Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Dạ ... dạ, con kính bạch Thầy!

 

Tại một ngôi chùa thuộc cấp bậc trung trong một thành phố lớn của Việt Nam, vị Hòa thượng trụ trì qua đời. Lễ tưởng niệm và tống táng vị Hòa thượng này rất đơn giản nhưng không kém phần trân trọng. Sau đó không lâu, Giáo hội đã bổ nhiệm một vị đại đức trẻ tuổi lên làm trụ trì ngôi chùa đó. Gần một năm trôi qua, vào một buổi sáng nọ, một chị phật tử độ tuổi trung niên đến chùa viếng thăm vị Hòa thượng. Bước vào phòng trụ trì, chị gặp một vị tu sĩ nhỏ người, trẻ trung giống như vị thị giả chị gặp năm trước. Chị bảo:

-- "Em làm ơn cho chị gặp Hòa thượng trụ trì." Chị phật tử phân trần, "Gần một năm rồi chị không đến thăm Hòa thượng!"

Vị tu sĩ đó vui vẻ mời chị ngồi, rót nước mời chị uống, hỏi thăm mục đích của chị đến gặp trụ trì. Chị bảo chị đến gặp Hòa Thượng để xin Hòa thượng một lời khuyên về cách khắc phục tâm tánh vội vã của chị. Vị tu sĩ trẻ khuyên chị cố gắng chú tâm và tỉnh thức trong từng hành vi cử chỉ của tâm và của thân. Khi nào thấy tâm nôn nóng về một việc gì thì phải biết tâm mình đang bị bốc cháy với lửa vội vã mà cố gắng hít thở thật sâu và tâm niệm rằng ta không nên vội vã, vì vội vã thường dẫn tới sai lầm. Vị tu sĩ góp ý chị vài cách khác để khắc phục tâm, chẳng hạn như phương pháp thay thế và phương pháp trì hoãn v.v… Phương pháp thay thế là thay đổi chủ đề tư duy. Nghĩa là thay vì bám vào sự nôn nóng quyết định làm một việc gì, ta tập trung vào một chủ đề khác, chẳng hạn như phong thái ung dung của đức Phật, để cố gắng bắt chước ngài và từ bỏ tánh vội vã. Phương pháp trì hoãn nhằm suy tư về tính thời gian cần thiết một cách tối thiểu của một sự kiện hay vấn đề. Sự nhảy vọt về thời gian có thể dẫn đến sự chín "háp" của công việc và có thể gây nhiều bất lợi về sau. Nghe vị tu sĩ trẻ giải thích, chị phật tử cảm thấy sót ruột vô cùng và nài nĩ thầy cho chị gặp Hòa thượng.

-- "Em làm ơn thưa với Hòa thượng có Diệu Viễn tới thăm Hòa thượng." Chị buông thêm một câu nhẹ, "Em thông cảm, chị bận lắm!"

-- "Xin chị vui lòng chờ cho một chút, thầy trụ trì sẽ ra liền!" Vị tu sĩ trẻ tuổi từ tốn đáp.

Nói xong, thầy bước vào buồn trong, mặc áo tràng nâu vào, thong thả bước ra rồi ngồi xuống ngay chính cái ghế đơn sơ mà thầy vừa đứng dậy. Chị phật tử trở nên xót ruột hơn, vội vã hỏi:

-- "Bộ Hòa thượng trụ trì bận hay Hòa thượng không có ở chùa? Sao không thấy Hòa thượng ra?"

-- "Thưa chị, Hòa thượng trụ trì đã qua đời cách đây một năm rồi!" vị tu sĩ trẻ khoan dung nói.

-- "Em bảo sao, Hòa thượng về cõi Phật rồi hả? Hồi nào vậy, sao chị không hay?" chị hỏi dồn dập.

Vị tu sĩ trẻ kể lại cơn bệnh ngặt nghèo đã cướp đi mạng sống của Hòa thượng vào năm ngoái, trước sự kính tiếc và nhớ thương vô vàn của phật tử bốn phương, mặc dù Hòa thượng đã được các bác sĩ giỏi ngày đêm thay nhau chăm sóc. Chị phật tử nghe thầy kể, nghẹn ngào rơi nước mắt, tự trách mình không thường xuyên tới chùa nên không biết gì về tin từ trần của Hòa thượng. Vừa lau nước mắt, chị vừa nghẹn ngào nói với vị tu sĩ trẻ:

-- "Thôi thì, em làm ơn cho chị gặp vị trụ trì mới!"

-- "Thưa chị, bần tăng là người được Giáo hội bổ làm trụ trì thay thế Hòa thượng ạ!" vị tu sĩ trẻ khoan thai nói tiếp, "Bần tăng có thể giúp chị được gì không?"

Biết vị tu sĩ trước mặt mình là vị trụ trì mới của chùa, chị bẻn lẻn đổi giọng:

-- "Dạ, dạ ... con kính bạch thầy ..." chị lúng ta lúng túng bày tỏ xin lỗi về sự thất lễ. "Bạch ... bạch thầy, cho con xin sám-hối!" Chị nói lập bập.

-- "Có sao đâu!" vị tu sĩ buông nhẹ. "Ngôn ngữ xưng hô là cách mặc ước trong giao tế thôi, có gì đâu mà phải để tâm chấp mắc!" thầy vui vẻ giải thích.

Sợ chị ngại ngùng vị thầy liền chuyển sang đề tài về cách khắc phục "tâm vội vã" cho chị nghe, mà khi nãy thầy đang nói dở dang. Sau đó, thầy tận tình dạy cho chị cách tu thiền quán sát hơi thở, hành vi của bản thân và khuyên chị siêng năng đi chùa hơn. Nghe thầy giảng giáo lý, chị cảm thấy thích vô cùng. Sau bài giảng, chị chào thầy ra về.

Tiễn chị ra khỏi cửa phòng, nhìn dõi theo từng bước chân của chị, vị trụ trì trẻ thầm nghĩ: "Cuộc đời này lạ thật, con người ta trọng vọng cái "danh" và cái "chức vụ" đến thế. Cùng lời dạy của một người, nếu lời dạy đó không được khoác lên mình nó một cái danh, một chức vụ, chưa chắc người nghe đã chịu tin và làm theo, dù lời dạy đó có đúng và sâu sắc, nhưng nếu lời nói đó được khoác lên áo của một người có chức vị, thì người ta mới chịu nghe: nghe một cách tâm đắc và hoan hỷ làm theo! Ấy mới biết, theo cách này người ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để học hỏi trong giao tế và trong cuộc sống!"

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/007-da.htm

 


Vào mạng: 3-3-2000

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang