Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

 

...... ... .  . .  .  .
Hành Trình Kỷ Niệm
Thích Giác Hành

THAY LỜI TỰA

Một hành vi dù thiện hay ác, trong dòng chảy miên viễn và nhiều thăng trầm của cuộc sống, tất cả dường như có một điểm cuối cùng nào đó. Nhưng cái gì tiếp tục? Công nghiệp của chư bậc Thánh Hiền vẫn vương trong tâm trí của những thế hệ về sau. Nếu chẳng thế, hàng triệu người Phật tử khắp nơi trên thế giới đã không hướng đến India, Nepal như đất thiêng của Phật giáo. Những địa danh Lumbini (nơi Phật đản sanh), Bodhgaya (nơi Phật thành đạo), Sảnath (nơi phật chuyển pháp luân) và Kusinara (nơi Phật Niết-bàn) từ lâu đã trở thành một khao khát trở về trong thế giới Phật giáo đồ. Khao khát được đến để ngắm dãy Hy Mã, trải qua bao thiên niên kỷ vẫn sừng sững, trầm hùng, với khát vọng chạm vào bầu trời khoáng đãng như những nhà tu đang nhiệt thành tầm cầu chân lý tối hậu; khát vọng được đến để nhặt cát sông Hằng, để xuôi chiều tư duy nghe hơi thở 2.500 năm trước vọng về...

Chuyến hành hương kết thúc trong tiếc nuối "Khi nào chúng ta trở lại Phật tích?". Lòng hỏi lòng, rồi lặng im dưới bóng mây trôi. Đời sống phù vân...chỉ có "HÀNH TRÌNH KỶ NIỆM" là còn chút gì để lại, để nhớ và để thương.

Sư Trí Quảng.


Với bao kỷ niệm bao lưu luyến
Về lại quê xưa chốn cố hương.

Hơn một tháng kể từ ngày rời Việt nam sang Ấn du học, tôi được tin Hòa thượng Pháp Sư sẽ hướng dẫn đoàn Tăng Ni Phật tử Việt nam ở Mỹ và Úc sang chiêm bái bốn thánh tích: Bồ đề đạo tràng, Vườn Lộc Uyển, Rừng Sa la Song thọ, và vườn Lâm tỳ Ni. A di đà Phật! Không ngờ đến đất Phật, tôi lại có nhân duyên được đảnh lễ Hòa thượng, người mà tôi từng ngưỡng mộ qua danh tiếng của ngài, qua sách vở, thi ca và các bài giảng mà tôi được đọc trước đây. Có nhiều bài thơ của ngài gần như hiện hữu trong tôi, hướng dẫn tôi trên suốt hành trình tu học đã đi qua và phần còn lại của cuộc đời.

Nầy đồ đệ lắng nghe thầy chỉ dạy
Việc tu hành cố gắng hỡi nầy con
Con muốn tu cho đạo quả vuông tròn
Gương thầy đó con noi theo nghe nhé

Hoặc là:

Nhịn nhịn hòai, nhịn nhịn mãi con ơi
Chẳng phải là chỉ nhịn ba lần thôi
Mà nhịn mãi đến khi thành Chánh Giác
Con nhịn được dầu thân con có thác
Thác thân con nhưng tâm được nhẹ nhàng
Cõi Tây phương con chắc chắn bước sang
Bằng con đọa thầy nguyện ra chịu thế...

Và vui hơn, khi được biết tôi là một trong những huynh đệ hiện đang du học ở trường Đại học Delhi, sẽ tháp tùng phái đoàn đi chiêm bái. Thật không ngờ ước mơ của tôi từ lâu khi còn ở quê nhà nay sẽ thành sự thật. Nỗi vui mừng ấy bập bồng với muôn hình ảnh hiện lên trên Pháp trần của tôi. Rõ ràng nhất là hình ảnh ngài Huyền Trang cô thân trên bước đường thiên lý ngày nào năm xưa. Ngày ấy, để được đến quê hương Phật, chiêm bái thánh tích và thọ học, ngài đã trốn đi giữa đêm trường. Một mình một ngựa, ngài chịu đựng bao gian lao, khổ nhọc: nào đói, nào khát, nào nóng, nào lạnh

Từ nay phiêu bạt dặm trường
Dấn thân làm khách tha phương một mình
Quyết tầm thánh điển chơn kinh
Tận nơi Tây trúc đất linh thiêng nầy.

Ngày trở về của ngài huy hoàng không thể nào quên, với hành lý không chỉ là ba tạng kinh mang về Trung Quốc mà cả một bầu kiến thức Phật học, Phạn văn, ngài đã học suốt mười năm dài ở trường Đại học Na lan da. Còn tôi bây giờ thật diễm phúc hơn nhiều; vì tôi rời khỏi Việt nam giữa ban ngày, có hộ chiếu hẳn hoi và đến nơi nầy bằng phi cơ hiện đại của hãng Hàng không Thái lan tiện nghi, nhanh chóng. Song thú thật, chưa biết ngày về mình sẽ ra sao! Tuy nhiên, tôi thấy cuộc đời du học của tôi cũng có nhân duyên tương tợ như ngài là "Chiêm bái thánh tích trước; nổ lực học tập sau". Ở Việt nam tôi được xem bộ phim "Tây du ký" chuyện hư cấu về ngài Huyền Trang của nhà văn Ngô Thừa Ân, được một nhà đạo diễn Trung quốc dựng thành phim. Rất tiếc, câu chuyện ấy không đề cập đến việc chiêm bái thánh tích của ngài. Ngày ấy, sau khi rời Kasmir, ngài đến thăm thành Ca tỳ la vệ rồi xuôi theo dòng sông Hằng, viếng thành Ba la nại, chiêm bái vườn Lộc Uyển, rồi đến cội Bồ đề ở thành Gaya v.v... Đầu óc tôi vẫn miên man theo những hình ảnh: con đò chở ngài trên dòng sông, dưới bầu trời trong, có ánh trăng vằ vặc, theo con đường đất quanh co đưa ngài đến cội Bồ đề. Khi viết tác phẩm "Huyền Trang - Nhà Chiêm Bái Học Giả", Hòa thượng Minh Châu nhận định: "Trong các cuộc hành hương chỉ có của ngài Huyền Trang là quyến rủ nhất, ly kỳ nhất, bởi thời gian hành trình mười bảy năm, bởi những khổ nhọc gian nguy gặp trên đường, bởi những số lượng các nước ngài đi thăm viếng 128 nước, bởi những tường thuật của ngài để lại, đó là nguồn cảm hứng bất tận cho các học giả..." Lòng tôi cứ nôn nao lại nôn nao hơn, thấp thỏm, mong ngày Hòa thượng và Phái đoàn đáp phi cơ xuống phi trường Indra- Gandhi.

***

Sáng ngày 5, tháng 11, Đại đức Minh Thành - vị chịu trách nhiệm hướng dẫn đoàn cho chúng tôi biết 5 giờ chiều Hòa thượng và phái đoàn Tăng Ni Phật tử ở Úc sẽ đến Delhi, Tất cả huynh đệ chúng tôi dường như ai ai cũng lộ hẳn niềm vui trên từng ánh mắt, từng nét mặt và có lẽ trong từng cảm nghĩ được đón Hòa thượng Pháp sư, người dành cho chúng tôi vô vàn tình thương. Có lẽ tôi là người vui nhất và sung sướng nhất vì đây là lần đầu tiên tôi được đón ngài. Chúng tôi họp mặt ở phi trường khá sớm. Đứng trước cổng ra, quý huynh đệ trao cho nhau những nụ cười thật tươi, những lời nói thân thương, và những chủ đề nói chuyện dẫu có khôi hài nhưng không ra ngoài cuộc đời hành đạo và hóa đạo của Hòa thượng. Trong số chúng tôi đang du học ở Delhi, ngoài Đại đức Minh Thành làm thị giả ngài khi tuổi mới tròn 14, tất cả chưa ai được nghe trực tiếp những lời dạy của ngài khi còn ở quê nhà, cho nên tán thán công hạnh của Hòa thượng thì chỉ có Đại đức Minh Thành là am tường hơn cả.

Phi trường Indra-Gandhi có hai tầng; tầng trên dành cho hành khách rời khỏi Ấn và tầng dưới là cửa ra của khách đến Delhi. Nhớ lại hôm đầu tiên tôi đến Aᮠtừ Việt Nam, tôi đến phần vì lạ, phần vì tâm lý hồi hộp đã chiếm ngự trong đầu tôi khi không thấy huynh đệ ra đón, (mặc dù tôi đã đánh fax cho Đại đức Giác Ngôn trước đó cả tuần, thật rủi cho tôi, trang fax ấy không đến với Đại đức Giác Ngôn trước ngày tôi đến Ấn) nên tôi không có thì giờ cũng không đủ sức bình tĩnh để ngắm cho rõ phi trường. Bây giờ đứng ở đây chờ Hòa thượng, trong tôi những hình ảnh ngày ấy lại hiện lên như dòng phim vừa vui vừa tiếu làm sao. Hôm ấy, ra khỏi phi trường tôi cứ ngỡ rằng sẽ có quý huynh đệ của tôi đang chờ đón, nhưng không, ôi thật phủ phàng, trước mắt tôi không có một hình bóng người Việt nào cả, mà chỉ là những người cao lớn của đất nước nầy và những du khách đến từ Âu Mỹ. Tôi nói thầm: Kỳ lạ thật! sao không ai đón mình cả!

Bây giờ đứng ở phi trường
Nhớ ngày mới đến mà thương phận mình
Biết ai bày tỏ phân minh
Sao không thấy mặt đệ huynh người nào?

Một phút ngỡ ngàng trôi qua, tôi định tâm lại và nghĩ mình có địa chỉ của Đại đức Giác Ngôn mà, hay là mình cứ lên xe về đó, song ngay khi ấy một tâm lý khác lại khởi lên rằng: không nên đi giờ nầy, nguy hiểm lắm! Bỗng nhiên tôi bị nhiều người đàn ông Ấn vây quanh, họ hỏi: "Where are you going?" (Bạn sẽ đi đâu?) Tôi ngập ngừng đôi phút bèn nói: "I am going to Delhi University" (Tôi sẽ đến đại học Delhi). Họ reo lên Come here! Come here! (Đến đây! Đến đây!). Tôi lại e dè không biết họ là ai? họ như thế nào? nhưng tôi vẫn kéo chiếc xe hành lý đi theo. Họ đưa tôi đến một chiếc tắc xi đang đậu chờ khách. Họ hỏi tôi một lần nữa Where are you going? Tôi đưa cho họ địa chỉ của Đại đức Giác Ngôn. Họ nói: "O.K Five hundred rupees" (O.K! 500 Rupees = 170.000 đồng Viet nam). Tôi không biết trị giá 500 rupees là bao nhiêu tiền Việt nam cũng như bao nhiêu tiền đô nhưng tôi vẫn trả lời: "Yes" (vâng). Vì tôi nghĩ cứ để họ đưa mình về nơi Đại đức rồi sẽ tính sau. Tôi bưỡc lên xe. Xe nổ máy chạy khoảng 3 cây số, tài xế ngừng lại hỏi tôi: "Money?" (tiền), và ra hiệu cho tôi trả tiền. Tôi cười và nói: "I do not have money" (tôi không có tiền). Anh ta trố mắt nhìn tôi rồi quay xe trở lại phi trường, tôi bưỡc ra khỏi xe taxi sau khi anh ta bỏ hành lý xuống đất. Tôi lại ngẩn ngơ không quyết định đi đâu bây giờ. Một lát sau chính anh tài xế ấy chạy lại trả cho tôi mấy tấm lịch treo tường tôi mang theo làm quà cho quý huynh đệ. À! thì ra anh đã lấy mấy tấm lịch Phật của tôi khi anh bỏ hành lý xuống đất nhưng tôi hoàn tòan không biết. Có thể anh muốn lấy để trừ tiền, nhưng đó là lịch Phật nên anh không dám giữ. Vì Đức Phật là người Aᮬ mà anh ta là con cháu của Ngài, lẽ nào dám làm chuyện trái lương tâm với Ngài? Một anh tài xế khác chạy đến và tôi cũng nghe những câu hỏi cũ lại phát ra. Tương tự như trước tôi lại lên xe và sau ba cây số tài xế lại dừng xe. Lần nầy thì khác khi nghe tôi nói: "I do not have money", anh ta cười và nói: "Do you come here for study. Why do you say you not have money?" (Bạn đến đây đi học, tại sao nói là không có tiền?). Anh ta muốn kiểm tra túi xách của tôi. Tôi không phản đối và đưa ngay cho anh. Anh lấy túi xách của tôi và kiểm tra. Trong túi, chỉ có 100.000 đồng Việt nam thôi. Anh lấy 50.000. Tôi cười. Xe lại chạy một đoạn nữa anh ta dừng lại trước một khách sạn ra dấu bảo tôi vào nghỉ ở khách sạn. Hình như có một lực nào đó giữ tôi lại trên xe, và trong ý nghĩ, như có tiếng bảo tôi răng không nên xuống ở đây. Sau nầy, tôi nghe kể rằng hồi Đại đức Trí Quảng qua đây, không người đón vì giống như trường hợp của tôi, fax không đến tay người thân, Đại đức phải ngủ ở khách sạn mang tên Asoka (A Dục), tên của vị vua thuần thành Phật giáo. Chính khách sạn mang tên nầy đã làm cho Đại đức lầm tưởng là khách sạn của Phật tử, không lấy tiền chư tăng nên ung dung đánh một giấc ngon lành. Thế nhưng, sáng hôm sau Đại đức phải móc túi tiền du học của mình chi 50 đô la cho một giấc ngủ qua đêm trong khách sạn đó. Còn tôi thì khác, nhất định không xuống và nói với anh ta rằng: "I can not stay in hotel because I am a Buddhist monk" (Tôi không thể ở khách sạn vì tôi là tu sĩ Phật giáo). Vì ở Việt nam có bao giờ tôi vào khách sạn ngủ đâu. Làm sao tôi dám vào. Anh ta xuống xe đi khảo giá 50.000 Việt nam tôi ngồi chờ. Một lát sau anh ta trở lại và cầm trên tay tờ 50.000 Việt nam và lắc đầu. Tôi hiểu ý có thể anh ta muốn nói tờ bạc nầy không dùng được ở đây. Tôi bảo: "My brother is staying in Delhi. Could you take me to the address, I have given you? He will pay. O.K?" (Anh tôi ở Delhi. Ông có thể đưa tôi đến địa chỉ mà tôi đưa ông đó. Anh sẽ trả tiền cho ông. OK?) Nghe tôi nói như vậy anh ta an tâm nổ máy xe chạy tiếp. Đến hơn hai tiếng đồng hồ sau anh ta dừng lại. Thấy tấm bảng International Student House (ký túc xá sinh viên quốc tế)trước cổng, Anh ta xuống xe và liên hệ với người gác cổng sao đó tôi không hiểu. Anh quay trở lại xe và chuyển hành lý của tôi lên đến phòng Đại đức Giác Ngôn. Lúc ấy đã hơn hai giờ sáng. Không biết Đại đức đang ngủ ngon hay không dám mở cửa; tôi phải gõ đến ba lần mà chưa nghe tiếng trả lời. Lòng tôi bỗng nhiên hồi hộp và tự hỏi đây có phải là phòng của Đại đức không? Tôi nhìn lên cửa, thấy số 56 tôi tự nói đúng rồi! Hay là Đại đức đã chuyển sang phòng khác. Tôi nghe tiếng Đại đức hỏi Who's that? (Ai hả?) lòng tôi như nhẹ tênh mọi lo lắng biến mất. Tôi liền thưa: "Con. Giác Hành ở Việt nam mới sang". Đại đức mở cửa và trả tiền xe tắc xi chỉ 300 rupees thôi, sau khi tôi đến Ấn một tuần thì trang fax ấy mới được mang đến.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đến Ấn nhiều nổi lo lắng và hồi hộp như vậy. Hôm nay, tôi có thời gian và đủ bình tĩnh để ngắm phi trường như những nhà thơ ngắm cảnh đẹp để lấy cảm hứng cho thơ. Trước mặt tôi là một tòa nhà lớn hai tầng dành riêng cho khách đợi và người đón, thật là sang. Sàn nhà được lót bằng đá hoa cương khá quý. Bên trong người ta đặt rất nhiều hàng ghế nệm cho khách ngồi đợi. Trên các cột lớn đều có tivi để khách giải trí và nghe tin tức. Trên một bức tường to phía trước, người ta đặt hai tấm bảng điện tử khá lớn thông báo tên và số của phi cơ cũng như nơi xuất phát và giờ đáp xuống phi trường cho quý khách biết. Hai bên hông nhà khách có hai phòng vệ sinh khá sang trọng. Trước đây, tôi nghe người ta nói rằng người Ấn sống không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, nên tôi rất ngạc nhiên khi bước vào nhà vệ sinh như thế này, nhưng sau đó tôi tự trả lời, phi trường là cửa ngõ quốc gia của một đất nước, dù cuộc sống có thiếu văn hóa đến thế nào đi nữa, người ta cũng phải giữ thể diện quốc gia chứ! Nếu sinh hoạt và điều kiện ở đây mà biểu hiện như những nơi khác trong nước thì còn gì là văn hóa nữa.

***

Đất nước Ấn là xứ sở của tâm linh có nhiều điều huyền diệu, dân Ấn khá đông, giao thông ở Delhi tấp nập còn hơn ở thành phố Hồ chí Minh. Nạn kẹt xe thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, đối với người Ấn hình như không có gì trở ngại cả. Họ có thể ngồi trên xe chờ ba bốn tiếng đồng hồ cho mỗi lần kẹt xe. Hai chữ "No Problem" (Không có vấn đề gì) là câu thường dùng của họ. Tôi hơi bở ngỡ khi phải áp dụng luật đi đường theo lề bên trái; tôi luôn đề phòng tránh đường cho các ông "thần bò" ngang nhiên tự tại trên đường phố. Điều lạ nhất tôi thấy ở đây người đàn ông chiếm đa số trong mọi công việc từ cơ quan, trường học, cho đến chợ búa. Nếu ở Việt nam, trong các gian hàng bán vải vóc, tạp hóa, thực phẩm v.v.. người đứng bán thường là phụ nữ, còn ở đây ngược lại hầu hết là đàn ông. Gìờ ở Delhi chậm hơn giờ Việt nam là một tiếng rưỡi; thời tiết ở Delhi vào mùa đông sương mù phủ kín bầu trời, dày đến nỗi xe không thấy đường chạy, người đi không thể thấy nhau, dù chỉ cách nhau vài ba mét mà thôi, cho nên giờ hành chánh ở đây từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Kể ra công chức Ấn cũng hơi nhàn thật! Không khí làm việc của họ giống như xã hội Việt nam trong những năm tháng còn bao cấp. Tôi làm thủ tục giấy tờ nhập học mà phải đứng xếp hàng thứ tự chờ đến hàng giờ, kể cả việc mua tem bỏ thư, nộp tiền học phí v.v...Thế là ngày hôm ấy tôi đóng tiền học phí không được vì hết giờ, họ hẹn tôi Tomorrow (Ngày mai). Ở Ấn hầu như đến các cơ quan ít khi họ chịu giúp mình ngay, họ luôn luôn hẹn "Ngày mai", câu nói mà tôi và những sinh viên nước ngòai thường nghe nhất. Vì vậy sinh viên sang Ấn du học thường tự nhủ: "Nhịn đói, Tư duy và Chờ đợi" làm phương châm sống.

Ở Ấn ngày nghỉ lễ thật là nhiều! Còn chuyện đình công thì gần như xảy ra liên miên, hết giáo sư đình công, đến công nhân viên chức đình công, rồi sinh viên đình công, thậm chí những người nấu bếp trong ký túc xá sinh viên cũng đình công, nên vấn đề cúp khẩu phần hôm đó không có gì là lạ! Những ngày ấy tôi thấy các chàng sinh viên trong ký túc xá tôi ở thật là tội. Có anh ra quán, có anh dùng tạm bánh mì qua bữa, còn tôi cùng quý thầy Việt nam dùng nồi cơm điện nấu tạm món mì gói mà Việt nam tôi thường dùng.

Khí hậu ở đây khá khắc nghiệt về mùa đông lạnh từ 5 đến 4 độ, trong phòng phải dùng máy sưởi, tôi nghe nói mùa hè nóng gay gắt từ 45 đến 47 độ, quý thầy thường nói đùa với tôi rằng: Có thể nhờ vậy mà sau nầy sư dễ quán tưởng tu tập đề tài: "Tam giới như hỏa trạch" nghĩa là Ba cõi là nhà lửa thiêu đốt con người trong từng sát na, nên phải tìm cách mau thoát ra.

Tôi đang để mặc dòng tư tưởng của tôi trôi theo hiện cảnh. Đại đức Minh Thành cho biết phi cơ của Hòa thượng đã hạ cánh. Tôi thấy từng đòan người da trắng cao lớn đi ra, họ nói tiếng Anh khác với giọng Ấn. Chúng tôi không ai bảo ai mà tất cả đều dán mắt vào họ và hình như tất cả đang bâng khoân không biết Hòa thượng ở đâu? Chúng tôi đều mong sớm được thấy hình ảnh Hòa Thượng nỗi mong được thấy hình ảnh Hòa thượng trên khung cửa ra của phi trường. Cuối cùng Hòa thượng xuất hiện, chúng tôi cùng reo lên "Hòa thượng, Hòa thượng...." Ôi! Trước mắt tôi một vị thầy kính yêu phương phi sao đẹp lạ lùng, Ngài không mang hình dáng một tiên ông, dù ngài hiện đang sống nơi thế giới đầy đủ tiện nghi vật chất; ngài không trang phục hình thức của một người quyền hành dù ngài từng là Viện trưởng Viện Hành Đạo trước đây, ngài không bệ vệ kiểu cách tôn giáo như một nhà tu chú trọng hình tướng bên ngòai; Ngài thật là giản đơn trong bộ Pháp phục của vị tu sĩ, với nụ cười hiền hòa cảm mến của người miền Nam đất Việt, với dáng đi chắt nịch của người con sinh ra và lớn lên trên đồng lúa đầy phù sa của dòng sông Cửu long, với giọng nói chân chất, thẳng thắn, nhưng dung chứa tràn trề chất liệu tình thương. Tôi xá ngài. Thấy ngài cười và nghe ngài hỏi thăm từng huynh đệ, tim tôi rộn ràng xúc cảm. Tôi thật sự cảm động vô cùng. Tôi cảm nhận như đang có một dòng suối tình thương âm ấm nào đó từ bên ngoài chảy vào lòng tôi, chan hòa vào máu, vào tim, cho tôi một niềm tự hào bởi mình có Pháp sư, người cha tinh thần kính yêu đang hiện diện trước mặt bằng xương bằng thịt, có nụ cười thanh thoát từ ái bao dung....

Lần đầu diện kiến Pháp sư
Bậc thầy khả kính lòng từ bao dung
Khoan thai nhẹ bước trùng phùng
Ban nguồn hạnh phúc khắp cùng tăng ni.

Thật là hữu duyên tôi cũng được gặp lại Đại đức Minh Hiếu, người đồng học lớp Cao cấp Vạn Hạnh năm xưa, sau bốn năm xa cách. Mãi nói chuyện với Đại đức làm tôi quên đi nhiệm vụ chụp ảnh lưu niệm mà trước đó Đại đức Minh Thành đã nhờ tôi. Đêm ấy, Đại đức Minh Thành thỉnh Hòa thượng và mời đoàn về nghỉ lại tại Indravihara, nơi chúng tôi đang trọ học. Xóm cư trú của thị dân nầy cách trường Đại học Delhi không xa bao nhiêu, đời sống người dân ở đây không cao hơn ở quê mình. Nhà ở đều nhỏ và không cao, chỉ vỏn vẹn hai ba tầng. Môi trường hẳn nhiên là không sạch sẽ rồi! Đường đất ghồ ghề sỏi đá. Phương tiện đi lại thô sơ. Với Hòa thượng, chúng tôi nghĩ không có vấn đề gì trở ngại vì Hòa thượng lúc nào cũng hoan hỷ, nhưng đối với những người trong đoàn đã sống ở môi trường Châu Mỹ, Châu Úc thì có thể hơi khó chịu, thứ nhất lạ nhà, lạ môi trường, lạ cảnh và thứ hai là không đủ tiện nghi lắm! Tuy nhiên chúng tôi hy vọng quý vị đa số là Phật tử của Hòa thượng từng nghe Hòa thượng giảng dạy, đặc biệt sống gần Hòa thượng chắc chắn sẽ sẵn sàng hoan hỷ và kham nhẫn, chấp nhận một đêm trôi qua nơi môi trường thiếu tiện nghi nầy.

Sáng ngày 6 tháng 11, Đại đức Giác Ngôn, vị trưởng huynh của chúng tôi hướng dẫn đoàn đi thăm Thắng tích Taj Mahal, một trong bảy kỳ quan của thế giới. Thú thật tôi chưa được đến nơi nầy, nhưng tôi nghe nói đây là nơi mà người Ấn rất tự hào về công trình xây dựng và kiến trúc của họ. Dù chỉ là một ngôi mộ của một bà hoàng hậu, song vẻ mỹ lệ của công trình nầy được xếp trong bầu trời kỳ quan thế giới hôm nay, cũng đủ nói lên sự hấp dẫn và thu hút của nó đối với du khách thế nào. Mặc dù quý Phật tử đến Ấn xem việc chiêm bái thánh tích là chính nhưng cũng không thể bỏ qua cơ hội đến thăm kỳuan diễm lệ nầy. Có người bảo rằng đến Ấn mà không thăm Taj Mahal thì thật không khác nào qua Ai cập mà không thăm Kim tự tháp; đến Trung quốc mà không leo lên Vạn lý trường thành; đi Cam bốt mà không vào Đế thiên đế thích. Chuyến đi ấy Hòa thượng ở lại nhà vì ngài đã đi rồi cho nên huynh đệ chúng tôi được cơ hội đảnh lễ Hòa thượng và nghe những lời giáo huấn chân tình của một bậc thầy trưởng thượng dành cho thế hệ tăng ni trẻ chúng tôi, những người đang cưu mang sự nghiệp tu học nơi quê hương Phật và trong tim chứa đầy hòai bảo "Hoằng pháp thị gia vụ. Lợi sanh vi đạo nghiệp".

Chiều hôm sau đoàn về lại Delhi và cùng với đoàn hành hương từ Mỹ do Thượng tọa Minh Hồi hướng dẫn về nghỉ ở chùa Nhật. Đêm ấy những người con nước Việt xa quê hương, kẻ ở Úc, người ở Mỹ gặp nhau trên đất Ấn, trong khung cảnh một ngôi chùa Nhật, cùng nhau chuyện trò hàn huyên, rỉ rả cho nhau nghe những chuyện đời buồn vui nơi đất khách mãi đến hơn nửa đêm. Huynh đệ chúng tôi cũng quây quanh Hòa thượng, nghe nhiều câu chuyện về kinh nghiệm tu tập thật thấm thiết đạo tình!

Sáng ngày 8, cả hai đoàn họp nhau nơi nhà khách nghe Hòa thượng nói về chương trình viếng thăm các thắng tích ở thủ đô Delhi trong ngày hôm đó: Thành đỏ, Mộ thánh Gandhi, Chùa Bahai v.v.. 2giờ 30 chiều ngày 9, đoàn ra ga, lên tàu đi Bồ đề đạo tràng.

Thế là cuộc hành trình chiêm bái Tứ Động Tâm của chúng tôi bắt đầu. Nếu như theo thứ tự lịch sử thì chúng tôi phải đi thăm vườn Lâm tỳ ni, nơi Phật đản sanh trước tiên, rồi mới đến Bồ đề Đạo tràng, nơi Phật chứng quả bồ đề. Sau đó thăm vườn Lộc Uyển, nơi Phật thuyết bài Pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều trần Như, và cuối cùng là Thánh địa Ta la song thọ, nơi Phật nhập Vô dư Niết bàn. Thế nhưng, theo địa lý, chúng tôi phải đến Bồ đề Đạo tràng trước, từ thủ đô Delhi đến đó khoảng 800 cây số, nếu đi bằng tàu lửa thì mất 20 tiếng đồng hồ.

Ai đến đất nước nầy mà chưa từng ra sân ga và ngồi trên tàu lửa, để cảm nhận cho hết tất cả mọi cảm giác khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì phải nói là sự thiếu sót lớn lao. Nếu ngày xưa Phật giảng kinh Sáu xứ nói đến sự thấy biết khi xúc khởi lên thế nào thì ngày nay tôi nghĩ chúng ta cũng nên đến sân ga Delhi nầy mà thực hành pháp tu. Chúng tôi đến sân ga Delhi vào khoảng 3 giờ 15, vào những ngày đầu mùa đông, khí lạnh từ Hy mã lạp sơn đã tràn về phủ kín khung trời thủ đô. Tôi khoác thêm một chiếc áo len dày bên trong tấm y vàng của tôi nhưng vẫn còn thấy lạnh, có lẽ phần vì tôi mới qua chưa quen khí hậu, phần vì cơ thể của tôi cũng yếu. Mọi người trong đoàn đứng quây quần bên Hòa thượng trong khu vực chờ tàu nằm giữa những đường ray. Quý huynh đệ của tôi kể cả những người không đi cũng ra sân ga tiễn Hòa thượng và đoàn lên đường chiêm bái nên không khí như vui hẳn lên. Ngoài Đại đức Minh Thành là hướng dẫn viên chính, tôi, sư cô Tường Liên, sư cô Huệ Liên, sư cô Vân Liên, sư cô Trí Liên, sư cô Dung Liên là những vị đang du học tại đây, may mắn được tháp tùng cùng đoàn. Vài ba người Ấn nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò, ngạc nhiên thể như chúng tôi là những người đến từ hành tinh lạ! Tôi phóng tầm mắt ra xa để nhìn cho rõ sân ga.

Sân ga Delhi tấp nập người qua lại, lên xuống nhiều tầng cấp, có nhiều phu khuân vác và những kẻ bất hạnh không đủ cơm áo lang thang khá nhiều. Trong lúc đứng chờ tàu, một vài vị tu sĩ khổ hạnh đi ngang qua mặt chúng tôi. Hòa thượng gọi vị tu sĩ ấy lại và cười nói bằng tiếng Việt rằng: "Nếu ông tụng được câu Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa thì ông thật là tu sĩ, tôi sẽ cúng dường ông" Không biết là vị ấy có hiểu lời của Hòa thượng không nhưng ông liền tụng y chang câu niệm Phật trên. Cả đòan chúng tôi ai ai cũng đều ngỡ ngàng. Rồi y như lời hứa Hòa thượng cúng dường mỗi vị 50 rupees, nhưng thật ra đối với người Ấn niệm câu nầy cũng chẳng khác gì người Việt chúng ta niệm câu "Nam mô A di đà Phật".

Từ xa tiếng còi tàu vọng lại. Chúng tôi được Đại Đức Minh Thành báo cho biết con tàu đang từ từ vào đường ray, mọi người chuẩn bị lên tàu. Chúng tôi cảm thấy lo đến việc chuyển hành lý lên tàu. Đoàn chúng tôi đông nên hành lý cũng khá nhiều mà hành khách đi tàu không phải ít. Đối với tôi chuyện chen lấn nhau lên tàu gần như tôi đã từng chứng kiến khi còn ở Việt nam, tôi không ngờ đến đất nước này, cảnh ấy không khác là bao. Con tàu dừng hẳn. Nhờ sự sắp xếp của Đại đức Minh Thành khá chính xác nên toa tàu chúng tôi đi dừng lại đúng ngay chỗ chúng tôi đứng, huynh đệ chúng tôi cùng nhau chuyển hành lý lên tàu. Kể ra thật vất vả khi chuyển cho hết số hành lý lên toa chỉ qua hai cửa chính, vì toa chúng tôi đi là toa máy lạnh nên cửa sổ đóng kín, không thể đưa qua cửa sổ được nên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, cuối cùng tất cả đâu cũng vào đó. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Một hồi còi khác vang lên, con tàu từ từ chuyển bánh. Hòa thượng và chúng tôi vẫy tay chào quý huynh đệ đi tiễn đứng dưới sân ga. Thật là triều mến làm sao! Ôi sự chia tay nào cũng khắc ghi bao luyến tiếc bồi hồi dẫu rằng chúng tôi biết chúng tôi sẽ gặp lại.

***

Niềm mơ ước hôm nay thành sự thật
Tháp tùng đoàn đảnh lễ TỨ ĐỘNG TÂM.

Thế là con tàu bắt đầu chuyển bánh băng qua từng căn phố của Delhi. Giống như ở Việt nam, đời sống của người dân hai bên đường tàu lửa phần nhiều là nghèo và nghèo lắm. Sau khi ổn định vị trí, đoàn chúng tôi dùng bữa cơm chiều do sư cô Tường Liên chuẩn bị trước. Mỗi người được phát một cà mên nho,rong đó có cơm và thức ăn hoàn toàn khẩu vị Việt nam. Chắc có lẽ sư cô ngại Hòa thượng và đoàn từ Châu Mỹ và Châu Úc không thể dùng được món ăn cay nồng và nặng mùi cari Ấn độ. Riêng bản thân tôi qua Ấn đã hơn một tháng rồi, mà mỗi khi xuống nhà ăn của Ký túc xá,tôi chỉ nhìn và chịu đầu hàng, mặc dù tôi thấy thầy Đồng Trí, người qua trước tôi một năm, thưởng thức đồ ăn Ấn ngon lành. Thầy thường bảo tôi cố gắng làm quen với thức ăn Ấn và nói rằng món Dal của Aᮬ nấu bằng đậu xanh nhiều chất bổ hơn thức ăn Việt nam nhưng mỗi khi nghe đến mùi là cổ tôi đã nghẹn cứng rồi. Hơn nữa truyền thống Ấn độ ăn bốc, có lẽ ở Ấn tôi dễ quán tưởng trần gian nầy là giả tạm và bất tịnh hơn. Ở trong ký túc xá, đời sống của chúng tôi, là du học sinh phải tự thích nghi với thời gian sinh hoạt, hoàn toàn khác hẳn với Việt nam. Ăn sáng vào lúc 8 giờ, ăn trưa vào lúc 1 giờ và bửa ăn chính là dinner (ăn tối) thì phải 8 giờ tối. Ở Việt nam, trong thiền môn giờ Ngọ được quy định và trước 12 giờ trưa, nhưng ở đây trong ký túc xá của chúng tôi (giờ Ngọ lại là 1 giờ chiều). Nếu ở quê nhà đến giờ cơm tôi thường dùng bát thì ở đây tôi phải dùng khay có bốn ô nhỏ. Thức ăn được cấp theo tiêu chuẩn: cơm, dal (súp đậu xanh), chapati (bánh bột nướng trong giống như bánh xèo miền trung), sập-di (đồ kho). Khi nhìn thấy đồ kho là tôi phát ngán rồi! Dù sống trong ký túc xá nhưng tôi phải làm "Hỏa đầu quân" cho bản thân tôi. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai có thể song song với việc tốt nghiệp Phật học, tôi cũng sẽ tốt nghiệp ngành nấu nướng cho mình. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng sẽ sớm thích ứng với môi trường nầy. Thỉnh thoảng lang thang trên sân thượng ký túc xá một mình, tôi thường ngâm bốn câu thơ:

Có ai hỏi sư Hành qua AᮠĐộ
Sống ra sao có an lạc nhẹ nhàng?
Tôi mỉm cười đừng nghĩ chi sướng khổ
Miễn sao cho mình vẫn được bình an.

Tôi không biết có may mắn hay không nhưng quý huynh đệ cho rằng tôi là người may mắn nhất, vừa mới sang Ấn trong vòng một tuần mà đã ổn định chổ ở trong ký túc xá, trong khi mỗi ký túc xá chỉ dành 3 chỗ cho sinh viên mỗi nước. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Đại đức Giác Ngôn và thầy Đồng Văn, hai vị hiện đang viết luận án Tiến sĩ ở đây nên tôi mới được sự may mắn ấy. Hồi ở Việt nam tôi cũng thường giúp đỡ các sinh viên ngoài miền trung vào trọ học ở thành phố về điều kiện chỗ ở, chắc có lẽ do nhân đó mà tôi được quả nầy. Với khả năng tài chánh hiện có của tôi, đời sống trong ký túc xá thật là hữu lý: Tiền ký túc xá tương đối rẻ, điều kiện sinh họat không cao nhưng đầy đủ; phòng ốc trang bị sẵn tiện nghi: giường, ghế, bàn tủ, tôi đỡ bớt phần mua sắm... Điện nước trong ký túc xá ít khi bị cúp. Mùa đông có bình nấu nước nóng, mùa hè có cooler (quạt máy bên dưới có chứa nước) cũng đủ mát. Thức ăn dù không hợp khẩu vị nhưng có người phục vụ nấu, dọn sẵn. Tuy nhiên sống trong bầu không khí sinh viên trẻ, đối với những tu sĩ chúng tôi không hợp lắm vì có nhiều lúc chúng ca hát, đùa giỡn hơi ồn, khác hẳn bầu không khí tràn đầy đạo vị giữa những người chung đường Phật đạo. Trở lại với hiện tại, đoàn dùng cơm xong, chuyện trò vui vẻ và nghỉ một đêm trên tàu.

Sáng hôm sau tàu đến ga Gaya vào lúc 8 giờ 30 thay vì đến 7 giờ 30. Đại đức Minh Thành đã nhắc nhở cho đoàn kiểm tra hành lý trước khi xuống tàu. Mọi người xôn xao, có người lăng xăng chạy qua lại kiểm tra hành lý cho nhau. Tàu dừng bánh đúng 8 giờ 30. Tất cả các thành viên trong đoàn và những hành lý được chuyển xuống an toàn. Ở sân ga có cô Tâm đã thuê sẵn cho đoàn một xe buýt lớn để đưa đoàn về chùa Việt nam. Khoảng đường từ ga Gaya đến chùa Việt nam chừng 17 km. Ngôi chùa nầy do thầy Huyền Diệu xây dựng từ năm 1986 làm chỗ dừng chân cho các phái đoàn Việt nam sang chiêm bái thánh tích, ngừơi phụ trách chùa hiện là sư Ubamvara người Miến điện. Đại đức Minh Thành bố trí cho các thành viên trong đoàn có chỗ nghỉ ngơi, sau đó điểm tâm sáng. Đến 1 giờ đoàn dùng cơm, Hòa thượng dạy sau khi dùng cơm sẽ đưa đoàn ra Bồ đề đạo tràng. Thánh tích đầu tiên chúng tôi được chiêm bái là Bồ đề đạo tràng, nơi mà ngày xưa Phật thành đạo. Đối với người Phật tử đây là thánh địa thiêng liêng nhất bởi vì đức Phật Sakya Muni dạy rằng: "Cội Bồ đề là nơi ba đời chư Phật giác ngộ. Ngay cả sau nầy Bồ tát Di lặc cũng sẽ thành đạo tại quốc độ nầy."

Chúng tôi xuất phát từ chùa Việt nam. Con đường khoảng hai cây số thôi nhưng Hòa thượng cho phép chúng tôi được lên xe buýt thay vì đi bộ như dự định ban đầu. Tôi không biết tâm trạng của 33 thành viên ngồi trên xe như thế nào, còn tôi thì nôn nao vô cùng. Xe chạy chầm chậm qua con đường gồ ghề sỏi đá, tôi cảm như đang đi trên những vùng quê hương nghèo nàn Việt nam. Tôi được biết Bihar là một trong những tiểu bang nghèo nhất nước Ấn. Nhiều mái nhà tranh đơn sơ lụp xụp giữa cánh đồng xanh. Nhiều trẻ em xanh xao bên những người già ốm o tiều tụy. Thấy quần áo họ phơi trên thảm co,ôi liên tưởng đến Việt nam, đến những dân nghèo, có lẽ đời sống họ còn khá hơn dân nghèo ở đây. Khi xe quẹo qua đường lớn, Đại đức Minh Thành chỉ cho mọi người thấy đỉnh tháp từ phía xa xa. Nỗi sung sướng tràn dâng trong tôi. Đây rồi tháp thiêng sừng sững giữa trời mây để nhắc cho mọi người rằng, Phật là Phật đã thành và Chúng ta là Phật sẽ thành trong tương lai. Đến cổng mọi người đều xuống xe, y áo chỉnh tề bước theo Hòa thượng, từng bước trang nghiêm đi vào Đại Tháp.

Tháp Đại Giác nầy do vua A dục xây dựng vào thế kỷ thứ 2. Bên trong tháp thờ tượng bổn sư ngồi kiết già rất sống động. Theo truyền thuyết bức tượng nầy do ngài Di lặc thị hiện làm người thợ điêu khắc nên bức tượng khá độc đáo. Phía sau tháp là cội Bồ đề và tòa kim cang. Cây bồ đề còn gọi là cây tất bát la, nơi ngày xưa Phật thành đạo. Cây bồ đề hiện nay là cháu chắt cây bồ đề trước, mặc dù qua bao nhiêu thăng trầm thịnh suy của Phật giáo, cây bồ đề bị đốt phá, đào gốc chẻ nhỏ nhưng kỳ diệu thay từ một đống tro tàn mọc lên cây bồ đề khác. Nơi đây hơn 25 thế kỷ trước đức Phật đã ngồi thiền định, để chiến thắng giặc nội tâm lẫn ngọai cảnh, thành đạt được quả vị hiệu Thích Ca Mâu Ni.

Dưới gốc bồ đề dạ suy tư
Bao nhiêu phiền não thệ khai trừ
Sao mai tỏ rạng tròn nhân Phật
Ta bà an đắc hạnh Bổn sư.

Theo Phật học Khái luận của Thượng tọa Thích Chơn Thiện, Có bảy ý nghĩa về sự thành đạo của đức Phật:

1- Nói lên rằng con đường đi đến giải thóat là Trung đạo...

2- Bằng nổ lực của tự thân với sự tu tập đúng pháp, con người có thể giác ngộ ngay đời nầy..

3- Đoạn trừ vô minh ái thủ hay đoạn trừ mười kiết sử...

4- Có sự kiện thành đạo, có nghĩa là vô minh ái thủ không thật có hay không có tự ngã...

5- Các pháp được nhìn dưới cái nhìn vô chấp thủ, được thấy thoát ly các tướng hay vô ngã tướng..

6- Trở về với thật pháp, trở về "vô sinh" "tịch diệt", đi ra mọi nghĩa đối đãi của thường, đoạn, khứ, lai, vô sinh và diệt ...

7- Mở ra cho nhân loại một con đường thoát khổ, một niềm tin thóat khổ. Sự kiện nầy xuất hiện như là chính Thế tôn thọ ký cho tất cả sẽ thành Phật trong tương lai.

Sau khi đảnh lễ đại tháp đoàn ra cội bồ đề đi nhiễu quanh rồi vào chiêm ngưỡng tòa kim cang. Hòa thượng dạy Đại đức Minh Thành giới thiệu đoàn Việt nam đến đây chiêm bái thánh tích cho mọi người nghe và sau đó đoàn tụng một thời kinh. Sau thời kinh Hòa thượng nhắc lại sự việc Thế tôn thành đạo và nhắc nhở Phật tử luôn tinh tấn và tự mình hãy thắp đuốc lên mà đi, hãy tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất. Riêng bản thân tôi thật là xúc động vì tôi đã đọc qua nhiều sách sử , xem nhiều tranh ảnh nói về sự thành đạo của ngài dưới cội bồ đề nhưng giờ đây đầu, mặt, tay tôi được sờ vào cây bồ đề. Tôi đã xin một ít cát nơi đây để khi về Việt nam làm quà cho Phật tử. Tôi nhìn thấy các vị sư Tây tạng cùng các vị sư nhiều nước đến đảnh lễ theo cách "Ngũ thể đầu địa" lạy nằm dài sát đất, cả nhiều giờ mà lòng tôi cảm thấy phấn chấn hỷ lạc theo. Tôi cảm thấy mình bất hạnh sinh ra không gặp Phật nhưng bây giờ trưỡc mắt tôi là Đại tháp đứng sừng sững. Cội bồ đề và kim cang tòa còn đó, tôi tưởng như mình đang gặp Phật ở đời. Ôi còn gì vui sướng được đến đảnh lễ Đại tháp, cội Bồ đề và tòa kim cang cũng mãn nguyện lắm rồi. Sau lời nhắc nhở của hòa thượng đoàn đi nhiễu quanh tháp một lần nữa, lúc ấy mặt trời cũng vừa khuất dạng, đoàn chúng tôi trở về chùa Việt nam. Tối hôm đo,ghe thầy Huyền Diệu nói chuyện về việc xây dựng ngôi chùa Việt nam tại Bồ đề đạo tràng. Thầy tán thán công đức hành hương chiêm bái của Hòa thượng, chư Tăng ni và Phật tử trong đoàn; Thầy cũng mong có rất nhiều đoàn hành hương Việt nam sang Thánh địa, trước là chiêm bái thánh tích, sau là tạo công đức phước điền.

Sáng ngày mồng 1, đoàn lại ra Bồ đề đạo tràng đảnh lễ tháp và sau đó Hòa thượng lại truyền giới Bát quan trai cho Phật tử và tặng cho đoàn mỗi vị một tượng Phật bằng trầm, kế tiếp là Hòa thượng nói về công đức của việc thọ Bát quan trai giới, một dịp hy hữu diễn ra tại bồ đề đạo tràng nơi ghi dấu sự thành đạo của Thế tôn.

Phước duyên tạo tự thửơ nào đây!
Hôm nay con được đến chốn nầy.
Phát tâm thọ bát quan trai giới,
Nơi cội Bồ đề diễm phúc thay!

Hòa thượng dạy: "Các Phật tử tu nhiều kiếp nên hôm nay mới đến được nơi đây, vì cũng có những Phật tử đăng ký đi chiêm bái thánh tích nhưng phải hoãn lại vì chưa có nhân duyên. Các Phật tử tin rằng mình là con Phật, mình tu rồi sẽ thành Phật như ngài" Tôi thiết nghĩ rằng có lẽ Hòa thượng muốn nhắc nhở Phật tử hôm nay làm được thân người là khó, nghe được Phật pháp là khó, và gặp Phật ra đời là một điều khó hơn. Tuy không gặp được Phật tại thế,nhưng vẫn còn đủ duyên được đến thăm những dấu tích lịch sử còn lưu lại hiện đời, bằng những hình ảnh cụ thể trước mặt các Phật tử là cội cây bồ đề và tòa kim cang, nơi đây đức Phật ngồi thiền định trong 49 ngày, đạt được quả giác ngộ hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Đối với các Phật tử tại gia còn bị gia duyên ràng buộc, cần phải tu tập bát quan trai giới, tập hạnh xuất gia trong một ngày, để gieo duyên lành cho mình đời nầy và đời sau tiến lên giác ngộ giải thóat. Điều đáng nói là các Phật tử hiện nay ở châu Mỹ, châu Úc có nhân duyên đến đây thọ bát quan trai giới ngay nơi Phật thành đạo là một sự việc hiếm có, các Phật tử cố gắng tạo cho mình nghiệp thiện lành thì sẽ hái những quả lành cho mình ở đời nầy và đời sau. Lúc ấy, mặt trời cũng vừa đứng bóng, đoàn lại đi nhiễu tháp lần nữa và vì điều kiện không thuận lợi nên buổi trưa đoàn về chùa thọ trai và chỉ tịnh. Khoảng một giờ chiều, Thượng tọa Minh Hồi và tôi hướng dẫn Phật tử lạy Hồng danh sám hối để sám hối những lỗi lầm do thân khẩu ý tạo nên từ vô thỉ hoặc hiện tại. Khi ở Việt nam vào những ngày 14 rằm, 30 mồng 1 tôi thường hướng dẫn và khuyên các Phật tử lạy hồng danh sám hối. Bởi vì đã làm con người trôi lăn trong sáu đường thì không ai tránh khỏi lỗi lầm do tham sân si hoặc thân khẩu ý đã tạo quá nhiều nghiệp ác, cho nên muốn thóat khỏi phải tìm phương pháp sám hối mới tiêu trừ nghiệp tội. Trong phần chú thích của kinh Lương Hoàng sám có viết: "Phương pháp sám hối hồng danh nầy được ngài Bất động Pháp sư đời Tống ở Trung Hoa rút ra từ 53 danh hiệu trong ngũ thập tam Phật; từ Nam mô Phổ quang Phật cho đến Nam mô Nhứt thiết Pháp tràng mãn vương Phật và rút 35 danh hiệu Phật trong kinh Quán Dược Vương, Dược Thượng với Pháp thân A di đà Phật và Phổ Hiền đại nguyện thành nghi thức sám hối, cộng là 108 lạy để đoạn trừ 108 phiền não. Ai chí thành sám hối sẽ trừ các tội lỗi trong quá khứ cũng như hiện tại". Sau thời kinh đại đức Minh Hiếu thuyết pháp với đề tài: "ý nghĩa thành đạo của đức Bổn sư", đại đức nhắc nhở Phật tử luôn tinh tấn và nổ lực chính mình. Mặc dù, suốt ngày các Phật tử bận rộn trong việc tu tập nhưng tối hôm đó ai cũng muốn ra bồ đề đạo tràng để xem quang cảnh sinh hoạt ban đêm như thế nào. Hòa thượng, chư tăng ni và quý Phật tử ra tháp cúng đèn. Chúng tôi thấy có nhiều phái đoàn hành hương đến tụng kinh theo nghi thức của từng quốc gia.

Sáng ngày 12, đoàn đi thăm các chùa quanh Bồ đề đạo tràng, trước tiên đoàn ghé thăm miếng đất sắp xây cất chùa của thầy Hạnh Tấn và thầy Hạnh Nguyện, người Việt nam sang tu học theo truyền thống Tây Tạng. Kế đến là thăm chùa Tây Tạng chùa đang chuẩn bị đúc tượng Di lặc 150 mét. Kế đến thăm chùa Miến điện, ngôi chùa đang trùng tu, đoàn đã cúng dường tịnh tài. Khi trở về đoàn chúng tôi đến thăm sông Ni liên thuyền nhưng không xuống xe vì Đại đức Minh Thành cho biết, ở đây có rất nhiều trẻ em ăn xin sẽ làm trở ngại cho đoàn. Vì vậy, Hòa thượng không cho phép xuống xe. Ngồi trên xe tôi nhớ lại sự kiện lịch sử sau khi đức Phật thọ nhận bát sữa của nàng Su dà ta dâng cúng, ngài đến dòng sông nầy tắm và phát nguyện: "Nếu như chiếc bát nầy khi quăng xuống dòng sông trôi ngược dòng, ta có thể đạt được đạo quả" Và kỳ diệu thay! khi chiếc bát nầy quăng xuống dòng sông thì trôi ngược dòng và ngài tin rằng sẽ đạt được quả vị Phật. Bên kia dòng sông là làng của nàng Su dà ta. Ôi thật cảm động làm sao. Xa xa chúng tôi nhìn thấy những mái nhà tranh đơn sơ giản dị của người dân sống ở đây, mặc dù hơn hai mươi lăm thế kỷ qua địa danh và tên gọi vẫn còn đó nhưng hình ảnh của Nàng đã ghi vào lịch sử. Tôi đang cho dòng tư tưởng trôi ngược về quá khứ thì đại đức Minh Thành thông báo cho đoàn biết, buổi sáng hôm đó có chương trình viếng thăm một số chùa khác quanh Bồ đề đạo tràng. Thế là đoàn chúng tôi tiếp tục thăm chùa Tây tạng, chùa Tích Lan, chùa Trung quốc, tôi thích ngôi chùa nầy vì đường nét khắc chạm điêu luyện sắc sảo, với hình Vạn Phật mang sắc thái đặc biệt của Trung quốc, kế đến thăm chùa Nepal mang nét kiến trúc như chùa Tây tạng, đoàn cũng ghé thăm chùa Thái lan, xây dựng theo kiểu cách cung điện của Vua chúa, nhưng khi đến nơi chùa đóng cửa nên không vào được, đoàn lại trở về chùa Việt nam dùng cơm. Buổi chiều đoàn ghé thăm chùa Nhật bản, chùa Butan, để biết thêm những nghi thức sinh họat và cấu trúc xây cất của họ, sau đó đoàn đi mua sắm quà lưu niệm.

Sáng ngày 13 theo dự định đòan đi thăm núi Linh thứu trước rồi đến Trúc lâm, sau cùng là Na lan đà nhưng tài xế bảo rằng nên thăm Na lan đà trước vì buổi chiều vắng vẻ và nguy hiểm, vì vậy đoàn thăm trường đại học Na lan đà trước, nơi mà các nhà học giả nổi tiếng như ngài Thế Thân, Vô trước, Huyền Trang..... đã từng học ở đây. Đặc biệt ngài Huyền Trang đã sống ở đây gần 10 năm để tham học tất cả các học thuyết của các trường phái Phật giáo lúc bấy giờ. Hình ảnh của chư tăng bây giờ không còn hiện diện ở đây nữa vì bị quân Hồi giáo tiêu diệt vào thế kỷ thứ 12, hiện nay chỉ còn là khoảng đất rộng, những nền gạch, những dấu vết tàn rụi. Ôi thời huy hoàng của Phật giáo Ấn độ vàng son đâu còn nữa! Hòa thượng hướng dẫn đoàn tụng kinh cầu nguyện và tưởng nhớ đến các vị thánh đại đệ tử như Xá lợi Phất, Mục kiền Liên v.v... Nơi đây, tôi gặp một toán lính nữ Ấn độ, chắc có lẽ hôm ấy họ đi tập dợt gì đo,ôi và chị Nguyệt cũng được chụp ảnh chung với họ. Mặc dù thánh tích vĩ đại của Na lan đà cũ bị hủy diệt nhưng một viện Đại học Na lan đà mới được xây dựng lại cách đó không xa lắm. Nơi đây cũng đã đào tạo nhiều vị tăng tài Việt nam như Hòa thượng Minh Châu, hiện nay là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật học Việt nam và Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt nam tại thành phố Hồ chí Minh. Hòa thượng Huyền Vi là tăng thống của giáo hội Phật giáo Linh sơn. Hòa thượng Thiện Châu khai sáng chùa Trúc lâm ở Pháp. Tôi thiết nghĩ rằng trong tương lai sẽ có các vị tăng ni sinh học trò Hòa thượng Minh Châu, sẽ bước theo dấu chân ngài tốt nghiệp tiến sĩ Phật học tại trường nầy. Sau đó đoàn đến vườn Trúc lâm, nằm trên khoảng đất rộng có nhiều trúc xanh tươi mà người Trung quốc gọi là Thiên trúc, khu vườn nầy do vua Tần bà sa la dâng cúng cho Thế tôn và tăng đoàn. Tịnh xá trúc lâm không xa đô thị, ngày thoáng mát, đêm thanh vắng, môi trường rất thích hợp cho chư tăng tu tập. Đức Phật và tăng đoàn đã trải qua ba mùa an cư ở đây. Trong khuôn viên của vườn còn lưu lại những nền gạch xưa và ngôi đền thờ Xá lợi Phật do vua A xà thế xây dựng, một trong những vị vua đã phạm tội ngũ nghịch giết cha; sau đó hối hận phát tâm hộ trì tam bảo, nhất là có công lớn trong việc ủng hộ kiết tập kinh điển lần thứ nhất. Trong vườn nầy còn có cả một hồ nước nuôi nhiều cá, đoàn đã mua một số thực phẩm bố thí cho cá, có lẽ hôm đó những con cá nầy được no một bửa. Đoàn dùng cơm trưa tại đây viếng cảnh và chụp ảnh lưu niệm, khoảng ba giờ đoàn chúng tôi rời Trúc Lâm Tịnh xá, thẳng đến núi Linh thứu. Phương tiện lên núi đi bằng cáp điện, đây là lần thứ hai tôi được đi cáp điện. Lần thứ nhất tôi đi cáp lên núi Bà Đen ở Tây ninh tại Việt nam do sự hướng dẫn của Đại đức Giác Thạnh vừa mới sang Aᮠdu học. Ôi! Thật thú vị làm sao tưởng chừng như mình có thần thông đang bay giữa không gian, nhưng cũng rất nguy hiểm vì bên dưới là những tảng đá gồ ghề khổng lồ nhô lên giống như những đầu rắn. Có lẽ nhờ Tam bảo gia hộ nên những thành viên trong đoàn lên núi được bình an và vui vẻ. Đại đức Minh Hiếu phải lên núi trước làm nhiếp ảnh gia cho từng vị một để làm lưu niệm. Đoàn chúng tôi được hai hướng dẫn viên đưa đến núi Kỳ xà quật trước, Ở đây người Nhật đã xây một tháp màu trắng thật to đặt tên là tháp "Hòa bình' để cầu nguyện cho nhân loại luôn được sống trong Hòa bình hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng thế giới đang đấu tranh giải trừ vũ khí hạt nhân và kêu gọi hòa bình. Vì trong cuộc sống cộng đồng không thể thiếu tình người, tình tương thân tương ái, nơi nào có tình thương ấy nơi đó hiện hữu nguồn an vui hạnh phúc, nụ cười thay cho tiếng khóc, suối ngọt thay cho máu hồng, hòa bình thay cho chiến tranh, bình minh rạng rỡ thay cho hoàng hôn buồn tẻ. Hòa thượng hướng dẫn Đoàn đi nhiễu quanh tháp và chụp ảnh lưu niệm. Sau đó, đoàn sang đỉnh núi Linh thứu. Từ núi Kỳ xà quật sang đỉnh núi Linh thứu không xa lắm nhưng các cụ già vì lớn tuổi nên phải đi bằng võng khiên. Trên đường lên núi Thứu chúng tôi đi qua cầu Linh sơn, đoàn ghé thăm hương thất của các tôn giả như: A nan, Xá lợi Phất v.v.. Tôn giả A Nan là vị đại đệ tử Phật, với đa văn đệ nhất, thị giả hầu Thế tôn suốt 25 năm khi Phật còn tại thế. Nhiệm vụ vô cùng quan trọng của tôn giả là sau khi Phật nhập Niết bàn, Tôn giả là người phải trùng tuyên lại giáo Pháp. Bài kệ ngài Văn thù tán thán tôn giả A nan như sau:

Tướng giống trăng thu đầy
Mắt giống hoa sen xanh
Phật pháp như đại hải
Rót vào tâm A nan.

Tôn giả Xá lợi Phất cũng là một trong những vị đại đệ tử của Phật, được tán dương là bậc có trí huệ bậc nhất, đã từng học thuộc những bộ kinhVệ đà khi tuổi còn nhỏ, được mệnh danh là Sư tử hống và từng hóa độ ngoại đạo. Tôn giả không nở nhìn thấy cảnh Phật nhập Niết Bàn nên đã xin phép thị tịch trước bậc đạo sư và được đức Phật hứa khả. Cuối cùng đoàn cũng lên đến đỉnh Linh Thứu, nơi đây ngày xưa Thế tôn khi còn tại thế đã thuyết kinh Pháp Hoa. Tôi nhớ đến lời dạy của Hòa thượng Trí Quảng trước đây tôi đã học ở trường Cao cấp. Câu chuyện " Nhà lửa" trong kinh Pháp hoa như thế nầy, có một vị cha già thương các con, thấy các con ham chơi trong ngôi nhà lửa sắp bị thiêu đốt, ông ta khuyên các con ra ngòai nhưng các con mãi chơi không chịu nghe lời, ông bèn phương tiện dụ các con ra ngòai sẽ được ông cho những đồ chơi trân quý và các loại xe như la:e hươu, xe dê, xe trâu. Nhưng khi các con ra khỏi nhà, ông chỉ cho một loại xe trâu trắng lớn. Cũng vậy, đối với chúng sanh, Đức Phật như vị cha già thương con ấy, ngài muốn chúng sanh ra khỏi nhà lửa tam giới nên dụ có ba thừa, nhưng thật ra chỉ có một thừa mà thôi, đó là Phật thừa. Cũng trong kinh Pháp hoa, đức Phật dạy: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". Tất cả các việc thiện dù nhỏ hay lớn cũng đều đưa đến giải thóat và thành Phật. Và ngài cũng dạy: "Nếu người tán loạn tâm, Đi vào tháp miếu Phật, Xưng một tiếng Nam mô; Đều sẽ thành Phật đạo" Hoặc "Cho đến trẻ nhỏ chơi, Nhóm cát làm tháp Phật, Đều sẽ thành Phật đạo" Và đặc biệt trong phẩm 20 Thường bất khinh Bồ tát. Hình ảnh Bồ tát Thường Bất khinh cao cả thay! Gặp ai cũng đảnh lể và thốt lên câu: "Tôi không dám khinh quý ngài vì quý ngài là Phật sẽ thành trong tương lai" Như vậy nơi đây không có tượng Phật chỉ là một miếng đất và một nền gạch chúng ta cũng có thể đảnh lễ được. Hòa thượng đã hướng dẫn đòan tụng kinh cầu nguyện, sau thời kinh hòa thượng nhắc lại: "Đã hơn 25 thế kỷ qua hình ảnh của Thế tôn khi còn tại thế đã từng an ngự trên đỉnh núi Linh thứu nầy để nói Pháp, đem ánh sáng chơn lý ban bố cho nhân loại", và ngài nói tiếp trong lúc cúi đầu đảnh lễ: "Chúng con từ phương xa đến đây để đảnh lễ các thánh tích và thọ ân đức của ngài" cả đoàn ai nấy cũng đều cảm động.

Linh thứu sơn một đỉnh đồi
Hai ngàn năm trước ngài ngồi thuyết kinh
Giờ đây bặt tiếng âm thinh
Sao còn vang vọng hiển linh thưở nào.

Ôi! Sao mà hữu tình quá! Từ đỉnh núi Linh thứu, xa xa chúng tôi nhìn thấy tháp Hòa bình, những núi đồi trùng trùng nối liền nhau và bên dưới là những mái nhà dân đang sống rải rác dưới chân đồi. Trước khi hoàng hôn bao phủ núi đồi, đoàn cũng lo chào từ giả đỉnh Linh Thứu, thả bộ xuống để có dịp ngắm quang cảnh núi non hùng vĩ. Xuống gần hết con đường chúng tôi nhìn thấy tảng đá Mardukushi, tương truyền tảng đá nầy do Đề bà đạt đa lăn từ núi cao xuống để hại đức Phật. Và đoàn cũng vội vã lên xe đi về chùa Việt nam ở Bồ đề Đạo tràng cho kịp tối hôm đó. Ở Ấn dân cư rất đông nhưng thất nghiệp nhiều nên đời sống của người dân khá vất vả; có nhiều gia đình phải chịu nghèo với số phận của mình cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Câu tục ngữ "một miếng khi đói bằng một gói khi no" khích lệ lòng từ bi của quý phật tử trong chuyến hành hương, khi nhìn thấy hoàn cảnh khổ nghèo của họ ở đây

Sáng ngày 14, Hòa thượng cùng đoàn đi ủy lạo cho đồng bào nghèo và trường học trong những xóm nghèo ở chung quanh thánh địa Bồ đề đạo tràng. Đến quê hương Phật, nhất là thánh tích Phật thành đạo, Phật tử trong đoàn ai ai cũng muốn có một món quà lưu niệm mang về tặng người thân, Chiều hôm ấy chúng tôi cùng quý Phật tử trong đoàn tha hồ dạo xem các quán nhỏ bán đồ lưu niệm bên tháp. Đêm đó là đêm cuối cùng đoàn ở chùa Việt nam, hình như trong tất cả chúng tôi, đều cùng chung một ý tưởng rằng ngày mai chúng ta sẽ rời khỏi Bồ đề Đạo tràng, một cảm giác lâng lâng luyến tiếc, không biết bao giờ được trở lại nơi đây nên Hòa thượng và chúng tôi ra tháp một lần nữa để cúng đèn. Những ngọn đèn lung linh sao đẹp lạ lùng, và vang vọng lên những lời kinh nhẹ nhàng trầm bỗng cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc của đoàn, lòng tôi cảm thấy như có một dòng điện chạy vào tim sưởi ấm cả tấm thân nầy. Tôi chắp hai tay nhìn lên tháp Phật phát lên lời nguyện thiết tha nhất của lòng tôi. Tôi cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đều tự thắp ngọn đèn trí tuệ của mình như những ngọn đèn đang thắp sáng tại cội bồ đề hôm nay. Trước mắt tôi bỗng nhiên hình ảnh thành đạo của Phật hiện lên. Ngày ấy trí tuệ của ngài đã bừng sáng lên xua tan bóng tối vô minh và thành đạt đạo quả vô thượng bồ đề.

Thật là:

Hư không được thấy ánh hào quang
Vạn loại hoan ca khúc khải hoàn
Thiên ma dục giới đều quy phục
Dưới ánh Từ quang muôn chứa chan.

Sáng ngày 15 đoàn chào tạm biệt sư trị sự ở chùa Việt nam khởi hành đi Ba la nại (Varanasi) bằng xe buýt. Mặc dù đoạn đường khá xa, nhiều ổ gà, xe xóc dữ dội ai ai cũng thấm mệt nhưng qua những câu chuyện vui Hòa thượng kể trên xe và sự sinh họat văn nghệ của quý Phật tử trong đoàn, nên cũng quên đi phần nào sự mệt mõi. Đến thành Ba la nại, Đại đức Minh Thành giới thiệu sự nổi tiếng về lụa ở nơi nầy. Mãi đến 2 giờ chiều chúng tôi mới đến khách sạn Suriya, một trong những khách sạn khá tiện nghi, nơi thành phố bên dòng sông Hằng nổi tiếng nầy. Sau khi dùng cơm xong, quý Phật tử đi dạo một vòng quanh thành phố, nhưng rủi thay hôm ấy lại là ngày chủ nhật, các cửa hiệu đều đóng cửa chỉ có hiệu vải mở cửa mà thôi. Tối đêm ấy, trước khi chào "Good night" Đại đức Minh Thành giới thiệu sơ qua một số địa điểm tham quan trong ngày hôm sau, trong đó có phần đón ánh bình minh trên sông Hằng. Ngày xưa Đức Phật thuyết kinh, ngài thường ví dụ "hằng hà sa như cát sông Hằng", chính là dòng sông nầy.

Sáng ngày 16, Tất cả thành viên trong đoàn đều dậy sớm chuẩn bị cho mình khăn, mũ, áo để chống đỡ với cái lạnh của mùa đông bên bờ sông Hằng; tội nghiệp nhất là những cụ già phải lặn lội đi theo đoàn từ mờ sáng để ngắm ông mặt trời lúc bình minh trên dòng sông thiêng liêng nầy. Ra đến bờ sông mà mặt trời vẫn chưa xuất hiện, chúng tôi thuê đò bơi ra giữa dòng sông để tận hưởng cái thú dạo trên sông Hằng bằng thuyền. Hôm ấy thật không may, mãi đến tám giờ sáng mà mây vẫn cố giấu mặt trời. Nhưng chúng tôi tận mắt quan sát tất cả những sinh hoạt của dân cư ở đây; họ ra bờ sông khá sớm để tắm và cầu nguyện, vì họ tin rằng nước sông Hằng có thể rửa sạch tội lỗi. Hình ảnh sinh họat của họ đã làm tôi nhớ đến bài kinh "Ví dụ tấm vải" trong kinh Trung bộ mà tôi đã học được từ Hòa thượng Minh Châu đã dạy: "Có một vị Bà la môn khuyên đức Phật nên đến sông Hằng để tắm sẽ rửa sạch tất cả các cấu uế và đức Phật đáp lại như sau:

1- Tắm trên sông Hằng không có ích gì, vì không rửa sạch cấu uế và ác nghiệp

2- Với người thanh tịnh thì ngày nào cũng là ngày lành, giờ nào cũng là giờ lành. Đối với người đã làm các điều lành về thân khẩu ý thì giờ nào cũng giờ lành.

3- Đức Phật khuyên, nếu có tắm hãy tắm bằng ba nghiệp thanh tịnh sẽ rửa sạch nội tâm cấu uế.

Bên cạnh bờ sông Hằng có những chổ thiêu xác chết. Người dân ở đây tin rằng nước sông Hằng rửa sạch tội lỗi và linh hồn sẽ được nhẹ nhàng hơn. Lúc đó Hòa thượng hỏi các Phật tử: "Sau khi chết có muốn thiêu như thế không?" Có người trả lời: "Con muốn thiêu cho khỏe khỏi đám tang rình rang khỏi kèn trống". Nhưng có người lại trả lời: "Con sợ lắm! Vì thiêu như vậy sẽ nóng lắm!" Phần vì buổi sáng hôm ấy không có mặt trời, phần vì gió lạnh, nên có những Phật tử muốn vào bờ sớm. Lúc ấy có lẽ Hòa thượng hiểu ý nên bảo Đại đức Minh Thành: "Thôi mình thăm chừng ấy cũng đủ rồi, nói chủ ghe cho vào bờ và đi thăm vườn Lộc Uyển" Thế là đoàn chúng tôi sau khi rời sông Hằng, thẳng đến vườn Lộc Uyển, nơi mà ngày xưa Thế tôn chuyển Pháp luân lần đầu tiên cho năm anh em A nhã Kiều Trần Như và Tam bảo cũng bắt đầu hình thành lúc bấy giờ. Khi ấy đất trời chuyển động từ thân Như lai phát ra muôn màu sắc ánh sáng.

Pháp âm lưu bố đời trang trải
Vang bóng từ đây khắp tam thiên

Trong vườn Lộc Uyển, Thế tôn dạy: "Có hai cực đoan, này các tỳ kheo một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai " Một đắm say dục lạc" là hạ liệt đê tiện phàm phu, không xứng đáng bậc Thánh, không liên hệ mục đích, " Hai là tự hành khổ mình" không xứng đáng bậc thánh, không liên hệ mục đích. Tránh hai thái cực là con đường Trung đạo chỉ là Bát chánh đạo. (Kinh Chuyển Pháp Luân). Với bài pháp tứ đế, ngài đề cập đến bốn chân lý cõi đời. Thế gian là bể khổ mênh mông không nên bám víu, sanh già bệnh chết là bốn thứ khổ lớn của con người gọi là Khổ đế. Nguyên nhân của khổ chính là tham ái gọi Tập đế. Muốn đoạn trừ những nỗi khổ của cuộc đời phải đoạn trừ tham ái được gọi là Diệt đế và con đường đưa đến diệt khổ chính là Bát chánh đạo gọi là Đạo đế. Nếu ai tu tập theo sẽ được Giác ngộ qua bài kệ trong kinh Tiểu bộ.

Khắc khổ và Phạm hạnh
Thấy được lý Thánh đế
Giác ngộ quả Niết bàn
Là điều lành tối thượng.

Lời dạy cao cả của ngài vẫn còn đó nhưng chúng con vì nghiêp chướng nặng nề, vì tham sân si đang ngự trị chưa có thể giải thóat được. Tôi đang miên man suy gẫm về lời dạy của ngài thì xe dừng lại trước một khu vườn lớn và Đại đức Minh Thành cho biết đây là vườn Lộc Uyển. Trước tiên, đoàn chúng tôi ghé thăm trụ đá do vua A dục xây dựng, vì nhờ có trụ đá nầy đã làm chứng tích cho lịch sử. Hòa thượng hướng dẫn phái đoàn tụng kinh và sau đó nhắc lại lịch sử của vua A dục trước khi chưa có niềm tin với Phật Pháp, vua có tiếng là hung ác bạo tàn nhưng khi trở thành đấng Minh quân thì đổi những trận giặc xâm lăng, thành chiến dịch truyền bá Phật giáo, vua đã cho nhiều phái đoàn sang truyền bá Phật giáo ở các nước như là Tích lan, Miến điện v.v..đặc biệt trưởng lão Mahinda là thái tử con vua sang truyền giáo ở Tích Lan. Nhà vua có công lớn trong việc xây dựng các trụ đá kỷ niệm nơi ngài chiêm bái các thánh tích và quan trọng nhất là ngài đã ủng hộ cuộc kiết tập kinh điển lần thứ ba "giữa oai danh của ngàn vua chúa trong lịch sử nhân loại, danh thơm cao quý vừa hùng vĩ , vừa dịu dàng, vừa trong sáng, vừa trầm lặng của hoàng đế A dục chói ngời rực rỡ như một vị sao tỏ rạng" (Đức Phật và Phật Pháp).

Cuộc đời còn lại của vua cả thân và tâm đều hướng đến việc mưu cầu phục vụ hạnh phúc cho nhân lọai, vua đã ban bố những sắc lệnh gỉam thuế, trồng cây thảo dược chữa bệnh cho nhân dân và đào những giếng nước bên đường để lấy nước cho người và động vật cũng như sửa sang các cầu cống v.v...Vì vậy, ngày nay ở Ấn vẫn còn duy trì những việc làm đó như hai bên đường trồng nhiều cây xanh và có những giếng nhỏ hoặc các vòi nước nhỏ bên cạnh đường.

Chúng tôi cũng không quên nhìn những chú nai trong vườn Lộc uyển đang ngơ ngác thong dong, mà cảm thấy ở đây thắm đượm màu sắc tâm linh huyền bí, cách xa cả thế giới quay cuồng tranh đua với những vật chất bên ngoài. Ôi! Thật diễm phúc thay cho những chú nai được sinh ra thời đức Phật ở trong vườn Lộc Uyển, được nghe Pháp biết tu tập giải thoát, nhưng tội nghiệp và vô phúc nếu có những chú nai nào đó hơn hai mươi lăm thế kỷ rồi mà nai vẫn là nai. Tôi thiết nghĩ rằng điều nầy có thể nhắc nhở chúng ta nếu như mặc áo tăng bào của Như lai, được nghe giáo pháp của ngài nhưng không thực hành theo thì không thể giải thoát bởi vì đức Phật chỉ là bậc đạo sư chỉ đường mà thôi, đã có sẵn con đường, hãy nổ lực tu tập sẽ giác ngộ. Tôi nhớ bài kinh Trung bộ 107;

Có một vị bà la môn chất vấn đức Thế tôn như sau: " Bạch đức Thế tôn! Các đệ tử của ngài khi nghe ngài thuyết Pháp tất cả đều chứng Niết bàn hay chỉ có một số vị chứng Niết bàn? Đức Phật đáp: " Chỉ có một số chứng và một số không chứng" Ông hỏi tiếp: "Tại sao và do nhân duyên gì? Trong khi có mặt Niết bàn, có con đường đưa đến Niết bàn, có bậc đạo sư là ngài chỉ đường" Đức Phật đáp bằng cách hỏi lại: " Nầy bà la môn! Ông có biết con đường nào đi đến thành Vương Xá không?" Ông đáp: "Bạch Thế tôn con biết" Phật hỏi tiếp: "Nếu người nào đó nhờ ông chỉ dùm con đường đi đến thành Vương xá có phải ông nói với họ rằng: "Hãy đi theo con đường đó trong một thời gian, người sẽ thấy một ngôi làng, đi tiếp sẽ thấy một thị trấn và đi tiếp nữa sẽ thấy một khu vưòn mỹ diệu, vùng đất mỹ diệu, hồ ao mỹ diệu đó là thành Vương xá. Như vậy có hai người đi theo lời chỉ dẫn của ông, một người đi theo hướng tây thì sai lầm, một người đi về hướng đông thì đúng đường. Ông đáp ông chỉ là người chỉ đường mà thôi. Lúc ấy Thế tôn nói: "Cũng vậy Như lai chỉ là người chỉ đường cho chúng sanh chứ không phải ngài tu chứng dùm cho các chúng sanh cho các đệ tử". Bài kinh ngài đã dạy cho chúng ta một bài học đích thực có giá trị thực tiễn trong cuộc sống hiện tại, sẽ không có sự giải thóat nào có thể thực hiện được nếu không có sự cố gắng tu tập của chính mình. Ngài không chủ trương chỉ van vái, cầu nguyện hoặc nói suông mà dạy chúng ta phải thực hành và thọ trì lời dạy mới có thể đạt được giác ngộ giải thóat và ngược lại thì không.

Sau đó Đại đức Minh Thành hướng dẫn đoàn đến thăm chùa Tích lan, được các sư chùa nầy đặt xá lợi Phật lên đầu và tặng cho mỗi vị một sợi dây chúc phúc màu vàng. Đòan tiếp tục đến thăm chùa Trung quốc nhưng trị sự chùa nầy là một vị sư Thái lan. Sau đó đoàn viếng cảnh và dùng cơm tại đây, rồi trở về lại khách sạn Surya. Mặc dù đã đầy những tượng Phật, chuỗi và lá bồ đề, nhưng Phật tử vẫn muốn mua thêm vật lưu niệm, nên Hòa thượng đã dành cho đoàn một buổi chiều đi mua sắm.

Sáng ngày 17, đoàn chúng tôi từ giã thành Ba la nại để khởi hành đi Kushinarga. Phương tiện đi cũng bằng xe buýt, đọan đường khá xa nên Đại đức Minh Thành đã ôn lại những thánh tích đã đi qua và nói lên bài Pháp thoại của mỗi thánh tích để quên đi sự mõi mệt. Khoảng hai giờ đoàn đến chùa Linh sơn, chùa do sư cô Trí Thuận, đệ tử của Hòa thượng Huyền Vi ở Pháp. Sư cô được Hòa thượng cử sang nhận trách nhiệm trụ trì và trùng tu năm 1989. Ngôi chùa gồm có một nhà khách khá lớn gồm hai tầng xây dựng theo vật liệu hiện đại để làm nơi lưu trú cho chư tăng ni và quý Phật tử về chiêm bái thánh tích Phật nhập Niết bàn. Sau khi Đại đức Minh Thành bố trí phòng nghĩ, đoàn dùng cơm với hương vị đậm đà của thức ăn Việt nam do chính sư cô nấu.

Mặc dù mệt mỏi nhưng trong lòng ai ai cũng muốn sớm đảnh lễ và viếng thăm nơi Thế tôn nhập diệt. Khoảng 4 giờ chiều đoàn đến rừng Sa la song thọ. Nơi đây ghi lại sự nhập diệt của Thế tôn trong khung cảnh yên lặng và u tịch. Bức tượng ngài nằm Nhập diệt dài 6 mét đắp bởi một chiếc y vàng lấp lánh. Hòa thượng hướng dẫn phái đoàn tụng kinh ngồi thiền và đi nhiễu quanh nơi tháp nhiều vòng, niệm danh hiệu để tưởng nhớ ân đức của Thế tôn. Sau đó Hòa thượng nhắc lại hiện tượng lúc Thế tôn nhập Niết bàn. Trên hư không có điều lạ xuất hiện; địa cầu chấn động, sấm trời vang dội mười phương, giông tố nổi lên, các vua trời hiện thân rải hoa cúng dường, cây Sa la cũng tự nhiên trổ bông rơi xuống thân ngài. Ôi chúng sanh ơi!sẽ mất đi ánh sáng và vô minh bóng tối từ đây sẽ tràn ngập khắp thế gian. Tôi quỳ bên tượng ngài nhập Niết bàn, hai hàng lệ tuôn rơi và nghe tiếng khóc nghẹn ngào của bao chư tăng ni Phật tử trong đoàn, tôi nhớ đến bốn câu thơ của ngài Huyền Trang đã than trong một thạch động ở khổ hạnh lâm khi ngài đến đó.

Phật tại thế thời ngã trầm luân
Kim đắc nhân thân Phật diệt độ
Áo não tự thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như lai kim sắc thân.

Tạm dịch:

Thế tôn hiện hữu cõi đời
Thì con nặng kiếp luân hồi trầm luân
Bao áo não nghiệp chất chồng
Khó thay gặp Phật lúc thân làm người.

Tôi tự nghĩ, phải chăng ngài Huyền Trang không chỉ áo não cho chính nghiệp chướng của ngài mà buồn rầu cho cả chúng tôi ngày hôm nay nữa! Vì nghiệp chướng nên không sinh nhằm thời Phật, không được chiêm ngưỡng tướng hảo của Như lai, không được nghe Chánh Pháp.

Sanh làm người có dễ đâu
Được làm người khó sống lâu trên đời
Được nghe chánh pháp tuyệt vời
Được vui gặp Phật ra đời khó thay
(Pháp cú 182)

Cũng như khi ở Việt nam tôi được xem cuốn băng video, và nghe Thượng tọa Giác Tòan kể lại chuyến thăm Phật tích năm 1994; vì Hòa thượng Minh Châu cũng có ý muốn đi thăm lại các thánh tích trong những ngày cuối đời mà cách đây 40 năm Hòa thượng đã từng du học và sống ở Ấn. Cũng như nhân tiện được thư mời của thầy Huyền Diệu, nên Hòa thượng kết hợp với Viện nghiên cứu Phật học Việt nam tổ chức chuyến đi chiêm bái Phật tích nầy. Trong đoàn có hai vị Hòa thượng trưởng thượng của Giáo hội Phật giáo Việt nam: Hòa thượng Thiện Siêu và Hòa thượng Minh Châu; và quý Thượng tọa, Đại đức cùng một số Phật tử. Lúc ấy Thượng tọa Chơn Thiện và Thầy Tâm Đức đang du học ở Delhi đã hướng dẫn đoàn đi chiêm bái thánh tích. Khi đoàn đến thánh tích Kushinarga, Hòa thượng Thiện Siêu nhắc lại sự kiện Thế tôn viên tịch tại đây. Hòa thượng nói: "Khi chúng con còn trầm luân trong sanh tử thì ngài thị hiện ở cõi đời; Hôm nay chúng con mang được thân người, được đến nơi đây đảnh lễ ngài và chiêm bái các thánh tích thì ngài đã nhập niết bàn từ lâu rồi!" Cả đoàn lúc ấy ai cũng cảm động và rơi lệ. Nhưng nghĩ lại mình hôm nay được mang thân làm người, được xuất gia trong giáo pháp, được nghe giáo pháp của ngài từ kinh điển và từ các chư tôn đức chỉ dạy, được đến tận nơi đây đảnh lễ cũng có phước duyên lắm rồi! Mặc dù, biết rằng mọi sự kiện hiện hữu thế gian nầy đều phải họai diệt và các hành là vô thường, làm sao tránh khỏi sự kiện ấy nhưng dòng lệ không ngăn được

Ngài nằm đó con quỳ đây
Hai ngàn năm ngỡ như ngày hôm qua

Và tôi nhớ đến lời dạy của ngài sau khi thọ nhận bửa cơm cuối cùng của ông Thuần đà dâng cúng; vẫn biết rằng bát cháo nấm độc nhưng ngài vẫn dùng, ngài tán thán hai bữa ăn có công đức lớn là bữa ăn trước khi thành đạo và trước khi nhập diệt. Sau khi thọ thực xong, ngài đi về rừng Ta la song thọ và dạy tôn giả A nan chuẩn bị chỗ cho ngài nằm, đầu hướng về bắc như dáng nằm con sư tử và chánh niệm tĩnh giác, nhưng ngài chưa vội nhập diệt và gọi các tỳ kheo dạy rằng: "Sau khi ta diệt độ hãy lấy giáo pháp và giới luật làm bậc đạo sư và ngài cũng dạy không phải cúng dường ngài bằng các thứ loại hoa như là hoa mạn đà, mạn sa la, hay hoa chiên đàn, thiên ca vang lên cúng dường không thật tôn sùng kính trọng là đảnh lễ cúng dường Như lai, chỉ có sngười đệ tử nào thành tựu chánh Pháp, hành trì đúng chánh Pháp thì người ấy đúng thật kính trọng tôn sùng cúng dường đảnh lễ Như lai bằng sự cúng dường tối thượng". (Kinh Niết bàn)

Tôi liên tưởng đến lời dạy của Hòa thượng Huệ Hưng, của Thượng tọa Phước Sơn dạy Luật trước đây ở trường Cao cấp, các ngài thường nhấn mạnh: Hãy lấy giới làm nền tảng vì giới còn thì đạo Phật còn, giới mất thì đạo Phật sẽ mất, giới là chiếc phao nổi đưa chúng sanh qua bờ giác ngộ. Giới sẽ sanh định; Định phát sanh Trí huệ, Trí huệ sẽ phá trừ vô minh phiền não và chững ngộ niết bàn. Trời cũng sắp tối, đoàn chúng tôi cũng cố gắng đến thăm nơi trà tỳ nhục thân của Thế tôn. Bởi sức tàn phá của thời gian, giờ đây ngôi tháp chỉ còn là một mô gạch khổng lồ nhưng đó cũng là một chứng tích cho lịch sử. Tôi nhớ đến sự kiện lúc làm lễ trà tỳ kim thân của ngài, toàn dân Mallà than khóc kể lể, long trọng cúng dường suốt bảy ngày đêm. Khi bốn vị tộc trưởng Mallà châm lửa thiêu giàn hỏa, nhưng không cháy. Có lẽ vì ý định chư thiên muốn chờ tôn giả Ca Diếp và năm trăm vị Tỳ kheo đang trên đường từ Pavà về Kushinarga. Khi tôn giả Ca Diếp và năm trăm vị Tỳ kheo đến nơi cuối đầu đảnh lễ Thế tôn thì giàn hỏa tự nhiên phát cháy. Ôi! Thế là ngài đã từ bỏ thế gian, đi vào cõi Niết bàn bất diệt.

Tiếng Ca lăng bừng trên nắng mới
Hương Sa la tỏa ngát thơm lừng
Người nằm tỉnh giấc phù vân
Cỡi muôn ngọn lửa ánh hồng ra đi.

Ngài thị hiện thân phàm phu trụ thế 80 năm trên cuộc đời, để giáo hóa chúng sanh cho đến giờ phút sắp nhập diệt. Ôi cao cả thay! Trong giờ phút này, Ngài còn độ ông Tu Bạt Đà La, 120 tuổi làm đệ tử cuối cùng của ngài. Thân tứ đại một lúc nào đó phải trả về cho tứ đại theo định luật của vũ trụ: sanh, trụ,ị, diệt; hoặc thành, trụ, hoại, không. Đứng về sự tướng thế gian thì Như lai có đến có đi, có sanh, có diệt nhưng đứng về mặt lý tướng xuất thế gian, như trong kinh Kim cang, Hòa thượng Từ Thông đã dạy: "Như lai cũng chẳng từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu". Phật nào cách xa ta chỉ chúng ta mê mờ, chạy theo bao thứ phù du già tạm để rồi có lúc phải cách xa ngài mà thôi. Hòa thượng trưởng đòan dạy với tất cả tấm lòng thành kính đối với bậc đạo sư, giác ngộ thị hiện cứu khổ chúng sanh, nhưng những người không có duyên khó mà đến nơi đây. Đoàn đã đi nhiễu quanh tháp và cầu nguyện, sau đó đoàn trở về chùa Linh sơn khi những ngọn đèn đường bắt đầu thắp sáng. Gặp sư cô Trí Thuận trong ngôi chùa Việt nam ở thánh địa nầy, Hòa thượng thăm hỏi sức khỏe và tình hình Phật sự ở đây. Hòa thượng cũng tán thán hạnh nguyện của sư cô, có tinh thần kham nhẫn không chỉ với điều kiện khí hậu khắc nghiệt mà còn kham nhẫn đối với những Phật sự khó khăn ở đất nước nầy. Nhân tiện nầy quý Phật tử theo lời dạy của Hòa thượng, thành kính cúng dường tịnh tài lên Tam bảo và đặc biệt cúng dường xây dựng ngôi chùa Việt nam ở Lâm bi ni, thuộc Giáo hội Linh sơn của Hòa thượng Huyền Vi. Sư cô cũng tặng mỗi vị trong đoàn một tượng Phật để lưu niệm chuyến hành hương đến chùa Việt nam ở Kushinarga. Sau đó sư cô thỉnh Hòa thượng và đoàn dùng cơm tối và nghỉ lại.

Sáng ngày 18 đoàn chào từ giả sư cô Trí Thuận và Kushinarga để đi Nepal thăm thánh tích cuối cùng là Lâm tỳ ni. Đến Nepal chúng tôi bị kẹt xe đến ba giờ đồng hồ vì phải làm thủ tục sang biên giới, không may có ba Phật tử chưa đủ duyên, vì giấy tờ bị trở ngại nên không sang biên giới được, đành nghỉ mấy tiếng đồng hồ ở khách sạn, chờ đoàn trở về. Qua khỏi biên giới đoàn đi thẳng đến Lâm bi ni, Hòa thượng hướng dẫn đoàn làm lễ tưởng nhớ ân đức của bậc đạo sư vì hạnh phúc cho chư thiên và lòai người nên xuất hiện ở đời. Sau thời kinh Hòa thượng nói: "Chúng con như thấm nhuần ân đức sâu dày của Từ phụ đã để lại cho chúng con gia sản bất diệt và phải nhớ ơn đến vua A dục đã xây dựng trụ đá làm chứng tích lịch sử, cảm ơn bao nhiêu người đã ra công xây dựng tu bổ, để hôm nay mọi người từ khắp năm châu quy tụ đến nơi đây đảnh lễ và cảm thấy ấm áp như về lại ngôi nhà của chính mình". Chúng tôi chiêm bái thánh tích trong khoảng hai giờ, với trụ đá của vua A dục đứng sừng sửng làm chứng tích lịch sử, cho một sự kiện hy hữu quý giá, mặc dù đã bị bào mòn bởi thời gian và trải qua bao thăng trầm thịnh suy của kiếp người. Trụ đá nầy phần trên đã bị mai một nhưng phần dưới được các nhà khảo cổ phát hiện năm 1897, có ghi chép nhiều di sản văn hóa quý hiếm cống hiến cho lịch sử.

Dù thời gian làm mờ nhạt phôi pha
Nhưng trụ đá làm chứng tích lịch sử

Tương truyền, hoàng hậu Maya lúc sanh thái tử, có hai con rồng từ dưới đất vọt lên hư không phun xuống một dòng nước ấm và một dòng nước mát tỏa hương thơm ngát để tắm cho thái tử và lạ lùng thay khi tắm thái tử xong hai con rồng cũng biến mất. Nơi đây vẫn còn hồ nước mà hoàng hậu Maya tắm sau khi sanh thái tử. Ngày sinh của thái tử có nhiều hiện tượng lạ thường. "Sớm mai nầy trong vườn Lâm tỳ ni, chim thi nhau chuốc giọng trên cành; hoa thi nhau trải màu trên lá và hương từ bốn phương dồn lại xông lên ngào ngạt khắp vườn."

Một sáng mai vàng hương khói bay
Chiên đàn rộn tỏa khắp trời mây
Lâm tỳ ni - Ca tỳ la vệ
Nhạc tiếng hòa vang chúc tụng Người.

Hay là

Hoa Ưu đàm nở ngàn năm
Ánh sáng vươn lên tợ trăng rằm
Có đấng siêu phàm về Đại ngã
Khơi nguồn Pháp nhũ rọi trần tâm.

"Ôi hân hoan! Hân hoan cho toàn cả mấy tầng trời. Chúng sanh ơi! Một ánh sáng chói ngời, một đóa hoa ưu đàm nở rộ, ngàn năm muôn thưở, hoa nở một lần. Chúng sanh ơi! Một đấng đại tư,#273;ại bi, đại trí, đại đức vừa xuất hiện ở đời." Tôi thường đọc sách sử Phật giáo nói về cảnh trí vườn Lâm Tỳ ni nhưng hôm nay tôi đến nơi đây nhìn thấy nơi đản sanh thái tử, một thời huy hoàng đâu còn nữa! Ôi cảnh vật ngày xưa tươi đẹp khởi sắc bao nhiêu thì ngày nay lại hoang tàn bấy nhiêu, mặc dù vẫn duy trì một vài chứng tích lịch sử. Hiện nay các phái đoàn Phật giáo sẽ có kế hoạch trùng tu thánh tích nầy trong tương lai và tôi mong rằng một ngày nào đó Lâm tỳ ni được hưng thịnh trở lại như năm xưa, trên chính mảnh đất mà bậc đạo sư của trời, người xuất hiện, hay mảnh đất đã nảy sinh ra đạo Phật. Chúng tôi cũng không quên ghé thăm đền thờ của Hoàng hậu Maya, vì thời gian không cho phép ở lâu, đoàn chào từ gĩa Lâm tỳ ni và về chùa Việt nam do thầy Huyền Diệu xây cất. Công trình xây dựng khá vĩ đại, gồm một chánh điện và ba dãy nhà lớn, theo lời thầy Huyền Diệu, có 108 phòng tất cả dành cho chư tăng và Phật tử về Lâm tỳ ni hành hương có thể lưu trú tại đây, đặc biệt là người Việt nam. Thầy Huyền Diệu thiết đãi Hòa thượng và đoàn bữa cơm chay đạm bạc, thấm thiết đạo tình. Khoảng 4 giờ chiều, đoàn từ giả thầy Huyền Diệu lên đường trở về biên giới cho kịp trước khi mặt trời xuống núi, đêm đó đoàn nghỉ tại khách sạn Nirayana. Ngay biên giới Nepal đồ lưu niệm khá nhiều và rẻ nên Phật tử ai cũng muốn mua sắm lần cuối cùng trong chuyến hành hương chiêm bái thánh tích.

Sáng ngày 19 Hòa thượng cho phép đoàn viếng thăm một số cảnh và mua sắm đồ lưu niệm. Đại đức Minh Thành cũng thông báo cho đòan biết 7 giờ chiều ngày hôm đó đoàn sẽ ra ga Gorakhpur để về lại Delhi. Đoàn chúng tôi đi xe búyt ra ga nhưng vì tàu trễ đoàn phải nghỉ trên xe cho đến khoảng 3 giờ sáng ngày 20 mới lên tàu. Nỗi lo lắng nhất của chúng tôi là sự chuyển một lượng hàng hóa lưu niệm quá nhiều lên tàu. Hôm ra đi ở sân ga Delhi có quý huynh đệ phụ giúp còn bây giờ chỉ có chúng tôi thôi, nên muôn sự thật là thiên nan vạn nan! Hơn nữa, đây không phải là sân ga đầu tiên nên không có thời gian dài cho việc tìm chỗ ngồi cho 33 người của đoàn chúng tôi. Tuy nhiên, khi tàu dừng lại hình như ai ai cũng cố gắng dồn hết tâm sức vào công việc nầy, cuối cùng chúng tôi thở phào khi mọi việc đều ổn định trước khi tàu lăn bánh.

Vì quá mệt mỏi, tôi quên mất việc chào tạm biệt sân ga nghèo nàn nầy, như thường lệ tôi vẫy tay chào mọi người ở những sân ga trước. Cho đến 7. giờ 30 chiều, tàu mới đến sân ga Delhi. Thật là vui! khi chúng tôi trông thấy quý huynh đệ đã có mặt ở đó để đón Hòa thượng và đoàn. Hành lý được chuyển xuống tàu với sự giúp đỡ của huynh đệ. Tôi thấy vui và nhẹ nhàng khi tôi gặp lại khuôn mặt thân thương nầy, không phải vì số lượng hành lý quá nhiều mà vì chỉ xa cách nhau 12 ngày mà những khuôn mặt chờ đón Hòa thượng như gầy đi và nỗi vui hiện lên trong đôi mắt của quý huynh đệ, khi hình ảnh của Hòa thượng xuất hiện. Đối với chúng tôi Hòa thượng thật là một vị thầyﬠkhả ái, khả kính. Có một kỷ niệm tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà cả Hòa thượng và tất cả mọi người trong đoàn đều không thể nào quên là vì tàu trễ nên những vị thuộc đoàn Mỹ phải ra phi trường ngay lúc ấy. Ra khỏi ga, đoàn chúng tôi chia làm hai xe; Một xe thuộc đoàn Úc về khách sạn Best Western Surya, còn xe kia chở đoàn Mỹ ra phi trường. Có một cụ bà thuộc đoàn Mỹ, không biết duyên sự gì tàu vừa dừng lại ở sân ga cụ đã biến mất trong dòng người tấp nập xuống tàu ra ga. Lên xe Hòa thượng kiểm lại đoàn thì phát giác mất một cụ bà. Hòa thượng lo lắng yêu cầu Đại đức Minh Thành và tất cả chúng tôi chia nhau đi tìm. Chính Hòa thượng cũng đi tìm bà cụ giữa một rừng người mênh mông trong sân ga Delhi. Đại đức Minh Thành dùng loa phóng thanh la ầm lên nhưng vẫn vô vọng. Ai ai cũng hoảng hốt. Có người cho biết đã tận mắt trông thấy bà cụ xuống tàu rồi.. Cuối cùng Đại Đức Minh Thành đã tìm thấy bà cụ dẫn ra xe giữa sự chờ đợi sốt ruột của mọi người. Bà cụ cũng rơi nước mắt trước sự quan tâm của Hòa thượng và Đại đức Minh Thành cũng như tất cả chúng tôi. Xe đưa đoàn Mỹ từ từ lăn bánh xa dần xa dần thành phố Delhi băng băng ra phi trường. Đại đức Minh Hiếu cũng tức tốc thuê xe riêng đưa hai Phật tử Đài loan ra sân bay cho kịp chuyến bay về Đài loan tối hôm đó. Thật là may tất cả mọi việc đều ổn định, dù cho sự trở ngại của việc trễ tàu đã làm cho Hòa thượng cũng như Đại đức Minh Thành và Phật tử trong đoàn Mỹ lo âu và hồi hộp, vì nếu tàu trễ chừng một tiếng đồng hồ nữa thôi là gần như vé máy bay của đoàn Mỹ không còn giá trị.

***

Nhân dịp chuyến hành hương Hòa thượng mang theo một số quà sang tặng cho tăng ni sinh Việt nam đang du học tại trường Đại học Delhi. Theo lời Hòa thượng, đây là những phần quà mang đầy đạo tình của quý Phật tử ở Mỹ cũng như ở Úc dành cho chư tăng ni Việt nam ở Ấn. Mỗi tăng ni mỗi chiếc đồng hồ có tượng Phật và tượng Bồ tát Quan thế Âm. Hòa thượng có tặng mỗi vị một tập thơ của chính ngài sáng tác để nhắc nhở quý huynh đệ tinh tấn tu học, để đền đáp thâm ân thầy tổ và công ơn của đàn na tín thí. Ngòai ra, Hòa thượng còn tặng mỗi vị một ít tịnh tài để mua sách vở và tiêu dùng. Biết được tăng ni sang Ấn du học không ở tập trung một chỗ, Hòa thượng không thể đến từng nơi thăm viếng được nên Hòa thượng mời chư tăng ni đến khách sạn dùng cơm và thăm hỏi thăm sức khỏe trong tình đạo cũng như tình quê hương.

Chiều ngày 22 tháng 11 hơn 60 tăng ni sinh tham dự bữa tiệc thân mật này. Đại đức Minh Hiếu cũng gặp lại quý bạn cùng lớp của mình năm xưa và phát biểu rằng: "Cách đây mấy năm, tôi cũng có làm đơn đi du học Ấn độ nhưng ngọn gió nhân duyên đã đẩy tôi sang Đài loan, rồi giờ đây sang Úc. Tuy nhiên, trái đất vẫn tròn nên chúng ta lại gặp nhau ở đây". Hòa thượng trao quà cho tăng ni và nhắn nhủ đôi lời cùng tất cả chư tăng ni. Đại đức Hạnh Chánh và Đại đức Bửu Chánh dâng lời cảm ơn Hòa thượng và mong muốn Hòa thượng có nhiều sức khỏe, năm nào cũng sang hành hương Ấn độ và thăm tăng ni sinh. Sau bữa tiệc thân mật, huynh đệ chúng tôi tiễn Hòa thượng cùng hai phật tử ở Mỹ và Phái đoàn Úc ra sân bay.

Hòa thượng cùng chư tăng ni Phật tử trong phái đoàn Úc và Mỹ chấm dứt chuyến hành hương chiêm bái Phật tích thì tôi cũng chấm dứt "hành trình kỷ niệm" trong dịp nghỉ Thu và quay lại với trường lớp. Mười hai ngày đối với tôi bây giờ sao thật là ngắn ngủi. Hương vị của chuyến hành hương vẫn còn phảng phất đâu đây. Hình ảnh Hòa thượng hiền hòa khả ái như sâu đọng trong đôi mắt tôi. Dù không đủ thời gian lưu lại lâu ở mỗi thánh tích, để cảm nhận tất cả những gì thiêng liêng nhất và tìm hiểu tường tận hơn nữa về chứng tích lịch sử, nhưng với tôi tất cả là gió mát, là trăng thanh, là chất liệu sống của người xuất gia. Tôi không thể nào quên những dáng lạy "Ngũ thể đầu địa" hiển hiện tất cả sự tinh tấn của tu sĩ Tây tạng và hình ảnh của quý Phật tử Thái lan, Tích lan, Miến điện, Tây tạng, Đài loan v.v... về lạy Phật dưới cội cây Bồ đề.

***

Tôi nghĩ rằng may mắn có duyên đến chiêm bái thánh tích và tận mắt được nhìn thấy những chứng tích lịch sử còn hiện hữu ở cõi đời như là: Cội Bồ đề, Đại tháp, Tòa Kim cang và những tru 273;á do vua A dục xây dựng để được tăng trưởng công đức, vì niềm tin là mẹ đẻ của công đức. Ôi! thật diễm phúc thay, một chút căn lành thưở nào còn sót lại hôm nay tôi được làm người được xuất gia trong giáo pháp từ lúc tuổi tròn 13, sống và lớn lên trong giáo pháp, may mắn được sang Ấn du học để biết thêm đời sống sinh hoạt của người dân Ấn mà họ thường tự hào về nền văn hóa văn minh lâu đời của họ. Tôi lại được có duyên mới sang Ấn đã gặp Hòa thượng và sớm đủ duyên chiêm bái Thánh tích Phật giáo để biết được những chứng tích lịch sử rõ ràng của đức Bồn sư.

Mặc dù đoàn chúng tôi đã trải qua những ngày cực nhọc, những khó khăn cách trở, những nỗi vui buồn lẫn lộn, nhưng với tâm nguyện thiết tha và niềm cảm thông của những người con Phật, là những động cơ thúc đẩy chúng tôi vượt qua những trở ngại trên con đường hành hương về xứ Phật, về lại quê cha của chính mình. Chuyến hành hương để lại trong tôi những niềm tin và lòng tự hào về đấng Từ phụ, những tình cảm và những hình ảnh tốt đẹp trong tình nghĩa thầy trò, huynh đệ, những tặng vật lưu niệm với đầy ắp những kỷ niệm khó quên từ đất Phật.

Cuối đông năm 1999
Thích Giác Hành

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/014-hanhtrinhkyniem.htm

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Truyện và Kịch Phật giáo"

Đầu trang