- Giới thiệu Pháp
Hoa Tông
- HT Thích Trí Quảng
Pháp Hoa tông còn được gọi là
Thiên Thai tông. Thiên Thai là tên của hòn núi ở Thai Châu, miền Nam Trung
Hoa. Ngài Trí Giả sống tại núi này và giảng dạy đại chúng suốt đời
nhà Trần và nhà Tùy.
Tông phái này do Ngài thành lập,
nên được gọi là Thiên Thai theo tên núi mà Ngài ở. Nhưng đúng tên là
Pháp Hoa, đặt theo tên kinh Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh căn bản của tông
này.
- I. Lịch sử
- 1- Long Thọ
Tuy ngài Trí Giả thành lập
tông Pháp Hoa, nhưng tông này đặt ngài Long Thọ làm sơ Tổ. Nargajuna, Hán
dịch là Long Thọ, Long Thắng hay Long Mãnh, nhưng tên Long Thọ phổ
thông hơn. Ngài thuộc dòng Bà la môn ở Nam Êẽn Độ, nước Tỳ Đạt Bà,
thông minh xuất chúng, sớm hiểu được bốn bộ Vệ Đà kinh, được coi
như hàng lãnh đạo của Bà La Môn giáo.
Sau, Ngài theo Phật giáo, bắt đầu
học Tiểu thừa, rồi chuyển sang Đại thừa. Cuối cùng, Ngài phát huy tư
tưởng Trung Quán và là Tổ của phái Trung Quán. Ngài cũng là Tổ thứ 13
trong 28 Tổ của Thiền tông và cũng là Tổ của tất cả 10 tông phái ở
Trung Hoa, 21 tông phái ở Nhật Bản.
Về năm sanh của ngài Long Thọ, có
nhiều thuyết khác nhau. Theo Cao tăng truyện, Ngài sanh sau Phật nhập
diệt 900 năm, Ma Da kinh ghi sau 700 năm, Pháp Hoa truyền ký ghi sau 600 năm.
Theo cận đại học giả Đông Tây, năm sanh của Ngài vào khoảng 150-250
T.L.
Ngài Long Thọ được coi là sơ Tổ
của tông Pháp Hoa vì theo Chân đế tam tạng, sau khi Phật diệt độ, có
nhiều học giả nghiên cứu kinh Pháp Hoa, nhưng tác phẩm mang tên Pháp Hoa của
Ngài soạn, Kiên Ý Bồ tát chú thích, là một tác phẩm được coi như xuất
sắc nhất.
Ngoài bộ Pháp Hoa luận chưa
tìm thấy, nếu theo dõi những tác phẩm khác của Bồ tát Long Thọ cũng bắt
gặp những ý nghĩa thâm huyền của kinh Pháp Hoa.
Thuyết nhị thừa tác Phật được
dẫn dụng trong Đại Trí Độ luận đã nói lên được tư tưởng của
Bồ tát Long Thọ phát nguồn từ kinh Pháp Hoa. Và hơn thế nữa, trong bộ Đại
luận đã nhắc đến kinh Pháp Hoa trên 20 lần. Các phẩm Tựa, Phương
tiện, Thí dụ, Dược thảo dụ, Hóa thành dụ, Thọ ký, Hiện Bảo tháp,
Tùng địa dũng xuất, Như Lai thọ lượng, Phổ Môn, Phổ Hiền v.v... đều
được dùng dẫn chứng cho học thuyết của Đại luận.
Cuối cùng, Ngài viết: "Kinh
Bát Nhã chưa phải là pháp rốt ráo giải thoát. Duy có kinh Pháp Hoa thọ
ký cho A la hán được thành Phật và là pháp của các bậc đại Bồ tát
hành trì, mới là rốt ráo. Kinh này cũng như một vị đại lương y mới dám
sử dụng chất độc làm thuốc cứu người".
2- Huệ Văn
(505-577)
Khi Đại Trí Độ luận và Trung
Quán luận của Bồ tát Long Thọ được truyền sang Trung Hoa, ngài Huệ
Văn cảm nhận sâu sắc tư tưởng của Bồ tát Long Thọ trong hai bộ luận
này và sử dụng nó để triển khai thành sở đắc của Ngài. Ngài được
coi là Tổ thứ hai của tông Pháp Hoa.
Về phần truyền thừa từ Long Thọ
đến Huệ Văn, cách nhau một khoảng thời gian thật xa. Hai người sanh ở
hai thời đại khác nhau. Ngài Long Thọ ở vào thế kỷ I đầu kỷ nguyên,
còn Huệ Văn ở vào thế kỷ thứ 4. Vì vậy, không thể nói trực tiếp
truyền thừa được. Nhưng vì Huệ Văn tiếp thu tư tưởng của ngài Long
Thọ và lấy đó làm căn bản cho học phái mình nên đặt Ngài là Tổ thứ
hai của tông này.
Tiếp nhận tư tưởng của Bồ tát
Long Thọ, ngài Huệ Văn triển khai thành "Tam Trí Tam Quán". Nghĩa là
trên bước đường tu, chuyển nhận thức từ Thanh văn sang Duyên giác và Bồ
tát, từng bước đi lên, trí tuệ mở ra, dùng ba trí quán ba pháp, gọi là
tam trí tam quán.
Sử dụng trí Thanh văn quán các
pháp, thấy tất cả là Không. Tiến lên trí quán sát của hàng Duyên giác,
thấy các pháp tuy có, nhưng không thực, gọi là quán giả. Và đến sau cùng
là Trung đạo theo trí của Bồ tát, quán thấy các pháp có mà cũng không
có.
3- Huệ Tư
(515-577)
Tổ thứ ba là ngài Huệ Tư
(515-577). Ngài học Pháp Hoa và thực tập thiền quán với Tổ Huệ Văn. Trên
bước đường hành đạo, Ngài bị thuốc độc vì không nghe theo các phe
phái chính trị. Nhưng vì tu chứng pháp vô duyên đại từ bi tâm, Ngài vẫn
an lành.
Ngài ẩn tu ở núi Đại Tô, thực
hành ba pháp: Niệm Phật tam muội, Ban châu tam muội và Pháp Hoa tam muội.
Đời Đông Ngụy Võ Định thứ 6,
năm 554, khi giảng kinh Bát Nhã tại Hà Nam, Ngài lại bị bỏ thuốc
độc hai lần. Và khi Ngài đến chùa Quang Êẽp, Quang Châu, tỉnh Hà Nam, giảng
Đại luận trong 50 ngày, người ta bỏ đói Ngài. Nhưng Ngài vẫn tiếp
tục giảng kinh được, chứng tỏ Ngài đã đắc Pháp Hoa tam muội.
Sau đó, Ngài trở về núi Đại Tô,
chú giải bộ Bát Nhaả và Pháp Hoa và phát nguyện rằng:
"Tôi nguyện ở lại thế giới này duy trì bộ Bát Nhã và Pháp
Hoa để độ chúng sanh, cho đến khi nào Phật Di Lặc ra đời".
Huệ Tư ngộ được pháp Tam trí
tam quán của Tổ Huệ Văn và triển khai thành tư tưởng Nhứt tâm tam
quán. Tu theo thứ bậc của Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát phát sanh ra ba
trí. Nhưng khi đã sử dụng được ba trí này thì theo Huệ Tư kiến giải,
trong Bồ tát quán pháp đã gồm đủ cả trí quán của Thanh văn và Duyên
giác. Đứng ở vị trí Bồ tát nhìn xuống, thấy được giáo nghĩa tam thừa
thông suốt, Bồ tát hành đạo hoàn toàn tự tại, không còn chướng ngại.
Trong một niệm tâm (chơn tâm) có đủ tam thừa giáo, hay đầy đủ các
pháp, độ được tất cả chúng sanh.
4- Trí Khải
(538-597)
Tổ thứ tư là Trí Khải (538-597)
thọ pháp với Huệ Tư ở núi Đại Tô và được truyền cho pháp tu quán
theo kinh Pháp Hoa. Khi Tổ Huệ Tư viên tịch, Ngài nhớ lại lời Huệ Tư dạy
"Núi Thiên Thai là chỗ của ông", Ngài liền lên núi Thiên Thai (tỉnh
Triết Giang) ẩn tu trên đỉnh núi cao nhất tên Hoa Đảnh Phong, chuyên tu tập
thiền quán trong 10 năm.
Năm Ngài 48 tuổi, triều đình rước
Ngài về giảng kinh và chính vua Tuyên đế đảnh lễ Ngài ba lạy trước
khi giảng kinh.
Lúc Ngài giảng Pháp Hoa văn cú ở
chùa Quang Trạch, Nam triều, thì ở phương Bắc, Tùy Văn đế lên ngôi. Năm
588, thái tử là Tấn Vương Quảng đánh Nam Kinh, tiêu diệt nhà Trần, thống
nhất đất nước và lên ngôi, lấy hiệu là Tùy Dạng đế. Ông tổ chức
Thiên Tăng hội, lập đàn tràng cầu nguyện quốc thái dân an và thỉnh
Ngài về chứng minh. Tấn Vương Quảng phát nguyện ăn chay, xin Ngài truyền
giới Bồ tát và phong tặng Ngài tước hiệu là Trí Giả đại sư.
Ở Trung Hoa, từ các thời đại
trước cho đến thời ngài Pháp Vân, thì nặng về phần giáo học, tức tư
tưởng. Đến thời ngài Huệ Tư, ngả về chiều hướng sinh hoạt tâm
linh, tức tu thiền. Đến ngài Trí Giả là người tổng hợp được cả
hai phần: giáo học và thiền quán. Ngài chủ trương thiền giáo song tu.
Tiếp nhận tư tưởng nhứt tâm tam
quán do Huệ Tư Thiền sư truyền cho, Trí Giả chuyển thành pháp tu Nhứt niệm
tam thiên. Với pháp chứng đắc Nhứt niệm tam thiên, trong một niệm tâm
bao gồm cả 3000 thế giới, dung được tất cả hữu tình không chướng ngại,
dùng một pháp thuyết, nhưng mọi người ở trình độ khác nhau đều tiếp
thu như pháp dành riêng cho họ.
Từ pháp chân thật tu chứng được
là Nhứt niệm tam thiên, Ngài thuyết pháp suốt 8 năm mà chỉ giảng có 5
chữ Diệu Pháp Liên Hoa kinh, khai triển không biết bao nhiêu ý hay.
Tác phẩm của Ngài chủ yếu là Pháp
Hoa tam đại bộ gồm: Pháp Hoa huyền nghĩa, Pháp Hoa văn cú và Ma
ha chỉ quán. Pháp Hoa tông được khai ra từ đó, nhưng thực sự tông
Pháp Hoa cũng chưa chính thức thành lập.
5- Quán Đảnh
(561-632)
Phải đợi đến khi Quán Đảnh biên
soạn tất cả bài giảng của ngài Trí Giả, tông Pháp Hoa mới được chính
thức thành. Ba tác phẩm lớn của ngài Trí Giả là Pháp Hoa tam đại bộ
cũng do Quán Đảnh tập thành. Quán Đảnh được coi là Tổ thứ năm của
tông Pháp Hoa.
6- Trạm Nhiên
(717-782)
Tổ thứ sáu, ngài Trạm Nhiên, là
người phục hưng Pháp Hoa tông, vì bấy giờ tông này đang suy yếu.
Và từ Trạm Nhiên về sau, vẫn
còn tông Pháp Hoa, nhưng không có người nào xuất sắc, nên không nổi tiếng
như trước kia.
7- Tối Trừng
(767-822)
Cho đến khi Tối Trừng (Saicho, tức
Truyền Giáo đại sư, Dengyô) ở Nhật Bản sang Trung Hoa cầu pháp với Trạm
Nhiên. Trở về nước, ngài Tối Trừng thành lập tông Thiên Thai trên núi
Tỷ Duệ. Ngài được coi là sơ Tổ của tông Pháp Hoa ở Nhật Bản.
Tuy ngài Tối Trừng học Pháp Hoa với
Trạm Nhiên và lập tông Thiên Thai, nhưng Ngài lại chịu ảnh hưởng của
Mật giáo. Vì thế, sau đó, đệ tử của Ngài là Trí Chứng, Viên Nhân kế
nghiệp tông này, nhưng không thuần tu Pháp Hoa, nên chuyển sang Thiền và Mật
tông.
8- Nhật Liên
(1222-1282)
Từ đó kéo dài mãi đến khi ngài
Nhật Liên ra đời vào thế kỷ 12, tông Pháp Hoa ở Nhật Bản mới được
Ngài thành lập lại. Ngài xây dựng Bổn môn Pháp Hoa, hành đạo đến nơi
nào là dựng cờ có chữ Diệu Pháp Liên Hoa kinh và niệm đề kinh này.
Ngài Nhật Liên được tôn danh là Bổn môn đại sư. Ngài triển khai phần
tiềm ẩn sâu xa của kinh Pháp Hoa, không căn cứ trên 28 phẩm kinh, nhưng
căn cứ trên tam đại bí pháp. Theo Ngài, tam đại bí pháp gồm Bổn môn bổn
tôn, Bổn môn đề mục và Bổn môn giới đàn.
Bổn môn bổn tôn chỉ cho vị giáo
chủ được tôn thờ là Đức Phật thường trú vĩnh hằng, bất sanh bất
diệt. Không phải Đức Phật Thích Ca mang thân hữu hạn sanh diệt.
Bổn môn đề mục là 5 chữ Diệu
Pháp Liên Hoa kinh. Chỉ thọ trì 5 chữ này là thấy được toàn bộ những
gì Phật thuyết và thấy đủ nhân hạnh quả đức của Phật mười
phương.
Bổn môn giới đàn là đại mạn
trà la, tức tổng thể của vũ trụ. Đây là giới đàn vô tướng có Bổn
Phật, không thể dùng mắt thường thấy được. Chỉ dùng nhân duyên căn
lành và tâm thanh tịnh mới có thể thâm nhập thế giới bao la ấy và làm
bạn lữ với các Bồ tát đang trụ nơi đó.
Đây là pháp tu chứng, bề ngoài thấy
đơn giản, nhưng hành trì mang lại kết quả có sức thuyết phục lớn
lao.
Thật vậy, ngày nay, các hội đoàn
Phật giáo phát xuất từ Nhật Liên tông hay Pháp Hoa tông như: Risshio Kosei
kai, Sokai Gakkai, Buksho Gonenkai, mỗi hội này có từ 1 triệu đến 7, 8 triệu
tín đồ, tổng cộng tín đồ của riêng ba hội đoàn này đã chiếm hơn
phân nửa số tín đồ của Phật giáo Nhật Bản.
II. TRIẾT LÝ
Phán giáo của Pháp Hoa tông hay
Thiên Thai tông là "Ngũ thời Bát giáo". Thật ra, cách phán giáo
này chính là của ngài Trí Giả, chia một đời thuyết pháp của Đức Phật
Thích Ca thành 5 thời.
1- Thời kỳ thứ nhất là thời Hoa
Nghiêm. Căn cứ theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện nói rằng Đức
Phật ngồi cội bồ đề 21 ngày nói kinh Hoa Nghiêm. Đây là pháp tu chứng
của Phật nói về sự giác ngộ của Ngài, chỉ có Bồ tát trụ trong đại
thiền định nghe được. Còn hàng thính chúng trên cuộc đời hoàn toàn
không hiểu nổi, kinh ví họ như người điếc, đui mù.
2- Thời kỳ thứ hai là thời Lộc
Uyển. Nói kinh Hoa Nghiêm, chúng Thanh văn không nghe được, Phật mới
rời Bồ đề đạo tràng, đến Lộc Uyển nói pháp cho 5 anh em Kiều Trần
Như. Từ đó, suốt 12 năm, Ngài giảng 4 bộ kinh A Hàm. Thời kỳ này
cũng được gọi là thời dụ dẫn, nhằm giúp đệ tử tiến lên giáo lý
cao hơn.
3- Thời kỳ thứ ba là thời Phương
Đẳng. Trong 8 năm, Phật giảng nói các kinh thuộc quyền thừa, chuyển mạch
từ Tiểu thừa sang Đại thừa giáo, gọi là kinh Phương Đẳng. Trong
thời này, Đức Phật thường khiển trách các vị La hán bị rơi vào
thiên kiến và Ngài thức tỉnh họ, cho họ thấy giá trị của pháp Đại
thừa.
4- Thời kỳ thứ tư là thời Bát
Nhã. Đức Phật nói kinh Đại Bát Nhã phủ nhận hoàn toàn mọi ý niệm
phân biệt và chấp thủ. 22 năm làm nghề hốt phân của gã cùng tử ngầm
ví cho thời Bát Nhã của Phật hướng dẫn chúng đệ tử dọn sạch tâm
hoàn toàn trống không, được thanh tịnh.
5- Thời kỳ thứ năm là thời Pháp
Hoa hay Niết Bàn. Đến đây, quan niệm ba thừa: Thanh văn, Duyên giác, Bồ
tát có thể đạt đến Thánh quả chỉ là pháp phương tiện tạm thời
đưa ra, để cuối cùng cả ba thừa này đều hội nhập vào một thừa.
Nhân duyên Đức Phật xuất hiện
ở thế gian này là cứu độ tất cả chúng sanh và chỉ có kinh Pháp Hoa
mới hoàn thành được nhân duyên ấy. Vì vậy, Pháp Hoa là pháp rốt ráo của
Phật, là vua của các kinh.
Kinh Niết Bàn được giảng vào
thời này, nhưng chỉ là toát yếu lại những gì Phật đã giảng trước
kia.
Đó là sự phân chia giáo lý của
Phật thành 5 thời. Nhưng trong 5 thời này, giáo lý có sai biệt, nên lại
chia ra hóa nghi tứ giáo và hóa pháp tứ giáo, hợp lại thành Bát giáo.
Hóa Nghi Tứ Giáo là bốn phương thức
giáo hóa như sau:
1- Đốn giáo
Kinh Hoa Nghiêm thuộc Đốn giáo,
Phật nói thẳng sự giác ngộ của Ngài, không cần dùng bất cứ phương
tiện nào. Và người nghe là các đại Bồ tát cũng chứng ngộ ngay tức khắc
chân lý mà Phật nói.
2- Tiệm giáo
Vì nói thẳng chân lý như ở thời
Hoa Nghiêm, thính chúng không thể hiểu nổi, nên sau đó, Đức Phật phải
dùng tất cả phương tiện để từ từ dẫn dắt chúng hội đi lần vào
thế giới tâm linh, tiến gần đến chân lý.
3- Bí mật
giáo
Trong các thời pháp của Đức Phật
giảng dạy, có những vị Bồ tát tham dự. Nhưng bề ngoài thấy họ chỉ
là cư sĩ hay hàng nhị thừa bình thường. Tuy nhiên, chỉ có Đức Phật nhận
biết được pháp tu "Nội bí ngoại hiện" của các vị Bồ tát,
nghĩa là Bồ tát hiện thân trên cuộc đời, đóng vai cư sĩ hay xuất gia
như mọi người khác, nhưng bên trong họ hàm chứa Pháp thân Bồ tát.
Và Đức Phật đã dùng thần lực
thuyết pháp bí mật cho Bồ tát. Với Pháp thân Bồ tát, họ đã tiếp thu
được bí mật pháp của Phật truyền trao riêng cho họ, mà những người
hiện diện trong pháp hội, ở kế cận họ, cũng không hay biết được việc
Phật giáo hóa bằng bí mật pháp như vậy.
Thí dụ như trong pháp hội, Đức
Phật đưa một cành hoa lên và ngài Ca Diếp mỉm cười. Thế là Phật truyền
pháp cho Ca Diếp. Chúng hội chẳng nghe Phật nói gì và cũng không hiểu Phật
muốn nói gì. Ca Diếp cũng không nói gì, chỉ mỉm cười thôi. Sinh mệnh
trọng đại của Phật pháp được truyền trao cho Ca Diếp một cách giản
dị như vậy đó.
Và đến khi Ca Diếp truyền pháp
cho ngài A Nan, đưa cho A Nan cái y. A Nan hỏi Ca Diếp: "Ngoài y ra, Phật
còn dặn gì không?". Ca Diếp chỉ trả lời: "A Nan!". Thế là A
Nan nhận biết ngay ý của Ca Diếp và đảnh lễ lui ra.
Thí dụ trên là một trong muôn
ngàn thí dụ của đạo, cho c húng ta hiểu được thế nào là bí mật
giáo. Về sau, bí mật pháp được triển khai thành đà la ni, tức mật ngữ.
4- Bất định
giáo
Đức Phật thuyết pháp tùy người,
tùy chỗ, tùy thời, Ngài nói pháp khác nhau cho thích hợp. Pháp đó là phương
tiện hay bất định, nhằm mục tiêu làm người phát tâm, hướng về Vô
thượng Bồ đề. Kinh thường gọi là khai thị.
Giáo lý của Phật ở khoảng giữa,
tức ngoài thời Hoa Nghiêm ban đầu và Pháp Hoa ở thời cuối ra, đều thuộc
về bất định giáo.
Thời Pháp Hoa không thuộc đốn, tiệm,
bí mật hay bất định. Thời Hoa Nghiêm gồm đốn giáo, bí mật giáo. Thời
Lộc Uyển, Phương Đẳng và Bát Nhã gồm tiệm giáo, bí mật giáo và bất
định giáo.
Hóa Pháp Tứ Giáo là bản chất của
giáo lý, gồm có Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo.
1- Tạng giáo: là A Hàm
và tất cả giáo lý Tiểu thừa có trong văn học Tỳ bà sa, phần nhiều chủ
yếu dạy cho con người những gì gần gũi, dễ hiểu, nắm bắt được.
2- Thông giáo: chung cho cả
ba thừa và là giáo lý sơ cơ của Đại thừa.
3- Biệt giáo: thuần Đại
thừa và dành riêng cho Bồ tát. Trong khi Tạng giáo và Thông giáo chỉ giảng
về Không phiến diện (thiên không), thì Biệt giáo giảng về Trung đạo.
Do đó, nó riêng biệt.
4- Viên giáo:
"Viên" nghĩa là hoàn toàn, viên mãn. Biệt giáo giảng về Trung đạo
độc lập, riêng biệt. Viên giáo giảng về Trung đạo viên thông. Do đó,
nó không phiến diện, nhưng chứa đựng tất cả pháp, thường được diễn
tả là "Nhất tức nhất thiết và Nhất thiết tức nhất".
Nếu chúng ta xét 5 giai đoạn của
giáo lý này trong tương quan với bốn bản chất của giáo lý (Hóa pháp tứ
giáo), sẽ có kết quả sau:
1- Thời Hoa Nghiêm thuộc Viên giáo
vì dạy Đại thừa, nhưng chính yếu dẫn đến Nhứt Phật thừa, thành Phật
quả.
2- Thời Lộc Uyển thuộc Tạng
giáo, phần nhiều giảng dạy những gì bình thường mà con người có thể
nắm bắt được.
3- Thời Phương Đẳng thông cả tứ
giáo, nhưng vẫn còn tương đối.
4- Thời Bát Nhã chủ yếu giảng Biệt
giáo, triển khai pháp Không. Nhưng pháp Không này chưa có phần diệu hữu.
Vì vậy, Bát Nhã không thể coi là Viên giáo và còn liên hệ với Thông
giáo. Vì Bát Nhã thuộc phần chuyển mạch từ Tiểu thừa sang Đại thừa,
nói với Thanh văn, phần nhiều triển khai pháp Không của nhị thừa, chỉ
nói đến chân đế, không nói tục đế.
5- Thời Pháp Hoa mới là thuần
Viên giáo và tối thượng, vì nhân duyên xuất hiện của Đức Phật trên
cuộc đời này được thể hiện trọn vẹn đầy đủ ở thời này. Và tất
cả giáo lý của Phật dạy sau cùng đều quy tụ vào Pháp Hoa.
Kinh Niết Bàn tóm tắt những
gì Phật dạy trong suốt cuộc đời Ngài, tam thừa và tứ giáo đều được
xóa bỏ, quy tụ tam thừa về nhứt thừa.
Tông Pháp Hoa chỉ công nhận duy nhất
có một thừa cứu độ tất cả chúng sanh ra khỏi sanh tử. Vì phương tiện
thiện xảo mà Đức Phật giảng dạy ba thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ
tát. Nhưng cứu cánh là đưa ba thừa này về một thừa chân thật là Phật
thừa.
Ngoài ra, tông Pháp Hoa không chủ xướng
thuyết nhị đế giống như một số kinh Đại thừa. Thuyết nhị đế phân
ra hai chân lý: thế tục và tối thượng. Nhưng Pháp Hoa tông đề ra tam đế
(ba chân lý): Không đế, Giả đế và Trung đế. Cả ba chân lý ấy luôn
luôn hợp nhất và dung hòa, nên có thể nói ba trong một, một trong ba.
Nghĩa là bất cứ sự hiện hữu
nào cũng là giả tạm, vì các pháp đều tùy thuộc vào nhân quả. Chúng chỉ
hiện hữu bằng giả danh. Vì vậy, không có bất cứ hiện hữu nào thường
hằng, nhưng phải công nhận rằng có nó. Mọi sự đều là Không và giả
danh. Đó là trung đạo, là tuyệt đối.
Pháp Hoa tông cũng đưa ra lý thuyết
về thật tướng của các pháp hay còn gọi là thế gian tướng thường trụ.
Chúng ta không thể nhìn thấy được trực tiếp thật tướng của các
pháp. Các hiện tượng luôn luôn biến chuyển và thay đổi, tính chất linh
hoạt này chính là thật tướng của các pháp mà thuật ngữ thường gọi
là như như. Thí dụ cho dễ hiểu, nước tĩnh lặng và sóng dữ dội, cả
hai đều là biểu hiện của nước. Cái được biểu hiện ra bên ngoài
không gì khác hơn là chính nó hay thật tướng của nó.
Nói về vũ trụ quan, theo Pháp Hoa
tông, toàn thể vũ trụ là sự tập hợp của 3.000 thế giới. 3.000 không
phải chỉ cho tính chất bao la hay bản thể, nhưng để nói lên sự tương
dung của tất cả các pháp và cứu cánh đồng nhất thể của toàn vũ trụ.
Pháp Hoa tông kiến giải thế giới
hữu tình chia thành 10 cõi: 4 cõi Thánh (Phật giới, Bồ tát giới, Duyên
giác giới và Thanh văn giới) và 6 cõi phàm (Thiên giới, A tu la giới, Nhân
giới, Ngạ quỷ giới, Súc sanh giới, Địa ngục giới).
Mười thế giới này tương dung
tương nhiếp lẫn nhau, mỗi thế giới tự bao hàm 9 thế giới còn lại.Ví
dụ, nhân giới có đủ cả 9 thế giới, từ Phật giới cho đến cõi địa
ngục. Mỗi một thế giới bao hàm 10 thế giới, được nhân lên thành 100
thế giới.
Và mỗi cảnh giới có 10 trạng
thái khác nhau gọi là thập như thị: tướng, tánh, thể, lực, tác, nhân,
duyên, quả, báo và bản mạt cứu cánh. Mười như thị này có đủ ở
trong 100 thế giới, nên trở thành 10 x 100 = 1.000.
Lại thêm mỗi thế giới có 3 phần:
chúng sanh, quốc độ và ngũ ấm được tách ra từ chúng sanh giới (sắc,
thọ, tưởng, hành, thức). Do đó, có 1.000 x 3 = 3.000 thế giới. Đó là vũ
trụ của hữu tình và vô tình, tức toàn thể sự sống của thế giới.
Theo Pháp Hoa tông, trong một sát na
tâm đều có đủ 3.000 thế giới. Với quan niệm thế giới tiềm tàng
trong một khoảnh khắc của tư tưởng (sát na tâm), đó là triết học về
bản thể nội tại, theo đó thì hiện tượng và tác động của tâm là một.
Pháp Hoa tông cũng đưa ra lý thuyết
đặc biệt về ba thân của Phật. Bất cứ Phật nào viên mãn quả vị
toàn giác đều có 3 thân: Pháp thân, Báo thân và sanh thân.
Pháp thân là lý tánh bất sanh bất
diệt của đấng toàn giác. Báo thân là phước đức vô lượng và trí tuệ
vô cùng của đấng toàn giác. Và sanh thân là thân hữu hạn xuất hiện
trên cuộc đời để dẫn dắt chúng sanh về bến giác.
http://www.buddhismtoday.com/viet/triet/033-phaphoa.htm