rễ

Mai sau, thành cắt rốn chôn nhau

 

Thời tôi hai thế chẳng phôi pha

Con cháu ngày mai bớt đậm đà

Mới biết dòng đời trôi đi mãi

Thì thôi, non nước cũng non nhà !

 ***

Bài Thơ Thứ Mười :  Gởi Thị Thành

Tháng 12—2004

 

Bài thơ thứ mười gởi về đâu

Phố sá công viên rợp sắc màu

Nên gởi về thăm nơi chốn ấy

Xa rồi, dĩ vãng đã chìm sâu

 

Nhớ những con đường tôi đã đi

Ngày xưa quen thuộc chẳng lưu gì

Nhưng khi đánh mất, ngàn xa gọi

Khi tạ từ mới thấm biệt ly

 

Tôi viết vài dòng thăm phố xưa

Đem thương gởi nhớ nói sao vừa

Thời gian thấm thoát trôi đi mãi

Trôi cả ngày về ai biết chưa

 

Hôm nay phố thị ra sao anh

Thay đổi, cố nhiên, thế đã đành

Nếp sống, dân tình còn cao đẹp

Hay cây bay gió, lá bay cành

 

Còn những em thơ bên hè phố

Còn chị gánh gồng bán hàng rong

Còn em bới rác thòng mũi rỏ

Còn cô mới lớn bán hồng son

 

Lại còn lớp trẻ bọc xanh xao

Núp xó hẻm đen thổi mộng đào

Ru giấc thần tiên mờ khói trắng

Khổ thân khổ nước tính làm sao

 

Tôi không bay nhảy những kiêu sa

Đón gió đu cây phớt lụa là

Mà muốn nhìn sâu khu ổ chuột

Nhìn bao rác rưới ngập gần xa

 

Tôi muốn về thăm lại phố xưa

Ngồi yên đâu đó một chiều mưa

Để nghe quạnh quẽ hồn cô lữ

Lệ sử điêu tàn gởi giọt mưa.

 ***

Bài Thơ Mười Một : Gởi Riêng Nhà

Tháng 12—2004

 

Bài thơ mười một gởi riêng nhà

Tôi sẽ hỏi thăm hết cả nhà

Trước hết, xin hỏi ba hỏi mẹ

Rồi sau, mới hỏi đến gần xa

 

Ba đã già rồi, có khỏe không

Mẹ đeo tuổi hạc, đá đeo bông

Đến nay ốm yếu còn chi nữa

Trông được ngày nào thì cứ trông

 

Tóc bạc của ba nhuộm gió sương

Còn kia, tóc trắng, mẹ sầu thương

Trắng treo đủng đỉnh chòm mây bạc

Hết cả cuộc đời, bỡi cháu con

 

Anh đã làm gì để thế ba

Quyền huynh thế phụ ấy là nhà

Anh tay cầm lái em chèo chống

Mới xứng là anh của cả nhà

 

Còn chị làm gì hỡ chị ơi

Hai vai liễu yếu gánh hai nơi

Bên này đã nặng, bên kia nữa

Như mẹ bây giờ đó, chị ơi !

 

Và còn em nữa phải không em

Đừng ỷ làm em mà ẽm èm

Anh chị đi đầu nên vất vả

Làm em phải hiểu mới là em

 

Còn hàng xóm nữa còn bà con

Còn ý tương lân, cho vẹn toàn

Dù có ra sao ta vẫn nhớ

Ân tình nghĩa trọng tấm lòng son.

 ***

      Bài Thơ Mười Hai : Thăm lại trường xưa

           Tháng 12—2004

 

Bài mười hai gởi về trường cũ

Để nhớ ngày xưa dưới mái trường

Bạn bè khi ấy còn đâu đó

Trường cũ đây rồi ai vấn vương

 

Ai về nhớ lại mái trường xưa

Hai buổi sớm chiều dẫu nắng mưa

Nhưng ít mấy khi ta vắng mặt

Học trò hiếu học dễ thương chưa

 

Trường xưa lối cũ đã đi qua

Ai đứng buồn trông những xót xa

Năm tháng tàn phai, mờ dấu tích

Phất phơ chiếc lá cuốn la đà

 

Ngày đó, ai chầm chậm bước đi

Cho ai nhanh bước cứ đi đi

Và ai, ghi vết hằng, lưu dấu

Ghi lại đường đi, ghi những gì

 

Khi học, có người hay đến trước

Khi tan, có người lại về sau

Thời gian cứ thế trôi đi mãi

Nhưng để không gian gợn sắc màu

 

Học xong, kết thúc, phải chia tay
Thuở ấy, nào ai nghĩ, có ngày

Sẽ đến trường xưa nhìn lối cũ

Chìm trong dĩ vãng, thấy hay hay !!! 

  ***

 

      Bài Thơ Mười Ba : Thăm Người Nghèo

 Tháng 12—2004

 

Bài thứ mười ba thăm giới nghèo

Cái nghèo đeo đẳng mãi đeo theo

Tháng năm thỉnh thoảng chưa qua ngặt

Thì hỏi làm chi thoát cái nghèo

 

Vốn nghèo nên sống chẳng ra chi

Thiếu trước hụt sau, khổ nó đì

Thẩm thấu cuộc đời nhiều bất hạnh

Cây sầu dần lớn với cây bi

 

Tôi đã nhìn qua thấy tận tường

Cái nghèo quay quắt khổ không lường

Nào cha nào mẹ nào con cháu

Vá víu từng ngày thật thảm thương

 

Mái tranh chừa lỗ, ngó ông trời

Vách lá chừa khe, đón gió chơi

Cơm cháy phơi khô, dành nấu cháo

Nhà không đóng cửa, chẳng ai dời

 

Tháng năm lui tới, không ai hỏi

Thấp thỏm lân la, chẳng ai mời

Đem bán cái nghèo, không ai gọi

Đem khoe cái thiếu, chẳng ai chơi

 

Cái nghèo cứ thế nó làm reo

Reo suốt một đời đến mốc meo

Đem ném chẳng rơi, quăng chẳng rớt

Biết đâu, lỡ chết, nó còn theo

 

Xin cảm ơn ai hiểu phận nghèo

Đời tôi tệ quá, bạt hơn bèo

Trông qua ngó lại, còn nghe quải

Khú đế như miêu, nó vẫn meo !!!

 ***

Bài Thơ Mười Bốn : Gởi Người Phế Nhân

 Tháng 12—2004

 

Mười bốn, tôi xin gởi phế nhân

Làm sao như thế biết sao lần

Tôi xin han hỏi tình chân thật

Chia xẻ những người không vẹn thân

 

Người nói một thời thuở chiến chinh

Đạn bom đã cướp mất thân hình

Quê hương khói lửa đành cam phận

Cam cả nhân gian chẳng nhớ mình

 

Người thì lại nói lúc thời bình

Giá áo túi cơm, ũi đất, sình

Tấc đất tấc vàng ra trái thúi

Nổ đoành một cái kéo về dinh

 

Người thì tàn tật mới ra đời

Cha mẹ trông qua luống rụng rời

Nhưng đã là con ươm giọt máu

Nên ươm đến cả một đời thôi

 

Người thì tật bịnh phát sinh ra

Lúc trước cũng như ai ấy mà

Đâu biết hôm nay mang bịnh tật

Còn chi đâu nữa mà kêu ca

 

Có người lại bị bỡi thiên tai

Trần thế cớ chi chịu khổ dài

Ách nước tai trời sao tránh khỏi

Đến ai đành chịu, trách chi ai

 

Cuộc đời như thế, hỡ người ơi

Tiếng khóc lại chen lẫn tiếng cười

Thân thể nào ai mà biết được

Khi tàn, đành khổ đến tàn hơi

 

Ai có thương, đời sống phế nhân

Trần thân cho thấu những phong trần

Xót thương cơ cảm, còn thương xót

Cho những người mang kiếp phế nhân !!!

 


Vào mạng: 1-4-2006

Trở về thư mục "Thơ Phật giáo"

Đầu trang