Giáo Pháp nằm trong tạng Kinh (Sutta
Pitaka) là giáo huấn thông thường, có tánh cách quy ước, chế định (vohàra
desanà). Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) là giáo huấn cùng tột (paramattha desanà) rốt
ráo. Không thể đổi thay hay biến chuyển, không thể phân tách thêm được
nữa.
Trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), cả
Danh và Sắc, hai thành phần tâm linh và vật chất cấu tạo guồng máy phức
tạp của con người, đều được phân tách rất tỉ mỉ. Những diễn tiến
chánh yếu liên quan đến tiến trình sanh và tử đều được giải thích tường
tận. Những điểm phức tạp và khó hiểu trong Giáo Pháp đều được rọi
sáng. Con Đường Giải Thoát được chỉ vạch với những ngôn từ rành rẽ.
Tâm lý học hiện đại, còn hạn
định, vẫn nằm trong phạm vi của Vi Diệu Pháp khi đề cập đến tâm, tư
tưởng, tiến trình tư tưởng và trạng thái tâm. Nhưng Vi Diệu Pháp không
chấp nhận có một linh hồn, xem như một thực thể đơn thuần thường còn,
không biến đổi. Phật Giáo dạy một tâm lý học trong đó không có linh hồn
trường cửu.
Tâm thức được định nghĩa. Tư
tưởng được phân tách và được sắp xếp thành loại trên bình diện
luân lý. Tất cả những trạng thái tâm, hay Tâm Sở, đều được ghi rõ từng
khoản. Thành phần cấu hợp của mỗi loại tâm đều được trình bày tường
tận với đầy đủ chi tiết. Những tiến trình tâm phát sanh qua năm cửa
giác quan và cửa tâm (ý căn) được mô tả một cách vô cùng hứng thú.
Không có bản khái yếu tâm lý học nào giảng giải tiến trình tâm được
rõ ràng như vậy.
Những chặp tư tưởng Bhavanga (Hộ
Kiếp) và Javana (Tốc Hành) mà trong tâm lý học hiện đại không có gì tương
đương, chỉ được giải thích trong Vi Diệu Pháp. Người tìm học hỏi
và nghiên cứu khoa tâm lý sẽ đặc biệt thích thú với đoạn nầy.
Người thông suốt Vi Diệu Pháp sẽ
nhận thức một cách hết sức rành mạch rằng luồng tâm trôi chảy như một
dòng suối, quan điểm mà vài tâm lý gia hiện đại như William James cũng trình
bày tương tợ. Ta phải thêm rằng người học Vi Diệu Pháp có thể thấu
hiểu đầy đủ lý Vô Ngã (Anattà), giáo lý nòng cốt của Phật Giáo.
Giáo lý nầy rất quan trọng về cả hai phương diện: triết học và đạo
đức.
Hiện tượng chết, tiến trình tái
sanh vào những cảnh giới khác nhau mà không có gì di chuyển từ kiếp nầy
sang kiếp khác, giáo lý Nghiệp Báo và Tái Sanh mà ta có thể kiểm chứng bằng
những sự kiện hiển nhiên, tất cả đều được giải thích đầy đủ.
Chứa đựng một kho tàng quý báu
những chi tiết liên quan đến phần tâm linh (nàma, danh), Vi Diệu Pháp cũng
đề cập đến yếu tố thứ nhì cấu thành con người -- phần vật chất
(rùpa, sắc). Những thành phần căn bản của vật chất, những năng lực vật
chất, đặc tánh của vật chất, nguồn gốc của vật chất, sự liên quan
giữa cơ thể vật chất và tâm, sắc và danh, đều được mô tả.
Trong tập Abhidhammattha Sangaha, Vi Diệu
Pháp Toát Yếu, cũng có trình bày vắn tắt Định Luật Tùy Thuộc Phát
Sanh (cũng được gọi là pháp Thập Nhị Nhân Duyên, hay Thập Nhị Duyên Khởi),
và tiếp theo sau là phần mô tả pháp Tương Quan Duyên Hệ (những tương
quan giữa nhân và quả), không tìm thấy trong hệ thống triết học nào
khác.
Nhà vật lý học sẽ không đào bới
sâu vào Vi Diệu Pháp để thâu nhận một kiến thức thấu đáo và đầy
đủ về vật lý học.
Ta phải nói rõ rằng Vi Diệu Pháp
không chủ trương trình bày một kiến thức có hệ thống về tâm và vật
chất. Pháp nầy chỉ nghiên cứu hai yếu tố hỗn hợp của cái được gọi
là chúng sanh, nhằm thấu triệt thực tướng của vạn pháp. Dựa trên kiến
thức ấy một triết học được phát huy. Và, đặt nền tảng trên triết
học nầy, một hệ thống luân lý đạo đức được triển khai nhằm chứng
ngộ mục tiêu cứu cánh, Niết Bàn.
Cũng như Bà Rhys Davids nói rất đúng,
Vi Diệu Pháp đề cập đến:
1. Những gì ta tìm thấy (a) bên trong ta, (b) quanh ta, và
2. Những gì ta khao khát thành đạt.
Trong Vi Diệu Pháp, tất cả những
vấn đề nào chỉ liên quan đến các học giả và những nhà khảo cứu
mà không liên quan đến sự Giải Thoát, đều được thận trọng gác qua một
bên.
-oOo-
Tập Abhidhammattha Sangaha, mà tác giả
được xem là Ngài Anuruddha Thera, một vị tỳ khưu người Ấn ở Kanjevaram
(Kancipura), là bản toát yếu tóm lược Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Pitaka, thường
được gọi là Tạng Luận). Đến nay, sách nầy vẫn còn là bộ sách nhập
môn Vi Diệu Pháp thích ứng nhất mà khi đã vững vàng thấu hiểu, ta có
thể dễ dàng lãnh hội những nét đại cương của Tạng Luận.
Để thật sự nắm vững ý nghĩa của
Tạng Luận, phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc một cách chuyên
chú và sáng suốt tất cả bảy bộ, cùng với những chú giải và những
chú giải của các chú giải ấy.
-oOo-
Vi Diệu Pháp không phải là một đề
tài chỉ thỏa mãn tạm thời người đọc thoáng qua.
Đối với người minh mẫn sáng suốt
thật sự muốn tìm chân lý, Vi Diệu Pháp là một hướng dẫn thiết yếu,
vừa là một luận giải có tánh cách trí thức. Ở đây có thức ăn để
bồi dưỡng tinh thần các tư tưởng gia chân chánh cũng như người hăng
say nghiên cứu học hỏi nhằm tăng trưởng trí tuệ và sống cuộc sống
lý tưởng của người Phật tử.
Tuy nhiên, đối với người nông cạn
chỉ nhìn thoáng qua trên bề mặt, Vi Diệu Pháp quả thật khô khan như cát,
như bụi.
Ta có thể nêu lên câu hỏi:
-- "Vi Diệu Pháp có quả thật
tuyệt đối thiết yếu để chứng ngộ Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của
Phật Giáo không? Vi Diệu Pháp có thật sự tuyệt đối thiết yếu để thấu
đạt thực tướng của vạn pháp không?"
Vi Diệu Pháp chắc chắn là vô
cùng hữu ích để thấu đạt giáo huấn của Đức Phật một cách đầy
đủ và chứng ngộ Niết Bàn, vì pháp nầy là chìa khóa để mở cửa vào
thực tại. Pháp nầy đề cập đến những thực tại và lối sống thực
tiễn cao thượng dựa trên sự chứng nghiệm của các bậc đã thấu triệt
và chứng đắc.
Thiếu kiến thức về Vi Diệu Pháp
đôi khi ta thấy khó lãnh hội ý nghĩa thật sự của một vài giáo huấn
thâm diệu của Đức Thế Tôn. Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, chắc chắn rất hữu
ích để khai triển Tuệ Minh Sát (Vipassanà).
Tuy nhiên chúng ta không thể khẳng
định một cách quả quyết rằng Vi Diệu Pháp tuyệt đối thiết yếu để
thành tựu Giải Thoát.
Hiểu biết thấu đáo và chứng ngộ
là vấn đề thuần túy cá nhân (sanditthika, mỗi cá nhân phải thấu triệt
chân lý và thành tựu giải thoát cho chính mình). Tứ Diệu Đế, nền tảng
của giáo huấn mà Đức Phật ban truyền, tùy thuộc nơi tấm thân nhỏ bé
nầy. Giáo Pháp không riêng biệt với ta, không ở ngoài ta. Hãy nhìn trở
vào trong. Hãy tự tìm lấy ta. Chân lý sẽ tự nó bày trần, trải ra trước
mắt ta.
Phải chăng thiếu phụ Patàcàrà,
vô cùng sầu lụy vì mất tất cả những người thân yêu nhất trong đời,
đã chứng ngộ Niết Bàn trong khi rửa chân dưới suối, nhờ quán niệm về
những giọt nước từ chân rơi xuống gieo điểm trên mặt nước rồi tan
biến theo dòng?
Phải chăng Cùlapanthaka, người không
thể học thuộc một câu kinh trong thời gian bốn tháng trường đã thành tựu
Đạo Quả A La Hán nhờ thấu hiểu bản chất Vô Thường của một cái khăn
tay sạch mà mỗi ngày ông đưa lên ngay mặt trời để nhìn?
Phải chăng Upatissa, về sau trở thành
Đức Sàriputta, Xá Lợi Phất, đã chứng đắc Niết Bàn khi chỉ nghe được
phân nửa câu kệ liên quan đến Nhân và Quả?
Đối với vài người, chỉ một
chiếc là vàng rơi cũng đủ để chứng đắc Độc Giác Phật.
Đối với những vị thường xuyên
suy gẫm sau xa, một chỉ dẫn nhẹ nhàng thoáng qua cũng đủ để khám phá
những chân lý vĩ đại.
-oOo-
Theo một vài học giả, Vi Diệu
Pháp (Abhidhamma) không phải do Đức Phật truyền dạy mà về sau, do các
nhà sư uyên bác soạn thảo và trau chuốt. Tuy nhiên, theo truyền thống,
chính Đức Phật giảng dạy phần nòng cốt của Vi Diệu Pháp.
Các nhà Chú giải ghi nhận rằng để
tỏ lòng tri ân từ mẫu -- lúc bấy giờ đã qua đời và tái sanh vào một
cảnh trời -- Đức Phật thuyết giảng liên tiếp với chư Thiên khác. Đức
Thế Tôn dạy Ngài Sàriputta những chủ đề chánh yếu (màtikà) của giáo
lý cao siêu cấp tiến như các thiện pháp (kusalà dhammà), bất thiện pháp
(akusalà dhammà) và bất định pháp (abyàkata) v.v..., rồi Ngài Sàriputta giảng
rộng ra, gom lại thành sáu bộ sách của Tạng Luận (ngoại trừ bộ
Kathàvatthu, Thuyết Sự, Những Điểm Tranh Luận).
-oOo-
Rất khó mà tìm được một danh từ
thích nghi để phiên dịch một cách chính xác Phạn ngữ Abhidhamma. Ở đây,
xin tạm dịch là Vi Diệu Pháp.
Trong Vi Diệu Pháp cũng có nhiều
danh từ kỹ thuật không thể được phiên dịch sang một từ ngữ khác mà
khỏi làm sai lệch ý nghĩa. Vài danh từ như: tâm, ý chí, tác ý, trí thức,
trí giác v.v... được dùng trong triết học Tây Phương với những ý nghĩa
đặc biệt. Nơi đây xin quý vị độc giả cố gắng hiểu các danh từ kỹ
thuật ấy theo nghĩa của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Để tránh hiểu lầm từ
ngữ theo lối hiểu biết quen thuộc từ xưa, các danh từ Pàli được giải
thích và giữ lại dùng ở đây, mặc dầu người không quen thuộc với
Pàli đôi khi thấy phiền phức. Trong nhiều trường hợp các danh từ Pàli
được chiết tự và giải thích theo ngữ nguyên để được hiểu rõ ràng
và chính xác.
Đôi khi danh từ Pàli được chọn
dùng luôn mà không phiên dịch để người đọc quen thuộc với những chữ
ấy. Cũng có khi người đọc gặp những danh từ không được thông dụng
như: hoặc lậu, tâm hành, tâm quả v.v... nhưng rất quan trọng trên phương
diện Vi Diệu Pháp, ý nghĩa của những danh từ nầy phải được thông suốt
rõ ràng và chính xác. (...)