Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Đạo Vô Đạo
Minh Liên

Trước khi vào bài, tôi xin chân thành thưa trước rằng tôi chỉ là một người mới chập chững bước chân vào Đạo, mới thực sự dấn bước vào con đường Tu.

Vi lòng hối hả, vì sự hăn hái của bước đầu cho nên không tránh khỏi những thiếu sót, có những ý, những câu tôi chỉ nhớ nội dung mà không nhớ những câu đó nằm trong sách nào và ai đã nói. Nếu như vậy là có lỗi thì tôi xin cuối đầu tạ lỗi trước. Vả chăng trong các sách về giáo lý của Đức Phật các tác giả cũng thường nhắc nhở đọc giả rằng "nên giữ ý mà quên lời" và Đức Phật xưa kia cũng đã nói "Pháp của ta ví như chiếc bè sang sông...." Tôi xin cố gắng đóng ngoặc kép những ý hay lời được trích dẫn. Một lần nữa tôi xin tạ lỗi.

" Đạo nói ra được bằng lời thì không phải là Đạo Vô Thượng".

( The Tao which can be spoken is not absolute Tao.)

Hay: "Ngay khi ta nghĩ về Đạo thì không còn là Đạo nữa. "

Hoặc: "Ngay khi anh có ý bước chân vào Đạo thì Đạo đã mất. "

Như vậy "Đạo Phật" không phải là Đạo (theo đức Lão Tử) và nếu gọi "Đạo Phật" là một Đạo thì chưa phải là Đạo Vô thượng mà chỉ có Đức Phật là một "con người" (human beeing) đã đạt cái Đạo Vô Thượng. Sau đây là một đoạn trích trong quyển The Mayflower của tác giả Dr. Shen:

"According to Webster's dictionary, religion is the service and adoration of God as expressed in forms of workship, in obedience to devine commands, and in the pursuit of a way of life... Then Buddhism does not teach that there is an almighty God who gives commands and whom man should obey. "

Và có phải chăng cái Đạo Vô thượng này chính là cái Đạo mà Đức Lão Tử cho rằng Đạo mà không phải là Đạo (?) hay "ngay khi ta nghĩ về Đạo thì Đạo đã mất", gọi là Đạo nhưng thật ra "nó" không có tên, chữ Đạo hay gọi "nó" là "Đạo" chỉ là ngôn từ của thế gian mà người thế gian đã gán cho "nó" vì khi đã có một cái tên thì "nó" không phải là "nó".

Nếu như vậy thì lấy cái học về Đạo của Đức Lão Tử để suy tìm cái Phật Tánh có được không? Vì gọi là Phật Tánh nhưng thật sự "nó" cũng không có tên và tuy không có tên nhưng "nó" hiện hữu và bao trùm vũ trụ. Ta hãy nghe Lục Tổ Huệ Năng nói.

Một ngày kia Lục Tổ Huệ Năng bảo đồ chúng rằng: -"Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không chữ, không trái không mặt, các ngươi có biết không?"

Sư Thần Hội bước ra bạch rằng: - "Ấy là cái Bổn Nguyên của chư Phật, là cái Phật Tánh của Thần Hội. "

Lục Tổ Huệ Năng nói: -"Ta đã nói với ngươi vật không tên không chữ, ngươi lại kêu là Bổn Nguyên, là Phật Tánh!.... "

Lại nói về Đức Phật, sau khi đã đạt được Đạo, Ngài đã để hết khoảng đời còn lại gần 50 chục năm để thuyết pháp độ sanh và toàn bộ giáo lý của Ngài đã được đúc kết thành ba bộ: Kinh, Luật, Luận. Việc làm đó của Ngài không khác nào Ngài đã vẽ lại đọan đường mà Ngài đã đi qua, vẽ một con đường trên bản đồ với những chú thích rõ ràng về đường đi nước bước để cho người theo sau đạt được mục đích, tức là đạt được Đạo một cách an toàn. Hơn nữa, Ngài cũng cho biết rằng mỗi con người của thế gian hãy vượt khó khăn chướng ngại mà đi chớ không thể nhờ cậy một người khác dẫn mình tới nơi tới chốn được. (Vì nếu làm như vậy mà được thì Ngài đã thừa lòng từ bi bác ái để làm từ... hơn hai ngàn năm nay rồi! )

Ngài là bậc Toàn Giác, Ngài đã trở về được với cội nguồn là Hư Vô, Ngài với Hư Vô đã trở thành là Một rồi Ngài lại từ Hư Vô trở về (trong thân xác của phàm nhân là Thái Tử Sĩ Đạt Ta) để vẽ đường chỉ lối cho mọi người ở thế gian, để mọi người ở thế gian cũng đạt được cái Đạo Vô thượng như Ngài

Vì trình độ hiểu biết của người thế gian cao thấp có khác nhau cho nên những lời giáo huấn của Ngài cho mỗi trình độ có khác nhưng tựu chung cũng là để cho mọi người cùng thấy con đường đúng để mà đi theo. Lời giáo huấn của Ngài là hành trang cho mọi người, đã có hành trang thì mọi người hãy tự chuẩn bị và mang theo để đi được hết con đường và tới được đích. Hành trang đó là gì?

Hành trang đó không có gì khác hơn là một chữ "Không ":

"Sắc tức thị không - Không tức thị sắc".

Qua kinh điển, chúng ta có thể hiểu được rằng: "Sắc", nói chung là sắc tướng, là đối tượng của ngủ quan, "Sắc" không những là tiếng để chỉ một hình tượng, một vật thể mà "Sắc" còn có thể là một mùi, một vị hay một âm thanh, ngay cả một ý niệm cũng là một "Sắc". Ở đây hãy nói riêng về những vật thể có hình tướng, có thể sờ nắm cầm nếm được, thế nhưng đã nói là sờ nắm cầm nếm được thì tại sao lại là "Không" (?). Đây là một gút mắt to lớn mà từ xưa nay không biết bao nhiêu kinh sách đã nói đến, các vị cao đạo đã cố công trình bày sao cho mọi người cùng hiểu.

Qua các kinh sách đó ta thấy rằng chữ "không" có hai nghĩa: Một là nghĩa thông thường của không có, có không. Hai là không của Hư không tức là rỗng (theo nghĩa của chữ "Emptiness" của tiếng Anh.)

Nếu dùng cái nghĩa đầu tiên là không có, có không để diễn giải bốn chữ "Sắc tức thị không" thì sẽ không khỏi bối rối mà tự hỏi rằng:

- "Thân xác da thịt tôi sờ sờ đây ngắt véo biết đau mà nói làkhông" thì "không" thế nào được "?

Như vậy chữ "không" ở đây phải hiểu với cái nghĩa là "rỗng", tức là trống không. Thế nhưng một câu hỏi khác lại nổi lên:

- "Da thịt xương cốt của tôi chắc nịch đây mà nói rỗng thì rỗng ở chỗ nào?"

Theo lời Phật giảng, qua các kinh sách, thì thân xác này sở dĩ là không vì nó không tự có, nó không có tự tánh, mà sở dĩ có là do duyên hợp của bốn thứ: Đất, nước, gió, lửa, nếu không có bốn thứ này hợp lại (duyên hợp) thì thân xác này không hiện hữu.

Có sách khác lại nói rằng thân xác này một ngày nào đó sẽ theo thời gian mà tàn hoại đi tức là sẽ trở thành không .

Thế nhưng theo ý nghĩ riêng tư của tôi thì chữ "không" ở đây phải được diễn giải bằng cả hai nghĩa cùng một lúc. Vì sao?

Vì theo ý trong kinh Phật mà tôi hiểu thì ta phải thấu triệt được thân xác này vốn không có (không tự nó có, có là do duyên hợp, hết duyên rồi thì lại hoàn không) và một khi đã biết nó vốn là "không" thì ta mới không chạy theo phục vụ cho nó, vì nó có là có trong giả tạm mà nếu đem hết tâm sức ra để phục vụ cho nó rồi khi nó tàn hoại đi thì công sức và tâm ý của mình coi như.... đổ sông đổ biển! Không khác nào bỏ mồi bắt bóng!

Khi đã hiểu được như vậy rồi thì ta mới đem hết tâm ý mà tìm và sống cho cái hằng có và cái hằng có đó chính là cái Phần rỗng được tàng chứa bên trong cái thân xác này.

Tại sao nói là "rỗng", da thịt chắc nịt thì "rỗng" ở chỗ nào?

Tới đây ta hãy mượn một chút kiến thức nhỏ về khoa học để thấy rằng da thịt, xương cốt đều được cấu tạo bằng những tế bào, những phân tử, những nguyên tử và giữa tế bào này với tế bào kia, giữa phân tử này với phân tử kia hoặc giữa nguyên tử này và nguyên tử kia ắt phải có một khoảng trống, chính khoảng trống đó là phần "rỗng" ở bên trong cơ thể này. Một làn da mịn màng bao bọc một thân thể khỏe mạnh, làn da đó có thể ngăn chận nắng gió mưa sương nhưng làn da đó có ngăn chận nổi cái hư không trong vũ trụ không? Một cơ thể rắn chắc đối với mắt thường thật nhưng đối với hư không hay hư vô thì nó lại là một khối rỗng tuếch! Không khác nào cái giỏ tre trong chậu nước!

Hãy lấy một cục phấn bỏ vào một ly nước, nước sẽ ngấm vào bên trong cục phấn, nước bên trong cục phấn và nước bên ngoài cục phấn (trong ly) không khác. Một thời gian sau cục phấn rã đi thì nước bên trong và nước bên ngoài sẽ lại hòa vào nhau.

Giàu tưởng tượng một chút ta thử đem so sánh nước trong ly với khối "Đại hư vô" trong Vũ trụ và nước đã được ngấm vào bên trong cục phấn so sánh với khối "Tiểu hư vô" bên trong thân xác của mỗi con người, chừng đó ta mới thấy được ý nghĩa của câu: "Phật tánh vốn sẵn có trong mỗi chúng sanh" và ta cũng thấy được rằng cái khối "Tiểu hư vô"trong ta và cái khối "Đại hư vô" trong Vũ trụ là "một" mà một khi đã nói là "Hư vô" thì có gì sanh được "nó" và có gì diệt được "nó"? Có phải chăng cái phần không sanh không diệt trong ta đó chính là cái "Phật tánh" mà Đức Phật đã để ra gần 50 năm dài để thuyết giản với ước muốn mọi người cùng thấy, cùng nhận ra?

Đó là tất cả những gì tôi hiểu về chữ "không", không biết là có chính xác hay không, xin chờ các bậc cao minh chỉ giáo thêm, xin đa tạ trước.

Chỉ một chữ "không" thôi cũng đủ làm điên đầu những người chưa tu hoặc mới học như tôi thì nói gì đến "tiền kiếp", đến "luân hồi quả báo", đến "huệ nhãn"....v....v....

Nói tới "huệ nhãn" thì tôi thấy cũng trong quyển The Mayflower nói trên có đoạn viết:

- "Through years of meditation, Buddha discovered that the barrier of physical eye can be broken and that the original ability of man to see can be fully developed. When that occurs, there will be no difficulty in extending one's vision as far as the realm perceived by Havenly eye"

Khi mới đọc qua, thú thật tôi không hiểu được và cũng không tưởng tượng được bằng cách nào mà các bậc giác ngộ có thể nhìn thấu không gian vô tận?

Sau này đọc thêm kinh sách, hiểu được đôi chút thì tôi lại nghĩ rằng nếu nói như vậy thì dễ gây hiểu lầm là nếu tu đắc đạo thì có thể "nhìn" xuyên qua không gian và xuyên qua các vật thể... mà theo cái hiểu giản dị của tôi thì:

Hãy lấy thí dụ:

Tôi, năm nay 51 tuổi và nếu Đức Phật nhìn tôi từ một điểm trong Hư Vô, điểm đó cách đây 51 năm ánh sáng thì Ngài sẽ thấy tôi không phải là tôi bây giờ mà là tôi của 51 năm về trước tức là lúc tôi mới oe oe chào đời và nếu Ngài dời cái điểm đứng xa hơn điểm cũ 9 tháng ánh sáng nữa thì Ngài sẽ thấy tôi là một "cái trứng" mới tượng hình!

Cũng thế, nếu Ngài dời cái địa điểm Ngài đang đứng ra xa hơn nữa thì Ngài sẽ thấy "cái tôi" trước khi tôi là cái trứng trong bụng mẹ, tức là Ngài đã thấy được kiếp trước của tôi và chắc chắn cái nhìn của Ngài không chỉ giới hạn trong một hay hai kiếp? Nhưng nói như thế là nói theo cái lý của khoa học, còn sự thật thì không phải vậy (?) mà sự thật là: (Theo tôi nghĩ)

Đức Phật là một "con người" đã đạt được cái "Đạo vô thượng" Ngài và Hư vô là "một". Cứ theo nghĩa của chữ "rỗng" ở trên mà gọi là Hư vô và đó cũng là Đạo theo Đức Lão Tử, nói là Đạo nhưng thật sự không có tên: Đạo vô Đạo.

Hư vô bao trùm tất cả và ở trong tất cả, tức là phải hiểu rằng Ngài sẽ không cần đứng ở đâu cho xa mới thấy được tôi khi tôi mới sanh, thấy được tôi khi tôi còn là "cái trứng" và dĩ nhiên Ngài cũng không cần đứng ở đâu cho xa để nhìn thấy tiền kiếp của tôi mà sự thật thì khi tôi còn là cái trứng trong bụng mẹ thì "Ngài" đã.... "có mặt" ở bên trong tôi rồi!

Như vậy cái gọi là "Huệ nhãn" có thật không? Cũng theo sự thật đó mà nói thì Đức Phật có cần phải dùng tới cái gọi là "Huệ nhãn" để "nhìn" thấy tiền thân của vạn vật không?

Nếu muốn biết bên trong hạt cát có gì thì Ngài đâu cần phải dùng tới cái gọi là "Huệ nhãn" để "nhìn" xuyên qua hạt cát mà thật sự thì Ngài biết rõ bên trong hạt cát có những gì(?) là vì Ngài đã.... "có mặt" ở bên trong hạt cát đó ngay khi hạt cát đó hiện hữu. Nếu nói xa hơn nữa thì ngay khi hạt cát đó chưa có thì Ngài đã "có mặt" ở bên trong cái đã tạo ra hạt cát, nếu nói hạt cát là mảnh vụn của một hòn đá thì Ngài cũng đã "có mặt" bên trong hòn đá và nếu nói hòn đá đó là mảnh vụn của một hòn núi thì Ngài cũng đã "có mặt" bên trong hòn núi ngay giây phút đầu tiên mà hòn núi xuất hiện.......

Tới đây thì ta có thể tìm ra giải đáp (?) cho các câu hỏi:

- Tại sao Phật nói chúng sanh bình đẳng?

- Tại sao nói "Phật tánh" có sẵn trong muôn loài vạn vật?

- Cây Bồ Đề có "Phật tánh" hay không?

Hãy lấy một thí dụ:

Một người thợ khéo làm một cái bánh thật to, trên cái bánh đó người thợ đã nặn hình các Đức Phật đang thuyết pháp, hình cây cảnh và có cả hình của đồ chúng đang nghe Phật thuyết pháp..... Một người bình thường nhìn vào cái bánh người ta sẽ trầm trồ khen ngợi là hình các vị Phật rất đẹp, hình cây cảnh rất sống động mà người ta sẽ không lưu ý tới một điều: Những hình ảnh đó chỉ là những màu sắc được tô vẽ ở bên ngoài mà Thực chất cũng chỉ là.....cái bánh bằng bột bằng đường! "Hiện tướng" của vạn vật (hình dáng, màu sắc bên ngoài....) dễ hấp dẫn con người ta và làm cho người ta mãi chạy theo.....cái bề ngoài đó mà không còn nghĩ tới cái "thật tướng".

Bây giờ ta thử coi một con chuột đói, dĩ nhiên là nó không mang cái tri kiến của con người, có nhìn ngắm những hình tướng đẹp đẽ đó hay không? Hay đối với nó, nó chỉ chú trọng đến cái Thực chất? Tức là đối với nó tất cả cũng chỉ là cái bánh, ăn được!

Giàu tưởng tượng một chút, ta đem hình ảnh cái bánh so sánh với Đại khối Hư vô trong Vũ trụ (tức là cái "Phật tánh" trong Vũ trụ) thì ta có giải đáp cho những câu hỏi trên. Có như vậy thì ta mới hiểu được tại sao Phật nói chúng sanh bình đẳng? Có phải bình đẳng ở chỗ có cùng một thực chất như nhau? Còn các bậc giác ngộ, các vị Thiền sư đã đại ngộ (tức là đã vượt ra ngoài cái tri kiến thông thường) thì....."núi sông là núi sông"... Có phải là vì các Ngài đã "thấy tánh" (đã thấy cái Thực chất) của vạn hữu, các Ngài đã không còn chú ý tới sắc tướng bên ngoài mà chỉ hòa mình mà sống với cái thực chất đó. Một khi đã hòa hợp được cái Tánh của các Ngài vào với Hư vô rồi thì ở đâu có Hư vô thì ở đó có các Ngài: Thong dong tự tại! Các Ngài đã trở về được với "Đạo", đó là cái "Đạo vô Đạo"?

Rồi cũng nhân hình ảnh "cái bánh" nói trên mà ta hiểu được tại sao trong kinh sách thường nói "Niệm danh hiệu một vị Phật mà lòng phải nghĩ tới chư Phật ở khắp mười phương" đó có phải chăng (?) vì tất cả chư Phật ở mười phương đều có cùng chung một Thể tánh, đó là cái "Thể tánh chân không" (chân không mà diệu hữu) và đó cũng là cách tạo nghi tình khi tham cứu "Công án" chữ "vô" của Thiền Sư Triệu Châu? Thiết tha mong chờ sự chỉ giáo của các bậc cao minh lắm vậy!

** Xin ghi chú thêm ở đây: Ở trên có gọi là "Đức Phật", là "Ngài" nhưng thật ra chữ "Phật" là tên gọi của một cái "Tánh", tức là ""Phật tánh"" cho nên không có hình tướng nhưng người ta vì thói quen hễ nói tới "Phật" thì người ta liên tưởng ngay đến hình ảnh của một vị Thái Tử đã thành Phật: Thái tử Sĩ Đạt Ta.

http://www.buddhismtoday.com/viet/triet/043-dao.htm

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Triết học Phật giáo"

Đầu trang