Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

BẢN CHẤT TẾ TỰ TRONG Brahmanas

Giảng viên Thích Lệ Thọ

Là một phần trong cái hùng vĩ nền triết học Ấn Độ, Bà-la-môn giáo đã có sự đóng góp to lớn, không những trên bình diện triết lý u huyền mà còn để lại những ảnh hưởng sâu đậm trong từng nếp nghĩ, cử chỉ hay quan niệm sống của toàn thể dân tộc Ấn Độ và cũng là thực thể có cùng một dòng máu trong quá trình phát triển của đất nước Ấn Độ.
1. Niềm tin của tự ngã đối với thần:
Trong những bài giảng trước, chúng tôi đã đề cập đến sự hình thành tôn giáo của người dân Ấn độ cổ đại từ nền văn hoá bản địa Dravidien và ngoại xâm Aryen để cấu tạo thành văn minh Ấn Độ hiện nay.
Ngày nay người ta tìm được một nền văn minh có tính cách nông nghiệp và thành thị cao hơn Aryen về văn hoá nhưng kém Aryen về tổ chức và binh bị. Đó là sự giao thoa của hai nền văn hóa tạo nên một nét đặt thù rất riêng của một tôn giáo đứng hàng thứ 3 về số lượng tín đồ trên thế giới.
Hai con sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Ganges) đều phát xuất từ rặng Hy Mã Lạp Sơn, sông Ấn ở phía Tây, dài 2900 cây số chảy qua vùng Pen Giáp có 5 phụ lưu đổ ra biển Á Rập. Sông Hằng ở phía Ðông dài 3090 cây số, chảy ra vịnh Ben Gan, người Ấn tin tưởng đó là một con sông linh thiêng, có thần thánh bảo trợ cho họ.1
Theo truyền thuyết sông Hằng trước kia ở tận trên trời, sau nhờ thần Sihva 2 , kéo nó chảy qua đầu tóc mình, lẩn quẩn ở đó hàng ngàn năm, rồi mới đổ xuống trần thế, tạo thành 7 nguồn sông ở bên sườn Hy Mã Lạp Sơn. Sông Hằng chảy qua một thành phố từ ngàn đời nay, là nơi linh thiêng nhất của người dân Ấn, đó là thành phố Varanashi. Theo người Ấn, được tắm trong dòng nước mát và được chết bên bờ sông Hằng, tại khúc sông Hằng chảy qua thành phố nầy, là diễm phúc lớn nhất của cuộc đời.

2. Tín ngưỡng:
Người Ấn Ðộ sống ở vùng sông Ấn đã có tín ngưỡng thần linh, nhất là nữ thần, người Aryan sùng bái các lực lượng tự nhiên như thần mặt trời (Mitra), thần mặt trăng (Varuna), thần vật tổ Indra, thần lửa (Agni), thần Chết (Yama), thần Rượu (Soma)...,

3.Nội dung thánh điển Bràhamana:
Có thể nói là một pho sách có tính cách thần học. Tư tưởng triết học của Bràhmana thì khai triển theo thứ tự trong ba giai đoạn:
a) Giai đoạn thứ nhất lấy Prajapati (Sinh sản) làm trung tâm. Tư cách của Prajapati là thần tối cao, tạo ra vũ trụ, trời đất và hư không, rồi lần lượt tạo ra Thái Dương thần, Phong thần, Hỏa thần, con người và vạn hữu, nên giai đoạn này thuộc về quan niệm sáng tạo.
b) Giai đoạn thứ hai, lấy Bràhaman (Đại ngã) làm trung tâm. Bràhman thay thế Prajapati để nắm quyền chi phối các vị thần. Giá trị của Bràhman đứng trên hai phương diện, một phương diện thì duy trì cái bản chất bất biến bất động của nó, mặt khác thì hoạt động theo hai yếu tố là Nàma (Danh) và Rùpa (Sắc) để khai triển vạn hữu.
c) Giai đoạn thứ ba, lấy Àtman (Tự ngã) làm trung tâm. Bràhaman và Àtman tên tuy khác nhau nhưng cùng một thể. Bràhman thuộc về phương diện vũ trụ; Àtman thuộc về phương diện tâm lý. Căn cứ vào phương diện tâm lý thì linh hồn bất diệt, nghĩa là Àtman khi lìa thể xác thì linh hồn được quy thuộc về Bràhman.

4. quan niệm Nhân Bản toàn diện:
          Nét căn bản đầu tiên của văn hoá Dravidien phải nói là nền nhân bản và là nhân bản tâm linh có tầm vóc vũ trụ vì có hồn vũ  trụ gọi là Purusha: Prajapati cũng gọi là Braham là chúa tể vũ trụ, vì đã tự hoá thân thành Purusha đại ngã. Đó chính là con người. Vũ trụ ví tự Purusha đã hoá sinh ra vạn vật. Vì con người cá nhân chỉ là cái bóng mờ nhạt nhỏ bé so với Purusha đại ngã nên cứu cánh của con người là phải làm thế nào để trở về với Purusha. Đó là con đường Minh triết, còn phương pháp để đạt Minh triết là Yoga.
          Yoga là phép dậy cách cho con người kết hợp lại với Purusha nguyên thủy bằng cách tập trung tư tưởng. như vậy thì cũng đúng với nguyên lý của Kinh Dịch là “nguyên thủy phân chung” cùng chung một bầu khí triết lý. Quan niệm như thế chấp nhận tất cả mọi tác động thuộc tiểu ngã cũng như đại ngã, và tất cả đặt trên quan niệm tiến hoá. Đó là quan niệm Nhân Bản toàn diện của con người do nhận thức sự giao thoa giữa thánh và người nên đạt được sự mầu nhiệm qua tế tự. 3

5. Tế lễ theo kinh Veda:
Niềm say mê tiên tri hàng ngàn năm trước công nguyên đã khiến cho những nhà hiền triết Ấn Ðộ gốc Ariyan nghe được tri thức (Veda) của thần linh tự trong tâm và chuyển những gì đã nghe (Sruti) thành các khúc đạo ca, và niềm tự hào về thơ văn thúc đẩy họ thâu thập các khúc đạo ca tạo thành bộ sách Veda, “tri kiến thần linh”, rồi tán tụng chúng theo những nhịp điệu trang nghiêm trong lễ tế đàn.
Các khúc đạo ca được tán tụng trong lễ tế đàn bằng thể thơ, hoặc đọc thần chú một cách thành kính nhằm kết nối với sự thiêng liêng của thần thánh.
Ðối với thời đại chúng ta, nhiều hình ảnh thần linh trong Thiên giới Vệ-đà thật khó tưởng tượng ra, bởi vì chúng kết hợp những đặc điểm thần linh với quan niệm về các hiện tượng thiên nhiên theo một cách bất chấp tính hợp lý. Thông thường, các đặc tính gán cho một vị thần nào đó lại tương phản nhau không thể nào kết hợp chung được trong tư tưởng. Do vậy phần lớn các thần Veda vượt ra ngoài định nghĩa trong một cảnh tranh tối tranh sáng, hay ba phần tư bóng tối không thể nào quan niệm được.
Ngôi vị tối cao trong đền thờ Veda do Indra Thiên Chủ ngự trị, vị thần có ngàn lực và là thần hộ mệnh của dân tộc Ấn gốc Ariyan từ hướng Tây đến chiếm thung lũng sông Hằng khoảng 1200 trước CN. Ngài là vị anh hùng đã có thời dùng gậy thần giết Vrtra, con quỷ gây hạn hán và như vậy đã giải phóng các dòng sông được quấn chặt trong thân rắn của nó. Ngài vung vẫy chiếc cầu vồng chính là cây cung của ngài, phát ra sấm chớp bằng chiếc kim cang chùy (vajra), ngài lao vùn vụt trên chiếc thiên xa từ trận chiến này đến trận chiến khác để diệt bầy quỷ cố tìm cách ngăn cản ngài ban bố những cơn mưa thuận gió hòa đem lại sự phong phú cho quả đất đang khao khát nước ngọt.
Thức uống của ngài là rượu soma, một thứ tiên tửu trộn với mật ong và sữa bò, mà các tín đồ dâng lên ngài trong những lễ cúng rượu thật tràn trề để mong ngài tọai ý và ban phước lộc. Thần Indra không chỉ là hiện thân của dũng lực và nam tính, khuyến khích tư tưởng và hành động phát triển, mà còn là thần tạo sự phong phú cho đám gia súc và ban tròn ước nguyện về vật chất cho con người. Kẻ nào có thần Indra ở bên mình thì không thiếu món gì cả:
Indra hỡi, nếu ta là Thiên Chủ,
Ðấng phát ban mọi phẩm vật trên trần,
Thì kẻ nào ca tụng với tán xưng,
Sẽ chóng hưởng đàn trâu bò đẹp nhất!
Ta sẽ giúp người, tấu Trời Ðại Lực,
Vì kính người, nên ta sẽ phát ban
Cho những ai ca tụng hoặc tri ân
Nếu ta được làm Chúa đàn súc vật! 4

Kế tiếp thần Indra là thần VarunaMitra. Varuna là hiện thân bầu trời trùm lên vạn vật, được tôn thờ như vị thần bảo vệ chân lý (rta) và trật tự vũ trụ. Phận sự thần này là bảo tồn sự điều hòa trong hướng đi của mặt trời, sự thay đổi ngày và đêm, các tuần trăng và các mùa. Vị này cũng chứng giám các lời cam kết và thề ước, vì không giữ lời thề ước là nói dối, và vi phạm tính thiêng liêng của chân lý mà thần Varuna có phận sự bảo vệ. Về sau theo kinh Veda, Varuna còn được xem là thần đại dương và sông nước, nên thần trừng phạt những kẻ nuốt lời thề bằng các căn bệnh phù thủng và giun chỉ là những bệnh rất thông thường ở Ấn Ðộ. Một bệnh nhân như vậy thường van xin thần Varuna:
Cho con đừng tới nhà mồ,
Va-ru-na hỡi, thứ cho lỗi lầm,
Va-run phước đức thi ân,
Con như bong bóng nổ bùng lững lơ;
Thần đầy ân đức, thứ tha,
Vì con ngu xuẩn hóa ra chống ngài,
Thứ tha con, đội ơn trời,
Ðứng trong dòng nước, tôi đòi khát khao!
Thứ tha con, hỡi trời cao,
Dù loài người đã phạm bao lỗi lầm
Chống bề tôi của chư thần,
Nếu vì ngu xuẩn không tuân lệnh ngài,
Chúng con xin tấu lạy trời
Xin đừng thịnh nộ diệt nòi giống con. 5

Dâng lễ tế thần không thể thiếu thần lửa Agni, vì vị thần này dùng các chiếc lưỡi toàn bằng khói lửa mang lễ vật lên trên trời và thỉnh cầu chư Thiên xuống trần gian dự lễ tế đàn:
Agni cuộn quanh mình
Phẩm vật tế thần linh
Chỉ riêng mình thần lửa
Lên đến cõi Thiên đình.
Agni đầy uy lực,
Ðầy vinh hiển, tín thành
Xin nguyện cầu Thiên chúng
Ðưa xuống với quần sanh! 6

Mắt phàm tục không thể thấy được chư Thiên thần khi chư vị xuống dự lễ tế đàn và an tọa trên đàn tế lộ thiên. Thiên thần được vị chủ tế dâng thực phẩm, rượu soma bèn bày tỏ lòng hoan hỷ biết ơn qua các cách đáp lễ như cho mặt trời mọc mỗi ngày, làm mưa rơi xuống và đem thắng lợi, an cư lạc nghiệp, thành công, con đàn cháu đống, gia súc tăng trưởng, trường thọ, cường tráng. Việc đáp lễ của chư Thiên này có thể xem là đáng tin cậy được, miễn là đừng phạm lỗi lầm gì trong lúc cầu nguyện và dâng yến tiệc lên “chư Thiên”. 7
Trong các bộ Thánh điển, đề cập Bà-la-môn là những người truyền đạt thiên ý đến những người tế đàn người ta tin tưởng rằng chư Thiên thần trông cậy vào tài năng của vị Bà-la-môn tế tự và nếu không có sức mạnh tạo ra do tế đàn thì mọi ý nguyện không thành.
Rõ ràng: Tế lễ bảo tồn trời đất, tế lễ dành cho chư Thiên, tế lễ ngự trị trên chư Thiên .Thần chú tế lễ (Brahman) là một loại thần chú có tính tự động bắt buộc chư thần linh phải làm theo ý muốn của vị Bà-la-môn tế tự. Thần chú có tính vạn năng, người nào hiểu chú và tụng chú chính xác là người cao trọng hơn tất cả mọi loài.
Các lễ hội được linh nghiệm nhờ thần chú (Brahman) mà chỉ riêng vị tế sư trưỡng lão mới có thể tán tụng đúng âm luật. Nên một người chỉ đạt đến chức vụ tế sư Bà-la-môn sau khi đã làm môn đồ tại nhà một vị tế sư Bà-la-môn suốt mười hai năm, hằng ngày chăm sóc ngọn lửa, học thuộc Thánh ca, thần chú, lễ nghi và sống đời kiêng sắc dục để phát triển ưu thế đối với mọi người. Chỉ khi nào việc học tập này kết thúc, vị Bà-la-môn trẻ tuổi ấy mới được phép mang kiểu tóc đặc biệt của vị Bà-la-môn trưởng lão, gồm một chòm tóc kết bên phải đầu, và ba chòm nữa ở các nơi khác.

6. khổ hạnh để đạt được giải thoát:
Trên quan điểm đó, bất cứ ai cũng phải từ chối các dục lạc vì chúng đi kèm với khổ đau những ai có hành động như thế cũng giống tách vỏ trấu để hưởng thụ hạt gạo bên trong!
Từ “khổ hạnh” thường được dịch là “ăn năn hối cải” một cách sai lầm. Sự ăn năn hối cải là một cố gắng bù đắp tội lỗi đã phạm, còn khổ hạnh theo nghĩa Ấn Ðộ là một cố gắng tạo dựng tương lai. Nó dựa trên niềm tin rằng sự hành xác (tapas là phương tiện) tạo ra nhiệt lượng (tapas là kết quả) nghĩa là một thần lực tâm linh có thể được tích trữ để sử dụng vào mục đích giải thoát. Ðiều kiện tiên quyết để thành công là tuyệt đối tiết dục. Nếu người theo khổ hạnh bị nhục dục lôi cuốn, thần lực tapas được tích trữ kia lập tức biến mất hoàn toàn.
Theo niềm tin được phổ biến giữa nhiều người, nhà tu khổ hạnh chứng đắc thần thông do tích lũy ngày càng nhiều thần lực tapas. Trong kinh Rg Veda ta đã biết rằng thần Indra, Thiên Chủ, đạt ngôi cao trên thiên đình nhờ có tapas, nhưng mãi đến các thế kỷ thứ bảy, thứ sáu trước CN, thuyết thần lực tapas mới trở nên thực sự thịnh hành.
Vì tục ngữ có câu “Cái gì ta không cần thiết hiện nay sẽ được đền bù gấp mười lần” nên cũng không ít vị khổ hạnh đã nhắm trực tiếp đến lạc thú đời sau như mục đích tối hậu của các nỗ lực cá nhân mà từ bỏ lạc thú hiện tại. Ðối với một số khác lại lấy mục đích, thể hiện thần thông: bay như chim, đi trên nước, băng qua tường, biết các vật ở xa hoặc dấu kín, đoán quá khứ, tương lai… Nên không ít người gọi Brahmanas là đẳng cấp tu sĩ.
Song đối với những vị có trí tuệ cao thâm thì mục đích duy nhất xứng đáng tu tập khổ hạnh là sự giải thoát, cho dù giải thoát được quan niệm như sự cọng trú với chư Thiên, hay hợp nhất với một vị thần nào đó, hoặc liễu tri cái Tuyệt Ðối và thể nhập vào trong ấy.
Như vậy, việc tế đàn ngoài mục đích cầu mưa rơi xuống tưới mát ruộng đồng đem thắng lợi cho số đông, an cư lạc nghiệp, thành công, con đàn cháu đống, gia súc tăng trưởng, trường thọ, cường tráng…mà nó còn một ý nghĩa quan trọng là phương pháp dạy cách cho con người kết hợp lại với Purusha nguyên thủy bằng cách tập trung tư tưởng để con người trở về nhân bản tâm linh. 8 Đó mới là thành quả đạt được tuyệt đối khi con người dám bỏ cái vỏ trấu để tìm về hạt gạo, nhưng mấy ai hiểu được mấy ai dám đi theo lý trí, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ như một sự thách thức đối với chúng ta hiện nay và mãi đến ngàn sau!

 

1 Đại Cương lịch sử Triết học phương Đông cổ đại, Doãn Chính, Trương Văn Chung, Nguyễn Thế Nghĩa, Vũ Tình. NXB Thanh Niên, 2003.

2 Shiva nghĩa là “điềm lành”  là một vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo, và một khía cạnh của Trimurti. Phái Shaiva của Ấn Độ giáo coi Shiva là vị Thượng đế tối cao.

3 Triết học Đông phương tập II, Lưu Hồng Khanh. NXBT, 2005

4 Rig veda 8 . 14 . 1 - 2

5 Rv 7 . 89

6 Rv I . 4 - 5

7 Những vị có hào quang

8 Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận mới, Heinrich Zimmer. NXBVHTT, 2006.

           Click vào đây để download file word

http://www.buddhismtoday.com/viet/triet/trietando_banchattetu.htm

 


Vào mạng: 17-10-2009

Trở về mục "Triết học Phật giáo"

Đầu trang