Khi chùa Thiếu Lâm mới lập, tăng chúng còn ít, số gạo
chi dùng hằng ngày chỉ như một gia đình bình thường. Về sau tăng chúng
mỗi lúc đông thêm, nhất là sau khi chùa được vua Đường Thái Tông cho
phép nuôi tăng binh, tăng chúng trong chùa có đến số vạn. Trong chùa, các
hòa thượng đương gia Giám viện, Thủ tòa, Duy-na … qua một cuộc thương
lượng bèn căn cứ theo môn hệ thầy trò mà chia làm 18 nhà. Những tự viện
có sẵn được coi là viện Thường trụ, viện này do các "nhà" tiến
cử các đệ tử có đầy đủ giới hạnh đến làm công tác Phật sự.
Ngoài ra, các tăng chúng đều ở lại các "nhà" theo sư phụ cúng
Phật, luyện võ và trồng cây. Đội tăng binh thuộc viện Thường trụ quản
lý.
Vào thời Minh Thần Tông, trong 18
nhà này có vị sư phụ ở Từ Vân am pháp danh là Tịch Xuân, đã 99 tuổi
rồi mà thân thể vẫn khỏe mạnh, tai tinh mắt sáng, hàng ngày vẫn cùng
các đệ tử ra đồng làm việc.
Ở Vĩnh Hóa đường cũng có một sư
phụ pháp danh là Tịch Dụng, đã 101 tuổi rồi mà tai vẫn tỏ, mắt không
mờ, luyện võ không kém gì trai tráng.
Ở Tây Lai am có vị sư phụ pháp
danh Tịch Xương, đã 103 tuổi mà mỗi ngày có thể đi 100 dặm, tắm nước
lạnh, dang ánh nắng, xuân hạ thu đông - bốn mùa sinh hoạt vẫn như cũ.
Ba vị pháp sư này có một đặc
điểm chung là lúc nào cũng cười hề hề, vô ưu vô lự.
Bấy giờ ở phủ Khai Phong có Triệu
chưởng quỹ ở tiệm bán lụa, Tiền chưởng quỹ ở hãng lừa ngựa, Tôn
chưởng quỹ ở tiệm bán mỹ phẩm và Vương Nhị bán bánh canh ở Châu Kiều.
Bốn người này rất là tương đắc. Vương Nhị tuy nhà nghèo nhưng lại
hay tiếu lâm, giỏi kể chuyện đời xưa; còn ba vị chưởng quỹ Triệu,
Tiền, Tôn lại rất khoái nghe anh ta kể chuyện. Vì thế họ cùng nhau hội
họp ăn uống luôn, dĩ nhiên phần chi đều do ba vị chưởng quỹ.
Ngày qua tháng lại, phút chốc họ
đã trên 50 tuổi. Một hôm họ cùng ngồi uống rượu trên Diễn Võ sảnh
của một tửu lầu, lão Triệu than hai đùi hay tê nhức, lão Tiền than tai
mắt đã nghễnh ngãng, lão Tôn than sao mình cứ mệt luôn. Chỉ có Vương
Nhị là thân thể vẫn còn khỏe, chỉ hơi thỉnh thoảng lên cơn suyễn chút
ít thôi.
Bốn người này ai cũng sợ chết,
muốn tìm một thứ thuốc kéo dài tuổi thọ, sống thêm ít năm, chậm chầu
Diêm chúa càng lâu càng tốt. Họ dọ hỏi các nơi, mọi người đều bảo
: "Hiện ở chùa Thiếu Lâm có các lão Hòa thượng hàng trăm tuổi, muốn
trường sinh thì lên hỏi các vị ấy".
Nghe nói thế, bốn người Triệu,
Tiền, Tôn,Vương đều rủ nhau hăm hở lên chùa Thiếu Lâm kiếm thuốc trường
sinh. Đến Tung Sơn, họ lần mò, đầu tiên đến gặp sư phụ Tịch Xuân
ở Từ Vân am. Vị hòa thượng này đã 99 tuổi mà thân thể vẫn còn cường
tráng, da mặt đỏ hồng. Hòa thượng tiếp họ mời vào phòng khách. Bốn
người lặn lội từ xa, lại đi suốt cả ngày đêm, bây giờ được nghỉ
ngơi, sâu rượu bắt đầu rọ rạy. Họ nghĩ thầm : "Nhờ triều đình
ưu đãi, các hòa thượng chùa Thiếu Lâm thả sức ăn thịt uống rượu mới
được mạnh khỏe như vậy. Hơn nữa, hòa thượng Tịch Xuân biết họ là
các chưởng quỹ ở phủ Khai Phong, thế nào cũng đem rượu thịt ra thết
đãi".
Nào ngờ, Tịch Xuân đem ra bốn chén
lớn, rót đầy nước trắng mời họ uống. Bốn người nghĩ bụng :
"Chắc là chưa chuẩn bị trước, lát nữa sẽ đãi cơm rượu một lần
luôn".
Đến giờ cơm, sư phụ Tịch Xuân
chỉ mời họ ăn cơm tấm, trong cơm trắng có lẫn cơm cháy. Bốn dĩa rau
xanh có trộn đường tỏi. Đừng nói tới rượu, mà trong món rau cũng chẳng
có mùi mẻ chút mỡ nào hết.
Cốt ý bọn họ tới đây là để
tìm thuốc trường sinh, nên đành phải gắng gượng ăn một bữa. Ăn cơm
xong, sư phụ Tịch Xuân mời họ đi tản bộ ngoài chùa một lát. Bốn người
này đùi nhức, lưng đau, tai ù mắt mỏi, bị suyễn thở không ra hơi, chỉ
mong được nằm kềnh ra đó đánh một giấc cho sướng mớ đời, nhưng
sư phụ đã mời chẳng lẽ không đi !
Liên tiếp 3 ngày, cũng cơm chay canh
rau không có gì khác lạ; ăn cơm rồi lại đi tản bộ loanh quanh. Bọn họ
mới hỏi sư phụ Tịch Xuân :
- Ngài đã 99 tuổi mà vẫn khỏe mạnh
như thế là nhờ dùng thuốc gì ?
- Có dùng thuốc gì đâu.
Mấy lần thưa hỏi cũng đều được
đáp như thế, chưởng quỹ tiệm lụa nói với ba vị kia :
- Thiệt là tức chết đi được !
Ở đây lâu chừng nào, mau chết vì gầy thì có. Tôi về đây !
Sau khi Triệu chưởng quỹ về rồi,
ba vị Tiền, Tôn, Vương hỏi thăm mới biết ở Vĩnh Hóa đường có sư phụ
Tịch Dụng đã 101 tuổi mà tai vẫn tinh, mắt vẫn sáng, luyện võ không
thua người trai trẻ. Bọn họ rủ nhau đến bái phỏng hòa thượng Tịch Dụng.
Hòa thượng dành cho họ một phòng
riêng, cơm nước tiếp đãi không khác gì ở am của hòa thượng Tịch Xuân
mấy : ba bữa cơm chay, nước trắng.
Khác với sư phụ Tịch Xuân, sau cơm
tối xong mỗi người phải ngồi trước Phật niệm hai nén hương rồi mới
ngủ, sư phụ Tịch Dụng nói :
- Bây giờ cũng không còn sớm sủa
gì, ai nấy đều mệt cả. Hãy ngủ cái đã !
Nói rồi nằm xuống ngủ ngay. Bọn
Tiền, Tôn giờ này ở Khai Phong là lúc đang uống rượu coi hát, đánh bài
đổ hột. Bây giờ con sâu rượu đang rọ rạy làm sao ngủ được ? Nhưng
sư phụ Tịch Dụng lại ngáy pho pho rồi.
Đến lúc gà gáy, bọn họ mới chợp
mắt một tí, sư phụ Tịch Dụng bước ra khỏi giường đánh thức họ :
- Trời sắp sáng rồi, dậy, dậy
đi !
Trước tiên sư phụ mở hết cửa
lớn cửa nhỏ, rồi quét đất lau chùi bàn ghế, sau đó mới dâng hương
đánh khánh. Trong phòng, phút chốc hơi mát ùa vào, tiếng khánh leng keng. Tiền,
Tôn, Vương, ba người làm sao ngủ tiếp được ? Chỉ có nước bò dậy
thôi !
Tịch Dụng mời họ ra ngoài đi tản
bộ. Họ đi đến giáo trường thấy Tịch Dụng đã trút bỏ áo ngoài rồi
và đang luyện võ "hự … hự". Luyện đến mặt trời lên cao khỏi
núi mới thôi, cả người ướt đẫm mồ hôi.
Liên tiếp mấy ngày đều như thế
cả. Bọn họ mới hỏi Tịch Dụng về phương thuốc trường sinh. Tịch Dụng
đáp :
- Nào có thuốc trường sinh gì đâu
?
Câu trả lời này làm cho Tiền chưởng
quỹ của hãng lừa ngựa bực bội. Ông ta nói :
- Một đàng thì nhỏ mọn, một đàng
thì cố chấp; ở đây mấy ngày nữa, không ngủ được chắc điên luôn.
Rồi một mực đòi về phủ Khai
Phong.
Tôn chưởng quỹ và Vương Nhị
cũng cảm thấy rất khó chịu, nhưng họ lại nghĩ : "Mình cất công mấy
trăm dặm đi tìm thuốc trường sinh, chẳng lẽ công cốc trở về, phải
đi cầu nữa mới được".
Lại tiếp tục dò la, họ được
biết ở am Tây Lai có sư phụ Tịch Xương đã 103 tuổi mà mỗi ngày đủ
sức đi cả trăm dặm. Hai người dắt díu nhau đến bái phỏng sư phụ Tịch
Xương. Hòa thượng Tịch Xương xếp đặt cho họ ở trong một khách sảnh
thoáng đãng, nhưng cơm canh cũng không khác gì ở hai nơi trước.
Còn phần sư phụ Tịch Xương lại
càng thích vận động tay chân hơn hai chỗ kia. Hòa thượng chẳng những quét
đất, gánh nước, tự giặt giũ quần áo lấy, lại còn đi phó hội nữa,
đi về 50 dặm đường Ngài chỉ cần thời gian một buổi thôi. Ra nắng
không bao giờ đội mũ, chiều tối còn tắm nước lạnh kia chứ. Ngày nào
cũng như thế cả. Tôn chưởng quỹ ở lại mấy hôm, nói :
- Một đàng thì nhỏ mọn, một đàng
thì cố chấp, một đàng thì nghèo nàn. Ở thêm mấy hôm nữa chắc tôi chết
mất. Thôi về quách cho xong.
Ba vị chưởng quỹ có tiền lần lượt
theo nhau về hết, chỉ còn lại anh bán bánh canh thôi. Anh ta nghĩ : "Nếu
không có thuốc trường sinh, ba vị hòa thượng đó sao lại sống dai đến
cả trăm tuổi như thế ! Tại sao thân thể họ khỏe mạnh được như vậy
? Chắc là tại mình không có lòng thành cầu học nên các vị không chịu
truyền chăng ? Xin không được thuốc trường sinh, trở về phủ Khai Phong
làm sao sống dai được ! Đã đến đây rồi phải quyết học được thuốc
trường sinh mới thôi". Nghĩ như vậy rồi anh ta thành tâm xin ba vị
pháp sư chỉ dạy cho phương thuốc trường sinh. Các vị sư phụ ăn uống
thế nào, sống thế nào, anh ta cũng bắt chước ăn uống và sống như thế
ấy. Một thời gian sau, các vị sư phụ mới chỉ dạy cặn kẽ...
Sư phụ Tịch Xuân nói :
- Phương pháp trường sinh của ta là
: Thường ăn chay, kiêng hút thuốc, uống rượu, luôn luôn đi tản bộ sau
bữa cơm.
Sư phụ Tịch Dụng nói :
- Phương pháp trường sinh của ta :
Ở nhà thông thoáng, ngủ sớm dậy sớm, luyện quyền không tiếc sức.
Sư phụ Tịch Xuân dạy :
- Phương pháp trường sinh của ta là
: Thường đi bộ, thường cử động tay chân, dang nắng, tắm nước lạnh
càng lâu càng tốt.
Vương Nhị lại hỏi còn phương
thuốc trường sinh nào nữa không thì được ba vị đáp như nhau : "Tâm
tình thơ thới, bình tĩnh vô lo".
Vương Nhị sau khi trở về phủ
Khai Phong, chiếu theo lời dạy về phương pháp trường sinh mà luyện tập,
về sau cũng trở thành một "cao thọ lão nhân".
(Vương Hồng Quân sưu tầm theo lời
kể của Khang Thành).