Mục Lục
***
Hạn hán bạo tàn
Dịch cúm này, làm hại gà tôi
Tình ca muôn thuở của người Việt Nam
Quê hương nguồn cội
Tiễn một người thân đi vào cõi chết
Tôi là người nông dân
Tôi thương em bé nhà nghèo
Dệt mộng mười đi
Khôn chết, dại chết, biết sống
Cuộc sống xưa nay, quay cười hố hố
Hạn Hán Bạo Tàn !
Mặc Giang * Tháng 02 - 2004. Viết để cảm thương cho
sự sống.
Hạn hán !
Hạn hán, biển cạn sông khô
Hạn hán, nứt nẻ ao hồ
Hạn hán, đồng khô, cỏ cháy
Cá không còn dãy
Tôm không còn nhảy
Cua chẳng thèm bò
Cùng co quắp từng vũng khô, cứng lại
Hạn hán, nực nồng quằn quại
Hạn hán, ra chán vào chường
Hạn hán, chết cháy ruộng nương
Hạn hán, gục đầu cây lá
Lúa chết sớm từ mầm non lá mạ
Mộng lụn tàn từ hạt giống chưa ươn
Trâu bò há mồm dưới rãnh dưới mương
Súc vật đẫn đờ giữa dòng giữa suối
Đàn cò trắng cắm đầu giữa đầm lầy nhả khói
Bầy nai hiền rút cổ trên ghềnh thác cạn queo
Lá xanh khô cuốn đưa vèo
Cây tươi khô vội còn đeo chi cành
Hành tinh xanh, hành tinh xanh
Nóng thiêu, lửa đốt có đành hay không ?
Nóng !
Nóng như lửa đốt
Nóng như than hầm
Nóng cho sức hút ly tâm
Nóng cho thở bồng ra khói
Lớp lớp mồ hôi nhuễ nhoại
Biến thành hơi nước bốc lên
Chìm trong cái nóng cực hình
Vạn vật mở mồm há hốc
Nóng !
Nóng !
Gió thổi, hơi đưa, lửa bốc
Trời yên, như ủ, như hầm
Thân cằn, cốt lõi, da thâm
Đuối sức, tàn hơi, chống chõi
Nào nương, nào rẫy, nào nông nghiệp
nước còn đâu để tưới !
Nào ngô, nào khoai, nào ruộng đồng
đã khô cháy từ lâu !
Ông vẫn trơ trơ, xám ngắt một màu
Giếng đào thêm, hun hút thật sâu
Mạch vẫn yếu, chậm rì
Như sữa khô của mẹ già, kiệt lực
Hạn hán vẫn tung hoành phỉ sức
Cằn khô vẫn thi thố tài năng
Nóng thật kinh hoàng
Nóng thật tàn canh
Mọi sức sống giậm chân đứng ngó !
Hạn hán còn đó
Nóng nực còn đây
Oi bức phủ dày
Bầu trời lộng khói
Vụ này thất mùa
Vụ sau sẽ đói
Những vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa
Quả thật là tội
Sống nương nhờ từ hạt lúa, ngô, khoai
Thêm miếng rau cho từng bữa mặn mòi
Hạn hán đã đốt, đã thiêu, còn chi nữa ???
Những nước giàu còn có phương cứu chữa
Những nước nghèo biết cục cựa ra sao
Xin vĩnh biệt ngươi, không vẫy, không chào
Ngươi hãy biến đi,
cho muôn vật hồi sinh, sống lại !!!
Mỗi mùa hạn hán gây bao thiệt hại
Không lẽ năm nào cũng tái mãi sao
Nơi nọ, nơi kia bấn loạn cào cào
Ngươi cũng phát khờ mà cam đâu được ?
Ngươi cứ nhìn đi, bao nhiêu trận trước
Vậy từ nay, ngươi dừng bước đi nghe
Trời đất, muôn loài cùng sống chở che
Ngươi có thấu lòng ta không nhĩ !!!
Dịch Cúm Này, Làm Hại Gà Tôi
Mặc Giang * Đầu năm Giáp Thân 2004 – Viết cho dịch
cúm gà đang xảy ra.
Đầu năm hai ngàn lẻ tư
Dịch cúm gà dữ thế ư !
Dòng họ gà bị một trận ngất ngư
Trong phút chốc lây lan không tính xuể
Một vài con lẻ tẻ, cần chi kể
Lại lây lan chuồng nọ với chuồng kia
Một con ngáp ngáp, cuộc sống đã lìa
Tràn khắp nơi nơi, làng trên xóm dưới
Con bị nhiễm, gật gù, cúi cúi
Con bị lây, nước bọt nước dãi đầm đìa
Một bầy dúi dúi, túm hết, dụt, lia
Và kia nữa ! Lại nhắm mắt, lờ đờ, không đi, không ngó
Nhà nào năm, mười con, dù tiếc dù thương, nhưng còn
đỡ !
Những hợp tác xã, những trại chăn nuôi, khốn khó vô
cùng
Trắng tay, vỡ nợ, tiêu tùng
Sống thì riêng rẽ, khổ chung thế này
Ông xanh có thấu đắng cay
Lại gieo bao nỗi đọa đày nhân gian
Ông không thấy sao ?
Kia, hàng trăm con, chất đầy bao, ném đó
Nọ, hàng ngàn con, tống xuống lỗ, lấp vùi
Rồi, hàng trăm ngàn con, lên giàn lửa đốt thui
Rồi, hàng triệu con, bấm nút tiêu ma cả
Tội tình chi mà thật kỳ lạ
Kiếp con gà mang nỗi tai ương
Hai chữ gia cầm, dễ mến dễ thương
Nay thì cúm gà, oan khiên ách nạn !!!
Này phận gà ơi ! Ta nói mình nghe !
Gà nòi, gà trống, gà tơ
Gà con, gà mẹ, gà so
Nuôi chẳng tốn nhiều, như của trời cho
Vài thứ dư thừa, quăng ra cũng đủ
Nói là chuồng gà, hơi sang đấy chứ
Nhiều nhà, ngủ ké chuồng bò, chuồng ngựa, chuồng heo
Ngủ đứng trên cây, trên mái, trên kèo
Hay chui rúc trong gầm, trong hang, trong xó
Nếu là trại gà, hợp tác chăn nuôi, thì đỡ !
Nhưng đỡ thì mau lớn, nặng cân
Nào da, nào trứng, nào thịt, nào xương
Làm lợi cho ngành buôn bán doanh thương
Thân gà tôi quát quát, dãy dãy
Rồi cái chết đã tròng, đâu thoát được !
Và phận gà ơi !
Mỗi mờ sáng tinh sương
Chưa rõ nẻo rõ đường
Mình cùng kéo một đàn, tìm ăn, bươi mổ
Dù đói dù no, hay không ai ban bố
Ánh tà dương, phủ trên đồi cây ngọn cỏ
Chạng vạng về, lũ lượt vô ổ vô chuồng
Đêm cho dài ôm mộng bình thường
Mặt trời còn ngái ngủ thèm thuồng
Tôi đã đánh tiếng ò ó o o
Bạn bè cùng đáp o ó o ò
Người nông dân choàng dậy, ních một bụng cho no
Người mua gánh bán bưng, kẻ làm sớm vô chừng
Vươn mình uể oải, dụi mắt, lò mò
Mặt trời hồng phía đông cũng ửng thật to
Khác nẻo cùng đường : đều lo ngày mới
Còn chị gà tôi !
Với một đàn con, ăn chưa no, lo chưa tới
Tôi tìm mồi, cục cục tát, kêu con
Một lũ nhanh chân, chít chít thật giòn
Thi nhau mổ, coi bề ngon dữ lắm
Lỡ có những khi thất thường, tai nạn
Tôi xòe cánh xa bảo bọc một đàn
Chúng lẹ làng chạy vào chui rút, núp, chen
Xem đôi cánh mẹ như bầu trời che chở
Chúng đâu biết rằng, chính tôi cũng sợ
Nếu có cớ sự gì, chưa biết tính sao ?
Chỉ mong rằng, ông thấp ông cao
Đừng sanh chuyện cho mẹ con tôi khốn khổ !!!
Phận gà tôi, đơn sơ như thế đó
Đâu biết khi, bị lên cỗ, lên bàn
Còn nói chi đến những thứ vô can
Cho nặng nhẹ, cái đồ mắc toi, mắc dịch
Nhân thế ơi !
Gà tôi, một loại gia cầm, nào gây xích mích
Vậy mà một trận dịch đã vội lây lan
Một Việt Nam, thành thị thôn quê, cả nước ngập tràn
Đông Nam Á, đã mười mấy quốc gia, hay hơn nữa ?
Bao nhiêu người bị chết, bị lây, chưa thuốc chữa ?
Phận gà tôi, hủy diệt hàng loạt, mấy chục triệu rồi
Kẻ buồn, người lo, khóc đứng, than ngồi
Nhân loại chống phòng, hoang mang, thảng thốt
Nghe nói cụm từ – hát năm en nờ một (H5N1)
Mà cúm người thì – hát ba en nờ hai (H3N2)
Một là một, mà hai là hai
Ba với năm, không thể nối dài
Đừng cọng tác hoặc biến sinh, đâu thể được !!!
Siêu vi ơi, ngươi đừng bày chước
Đừng bày trò, lũ lượt nhiễm sang
Mỗi sinh vật khác nhau, mà dù là họ là hàng
Đừng xỏ, đừng quàng mà gây oan nghiệt
Trận dịch này, gà tôi chịu thiệt
Phát sinh từ gà, chịu diệt mà thôi
Đừng lan sang những gia súc khác loài
Mình chết thì chết,
Nhưng số còn lại, các loài, và nhân gian phải sống
Dịch nhiễm biến động
Chết thật bạo tàn
Chết thật man dại
Làm hại gà tôi
Cúm gà mắc dịch mắc toi
Đừng lây lan nữa tiệt nòi nghe chưa
Dù thương nhưng nói sao vừa
Người nhân gian, vốn đã thừa âu lo
Mai kia còn tiếng ó o
Ó o tiếng gáy mang cho mọi người
Bình minh thức dậy nụ cười
Gia cầm cùng sống với người nhân gian.
Tình Ca Muôn Thuở
Của Người Việt Nam
Mặc Giang * Xuân Giáp Thân 2004
Tôi đứng bên này biển
Anh đứng bên kia bờ
Cách nhau một đại dương
Nhìn biển khơi trùng điệp !
Từng làn sóng, thấp cao hòa nhịp
Dù gần xa, nối tiếp kéo theo
Vừa đẩy vừa xô, rác rưới, bọt bèo
Tấp vào bờ, cho biển lộng
giữa trời xanh mây trắng
Nhìn quê hương, anh nghe nhiều cay đắng
Nhìn cội nguồn, tôi thấm những niềm đau
Sừng sững Trường Sơn thăm thẳm một màu
Mênh mông Thái Bình rạt rào tiếng gọi
Mẹ nằm đó, mắt lệ nhòa, không nói
Cha trầm ngâm, trắng phếu, bạc mái đầu
Đêm phủ đã dài, bóng tối vẫn chìm sâu
Mặt trời còn ngủ, bình minh chưa ló dạng
Kéo mặt trời lên, cho vừng đông tỏ rạng
Đẩy bóng tối đi, cho ánh sáng hiện về
Những con đường quê hương nối nhịp đề huề
Reo khúc nhạc tình ca, lên ngôi lịch sử
Mẹ còn đó, gối đầu tình tự
Cha còn đây, ôm mảnh dư đồ
Biển rộng sông dài, gìn giữ điểm tô
Nguồn cội ngàn xưa, tình non nghĩa nước
Từng thế hệ trao nhau, lần dấn bước
Con đường dài, vang khúc nhạc quê hương
Hoa lá đơm bông trên vạn nẻo đường
Cho Tổ quốc Việt Nam, ngàn năm tươi sáng
Tôi đứng từ nguồn cạn
Anh đứng tận đầu ghềnh
Và những đàn em hụt hẫng, chênh vênh
Khơi nước chảy, cho sông dài biển rộng
Dòng lịch sử còn rung thời tiết đọng
Thuở dựng cờ, khai tổ quốc giang san
Tình non nghĩa nước mênh mang
Như tia nắng rọi trên hàng thùy dương
Anh đi xây đắp nẻo đường
Tôi đi vá lại quê hương rã rời
Em đi môi thắm hoa cười
Tình ca muôn thuở của người Việt Nam.
Quê Hương Nguồn Cội
(Viết cho đàn em mai sau)
Mặc Giang * Xuân Giáp Thân 2004
Em sinh tại quê hương
Tôi sinh vùng đất khách
Dù xa xôi cách biệt
Nhưng là người Việt Nam
Em máu đỏ da vàng
Nhìn tôi đâu có khác
Tóc em đen óng mượt
Tóc tôi chẳng lạ gì
Nhìn nhau nữa xem đi
Lại cùng chung tiếng nói
Cho dù ai có hỏi
Tôi cũng nói Việt Nam
Quê hương tôi ba miền
Bắc Nam Trung một dãi
Trải qua bao thời đại
Dòng lịch sử soi chung
Cùng con cháu Vua Hùng
À, thì ra một cội
Nhìn chữ S cong cong
Sao nghe đau vời vợi
Tôi từng nghe tiếng gọi
Dân tộc Việt yêu thương
Dù xa cách dặm trường
Tình quê hương chỉ một
Em thương chùm khế ngọt
Tôi nhớ một buồng cau
Em nhìn bãi nương dâu
Tôi trông bờ thương hải
Nhớ Sài Gòn bỏ lại
Nhớ Hà Nội xa xưa
Lại nhớ Huế kinh đô
Của một thời vang bóng
Trường Sơn mờ khói lạnh
Lại nhớ đến núi rừng
Thái Bình chim mỏi cánh
Lại nhớ biển trùng khơi
Đứng trên đỉnh chơi vơi
Nghe biển gọi núi đồi
Nghe sông reo bến cũ
Nghe muối mặn bờ môi
Em tựa cửa nhìn tôi
Tôi nhìn em giây lát
Nhớ con chim Lộc Tục
Gieo hạt giống Lạc Hồng
Cùng nhau ra bờ sông
Nhìn nhau trên dòng nước
Ta cùng nhau hiểu được
Ta là người Việt Nam
Em biết việc em làm
Tôi biết đường đi tới
Lá rụng trở về cội
Uống nước phải nhớ nguồn
Em vẽ một vòng tròn
Tôi vẽ một hình vuông
Khép hai chữ vuông tròn
Thành quê hương muôn thuở.
Tiễn Một Người Thân đi Vào Cõi Chết
Mặc Giang * 01-2004
Tôi vào thăm
Người nhìn tôi không nói
Tôi nhìn người không gọi
Người nằm đây nhưng rồi
Ngày mai rồi sẽ không còn
Ngày mai rồi sẽ héo hon xa mờ
Ngày mai tôi đến bên bờ
Dòng sông sinh tử ơ hờ trôi đi
Tìm trong hai chữ từ ly
Tử sinh rũ bóng biệt ly phai màu
Lâu lâu người mở mắt
Cũng chẳng nói năng gì
Chỉ có những gật đầu và lắc đầu
Trong cuộc đời,
Có những cái gật đầu và lắc đầu
Nhưng nó thể hiện một bầu trời !
và một chiều sâu thăm thẳm !
Trong cuộc đời,
Có những điều,
chúng ta không hề biết trước
Có những điều,
chúng ta không hề muốn nó xảy ra
Nhưng nó vẫn đến và vẫn xảy ra
Nhất là những cuộc chia xa
Chia xa vĩnh viễn trong ta không còn
Dù cho lắng đọng tâm hồn
Mờ mờ như cõi hoàng hôn chưa về
Và tôi biết, thôi thế là hết !!!
Không có niềm đau nào,
Bằng niềm đau nhìn người thân đi vào cõi chết !
Không có niềm đau nào,
Nhìn người thoi thóp, mà ta bất lực khoanh tay !
Trời không, trống rỗng chìm mây
Đất không, trống rỗng, đôi tay lạnh lùng
Hiện về một cõi mênh mông
Gởi thân giã huyễn bềnh bồng trôi đi
Tôi không nói năng gì
Chỉ lắng lòng, cầu nguyện
Và gởi niềm lưu luyến
Người ơi, một khi người mất
Người hãy nương theo một cõi đi về !
Phong trần bao độ sơn khê
Tử sinh bao độ cũng về mà thôi
Mây ngàn cất bước lên ngôi
Bụi mờ xin gởi trên đồi phiêu du
Nhớ thương cho mấy, mịt mù !
Nhân gian cho mấy, thiên thu cũng là!
Và tôi nhìn người
Từng hơi thở vào ra
Người vẫn nằm yên, nhắm mắt
Cho đến một phút giây
Không gian vụt tắt
Bóng tối hiện về
Nước mắt tôi chảy ra, dù không khóc
Tiếng khóc không lời
Nhưng là tiếng khóc của tâm can
Nào anh, nào chị, nào em
Và những người thân
Nhìn nhau không khóc
Nhưng nước mắt lưng tròng
Từ nay, thôi thế là xong
Bụi mờ còn đọng trên dòng thời gian
Nguyện người về cõi mây ngàn
Ra đi, về cõi miên man xa mờ
Cuộc đời như một giấc mơ
Gởi thân quán trọ, trôi bờ tử sinh
Nào ân nào nghĩa nào tình
Cho tôi xin giữ bóng hình người đi.
Tôi Là NGƯỜI NÔNG DÂN
Mặc Giang * Tháng 02 - 2004.
Tôi là người nông dân
Chân lấm tay bùn
Ngày hai buổi ra đồng
Mưa nắng tựa như không
Đầu trần hong sương gió
Ruộng với đồng thương thân gắn bó
Cày với bừa gần gũi đồng xanh
Mỗi mùa lên nét tinh anh
Châu ngọc đẩy mầm lúa mạ
Tôi là người nông dân
Từng giọt mồ hôi theo dòng lã chã
Từng nét chai lì, bảo bọc tay chân
Mắt cằn khô, chất chứa gian truân
Da sạm nắng, phủ dày cát bụi
Mỗi sáng tinh mơ, đồng sâu lầm lũi
Mỗi lúc đứng trời, đánh giấc gốc cây
Mỗi xế chiều thêm vài khoảnh ruộng cày
Màn đêm buông xuống, lùa trâu bò về nghỉ
Tôi là người nông dân
Sức lực chưa mòn, bền bỉ
Cày cho đất nẻ bung lên
Bừa cho cục hòn nhỏ lại
Những luống cày khép nếp thanh lương
Những nét bừa chải chuốt yêu thương
Hạt giống ra tay vung vãi
Tôi là người nông dân
Cuộc sống an lành
Cần cù bương chải
Tri túc tri nhàn
Xa nỗi hơn thua
Ngày tháng đến đi như từng vụ ngày mùa
Một nắng hai sương, mưa thuận gió hòa
Là biết được giọt mồ hôi xứng đáng
Lúa đã gieo trên đồng cạn
Mạ đã cấy dưới đồng sâu
Đôi tay sần sũi dãi dầu
Thân còng trải dài chống đỡ
Tôi là người nông dân
Mái nhà tranh chở che đời gian khổ
Bếp lửa hồng sưởi ấm những lầm than
Suốt tháng quanh năm vui sống mùa màng
Là lúa, là ngô, là khoai, là sắn
Mỗi mùa lên, rộn ràng nơi thôn vắng
Mỗi ngày mùa, ròn rã dưới trăng thanh
Tiếng hát lời ca, thơm ngát an lành
Mộc mạc, đơn sơ như hương quê đồng nội
Tôi là người nông dân
Sông với núi, vẹn câu thề
Ruộng với đồng, trọn tình quê
Như lúa chín, trọn tình yêu lá mạ
Tôi là người nông dân
Sinh ra, có ruộng có đồng
Lớn lên, với núi với sông
Với cả một bầu trời quê hương dịu ngọt
Những bản trường ca
là gió reo chim hót
Những bản ân tình
là đồng nội thơm hương
Nông dân một mảnh ruộng vườn
Nước non một mảnh quê hương ba miền
Gieo, ươn châu ngọc hồn thiêng
Tay cày tay cấy ba miền Việt Nam.
Tôi Thương Em Bé Nhà Nghèo
Mặc Giang * Tháng 02 - 2004.
Tôi thương em bé nhà nghèo
Khổ từ tấm bé tí teo
Lớn dần cái khổ mang theo
Tôi thương em bé nhà nghèo
Khổ từ cha mẹ đẳng đeo
Nghèo mà cứ thế làm reo
Tôi thương em bé nhà nghèo
Cả nhà một lũ nhóc nheo
Bốn mùa co cụm cheo queo
Tôi thương em bé nhà nghèo
Sinh ra đã khổ mang theo bao giờ
Khổ từ tấm bé còn thơ
Tay nâng sữa mẹ hằng giờ chẳng no
Mẹ em thấy tội chạy lo
Cho em thêm chút sữa bò vậy nghe
Em bưng bình sữa quo que
Tiếng em nho nhỏ, oe oe, ngủ khì
Tháng ngày lần lữa thoi đi
Mẹ dần cạn sữa đến thì sú nhai
Còn thơ đã trộn ngô khoai
Nên em dong dõng, còm còi tong teo
Sinh ra từ chốn quê nghèo
Lớn lên quanh quẩn xóm nghèo xa xa
Cùng trong bọn trẻ la cà
Những trò chơi cũng mặn mà tuổi thơ
Cò cò, u quạ mệt phờ
Bắn bi, thảy đáo hằng giờ say mê
Ùm trong đất sét mân mê
Nắn ra đủ thứ ê hề, đem phơi
Kéo nhau xuống suối tập bơi
Chuồn chuồn cắn rún đã đời bao phen
Vù vù chơi vụ rùm beng
Thả diều, đuổi bướm, nhá nhem chưa về
Bày trò tập trận thật mê
Là quân là tướng tứ bề tung hô
Niền xe đẩy chạy ro ro
Một bầy đua chạy reo hò vang vang
Nhát ma, cút bắt, la làng
Leo trèo mà hái chẳng màng của ai
Trâm, sim thỉnh thoảng lai rai
Chà là, đủng đỉnh chia nhai ngon lành
Còn nhiều thứ nữa mới toanh
Kể ra chút chút để dành vậy thôi
Em đâu cảm thấy thiệt thòi
Cửa nhà gian khó học đòi với ai
Áo quần ba mảnh nhạt phai
Của anh của chị kéo dài tới em
Được cho đồ mới phát thèm
Mặc vào xúng xính, “coi em đây này”
Trông em hớn hở mặt mày
Thử trong chốc lát, đem thay, để dành
Thầy làng gõ trẻ đầu xanh
Ê a xuôi ngược hơi rành hơi thông
Trừ, chia, nhân, cọng đổ đồng
Trường làng hết lớp, coi trông thử nào !
Có em còn tiếp lên cao
Có em đành nghỉ, biết sao bây giờ ?
Ba miền đất nước nên thơ
Thương em bé nhỏ ngu ngơ quê nghèo
Quê nghèo ba xứ đẳng đeo
Đâu đâu cũng có, eo kèo thấy không !
Ai thì kinh sử tinh thông
Em nghèo mấy chữ ruộng đồng nhà quê
Em đâu lỗi nước non thề
Vốn sinh làm trẻ nhà quê dân nghèo
Xa xa thôn xóm, núi đèo
Mênh mông gian khổ, ai chèo ai đưa
Và em biết nói sao vừa
Em xin từ tạ, dạ thưa, em nghèo !!!
Dệt Mộng MƯỜI ĐI
Mặc Giang * Tháng 02 - 2004.
Ai đi thơ thẩn dưới trăng
Ngẩn ngơ cho ánh trăng vàng lung linh
Ai ngồi ủ dột đầu ghềnh
Trơ vơ cho đá chênh vênh tháng ngày
Ai lùa gió nhẹ heo may
Phất phơ cho lá lung lay bụi trần
Ai lồng cho áng phù vân
Lửng lơ trôi nổi xa gần trời mây
Ai nghiêng nắng đổ về tây
Cho chim Hồng Lạc buồn bay cuối trời
Ai làm mặt nước chơi vơi
Cho thuyền khuất bóng tăm hơi chưa về
Ai làm lở lói bờ đê
Cho sông hỏi nước não nề nước sông
Ai làm trơ trọi ruộng đồng
Cho lúa hỏi mạ trổ bông mấy mùa
Đếm trong vụn vỡ được thua
Cái quay búng sẵn, gió lùa đêm đông
Đầu ghềnh nói chuyện núi sông
Hỏi non non thẳm, hỏi sông sông dài
Ngày nay rồi lại ngày mai
Và ngày mai nữa một hai chưa tròn
Núi bao nhiêu tuổi núi non
Non bao nhiêu tuổi non còn núi cao
Đêm đêm tỉnh mộng thì thào
Non non nước nước nao nao mấy bờ
Một đi bến đợi sông chờ
Hai đi non đợi nước chờ xanh xanh
Ba đi xây nguyện ước thành
Bốn đi sức lực để dành quê hương
Năm đi kêu gọi tình thương
Sáu đi xây đắp nẻo đường Việt Nam
Bảy đi tay chống tay làm
Tám đi kinh Bắc bình Nam không sờn
Chín đi gìn giữ sắt son
Mười đi toàn vẹn cháu con Tiên Rồng
Một đi là núi là sông
Mười đi là giống là giòng Việt Nam.
Khôn Chết ! Dại Chết ! Biết Sống !
Mặc Giang * Tháng 02 - 2004.
Làm trăng sáng tỏa khắp trời
Làm sao lấp lánh tuyệt vời bao la
Không như ánh hỏa châu pha
Thì như đôm đốm gần xa lập lòe
Không như cây lá sum suê
Thì làm hoa dại mân mê lối mòn
Không cao cây cả núi non
Thì làm cây nhỏ bên hòn đá xanh
Không như mấy lũy tre xanh
Thì làm ngọn trúc xinh xinh đầu làng
Không như man mác mây ngàn
Thì làm vành mống vắt ngang chân trời
Không như tàu lớn ra khơi
Thì như thuyền nhỏ đưa người qua sông
Không thanh như tiếng chuông đồng
Thì như chim Lạc chim Hồng kêu chơi
Không vang dậy sóng dậy trời
Thì kêu nho nhỏ cho người đủ nghe
Không mơ thành lũy đắp be
Thì làm hàng dậu chở che hai chiều
Không sang gấm vóc mỹ miều
Thì thanh thì bạch nâng niu nhẹ nhàng
Không như đường rộng thênh thang
Thì làm lối nhỏ dọc ngang đi về
Nhục vinh, thành bại, khen chê
Hư danh, giả tướng, ê chề nhân gian
Việc gì mang lại bình an
Đừng gây ai oán, đừng quàng khổ đau
Đó là mới thật thâm sâu
Tiểu nhân, quân tử, trước sau khác gì
Trăm năm một cuộc cười khì
Cười như tùng bách xanh xì trăm năm.
Cuộc Sống Xưa Nay,
Quay cười hố hố !!!
Mặc Giang * Tháng 02 - 2004.
Một đoạn đường đã qua
Làm sao quay lại được
Một đoạn đường phía trước
Chưa bước sẽ về đâu
Ngược thời gian, là ở lại phía sau
Theo dĩ vãng, đã lùi về quá khứ
Bóng bẩy văn hoa bảo rằng lịch sử
Mà lịch sử thì không lập lại hai lần
Cái đã qua mà lập lại, quả thật phong thần
Sao mà giống y nguyên cho được ?
Nhìn về phía trước là chuyện ngày mai
Bóng bẩy văn hoa là nghĩa tương lai
Đó là con đường dài, chưa định hướng
Từ định hướng mà bước đi còn nhiều huyễn tượng
Bảng vẽ mà thành hình, luống những chông gai
Ôm giấc mơ mà nói mộng bảo đài
Thuận với nghịch và bao nhiêu tai chướng
Ngày mai, mơ hồ không tưởng
Ngày qua, bóng dáng tro tàn
Hôm nay, lưỡng lự, lan man
Như thế, từng ngày đã mất
Đứng núi này, trông núi kia chất ngất
Ngồi ở đây, trông ở đó tuyệt vời
Đâu biết rằng như sóng vỗ trùng khơi
Khi đã tới, bọt bèo không như thế
Chưa đến, nào nghe, nào kể
Tới rồi, sẽ đổi, sẽ thay
Cái hôm qua, không là của hôm nay
Cái ngày mai, chỉ là một bến đợi
Cứ sống đi, chuyện gì tới sẽ tới
Cứ sống đi, chuyện gì qua sẽ qua
Dùng tình thương làm một bản trường ca
Dùng hiểu biết làm nhịp cầu hóa chuyển
Lợi mình lợi người là bạn bè thân quyến
Khổ mình khổ người là khách lạ qua đường
Đừng bày vẽ chi những thứ thê lương
Xây vụn vỡ trên bờ ảo vọng
Hai đường mở đóng
Quán trọ tan rồi
Vẽ nên một nét tinh khôi
Bức ảnh trần gian thêm đẹp
Cửa tùng cánh khép
Nào có đóng cài
Cuộc sống xưa nay
Quay cười hố hố !!! |