Mục Lục
***
Em là người khuyết tật
Tôi là người lái đò
Ta đi, trên nước non mình
Mẹ Việt Nam muôn đời * Thơ nhạc
Một ngày như mọi ngày
Tôi là người tài xế xe đò
Từ ly ngày tàn * Thơ nhạc
Những đứa em tôi * Thơ nhạc
Chấm một điểm son, em tôi bất diệt
Tôi còn đứng đó với tôi
Bữa Hôm nay mặt trời đi ngủ sớm
***
Em Là Người Khuyết Tật !
Mặc Giang * Tháng 03 - 2004.
Em là người khuyết tật
Từ lúc sinh ra có mặt trong đời
Em cũng mang danh làm kiếp con người
Nhưng là một con người sao lạ quá
Thế giới chúng em mỗi người mỗi vẻ
Mỗi hình thù, vóc dáng chẳng giống ai
Thiên hạ nhìn qua, kinh hãi, rụng rời
Nơi chúng em được khép
Như khung trời thân phận
Em là người khuyết tật
Suốt ngày quanh quẩn
Ô kín đóng khung
Như khoanh xấu số một vùng
Chia chung thân phận, chia chung lạc loài
Chia chung những nỗi đơn côi
Chia chung những nỗi thiệt thòi hẩm hiu
Chia chung tịch cảnh cô liêu
Chia chung tâm trạng nhiễu điều thảm thương
Em là người khuyết tật
Đã lỡ sinh ra lạc nẻo lạc đường
Gặp lại nhau đây trong vườn kỳ ngộ
Khi nói, khi cười trông lạ làm sao
Mập, ốm, dư, lòi, nhô, hỏm, thấp, cao
Đa phú đa phong muôn hình quái vật
Những người chăm sóc chúng em, khổ thật
Chiều chuộng, khuyên lơn, ngon ngọt, dỗ dành
Ân sâu xin cảm ơn lòng
Em đâu có muốn khổ tròng ai đâu
Lỡ mang khuyết tật khổ sầu
Sống cho hết kiếp có cầu vọng chi
Em là người khuyết tật
Khổ từ cái đứng cái đi
Cái ăn cái mặc cái gì cũng trông
Thế nhân không mở cõi lòng
Những người khuyết tật không xong đâu nào
Em là người khuyết tật
Thế giới chúng em thật lắm xôn xao
Tâm tánh thất thường, ngố ngố, ngao ngao
Đủ thứ âm thanh bấn loạn cào cào
Như phim giả tưởng quỉ ma rùng rợn
Em là người khuyết tật
Em nào có biết cha mẹ em đâu
Nghe nói, lúc vừa mới nhô đầu
Mẹ hãi hùng, chết ngất thật lâu !
Cha thảng thốt, quay nhìn chỗ khác !
Một bọn chúng em
Ngu ngơ, bọp chạt
Một kiếp sống hờ
Như những hồn ma
Trong đầu, nào có biết tiếng mẹ cha
Và những người thân là gì, thật xa lạ
Em là người khuyết tật
Nơi chúng em, nhiều người vô thăm, đủ cả
Có người chơi với em thật lâu
Nhưng chẳng nói năng gì
Cho đến khi từ giã ra đi
Còn quay nhìn em, nước mắt ứa bờ mi
Trong cơ cảm, như có sợi dây vô hình gần gũi lắm
Em là người khuyết tật
Vòng tay em nắm
Những thứ buông lơi
Đôi khi em nói những tiếng không thành lời
Chúng em là ai ???
Những con người của một thế giới nào ?
Hay hình nhân của một thời kỳ nào ?
Từ cõi dưới thấp hay cõi trên cao ?
Lại xuất hiện vào thời đại hôm nay
Gom góp sống chung một trời kinh dị !!!
Hay những tác sinh, siêu vi, nhiễm thể ???
Để cho em, từ bụng mẹ, đã là một quái thai
Nên sinh ra, là một quái nhân biến dạng hình hài
Em đâu biết, ra đời để thành người quái dị
Em là người khuyết tật
Đã mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm
Những tưởng là cung đàn trường ca mộng mị
Từng nhịp đóng khung, khép kín mọi mơ màng
Chúng em ra đời làm khổ nhân gian
Cảm niệm ân thâm mọi tấm lòng vàng
Đã cưu mang cho chúng em được sống
Đất trời lồng lộng
Trần thế mênh mông
Xin đừng sinh thêm những kẻ lạc dòng
Rồi đem bỏ vào khung trời nhỏ hẹp
Những người khuyết tật của chúng em ơi
Chắp tay xin cảm ơn đời
Chắp tay xin cảm ơn người
Khổ tâm thương xót những người như em !!!
Tôi Là Người Lái Đò !
Mặc Giang * Tháng 03 - 2004.
Tôi là người lái đò
Cuộc đời gắn liền với một đoạn của dòng sông
Đưa khách lại qua trên sông nước bềnh bồng
Đò đưa đẩy theo tay chèo tay chống
Khi vắng khách, đò đứng yên, lay động
Bóng thời gian lấp lánh nhấp nhô
Tôi ngả lưng, sóng nước đôi bờ
Đò lắc lư, cắm sào đứng đợi
Tôi là người lái đò
Từ mờ sáng đã có người réo gọi
Đến tối om vẫn có kẻ kêu đò
Ông lái đò ơi, xin chờ tôi với
Ông lái đò ơi, nán lại giùm cho
Cây sào xoáy nước mũi đò
Quay quanh cho khách trên bờ đứng trông
Khi đi đưa khách qua sông
Khi về đưa khách chờ mong đi về
Tôi là người lái đò
Quanh năm vui sống với dòng sông
Rời bến chưa qua, khách ngóng trông
Cập bến đứng chờ, đưa khách lại
Đôi bờ đưa khách lại qua sông
Ra tới giữa dòng nghe khách gọi
Chở giùm tôi với có được không
Tôi xoáy cây sào, se đáy nước
Đò đẩy xa đưa khách đẹp lòng
Tôi là người lái đò
Những ngày phiên chợ khách càng đông
Lễ hội, hàng hàng khách đứng trông
Xuôi ngược con đò đưa khách mãi
Đò đưa bến đợi khách sang sông
Bù lại những khi thưa khách đến
Cắm sào ngồi ngắm chiếc đò không
Rồi lại những khi con nước lớn
Con đò lặn lội nước mênh mông
Đời tôi một kiếp lái đò
Bên thôn làng nhỏ, bến đò bên sông
Người đi người đến một dòng
Lênh đênh bến nước sang sông qua đò
Một sông hai bến hai bờ
Đò không đưa khách con đò qua sông
Lại thì một chiếc đò không
Qua thì cũng chiếc đò không đưa người
Nước ơi, in dấu nụ cười
Sông ơi, in bóng bao người qua sông
Người đi, còn có chờ mong
Người về, còn nhớ dòng sông qua đò
Đò ơi, còn đó không đò !!!
Ta đi trên nước non mình !
Mặc Giang * Tháng 03 - 2004.
Ta đi trên mọi con đường
Ta đi khắp nẻo quê hương
Ta đi khắp lòng đất nước
Đường lên miền ngược
Đường về miền xuôi
Lên truông qua mấy lưng đèo
Cao nguyên, miền ngược cheo leo núi đồi
Xuôi về tận cuối miền xuôi
Dọc theo bờ biển mặn mùi phù sa
Dọc ngang lên xuống lại qua
Để thăm đất nước hương hoa ba miền
Ta đi khắp nẻo tình quê
Ta về khắp lòng phố thị
Lên cao nguyên, núi rừng hùng vĩ
Ghé thượng du, heo hút buôn làng
Ghé trung du, tiếng hát còn vang
Về Hà Nội, ngàn năm văn vật
Gió bay lất phất
Gợi bóng Cổ Loa
Hồn thiêng sông núi chưa nhòa
Xa xa hương khói đền thờ Hùng Vương
Thăng Long dấu ấn còn vương
Hà Nội ba sáu phố phường dấu yêu
Ta đi các tỉnh địa đầu phương Bắc
Nhìn về dấu móc, ghi Ải Nam Quan
Nghe tiếng kêu sử tích chưa tàn
Mù khói lửa trải dài thời đại
Đường đi quan ải
Nhớ nước non nhà
Hồn vi vu, tiếng gọi của ông cha
Đau da diết đã ngàn năm gìn giữ !
Đường về bến Ngự
Ghé chợ Đông Ba
Lá me đưa đẩy la đà
Vương vương nhớ bóng chiều tà Cố Đô
Sông Gianh, mấy trăm năm, xương máu phơi khô
Bến Hải, mắt rưng rưng, lệ nhòa tình tự
Đường trường xa, ta còn đi nữa chứ
Đáp Qui Nhơn, văng vẳng tiếng Đồ Bàn
Xuyên vào Phan Rí, Phan Rang
Rêu mờ khép kín Tháp Chàm hồn bay
Miền Trung sỏi đá khô cày
Thùy dương cát trắng có hay nỗi niềm
Đường dài chưa hết
Mấy nẻo chưa quên
Đi về thành phố Sài Gòn
Ba trăm năm cũ vẫn còn khắc ghi
Sài Gòn giã biệt ra đi
Và bao năm nữa, bờ mi khép hờ
Sài Gòn, còn đó mộng mơ
Bạch Đằng gợn sóng bên bờ thành đô
Miền Nam ta đó nên thơ
Bước đi từng bước cuối bờ Cà Mau
Xanh xanh bát ngát một màu
Miền Nam ơi hỡi, dạt dào mến thương
Ta đi trên khắp nẻo đường
Ta về trên khắp phố phường dấu yêu
Đi qua mấy nẻo cầu kiều
Đi về mấy nhịp nâng niu dân tình
Ta đi trên nước non mình
Ta về lưu lại bóng hình quê hương
Ta đi một nhớ hai thương
Ta về ta nhớ vấn vương muôn đời
Tình quê, xin gởi nụ cười
Hồn quê, xin gởi con người Việt Nam
Mẹ Việt Nam, Muôn Đời !
Thơ Nhạc * Mặc Giang * Tháng 03 - 2004.
Mẹ Việt Nam
Năm ngàn năm tổ quốc oai hùng
Năm ngàn năm lịch sử huy hoàng
Để muôn đời là núi là sông
Mẹ Việt Nam
Năm ngàn năm từ thuở Vua Hùng
Năm ngàn năm dòng giống Tiên Rồng
Để muôn đời là nước là non
Mẹ Việt Nam
Năm ngàn năm từ thuở khơi dòng
Năm ngàn năm tay bế tay bồng
Để muôn đời là cháu là con
Mẹ Việt Nam máu đỏ da vàng
Mẹ Việt Nam sau trước một lòng
Và muôn đời gìn giữ sắt son
Mẹ Việt Nam mái tóc buông dài
Như chiều dài tổ quốc quê hương
Mẹ Việt Nam ánh mắt sâu mờ
Như bến bờ muôn vạn tình thương
Mẹ Việt Nam chân cứng tay mềm
Như dịu dàng muôn sắc thiên hương
Cao tiếng nói Việt Nam
Cho quê hương còn sống
Cao tiếng hát Việt Nam
Cho quê hương rạng ngời
Cao tiếng nói Việt Nam
Cho quê hương bừng sáng
Cao tiếng hát Việt Nam
Cho quê hương muôn đời
Mẹ Việt Nam
Mẹ Việt Nam
Muôn đời.
Một Ngày Như Mọi Ngày !
Mặc Giang * Tháng 03 - 2004.
Muôn chim hót, reo bình minh thức dậy
Tiếng hòa vang lớn nhỏ thật nhịp nhàng
Như một hí trường hòa tấu âm vang
Trổi khúc nhạc, hân hoan chào ngày mới
Cảnh vật lộ dần, im lìm chờ đợi
Sau một đêm, giấc ngủ chắc bình an
Vừng đông dần ảnh hiện bóng thiều quang
Mặt trời cũng nhô dần, khoe nắng sớm
Đèn thành phố còn mập mờ nhiều ngọn
Đường vắng tanh, lanh lảnh tiếng hàng rong
Tiếng bé cất cao bánh mì nóng giòn
Tiếng động cơ xa gần cùng vang dậy
Người dân quê, đã ra đồng, nương, rẫy
Người công nhân, vui công xưởng một ngày
Người nhân viên với cặp giấy trong tay
Em học trò thêm một trang sách mới
Bầy bướm vờn bay vườn cà vườn cải
Giọt sương khuya còn vướng lá vương cành
Lúa mộng vàng đơm nét ngọc tinh anh
Đường phố thị dập dìu người qua lại
Rồi một ngày, lại một ngày, mãi mãi
Bóng thời gian gõ nhịp thoáng trôi qua
Và hoàng hôn nán đợi bóng chiều tà
Đêm sắp ngủ để ngày mai lại mới
Cái gì đi sẽ đi, cái gì tới sẽ tới
Dòng chuyển sinh chưa từng đợi hay chờ
Đi giữa đời như trong mộng trong mơ
Nếu biết sống là một ngày trọn vẹn
Ngày mai nữa, và ngày mai ước hẹn
Cây đã trồng, hoa lá sẽ đơm bông
Nhân thế hòa vang, lòng hãy dặn lòng
Xây sức sống, xây trần gian thêm đẹp.
Tôi Là người Tài Xế Xe Đò
Mặc Giang * Tháng 03 - 2004.
Tôi là người tài xế xe đò
Chở người đi trên khắp nẻo quê hương
Đưa người về khắp châu thành đất nước
Những người già, xin mời lên phía trước
Những người trẻ, chịu khó ở phía sau
Người dễ tánh nói tôi là kẻ biết điều
Người khó tánh nặng nhẹ, bác tài thiệt lộn xộn
Tôi là người tài xế xe đò
Người thì bảo sao mà chạy quá chậm
Người thì la sao lại chạy quá nhanh
Tôi cố giữ tay, tốc độ xa hành
Chứ nào phải cố tình nhanh với chậm
Có những lần đi, cơ hồ thật thấm
Khách đã nhiều mà hành lý lại nặng cân
Đường trường xa, xe nặng nhọc bội phần
Sức bình sinh, vẫn lù lù lao tới
Tôi là người tài xế xe đò
Trên lộ trình, có những người đứng đợi
Ai lại không có lúc ngặt đáng thương
Tôi ngừng xe cho ké một đoạn đường
Chứ đâu phải mang lòng gian với lận
Đường dài vương vấn
Bến cuối còn xa
Qua dốc qua đèo còn cao vời vợi
Tôi rống hết ga, ráng lết ráng bò
Như cụ già mang gánh nặng lại ốm o
Gánh vẫn oằn vai, phì phào thở dốc
Tôi là người tài xế xe đò
Đường chúi xuống, tôi hạ số, giảm ga, giảm tốc
Ghì chiếc xe, giữ tay lái an toàn
Xe vẫn lao mình vun vút boong boong
Như cơ hội xả hơi, tô bồi sinh lực
Trời nắng gắt, xe mệt nhừ, đuối sức
Khi trời mưa, đường trơn trượt, hãm phanh
Đêm còn dài, khách cứ ngủ an lành
Tôi chong mắt, rọi đèn pha, lao tới
Tôi là người tài xế xe đò
Đến đi từng bến khách đừng lo
Muốn xuống dọc đường, tôi tốp cho
Xin vẫy bàn tay chào tiễn khách
Rồ ga, ngon trớn chạy ro ro
Tôi là tài xế xe đò
Đi cho tới bến về cho tới bờ
Đường xa in dấu bụi mờ
Đi cho khách đến về chờ khách đi
Thời gian còn đó khắc ghi
Không gian còn đó, ai đi xe đò
Đời tôi, tài xế xe đò !!!
Từ Ly Ngày Tàn !
Thơ Nhạc * Mặc Giang * Tháng 03 - 2004.
Ngày tàn treo đỉnh hoàng hôn
Bóng chiều buông xuống sóng cồn xa đưa
Biển khơi trùng điệp sao vừa
Mây bay thấp thoáng lưa thưa chân trời
Ngày tàn gọi bóng chiều rơi
Tà dương chưa ngủ trên đồi mênh mông
Đỏ hoe dụi mắt ráng hồng
Ngày chưa muốn tắt đã lồng bóng đêm
Mân mê tựa cửa khung thềm
Chim muông về tổ vén rèm ấm êm
Ngày tàn gọi bóng sao đêm
Ngàn sao lấp lánh buông rèm về dinh
Lá hoa e ấp thu mình
Cỏ cây nghiêng bóng lung linh chiều về
Ngày tàn nhẹ gót lê thê
Nghe hồn vương vấn câu thề đầu non
Đường xưa rêu phủ lối mòn
Nghe trong gió thoảng có còn gì không
Ngày tàn nhẹ bước ven sông
Dòng sông mấy khúc nước lồng trôi đi
Thời gian ghi khắc được gì
Không gian đã khép từ ly ngày tàn.
Những Đứa Em Tôi
Thơ Nhạc * Mặc Giang * Tháng 03 - 2004.
Những đứa em tôi, còn nhỏ trên quê hương mình
Cuộc đời gian khó, quê nghèo bao ải chưa qua
Tuổi trẻ thơ ngây, không đủ chất liệu mặn mà
Nhiễu điều phủ lấy, ta về ta tắm ao ta
Những đứa em tôi, cắp sách đi học nhà trường
Áo quần ba mảnh, dép giầy xốc xếch mà thương
Củ sắn, khoai lang, cùng nhau chia chác dọc đường
Nghèo mà san sẻ, chia cùng ăn đủ tựa nương
Những đứa em tôi, quanh quẩn chơi giỡn trong làng
Còn thơ đâu biết, quê nghèo lam lũ lầm than
Ngày tháng trôi đi, em ơi tuổi ngọc tuổi vàng
Ai người hiểu thấu, em nghèo không tiếng kêu vang
Ôi nếp sống lầm than
Trên quê hương ta đó
Ôi tuổi bé em ngoan
Trên thôn xóm khắp làng
Sinh ra đời đã khó
Khi còn bé em mang
Trên quê nghèo đâu có
Em, tuổi ngọc tuổi vàng
Những đứa em tôi, cuộc sống trên quê hương nghèo
Làng trên xóm dưới, bao giờ sung sướng hỡi em
Tôi bước chân đi, thương lấy em tôi phận nghèo
Tôi làm gì đó, bán nghèo đi, hết cho em
Tôi bước chân đi, hình bóng mang theo mái nhà
Em tôi còn đó, mai mốt với đời người ta
Dù có ra sao, tôi biết em tôi thật thà
Ngày mai vẽ lối, mở đường em bước đi qua
Em sẽ lớn lên, từng bước đi vào trường đời
Giấy rách giữ lề, trong đời mới khó nghe em
Em sẽ lớn lên, từng bước đi cùng mọi người
Uống nước nhớ nguồn, trong đời mới khó nghe em !
Chấm một điểm son, Em Tôi Bất Diệt
Mặc Giang * Tháng 03 - 2004.
Tôi nghe rồi em
Từ thuở xa xưa
Em đã trở về bên mái nhà nho nhỏ
Tôi ra đi, nhưng em còn ở đó
Bóng thời gian sẽ chờ đón tôi về
Tôi ra đi trên dòng nước lê thê
Nhìn dòng sông thấy đôi bờ sinh tử
Nước chảy, vương hình lữ thứ
Nước trôi, bóng dáng hợp tan
Nước reo, điệp khúc tao đàn
Mà dòng sông vẫn im lìm không nói
Tôi nghe rồi em
Bên kia bờ, tiếng gọi
Tôi ra đi biết đến bao giờ
Tôi sẽ đi cùng tận bến bờ
Đường vạn lý vẽ dấu chân còn mất
Trôi nổi muôn phương trở về qui nhất
Nhất có nghĩa là chỉ một mà thôi
Viên đá mỉm cười đã nhận ra tôi
Bờ cát trắng giữ gìn hình bóng cũ
Hình bóng năm xưa, vẫn còn nguyên, trụ vũ
Nhận ra rồi, em vẫn tinh anh
Tôi ra đi, đếm nhịp bước tử sinh
Em của tôi vẫn bóng hình nguyên vẹn
Cát bụi nào bay bên dòng sông trẹm
Hình bóng nào, ai vẽ nét phù vân
Dấu vết nào, ai điểm vệt chưa lần
Em vẫn tồn sinh, từng phút giây, đâu mất
Tôi vẫn còn đây
Không cần chi còn mất
Không cần nói em nghe
Dừng sinh động là ta dừng tất cả
Bóng dáng em
Hương hồn tượng đá
Hiện hữu vô cùng
Tôi khép chữ vô chung
Leo lên đồi vô thỉ
Thỉ chung chỉ là tiếng gọi của thời gian
Tôi vỗ bàn tay, một tiếng nổ vang
Vỡ tất cả bụi mờ huyễn tượng
Vô là không tướng
Hữu sao chẳng còn
Chấm một điểm son
Em tôi bất diệt
Em tôi còn đó
Tôi lại ra đi.
Tôi Còn Đứng Đó Với Tôi
Nhân đọc câu “Tôi còn để lại gì không” của thi sĩ Vũ
Hoàng Chương, cảm tác. Mặc Giang * Tháng 03 - 2004.
“Tôi còn để lại gì không”
Tôi không thật có, có không còn gì
Bụi mờ cuốn hút đường đi
Gió lay nhè nhẹ có chi bóng hình
Lững lờ ánh ngọc lung linh
Đèn khuya chợt tắt, giật mình buồn trông
Tôi nghe tiếng gọi dòng sông
Nước trôi mặc nước, dòng sông mặc dòng
Tôi nghe biển gọi mênh mông
Sóng reo mặc sóng, triều dâng mặc triều
Tôi nghe tiếng gọi tịch liêu
Núi nghiêng mặc núi, rừng xiêu mặc rừng
Thời gian gõ nhịp dửng dưng
Không gian lồng lộng vô chừng trống không
Vẳng nghe có tiếng chuông đồng
Tiếng bay đâu mất chuông đồng còn đây
Đàn kêu không tiếng không dây
Có nghe một tiếng không dây tơ đàn
Có nghe một tiếng nổ vang
Mới nghe nổ đó, tiếng vang đâu rồi
Lang thang từ kiếp luân hồi
Mà không thật có luân hồi cưu mang
Vẽ lên lối dọc đường ngang
Lối dọc biến mất, lối ngang không về
Tử sinh sinh tử lý hề
À ơi sinh tử, lý hề à ơi
Tôi buông tiếng nói không lời
Đã không thì hỏi có lời mà chi
Bước đi chẳng để lại gì
Bước về không dấu bước đi không cùng
Nực cười hai tiếng thỉ chung
Cắt ra một khoảng, thỉ chung mất rồi
Tôi còn đứng đó với tôi !!!
Bữa Hôm Nay Mặt Trời Đi Ngủ Sớm
Mặc Giang * Tháng 03 - 2004.
Bữa hôm nay mặt trời đi ngủ sớm
Nắng nhẹ rơi vàng vọt kéo nương chiều
Đẩy lưng trời nhè nhẹ gió hiu hiu
Nắng gát đầu non ngập ngừng chưa muốn tắt
Từng tia nắng loang đi, giăng ánh mắt
Hoa lá cỏ cây biến sắc, sẫm màu
Chim muông về tổ, cất tiếng bay mau
Hoàng hôn xuống, bóng chiều rơi yếu ớt
Bầy bướm nhỏ, rời vườn hoa, biến mất
Muỗi vo ve, đồng xuất hiện bay bay
Người dân quê đã kết thúc một ngày
Đèn phố thị gần xa chập chờn xanh đỏ
Bếp nhà quê phất mùi bay đầu ngõ
Bếp châu thành đồng vương gió lây lan
Tiếng chuông chùa trong thanh thoát ngân vang
Nến nhà thờ lung linh đèn cầu nguyện
Đêm đã đến buông bóng đen khép kín
Những vì sao lấp lánh chốn xa mờ
Dòng mực dài, tôi viết vội vầng thơ
Ghi lại nét mặt trời đi ngủ sớm
Kìa những ánh lập lòe bầy đôm đốm
Thương bóng đêm, mang chút sáng hiện về
Tiếng dế nỉ non nho nhỏ sau hè
Tiếng thạch sùng cũng hòa âm chắt lưỡi
Vạc đầu hôm, gọi hồn ai nhắn gởi
Quốc canh khuya, mòn mỏi thức đêm trường
Vầng thơ chạy dài những nét du dương
Mặt trời ngủ, vầng thơ bay đâu mất. |