Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Trào lưu tư tưởng Phật Giáo Ấn Độ
Chính Hạnh

Khi đức Thế Tôn còn tại tiền, giáo lý của Ngài hết sức thực tế, dạy cho mỗi một giống dân Ngài bảo phải nói tiếng nói của giống dân ấy. Có người xin ghi chép lời giảng của Ngài bằng chữ Phạn, Ngài từ chối không phải vì chữ ấy diễn tả hoa mỹ, khúc chiết, nhưng có lẽ Ngài muốn giữ cho nó được phổ biến rộng rải trong quảng đại quần chúng. Đối với những câu hỏi về vấn đề cao siêu, đức Phật giữ thái độ im lặng, những yếu tố đó đã dẫn tới một nền triết học Phật Giáo siêu việt sau nầy.

Chúng ta biết rằng, ở thời đại tối sơ, con người sợ sệt trước những điều kỳ bí, vĩ đại trong thiên nhiên, người ta phải dùng thần thoại để giải thích những hiện tượng ấy, trước tiên người ta tin chỉ có một vị thần, đó là thời kỳ độc thần giáo, dần dần người ta tin thêm vài vị thần khác như thần mưa, thần gió, thần núi, thần sông, đó là thời kỳ đa thần giáo, dần dần vật chi người ta cũng tin là có thần cả, đó là thời kỳ phiếm thần giáo.

Ở một vùng sông dài, núi cao hùng vĩ làm cho đất nước Ấn Độ sớm đã có tín ngưỡng, theo kinh Vệ Đà (khoảng 1800 năm trước Công nguyên), đó là những bài thánh ca, được nhiều người đóng góp sáng tạo dưới hình thức vô danh, ca tụng những vị thần linh, một hình thái sinh hoạt tinh thần thời cổ đại của người Ấn, cũng giống những dân tộc khác, như Phan Văn Hùm đã viết: '

' Từ xưa đến nay, tư tưởng của nhân loại hễ khai phát ra là tìm đường cắt nghĩa hiện tượng quanh mình trước hết, rồi sau tất bước tới một bước nữa mà khảo sát thật tại ( le réel). Bao giờ cho thấy được mối quan hệ giữa hiện tượng và thật tại thì mới bằng lòng. Cắt nghĩa chi, có được không? Con người vẫn suy nghĩ về chỗ ấy luôn, thành ra trong triết học lại thêm một vấn đề quan trọng nữa, là vấn đề nhận thức cùng giới hạn của nhận thức. Triết học chỉ quanh quẩn theo mấy vấn đề trên đó, mà không biết bao giờ nó cáo thành''.

Cho đến khi tư tưởng đã tiến hóa, con người có một nghi vấn lớn: - Căn bản của vũ trụ là đâu? Vào thời đó Ấn Độ đã có Kỳ Na Giáo, Lục sư ngoại đạo và Sáu phái triết học - cũng như các triết gia Tây Phương sau nầy - có phái cho bản thể của vũ trụ là nước, có phái cho là đất, có phái cho là lửa ... còn Bà La Môn Giáo đã chuyển thành Ấn Độ Giáo, từ kinh Vệ Đà tiến đến kinh Áo Nghĩa Thư (Upanisad: sáng tác từ năm 750 đến năm 550 trước Công nguyên), cho đó là Đại Ngã (Brahman): Vạn vật đều do Đại ngã sinh ra, lúc trụ con người là Tự ngã (Atman) có Đại ngã ẩn trong ấy, khi diệt trở về với Đại ngã.

Gần như để trả lời cho vấn đề nầy, khi đức Phật đối diện với câu hỏi về Tự Tánh của đạo sĩ lang thang Vacchagotta:

- Kính thưa Gotama, không có tự tánh hay sao?

Đức Phật ngồi yên lặng, thấy không trả lời Vacchagotta lại hỏi tiếp:

- Sao? Kính thưa Gotama, có tự tánh hay sao?

Phật lại cũng ngồi yên lặng.

Sự im lặng đó, đức Phật đã giải thích trong khi Ngài ngồi nghỉ dưới khóm cây Simsapà, gần thành Kosambì, Ngài vói tay hốt nắm lá, cầm trong bàn tay và hỏi:

- Này các Tỳ kheo, cái nào nhiều hơn, nắm lá Simsapà trong tay ta, hay đám lá trên các cây kia?

- Bạch Thế tôn, chỉ có ít lá trong tay Thế Tôn, còn trên cây kia thật nhiều lá.

- Cũng vậy, nầy các Tỳ kheo, có rất nhiều điều ta đã khám phá, nhiều hơn hẳn những gì ta đã khai thị. Chỉ có một ít điều ta đã khai thị mà thôi, và tại sao ta đã không khai thị các điều kia? Bởi vì chúng không có lợi ích, không phục vụ đời Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, Giác ngộ, Niết Bàn (Tương Ưng Bộ V, Chương 12 Rừng Simsapà)

Phải chăng vì sự yên lặng đó của Phật, mà khoảng 100 năm sau khi Ngài nhập diệt, những thắc mắc siêu hình, không lợi ích cho việc tu học, nhưng nhiều người đã lập thuyết bằng những luận thư, góp phần vào việc phát triển triết học phật giáo phong phú và đa dạng.

Chúng ta biết rằng sau khi Phật Nhập diệt khoảng 100 năm, 700 vị Tỳ kheo đã họp tại Phệ Xá Lị (Vesali) để phán quyết về 10 hành vi do một nhóm tỳ kheo Tỳ Xá LyViji) chủ trương, vì sự phán quyết của 10 vị Trưởng Lão đại diện, không làm hài lòng cho những Tỳ Kheo khác, nên họ đã tìm một địa điểm khác họp riêng cũng để Kiết Tập Kinh diển là sự phân chia giáo đoàn thành Thượng Tọa bộ và Đại chúng bộ.

Do chủ trương tự do nên Đại Chúng bộ lưu trú nước Ương Quật Đà La (Angottara), phía Bắc thành Vương Xá, trong khi luận bàn về kinh điển, ý kiến tương phản nhau, nên phân ra 2 phái là Nhất Thuyết bộ chủ trương '' Tam thế chư pháp giả danh vô thể '', Thuyết Xuất Thế bộ chủ trương '' tục vọng, chân thực '', đồng thời một nhóm khác cho rằng Kinh tạng, Luật tạng là phương tiện giả thiết của Thế Tôn, duy có Luận Tạng giải thích được nghĩa lý chân thật, rõ ràng nên lập thành Kê Dẫn bộ.

Sau đó khoảng 200 năm sau khi Phật nhập diệt, có La Hán Từ Bi Y (Yàjnavalkya), tương truyền rằng trước khi đức Thế Tôn nhập diệt, ông ta vào ẩn tu trong Tuyết Sơn, nay xuất thế, ông cho rằng Thượng Tọa và Đại Chúng bộ chỉ tham cứu thô thiển giáo lý của đức Thế Tôn, do đó cần phải nghiên cứu ý nghĩa thâm sâu vi diệu, ông thành lập Đa Văn bộ.

Lại có một nhóm khác là Thuyết Giả bộ họ cho rằng thánh giáo có nhiều cấp độ, do đức Thế Tôn giả lập thuyết, nên trong ba tạng có đủ chân đế, tục đế, nói chung là họ chủ trương '' chân giả tịnh hữu '' .

Sau cùng có một nhóm ở vùng núi Andhra,họ chủ trương coi trọng việc cúng dường các tháp thờ Xá Lợi Phật (Caityas), nên có tên là Chế Đa Sơn bộ. Họ đem ngũ sự của Đại Thiên ra thảo luận, ý kiến bất đồng, nên lại chia ra một nhóm trú ngụ ở phía Tây gọi là Tây Sơn Trụ bộ, một nhóm trú ngụ ở phía Bắc gọi là Bắc Sơn Trụ bộ.

Mặc dù bảo thủ, nhưng do Đại Chúng đã phân thêm những bộ, nên Thượng Tọa bộ cũng bị ảnh hưởng phân tán thành những tiểu bộ.

Trước tiên, vào khoảng 200 năm sau khi Phật nhập diệt, Thượng Tọa bộ phân liệt thành Nhất Thiết Hữu bộ hay Hữu bộ, họ chủ trương như tên của bộ '' các pháp đều có '' , họ lại cho rằng '' nhân vô ngã '' nhưng '' pháp hữu ngã '' hay ''ngã không, pháp hữu '' nên cũng còn được gọi là Thuyết Nhân bộ. Về vạn hữu nguyên thủy Phật giáo lấy '' ngũ uẩn '' thành lập thế giới và chia thế giới ra làm '' tam giới '', và để đối chọi với Thắng Luận phái, Hữu bộ chia vạn hữu ra thành 5 vị, 75 pháp: Năm vị ấy là: Sắc pháp ( có 11 pháp), Tâm pháp (chỉ có 6 thức), Tâm sở hữu pháp (có 46 pháp), Tâm bất tương ưng hành pháp ( có 14 pháp), vô vi pháp (có 3), các pháp có đều là do '' Nghiệp cảm duyên khởi ''

Sau đó có nhóm hậu duệ của ngài Độc Tử, đề cao Luận Tạng A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc Luận của Ngài Xá Lợi Phất, nên Nhóm nầy gọi là Độc Tử bộ. Mặc dù đức Thế Tôn có dạy rõ ràng:

'' Dầu chư Phật có xuất hiện hay không, Này các Tỳ khưu, có một sự kiện, một nguyên tắc nhứt định, một định luật thiên nhiên, là tất cả các vật cấu tạo đều vô thường (Anicca), khổ não (Dukkha) và tất cả đều không có linh hồn (Anattã). Như Lai đã chứng ngộ và thấu triệt điều ấy. Như Lai quảng bá, truyền dạy, tuyên bố, xác định, phân tách và chỉ dẫn rành mạch rằng tất cả các vật cấu tạo (hữu lậu) đều vô thường, khổ não và vô ngã''. (Tăng Nhất Bộ kinh)

Nhưng Độc Tử bộ chủ trương rằng sau khi con người chết, ngũ uẩn không còn nữa thì phải có cái gì đó, siêu việt ngũ uẩn gọi là Nhân thể (Pudgala), nó thường hằng để chịu nhân quả.

Chúng ta biết rằng, giáo lý tinh yếu nguyên thủy đức Phật đã giảng dạy, chính là bài thuyết pháp đầu tiên nơi vườn Nai: Đó là Bốn Chân Lý, Mười hai nhân duyên và sau triển khai thêm Năm uẩn là đủ cả nhân sinh và vũ trụ quan Phật giáo.

Trong Trung A Hàm đức Phật dạy: '' Như lai chỉ dạy có một điều là khổ não và chấm dứt mọi đau khổ ''.

Trong Tự Thuyết của Tiểu bộ kinh: '' Này hỡi Tỳ Khưu, cũng như nước của đại dương hùng dũng chỉ có một vị là vị mặn của muối, giáo pháp chỉ có một vị là vị giải thoát ''

Vậy thì Nhân thể mà Độc Tử bộ chủ trương đó, đã rời xa giáo lý của đức Thế Tôn.

Trong Độc Tử bộ vì kiến giải bất đồng ở một bài kệ trong A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc Luận, tự bộ nầy phân ra thành 4 tiểu bộ: Pháp Thượng bộ, Hiền Trú bộ, Chánh Lượng bộ và Mật Lâm bộ.

Khoảng 300 năm sau đức Phật nhập diệt, Hữu bộ phân thêm Hóa Địa bộ, đây là tên của một người Bà La Môn, sau khi quy y đầu Phật, thường đem kinh Vệ Đà để giảng giải lời Phật, các đệ tử của ông về sau thành lập bộ riêng, nên người ta dùng tên ông đặt tên cho bộ đó.

Từ Hóa Địa bộ, một nhóm tin theo sự phân chia kinh điển thành 5 tạng của ngài Pháp Tạng (tương truyền là đệ tử của Ngài Mục Kiền Liên), họ lập thành Pháp Tạng bộ.

Lại có một bộ nữa là Ẩm Quang bộ, do những người Hữu bộ theo chủ trương của ngài Ẩm Quang (đệ tử Phật), chia những lời Phật dạy thành 2 phần, một phần để đả phá ngoại đạo và một phần để đối trị phiền não.

Hữu bộ còn phát sinh ra Kinh Lượng bộ, bộ nầy chủ trương phục hồi lập trường của Thượng Tọa bộ, lấy Kinh Tạng làm gốc tu tập.

Hữu bộ phát sinh làm cho Thượng Tọa bộ suy kém, lui về ẩn ở Tuyết Sơn (Hy Mã Lạp Sơn) cho nên còn gọi là Tuyết Sơn bộ.

Tóm lại khoảng từ 100 đến 300 năm sau khi Phật nhập diệt, Phật giáo chia thành 2 bộ chánh là Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ, từ 2 bộ nầy chia ra thành những bộ khác nữa, tóm chung có ít nhất là 20 bộ. Thượng Tọa bộ khu trú vùng Bắc Ấn, chủ trương bảo thủ, tư tưởng có khuynh hướng '' hữu '', sau nầy truyền bá sang Tích Lan thuộc phía Nam Ấn Độ, nên được gọi là Phật Giáo Nam Truyền hay Nguyên Thủy, kinh điển dùng tiếng Pali. Đại Chúng bộ khu trú vùng Trung Ấn, chủ trương tự do khoan hòa, tư tưởng có khuynh hướng '' VÔ '', sau nầy truyền bá sang Trung Hoa, Tây Tạng ở về phía Bắc Ấn, nên được gọi là Phật Giáo Bắc Truyền hay Phật Giáo Phát Triển, lại có chủ trương tu tập để tiến tới quả vị Phật, ví như cổ xe lớn chở được nhiều người, nên còn có tên là Phật Giáo Đại Thừa, kinh điển dùng Phạn ngữ.

Vào khoảng thế kỷ thứ II, sau thời kỳ Phật Giáo phân bộ và sau khi Kiết Tập kinh điển lần thứ IV, tư tưởng Đại Thừa đã được Đại Chúng bộ un đúc, Bồ Tát Mã Minh đã chính thức đưa Đại Chúng bộ vượt lên với tác phẩm Đại Thừa Khởi Tín Luận.

Bồ Tát Mã Minh,theo truyền thuyết khi ngài sinh ra, ngựa quanh vùng đều hí lên nên ngài được đặt tên là Mã Minh (Asvaghosha), con một nhà Bà La Môn ở miền sông Hằng. Khi chưa vào đạo Phật, ngài rất tin và công nhận bản ngã. Nhơn việc ấy, tổ thứ 11 Phú Na Dạ Xoa - đệ tử của Hiếp Tôn Giả (Pàrsva), được vua Ca Nhị Sắc Ca (78-101) tham vấn tổ chức Kiết Tập Kinh Điển lần thứ IV - hỏi Mã Minh:

'' Trong pháp Phật nên phân biệt hiển giáo và mật giáo. Theo hiển giáo người ta dạy đạo cho cư gia thiện nam, tín nữ, dường như có một cái bổn ngã. Còn theo mật giáo, người ta không công nhận sự sống thật, người ta dạy rằng tất cả đều giả dối, bào ảnh. Thì đâu có chỗ nào cho cái bổn ngã dựa nương?''.

Nhờ câu hỏi ấy, ngài Mã Minh thoả mãn với giáo lý nhà Phật, quy y tam bảo, thọ giới xuất gia. Ngài đặc biệt nổi tiếng trong giới thi ca tiếng Phạn, và chính ngài là người đã đưa nền văn học Phật Giáo tiếng Phạn lên đỉnh vinh quang, đặc biệt là bản trường ca '' Phật Sở Hành Tán '', với bút pháp hành văn tuyệt diệu, ngài đã ca tụng và đưa hình ảnh đức Phật lên thành bậc siêu nhân, sau 700 năm tịch diệt đã bị phai mờ vì thời gian.

Vì sao tác phẩm lại gọi là Đại Thừa Khởi Tín Luận, chúng ta biết rằng thời Phật tại tiền, ngài dạy cho các đệ tử sống đời Phạm hạnh, chuyên cần hành thiền để chứng đắc quả vị A La Hán. Đại Thiên đưa ra ngũ sự phê phán quả vị La Hán, nay Mã Minh đưa ra tác phẩm nầy để thuyết minh Như Lai Tạng - chúng sanh - vì vô minh đang bao bọc Như Lai, phá vở cái vỏ u tối Như Lai Tạng ấy, ở ngay nơi con người chúng ta thì Như Lai hiện tiền, tức là thành Phật. Luận của ngài Mã Minh được người sau đánh giá cao, nên đã tôn vinh ngài lên hàng Bồ Tát vậy.

Chúng ta đã biết rằng, Hữu bộ với khuynh hướng '' Có '', Đại chúng bộ '' Không '', cho nên 700 năm sau Phật nhập diệt, vào khoảng thế kỷ thứ II có Long Thọ chủ trương ở giữa với tác phẩm Trung Quán Luận, ông đã đưa triết học Phật Giáo trở về với tinh hoa nguyên thủy.

Trước thời Long Thọ, các kinh điển Đại Thừa Phật Giáo đã có: Đại Phẩm Bát Nhã Kinh, Tiểu Phẩm Bát Nhã Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, Đại Vô Lượng Thọ Kinh, Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh, Duy Ma Kinh, đó là những bộ kinh chánh yếu, ngoài ra còn những bộ kinh khác.

Long Thọ (Nàgàrjuna) hay Long Thụ còn có tên là Long Thắng, ngài sanh ra ở nơi cây A Châu Đà Na (Arjuna), nên mẹ ngài lấy tên cây, đặt tên ngài, về sau tương truyền ngài nhờ loài Rồng (Nàgà), xuống Long cung chép bộ kinh Hoa Nghiêm đem về thế gian, nên người ta mới tôn xưng, ghép lại viết là Nàgàrjuna, niên đại xuất thế của ngài có nhiều thuyết khác nhau, đại thể là khoảng đầu thế kỷ thứ III, ngài người nước Tỳ Đạt Bà (Vidharbha) Nam Ấn, thuộc dòng dõi Bà La Môn, bẩm tính thông minh, lúc thiếu thời ngài đã tinh thông kinh điển Vệ Đà, và một số học thuật khác. Nhưng các môn học thuật không làm cho ngài mãn nguyện, do đó ngài đã xuất gia đầu Phật quyết tìm chân lý, trước ngài tìm hiểu Phật giáo ở Thượng Tọa bộ, sau qua nghiên cứu kinh điển Đại chúng bộ, thuở ấy kinh điển Đại thừa đã có, ngài nghiên cứu qua và thông hiểu hết, nên sắp xếp lại thành một thế hệ giáo học Đại Thừa Phật Giáo.

Ngài hoạt động ở nhiều nơi, vua nước Kiều Tất La là Satàvahana mến mộ đức độ ngài, nên quy y Phật giáo, và hộ trì ngài bằng cách xây một Đại Tịnh Xá ở phía Tây Nam núi Hắc Long Sơn (Bhràmaragiti), để có nơi xứng đáng cho ngài làm cơ sở hoằng dương chánh pháp, nơi đây trở thành trung tâm truyền giáo, ngài đã trước tác nhiều bộ luận giá trị để tuyên dương giáo lý Đại Thừa, do công đức đó người ta tôn xưng ngài là Đệ Nhị Thích Ca.

Như đã nói, sự nghiệp trước tác của ngài có nhiều bộ luận như: Trung Quán Luận (Madhya-dhyàna-sàstra), Thập Nhị Môn Luận (Dvàdasa-nikàya-sàstra), Đại Trí Độ Luận - còn gọi là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Thích Luận - (Mahàprajnàpàramità-sàstra), Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận (Dasabhùmi-vibhàsà-sàstra) ... về kinh có Kinh Hoa Nghiêm.

Trung Quán Luận, Thập Nhị Môn Luận của ngài và Bách Luận (Sata-sàstra) của ngài Đề Bà (Deva) là ba bộ luận căn bản của học phái ''Tam Luận Tông '', thêm Đại Trí Độ Luận thành bốn bộ luận căn bản của học phái '' Tứ Luận Tông '' .

Vì ngài sáng tác nhiều tác phẩm, giáo nghĩa uyên thâm, nhiều tông phái sau nầy đã dùng chúng để xiển dương, cho nên người xưa cho ngài là tị tổ của Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Hoa Nghiêm Tông, Tam Luận Tông ... Nhưng bộ luận căn bản là Trung Quán Luận, thường gọi là Trung Luận, trình bày rõ tư tưởng '' Trung Đạo '' hay triết lý tánh KHÔNG.

Để có thể hiểu một cách đại cương về Trung Luận, Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm trong Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ đã tóm tắc như sau:

'' Trước hết lý luận về '' chư pháp thực tướng '', ngài Long Thụ gọi chư pháp thực tướng là '' chân không vô tướng ''. Nhưng KHÔNG đây không phải là cái KHÔNG đối lập với CÓ, cũng không phải là ý nghĩa HƯ VÔ mà là cái vượt ra ngoài vòng CÓ và KHÔNG để đặt một danh từ thay thế cho ý nghĩa trên tức là '' Trung Đạo ''. '' Trung Luận '' quyển thứ nhất nói: '' Bất sinh diệc bất diệt, bất thường diệc bất đoạn, bất nhất diệc bất dị, bất lai diệt bất khứ ''. Nghĩa là thực tướng của chư pháp thì bản lai không có sinh cũng không có diệt, không có thường cũng không có đoạn, không có một cũng không khác, không có lại cũng không có đi. Nhưng vì quan niệm cố định của thế gian thì có sinh, có diệt, có thường, có đoạn, có một, có khác, có đi, có lại, thuộc 8 quan niệm giả tướng, để phủ định những quan niệm đó, nên ngài Long Thụ nói ra 8 thứ không là '' Không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác, không lại, không đi '', để biểu hiện cái thực thể của chư pháp, và cũng để thuyết minh nghĩa '' Trung đạo ''. Vậy nghĩa ' ' Trung đạo '' không phải là ý nghĩa trung gian giữa cái CÓ và KHÔNG mà là cái ý nghĩa vượt ra ngoài vòng sai biệt tương đối, siêu việt khỏi lãnh vực CÓ, KHÔNG và cả '' không cả cái không '', thuộc ở trường hợp '' ngôn ngữ đoạn đạo ''.

Đệ tử của ngài Long Thọ là Đề Bà(Deva) cũng gọi là Thánh Thiên (Aradeva), sinh ở cuối thế kỷ thứ III, người Nam Ấn, thông minh, có tài hùng biện nên được ngài Long Thọ phái đi các nơi để phá tà hiển chánh Đại Thừa Phật Giáo, tương truyền sau ngài bị ngoại đạo hảm hại, ngài Đề Bà có những tác phẩm:

Bách Luận (Sata-sàstra), Bách Tự Luận (Satàksara-sàstra), Quảng Bách Luận (Sata-sàstra-vaipulya),các bộ luận nầy đều lấy Trung Luận làm cơ sở, mục đích cũng để '' phá tà hiển chánh ''.

Ngài Bạt Đà La là đệ tử của Đề Bà, người Trung Ấn cũng thông minh, cũng có tài hùng biện, ngài có viết sách chú thích bộ Trung Luận, hoạt động xiển dương Đại Thừa ở vùng Trung Ấn.

Riêng kinh sách Việt Nam, viết về Trung Luận có: Triết Học Tánh Không của Tuệ Sỹ, Trung Luận của Thích Viên Lý, Lịch sử Tư Tưởng và Triết Học Tánh Không của Thích Tâm Thiện. . .

Sau thời đại Long Thọ, trước thời Vô Trước, Thế Thân, khoảng thế kỷ thứ IV, Đại Thừa Phật Giáo có những kinh như: Kinh Thắng Man, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Lăng Già.

Vô Trước hay A Tăng Già (Asanga), sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV, tại thành Bá Lộ Sa (Purusapura), nước Kiền Đà La (Gandhàra), Bắc Ấn, thuộc dòng dõi Bà La Môn, thân phụ là Kiều Thi La (Kausika) thân mẫu là Tỷ Lân Trì (Virici). Vô Trước là anh cả, kế đó là Thế Thân (Vasubandha), và em út là Tỷ Lân Trì Tử (Virincivaisa), cả ba đều xuất gia đầu Phật, Vô Trước và Thế Thân rất nổi tiếng về thuyết A Lại Duyên Khởi trong Duy Thức học.

Ngài Vô Trước không thỏa mãn với Bà La Môn giáo, ngài theo qua Phật Giáo Bắc Ấn thuộc Hữu Bộ, lại không làm cho ngài được mãn nguyện, nên ngài chuyển qua nghiên cứu kinh điển Đại thừa, rồi thấm nhuần, xiển dương tư tưởng Đại Thừa Phật Giáo.

Theo truyền thuyết, ngài có thần thông, xuất thần lên cung trời Đâu Xuất (Tusit) học đạo với đức Di Lặc (Maitreya), sau ngài lại thỉnh đức Di Lạc giáng xuống giảng đường ở nước A Du Đà (Ayodhya) thuộc Trung Ấn, trong khoảng thời gian 4 tháng. Ban đêm đức Di Lặc giảng, ngài học; ban ngày, ngài giảng lại cho đại chúng. Địa bàn truyền bá của ngài là nước A Du Đà và Ma Kiệt Đà (Magadhà), ngài cũng khuyên em là Thế Thân, chuyển từ Hữu bộ sang nghiên cứu Đại Thừa, ngài thọ 75 tuổi.

Trước tác của đức Di Lặc gồm có: - Du Già Sư Địa Luận (Yogàcàryabhùmi-sàstra), Đại Thừa Trang

Nghiêm Kinh Luận (Mahàyàna-lankàra-sàstra), Thập Địa Kinh Luận (Dasabhùmika-sùtra-sàstra),

Trung biên Phân Biệt Luận (Madhyàntavibhàga-sàstra).

Trước tác của ngài Vô Trước: - Hiển dương thánh giáo luận (Prakaranàryavàca-sàstra), Nhiếp ĐạiThừa Luận (Mahàyànà-samparigraha-sàstra), Đại Thừa A Tỳ Dạt Ma Tạp Luận (Mahàyànàbhi-dharma-sangìti-sàstra), Kim Cương Bát Nhã ba La Mật Đa Kinh Luận (Vajraprajnà-pàramità-sùtra-sàstra), Thuận Trung Luận Nghĩa Nhập Đại Bát Nhã Ba La Mật Kinh SơPhẩm Pháp Môn (do Long Thọ viết, Vô Trước chú giải, Bát Nhã Lưu Chi dịch ra Hán Văn).

Những bộ luận nêu trên, có luận xiển dương kinh Hoa Nghiêm, Trung Quán Luận là những trước tác của Long Thọ. Riêng Du Già Sư Địa Luận là bộ luận căn bản cho cho thuyết A Lại Da Duyên Khởi, nền tảng của Pháp tướng Tông.

Thế Thân (Vasubandhu), là em sinh sau Vô Trước chừng 20 năm, ở cuối thế kỷ IV, dòng dõi Bà La Môn, xuất gia đầu Phật theo Hữu bộ, sau tới nước Ca Thấp Di La (Kasmìtra), học giáo nghĩa Đại Tỳ Bà Sa Luận, học xong ngài trở về nước Kiền Đà La trước tác bộ A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận, củng cố cho tư tưởng của Hữu bộ thời bấy giờ. Về sau nghe theo lời khuyên của anh là Vô Trước, bèn chuyển sang nghiên cứu kinh điển Đại Thừa, ông trước tác nhiều bộ luận, xi‹n dương giáo nghĩa Đại Thừa, cuối cùng nhập diệt tại nước A Du Đà (Ayodhà), hưởng thọ 80 tuổi.

Mặc dù người ta cho rằng ngài là luận chủ của trên một ngàn bộ luận, nhưng chỉ dịch sang Hán Văn trên mười bộ mà thôi, như: - A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận ( Abhidharma-kosa-sàstra), Duy Thức Tam Thập Luận Tụng (Vidyàmàtrasiddhi-tridasa-sàstra-kàrik), Duy Thức Nhị Thập Luận (Vidyàmàtra-vìmsati-sàstra), Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận (Mahàyàna-satadharmavìdyàdvàra-sàstra) . . .

A Tỳ Đạt Ma Câu xá Luận thuộc tư tưởng Hữu bộ, còn 3 luận sau thuộc Pháp Tướng tông hay Duy Thức học, đó là Tâm Lý Học Phật Giáo.

Chúng ta biết rằng Hữu Bộ chia vạn hữu thành 5 vị, 75 pháp, Tâm pháp chỉ có 6 là: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý nay có thêm Mạt Na, và A Lại Da Thức.

Từ Nghiệp cảm duyên khởi, nhưng Nghiệp ấy do đâu mà có, do các chủng tử ở A lại Da Thức, đó là A lại Da Duyên Khởi.

Trần Na (Dignàga hay Màhadignàga), sinh ở cuối thế kỷ thứ V, tại Kiến Trì Thành (Kàncipura) thuộc nước Đạt La Tỳ Trà (Dràvida) Nam Ấn, lúc đầu học giáo lý Hữu bộ, sau chuyển sang học giáo lý Đại Thừa, kế thừa tư tưởng A Lại Da duyên khởi của Vô Trước và Thế Thân, ông cũng tinh thông môn Lý Luận của Chính Lý Phái (Nyàya) là Nhân Minh học (Hetuvidhyà), nhưng thấy còn phức tạp với 5 giai đoạn: Tôn, Nhân, Dụ, Hợp, Kết, nên ông đã giản lược chỉ còn có 3 là: Tôn, Nhân, Dụ. Nó đã trở thành môn Luận Lý học Phật Giáo.

Tác phẩm của ông: - Nhân Minh Chính Lý Môn Luận Bản (Hetuvidya-nyayadvàra-sàstra-mùla), Quán Sở Duyên Duyên Luận (Alambanaprtyaya-hyàna-sàstra). . .

Sách trước là để chỉnh lý môn Nhân Minh Học, sách sau và những quyển luận khác để nói về A Lại Da Duyên Khởi.

Hộ Pháp, người ở cùng nước với Trần Na, theo học với Trần Na về Duy Thức, sau có đến Na Lan Đà học, tại đây ông có truyền Duy Thức học cho Giới Hiền, ông rời Na Lan Đà tới chùa Đại Bồ Đề ẩn tu, rồi tịch tại đây, thọ 32 tuổi.

Tác phẩm của ông có: - Thành Duy Thức Luận (Vìjnàpti-màtrata-siddhi-sàstra), Quán Sở Duyên Duyên Luận Thích ... là những luận mà ông dùng chú thích các luận của Thế Thân, Trần Na và Đề Bà.

Giới Hiền (Sìladhadra), người nước Samatata, Trung Ấn, khi đến học tại Na Lan Đà, được Hộ Pháp truyền cho pháp môn Duy Thức, ngài trở thành đại luận sư của môn Duy Thức.

Thanh Biện (Bhavaviveka), vào khoảng thế kỷ VI, người Nam Ấn, lúc đầu theo học Số Luận, sau chuyển qua học Phật, kế thừa giáo nghĩa '' thực tướng luận '' của Long Thọ và Đề Bà, địa bàn truyền đạo của ngài là nước Dhanakataka, thuộc Nam Ấn.

Ngài trước tác hai bộ luận: - Đại Thừa Chưởng Trân Luận (Mahàyànatànaratna-sàstra) và Bát Nhã Đăng Luận Thích (Prajnàdipà-sàstra-kàrika), quyển trên nói về Hữu vi không, vô vi không, quyển sau giải thích Trung Luận của Long Thọ.

Trí Quang (Jnànaprabha), đệ tử của Thanh Biện, tu học tại Na Lan Đà, ngài thông hiểu giáo nghĩa của Hữu bộ và Đại Thừa, đắc truyền '' thực tướng luận '' của Long Thọ, ngài là người đầu tiên phân định giáo nghĩa cao thấp của các học phái Phật Giáo, gọi là phán giáo, ngài phân ra 3 hạng: Thấp nhất là Hữu bộ: '' tâm cảnh câu hữu giáo '', hạng trung bình là Vô Trước và Thế Thân: '' Tâm hữu, cảnh không giáo '', hạng cao nhất là Long Thọ: '' tâm cảnh câu không giáo ''.

Để đối ứng lại với Trí Quang, Giới Hiền phân như sau: Thấp là Hữu bộ: '' Hữu giáo '', hạng giữa là Long Thọ: '' Không giáo '', cao nhất là Vô Trước và Thế Thân: '' Trung đạo giáo ''.

Đến thế kỷ thứ VII, ngài Huyền Trang sang Thiên Trúc ( Ấn Độ) thỉnh kinh, có tới học tại Na Lan Đà, cả Giới Hiền và Trí Quang đều muốn truyền môn học của mình cho Huyền Trang, nhưng Huyền Trang chọn học Duy Thức với Giới Hiền.

Trong Phật Giáo, học viện Na Lan Đà rất danh tiếng, vì nơi đó giao lưu những trào lưu tư tưởng các bộ phái Phật Giáo Bắc và Nam Tông thời bấy giờ, đã đào tạo nhiều bậc thạc học Phật giáo như Giới Hiền, Trí Quang, Huyền Trang . . .

Đại học nầy xây dựng vào năm 480, ở phía Bắc Thành Vương Xá thuộc Trung Ấn, nhiều nhà vua xây dựng qua nhiều đợt, đến thế kỷ thứ VII, theo ký sự của ngài Huyền Trang có 8 viện và 300 phòng làm thành đại già lam, nguy nga tráng lệ, nơi đây có lúc tới 30 ngàn học tăng các nước tới học, các đại sư Trung Quốc như Pháp Hiền, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh ... khi sang Ấn Độ đều có tới đây tham học, nay chỉ còn lại trơ trọi những nền móng, phơi thân cùng năm tháng.

Đến thế kỷ thứ VIII, đạo quân Hồi thuộc Thổ Nhĩ Kỳ đã đem quân xâm lăng Ấn Độ, từ đó cho đến năm 1203, quân Hồi chiếm toàn cõi Trung Ấn, sau đó chia quân tiến chiếm các nơi. Chùa chiền bị đốt phá, Tăng, Ni bị hảm hại. Phật Giáo đã bị Hồi Giáo diệt vong ngay tại quê hương của mình. Do đó, các trào lưu tư tưởng Phật Giáo không được phát triển thêm và cho đến năm 1891, ông Anagarika Dharmapala, người Tích Lan, cộng tác thân cận của ông Henry Stelle Ocott, sang thăm viếng Bồ Đề Đạo Tràng, thấy cảnh Phật Giáo Ấn Độ điêu tàn, ông phát nguyện phục hưng Phật Giáo Ấn Độ, từ đó đến nay hơn một thế kỷ, tại Ấn Độ Phật Giáo đã bắt đầu hồi sinh, nhưng cho đến cuối thế kỷ 20 có lẽ chỉ được 1% tỷ lệ dân Ấn theo đạo Phật mà thôi.

Sau đó, Ấn Giáo trả lại cho Phật Giáo Bồ Đề Đạo Tràng, ngày nay nhiều nước như Nhật Bản, Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam ... xây dựng chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng, hay ở Lâm Tỳ Ni nơi những thánh tích Phật Giáo, có thể nói sắc thái quốc tế đang khôi phục Phật giáo ngay tại quê hương của đức Phật, để làm cho Phật Giáo nơi đây hưng thịnh lại, trở thành trung tâm truyền bá, lan tỏa, hòa nhịp với làn sóng Phật Giáo đang làn tràn khắp nơi trên thế giới.

Chính Hạnh
(Trích" "Nguyệt san Phật Học", USA, tháng 10-2000)


Sách tham khảo

-- Phan Văn Hùm, Triết Học Phật Giáo, Tân Việt, Sàigòn, Việt Nam, 1958
-- Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật Giáo Ấn Độ, Vạn Hạnh, Sàigòn, Việt nam, 1963
-- Cao Hữu Đính, Luận Đại Thừa Khởi Tín, NXB Thuận Hoá, Huế, Việt Nam, 1996
-- Nguyễn Đăng Thục, Lịch Sử Triết Học Đông Phương, Tập 3, Việt Nam, 1997
-- Nàrada Maha Thera, Đức Phật Và Phật Pháp, Việt Nam, 1989
-- Thích Tâm Thiện, Lịch Sử Tư Tưởng Và Triết Học Tánh Không, Việt Nam, 1999

http://www.buddhismtoday.com/viet/triet/022-traoluu.htm

 


Cập nhật: 1-11-2000

Trở về thư mục "Triết học Phật giáo"

Đầu trang