- Như thế mà trôi
- Huỳnh Trung Chánh
Chú Năm di cư vào Nam từ thuở lên sáu tuổi, nên hình
ảnh chốn chôn nhau cắt rún, xã Thư Lang, tỉnh Hà Nam hoàn toàn xa vắng
trong ký ức của chú. Trái lại, miền Nam, khắp bốn vùng chiến thuật, nơi
nào cũng có vết chân của chú, nơi nào cũng đậm đà giăng mắc bao kỷ
niệm khó phai. Do đó, tuy thân thích bên chú không còn ai trong nước, tất
cả đều nhanh chân chạy ra nước ngoài trong cơn biến động năm 1975 - chú
vẫn nôn nóng đưa vợ trở về thăm lại miền Nam, sau mười tám năm trời
xa cách.
Chú Năm bỡ ngỡ bước xuống sân bay, xúc động nghẹn ngào.
Có cái gì khô héo, tàn tạ phủ giăng trên phi trường loang lỗ, thành phố
lở lói tiêu điều. Có nỗi niềm bâng khuâng, chua xót triền miên đè nặng
trên ánh mắt của thân nhân bè bạn… chuyển biến nụ cười gượng gạo
của họ thành những cái mếu máo ngỡ ngàng. Hình ảnh Saigon thơ mộng
năm xưa mà tháng ngày xa xứ chú vẫn mường tượng, vẽ vời bỗng tả
tơi tan biến. Niềm háo hức được nhìn, được thấy quê hương chợt chùn
nhụt rã rời. Chú vồn vã hội nhập với phái đoàn đón rước của gia
đình bên vợ, nói nói, cười cười không ngừng, mà nỗi niềm khắc khoải
thương đau vẫn mang mang vương vấn. Ôi ! Saigon giờ đây chẳng còn gì để
nhớ ! họa chăng chỉ còn tình người, tình đồng bào, tình gia đình tha
thiết đậm đà. Chú Năm đón nhận tình họ hàng đó, qua hình ảnh của
thím đang rộn ràng chào đón từng người, mừng mừng tủi tủi, nước mắt
lưng tròng. Vợ chồng chú được đưa về ngôi nhà người anh vợ tại xóm
Cây Quéo, Gia Định. Tại đây, bao nhiêu món ngon quí giá, bao trái cây hấp
dẫn đã chuẩn bị sẵn sàng cho khách phương xa, nhưng thím Năm lại thèm
những thứ tầm thường như trái cóc, chùm ruột, mắm sặc, mắm còng…,
những thứ không ai ngờ tới. Vả chăng, chú thím đâu còn bụng dạ nào
để an nhiên thưởng thức, khi phải liên tục trong mấy ngày, bận rộn tiếp
đón thân hữu gần xa, viếng thăm nườm nượp. Mỗi người là một bầu
tâm sự, mỗi tâm sự là một chuỗi đắng cay não nề. Chú thím xốn xang
nhận thấy mớ tiền bạc mang về, phân manh mún ra thành những món quà nhỏ
nhoi chẳng thấm tháp gì đối với nhu cầu của họ. Chú thím chỉ biết
nhẫn nại lắng nghe kể lể. Lắng nghe với tất cả lòng thành, với tất
cả lòng thương yêu san sẻ… để hi vọng nỗi khổ đau trĩu nặng của
người đối thoại được vơi chút nào chăng ? Chú thím đã chọn lối phục
sức tầm thường giản dị để dễ hòa hợp với mọi người, nhưng vẫn
cảm thấy mình kỳ cục chẳng giống ai. Điểm khác đó có lẽ đã phát
xuất từ môi trường sống, nên thân nhân bên nhà ai cũng có nét chịu đựng
pha lẫn vẻ ngơ ngác, khô cằn. Ngay như anh Hai, gia đình có con ở nước
ngoài chu cấp, không phải bương chải ngày đêm tìm sống, mà con người bặt
thiệp, hiếu động trước kia đã trở nên lẩm cẩm, rụt rè, sợ sệt
bâng quơ. Lắng nghe và quán sát tùng người để thấy tình thương tràn ngập,
chú thím lại bồi hồi tự trách mình, đã ung dung sống trong lãng quên nơi
xứ người, mà làm ngơ, bưng tai, bịt mắt trước những niềm đau tại quê
nhà…
Bốn ngày sau, anh Hai thuê được chiếc xe "lô"
đưa vợ chồng cô em về Bình Điền viếng thăm mộ song thân. Xe đi trên
quốc lộ số 4 giữa những cánh ruộng đồng rồi tẽ vào con đường làng
lồi lõm đưa về chốn cũ. Chú thím say mê ngắm nhìn lại hình ảnh quen
thuộc ngày xưa, với tất cả lòng thương nhớ ấp ủ bao năm xứ người.
Những mái nhà lá tiều tụy, đồng lúa hàng hàng lớp lớp, rặng dừa
lêu nghêu, buồng chuối mập ú, ao bông sún lơ thơ, … cho đến bụi mắc
cỡ, vầng chầu, cỏ may, cỏ cú hoang dại, tất cả đều hiển hiện thành
những bài thơ mộc mạc, giản dị mà đậm đà tình nước. Thím Năm lặng
lẽ nhìn vào khu vườn cây ăn trái và ngôi nhà ngói của cha mẹ ngày xưa,
nay do người ngoài chiếm giữ. Thím thầm nhủ : "Ai chiếm cũng được,
không bỏ hoang là quí rồi". Thím không mảy may phiền giận, tiếc rẻ,
nếu tiếc chẳng qua chỉ ước mơ được đứng tựa vào gốc mận, vú sữa…,
những cây mà thuở ấu thời thím leo trèo hà rầm trên đó. Phần mộ gia
đình tuy phải thu hẹp nhưng may mắn không bị xâm phạm. Thím Năm quét dọn,
dẩy cỏ, rồi đốt nhang, đảnh lễ từng ngôi mộ ông bà, cha mẹ. Thím vẹt
giây nhãn lồng mọc lang qua nền xi măng, chợt khám phá một trái con con vừa
"hườm", vội ngắt bỏ vào miệng. Vị cũng chua chua ngọt ngọt,
nhưng cái hương vị tuyệt vời mà thuở lên năm thím nếm, để rồi mường
tượng nhớ nhung cả đời không còn nữa. Tất cả đều tan biến, đều
qua đi, thì làm sao thím có thể tìm lại được vòng tay ấp ủ tình thương
của mẹ ngày trước. Thím trầm ngâm thật lâu bên mộ mẹ, nghẹn ngào tủi
phận mình bất hiếu không ở cạnh bà trong phút lâm chung. Mẹ ra đi trơ
trọi bên cạnh con trai và dâu, dẫu bà rất hả dạ về hoàn cảnh đó
nên đã yên tâm nhắm mắt nhẹ nhàng sau khi đón nhận tin đám cháu nội cưng
đã an toàn trên đường vượt biên hiểm nghèo.
Xa trở về Gia Định. Chú thím Năm yêu cầu được "thả"
tại chợ Bà Chiểu, để hai người có thể tự do tung tăng trên đoạn
đường phố quen thuộc. Thím rẽ về ngõ hẻm xéo rạp Cao đồng hưng tìm
lại tổ ấm hai vợ chồng ngày trước, hi vọng nhìn lại cây mận hồng
đào mà thím đã đích thân lấy giống từ ngã ba Trung Lương về trồng.
Đầu hẻm là quán cà phê "ôm" mới mọc, cạnh đó là xửng lẩu
đồ lòng, gánh chè, rổ chuối nấu… Con bé chuối nấu gầy gò, đói
rách quá gợi thím hình ảnh trơ xương của trẻ con Ethiopia và Somalia thường
chiếu trên màn ảnh truyền hình, khiếm thím sửng sờ đau nhói cả tim.
Thím nhét vội cho em mớ tiền rồi níu tay chồng quày quã trở ra. Thím
không còn nhu cầu nhìn lại tổ ấm, và cây mận nữa. Những mất mát của
thím, dầu là thứ kỷ niệm vô giá, đều nhỏ nhoi vô nghĩa so sánh với
những mất mát của người khác, những mất mát của "tuổi nhãn lồng"
hồn nhiên thơ dại.
Lửng thửng trở về hướng Lãng Ông, không hội ý mà hai
vợ chồng đồng rảo bước về tiệm cơm ngang Tòa Hành Chánh, nơi một thời
là điểm hò hẹn của cặp tình nhân. Vào quán, trong khi chờ đợi món
ăn, thím nhận thấy mươi người ăn xin lố nhố bên ngoài, phần lớn là
trẻ em đang hau háu nhìn thực khách ăn xong, để nhào vô sớt miếng ăn thừa,
trước sự đuổi xô hung hăng của những người bán quán. Cảnh tượng đó
khiến lòng thím nao nao, nhớ lại quãng đời bất hạnh của mình thuở trước.
Năm xưa đó, thân phụ thím tham gia vụ trí thức Caravelle rồi lâm cảnh
tù tội, nhà cửa bị tịch thâu. Mẹ con bơ vơ về nương náu tại một
chái lá, che bên vỉa hè nhà người bà con xa tại một hẻm lầy lội sát
chợ Vườn Chuối, đường Phan Đình Phùng, Saigon. Mẹ suốt ngày bận bịu
thăm nuôi và dò la chạy chọt tìm phương giải cứu chồng, bỏ mặc con bé
Mít lang thang nô đùa với đám trẻ con bụi đời ở đầu đường xó chợ.
Trong đám trẻ đó, Mít thân thiết với "thằng Bắc kỳ", thằng
bé danh lợi, nói giọng Bắc, sáng dẫn bà già mù đi lòng vòng ăn xin tại
chợ, tối ngủ lây lất trên các sạp. Xế chiều, chợ tan dần, thằng Bắc
kỳ rảnh rang tìm đám con gái trong xóm rủ rê chơi các trò nhảy giây, đánh
đũa, cò cò… Điều lạ, là hắn rất giỏi các trò chơi con gái. Nhảy
cò cò thì hắn ác ôn cất nhà liên tiếp cho thiên hạ phải phóng xa trối
chết. Mít không nhảy nổi, phụng phịu thì hắn xẻ cho một "cái
chái", rồi dỗ dành : "Ơ hay ! sao lại hờn mát rồi ! tớ cất
nhà thì cũng dành cho đằng ấy ở chung kia mà !". Chỉ một thời gian
ngắn, thân phụ thím được phóng thích, tài sản phục hồi, và do đó
hoàn cảnh cơ cực của gia đình thím sớm chấm dứt. Dù vậy, kỷ niệm
tháng ngày bụi đời đó không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm thím. Thím
luôn luôn giữ tình thương đặc biệt, lân mẫn với những kẻ khốn
cùng, và sau nầy, gặp gỡ chú, "cảm" chú như bị tiếng sét ái
tình, có lẽ vì chú đã có đôi mắt láu lĩnh của thằng bé Bắc kỳ năm
xưa. Mê miết thả hồn về dĩ vãng, thím mới ăn được một góc nhỏ dĩa
cơm tấm bì, thì chú đã vét sạch sành sanh phần chú rồi. Một thằng bé
ăn xin chờn vờn chờ chú buông đũa thì a vào chuẩn bị sớt cơm thừa,
khiến người bồi bàn hét vang :
- Để yên cho khách ăn uống mầy ! Láng cháng tao đá cho dập
mật bi giờ !
Miếng cơm đang nuốt bỗng nghẹn ngang, thím lên tiếng can
thiệp :
- Tôi ăn xong rồi !
Ngoắc thằng bé vào, đưa dĩa cơm của mình cho nó, thím dịu
dàng tiếp lời :
- Ngồi đây ăn dĩa cơm nầy đi cháu !
Thằng bé thoạt ngần ngại, lấm lét ngước mặt nhìn
thím Năm dò xem phản ứng thế nào, rồi mới rụt rè nhích tới, vồ lấy
dĩa cơm lùa nuốt ngấu nghiến ngon lành. Đang ăn ngon trớn bỗng thằng bé
ngưng ngang, rồi cẩn thận sớt phần cơm còn lại vào một túi ny lông bẩn
thỉu đã có chút đỉnh cơm thừa cá cặn xà bần trong đó.
Thím Năm sốt ruột ngăn cản :
- Nè cháu ! cứ từ từ mà ăn ! dì chờ cháu ăn xong mới
đi, không ai đuổi xô cháu đâu !
Dạ ! con ăn xong rồi ! phần nầy con đem về cho em của con
!
Cảm thấy đôi mắt cay cay, thím mang vội cặp kiếng mát
che đậy, nhét cho thằng bé mớ tiền, căn dặn nho nhỏ :
- Con mang tiền nầy về cho má mua gạo !
Thím Năm thờ thẩn ra về, nhưng vừa ra khỏi cửa liền bị
vây quanh bởi hơn mười người ăn mày xòe tay van xin rên rỉ. Chẳng chút
đắn đo, thím Năm ưu ái mở ví trao tặng tiền cho những kẻ khốn cùng
thật rộng rãi. Điểm bất ngờ là số lượng người ăn xin cứ tăng lên
mãi. Kẻ may mắn thông báo người đồng cảnh ngộ tìm đến, và có người
nhận tiền rồi lại bôi mặt quanh lại mong kiếm chác đợt hai. Do đó,
dù đã chuẩn bị mang theo số tiền khá to, cuối cùng thím Năm cũng nhẵn
túi.
- Tôi hết tiền mang theo rồi ! hẹn dịp khác nghen ! thím Năm
lúng túng giải thích và cũng chìa cái bốp trống không ra để minh chứng.
Thế nhưng coi bộ không ai tin tưởng thím, người ta vẫn
tiếp tục xòe tay van nài than thỉ, khiến thím bối rối chẳng biết xoay
trở cách nào. Đến khi biết chắc chẳng còn chút hi vọng gì, tiếng rên
rỉ van xin bỗng biến thành tiếng xỉa xói chửi thề. Có kẻ còn hung hăng
níu cả tay thím Năm dục dặc đòi tiền, kẻ quơ tay múa chân làm dữ, khiến
thím hốt hoảng mặt mũi xanh xao, cơ hồ sắp ngã xỉu.
Chú Năm chứng kiến cảnh vợ bị xô đẩy dằn kéo không
chịu đựng lâu hơn nữa. Máu "du côn" của chú nổi dậy, chú hét
lên một tiếng, vẹt đám người ăn xin qua bên, lôi vợ đi một bước.
Lên xe về tới xóm Cây Quéo rồi mà mặt mày thím vẫn ủ
rủ khiến chú Năm xốn xang, cất tiếng vỗ về.
- Em à ! bỏ qua chuyện hồi nãy đi em ! buồn giận những kẻ
bất hạnh đó làm chi cho nhọc xác vậy em !
- Không ! em chẳng buồn phiền hờn giận họ đâu ! Những
người khốn khổ đó trọn đời đã phải hứng chịu bao nỗi bất công,
bị khinh khi, chửi mắng…; họ thường bị lường gạt, nghe hứa "cụi"
hoài nên mất niềm tin… vậy nếu họ thô lỗ cũng đáng thương hơn đáng
trách. Em buồn vì khả năng mình hạn hẹp không giúp đỡ họ nhiều hơn mà
thôi !
- Khó thật là khó ! nhưng em nghĩ còn điểm khác khó hơn là
phương thức bố thí phải làm sao cho người nhận cảm thấy được niềm
an ủi và tình thương chân thật ngập tràn. Chớ xem ra dường như em đã
không an ủi gì họ ! họ túng cùng thì phải nhận tiền, nhưng lòng họ chắc
khổ đau khó chịu vô cùng, họ vừa cảm thấy tự ái thương tổn, vừa tủi
thân, ganh tị… với kẻ may mắn hơn họ, và như vậy thì kết quả hành
động của em rất đáng nghi ngờ !
- Chính vì vậy nên Phật giáo mình chủ trương tứ nhiếp
pháp. Bố thí phải được thi hành kèm với ái ngữ, lợi hành và đồng sự
thì tình thương mới đủ chất liệu ngọt ngào, xoa dịu được niềm đau
của kẻ khác ! Ngày xưa, quốc sư Đại Đăng (1), đang được vua và toàn dân sủng ái cung kính cúng dường,
mà bỗng bỏ đi làm kẻ ăn mày sống lam lủ dưới gầm cầu, thực sự
chung đụng với giới ăn mày để cảm hóa họ, sự bố thí của người mới
thật là toàn vẹn…
- Ôi ! chỉ có bậc bồ tát hành hạnh từ bi mới có đủ
dõng mãnh để làm việc phi thường, chớ tuy tu sĩ nào cũng tự coi mình
là khất sĩ, nhưng khất sĩ theo kiểu nhận cúng dường thì dễ, chớ dám
đi ăn xin để gánh chịu sự khổ nhục, khinh khi rẻ rúng của người đời
thì mấy ai làm nỗi !
- Ở nước mình cũng có những tu sĩ hành hạnh nguyện đó.
Gần nhất, vào thời chúa Nguyễn, có "ông ba bị" (2), là vị khất sĩ vô danh đi ăn xin thực sự, người luôn
luôn mang ba bị : một bị đựng đồ chay để Ngài dùng, một bị đựng
đồ mặn để chia cho bè bạn ăn xin khác và một bị lớn để treo trên
mái đình mà ngồi ngủ; do đó Ngài còn được người đời tôn xưng là
Trung Đình hòa thượng. Ngài sống lang thang lây lất đầu đường xó chợ,
đầu bù tóc rối, quần áo không có phải đóng khố che thân, nhơ nhớp hôi
hám, đến nỗi người đời ghê tởm mượn bí danh "ông ba bị" để
dọa nạt trẻ con… Còn xưa hơn nữa, vào cuối đời nhà Trần có vị tu
sĩ khác, cũng hòa mình chung sống với những kẻ ăn mày để tu dưỡng thân
tâm và cũng để cảm hóa họ nữa…
*
* *
Từ gác chuông, chùa Vân Yên, núi Yên Tử, sư Trí Lâm bâng
khuâng nhìn xuống cánh đồng mênh mông trải dài tận chân trời rồi ngâm
nga hai câu thơ của thi hào Tô Đông Pha :
"Ca sa vị trước hiềm đa sự
Trước dĩ ca sa, sự cánh đa !" (3)
Sư tấm tắc cảm phục người xưa, tuy không xuất gia mà
có thể thấu rõ những bí ẩn nghịch thường tại tự viện, điều mà chỉ
riêng giới tu sĩ mới thấm thía khám phá. Sư thở dài tự hỏi lòng mình,
không hiểu mình còn gượng gạo bám víu vô vọng vào nếp sống đa sự nầy
mãi đến bao giờ ?
Sư lăn lóc bon chen chốn quan trường đã chán ngắt cảnh
xâu xé tranh dành mùi danh lợi tanh hôi, những tưởng nương cửa Phật cho
tâm hồn thanh tịnh, ngờ đâu khi chánh thức xuất gia sư lại khám phá rằng
nơi nầy cũng đa sự chẳng kém chốn trần tục là bao. Sư tục danh Phạm
Ngũ Thư, người làng Phù Ủng, Hải Dương là cháu ba đời của tướng Phạm
Ngũ Lão, bậc đại công thần tài kiêm văn võ tiền triều. Thân phụ Thư
mất sớm, nhưng người đã gởi gấm con côi cho bạn đồng liêu là Thái Bảo
Trần Nguyên Hảng nâng đỡ. Nhờ vậy, mới vừa tròn hai mươi tuổi, đỗ
kỳ thi hội, Thư đã được thụ bổ làm Lĩnh úy (4), huyện Mỹ Đức, Hà Đông, rồi chỉ trong vòng ba năm,
đã được thăng chức chánh An phủ sứ (5), trấn Thiên Hưng.
Vị phụ tá của Thư, Ngô Văn Liễu, tuổi hơn tứ tuần, cả đời lận đận
học hành thi cử, tận tụy theo đuổi công danh mà chỉ mới được thăng
chức phó An phủ sứ, thường bày tỏ lòng khâm phục thanh thế của Thư và
thiết tha mong Thư nâng đỡ, giới thiệu mình gần gũi chư đại quan tại
chốn kinh sư, hầu dễ thăng quan tiến chức. Thời bấy giờ, vua Trần Nghệ
Tông mù quáng tin yêu Hồ Quí Ly, nghe lời dèm siễm của y mà giết hại
và xa lánh trung thần. Do đó. Hồ Quí Ly ngày càng lộng quyền, công khai
gài kẻ thân cận giữ các chức vụ có quyền lực để mưu sự thoán đoạt
mà chẳng úy kỵ gì cả. Bản chất cương trực và trung thành, dĩ nhiên,
Thư oán ghét hành vi của Hồ Quí Ly và hằng nôn nóng mong các bậc trung thần
tại kinh đô ra tay trừ khử kẻ gian manh. Thư thường mang tâm sự mình giải
bày cho viên phụ tá, và được người nầy nhiệt liệt tán dương coi như
kẻ đồng tâm đồng chí. Trái với niềm ước mơ của Thư, Thái Bảo Trần
Nguyên Hảng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân, mới vừa liên kết được
một số trung thần âm mưu khôi phục uy quyền vua Trần thì công việc bị
bại lộ. Hồ Quí Ly liền ra tay tàn sát nhóm trung thần, kể cả đàn bà,
trẻ con…, số người bị giết lên đến 370 mạng người. Vừa khổ đau
đón nhận tin dữ. Thư đã điên đầu với tình trạng nội bộ bất thường.
Viên phụ tá Ngô Văn Liễu, xưa nay vốn tùng phục, nịnh bợ Thư… bỗng
trở chứng ngang ngạnh lấn áp kẻ chỉ huy. Hắn hiu hiu đắc chí bật mí
là đã móc nối được phe cánh họ Hồ, và bóng gió dọa nạt sẽ thẳng
tay trừng trị những kẻ dại khờ không biết xoay sở theo thời thế. Thư
hiểu địa vị mình đã lung lay, ngay mạng sống cũng khó bảo toàn, vì chắc
chắn tên thuộc hạ phản trắc đã báo cáo cho đám Hồ Quí Ly thái độ bất
mãn của chàng. Sau mấy ngày ăn ngủ không yên, Thư quyết định viện cớ
bịnh tim di truyền, để xin từ quan dưỡng bịnh. Thỉnh nguyện của Thư
được nhanh chóng chuẩn chấp, và không ngoài sự tiên liệu của chàng,
tên Ngô Văn Liễu được thăng chức chánh An phủ sứ. Thư rời quan trường
âm thầm không kèn không trống, bên mình chỉ có tên gia nhân trung thành lủi
thủi quảy túi đồ quí giá theo sau. Trĩu nặng lòng tận trung với Vua, Thư
đắn đo suy nghĩ những phương kế nhằm phục hưng cơ nghiệp nhà Trần,
mà mãi chưa tìm được đáp số thỏa đáng. Bước đầu là phải tổ chức
và kết hợp, nhưng mấy ai là kẻ có lòng ? Thư ngổn ngang suy tính, rồi
vô tình lần về huyện Mỹ Đức, Hà Đông, địa phương chàng trấn nhậm
đầu tiên, từng thi ân bổ đức cho bao người, để dọ xét dân tình. Từ
bến Vân Đình, Thư xuôi đò về bến Đục, đoạn đổi đò ở bến Suối
để viếng thăm chùa Long Vân, ngôi chùa xinh xắn cạnh giòng suối, nổi tiếng
với động thạch nhủ óng ánh màu sắc tuyệt vời. Thuở ấy, Thư yểm trợ
việc trùng tu ngôi chùa đắc lực, được hòa thượng Hoằng Khai thương
quí đặc biệt. Sư thường cầm giữ chàng ở lại để thọ trai, uống trà
đàm đạo tương đắc. Lòng dạ đang rối ren, Thư định thỉnh ý thầy về
giải pháp cứu nước, vừa mong được gần gũi vị thầy đạo cao đức
trọng để an hưởng lần nữa giờ phút thanh thản như ngày xưa ấy…
Người thị giả vẫn nhớ mặt vị huyện quan ngày trước, reo vang chào đón
rồi hấp tấp chạy biến vào phòng hòa thượng để thông báo. Bỗng y trở
ra, khép kín cửa liêu phòng, rồi bẻn lẻn lên tiếng :
- Xin lỗi thượng quan ! hòa thượng con đang bận tiếp chuyện
với khách quí ! Xin thượng quan hoan hỉ chờ một lúc !
Dĩ nhiên là Thư rất hoan hỉ, nhưng sự hoan hỉ của chàng
đã tan biến hết cả rồi mà vẫn chẳng thấy hòa thượng mở cửa tiếp
đón. Thư hối thúc chú tiểu mấy lần thì chú lại trốn biệt. Thư tức
tối điên người, thắc mắc chẳng biết khách quí là nhân vật tối quan
trọng như thế nào, nên bực bội mà gắng gượng nhẫn nại chờ xem khách
lạ là ai. Chờ đợi cả giờ, bụng dạ đói meo, Thư mới thấy cửa liêu
phòng rộng mở. Bất ngờ kẻ bước ra lại là tên lý trưởng làng Yến Vỹ,
viên xã quan nầy vốn là tên lính hầu cận của chàng ngày xưa, hắn cúc
cung phục vụ nên được chàng thương yêu nâng đỡ cho làm lý trưởng.
Thư vẫn yên chí hắn là "tên đệ tử suốt đời trung thành" sẵn
sàng sống chết với mình, nên dự tính sẽ liên lạc với hắn… Tình cờ
gặp nhau tại chùa, Thư vừa chớm mừng rỡ, chợt sượng sùng ngay khi thấy
người thuộc hạ xưa lại vênh váo ngoảnh mặt làm ngơ như người xa lạ.
Thư thất vọng não nề trước sự thật quá ư phũ phàng đó ! chàng buồn
cho tình đời đen bạc vừa khám phá rằng việc dấn thân đi kết nạp kẻ
đồng chí hướng chỉ việc không tưởng xa rời. Giờ đây, quê nội
chàng tại Hải Dương, cũng như bất cứ quê quán nào của các bậc công
thần xưa, có lẽ đều bị bọn tai sai họ Hồ kềm kẹp. Chúng cũng theo dõi
chàng từng bước, dò dẫm, dọa nạt những kẻ quen biết xưa để không
ai chứa chấp chàng. Ôi ! tìm đâu ra chốn dung thân bây giờ ? Suy cùng nghĩ
cạn, Thư dặn dò người gia nhân mang tín vật, tài sản của chàng về Hải
Dương cho mẹ, biên thơ vắn tắt cho bà biết mình sẽ ẩn tu lánh nạn và
khuyên bà cũng nên về quê ngoại sinh sống qua ngày.
Thế rồi, Thư giả trang thành kẻ thư sinh tầm thường,
len lỏi về huyện Yên Hưng, Quảng Yên leo lên đỉnh núi Yên Tử, tìm đến
chùa Vân Yên, yết kiến Vô Trước quốc sư thuật rõ chuyện mình và thỉnh
cầu xuất gia đầu Phật. Thư biết rõ sư cụ là đệ tử đời thứ sáu
của phái Trúc Lâm (6), một phái thiền liên hệ với tiền triều, nên chẳng
hề dấu diếm tâm tư hoài bảo của mình. Thế nhưng, tuy sư cụ tiếp đãi
Thư ân cần, hứa cho chàng nương náu, mà lại rất do dự về ý định xuất
gia của chàng. Thư năn nỉ vặn hỏi mãi mới được giải thích :
- Con ạ ! truyền thống Yên Tử chỉ nhận kẻ xuất gia vì
lý tưởng, tu hành giải thoát để cứu độ chúng sanh, chớ không nhận kẻ
xuất gia vì "chán ngàn tình đời". Kẻ chán đời vào chùa sẽ
khám phá rằng nếp sống của chùa chẳng gì hấp dẫn, để rồi họ sẽ
tiếc rẻ mơ tưởng lộn về đời sống thế tục mà thôi. Ngoài ra, kẻ
đã từng đỗ đạt, từng có địa vị cao…, tuy có lợi điểm là học hỏi
kinh luận nhanh chóng, mà chướng ngại cũng vô cùng. Họ quen được trọng
vọng đề cao nên ngã chấp to, đức nhẫn nhục kém. Họ lại khư khư ôm
ấp bám chặt vào ngôn ngữ, văn tự, thành kiến hay dựa lề lối suy tư
khuôn mẫu cứng ngắt thì khó mà đón nhận được suối nguồn sống động
của đạo pháp…
Lãnh hội thâm ý sư cụ, Thư suy tư nhiều ngày nhưng cuối
cùng cương quyết giữ vững ý hướng xuất gia. Lần nầy, chàng phát nguyện
dấn thân cho lý tưởng đạo pháp và đồng thời cũng nguyện xin được
"huấn nhục", chấp nhận chịu đựng những thử thách nhằm phá vỡ
chấp kiến thủ kiên cố của hạng trí thức khoa bảng…
Thỉnh nguyện của chàng, lần nầy mới được thầy vui vẻ
chấp nhận. Thế rồi, buổi lễ thí phát giản dị mà trang nghiêm được
sớm tổ chức. Thư quì xuống lắng nghe thầy ban đạo từ, truyền giới,
rồi thầy cũng đích thân cạo mái tóc trần tục của chàng, và ban cho
chàng pháp danh Trí Lâm. Trong giây phút đó, Thư cảm giác như mình đã
trút bỏ được bộ áo quan lại phiền toái, dứt khoát với danh lợi, thương
yêu, thù hận… của thế tục, để biến thành con người mới, trong trắng,
tinh nguyên,… dõng mãnh tiến bước trên con đường tầm đạo giải thoát.
Niềm hoan hỉ tràn ngập, tâm bồ đề cao ngất, người tu sĩ sơ cơ thành
khẩn phát bổn lời đại nguyện :
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành…
Lễ xuất gia vừa chấm dứt thì niềm xúc cảm lâng lâng của
người tu sĩ tập sự cũng hao mòn nhanh chóng khi phải đối diện với nếp
sống tu tập thực sự tại chùa. Từ uy thế thượng khách của sư cụ viện
chủ, thân mật tiếp xúc đàm đạo, ăn uống chung mâm với người, bỗng
tuột xuống thành chú sa di tập tễnh tu, địa vị thấp nhất trong chúng,
nên dù đã chuẩn bị tinh thần, và được đại chúng hoan hỉ tiếp nhận,
chàng cũng cảm thấy chới với ngỡ ngàng. Vả chăng, từ bé đến nay, chàng
quen "chỉ tay năm ngón" ra lệnh cho người hầu hạ, chớ chưa hề
lâm vào hoàn cảnh bị những kẻ kém cỏi hơn chỉ dẫn, sai bảo đâu ?
Chàng khao khát học giáo lý thượng thặng Phật giáo thì không được sở
nguyện, trong khi chàng ngượng ngập vụng về tay chân thì cứ bị buộc chấp
tác những thứ vặt vãnh tầm thường ! Đã bối rối về việc tu học
trì trệ, chấp tác trơ trẽn vô tích sự, chàng lại điên đầu với nhóm
đại chúng xô bồ đa sự nữa. Đại chúng mỗi người mỗi vẻ, kẻ thô
lỗ cộc cằn, người khờ khạo chậm lụt, lại cũng có hạng ba hoa chích
chòe… mà chẳng ai có thể hạp nhãn chàng. Hai bà già công quả bếp núc,
thuộc thứ già sanh tật, lầm bầm, cau có suốt ngày. Điển hình nhứt là
anh chàng chuyên cóp chép, xào nấu thơ xưa làm của mình để khoe khoang khoác
lác. Ông khác chuyên thêu dệt chuyện trời ơi, đất hởi ! Còn cái ông
"lang băm thuốc xổ" mới đặc biệt. Ông đắc ý một điểm giáo
lý mới học, thế là gặp ai ông cũng bám riết để thuyết pháp, nhất định
phải nhét vào lỗ tai người, bất kể người đối thoại muốn nghe hay không
? Tuy học đòi làm y vương, nhưng ông là thứ lang băm chuyên xài thuốc xổ
để trị bá bệnh. Gặp ai ông cũng đè bắt uống hết, nên đại chúng thấy
ông ai cũng tránh xa để khỏi mang họa lỗ tai… Đại chúng đã xô bồ,
mà những vị đại sư huynh được thầy tín cẩn giao trách nhiệm điều hành
tự viện cũng không khá ! Thầy giáo thọ đạo mạo mà thâm hiểm, âm thầm
dìm những kẻ có khả năng. Thầy tri sự sân si gây gỗ suốt ngày. Thầy
tri khách cười nói ngọt ngào, mà thiếu chân thật… Tóm lại, chàng chẳng
cảm tình được với ai, mà có lẽ cũng không mấy ai mến chàng. Trong
chùa, ngoài sư phụ, Trí Lâm chỉ ưa được sư muội Trí Duyên. Sư muội
khởi tu tại ni viện Hổ Sơn, gặp việc bất như ý trong chúng, nên thỉnh
cầu sư phụ cho về tu tại Vân Yên, hầu tiếp tay với bà Bảy, bà Năm lo
việc ẩm thực tại đây. Sư cô từng bị hất hủi tại ni viện, nên đối
xử với kẻ khoa bản trí thức bất đắc chí như Trí Lâm, sư cô có phần
cảm thông, nhờ vậy chàng cũng còn có chỗ an ủi trong lòng.
Ban ngày bất như ý, đến đêm chàng lại bị những giấc
chiêm bao hành hạ. Chàng thường thấy mình, trong tư cách quan lại cũ,
đang bùng nổ ra uy với đám huynh đệ trong tự viện hoặc đang say sưa rượu
thịt linh đình, thì tỉnh dậy. Chàng nghĩ có lẽ những ẩn ức ban ngày
mà chàng dụng công đè nén - bất mãn huynh đệ và chán ngán chai lạt, đã
tự tìm cách thoát ra ngoài bằng mộng mị, nên vẫn âm thầm xấu hổ. Tuy
nhiên, giấc mộng ám ảnh chàng không nguôi là cảnh chàng thấy mình trong
vai một công tử mê mệt cô gái thanh lâu xinh đẹp. Chàng quyến rủ người
đẹp theo mình, khiến mấy gã đã ứng tiền thuê bao nàng bực bội đòi
tiền lại. Tức giận, chàng hạ lệnh cho thuộc hạ đập mấy tên vỡ mặt,
một tên què chân… để trừng trị. Thức giấc, nhớ lại từng chi tiết
nhỏ, chàng bối rối về hình dạng giống nhau kỳ lạ giữa người trong mộng
và sư cô Trí Duyên. Chàng tuy có cảm tình với sư cô nhưng nào có tư tưởng
dâm đảng tồi bại đâu, mà giấc mơ quái gở đó lại xuất hiện ?
Tình trạng thường trực bất an dai dẳng chỉ vơi nhẹ khi
Trí Lâm, vận động với thầy tri sự để được đi chăn bò với chú
Trí Lạc. Chú Trí Lạc sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, quen
cực khổ nên một mình đã thừa sức đảm trách tất cả mọi việc liên
quan đến bầy bò. Chàng đi theo "hụ hợ" lấy lệ mà ung dung tiêu
hao ngày tháng. Bù lại, chàng cũng tận tình hướng dẫn sư đệ học đọc
và viết những phẩm kinh nhật tụng thông thường, ngoài ra, thỉnh thoảng
lại kể cho sư đệ nghe những mẫu truyện hấp dẫn của Trung Hoa như Tam
Quốc, Đông Châu Liệt Quốc, Tây Du… Trí Lạc bội phục sư huynh học rộng
tài cao, còn vị sư huynh cũng tìm được người để phô trương sở học
bao la dồn chứa đầy nhóc trong đầu. Dó đó, tuy tuổi tác chênh lệch, gốc
gác cách biệt mà huynh đệ rất hòa hợp nhau. Thời giờ chăn bò hóa ra
là những giờ phút nhàn nhã và thoải mái nhất trong nếp sống tu tập của
Trí Lâm. Đến giờ ngọ, chú Trí Lạc chạy nhanh về chùa mang cơm ra để
anh em thong dong ăn uống dưới bóng tùng râm mát. Chú dễ thương, nên sư cô
Trí Duyên thường "dúi" cho chú thêm vài trái chuối, bánh, kẹo…
để làm quà, và đặc biệt hôm nay, chú lại lo le hai củ khoai lang sống.
Thế là hai anh em rộn ràng quơ quào cành cây, lá khô để đốt lửa bừng
lên, đoạn vùi khoai dưới lớp tro đầy cho đến khi vỏ khoai cháy thành
than. Hai anh em lụp chụp khều củ khoai đen đúa ra thanh toán ngay tức khắc,
ăn khoai "lùi tro" phải ăn khi "nóng hổi, vừa thổi vừa
ăn" thì mới thưởng thức trọn vẹn hương vị thơm tho, dịu ngọt của
nó. Sư đệ háo ăn thế nào mà để trên mép chút khoai trắng trắng, còn
mặt mũi thì vằn vện lọ nghẹ như một chú hề con, khiến Trí Lâm buộc
miệng cười vang rền. Trí Lạc không biết gì cũng ngô nghê rộn rã
"cười hùn", rồi chú mang mặt lem luốc hề chạy tìm đàn bò
đang tản mát đây đó. Trí Lâm leo xuống suối rửa mặt. Tự ngắm dung
nhan mình ảnh hiện trên mặt nước bất chợt chàng cảm thấy ngượng ngùng.
Mặt chàng cũng hề, cũng tèm lem lọ nghe như chú Trí Lạc có khác gì đâu,
vậy mà chàng cứ tưởng mặt mày mình sạch sẽ nên mới cười chê chú.
Trí Lâm bỗng nhiên tưởng đến ẩn ngữ thiền : "như nhau, dọc mũi
ngang mày" mà rúng động cả toàn thân. Té ra là như vậy. Ai cũng như
ai, mũi cũng nằm dọc, chân mày cũng nằm ngang cả. Đứng trên bình diện
thuần lý, thì ai chẳng có Phật tánh, ai chẳng có khả năng giác ngộ,
bình đẳng không khác, vậy thì mọi người đồng đáng tôn quý như nhau.
Còn luận trong vòng sanh diệt thì ai cũng tham, sân, si chất ngất, cũng hư
hèn chứa đầy thói hư tật xấu, dù rằng có kẻ thô người tế, kẻ khéo
che dấu, người vụng về lộ liễu mà thôi. Trí Lâm biết rõ con người mình
hơn ai hết. Thời làm quan, tuy chàng cũng biết thương dân, nhưng chàng đâu
phải thánh thiện. Chàng cũng ham danh, ham lợi, ham tiền, ham được tâng bốc,
ham sắc dục như ai…, thế mà chàng cao ngạo, tự hào mình là bậc chính
nhân quân tử, đáng tôn kính. Vào chùa, mình tu tập có tiến bộ gì đâu,
tham sân si chỉ đổi hướng xoay chiều mà thôi. Giờ thì mình ham làm tổ
sư, ham danh đắc đạo cao tăng, ham chùa to, ham được đệ tử tôn thờ, tự
cao tự đại về sở học Phật pháp, mà còn ngấm ngầm ganh tị bới lông
tìm vết bạn đồng tu dìm đạo đức họ xuống. Trừ mình ra thì ai cũng
xấu xa, hư hèn cả. Thào nào mình chẳng cô đơn, chẳng hòa hợp được với
đại chúng.
Từ ngày khám phá được gương mặt lọ lem của mình, con
đường tu tập của Trí Lâm chuyển sang khúc quanh khác hẳn. Chàng chỉ
còn thấy lỗi mình, không còn thấy lỗi người nữa. Nhờ thường trực
quán sát vọng niệm mình không chút lơ đểnh, nên chàng lần lần tự kiểm
soát được thân tâm, tiếp xúc với chánh niệm trong từng nhịp thở. Tiếp
xúc được chánh niệm, chàng bắt đầu biết thấy biết lắng nghe và biết
chiêm ngưỡng thế giới sinh động mầu nhiệm quanh mình bằng tình thương
tràn ngập… Giờ chàng mới để ý đến nỗi nhọc nhằn thức khuya dậy
sớm, lưng còng, tay chân run rẫy cùng những giọt mồ hôi của dì Bảy…
trong những tháng năm dài bền bỉ lo cơm nước cho đại chúng. Dì Bảy
không còn mang hình ảnh một mụ già nhà quê dốt nát, lãi nhãi than phiền
suốt ngày nữa, mà là vị bồ tát trải thân nấu bếp để hộ trì tam bảo.
Chàng cũng không phải tránh né chú Trí Danh tức "nhà lang băm thuốc xổ"
nữa. Chàng bình tỉnh, thương yêu ngồi nghe chú thuyết pháp. Lắng nghe là
học hạnh nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát, lắng nghe là tạo cho người
có nhu cầu nói cơ hội được giải bày những điều dồn nén sôi sục
trong lòng. Chỉ lắng nghe mà tạo cho người niềm vui, sao mình không làm
được nhất là đối với kẻ có lòng, thiết tha hoằng dương chánh pháp
như chú Trí Danh. Tóm lại, bất cứ huynh đệ nào chàng cũng khám phá được
nét thánh thiện, để noi theo hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát, mà tùy hỉ
tán thán công đức của họ. Từ đó, dưới nhãn quan mới của chàng,
ngôi tự viện trước kia chất chứa phiền não, đa sự nay đã chuyển biến
thành chốn đạo tràng thanh tịnh, và đại chúng ai ai cũng là những bậc
thiện tri thức, thuận hành hay nghịch hành, dẫn dắt Trí Lâm trên con đường
tu học.
Bảy năm thắm thoát trôi qua, Trí Lâm tu hành tinh tấn, nên
thường được thầy cho phép nhập thất tĩnh tu một thời gian dài tại
Long Động, một hang đá thiên nhiên cách Vân Yên nửa giờ leo núi. Mỗi lần
chuẩn bị nhập thất đều có chú Trí Lạc kề cận đưa tận nơi, mãn hạn
thì chú cũng hân hoan chờ đón. Hằng ngày, cũng chính chú đảm trách việc
tiếp tế cơm nước, nhưng chú chỉ mang đến cửa động chớ không hề tiếp
chuyện. Lần nhập thất nầy sư phụ ấn định là một năm, để chàng giải
quyết công án "Phật là ai ?". Trái lệ thường, mãn hạn tĩnh tu,
ra khỏi động, Trí Lâm không thấy sư đệ, mà lại có sự hiện diện của
sư cô Trí Duyên đang đăm chiêu nét mặt.
- Có điều chi hung hiểm cho sư đệ, mà trông sư muội tỏ
vẻ lo âu như vậy ?
- Sư huynh ạ ! thời gian sư huynh tĩnh tu thì bọn nhà Minh
đã đem quân tiêu diệt nhà Hồ, xâm chiếm trọn vẹn đất nước ta rồi.
Chúng chủ trương đồng hóa dân ta, nên một mặt chúng cưỡng ép người
mình phải sống theo phong tục họ, mặt khác chúng ra tay tịch thu sách vở
do người xưa sáng tác để tiêu diệt văn hóa nước Nam nữa. Ba hôm trước,
sư phụ được tin chúng sẽ chiếm giữ hệ thống chùa chiền thiền phái
Trúc Lâm, đốt hết kinh sách của chư tổ biên soạn, nhằm tiêu diệt thiền
phái đặc thù của dân tộc. Vì vậy, sư phụ đã ra lệnh cho chôn dấu
kinh sách, giải tán môn đồ và khuyên mọi người nên tùy phương tiện riêng
mà lánh về những ngôi chùa làng nho nhỏ ẩn thân qua cơn ách nạn. Đại
chúng náo loạn, mạnh ai nấy lo thân, chỉ có sư để Trí Lạc và muội
còn nhớ đến sư huynh ẩn tu nơi nầy. Sư đệ còn phải lo nâng đỡ sư
phụ xuống núi, nên sư muội mới lãnh phần lên đây thông báo tin cho sư
huynh. Sư huynh chỉ còn có ba ngày là hoàn mãn thời tĩnh tu, nên dù rất
nôn nóng, muội vẫn cố gắng không dám khinh động…
- Đa tạ sư muội ! sư muội đã hi sinh chờ đợi huynh hoàn
mãn khóa tu. Tình thế xem ra khá nghiêm trọng, có lẽ chúng ta cũng phải
nhanh chân thoát khỏi chốn nầy ngay. Sư muội đã có dự định chọn chốn
nào dung thân chưa ?
- Muội bối rối quá chẳng biết đi về đâu ? Sư huynh liệu
định cho muội được không ?
- Như thế nầy nhé ! huynh sẽ đưa sư muội về Nộn Sơn.
Chùa ấy tương đối nhỏ bé, chắc không bị quân Minh gây phiền nhiễu.
Sau đó, huynh sẽ về quê mẹ, nương náu một thời gian rồi tùy cơ mà tu
tập…
Trí Lâm chụp lấy tay nải mang vài vật dụng cần thiết rồi
hối hả đưa sư cô đi con đường tắt, tuy gian nan nhưng may ra tránh được
quân Minh. Đường đi cheo leo, sư cô lại đủng đỉnh, thành thử khi hai người
đang lội qua giòng suối Giải Oan, thì đã bị toán tiền sát của quân
Minh phát giác. Không thể thoát thân một mình, Trí Lâm đành theo lệnh
chúng quay trở lên bờ nạp mạng. Tên trưởng toán, lúc đầu dùng lời lẽ
ôn hòa dò hỏi chàng về tung tích của hòa thượng Vô Trước, sau đó, hò
hét nộ nạt chàng mà vẫn không thấy kết quả, bèn nổi cơn thịnh nộ
ra lệnh cho thủ hạ dã man tra tấn chàng. Sư cô khóc van lạy chúng tha sư
huynh một cách vô vọng, cô chạy đến cạnh sư huynh thì chúng lôi trở lại.
Sự lôi kéo vùng vẫy vô tình khiến vạt áo nâu sòng rách một mảnh lớn,
làm lộ làn da trắng nõn, khiến cho bọn lính hung hản khoái trá hô hố cười
dâm loạn. Tên chỉ huy xé toạt áo quần sư cô để làm hổn, trước sự
vỗ tay hoan hô của đồng bọn. Trí Lâm vốn hành hạnh nguyện nhẫn nhục,
bị tra tấn vẫn vui vẻ chịu đựng lòng không oán hận, nhưng trước hoàn
cảnh của sư cô, chàng không thể an nhiên bất động nữa. Chàng vùng dậy
toan giải cứu sư cô thì bị bọn chúng vây quanh dùng gậy đánh đập chàng
túi bụi, đến khi chàng gục ngã bất động mới thôi. Hoàn cảnh sư cô
càng bi đát hơn. Sư cô bị bọn chúng thay phiên nhau cưỡng hiếp liên tục,
khi chúng bỏ đi, thì sư cô cũng chỉ còn là một cái xác không hồn.
Đêm khuya vắng lặng. Tiếng suối Giải Oan thều thào hòa
lẫn với tiếng côn trùng nỉ non, tạo thành điệu nhạc não nùng ai oán.
Vầng trăng lưỡi liềm nhợt nhạt trốn biệt trong cụm mây thưa để khỏi
phải soi rọi cảnh tang thương dưới trần thế. Thầy Trí Lâm lần lần hồi
tỉnh. Thầy nghe đau nhức rã rời, tay chân rũ riệt mà không biết mình
đang ở đâu và việc gì đã xảy ra. Trí óc khôi phục dần, nhớ lại nội
vụ, thầy hốt hoảng đảo mắt tìm Trí Duyên thì thấy thân xác bất động
của sư cô co quắp không xa. Thầy chồm dậy nhưng sụm xuống tức khắc,
đau đớn đến độ muốn ngất xỉu, chân trái chàng có lẽ đã gãy,
không thể lay động nỗi. Thầy nghiến răng lết từng li một, khoảng cách
mấy thước mà tưởng chừng như cả dậm trường. Cuối cùng thầy cũng lết
đến cạnh sư cô. Thầy thấy sư cô nằm nhắm mắt im lìm, da xanh mét như
một xác chết, vội vã lay gọi :
- Sư muội ơi ! sư muội !
Sư cô bỗng nấc một tiếng, rồi khóc òa lên :
- Muội muốn chết sư huynh à !
- Không nên có ý nghĩ như vậy ! sư muội ạ !
- Khổ đau nhơ nhuốc quá sức như thế nầy, muội làm sao
sống nỗi hả sư huynh !
Chờ một chút không thấy thầy Trí Lâm lên tiếng, sư cô
mở mắt ra nhìn mới biết thầy đã ngất xỉu tự bao giờ. Thầy đã vận
dụng hết sức bình sanh lê thân xác bê bết máu đến bên sư cô là kiệt
quệ. Sư cô thân thể cũng tê dại rã rời, tưởng không nhúc nhích nỗi,
nhưng vừa thấy tình trạng thê thảm của sư huynh đã lồm cồm dậy. Sư
cô quên đau đớn, quên giá lạnh buốt xương, tìm được mảnh bình bát bể,
bò xuống suối múc nước lau mặt mày cho sư huynh, rồi nâng đầu bón từng
ngụm nước.
Trí Lâm tỉnh dậy, thân thể đau nhức mà trí óc rất
sáng suốt. Chàng xúc động nghẹn ngào trước sự lo lắng và chăm sóc tận
tình của sư cô. Chàng thầm nghĩ, sau hoạn nạn khủng khiếp nầy, chắc sự
gần gũi của hai người khó dừng lại trong tình pháp huynh pháp muội. Ta
và nàng ắt hẳn đã có giây buộc ràng từ kiếp trước, cùng tạo chung cộng
nghiệp, để rồi ngày nay còn chung gánh vác tai ương; giấc mộng từng ám
ảnh ta năm xưa có lẽ không phải là huyễn hoặc. Ta nguyện chia xẻ khổ
đau với nàng, không nỡ để nàng thui thủi gậm nhấm đắng cay nầy suốt
cả cuộc đời.
Nghĩ suy chín chắn rồi, Trí Lâm thều thào từng tiếng, nhỏ
mà rõ rệt :
- Nầy sư muội ! sự thể xảy ra như thế nầy huynh nghĩ
chúng mình khó lòng tiếp tục tu hành. Thời buổi loạn lạc như vầy tìm
chốn nương thân an toàn cho muội cũng không phải đơn giản. Hay là muội
theo sư huynh về quê thưa với mẫn thân thành hôn với muội.
Sư cô không lên tiếng, chỉ khẽ gật đầu, nhưng trên gương
mặt thảm sầu đã lộ được niềm tin yêu hi vọng.
Trong tay nải may mắn còn bộ y khác cho sư cô tạm che
thân. Sư cô băng bó cấp thời những vết thương cho Trí Lâm, rồi nâng đỡ
sư huynh lần từng bước về Hà Nam. Đường đi vất vả nhọc nhằn,
nhưng đã trải qua ách nạn khủng khiếp rồi thì trở lại nào cũng tầm
thường vô nghĩa. Chỉ tiếc là chân trái Trí Lâm bị gãy, không được chạy
chữa kịp thời, xương nối liền nhau không đúng khớp nên phải chịu khập
khiểng suốt đời. Thời bấy giờ, Hà Nam được đặt dưới quyền cai trị
của viên huyện quan họ Nguyễn, là cựu quan lại của nhà Hồ ra hàng giặc.
Tuy làm quan cho quân Minh, nhưng Nguyễn đại phu lại hết lòng bảo vệ lo lắng
cho dân, do đó, trong khi các địa phương lân cận bị bọn cướp nước sách
nhiễu hãm hại dân lành, thì Hà Nam lại được an cư lạc nghiệp. Phạm
Ngũ Thư đi tu biệt tích, nay trở về cưới vợ khiến bà mẹ hoan hỉ vô
tận. Nàng dâu đảm đương và hiếu thảo lại sanh cho bà ba đứa cháu nội,
khiến bà thêm hỉ hả. Trong thời gian mười hai năm trời an vui hạnh phúc
gia đình, Ngũ Thư vẫn không quên nghĩa vụ người trai thời loạn. Chàng
gia nhập lực lượng khởi nghĩa chống quân Minh của nhóm miêu duệ nhà Trần,
hoạt động không được bao lâu thì tân vương ra tay sát hại trung thần,
khiến lực lượng tan nát và Ngũ Thư đành rã ngũ quay về nhà. Mấy năm
sau, người anh hùng áo vải đất Lam Sơn trương cờ khởi nghĩa, tạo dựng
thanh thế khá vững vàng. Lực lượng nghĩa quân tuy dũng cảm có thừa, chiến
thắng nhiều trận gay go, nhưng quân số kém cõi không đủ sức đương đầu
với giặc trong thế trận địa chiến. Bình Định Vương phải rút quân về
Chí Linh ẩn náu mấy lần. Ngũ Thư tìm đến Bình Định Vương, tình nguyện
thành lập hệ thống tình báo để nắm vững địch tình. Chân sẵn tàn tật,
chàng giả trang thành kẻ ăn xin để đi lại khắp nơi thu lượm tin tức mà
địch chẳng nghi ngờ. Tai mắt chàng phần lớn là những đồng chí ăn xin
tồi tàn. Họ càng dơ dáy, cùi hủi ghẻ lở, thì lại càng được việc,
họ có thể ngang nhiên "liều mạng cùi" xông bừa vào chỗ đóng
quân, kho lương của địch để quan sát, và la cà khắp nơi để chuyển
tin nhanh chóng mà an toàn. Nhờ tổ chức tình báo của Thư hoạt động đắc
lực, am tường tình trạng suy yếu của địch tại Nghệ An, Bình Định
Vương quyết định kéo quân vào Nam vây đánh nơi nầy. Sau Nghệ An, quân
ta tiếp tục cuộc tổng phản công trên khắp trận địa, rồi chỉ trong vòng
ba năm đã hoàn toàn đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước nhà.
Nền độc lập vừa vãn hồi thì Phạm Ngũ Thư đã viện cớ
tàn tật để khước từ quan chức. Bị Vua ép, chàng chỉ nhận tước làm
là Đại Trí Tự và phần thưởng hai trăm mẫu ruộng hương hỏa tượng
trưng mà thôi.
Rời được chốn quan trường "đa sự" để về quê
nhà, sống đạm bạc mà thanh thản trong hạnh phúc gia đình, quả thích hợp
với người hằng thiết tha với nếp sống tu dưỡng thân tâm. Tuy tình nghĩa
vợ chồng mặn nồng, tuy hạnh phúc tràn đầy, mà lòng Thư vẫn mang niềm
xao xuyến, ước muốn ra đi vẫn thôi thúc trong lòng. Cả năm rồi, Thư định
giải bày cho vợ ý nguyện của mình nhưng cứ ngại ngùng. Thương nàng
quá ! khổ thân nàng quá ! cả đời nàng chỉ biết tận tụy hi sinh cho chồng.
Chàng bôn ba việc nước, nàng đã thay chồng phụng dưỡng mẹ già, quán
xuyến tề gia, nuôi dạy con thơ. Nay nàng vừa mừng đoàn tựu thì mình đã
tính chuyện ra đi ! tội nghiệp làm sao ? Thư khẽ vuốt những sợi tóc bạc
lòa xòa trên trán vợ, âu yếm lên tiếng :
- Phu nhân ạ ! ta muốn bàn với em việc nầy !
- Vâng ! xin phu quân dạy !
- Thời lang thang lo việc nước, ta đã chung sống với giới
ăn xin, cảm thông được nỗi đau thương chua xót vô biên của những con
người khốn khổ bị xã hội khinh khi ruồng rẫy. Ta hằng phát nguyện sẽ
chia xẻ, cứu giúp xoa dịu thương đau cho họ…
- Sư huynh yên tâm ! Tài sản chúng ta không nhiều, nhưng nếu
bán đi hết thì cũng đủ cho sư huynh hoàn thành phần nào tâm nguyện cứu
giúp người nghèo mà!
Thư được vợ gọi là sư huynh thật là đẹp ý. Khi bàn bạc
đạo lý, hai người thường xưng hô huynh muội như thời tu tập trên núi
Yên Tử, đàm luận thoải mái hơn cương vị vợ chồng. Chàng vội tiếp lời
:
- Huynh xin nhiệt liệt tán thán lượng "Quán Âm" của
sư muội. Phần huynh, huynh rất hiểu những kẻ khốn cùng, họ thù hận,
chửi bới, oán ghét loài người; dẫu buộc lòng nhận của bố thí để
ấm no trong chốc lát, họ lại bị dày dò trong mặc cảm, nghi kỵ, oán hờn.
Bố thí cho họ một cách bình thường nghĩ có lẽ mình nên hành tứ nhiếp
pháp, chung sống ăn mày, ngọt ngào tâm sự, đồng san sẻ ấm no, vui buồn,
nhiên hậu tạo niềm cảm thông thật sự nơi họ, và như vậy, mới chân
thực an ủi họ. Nầy sư muội ! sư muội có tán đồng hạnh nguyện của
huynh không ?
Trên cương vị sư muội thì bà có thể gượng gạo tán đồng,
còn trên cương vị người vợ đã quen tôn kính chồng, bà chỉ biết cắn
răng, gạt nước mắt tiễn chồng ra đi.
Như người ăn mày chân chính. Ngũ Thư chống gậy trúc, áo
quần rách rưới, ăn xin sống qua ngày. Chàng tùy thuận theo nếp sống của
giới ăn mày, rày đây mai đó, nơi nào có hội hè, đình đám… làm ăn
được thì qui tụ đến. Bậu bạn với họ, người mới hiểu hết nỗi
đau thương của họ, để san sẻ, khuyên lơn, an ủi họ. Trong đêm lạnh
run rẫy bên nhau chuyền hơi ấm, lúc đói lòng chia chác chút cơm thừa, khi
bắt chí vần công, rửa ghẻ lau máu mủ tanh hôi cho nhau…, người lựa lời
nhắc nhở họ về lý nghiệp báo hay khuyên họ xả bỏ thù hằn, nghi kị…,
khơi nguồn cho tình người tuôn chảy…
Phạm phu nhân ở nhà, thương chồng thương cả hạnh nguyện
của chồng, bà phát tâm "Quán Thế Âm", nghe tiếng kêu thương của
thế gian liền hiện để cứu giúp. Bà giúp cô nhi quả phụ, kẻ già yếu
tàn tật, bà lo tang ma cho kẻ chết đầu đường xó chợ. Chồng ra đi biền
biệt, nhớ thương chồng chất, phu nhân nghĩ đến giải pháp xây cất
ngôi chùa riêng cho chồng tu, rồi thuê người dò la tin tức rước ông về.
Cuối cùng bà cũng tìm được chồng trong dịp trẩy hội chùa thầy (7) tại làng Láng. Chứng kiến cảnh người chồng già nua
trong nếp sống tồi tàn, rách rưới, phu nhân xúc động nghẹn ngào, cất
tiếng van nài :
- Phu quân lao khổ thiếp rất đau lòng ! Thiếp đã dựng
chùa sẵn để rước phu quân về trụ trì, phát triển đạo tràng độ chúng.
Mong phu quân chấp thuận !
- Sư muội ! ta tùy thuận mà đi, trôi nổi như mây như gió,
không ràng buộc đã quen ! vả lại, với ta nơi nào chẳng là đạo tràng
tu tập…
Bà đắn đo nhìn chồng, hiểu ý người, nhưng thương quá,
bà vẫn cố gắng lung lạc lần chót :
- Đành vậy, nhưng theo thời gian phu quân đã già rồi…,
phu quân cần phải tịnh dưỡng…
Lão ăn mày già, mỉm cười :
- Thời gian trôi thì ta cứ như thế mà bồng bềnh trôi,
chớ ta nào có già !
Phu nhân giựt mình, ngắm nhìn lang quân. Trong dáng dấp tồi
tàn của người hành khất, bà thấy hiển hiện sáng ngời nguồn sống rạt
rào của kẻ thong dong không chướng ngại, nhậm vận mà đi, tùy duyên mà
hóa đạo. Bà nghĩ mình không có quyền bận bịu ông nữa. Bà điềm tỉnh
cất tiếng :
- Cảm tạ sư huynh đã nhắc nhở muội "tánh không già
không chết, không nhơ không sạch, không thêm bớt" đó. Sư huynh không
già thì muội cũng chẳng hề già. Sư huynh có hạnh nguyện của sư huynh thì
muội cũng có hạnh nguyện của muội. Muội chỉ mong sư huynh, khi thấy sắp
gởi xác thân lại, thì cũng nên về nhà cho con cháu thấy hành trạng của
sư huynh mà quy ngưỡng để tu dưỡng thân tâm.
Người ăn mày già khẽ gật đầu.
Từ dạo đó, phu nhân an nhiên và thanh thản xa chồng. Bà cứ
dõng mãnh tiếp tục hạnh nguyện ban vui cứu khổ, và người ăn mày già
thì cứ tiếp tục ăn mày.
Ba năm sau, tự nhận thấy thân xác sắp trả về cho cát bụi,
người ăn mày già quay trở về Hà Nam. Đúng giờ tí, ngày rằm tháng ba,
người lần đến sân đình làng Thư Lang, nằm nghiêng bên phải, đầu hướng
Bắc, mặt nhìn phương Tây, hai chân tréo nhau, mà lìa đời.
Như thường lệ, khi phát giác một xác chết vô thừa nhận,
xóm làng cầu cứu vị phu nhân hiền đức gánh vác phí tổn chôn cất.
Thoáng nhìn dáng nằm kiết tường (8) của người hành
khất, phu nhân biết ngay là ai. Bà trang trọng mang xác về nhà, theo đúng
di chí của chồng mà làm lễ tang ma. Người ăn mày chỉ muốn chôn cất
theo cương vị ăn mày nên mẹ con bà lặng lẽ quấn chiếu người đem chôn,
trên mộ bia chỉ ghi năm chữ đơn giản : Phạm khất sĩ chi mộ - mộ của
người ăn mày họ Phạm -.
Từ ngày người ăn mày chết tại sân đình, làng Thư Lang
sung túc hẳn lên : mưa thuận gió hòa, ruộng lúa trúng mùa, sĩ tử đỗ đạt…
Cảm ân đức phù hộ của người, dân chúng đồng tôn thờ người làm
thành hoàng xã Thư Lang.
Vào ngày kỵ của người ăn mày, con cháu họ Phạm và người
dân sùng mộ, giữ tục lệ đặc biệt; theo đó, họ mặc tang phục chia
nhau đến các vùng lân cận hành nghề ăn mày, xin tượng trưng mỗi nơi một
nhúm gạo nhỏ đem về nấu nắm cơm, giỗ cúng người xưa.
Lệ nầy đối với giòng trưởng lại nghiêm nhặt hơn.
Người chánh thức hưởng của hương hỏa phải thực sự hành nghề ăn mày
một tuần trăng, họ phải thấm thía khổ nhục của kẻ ăn mày, để
thương yêu được giới bần cùng thì mới được coi là vuông tròn chữ
hiếu.
*
* *
- Eo ơi ! chuyện lạ lùng quá ! viết ở sách nào em chả thấy
vậy anh ? thím Năm chăm chú nghe chồng kể chuyện xong, tò mò hỏi.
- Dĩ nhiên là chưa có sách nào viết chuyện nấy, vì nó
chi ghi và giữ kín trong gia phả họ Phạm ở Hà Nam mà thôi.
- Vậy té ra…
- Đúng vậy ! bố là con giòng trưởng. Năm mười tám tuổi
bố phải lặn lội đến vùng Nghệ An, trốn lánh thật xa bè bạn, để
ăn mày trọn tháng ba cho đúng với truyền thống tổ tiên. Gia đình di cư
vào Nam, bố vẫn bo bo chủ trương giữ lệ cũ. Em cũng biết đó ! u sanh
liên tục bốn cô con gái rồi mới được đứa con trai, bà cưng giữ rất
kỹ. Anh chỉ lẩn quẩn trong nhà chơi đùa với mấy chị, chưa bao giờ ra
khỏi nhà, nghe dự tính của bố sợ sệt, khóc sướt mướt. U thương quá,
phản đối lệ ăn mày quyết liệt, viện lẽ hương hỏa đâu còn mà giữ
gìn. Bố khăng khăng cho rằng nếu vừa mất hương hỏa bỏ lệ ngay thì
hóa ra giòng trưởng xưa nay tham lam hương hỏa mà theo truyền thống chớ
không thật lòng. Thế rồi, vào mùa bãi trường năm anh học lớp bốn, bố
tìm đâu được bà già mù người Nam, trả công cho bà dẫn anh đi ăn xin một
tháng trời khắp các chợ đô thành Saigon. Lúc đầu anh buồn khổ khóc
lóc liên miên, nhưng sau quen dần dần, thì cũng vui lắm…
Thím Năm trố mắt nhìn chồng, không biết thực hư thế nào
! Chẳng lẽ "thằng bé Bắc Kỳ" chơi cò cò với mình tại hẻm chợ
Vườn Chuối năm xưa lại là chàng ! Chắc đúng anh chàng chẳng sai ! Chàng
cứ lẩn quẩn chơi với bốn bà chị, thảo nào sành sõi đủ mọi trò chơi
con gái. Ngày mới quen nhau mình đã ngờ ngợ rồi mà ! Thím cười thật
vui "rắn mắc" (9)
hỏi chồng :
- Nầy anh ! chừng nào thì anh mới cất nhà cho em đây !
Chú Năm đâu thể ngờ bà vợ nhớ đến trò chơi cò cò thuở bé, chú nghe
vợ hỏi lạc đề sang chuyện khác hơi ngạc nhiên, nhưng lại nghĩ bà
đang tơ tưởng mộng cất nhà bên sông Cửu Long để về hưu, nên đáp hụ
hợ cho qua :
- Ơ ! chưa tìm được sở đất vừa ý, lo chi chuyện xây cất
vậy bà !
- Khổng biết đâu ! cất nhà thì phải cho em ở chung đó
!, thím trổi giọng nhỏng nhẽo như cô gái nhỏ.
Chú cũng cười khà khà :
- Tui đâu có mình đồng xương sắt mà dám làm chuyện động
trời đó ! Không cho bà ở thì bà đốt nhà, bà "cạo đầu khô"
tui, chớ chịu để yên sao ?
Ghi chú
1. Hưng Thiền Đại Đăng quốc sư (Doto, 1282-1337), tổ khai
sáng Đại Đức tự ở Nhật, thuộc dòng thiền Lâm Tế, pháp tự là Tôn
Phong Diệu Siêu. Tương truyền tổ dành một phần ba cuộc đời, sống
chung với những người nghèo hèn ăn xin trú tại gầm cầu Gojo. Tổ cũng
đi ăn xin và làm những công việc hèn hạ, hầu tạo sự gần gũi và niềm
cảm thông nơi kẻ bần cùng mà tế độ họ, bất chấp những cái nhìn miệt
thị của giới phong lưu, giới tu sĩ hưởng thụ đương thời. (Trích theo
Thiền Luận, bộ thượng, bản dịch Trúc Thiên).
2. Trung Đình Hòa Thượng : Ngài là nhân vật lịch sử
không lưu lại tên họ, xuất hiện vào thời chúa Nguyễn Phúc Thuần
(1765-1777). Ngài mang ba bị, khất thực trong làng được đồ chay đựng một
bị cho Ngài dùng, bị thứ hai đựng đồ mặn dành cho kẻ ăn xin khác và
bị lớn, dùng để treo lên mái đình mà ngồi. Vì vậy Ngài mang hai bí
danh là Ông Ba Bị và Trung Đình Hòa Thượng. Tu hành đắc đạo, Ngài quyết
định tự thiêu trên hỏa đàn dựng tại chùa Thiên Mụ. Tín thí thỉnh cầu
Ngài lưu lại chút di thể, Ngài đưa lên một ngón tay. Khi lửa bừng lên,
gió thổi lệch mũ Quan Âm, Ngài lấy tay sửa lại cho ngay ngắn, rồi chấp
tay niệm kinh cho đến khi tịch. Ngón tay nguyên vẹn lưu lại, tro và xá lợi
đặt trong tháp thờ bên chùa Thiên Mụ. (Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Lược,
T. T. Mật Thể).
3. Dịch nghĩa :
- Ca sa chưa mặc than nhiều việc
- Được mặc ca sa việc lại nhiều.
4. tri huyện thời mạt Trần
5. tổng trấn
6. Đệ nhất tổ phái Trúc Lâm là Điều-Ngự Giác-Hoàng, tức
vua Trần Nhân Tông.
7. Chùa Thầy tức chùa thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Tương truyền thiền sư Từ Đạo Hạnh dựng am Bổ Đà trước cửa hang Cắc
Cớ, núi Sài Sơn tu hành đắc quả và thác hóa chốn nầy. Vua Lý Nhân
Tông sắc đổi tên hang là Thanh Hóa, dựng am thành chùa Phật Tích. Tại
làng Láng tức làng Yên Lãng, ngoại thành Hà Nội, cũng có chùa Thầy, thờ
thiền sư Từ Đạo Hạnh. Hội chùa Thầy, tức giỗ tổ Từ Đạo Hạnh,
nhằm ngày mùng 7 tháng ba, từ làng Láng kéo dài đền Sài Sơn, theo như câu
ca dao :
- Nhớ ngày mùng bẩy tháng ba
- Trở vào hội Làng, trở ra hội Thầy.
8. dáng nằm của Đức Phật khi tịch diệt.
9. tinh nghịch.
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/031-nhuthematroi.htm