...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Vu vơ ... Mẹ
- Du Trốc Tử
Bỗng dưng ! tôi chợt
muốn viết về Mẹ.
Vu vơ ? Ừ thì vu vơ, chứ biết viết gì, nói gì ? Nếu có
gì để viết, để nói, thì thiên hạ đã nói giùm tôi hết rồi. Còn
tôi, mỗi chữ "con thương Mẹ" tôi cũng chưa một lần nói ra được,
nữa là ...
Người Việt Nam khác với người nước ngoài nhiều lắm !
Chỉ một chữ "thương Mẹ", không bao giờ ta nói ra được. Nó
linh thiêng quá ! Nó kỳ diệu quá ! Linh thiêng và kỳ diệu đến nỗi giả
sử có ai đó nói từ ngữ này trước mặt mẹ thì thành ra giả tạo,
trâng tráo. Trong âm nhạc Việt Nam chỉ có một lần, một lần duy nhất,
ở bài Bông Hồng Cài A 鯬 nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mới cho mọi người được một lần ấp
úng, một lần ngần ngại : "Mẹ ơi ! mẹ ơi ! Mẹ có biết hay không ?
Biết gì ? Biết là ... biết là ... CON
THƯƠNG MẸ lắm không ?"
Chỉ có một lần liều lĩnh, như thu hết cả can đảm, và
mượn lời nhạc chuyển giao, con mới thốt lên được lời thầm kín
thiêng liêng ấy !
* * *
Con về lại Di Linh trong mùa mưa ngâu vần vũ. Ngồi bên mộ
mẹ, mưa hay sương không biết, cứ từng đợt giăng hàng qua chiều vàng cổ
độ (!). Chiều nay, trên lưng đồi này, chiều nay. Ngày qua, năm năm, mười
năm, một ngày, một giờ, chiều nay. Mẹ vẫn nằm đó, từ độ con qụy
xuống hôn vào lòng đất lạnh, từ độ bỏ thầy bỏ mẹ ra đi, lang thang
khắp chợ cùng quê, vất vưởng trở về bên xác mẹ. Từ bữa nọ tới bữa
nay, từ mỗi phút giây hay từ vô lượng kiếp giữa thiên thu vời vợi ? Mẹ
nằm cô liêu trên lưng đồi gió lộng, nhìn xuống mặt hồ biêng biếc giữa
hoàng hôn. Phía Đông là rặng núi xanh, quanh năm mây trắng chít khăn tang
buồn trên đỉnh. Chập chùng đồi núi Di Linh, ngan ngát hương đồng cỏ nội.
Con ngồi đây, nén hương ấm để nói rằng trời lạnh, áo con ấm để nói
rằng đời lạnh, lạnh vì mẹ không còn ở bên con.
Ngôn ngữ của con đã hóa thành ngọng nghịu. Sao mẹ lại
không còn ? Mẹ còn đó chứ ! Trên mảnh đất này, giữa bầu trời này, nơi
ngọn cỏ, cành hoa, nơi cánh chim trời, vệt nắng. Bây giờ con thèm hát,
bài hát mà con yêu thích nhất : Quán Thế Âm. "Có bà mẹ đi tìm con,
trên đỉnh đồi lan trắng, có bà mẹ đi tìm con, trên động hoa lan vàng..."
- Bên thung lũng chiều vàng
- Cỏ hoa bừng trỗi hát
- Thoát nhiên tự trần gian
- Mẹ hóa thành Bồ-tát.
Con tự hỏi nhân duyên gì mà mẹ làm mẹ con ? Nhân
duyên gì mà con làm con mẹ ? Với con, con nghĩ rằng mẹ đã từng phát một
đại nguyện đời đời làm mẹ của con chứ đâu phải đầu thai vào trả
nợ. Không những thế ! Mẹ còn là mây trời cho con ngắm, làm mặt nước
cho con soi. Mẹ làm đá sỏi ngân vang giữa bụi đường đìu hiu quạnh vắng,
mẹ làm tiếng thác rì rào giữa rừng khuya cô tịch. Nắng sớm, sương tà,
trăng khuya, gối mộng, đâu đâu con cũng thấy mẹ hiện hữu, như chẳng
bao giờ lìa xa con nửa bước.
Mẹ hiển hiện trên đường về, trong từng ngõ ngách của
cuộc đời đầy đau khổ. Mẹ ban cho con hình hài ấm lạnh, mẹ ban cho con
tình cảm ghét thương. Nhưng con giận mẹ, con trách mẹ nhiều lắm, bởi mẹ
chẳng nói lời nào bằng ngôn ngữ thế nhân. Con làm sao hiểu được lời
mẹ trong đường chiều là rụng ? Con làm sao thấy được mẹ trong gió sớm
trời quang ? Con chỉ thích thấy mẹ mang tơi đội nón ra ruộng hái rau má
về cho con ăn. Con chỉ thích thấy mẹ ngồi bên bếp lửa hồng à ơi câu
cổ tích. Con đã từng yêu sách mẹ như thế, mẹ đã hứa với con, mẹ hứa
mẹ sẽ suốt đời ở bên con, sao mẹ lại thất hứa ?
Giờ mẹ nằm đó, trên lưng đồi này, chiều nay. Giờ thì
con hiểu rằng mẹ thất hứa để tròn nguyện, nguyện của mẹ lớn quá,
nên lời hứa với con trẻ trở thành vô nghĩa khi tấm hình hài của mẹ về
với đất, hương hồn mẹ trở về với trời, và con về lại với đời,
cuộc đời của con, cuộc đời mà mẹ cho con. Phật đã dạy con như thế
!
Phật còn dạy rằng chỉ vì chữ Ái mà mọi chúng sanh phải
tự ràng buộc nhau, đau khổ với nhau. Mẹ nghĩ đi ! Có con nào không là
con của mẹ, có ai trong cuộc đời này chẳng đã từng là con của mẹ, tất
cả chì vì nhân duyên mà ràng buộc với nhau, đau khổ với nhau. Rồi bao
nhiêu nước mắt, máu xương phải chất chồng để trả vay vì chữ Ái.
Có Ái là có Thủ, có Thủ là có Hữu, có Hữu là có Sanh, có Sanh thì có
Tử. Rồi vòng vô minh cứ mãi xoay tròn, xoay tròn như thế. Khi nào lượng
Từ của mẹ không còn xem con là CON CỦA
TA nữa, vô ngã, thì mẹ mới thoát khỏi
ái ân triền miên muôn kiếp. Con tiếc nuối lắm, nhưng con vẫn muốn mẹ
dứt hẳn nguồn yêu suối lệ, hóa thân thành vạn vật trong pháp nghĩa nhiệm
mầu mà con đang phảng phất thấy nơi từng ngọn cỏ, cành hoa. Mẹ có hiểu
ý con không ?
Con vẫn thèm nghe điệu hát ru à ơi theo nhịp võng, con vẫn
thèm hơi ấm bàn tay mơn trớn lúc bế bồng, ánh mắt ấy, nụ cười ấy
còn hơn ngàn lời kể lể, nhưng con vẫn ước ao mẹ giũ sạch oan thân để
về bên cõi Phật, làm một vị Bồ-tát, làm một Quán Thế Âm, làm một
bà mẹ của tất cả chúng sanh, như đã từng làm mẹ của con. Chắc lúc
ấy, mẹ là người đẹp nhất trên đời (!)
* * *
Hoàng hôn. Tiếng tù và của mục tử gọi trâu về du dương
dưới chân đồi gió lộng, nhắc tôi trở về với mình trong hiện tại.
Đàn trâu dấy bụi đỏ lên quyện với sương chiều bảng lảng, rồi
thong thả đàn trâu lội xuống hồ xanh, đằm mình dưới nước, ngước đôi
mắt long lanh lên nhìn trời mây lá cỏ. Từng vệt sáng tự trời cao nối
dài xuống chân trời xa thẳm, như muốn pha màu cho bức tranh chiều Di Linh
thêm phần huyền ảo.
- Chiều theo gió xuống tự chân mây
- Chiều xuống lưng đồi bên khóm cây
- Chiều leo xuống cỏ, vờn thăm cỏ
- Lìa cỏ, chiều ra bến nước đầy.
Tôi vẫn còn ngồi bên mộ mẹ, nghe bóng tối chìm dần
vào cõi hồn ngát lạnh. Bất giác, từ vô ngôn mặc ngữ, tôi cất tiếng
hát : Mẹ ơi ! Mẹ ơi ! Mẹ có biết hay không ? Biết gì ? Biết là... biết
là... con thương mẹ lắm không ?
Một cánh hạc bay qua, vạch một đường sáng cho bóng đêm
dựng hình cô tịch. Tôi xuống đồi, vất vưởng, không biết rằng hai ống
quần ướt đẫm vì cỏ ngậm hơi sương, và côn trùng đã dạo đầu bản
giao hưởng đêm đêm giữa tư bề trống vắng.
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/020-vuvome.htm
|
|