- HOA KHẾ LƯNG ĐỒI
Bước lên chiếc Lambretta hàng, tôi tự nhiên thấy Trâm ngồi
thu hình ở một góc xe.
Tôi quen Trâm một tháng trước. Nàng là y tá viên điều
dưỡng vừa ra trường chưa được một năm. Đang làm việc ở Đà Nẳng
thì có giấy đổi vào Nha Trang. Hôm mới vào nàng tìm đến địa chỉ tôi
do lời dặn củ anh Hiệp, anh rể nàng. Hiệp là bạn học của tôi hồi
ở trường Khải Định. Có một cô em làm việc bị đổi đi tỉnh xa Hiệp
viết thư giới thiệu cho tôi, gián tiếp thay anh để tuỳ cơ giúp đỡ cô
em nhút nhát. Sau khi đọc thư của Hiệp, tôi hỏi:
- Xin lỗi cô vào Nha Trang lần đầu tiên?
- Vâng ạ. Em mới tới đây lần đầu.
Giọng nói trầm, thứ giọng thổ ít gặp nơi một thiếu nữ.
Tôi không đợi nghe một giọng nói như vậy nên tôi thấy thích đặt câu
hỏi để nghe giọng ấy trả lời.
- Cô đã có chổ trọ rồi?
- Dạ có. Em ở chung với một chị bạn cũng làm ở nhà thương
y tế.
- Có gần đây không?
- Dạ ở 153 đường Phước Hải.
- Chỉ có hai chị em ở?
- Dạ, chỉ có hai.
Tôi gật đầu:
- Ở thế thì rộng rãi thong thả khỏi bị trẻ con quấy rầy.
Nhưng cũng có điều phiền. Không bị trẻ con quấy rầy thì lại bị người
lớn phiền nhiễu.người lớn…
Tôi ngần ngừ không biét nên nói tiếp như thế nào cho tiện.
Thì nàng mỉm cười.
- Em hiểu nhưng không có cách nào khác. Ở đời phải biết
chọn sự bất tiện nào tương đối nhỏ hơn hết.
Khi đặt tách trà lên môi tôi thấy nàng đăm chiêu nhìn ra
cây ngọc lan đứng cạnh cửa sổ phòng tôi. Nàng ngưng uống tách trà, say
mê nhìn thật lâu như không có tôi ngồi trước mặt. Một lát, tôi chợt
thấy nơi vành mi mắt nàng có lóng lánh nước mắt. Rồi hai giọt nước mắt
đọng lại, thành hình. Nàng quay về tôi, đưa cánh tay áo chặm mắt, mỉm
cười ngượng nghịu:
- Xin lỗi anh…
Tôi ngắt lời:
- Chắc cô đang nhớ nhà.
- Dạ, nhìn cây hoa ngọc lan, em nhớ cây ngọc lan nhà em. Em
nhớ bà Ngoại. Mỗi buổi sáng em hay dậy sớm ngắt hoa ngọc lan đặt lên
bàn Phật cho Ngoại. Em đi xa, chắc chỉ có ngoại là nhớ em nhiều nhất.
- Có xa nhà lần đầu tiên nên sự nhớ nhung xót xa. Lâu dần
sẽ quen đi.
- Vâng nhưng phải lâu lắm mới quen được. Sau đó tôi đến
thăm nhà trọ của Trâm một lần. Tôi lưu ý nhìn cô bạn cùng ở chung với
nàng để tìm đoán xem những loại ý nghĩ nào hay đóng đô ở một khối
óc như vậy. Cô bạn có đôi môi nóng bỏng tình cảm và một nốt ruồi dưới
cằm. Vành mắt bôi nhiều bút chì than. Tóc đỏ rối loà xoà theo kiểu
rong biển, man dại, say đắm.
Vài tờ tuần san bìa loè loẹt in hình tài tử chiếu bóng
vứt trên giường, trên đi văng. Màn treo cửa mang hình vẽ méo mó lộn xộn.
Trong khung cảnh đó, Trâm vẫn đơn sơ và tự nhiên như một lá cỏ non giữa
đồng nội. Không có sự pha chế, tính toán, bôi sửa nào trên đôi mày
dài màu nhạt đó, trên hàng lông mi cong, trên đôi môi phơn phớt màu hồng.
Nàng cười bảo:
- Em ở đây cũng dễ chịu. Thỉnh thoảng em và chị Hoà-
tên chị bạn - đi phố gặp anh.
- Tôi ít hay đi phố lắm.
- Thế mà lần nào đi phố cũng gặp anh.
Tôi không biết đó là lời nói đùa hay lời nói thật. Sau
đó Trâm đổi nhà trọ, những cô thiếu nữ độc thân thường phải đổi
nhà trọ luôn, y như những con mèo phải tha con đi giấu khắp mọi xó xỉnh.
Những chiếc Vecpa, những chiếc xe gắn máy, thỉnh thoảng những chiếc
Jeep hay đậu trước nhà. Hàng xóm không ưa những tiếng xe rồ khi tắt máy
và khi nổ máy, tiếng còi ậm oẹ gọi cổng. Phải dọn nhà để đánh lạc
những chiếc xe thiếu nhẫn nại. Tôi mất hút Trâm.
Hôm trước đây khi cầm một cuốn tiểu thuyết mới xuất
bả, tôi nhìn lâu vào bức ảnh một thiếu nữ in ngoài bìa. Hao hao giống
một người nào? Đôi mắt khép hờ, mơ màng xa vắng. Mái tóc buông dài.
Đôi môi ... tôi chợt nhớ đến Trâm. Đúng là khuông mặt đó.
Tôi nhìn kỹ vào bức ảnh và tôi thấy Trâm đẹp. Lạ
chưa? Có nhìn vào bức ảnh của một người khác tôi mới thấy rõ mặt
Trâm. Thì ra khi đối diện với nàng, tôi bị giọng nói, nội dung câu chuyện,
bị xúc cảm của tôi làm sai lệch đi hình ảnh của nàng khiến khi hình
dung lại tôi thấy những đường nét của khuôn mặt thấp thoáng mơ hồ.
Huống chi, không biết đã mấy tháng rồi, tôi không có dịp gặp lại
Trâm. Tôi mua cuốn tiểu thuyết về đặt đứng ở bàn, ở đầu tủ, ở
trên mặt radio, cạnh đầu giường. Thỉnh thoảng tôi nghĩ: " Hôm nào
gặp xem có phải Trâm đẹp như thế không?".
Bất ngờ mới hai hôm thì chợt gặp nàng trên chuyến xe
Lambretta hôm nay…
Tôi bước lên xe, ngồi vào chổ trống mà hai người hành
khách đã xích lại để nhường cho tôi:
- Lâu quá em không ghé lại thăm anh. Hai tháng nay bận liên
miên. Hết chủng ngừa bệnh dịch hạch đến ngừa bạch hầu, đậu mùa.
Cứ cách một hôm phải trực một hôm.
- Chắc hôm nay cô mới được rảnh nên đi về nhà quê chơi
đấy.
- Đâu có được như vậy? Em đi với đoàn công tác lên
Phú Vinh chủng ngừa dịch hạch. Đáng lẻ đi xe của Ty Y tế, nhưng em bận
tí việc phải tới trễ nên đành đi Lambretta hàng.
- Cô thôi ở Phước Hải.
- Em đi đã lâu. Thay nhà hai lần nữa rồi. Hiện em ở đường
Mạnh Tử.
Một xe chở hàng cao nghễu nghện ầm ầm chạy tới làm
át cả tiếng nói của Trâm. Cả hai chúng tôi im lặng. Gió ban mai lạnh buốt
thổi tạt vào hông xe. Xe chạy ra khỏi thành phố. Màu xanh của những ruộng
rau muống làm tươi mát đôi mắt. Trâm chỉ tay lên triền núi cao, xuýt
xoa:
- Có con đường đi trên đầu núi kìa. Đẹp quá anh nhỉ?
Tôi thường thản nhiên trước những tiếng xuýt xoa ngạc
nhiên của đàn bà con gái, nhưng không thể chống cự nổi với giọng nói
trầm ấm của nàng. Nhất là vào một buổi mai lạnh như thế này. Giọng
nói ấy như có chứa ánh nắng trên đồng lúa chín màu vàng, như là hơi
thở của những chùm hoa màu đỏ. Tôi nói:
Con đường đó đi từ chùa Hội sang Phật học viện. Phật
học viện nằm kia.
Nàng nhìn theo ngón tay tôi chỉ.
- Em có biết Phật học viện ở Huế. Anh Chơn Tánh con của
O em tu ở đấy.
- Cô ở trong gia đình Phật tử?
- Không, em chỉ đọc kinh sách và theo Ngoại đi chùa. Ngoại
em sùng đạo lắm.
- Tôi hiểu. Càng về già người ta càng đến gần tôn
giáo hơn. Lúc còn trẻ người ta tin ở sự thông minh của khối óc mình
và sức mạnh đôi cánh tay mình. Khi lớn lên và càng đi sâu vào năm tháng,
người ta nếm nhiều thất bại, và người ta bắt đầu hoang mang. Tôn
giáo là nơi nương tựa…
Tôi nhún vai một cái nhẹ tỏ ra chưa tin mấy ở lời mình
vừa nói, rồi hạ thấp giọng:
- Tôi không thông thạo về Phật pháp nên có thể nhận
xét vừa rồi của tôi là sai. Chết! Cô vừa nói cô có đọc nhiều kinh sách.
Tôi thật xấu hổ vì đã làm nhằm cái việc "Ban món vũ phủ".
Nàng cười xoà.
- Anh làm em xấu hổ thì có.
Xe đậu ở chợ Mới, bở một gánh cá xuống.
- Khi nào có dịp tôi sẽ đưa cô đi thăm Phật học viện.
Chúng ta sẽ đi trên con đường chạy vắt lưng núi đó.
Ngày tết người đi du xuân trên con đường ấy rất đông.
- Đứng trên lưng núi nhìn thấy cả Nha Trang?
- Thấy rõ lắm, dưới mắt mình, bãi biển, xóm Bống,
Tháp Bà, Cầu Đá, Phường Củi… Quay ra sau là rừng dừa xanh mướt bóng
loáng của Vĩnh Điềm, Ngọc Hội. Phía Nam là ruộng.
Nàng khẽ gật đầu:
- Cảnh trí từ trên cao nhìn xuống bao giờ cũng đẹp. Năm
ngoái em đi Quy Nhơn chơi có leo núi Gành ráng thăm mộ Hàn Mặc Tử. Đứng
trên mộ nhìn xuống vũng bể Qui Nhơn uốn cong một màu xanh ngọc bích nằm
im lặng, bất động câm nín. Em nhớ Em nhớ đến câu thơ của Hàn Mặc Tử:
Chao ôi ! Ghê quá trong tư tưởng,
Một vũng cô liêu cũ bạn đời.
Em chắc Hàn Mặc Tử cô đơn, đau khổ, nhìn xuống, nhân
gian cách biệt hẳn với mình kia, nhìn vũng bể mà xanh, nghĩ đến thân phận
mình, nghĩ đến cái chết giải thoát nên mới viết dược mấy câu thơ đó.
Tôi mỉm cười:
- Cô có tâm hồn thi sĩ. Vậy khi thăm Phật học viện, tôi
sẽ đưa cô đi thăm những luống hoa đẹp do thượng toạ Giám viện tự
tay chăm sóc lấy. Cô sẽ nhìn thấy những cây khế ở lưng đồi trổ hoa
tím, những chùm hoa hình khối lục lăng mường tượng những ngôi cổ
tháp.
- Anh có vẻ thông thạo cảnh đó.
- Cô đoán không lầm. Tôi có dạy ở trường Bồ Đề nên
được quen với Thượng toạ Giám viện và với hầu hết các chú ở viện.
- Thế thì hay quá. Chúng ta chọn một ngày chủ nhật nào
và em nhờ anh hướng dẫn cho đi xem.
Tôi nhìn khắp các hành khách trong xe, toàn là những bà
buôn bán áo quần nhàu nát, bàn chân bụi bặm xỏ vào đôi dép Nhật Bản.
Quang gánh móc ở sau xe đu đưa theo nhịp xe chạy. Tôi hạ thấp giọng:
- Đợi tình thế quang đãng hơn đã. Phật học viện vừa
bị bố ráp hôm hai mươi tháng tám. Trường Bồ Đề đã đóng cửa.
Nàng gật đầu:
- Vâng. Em hiểu.
Nàng nhìn giây lâu ra cửa xe, mắt lước qua những dãy cây
ôma, cây mít, cây bưởi, của vườn nhà người ta nằm dọc đường lộ.
Mi mắt khép hờ một nửa. Chắc chắn là tôi không lầm nếu tôi nghĩ rằng
nàng đang để trọn tâm hồn nghĩ về bà Ngoại. Giữa mùa Pháp nạn, tiếng
chuông chùa im bặt, lại thêm đứa cháu đi xa. Hoa ngọc lan phải tự tay cụ
hái dâng lên bàn Phật. Mỗi ngày hái hoa nhớ Cháu, không biết thân gái
ở nơi phương xa…
Xe chạy đến bệnh xá Phú Vinh, tôi phải đưa tay vỗ vào
vai anh tài xế ra hiệu cho anh ngừng xe. Tôi nói:
- Xe đến Phú Vinh rồi. Cô chuẩn bị xuống.
Nàng giật mình quay lại. Vẻ mặt thẩn thờ. Bước xuống
xe trả tiền cho anh phụ xong, nàng gật đầu chào tôi mà không nói. Xe rồ
máy lao vút tới. Tôi nhìn ra cửa sau. Nàng đi chậm rãi cúi nhìn xuống đất.
Chắc tâm hồn đang quanh quẩn xung quanh gốc ngọc lan, bà Ngoại, con đường
Phật học viện, màu đất đỏ đượm trên đầu núi.
Trường Bồ Đề đóng cửa! Tôi nhớ những ngày hưng thịnh,
tiếng chuông trường reo vang và học sinh từ các nẻo tấp nập vào trường.
Các chú Điệu đồng phục áo nhật bình màu nâu đi chầm chậm thành một
hàng dài từ tĩnh thất xuống. Dáng đi khoang thai, nét mặt nghiêm nghị khiến
tôi nghĩ đến các vương gia tử đệ họ Tạ, họ Vương, đời Tống ở
ngõ Ô y, thanh cao trong chiếc áo thâm dài. Các học sinh nhỏ bám vào các
chú vòi vĩnh đủ điều. Thầy giáo bảo:
- Các em hãy đề nghị một người phụ trách bích báo của
lớp.
Tiếng nói rào rào nổi lên ngay:
- Thưa thầy, bọn em đề nghị chú Huệ Thông.
- Chú Huệ Thông, thưa thầy, chú Huệ Thông.
Chú Huệ Thông đứng dậy nghiêm trang thưa rằng ngoài bài
học ở trường còn phải bận học kinh điển trên viện và phụ trách hộp
cứu thương của Viện. Thầy giáo thấy chú nói có lý, nhưng các em nằng
nặc không chịu:
- Thưa thầy, chú Huệ Thông vẻ đẹp.
- Hoan hô chú Huệ Thông
- Hoan hô.
Chú Huệ Thông đành phải nhận chức trưởng ban bích báo.
Thầy nói:
- Các em hãy bầu liên đội trưởng của lớp.
- Chú Nguyên Lượng, thưa thầy, chú Nguyên Lượng.
- Hoan hô chú Nguyên Lượng.
Chức vụ gì cũng "mấy chú", công việc gì cũng
"mấy chú", thậm chí chúng đề nghị những chuyện vẫn vơ. Chẳng
hạn thầy nói "Ai thử hát bài LÒNG MẸ nghe nào" thì có tiếng đề
nghị ngay: " Thưa thầy chú Tâm Đức". Giọng chú Tâm Đức ồ ồ,
mỗi lần cất tiếng đọc bài thì tưởng như trời sắp đổ cơn giông.
Chúng thích nghịch các chú vì các chú hiền lành tha thứ. Cũng nhiều khi làm
nũng nữa. Thằng Lương hay xin tiền chú Thiện Giáp. Nó kể lể những món
nó thèm: ổi, me, chùm ruộc, cóc… và chìa tay xin chú một đồng. Chú mỉm
cười lặng lẽ đưa bàn tay len lỏi vào khe áo nhật bình móc túi lấy
cho. Gặp đứa học sinh nhỏ nghịch ngợm hay nói chuyện, nhiều khi thầy
giáo phải cho dời chỗ xuống ngồi cạnh chú, hoặc giữa hai chú lớn. Sự
có mặt của các chú làm lớp học ấm áp một tình thân yêu gia đình. Học
sinh có cha ( thầy giáo), có chú, có anh chị em. Lớp học lại có mang thêm
một không khí hoà bình thanh nhã.
Khai giảng niên khoá 1963-1964 nhằm giữa mùa Pháp nạn, nên
có nhiều học sinh xin rút hồ sơ đi học trường khác. Đó là con em của
một số công chức, binh sĩ. Họ không muốn vì con em học ở trường Bồ
Đề mà bị chính quyền đổi đi miền nước độc hoặc bị giáng chức.
Lớp học mang nhiều khoảng trống như một cơ thể mang những vết
thương. Chỗ trống đó là chỗ ngồi cũ của Mai Văn Hiền, đen như một
thỏi chì, của Lệ Châu thân mảnh như một con nai uyển chuyển, của Võ
Quang Trí học giỏi và nghịch nhất lớp, của Trần Cạm bị ông giám thị
bắt quả tang nằm trốn sau ngọn tháp để đọc tiểu thuyết kiếm hiệp.
Vết thương của lớp vừa là vết thương nơi lòng của thầy giáo của học
sinh còn lại. Vào những lúc này, mọi người mới cảm thấy thấm thía ý
nghĩa của một câu nói bị lặp lại quá nhiều, nhiều đến nỗi gần
như biến thành sáo ngữ: " Lớp học là một gia đình".
Tiếp theo sau, là những cuộc biểu tình đòi thực thi bản
thông cáo chung, đòi thoả mãn 5 nguyện vọng, đòi trả lại nhục thân ni
cô Diệu Quang Hoả Thiêu. Lớp học còn vắng bóng nhiều em học sinh nữa.
Chúng theo người lớn xuống nằm ở ty công an. Ngày bố rác chùa chiền
làm xúc động thành phố. Trường đóng cửa. Cây phượng trước sân trường
chưa bao giờ phải chứng kiến một sự vắng lặng kéo dài dường đó.
Ngày tôi đến đây cây phượng mới được trồng. Bây giờ gốc nó đã
tràm một vòng tay của em nhỏ. Dãy cây dầu thân cao màu trắng mốc đu
đưa những chùm lá mảnh, dài, nghiêng nghiêng. Thầy trụ trì ưu tư nhìn
hàng cây mít chạy ven sân chùa. Thầy nhớ những lũ học trò hoang nghịch
lén ngắt vú mít chấm muối ăn. Có lần lũ học trò ở lại buổi trưa đã
lén hái cả trái mít vừa chín. Thầy bắt gặp, lắc đầu rồi cho luôn
trái mít. Lũ chúng là con của người ta nhưng cũng là con tinh thần của thầy.
Hoang nghịch là món quà trời ban cho tuổi thơ. Lứa tuổi vô tư mà thầy
đã đẩy lùi vào dĩ vãng. Bốn mươi năm hơn rồi.
Ngày tháng trôi qua, mỗi lần đi xe ra khỏi thành phố là mắt
tôi chạm phải ngôi trường đóng cửa im ỉm, Phật học viện nằm vắng
lặng. Con đường bò vắt lưng núi không có người đi. Tôi không biết bao
giờ mới có dịp đưa Trâm đi một vòng trên con đường vắt vẻo ấy. Thì
chợt cuối tháng mười tôi chợt nghe tin Trâm bị nạn. Nàng đi thăm một
người anh làm quận trưởng ở quận Hoà Vang và xe nàng bị phục kích.
Nàng chết tại trận, còn người anh bị thương nặng. Linh cửu chở về
Đà Nẵng.
Tôi không nhìn được thi thể nàng cũng không đến viếng
được mộ. Thành ra ngồi gợi lại Trâm tôi chỉ thấy những nét đẹp của
nàng. Đôi mày dài màu nhạt. Hàng mi cong. Môi hồng phơn phớt. Nếu phải
nhìn thi thể dập nát của nàng, nhìn màu da xám xanh nhợt nhạt, tôi sẽ
đau xót và bị ám ảnh đến mức nào nếu phải nhìn ngôi mộ của nàng
tôi sẽ chán nản bi quan đến mức nào. Không, nàng đối với tôi suốt đời
sẽ mãi mãi là cái dáng thiếu nữ mảnh mai ấy, đẹp đẻ và trong sạch
như buổi gặp cuối cùng nàng ngồi Lambetta cạnh tôi.
Đầu tháng 11, nổ ra một cuộc đảo chính, chùa chiền và
dân chúng được giải phóng. Khắp các nẻo phố, người ta đi tràn ra giữa
đường, tự động biến thành biểu tình, những cuộc biểu tình thành thực
đúng nghĩa của nó. Tuy vậy trường Bồ Đề vẫn đóng cửa vì ở giữa
năm học. Tôi ghé thăm trường một chiều chủ nhật. Vắng vẻ. Mấy ngôi
cổ tháp đứng giữa sân trường lặng lẻ suy tư. Những cây sao thân cao mọc
ở ven chân núi thong thả để rơi những cánh hoa màu trắng xuống những bụi
gai thấp. Nơi này, ngồi trong lớp thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ tôi thấy
một con sóc thoăn thoát chuyền cành. Tôi theo con đường nằm vắt lưng núi
qua Phật học viện. Đáng lẻ có Trâm đi cạnh tôi vào lúc này mới phải,
tôi nghĩ. Một ngày đặt biệt như hôm nay không phải để cho tôi đi một
mình. Mặt biển rộng trước kia, dãy Xóm Mới nằm ép trên mặt cát, xóm
Cồn, xóm Bống, Rộc Rau Muống, cầu Hà Ra… phải là nơi để đôi mắt
nàng lướt qua đậu lại. Nàng phải xuýt xoa cạnh tôi " Ồ! Cảnh đẹp
quá!"
Thế mà vụt nhiên nàng đã không còn nữa. Vô lý vậy sao?
Từ sống sang chết có biên giới nào không? Bước qua ngưỡng cửa của cõi
chết, nàng không đủ thời giờ để nhớ lại những nụ hoa ngọc lan, bà
Ngoại, con đường nằm vắt ngang lưng núi, dự định đi thăm viện với tôi.
Nàng không kịp nghe tiếng chuông chùa ngân xa, u trầm tịch mịch. Không kịp
nhìn cây khế lưng đồi lặng lẽ trổ hoa. Nàng không kịp chung chia nỗi
vui rộng lớn của những người tản mát trong các thôn xóm dưới kia, mừng
thoát được tai nạn mà họ không thể nào lường trước được.
Con đường đất đỏ chạy lui dưới chân tôi. Đến Phật
học viện. Những toà nhà nối tiếp các chú điệu với bước đi khoang
thai. Những chậu hoa hồng, hoa huệ, những hòn non bộ, những hồ sen. Tôi
lại đứng dưới gốc một cây hoa đại bên tai tôi. Tôi mường tượng
nghe giọng tôi nói:
"Cô sẽ nhìn những cây khế đứng ở lưng đồi…"
và nàng nói lại:
"Chúng ta chọn một ngày chủ nhật nào và em nhờ anh hướng
dẫn…".
Giọng nói ấm, trầm. Như có chứa ánh nắng trên đồng lúa chín màu
vàng, như là hơi thở của những chùm hoa màu đỏ.