Trang tiếng Anh

    Đạo Phật Ngày Nay

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
Mặc Giang – Thơ 24

   01.                        Vén lau lách, bên bờ rêu sỏi đá

02.                        Này em nhé, cuộc đời là thế đó !

03.                        Thân cát bụi cũng tiêu ma một kiếp !

04.                        Tôi không vẽ một khung trời thơ mộng

05.                        Đời ta, từ đó vậy mà !

06.                        Ba mươi năm lịch sử trôi dòng

07.                        Ba mươi năm rồi đó !

08.                        Dòng thời gian, em có nghe !

09.                        Nói thì dễ nhưng làm đâu có dễ !

10.                        Nếu một mai có về thăm Quê Mẹ !

11.                        Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng !

 

Vén lau lách, bên bờ rêu sỏi đá !

Tháng 02-2005

 

Vén lau lách để tìm đường vẽ lối

Vạch chông gai để dọ dẫm bước đi

Ở phía trước, cả khung trời mời gọi

Còn lân la ái ngại để làm gì

 

Chân không bước đến ngày tàn cũng mỏi

Tay không làm cũng yếu lúc già nua

Bóng thời gian dù âm thầm không nói

Nhưng rong rêu cát bụi ngọn gió lùa

 

Kìa sỏi đá đã phô bày ghềnh láng

Nên đường đời nào bằng phẳng riêng ai

Cõi phù thế vốn thiên hình vạn trạng

Nên cuộc đời phải đối diện chông gai

 

Mới sinh ra, đâu hẹn ngày hẹn tháng

Đâu sẵn vinh quang, phú quí, giàu nghèo

Ai chọn bọc điều, hũ đường, chĩnh nếp

Chốn cô cùng, gian khó, để cho ai

 

Mới sinh ra, tự riêng mình độc đạo

Nẻo đi về vẽ theo lối rêu xanh

“Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”

Dù ra sao, cũng cây cỏ ngậm vành

 

Có tiểu nhân mới biết người quân tử

Có thấp hèn mới rõ mặt trượng phu

Hướng tương lai, nhìn hôm nay, quá khứ

Muốn thanh cao thì phải thoát âm u

 

Đã sinh ra thì ai ai cũng sống

Đều cùng chung một kiếp cõi diêm phù

Nhưng phải sống và cho đời hy vọng

Chứ đừng đem băng giá rải hoang vu

 

Vén lau lách bên bờ rêu sỏi đá

Vạch cho đời soi rọi những tấm gương

Sống và chết có nghĩa gì đâu tá

Đều tan hoang theo khúc nhạc nghê thường.

 

 

Này em nhé, cuộc đời là thế đó !

Tháng 02-2005

 

Này em nhé, cuộc đời là thế đó

Chốn trần gian đâu phải cõi Thiên Đàng

Làm con người cùng trong kiếp nhân gian

Thì phải sống làm sao cho ý nghĩa

 

Này em nhé, cuộc đời là thế đó

Chốn dương trần đâu phải cõi Tây Phương

Làm con người đừng tác tạo đau thương

Mà phải sống làm sao cho hữu ích

 

Này em nhé, cuộc đời là thế đó

Nhưng mỗi người mỗi khác, ai giống ai

Đừng than van, đừng trách cứ, thở dài

Mà biết sống làm sao cho đáng sống

 

Làm muỗi mòng ở đầm lầy nước đọng

Làm cá kình vùng vẫy giữa biển khơi

Làm cánh chim, bay lượn khắp nơi nơi

Làm giun dế, vùi thân nơi ngõ tối

 

Làm vì sao, cuối lưng trời le lói

Làm vầng trăng, sáng tỏa mọi nẻo đường

Hoàng hôn về, nán đợi bóng tà dương

Bình minh hiện, vừng đông bừng tỏ rạng

 

Này em nhé, cuộc đời là thế đó

Cứ an vui và sống trọn cuộc đời

Bãi phù sa nên cát lở đất bồi

Dòng tạo hóa đã bày trò hư huyễn

 

Này em nhé, cuộc đời là thế đó

Đã sinh ra thì chấp nhận, thế thôi

Em ra sao, băng giá cũng lên ngôi

Em chẳng ra sao, núi đồi cùng lộng gió

 

Này em nhé, cuộc đời là thế đó

Viết cho tôi, cũng để viết cho em

Rồi mai kia ta cùng bước xuống thềm

Đời như thế, và đời như thế đó !!!

 

Thân cát bụi, cũng tiêu ma một kiếp !

Tháng 02-2005

 

Ta đang sống, nghĩa là ta chưa chết

Sống chẳng ra chi mà sống thật lạ kỳ

Sống chẳng nghĩa gì mà sống cái chi chi

Hết đi đứng, loay hoay, thì lại ăn với ngủ

 

Mới thức dậy, còn gật gù, chưa đủ

Muốn đi nằm, nhưng lại kiếm cái ăn

Chuyện nọ chuyện kia chưa kịp lăng xăng

Đã phát mệt lại đòi đi ngủ tiếp

 

Ngủ như chết, thần ngủ theo không kịp

Khi thức ra, mới biết sống nhăn răng

Chưa làm gì đã nhớ đến cái ăn

Mới ăn xong lại nằm lăn ra ngủ

 

Ăn với ngủ, còn xưa hơn tích cũ

Mấy mươi năm, vậy mà kén chọn hoài

Vô bữa trước, đã trả bữa sau thôi

Vậy mà nghe, cứ đòi ăn đủ thứ

 

Có những bữa ních no nê, ứ nự

Thở không ra, ôm bụng, thật là ngu

Ngày hôm sau, cái miệng đã chu chu

Từ sáng giờ, chưa ăn gì, đói phát khùng lên được

 

Ta mách trước con người ta mấy nước

Để ai trông, đừng cảm thấy nực cười

Cái ăn cái ngủ thật lắm dễ ngươi

Nhưng “ăn được ngủ được là tiên” mà nị

 

Ngẫm cuộc đời, nó sao sao ấy nhĩ

Sống loay hoay rồi chết chẳng còn chi

Làm năm ba thứ, ra tích sự gì

Vậy mà than cái nợ đời đau khổ

 

Hết ăn—ngủ, lại nói—cười, hô hố

Chẳng ra trò trống gì, còn trách móc chê bai

Một ngày kia khi nhắm mắt buông tay

Thân cát bụi cũng tiêu ma một kiếp !

 

 

Tôi không vẽ một khung trời thơ mộng !

Tháng 02-2005

 

 

Tôi không vẽ cho em

Một khung trời thơ mộng

Sự thật của cuộc đời

Không bằng phẳng đâu em

Khi như nước hồ thu

Yên lặng gió, êm đềm

Khi như sóng ba đào

Bỗng trào dâng vùi dập

Khi êm ả như đường dài thẳng tắp

Khi chông chênh như hang ổ gập ghềnh

Khi quang đãng như trời rộng thênh thênh

Khi đen đúa như quanh co ngõ tối

Ai cũng có từng con đường đi tới

Tuy cùng đường nhưng chẳng ai giống ai

Phải vượt qua, phải đối diện, dài dài

Mỗi thành bại còn nhờ cơ may mắn

Em sẽ biết bồ hòn nhiều vị đắng

Em sẽ hiểu mật đường, ngọt lịm ra sao

Em sẽ ngạc nhiên, đời gian dối chiêm bao

Em sẽ nhận chân, những tâm hồn chân thật

Ai nói trước, đời như thế, trật lất !

Ai bảo rằng, em như thế, nằm mơ !

Mỗi một khoảng đời em, dài ngắn, đẫn đờ

Sống với nó, chưa biết sẽ ra sao

Mà muốn vượt qua, cơ hồ hết thở

Em sẽ đi, qua ngưỡng cửa trần ai, gian khổ

Em sẽ đi, qua những lối nhân gian, đủ màu

Rồi em sẽ hiểu cuộc đời, càng thấm càng đau

Và em sẽ thuơng cuộc đời, những gì chưa ước vẹn.

 

Đời ta, từ đó, vậy mà !

Tháng 02-2005

 

Ta xin mở cửa ngàn xa

Để xem hình bóng của ta nơi nào

Ta xin nhặt những hư hao

Để xem dấu vết hôm nào ở đâu

Ta xin kết lại nương dâu

Để xem tan hợp mấy màu hợp tan

Ta xin vén lớp mây ngàn

Để tìm sao lạc lang thang cuối trời

Cuộc đời như những trò chơi

Mà sao khổ ải cho người trần gian

Cuộc đời như những âm vang

Mà sao réo rắt cung đàn thế nhân

Gió sương mấy lớp phong trần

Biển dâu mấy lớp phù vân đi về

Ta xin giải những cơn mê

Để cho ước hẹn lời thề chưa qua

Ta xin đỡ bóng trăng ngà

Để cho ngấn lá la đà đầu sương

Ta xin rũ bóng nghê thường

Để cho cuộc sống bình thường mà thôi

Dù ta ở tận xa xôi

Hay như tiếng vọng bên đồi hoang vu

Dù ta ở tận mịt mù

Hay như tiếng nhạc thiên thu không lời

Dù xong một kiếp trong đời

Không xong một kiếp của người trần gian

Dù cho một tiếng âm vang

Hay không một tiếng trên đàng ta đi

Rồi ta chẳng hẹn ước gì

Cuộc đời muôn hướng ta đi muôn trùng

Khi nào kết liễu vô chung

Thì ta kết thúc điểm cùng với ta

Đời ta, từ đó, vậy mà !

 

Ba mươi năm, lịch sử trôi dòng  !

Mặc Giang * Thơ Nhạc * Tháng 02-2005

  

Ba mươi năm một kiếp con người

Ba mươi năm vận nước nổi trôi

Ba mươi năm đau khổ một đời

Ba mươi năm không thuở nào nguôi

 

Ba mươi năm lịch sử trôi dòng

Ba mươi năm nào núi nào sông

Ba mươi năm lòng vẫn dặn lòng

Ba mươi năm mong vẫn chờ mong

 

Ba mươi năm non nước Ba Miền

Ba mươi năm nghiệt ngã oan khiên

Ba mươi năm thân thể hao mòn

Ba mươi năm hổ mặt Tổ Tiên

 

Ba mươi năm nào phố nào phường

Ba mươi năm trên khắp quê hương

Ba mươi năm bao nỗi đoạn trường

Ba mươi năm máu lệ tang thương

 

Ba mươi năm dòng giống da vàng

Ba mươi năm tổ quốc Việt Nam

Ba mươi năm thống khổ điêu tàn

Ba mươi năm sao vẫn lầm than

 

Ba mươi năm nhớ thuở huy hoàng

Ba mươi năm nhớ thuở bình mông

Ba mươi năm, rồi đó, vẫn còn

Ba mươi năm, sao nữa, còn vang.

 

 

Ba mươi năm rồi đó !

Mặc Giang * Tháng 02-2005

 

 

Nước trôi dòng ba mươi năm rồi đó

Mười ngàn, chín trăm, năm mươi ngày

Còn tính ra thành phút với thành giây

Quả thật là quãng đường dài thăm thẳm

 

Nước trôi dòng ba mươi năm đằng đẵng

Biết bao đau thương, nước mắt, đắng cay

Biết bao chia tan, gian khổ, đọa đày

Khi nhớ lại, thật hãi hùng, kinh dị

 

Nước trôi dòng ba mươi năm rên rỉ

Bao nhiêu đổi thay, vật đổi, sao dời

Bao nhiêu điêu tàn, vùi dập, tả tơi

Khi quên lãng, khi dâng đầy nỗi nhớ

 

Nước trôi dòng ba mươi năm loang lở

Theo thời gian bao biến chuyển mất còn

Núi lên cao, cao thăm thẳm núi non

Sông xuống thấp, thấp sâu mờ biển cả

 

Ba mươi năm, ba mươi mùa rụng lá

Là bấy nhiêu mùa hạ trắng, đông tàn

Là bấy nhiêu mùa xuân nhớ, ly tan

Trăm phương gởi đàn cháu con nước Việt

 

Hoàng hôn xuống, mười ngàn chiều biền biệt

Bóng đêm về, vây phủ vạn bóng đêm

Lững lờ trôi vào quá khứ, lãng quên

Sông bến cũ gát đầu non, gọi nắng.

  

Dòng thời gian, em có nghe !

Mặc Giang * Tháng 02-2005

  

Dòng thời gian, em có nghe

Ba mươi năm, như nước chảy qua cầu

Non nước này, em có nghe

Ba mươi năm, như bãi biển nương dâu

Non kia, sương trắng phủ đầu

Nước này, bạt hếu rầu rầu tang thương

Ba mươi năm, lắm đoạn trường

Ba mươi năm, những ngấn sương đêm dài

Dòng thời gian, em có nghe

Ba mươi năm, hải giác thiên nhai

Quê hương mình, em có nghe

Ba mươi năm, vẫn miệt mài lầm than

Can qua, lòng dạ nát tan

Bước đi trên những điêu tàn đắng cay

Non kia, ai thấu nỗi này

Nước kia, ai hiểu tỏ bày thiệt hơn

Dòng thời gian, em có nghe

Ba mươi năm nước chảy đá mòn

Dân tộc mình, em có nghe

Ba mươi năm, vẫn sắc son không sờn

Dù cho nước chảy đá mòn

Nhưng non với nước vẫn còn ngàn năm

Dù cho ruột nát tơ tằm

Nước đi nhớ nước, non nằm nhớ non

Nước đi lại chảy về non

Non xanh đứng đợi chờ con nước về

“Nước non nặng một lời thề”

Non non nước nước chưa hề chia xa

Dòng thời gian, em có nghe

Ba mươi năm, đất nước ta

Quê hương mình, em có nghe

Bắc Nam Trung, vẫn là nhà Việt Nam

Chia lìa, ai nỡ, sao cam

Chiêu hồn, lệ sử, xóa tan, sao đành

Ba mươi năm, thời gian trôi nhanh

Mòn thế kỷ, đời người, đâu ngắn

Nước đi mãi vương mùi biển mặn

Non lên cao thấm vị sơn khê

Nước non nào có lỗi thề

Nước đi với nước, non về với non

Nước non nào có mất còn

Non non, nước nước sắc son muôn đời.

Nói thì dễ nhưng làm đâu có dễ !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

 

Nói và làm, cả một trời cách biệt

Nói dễ nghe cũng đã khó lắm rồi

Nói mà làm được, càng khó nữa, ôi thôi

Nói thì dễ nhưng làm đâu có dễ !

 

Như, chí nam nhi vẫy vùng trong bốn bể

Như, nợ tang bồng, cùng trời đất dọc ngang

Như, nữ nhi công dung, ngôn hạnh, đảm đang

Hay, sống thánh thiện mới là người đạo đức

 

Mỗi một điểm làm thước đo lằn mức

Như tấm gương để ngẫm nghĩ dõi soi

Và đôi khi cho đến cả cuộc đời

Có những cái chẳng bao giờ làm được

 

Chuyện nào được hãy tận tâm làm trước

Nhưng trước khi làm, phải lượng thâm sâu

Đừng làm lấy lệ, hay làm đại cho rồi

Và phó mặc, tới đâu hay tới đó

 

Nói và làm, còn trải nhiều gian khó

Nói được và làm được, thế mới hay

Đừng nói suông như gió thoảng mây bay

Không ích lợi, lại còn mang ảo tưởng

 

Vườn thạch thảo, còn có hoa cẩm chướng

Có hướng dương nhìn theo nắng lịch xinh

Nhưng còn kia, lặng lẽ một đóa quỳnh

Trông diễm ảo khi màn đêm buông xuống

 

Cứ làm đi, nụ thời gian nở muộn

Vẫn còn hơn đứng ngó và nói suông

Đá đơm bông trên mảnh đất không vun

Như số không vẽ vời hoa trào lộng.

 

Nếu một mai có về thăm Quê Mẹ!

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

 

Nếu một mai có về thăm quê mẹ

Tôi sẽ đi xem ngõ trước cửa sau

Để nhìn trông nơi cắt rốn chôn nhau

Những gì còn và những gì đã mất !

 

Nếu một mai có về thăm quê mẹ

Tôi sẽ thăm những nấm mộ họ hàng

Xin chân thành khấn nguyện ba nén nhang

Vờn vợn khói, xa rồi, xa xa mãi !

 

Nếu một mai có về thăm quê mẹ

Tôi sẽ đi thăm ngõ vắng đầu thôn

Để lắng nghe những âm vọng nỉ non

Còn đọng lại bên bờ rêu dĩ vãng !

 

Nếu một mai có về thăm quê mẹ

Tôi sẽ đi thăm bến vắng bờ sông

Để nhìn trông bong bóng nước trôi dòng

Còn vương vấn bóng hình xưa tích cũ !

 

Nếu một mai có về thăm quê mẹ

Nhìn mấy hàng cau rũ bóng lưa thưa

Ước gì còn bé nhỏ như ngày xưa

Để không thấm cuộc đời nhiều tan vỡ !

 

Thăm quê mẹ để trông về nỗi nhớ

Và trầm ngâm trong nỗi nhớ tìm quên

Những ngày qua, còn gì nữa, thênh thênh !!!

Những hôm nay, dấu mờ loang cát bụi !!!

 

“Cây muốn lặng,

mà gió chẳng chịu ngừng” !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

 

Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng

Không chủ quan, không thiên vị, lưng chừng

Mà phải luận thế nào cho phải phải !!!

Câu nói đó, người ta thường nói mãi

Biết làm sao phân biệt đúng hay sai

Một khi nghe những lý luận dong dài

Từ đơn sơ, ngày càng thêm phức tạp

Cây muốn lặng đã đến hồi đối đáp

Tiếng đã thành lời, không thấm không đau

Nói mà khi cát đá chưa lên màu

Còn ấm ức bảo rằng cây muốn lặng

Gió hỡi gió, vì đâu thành gió xoắn

Rồi gió trốt, gió trôn, gió dọc, gió ngang

Gió tả tơi, gió vùi dập, bạo tàn

Gió tan tác đất trời tuông thịnh nộ

Rồi cây ngã, cây nghiêng, cây sụp, cây đổ

Gió rung cây, cây rung gió, vì ai ?

Tại cây, tại gió, hay tại cả hai

Hay bỡi có cái này, mới sinh ra cái nọ

Cây có mặt, vươn giữa trời, đẩy gió

Gió trống không, nhưng khởi động, thành hơi

Cứ thế, đẩy-đưa-truy-cản-đàn-hồi

Khi chìm lắng, khi bất thường, hỗn độn

Khi lặng yên, coi chừng, cơn nguy khốn

Bức ép nhiều, tạo sức bật, lớn hơn

Biết nhận nhau, và đối đãi bình thường

Biết nương nhau, và nhường nhau, tốt nhất

Gió nhè nhẹ như cung đàn trổi bậc

Cây rung rung như hoa lá mỉm cười

Cuộc đời mà được như thế : thật đẹp tươi

Nhân gian mà được như thế : hòa điệu sống

Cây đu đưa, nhờ gió kia khởi động

Gió bay bay, nhờ kẽ lá rung cây

Cõi trần gian cùng dung chứa đong đầy

Thì nhân thế sẽ bình yên biết mấy !!!

 


Vào mạng: 1-5-2006

Trở về thư mục "Thơ Phật giáo"

Đầu trang