- Có hay không có linh hồn trong Phật giáo
- Giáo sư Minh Chi
Trước hết, Phật giáo không bác bỏ linh hồn, nếu linh hồn
được hiểu đơn giản như là phần phi vật chất trong mỗi con người.Trong
thuyết cơ bản của Phật giáo, như thuyết năm uẩn, phân tích người là
một tập hợp năm uẩn (sắc,thọ, tưởng,hành, thức).Trong 5 uẩn thì chỉ
có sắc uẩn là vật chất, còn 4 uẩn còn lại đều là phi vật chất, hay
là thuộc phạm trù tinh thần.
Một cách phân tích khác, ngược với cách phân tích 5 uẩn
là chia sắc uẩn thành bốn yếu tố : địa, thủy, hỏa, phong gọi là bốn
đại và tập hợp các yếu tố phi vật chất hay tinh thần thành một
nhóm, gọi chung là thức hay thức đại (địa, thủy, hỏa, phong, thức).
Như chúng ta thấy qua bài thơ của Thiền sư Đạo Huệ thời Lý:
- Địa, thủy, hỏa, phong, thức.
- Nguyên lai nhất thiết không
- Như vân hoàn tụ tán
- Phật nhật chiếu vô cùng
- Sắc thân dự diệu thể
- Bất hợp bất phân ly
- Nhược nhân yếu phân biệt
- Lô trung hoa nhất chi
Dịch ý
- Đất, nước, lửa, gió, thức
- Vốn tất cả đều là không
- Cũng như mây hợp rồi tan
- Còn mặt trời Phật thì chiếu vô cùng
- Sắc thân và diệu thể
- Không hợp cũng không chia ly
- Nếu người muốn phân biệt
- Thì cũng như hoa sen trong lò lửa.
Bài thơ thiền của Thiền sư Đạo Huệ cũng giúp trả lời
phần nào thắc mắc "có linh hồn trong con người hay không ?" Điều
mà chúng ta tưởng tượng là ở trong chúng ta có một linh hồn bất tử,
linh thiêng, đồng thời cũng là cái ta tư duy, cảm thọ, tưởng tượng, ý
chí quyết định làm việc này việc khác, phân biệt, hiểu biết.v.v...Chúng
ta không biết là ngay trong sự tưởng tượng của chúng ta đã có điều mâu
thuẫn, vô lý, phản lô-gích rồi, và chính đạo Phật bác bỏ cấu trúc tưởng
tượng mâu thuẫn, vô lý và phản lô-gích đó của chúng ta.
Đạo Phật đặt câu hỏi: "Một linh hồn tưởng tượng
là linh thiêng, là bất tử, không thay đổi, đồng thời cũng là cái ta tư
duy, cảm thọ, tưởng tượng, quyết định làm việc này hay việc khác,
phân biệt hiểu biết...
Đã có tư duy thì có tư duy sai hay đúng, cũng như đã có cảm
thọ thì có vui, buồn, thích hay không thích, ghét hay yêu. Đã có phân biệt
hiểu biết thì cũng có phân biệt hiểu biết sai hay đúng, làm sao một
cái ta linh thiêng, bất tử và bất biến lại có thể tư duy đúng sai, cảm
xúc vui buồn, yêu ghét, phân biệt và phán xét có thể chính xác mà cũng có
thể sai trái?
Khi xác nhận ta có một cái Ta kiểu như Atman của Ấn Độ
giáo, hoàn toàn sáng suốt và tối thiện ở trong mỗi người chúng ta, thì
lập tức sa lầy vào mâu thuẫn trùng trùng điệp điệp như đã phân tích
trên đây. Chính vì vậy mà Phật giáo bác thuyết Atman, tức là thuyết
cái Ta của Ấn Độ giáo. Quan điểm phủ định đối với thuyết Atman rất
là rõ trong nhiều kinh Phật Nguyên thủy, như Trường Bộ tập III, Trung Bộ
tập I. Trong những kinh đó, thường gặp đi gặp lại như một điệp khúc,
khi nói tới năm uẩn : "Sắc không phải là ta, ta không phải là cái
này, cái này không phải là tự ngã của ta..."Đối với thọ, tưởng,
hành, thức cũng đều lặp đi lặp lại điệp khúc như vậy. "Phải
chăng là thích hợp khi xem cái vô thường, đau khỗ, bị thay đỗi như là
tôi, tôi là cái này, cái này là tự ngã của tôi".
Vậy thì qua những kinh Phật đã dẫn, chúng ta phải hiểu
đích thực Đức Phật bác bỏ cái gì trong thuyết linh hồn hay là thuyết
Atman ? Cái mà đạo Phật bác là linh hồn hay Atman được tưởng tượng
như một cái gì siêu nhiên, bất tử, bất biến. Đức Phật không muốn đệ
tử Ngài mất thì giờ vào những tư biện siêu hình như vậy, cũng không
khác gì tư biện siêu hình về thế giới là vĩnh hằng hay sinh diệt, là hữu
biên hay vô biên...
Theo cách phân tích của đạo Phật, thì cái gì đã là vĩnh
hằng, bất biến như cái linh hồn tưởng tượng của chúng ta thì làm sao
chúng ta lại có thể trừ bỏ điều ác, hướng tới điều lành được, làm
sao tâm ý chúng ta từ dơ bẩn lại có thể trở thành trong sạch, thanh tịnh
? Theo cách nhìn của Phật giáo, thì trong con người chúng ta, dù là thành
phần vật chất như sắc thân (tức sắc uẩn), dù là thành phần phi vật
chất như thọ, tưởng, hành, thức, tất cả đều là vô thường, và
chính vì là vô thường nên hàm chứa một khả năng tiến bộ vô tận.
Nói ra thì có vẻ như mâu thuẫn, nhưng chính lô-gích của cuộc sống là
như vậy đó.
Ở trong con người, có thể nói, mối quan hệ phức tạp,
khó phân tích nhất là mối quan hệ giữa thân và tâm. Đó là một câu hỏi,
trong số 14 câu hỏi mà Phật không trả lời. Ở trong con người, thân và
tâm là một hay là hai ?
Vì sao ? Vì khi nói tâm là nói tâm nào. Nếu đó là cái
tâm thức tư duy cảm thọ bình thường, thì ngay trong câu đầu tiên của
bài thơ thiền của Đạo Huệ, chúng ta thấy rõ, tất cả 5 uẩn, trong đó
có thức uẩn, đều là vô thường. Như vậy là theo đạo Phật, tất cả
mọi thành phần dù là vật chất hay phi vật chất ở trong chúng ta cũng đều
là vô thường, và vì là vô thường cho nên cũng là không rỗng, vô ngã,
là "nguyên lai nhất thiết không"
Đồng thời Đạo Huệ cũng nói đến chân tâm hay diệu thể,
ở "trong chúng ta" mà, sách Phật thường nói là "không thể
nghĩ bàn", siêu việt ngôn ngữ và tư duy bình thường, cho nên Đạo Huệ
miễn cưỡng nói "bất hợp, bất phân ly" hay là "lô trung hoa
nhất chi" (hoa sen trong lò lửa). Thật ra, nói chân tâm nằm ở trong
thân, cũng như nói hoa sen ở trong lò lửa, cũng là nói miễn cưỡng, nói
điều không thể nói, đáng lẽ nên im lặng không nói gì hết, như Phật
đã từng như vậy khi có người hỏi Phật là thân với tâm là một hay
là hai. Chân tâm hay diệu thể (từ của Thiền sư Đạo Huệ), hay diệu tánh
(từ của Thiền sư Ngộ Ấn thời Lý) đều là cái chân lý tối hậu mà
chúng ta chỉ có thể qua trực cảm huyền nhiệm (mystic intuition- xem cuốn
Buddhist Logic tập I bản Anh ngữ của viện sĩ Nga Scherbatsky, tr 63) để biết
được mà thôi, còn nếu chỉ bàn luận và tư biện dù là tư biện theo
chiều sâu cũng chỉ là mất công, mất sức mà thôi. Bản thân Đức Phật
đã từng dùng ảnh dụ người mù sờ voi để phê phán như là vô ích mọi
công phu tư biện và tranh luận để nắm bắt chân lý tối hậu. Ở đoạn
trước, tôi đã dẫn chứng bài thơ thiền của Đạo Huệ. Thiền sư Ngộ
Ấn, cũng ở đời Lý và có một ý tương tự :
- Diệu tánh hư vô bất khả phân
- Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
- Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
- Liên phát lô trung thấp vị càn
- Ngọc tuy đốt trên núi,
- nhưng màu sắc vẫn tươi
- Hoa sen trong lò vẫn nở.
Tất cả những ảnh dụ kiểu như hoa sen trong lò, ngọc đốt
trên núi để phản ảnh cái bất lực của ngôn ngữ để nói điều không
thể nói, mô tả điều không thể mô tả. Một lần nữa, đạo Phật nhắc
nhủ chúng ta, muốn giác ngộ và giải thoát, đi theo con đường Phật chỉ
bày thì phải đi, phải tu, chứ không thể nói suông được.
Đức Phật khuyến cáo chúng ta hãy quán thân trên thân,
quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên các hành tướng của tâm, và
quán các pháp đều là vô thường (xem kinh Đại niệm xứ thuộc Trường Bộ
II).Và quán sát như vậy là để nhằm những mục đích rất thực tiễn.
Quán thân là để cho tâm hành được an tịnh. Quán các cảm thọ là để
cho tâm hành cũng được an tịnh. Quán tâm là để cho tâm được hân hoan,
tâm được định tĩnh, và cuối cùng tâm được giải thoát.
Nếu tất cả Phật tử Tăng Ni chúng ta bỏ được cái tật
tư biện siêu hình thì sự nghiệp tu hành của chúng ta cũng sẽ đỡ phiền
phức và đơn giản biết bao !
Nếu tất cả Tăng Ni Phật tử chúng ta hàng ngày học như
vậy, thực hành như vậy, thì tự nhiên câu hỏi "con người có linh hồn
hay không", hay là nói theo Ấn Độ giáo, có Atman hay không, sẽ tự
nhiên và tức khắc được giải đáp.