01.
Đừng khổ nữa, người ơi !
02.
Tình non nước không phai !
03.
Reo bình minh thức dậy !
04.
Bài thơ 21 : Rủ thơ đi chơi !
05.
Bài thơ 22 : Thăm viếng Nhà Thương
06.
Bài thơ 23 : Thăm Nơi Dưỡng Lão
07.
Bài thơ 24 : Thăm Viện Cô Nhi
08.
Bài thơ 25 : Thăm Nơi Giữ Trẻ
09.
Bài thơ 26 : Không bán thơ đâu !
10.
Bài thơ 27 : Thăm Nhà Thương Điên
Đừng khổ nữa
người ơi !
Tháng 03–2005
Đi thăm giáp một vòng
Khắp ba miền đất nước
Viết hai chữ cả nước
Sống đau khổ lầm than
Thành thị đến thôn quê
Bình dân hay văn vật
Viết hai chữ lây lất
Vá víu tháng năm dài
Đi thăm những vùng quê
Thấy một sương hai nắng
Viết hai chữ cay đắng
Đeo đẳng cả cuộc đời
Đi thăm những vùng nghèo
Lưng còng mồ hôi đổ
Viết hai chữ gian khổ
Biết sống làm sao hơn
Đi trên khắp phố phường
Nhìn hàng rong, thúng, rổ
Viết hai chữ tạm bợ
Lây lất sống qua ngày
Đi thăm khu dinh điền
Thấy ruộng vườn nương rẫy
Viết hai chữ phát quải
Khốn khó khép nụ cười.
Đi thăm những vùng cao
Thấy buôn làng thưa thớt
Viết hai chữ xa xót
Người dân tộc buồn không
Đi thăm những vùng sâu
Thấy trẻ em thất học
Viết hai chữ lăn lóc
Chờ đón nẻo tương lai
Đi thăm những thôn làng
Lúa vàng trên đồng nắng
Viết tình sâu nghĩa nặng
Tràn ngập bước đi về
Đi thăm trên dòng sông
Để buồn trông non nước
Viết hai chữ bạc phước
Nên khốn khổ mọi người
Đâu phải một vài nơi
Cả quê hương như thế
Viết hai chữ rơi lệ
Nặng đôi mắt hai bờ
Đâu phải một vài vùng
Cả mọi miền đất nước
Viết hai chữ mong ước
Đừng khổ nữa người ơi !!!
Tình non nước không phai !
Tháng 03–2005
Tôi vẽ một vòng tròn
Loanh hoanh trên mặt đất
Viết hai chữ chật vật
Đau khổ cả một đời
Buồn trông con dã tràng
Xây đời trên bờ cát
Viết hai chữ chua chát
Công khó vẫn hoàn không
Hoàng hôn kéo đêm về
Vẳng nghe tiếng dế nhủi
Viết hai chữ lủi thủi
Trong ngõ tối cuộc đời
Buồn trông con bọ hung
Vùi đầu trong vũng thối
Viết hai chữ le lói
Mang kiếp sống âm u
Buồn trông con thạch sùng
Vắt trần nhà chắt lưỡi
Viết hai chữ rã rượi
Thương tiếc chẳng được gì
Buồn trông con tò vò
Tơ tằm ươm thành kén
Viết hai chữ đè nén
Khúc rẽ của dòng sông
Buồn trông con ve sầu
Ngày hè kêu inh ỏi
Viết hai chữ mệt mỏi
Lột xác vắt vỏ cây
Buồn trông những đêm khuya
Nghe tiếng kêu con quốc
Viết hai chữ còn mất
Để lại tháng ngày qua
Buồn trông bóng cuối chiều
Gió thu về hiu hắt
Viết hai chữ se thắt
Khắc khoải vọng tình quê
Buồn trông những xa xôi
Giữa đôi bờ biền biệt
Viết hai chữ da diết
Gởi cánh én mang về
Buồn trông trên quê hương
Đi giữa lòng đất mẹ
Viết hai chữ khe khẽ
Đánh thức mọi lòng người
Buồn trông vọng núi đồi
Nghe hờn vong sông núi
Viết hai chữ nhắn gởi
Tình non nước không phai.
Reo bình minh thức dậy !
Tháng 03–2005
Tiếng chim hót tinh mơ
Reo bình minh thức dậy
Vạn vật đồng cựa quậy
Đón ngày mới đang về
Tiếng chim hót líu lo
Đánh tan màn đêm tối
Vầng đông vừa le lói
Reo ánh nắng ban mai
Hãy hót nữa đi chim
Hát ca mềm môi ngọt
Thôi rồi những xa xót
Mở cửa đón tương lai
Chim hót nữa đi chim
Cho trời cao đất rộng
Cùng trao nhau hy vọng
Tay nắm lấy bàn tay
Đã nghe rồi chim ơi
Ngày mai trời sẽ sáng
Gian truân gởi ghềnh láng
Đau khổ đã thôi rồi
Cảm ơn nghe tiếng chim
Cả một đời réo gọi
Thôi thời gian mong đợi
Thôi hết những trông chờ
Đời đẹp như giấc mơ
Hãy cùng nhau xây dựng
Kiềng ba chân đứng vững
Tâm lực mới vẹn toàn
Trời chiều kéo hoàng hôn
Chim bay về tổ ấm
Cho gừng cay muối mặn
Hoa trái kết đơm bông
Tình quê khắp mọi miền
Hương quê mùi lúa chín
Khắp quê hương đan kín
Êm ấm mọi lòng người
Hãy trao nhau nụ cười
Tình quê hương muôn thuở
Cho thương về nỗi nhớ
Cho non gởi nước nhà.
Bài thơ hăm mốt: Rủ thơ đi chơi !
Tháng 03—2005
Hổm nay thơ ấy chạy đâu rồi
Tứ tuyệt, này thơ, trở lại chơi
Đừng trách buồn chi, đừng dỗi nhé
Tình thơ còn đó, vẫn đầy vơi
Hổm nay, ta rảo bước đi rong
Chắp cánh thơ bay, đảo mấy vòng
Không đá động gì thơ tứ tuyệt
Trở về cho thõa những chờ mong
Bữa trước gởi lên trên gác trọ
Để ta đỡ xuống, nhẹ vòng tay
Kẻo rớt, thơ rơi, vung lả chả
Mất công lượm lại suốt đêm ngày
Tứ tuyệt nhìn ta mỉm miệng cười
Nụ cười vẫn thế, thật là tươi
Như hoa vừa hé, bừng khoe nụ
Quá chín thơm thơm sắp vẹn mười
Chầm chậm đừng lo ta tính rồi
Từ từ ta sẽ dẫn đi chơi
Lạ quen, quen lạ, quen chi lạ
Thơ đến, thơ đi, thơ rụng rơi
Nơi đây, đã mở bài hăm mốt
Tiếp những hăm hăm tiếp mấy bài
Để viếng từng nơi khi nắm ý
Hôm nay, còn nữa, những ngày mai.
Bài thơ hăm hai :
Thăm viếng nhà thương !
Tháng 03—2005
Cùng ta thăm viếng những nhà thương
Bịnh tật ra sao chật hết giường
Không có một phòng nào trống cả
Nhìn người bịnh tật thấy mà thương
Bịnh viện tư và bịnh viện công
Viện công hầu hết dân nghèo không
Viện tư riêng rẻ dành dân khá
Nhưng bịnh chẳng tư cũng chẳng công
Khi bịnh khi đau chẳng mấy hồi
Một khi mang bịnh khổ thì thôi
Uống ăn không được nằm rên rỉ
Da dẻ xanh xao xương lõm lòi
Ai giới nhà nghèo đến viện công
Cố nhiên ít tổn chỉ đôi đồng
Hàng hàng sắp lớp chờ dài cổ
Khám, trị bình dân, thế cũng xong
Bịnh viện mà sao thiếu thốn cà
Vì ngân sách hụt kiếm đâu ra
Nên y, bác sĩ không nhiều lắm
Bịnh cứ chờ, nhưng phải đợi “ca”
Bịnh gì, đủ thứ bịnh trên đời
Lão ấu nữ nam, đủ hạng người
Mới biết có thân là có bịnh
Chữa mà không kịp chết như chơi
Đã nghe cái tiếng là nhà thương
Thấy tội, nhìn ai thấy cũng thương
Người bịnh mà trông, lòng phát ghét
Thì sao gọi tiếng là nhà thương !!!
Bài thơ hăm ba :
Thăm nơi dưỡng lão !
Tháng 03—2005
Nhà thương dưỡng lão nghĩa là sao
Có nghĩa khi già tuổi đã cao
Phó thác tấm thân nơi dưỡng lão
Người ta chăm sóc, chớ làm sao
Ở nhà, con cháu đâu lo được
Hăm bốn mỗi ngày, đâu chuyện chơi
Lỡ có chuyện gì, ai biết được
Chớ đâu phải chuyện nói khơi khơi
Dưỡng lão luôn luôn đều có người
Cùng nhau sinh hoạt, cùng vui chơi
Khi ăn khi uống cùng giờ giấc
Cùng kể nhau nghe, cùng nói cười
Con cháu lâu lâu mới đến viếng
Hỏi thăm chốc lát cũng đi về
Tuổi già như thế, tạm yên vậy
Phải hiểu, phải thương, đừng trách, chê
Nhìn những người già thấy tội không
Một đời trang trải tấm thân còm
Một đời sức lực tiêu ma cả
Ngồi ngã, đi nghiêng, đứng lại khòm
Mấy chục năm trường nhuộm gió sương
Ngày xưa còn ngắn những con đường
Ngày nay mấy bước đi không nổi
Già cả khi nhìn, ai cũng thương !!!
Bài thơ hăm bốn :
Thăm viện cô nhi !
Tháng 03—2005
Giờ ta thăm viếng viện cô nhi
Nhà trẻ, cô nhi, khác những gì
Hãy cứ đi đi rồi sẽ biết
Nghe lòng sẽ động đức từ bi
Cô nhi, là lúc mới sinh ra
Chẳng biết những ai là mẹ cha
Hoàn cảnh, thế thời, đành đứt ruột
Đành đem giọt máu cho người ta
Cũng có trường hợp cha mẹ chết
Không ai dòng họ, không bà con
Nói thì nói vậy nhưng rất ít
Sự thật, thông thường, có khác hơn
Có em sinh ở những nhà nghèo
Con cái nhóc nheo, lại lỡ đeo
Èo uột một đàn, sao sống nổi
Đành cho đôi đứa, đỡ bèo nhèo
Có những trường hợp gặp rủi ro
Chiều hôm bóng tối kiếp lần mò
Thế trần lỡ dại nên tìm cách
Đẩy của nợ đi cho đỡ lo
Bỗng dưng nghe tiếng khóc oe oe
Con cái nhà ai bỏ vậy hè
Bồng bế lên tay, em mủm mỉm
Em nhìn run rẩy, cựa quo que
Thế nên mới gọi là cô nhi
Tuổi trẻ các em chẳng được gì
Mai mốt lớn lên ôm tủi hận
Khóc thương mình, tứ cố cô nhi !!!
Bài thơ hăm lăm :
Thăm nơi giữ trẻ !
Tháng 03—2005
Ta viếng vào thăm nơi giữ trẻ
Người ta đem gởi, giữ chung nhà
Sáng đưa chiều đón như thông lệ
Thăm chút vui chơi để biết qua
Sáng đến áo quần trông bảnh bao
Chiều về lem luốc trét bôi vào
Nào dơ nào bụi nào son mực
Như thế, mới là trẻ chớ sao
Mới thoảng trông qua thấy cũng vui
Tuổi thơ con trẻ thật vô tư
Nói năng chí chóe không ngưng miệng
Cười cất giòn tan, khóc cũng mùi
Những người giữ trẻ thật hay ghê
Chiều chuộng, răn đe, lẫn vỗ về
Khi sẵn, khi nuông, khi trợn mắt
Khi hừ, khi hậm, khi mân mê
Giỡn chơi cùng trẻ cũng vui, ừ
Chúng nó mà đeo, mệt đứ đừ
Không một phút giây nào vắng lặng
Chỉ người thiên phú, mới nổi, hừ !
Nhìn chung con trẻ thấy thương thương
Có đứa khôi ngô, trông khác thường
Có đứa kèm nhem, trông tội nghiệp
Phước duyên nghiệp báo biết đâu lường
Từ thuở sinh ra đến trưởng thành
Ẵm, bồng, nuôi nấng, dạy, trông, canh
Đường dài hun hút mòn lao khổ
Mong trẻ lớn lên khá trưởng thành ???
Bài thơ hăm sáu :
Không bán thơ đâu !
Tháng 03—2005
Ngày xưa Mặc Tử bán trăng rồi
Lững thững chị Hằng đi dạo chơi
Ủ rũ cây đa mình chú Cuội
Hết nhìn trăng lại ngó xa xôi
Và nữa, Tú Xương đã bán nghèo
Tôi không mua, nó vẫn đeo theo
Buồn buồn, tôi gát lên trên bếp
Bị khói, sặt, ho, biến cái vèo
Công Trứ khi xưa vỗ bụng rau
Còn tôi, cũng đã ngấy từ lâu
Cả đời nhồi nhét đầy rau cỏ
Từ bụng xuống chân ngập tới đầu
Tôi chẳng có gì, bán cái không
Đã không, nên chẳng có đôi đồng
Không ai mua hết, nhìn còn rộng
Đem chất hoài, nhưng vẫn trống không
Nhưng tôi không có bán thơ đâu
Óng ánh sợi thơ gợn sắc màu
Đôi mắt qua thơ, đời tuyệt mỹ
Canh tàn còn đẹp những đêm thâu
Một chữ không cho đừng nói bán
Để tôi đem rải khắp không gian
Thời gian đầy ắp, chờ thêm đã
Bị ứ, nên thơ chảy ngập tràn
Thơ sống cùng tôi cả cuộc đời
Lúc lưng lúc cạn lúc đầy vơi
Khi hờ khi hững khi phiêu lãng
Khép kín trần gian viết mấy lời.
Bài thơ hăm bảy :
Thăm nhà thương điên !
Tháng 03—2005
Giờ đi thăm viếng nhà thương điên
Cuộc sống người điên chẳng có phiền
Hờ hững nhìn đời như huyễn mộng
Lửng lơ bay bổng tựa thần tiên
Phần lớn người điên lớn hết rồi
Nhìn chung tuổi đã quá đôi mươi
Phần đông có lẽ ba, bốn chục
Một ít lão niên, sáu, bảy mười
Anh kia, đứng ngó, chỉ, rồi cười
Anh nọ, nhe răng, mở miệng : ươi . . . !
Còn chị, buồn buồn, tay quạt gió
Còn cô, bẽn lẽn, bảo : ngươi ! ngươi !
Kìa, người lửng thửng, nghêu ngao hát
Đấy, kẻ quơ quơ, khảy tay đàn
Một thế giới cuồng quay rộn rã
Âm thanh hỗn độn lộng vang vang
Tôi thoáng buồn trông hỏi mấy lời
Anh chàng lắt lắt, chỉ : ôi ! ôi !
Còn cô không nói, đưa tay quạt
Hỏi một hồi, tôi chẳng biết tôi
Viếng thăm một chút rồi ra đi
Thế giới người điên thật lạ kỳ
Không biết làm sao mà hiểu nổi
Đi rồi, còn vẳng tiếng : i !!! . . . i !!!
Chào người cai quản một đôi câu
Như thế, hiểu không, ảnh gật đầu
Vì quá quen nên mò đoán ý
Người điên, mà hiểu họ, còn lâu !!! |