- Tính cách nhân bản và thực tiễn của
đạo Phật
- Nguyễn Thế Đăng
Ngày nay, về phương diện đời sống vật chất, nhân loại
đã tiến bộ rất nhiều. So với nửa thế kỷ trước đây thôi, có lẽ
thế hệ cha ông chúng ta cũng không thể nào hình dung nổi sự tiến bộ về
vật chất của thời đại chúng ta. Thế nhưng về mặt tính người, phẩm
giá con người, sự cao thượng, sĩ khí của con người -- con người như là
loài cao quý nhất trong vũ trụ, hơn cả loài Trời, theo quan niệm Phật
giáo -- thì hình như con người hiện đại không hơn thời trung cổ bao nhiêu,
nếu không nói là kém hơn. Những vụ diệt chủng, tàn sát tập thể xảy
ra ở Campuchia thời Pôn Pốt, ở Bosnia, ở Phi châu... Nạn tội ác, phạm
pháp không chừa một nước nào, kể cả thành phần ngây thơ nhất là trẻ
em. Lực lượng cảnh sát bảo vệ trật tự trị an càng ngày càng tăng về
số lượng lẫn chất lượng... Bởi thế, nhiều triết gia, trí thức Tây
phương hiện đại cho rằng sự tiến bộ của nhân loại, nhìn một cách
toàn diện, thực chất chỉ là ảo tưởng về sự tiến bộ.
Phải chăng trong sự hiện đại hóa của các nước tiên tiến,
người ta vẫn chưa tìm ra cách nào để trả lại nhân tính cho con người,
khi ở những nước có nền kỹ nghệ giải trí phim ảnh và ca nhạc đem lại
số lợi nhuận xuất khẩu cao nhất, hình ảnh của các anh hùng phần đông
là những con người tượng trưng cho bạo lực, hung hãn, vô nhân tính; và
hình ảnh của người phụ nữ phần nhiều chỉ là những đối tượng khiêu
gợi tình dục?
Đạo Phật, với muôn ngàn hướng đi, không gì khác hơn là
làm cho con người càng ngày càng thực hiện được tính người cao đẹp của
mình, những điều Chân Thiện Mỹ đang tiềm tàng hột giống nơi tính người
được thực hiện, và sự thực hiện trọn vẹn thì gọi là thành Phật.
Đức Phật đã thực hiện tính người một cách trọn vẹn, trở nên con
người lý tưởng (nói theo danh từ Phật giáo là trí huệ, vô ngã, vị
tha), trở thành con người toàn thiện và toàn diện, được nói gọi là
Bi-Trí-Dũng, hay là bậc Chí thiện, hay là bậc Trong sạch, bậc Vị tha, bậc
Điều ngự...
Tính nhân bản của đạo Phật là làm cho con người trở nên
Người hơn, phát huy tất cả mọi tính người cao đẹp và thải trừ mọi
bản năng thấp kém và hèn hạ (tham, sân, si, sát, đạo, dâm, vọng...). Con
đường thành Phật không gì khác hơn là con đường làm viên mãn những đức
tính vốn đã tiềm ẩn yếu ớt nơi con người bình thường: trí sáng suốt,
lòng nhân ái, sự ghét ác thích thiện, sự tự chế, sự kiên định, lòng
hy sinh... và xóa bỏ hẳn tất cả những gì làm cho con người bị ràng buộc,
bị tha hóa, bị hạ thấp, bị trĩu nặng, bị mất phẩm cách của bản năng
thú vật (tính ích kỷ, lòng ghen tỵ, sự giận dữ, sự si mê, sự tham lam
chiếm đoạt mất hết lương tri...). Cuộc đời này trở nên hỗn loạn khổ
đau cũng vì những tính tiêu cực đó.
Tính nhân bản của đạo Phật là chống lại những gì
làm hạ thấp con người và un đúc cho con người mọi đức tính cao đẹp
để thực hiện trọn vẹn định mệnh và ý nghĩa làm người của nó:
thoát khỏi mọi ràng buộc thấp kém để trở thành một mẫu mực
chân-thiện-mỹ của vũ trụ, một mẫu mực của Trời và Người, bậc Thiên
nhân sư. Bởi thế đạo Phật cho là thiện, là tốt những gì làm cho con
người tiến hóa, hướng thượng, làm cho con người thực hiện được tính
Người, tức là tính Phật; và xem là ác, là xấu tất cả những gì làm
sa đọa, tha hóa con người, dù chúng đến từ đâu, dưới bất cứ hình
thức nào.
Tính nhân bản của đạo Phật dược đẩy đến cùng tột,
khi không phân biệt con người bình thường (chúng sanh) và Phật: Phật là
một chúng sanh ngộ, và chúng sanh là một vị Phật mê. Cũng một con người
đó, mà mê là chúng sanh, ngộ là Phật.
Tính nhân bản của đạo Phật còn thể hiện ở một điểm
quan trọng: không có một hình thức đời sống nào khác ngoài phận mệnh
làm người, không có một thế giới nào khác ngoài trái đất này là tốt
hơn cho con người trong việc thực hiện được định mệnh cao cả của mình;
thực hiện trọn vẹn tính Người, tức là thực hiện Phật tánh. Trái với
nhiều người lầm tưởng rằng đạo Phật là tiêu cực, coi thường kiếp
sống con người, là chối bỏ thế giới này; ngược lại, đạo Phật đề
cao cái cơ hội hiếm có là được làm người, đề cao hoàn cảnh môi trường
đầy gai góc khó khăn, đầy ô trược là cõi Ta bà này vốn là nơi bùn
lây, nhưng là chỗ tốt nhất để mọc hoa sen.
Đạo Phật còn nhân bản, thực tiễn và rất hiện sinh ở
chỗ không hứa hẹn, bắt buộc con người hy sinh hiện tại cho một thế
giới vật chất hay tinh thần nào khác chỉ có trong sách vở hay trong tư
tưởng ước vọng, mà đặt tất cả hy vọng, ước ao, đặt tất cả tiềm
năng của ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai vào một khoảnh khắc hiện
tiền này, chính trong một niệm hiện tiền này quyết định toàn bộ cuộc
sống con người. Trong một khoảnh khắc hiện tại này có đầy đủ con
đường đi lên hay con đường đi xuống, có giải thoát hay đau khổ, có
toàn bộ sanh tử cũng như toàn bộ cái vốn thoát khỏi sanh tử, tức là
Niết bàn. Đặt toàn bộ cuộc đời người vào trong một niệm, trong một
niệm có tất cả vòng thập nhị nhân duyên khổ đau sanh tử cũng như có
tất cả an lạc giải thoát, tính cách hiện sinh và thực tiễn ấy thật
không đâu bằng đạo Phật.
Đạo Phật thực tiễn ngay trong chỗ thâm sâu nhất của
nó là trí huệ. Đạo Phật cho rằng con người đau khổ không mãn nguyện
không phải vì một đấng nào ban phát hạnh phúc hay khổ đau, không vì một
hoàn cảnh bên ngoài nào, mà vì chính tâm thức con người. Con người không
thấy đúng, không thấy được như thực, mà chỉ thấy theo vọng tưởng,
thành kiến, tham chấp của mình. Từ đó phiền não khổ đau nảy sanh. Cái
thấy đúng (chánh kiến) là sự mở đầu cho con đường đi đến hạnh phúc
chân thực. Vì thấy sai, từ đó suy nghĩ sai, sống sai, làm sai mà phiền
não khổ đau tiếp diễn. Nguyên nhân của mọi phiền não khổ đau của con
người và thế giới không gì khác hơn là thấy một cách méo mó, biết một
cách sai lầm (vô minh) theo thành kiến, theo chủ quan, theo sự tham đắm riêng,
ý muốn riêng của mình. Sự khổ đau do chính chúng ta, bằng cách tự điều
chỉnh lại cái nhìn, cách sống của mình. Tóm lại, sự đau khổ chính là
do sự bất toàn, sai lầm của con người. Vì thế, để thanh toán vĩnh viễn
khổ đau, sợ hãi, bất an... con người phải tiến đến chỗ hoàn thiện,
nghĩa là tiến đến chỗ thành Phật. Chúng ta có thể tóm tắt đạo Phật
là sự thấy đúng, sống đúng và hậu quả của việc sống đúng đó, tất
nhiên là hạnh phúc.
Nêu lên một vài nhận xét trên, để thấy rằng, những vấn
đề của nhân loại đã có, đang có và sẽ có đều là những vấn đề nằm
tận nền tảng của thân phận con người. Ngày nào con người còn là người,
chưa đến chỗ hoàn thiện, những vấn đề ấy sẽ tiếp tục nảy sanh
dưới những hình thức khác, với những cách đặt tên khác. Dầu bề
ngoài, nhân loại có tiến bộ đến đâu, những vấn đề căn bản vẫn
đang còn đó, nếu không nói là nhiều hơn. Con đường của đạo Phật là
sự tiến hóa đích thật của nhân loại, đưa con người đến chỗ hoàn
thiện, và bởi đó, chấm dứt mọi vấn đề. Tất cả những vấn đề hổn
mang chỉ chấm dứt, một khi con người bất toàn chấm dứt.