Trang tiếng Anh

    Đạo Phật Ngày Nay

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
Mặc Giang – Thơ 22

     01.  Đổ thành chuyện Ngày xửa, Ngày xưa !

02.  Những nấm mồ không tên tuổi !

03.  Không biết sống, nghĩa là Xuân Đã Chết !

04.  Tìm sự sống, nhưng đi vào cõi chết !

05.  Tôi nhắm mắt, thu mình căn gác nhỏ !

06.  Đất Trời sao lắm phũ phàng !

07.  Tiếng gõ của Thời Gian !

08.  Sám Hồi Đầu

09.  Còn gì nữa, người ơi !

10.  Dấu ấn năm thứ tư, Thế Kỷ !

 

Đổ Thành Chuyện Ngày Xưa Ngày Xửa !

Tháng 12—2004

 

Ai cũng nghe, ít nhiều về cổ tích

Ở nơi đây, xin nhắc chuyện thạch sùng

Tin hay không từ câu chuyện mông lung

Nhưng ai không nghe, tiếng thằn lằn chắt lưỡi ???

Ngồi đâu đó những phút giây rã rượi

Chỉ một mình mình, lạc ngõ cô liêu

Biết đâu, ta sẽ đồng vọng tiếng kêu

Như tiếng thạch sùng, một thuở nào, tiếc nuối !

Tội không, hỡi con thạch sùng mê muội

Nếu chuyện kia là sự thật hiển bày

Để nhà ngươi mãi chắt lưỡi đêm ngày

Tiếc những gì chưa vẹn toàn kiếp trước ?

Này nhé, ta xin chỉ cho ngươi một chước

Nếu hài lòng, ngươi sẽ tự an vui

Có nghe không mà ngươi có vẻ ngậm ngùi

Còn ngậm ngùi, là lòng ngươi chưa thỏa !

Kìa ! Hãy nhìn ngọn đèn kia đang tỏa

Ngươi sống theo ngươi, mà ta sống theo ta

Ngày hôm nay, không phải của hôm qua

Cái đang có, nhưng ngày mai sẽ mất

Mất, không có nghĩa là còn mất

Mà mất nghĩa là, sự đời của chung, không phải của riêng ta

Cho nên khi sống, tạm gọi là nhà

Mà lúc chết, thì ta không còn nữa

Mỗi một kiếp trong một đời chuyên chở

Cứ sống đi, cho trọn, thế là xong

Như ngươi hôm nay, sống được cũng khó lòng

Còn tiếc gì kiếp trước, mà nằm kia chắt lưỡi !!!

Lửa hồng ấm sưởi

Thẩm thấu tâm can

Dù có âm vang

Tiếng kêu như thế

Chứ thạch sùng, đâu tiếc gì, kể lể

Đó chỉ là chuyện cổ tích mà thôi

Để lý giải cho qua, đủ mọi thứ trên đời

Đổ thành chuyện ngày xưa, ngày xửa !!!

 

Những Nấm Mồ Không Tên Tuổi !

Tháng 12—2004

 

Tôi chợt thấy giữa rừng già tiết đọng

Nấm mộ không tên, chôn đã bao lâu

Và chỉ vùi chôn, lấp vội, không sâu

Nên mưa gió đã xói mòn, ló dạng !

Trên tấm áo bị thủng nhiều vết đạn

Có lẽ người này chết không được yên lành

Khi quê hương mịt mù khói lửa chiến tranh

Bom nổ, đạn bay, vô tình xuyên phá

Chiến tranh nào, không trả giá !

Bom đạn nào, không nổ vang !

Khói lửa nào, không điêu tàn !

Thịt xương nào, không tan nát !

Người nằm đó, phong sương mờ gió cát

Hồn phiêu du, lạc lõng bụi mù bay

Cùng những hồn đơn vất vưởng đêm ngày

Chết và vùi lấp, không ai hay biết

Những nấm mồ hoang, kể sao cho xiết

Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu

Từ đồi cao, cho đến hố thẳm, đồng sâu

Chết và lấp vội, lạnh lùng trong khói lửa

Chinh chiến dài, đằng đẵng, còn chi nữa

Nên biết bao người, lấp vội, không tên

Theo thời gian đi vào thế giới lãng quên

Những người thân bặt âm, nên cho rằng mất tích

Có những đêm cô tịch

Chợt nhớ nấm mồ hoang

Lòng thổn thức bàng hoàng

Xin chắp tay khấn nguyện

Người chết âm thầm, không họ không tên, không thân không quyến

Người chết lạnh lùng, chôn vội chôn vàng, không khói không hương

Hồn bơ vơ, lưu lạc chốn thê lương

Đếm cây cỏ bên rừng hoang quạnh quẽ

Quê hương mình biết bao nhiêu những kẻ

Chết nghẹn ngào, và lấp vội ai hay

Uï đất kia, ai biết được đêm ngày

Dần tan biến một hình hài cát bụi

Người chết đi, biết gì không, tiếc nuối

Người chết đi, biết gì không, kêu thương

Nhưng nơi đây, hồn ai đó vấn vương ?

Phảng phất mãi những nấm mồ không tên tuổi !!!

 

Không biết sống, nghĩa là Xuân Đã Chết !

Tháng 12—2004

 

Không ai chờ mà sao xuân vẫn đến

Không ai tiễn mà sao xuân vẫn đi

Thử nhìn xem xuân có nghĩa là gì

Cho xuân đến, xuân đi, xuân tàn, xuân rụng

Trong ước vọng có nghĩa là xuân mộng

Trong tin yêu có nghĩa là xuân mơ

Trong xa xôi có nghĩa là xuân chờ

Trong ngóng trông có nghĩa là xuân đợi

Xuân đang đến cho người người khoe áo mới

Xuân đang về cho ai ai cũng dấu nụ cười khô

Cho cỏ cây, hoa lá đồng hẹn bao giờ

Cùng rực rỡ, khoe muôn màu muôn sắc

Cùng nhau đón khi xuân đang có mặt

Cùng nhau vui khi có sẵn xuân về

Cùng nhau mừng cho ước vẹn xuân thề

Cùng nhau chúc cho thềm xuân tươi đẹp

Thời gian hỡi, lòng xuân đâu có hẹp

Không gian ơi, nụ xuân đâu có tàn

Mỗi một mùa khi tuần tự băng ngang

Thì xuân đến, và xuân còn mãi mãi

Xuân còn đó, xuân đi, xuân trở lại

Cho lá hoa thay màu mới đeo cành

Cho khung trời cùng vần vũ tươi xanh

Cho nhân thế niềm tin yêu hy vọng

Xuân đang đến, gió xuân về lồng lộng

Xuân đang đi, mang hương sắc phai tàn

Cho muôn loài cùng sống cõi trần gian

Biết trân quý, ươm mầm cho nhựa sống

Xuân là xuân, cho thềm xuân hoa mộng

Xuân là xuân, cho xuân thắm hoa cười

Xuân là xuân, cho xuân của mọi người

Không biết sống, nghĩa là xuân đã chết !

 

Tìm sự sống, nhưng đi vào cõi chết !

Tháng 12—2004

 

Người đã chết trên núi thẳm

Người đã chết giữa rừng sâu

Người đã chết ở ven đồi

Người đã chết tận xa xôi

Người đã chết giữa đại dương

Người đã chết dưới biển đông

Người đã chết bỡi chìm xuồng

Người đã chết bỡi bàn tay hải tặc

Tìm đường sống, sao con đường quá đắt

Không những trả bằng bạc tiền

Mà trả bằng cả tánh mạng, hy sinh

Chốn ngàn xa, mờ hương khói lung linh

Hồn câm lặng, giữa mù khơi bát ngát

Dòng thời gian là lâu đài sương bạc

Bến không gian là dinh thự rêu xanh

Đã chìm sâu những tiếng nất, không đành

Tìm sự sống nhưng đi vào cõi chết

Chết dã man, chết lạnh lùng, không dấu vết

Biển há mồm, rừng nuốt trửng, bặt thinh âm

Hàng trăm người, hàng ngàn người, nín âm thầm

Biển với rừng, bắt hai nhịp hắt hiu, làn gió hú

Tôi vẫn nhớ chuyện đã qua, dù đã cũ

Chuyện mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm

Và mờ xa, xa đến những xa xăm

Xa hơn nữa, những con người đã tan biến hình hài, bất hạnh !

Ngày vụt tắt, nghe tiếng chim gãy cánh

Đêm chìm sâu, nghe tiếng dế nỉ non

Ra đi, để rồi biệt tích, chẳng còn

Không một lời vĩnh biệt với người thân ở lại

Bóng đom đóm lập lòe trong đêm tối

Hiu hắt thành lời, ghi nét đau thương

Của người dân tôi, và của quê hương

Chết vào những năm nào, ai quên lãng !

 

Tôi nhắm mắt, thu mình căn gác nhỏ !

Tháng 12—2004

 Tôi nhắm mắt, thu mình căn gác nhỏ !

Để nhìn trông những người sống hẩm hiu

Để nhìn trông những người gìn giữ chắt chiu

Mà cả cuộc đời vẫn nghèo cùng, túng thiếu

Tôi nằm yên, co mình trên manh chiếu

Để thấy những người đói lạnh thiếu ăn

Mò mẫm trên mảnh vườn đất đá cõi cằn

Lăn lóc mãi trong cô cùng ngõ tối

Tôi muốn nhìn bóng đèn mờ le lói

Để thấy những vùng heo hút âm u

Những bản, làng sương gió mịt mù

Sống lây lất như thời xưa hoang dại

Tôi muốn nhìn vào khoảng không tê tái

Để thấy những người xương xẩu bọc da

Thân thể tong teo, bụng chướng đẫy đà

Cùng nheo nhóc trong túp lều bé nhỏ

Tôi nhắm mắt để hình dung cho rõ

Những con người bất hạnh, đáng thương thay

Thế giới văn minh của thời đại hôm nay

Vẫn có nhiều nơi bần cùng, đói nghèo, thất học

Tôi nhắm mắt để nghe trong tiếng khóc

Của những con người mỏi mắt kêu thương

Của những con người trong cảnh thê lương

Thử đến đó, làm sao ta sống nổi

Tôi nhắm mắt và tôi không muốn nói

Bỡi, có làm được gì cho họ hơn đâu

Tôi chỉ xin chia, niềm an ủi thâm sâu

Đến những nơi tận cùng, của những người bất hạnh

Gió khuya về lành lạnh

Bóng tối vẫn chìm sâu

Xin bắc một nhịp cầu

Trên đường xa dịu vợi

Những vùng đói nghèo bao giờ thoát khỏi

Thống khổ cơ cùng, thiếu mặc thiếu ăn

Lòng xót xa còn kéo xuống nặng hoằng

Xin chia xẻ trong tình thương nhân loại.

 

Đất Trời sao lắm phũ phàng !

Mặc Giang * Sáng tác để kêu gọi cứu trợ * 27-12-2004

 

Ngày hăm sáu, tháng mười hai, năm hai ngàn lẻ tư

Bốn ngày cuối năm, tính lại còn dư

Một cơn động đất dậy trời, dưới lòng biển cả

Động đất ngay trên đất liền, đã nhiều tai họa

Động đất dưới lòng biển cả, mới tá hỏa tam tinh

Biến thành trận hồng thủy, giận dữ cựa mình

Trào biển động, sóng phủ đầu, tràn ngập

Những vùng ven biển tơi bời, vùi dập

Từ một quốc gia, đến năm bảy quốc gia

Tiếng cứu người, tiếng cứu trợ, tiếng mất tích, khóc la

Tiếng chết chóc, tiếng kêu thương, tiếng kinh hoàng, bão thổi

Rồi gió mưa, rồi nghiêng ngửa, rồi cuốn chìm, trôi nổi

Rồi trào dâng, rồi tan nát, rồi nước xoáy, vỡ bờ

Những thắng cảnh, những phố phường ven biển, đẹp như mơ

Giờ như cơn ác mộng, hoành hành, đổ nát

Từ cơn chấn động trùng khơi xuất phát

Sóng thần dâng tràn ngập Sumatra, Thái Lan

Rồi Nam Dương, Mã Lai, Ấn Độ, Tích Lan

Đâu đâu cũng hoảng hốt, kinh hoàng

Đâu đâu cũng nổi trôi, nghiêng ngửa

Nước đổ trút thì còn chi nói nữa

Nước triều dâng thì đứng ngó, tới đâu

Cứ nhìn kia, nước cuốn, trút, phủ đầu

Ôi ngán ngẫm, hỡi những cơn hồng hồng thủy thủy

Biển giận dữ, bạo tàn hơn ác quỷ

Sóng thần lao, đói khát hơn ác ma

Không những nuốt con người

Mà còn nuốt cả phố sá, cửa nhà

Nuốt tất cả, cuốn trôi vào lòng biển cả

Nuốt không được, thì dập vùi tơi tả

Đổ nát tan tành, thúi rữa tợ thây ma

Trời hỡi trời ! Có nghe tiếng kêu la

Đất hỡi đất ! Khổ con người quá thế

Buồn trông cửa bể

Chỉ thoáng mấy hôm

Biển động căm hờn

Đất trời dậy sóng

Biển hỡi biển ! Hãy dừng cơn biển động

Triều hỡi triều ! Hãy ngưng sóng triều dâng

Con người quá đỗi phong trần

Đất trời quá đỗi, đến ngần thế sao

Thôi cơn sóng cả ba đào

Thôi cơn thịnh nộ, biết bao oán hờn

Còn gì nói nữa thiệt hơn

Tan hoang, đổ nát, sóng cồn đẩy đưa

Còn gì nói nữa nắng mưa

Nhân gian khốn khổ, hay chưa hỡ trời

Thương thay, vật đổi sao dời !

Thương thay, khốn khổ cuộc đời trần gian !

Đất trời sao lắm phũ phàng !!!

 

Tiếng Gõ Của Thời Gian !

Tháng 12—2004

 

Khi xuân đến cho ngàn cây xanh lá

Cây cỏ xinh tươi đâm lộc nẩy chồi

Đến lúc tàn khô, già úa thay ngôi

Vàng rơi rụng, vờn vờn bay lả chả

 

Khi xuân đến, muôn hoa thơm cỏ lạ

Nét mong manh, bừng nở nụ, đơm bông

Vàng đỏ trắng xanh lợt đậm ửng hồng

Rồi xuống sắc chỉ còn màu sậm tím

 

Khi xuân đến, đua vờn, chim bay lượn

Tiếng líu lo, thay nhau hót, chuyền cành

Nắng hoen vàng cho mây trắng trời xanh

Chiều buông xuống, hoàng hôn, về tổ cũ

 

Khi xuân đến, nhân gian cùng nhắn nhủ

Cùng mừng vui, chờ mùa mới xuân sang

Rồi trôi theo chiếc bóng của thời gian

Tuổi trẻ đi qua, tuổi già chồng chất

 

Khi xuân đến, hỏi xuân còn hay mất

Xuân rằng xuân, xuân cứ đến, xuân đi

Tuổi già thêm, già thêm nữa, còn gì

Tay chống gậy, mắt mờ, nhìn lộc thọ

 

Rồi xuân đến, tai lờ, nghe không rõ

Xuân đến rồi, xuân đến nữa, phải không

Ta đã già như gỗ đá trỗ bông

Nghe xuân đến, như cây khô, lay gốc

 

Thế mới biết thời gian là điểm mốc

Ta biết rồi, tiếng gõ của thời gian

Mỗi mùa xuân, cứ như thế băng ngang

Xuân chưa đến, ta đã về nguồn cội !

 

Sám Hồi Đầu !

 

Đệ tử chúng con ngay từ độ

Cõi huyền vi mở cửa sắc không

Đã đeo mang nghiệp dĩ chất chồng

Trôi lăn mãi sáu đường sinh tử

Vì ba độc không ngăn điều dữ

Vì ngã nhơn xa lánh điều lành

Nên mê mờ trí giác tinh anh

Trầm luân mãi đêm dài tăm tối

Đường thánh đức thênh thang không tới

Nẻo chúng sinh nghẽn lối lại về

Mãi hơn thua tranh chấp muôn bề

Gây oan nghiệt đọa đày gian khổ

Nay nhờ được đạo mầu tỏ ngộ

Ban Đức Từ hóa độ mười phương

Chúng con nương đạo lý chơn thường

Chắp tay nguyện trước đài Điều Ngự

Chúng con nguyện xa lìa đường dữ

Chúng con nguyện dứt nẻo vô minh

Đã từ lâu quên mất tánh linh

Xin sám hối hồi đầu bỉ ngạn

Chúng con nguyện đạo vàng tỏa rạng

Hoa Vô Ưu bừng nở nơi nơi

Hoa Từ Bi thơm ngát muôn đời

Cứu chúng sinh trong đường lục đạo

Bồ Tát nguyện, noi gương uyên áo

Bồ Tát hạnh, gìn giữ tinh chuyên

Vận Vô Tâm đi khắp mọi miền

Dụng Diệu Hữu hoằng khai Phật đạo

Chúng con nguyện Mười phương Tam Bảo

Nhủ thùy từ phổ chiếu an bang

Nhủ thâm ân chấn tích trùng quang

Đại Thánh Đức, từ bi gia hộ.

 

Còn Gì Nữa, Người Ơi !

Thơ Nhạc * Mặc Giang—30-12-2004

(Viết để thương người đã chết và thương người còn sống)

 

Người bị chết, cuốn trôi

Người bị chết, chìm sâu

Người bị chết, đâu rồi

Người bị chết, ngoài khơi

Nhìn người chết, tối tăm

Nhìn người chết, bềnh bồng

Nhìn người chết, lạnh lùng

Nhìn người chết, thôi mong

Người người chết, nối theo

Người người chết, như bèo

Người người chết, chéo kèo

Người người chết, cong queo

Tôi hết thấy, và tôi không dám thấy

Tôi hết nghe, và tôi không dám nghe

Người nằm chết, rải như mè

Người nằm chết, chất xe xe

Động đất hỡi, kinh hoàng chi, thế đó

Sóng thần ơi, khủng khiếp chi, thế ni

Coi sự sống, chẳng ra gì

Coi cái chết, chẳng ra chi

Vậy mà, cả nhà tôi đã chết

Vậy mà, hàng ngàn người đã chết

Hàng chục ngàn người cũng đã chết

Chết trôi nổi, lều bều

Chết chất đống, cao nghều

Chết cuồn cuộn, cuốn theo

Sóng nhào tới, rồi bủa vây, cùng khắp

Cuốn ra khơi, rồi lại tấp, vô bờ

Sóng ụp tới, rồi phủ đầu, tràn ngập

Chết hết rồi, vùi đổ nát, xác xơ

Một cái hố, làm mồ, chôn tập thể

Chết rữa hình, ai nhận diện, người thân

Nhiều cái hố, làm mồ, đều như thế

Khóc dậy trời, ai cũng khóc, tiễn chân

Những thi thể, chất dài dài, đống đống

Xác thây người, túm từng bọc, ni lông

Xe ũi đất, xúc liên hồi, đổ xuống

Tay đeo găng, miệng bị mũi, đề phòng

Biển hỡi biển, còn gì không, biển rộng

Sóng hỡi sóng, còn gì không, sóng triều

Tôi còn sống, giữa đời, như ác mộng

Đi giữa đời, ôm tiếng khóc, cô liêu

Từng giờ, rồi từng giờ, đi tới

Từng ngày, rồi từng ngày, đi qua

Tôi hết hơi, đâu còn lên tiếng gọi

Trong mênh mông, tôi là kẻ không nhà

Tôi còn sống, một mình, sao tôi sống

Thôi từ nay, tôi còn lại, được gì

Tôi còn sống, một mình, như chiếc bóng

Thôi từ nay, còn gì nữa, người ơi !!!

 

Dấu Ấn, năm thứ tư Thế Kỷ !

Ngày 01-01-2005 * chuyến bay Brisbane-Melbourne

 

Ấn Độ dương, Ấn Độ dương đã trở thành dấu ấn

Dấu ấn của kinh hoàng

Dấu ấn của hoang tàn

Dấu ấn của bàng hoàng, ngơ ngác

Ấn Độ dương, Ấn Độ dương đã trở thành dấu ấn

Dấu ấn, cả thế giới chấn động

Dấu ấn, cả loài người chấn động

Vào năm thứ tư của thế kỷ hai mươi mốt năm nay

Một năm trước đó, cũng vào ngày này

Động đất tại Iran, đã thảm thương thay

Hơn năm mươi ngàn người, chôn vùi lòng đất

Thì hôm nay, hơn một trăm năm mươi ngàn người

Địa chấn biển sâu, biến thành sóng thần

Nuốt trửng, chết tươi, bầm dập, rồi tung, hất, vào bờ

Hàng hàng xác chết trồi trụt, nhấp nhô, tan nát, vật vờ

Người người tìm kiếm, sững sờ, nghẹn ngào, nín khóc

Ngày thứ nhất, còn hớt ha hớt hãi, chạy ngang chạy dọc

Ngày thứ hai, còn trừ trừ, cộng cộng, nghe ngóng, nắm tin

Ngày thứ ba, không còn biết nữa, ai người, ai ta, ai kẻ là mình

Những ngày sau đó, thì trầm ngâm và đẫn đờ, nhìn cái chết

Cứ nhìn lại những biến cố hãi hùng, gây ra cái chết

Dù nhân tai, thiên tai, bịnh dịch, hay một tai biến nào

Dù chiến tranh, động đất, núi lửa

Hay trên không, dưới đất, vùng thấp, vùng cao

Thì Ấn Độ dương năm nay

Là một trong những biến cố lớn nhất

Trong tích tắc ! Hàng trăm ngàn người, chôn vùi, cùng một lúc

Trong nháy mắt ! Cả làng, cả phố, cả phường, biến mất ngay

Trong khoảnh khoắc ! Cả giòng, cả họ, chỉ còn lại một người sống sót, đắng cay

Quanh miền duyên hải nên thơ, biến thành tàn tích đọa đày

Những tưởng một cõi bình an, nào ngờ trần gian địa ngục

Biển trong xanh, đã trở thành biển đục

Biển muôn đời, trở thành dấu ấn ngàn thu

Biển trùng dương, trở thành trùng tử, ngất ngư

Coi tánh mạng con người, mong manh hơn bèo bọt

Trong cay đắng, để nghe : mềm trái ngọt !

Trong đau thương, để nghe : chín trái sầu !

Trong ê chề, để nghe : nát biển dâu !

Trong nước mắt, để nghe : tình nhân lọai !

Từ cõi chết, không cần chờ Tiếng Gọi

Từ cõi lòng, không cần đợi Tiếng Kêu

Con người ơi, ta hãy biết Thương Nhau

Thương cho thân phận nhỏ nhoi !

Thương cho kiếp sống lạc loài !

Chẳng có nghĩa gì, so với trần gian và vũ trụ !!!

 


Vào mạng: 1-5-2006

Trở về thư mục "Thơ Phật giáo"

Đầu trang