- Tình Nghĩa Xương Rồng
- Huỳnh Trung Chánh
Kể từ ngày chồng đi Nam Cali thăm
bạn trở về, thím Năm bỗng linh cảm con người chú có cái gì là
lạ, đáng nghi lắm ! Chú trầm ngâm buồn rười rượi, đôi khi lại
còn buông tiếng thở dài não ruột nữa. Thím ngấm ngầm theo dõi
biến chuyển tâm tư chồng "sát nút", đoán già đoán non đủ
mọi chuyện. Cuối cùng, thím nhận thấy không lý do nào đứng vững
hết, ngoại trừ chuyện tình cảm. Chú vừa được tin buồn của
người yêu nào đó ngày xưa và bị chấn động bởi mối tình cũ
nghĩa xưa chăng ? Nghĩ đến đó bỗng dưng thím cảm thấy nghèn nghẹn
khó thở ! "Cái gì kỳ vậy, chẳng lẽ già đến từng tuổi nầy
mà mình lại còn ghen bóng ghen gió sao ?", thím bối rối tự hỏi
lòng mình. Mấy năm nay, thím tự hào mình tu dưỡng tâm tánh tiến
bộ, không còn đổ ghè tương nữa, té ra, máu ghen của thím vẫn
còn nguyên vẹn, ngấm ngầm và mãnh liệt như xưa. Thím lau dọn bếp
mà không bỏ sót "nhứt cử nhứt động" nào của chú. Chú
mở truyền hình mà lòng dạ chú thẩn thơ chuyện đâu đâu, rồi
chú chợt buông tiếng thở dài, ngâm nga nho nhỏ:
"Ví dầu, tình bậu muốn thôi !
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu
ra
"
Rõ ràng là nhớ nhung người tình
cũ nào, rồi thở than đây mà. Thím hết chịu nỗi, bỏ dở vụ dọn
bếp, cố gắng giữ bình tĩnh tối đa, vậy mà thím cũng run giọng,
cười gằng nói nửa chơi nửa thiệt với chồng:
- Chà, con nào bảnh quá ! dám gieo
tiếng dữ cho chồng tui, rồi bỏ rơi vậy cà !
Chú Năm cười ngặt nghẽo:
- Ối giời ơi ! nghe nói độ rày tu
tập hạnh xả ly, mà sao lại trổ mòi ghen rồi!
- Ơ ! ai thèm ghen ! thấy chuyện đáng
nghi thì hỏi chơi cho biết vậy thôi !
- Hay quá há ! vợ tui tu thiền mà
canh cánh "đại nghi", vậy thì chắc sắp "đại ngộ"
tới nơi rồi đa !
Chú cười giỡn mà nhìn mặt mụ
vợ thấy "nường" mặt mày xanh dờn như tàu lá, không nỡ
đùa dai, nên vội vã trấn an:
- Thôi xin can bà ơi ! tôi than thở
đây là than thở cảnh ngộ đớn đau của thằng Hoàng. Nó qua sau,
lờ khờ nghèo đói thất nghiệp, vợ nó khinh khi hất hủi mà không
thẳng thắn nói thật lòng mình, lại bới tìm chuyện cũ hai mươi năm
về trước, để trách móc tạo cớ bỏ nhau, lòng dạ đàn bà thật
là
ngoắt ngoéo lạ lùng
Đàn bà vốn chịu khó ngồi lê đôi
mách, bàn tán chuyện người. Thím đã được bạn bè báo cáo
từng biến chuyển của mối tình Hoàng Mai, với đầy đủ tình tiết
éo le gây cấn. Thím dấu biệt chồng chuyện nầy, vì sợ chồng nghe
rồi sẽ buồn lây vô ích. Thím đã quá rành vụ đó, nhưng đang lỡ
cỡ quê quê với cơn ghen bóng gió tào lao, nên thím bèn giả vờ
"ngây thơ cụ", mở mắt tròn xoe như con nai vàng ngơ ngác:
- Trời ơi ! không lẽ chị Mai tệ bạc
như vậy sao anh ?
- Nếu anh không đích thân nghe anh
Hoàng kể, anh cũng khó tin con người nổi tiếng là mẫu mực,
"đức hạnh khả phong" như chị ấy lại hành động như vậy !
Trầm ngâm thật lâu để hồi tưởng
buổi hội ngộ với bạn vừa qua, chú Năm bùi ngùi tiếp lời:
"Khuya hôm đó, anh lần mò tìm đến cây xăng Exxon, tại Santee,
đậu xe xa xa rồi lẳng lặng đi bộ đến gần quan sát hắn. Bao năm
trời lao động cải tạo đã biến đổi con người đường bệ, sang
trọng ngày xưa thành một kẻ lụ khụ, gầy gò, khắc khổ. Anh xúc
động rưng rưng nước mắt, chờ vắng khách mới bước tới quầy
tính tiền lên tiếng:
- Hoàng ! sao mầy lánh mặt anh em !
khiến tao phải trầy vi tróc vảy mới tìm được mầy !
Hoàng cũng lạc giọng:
- Thật không ngờ có ngày mình lại
gặp nhau ! tao trốn hết mọi người vì xấu hổ chuyện nhà, chớ đâu
có trốn tránh riêng mầy !
Mới nói mấy câu, thì lại có
khách hàng đến, Hoàng vội nói:
- Nơi nầy nói chuyện hơi bất tiện !
Ngày mai mình gặp nhau tại quán phở Hòa lúc 8 giờ sáng được
không !
- Không ! tao ở đây chờ mầy xong
"ca" làm việc, rồi theo mầy về chỗ trọ, nói chuyện bên nhau
trọn ngày đêm mới hả dạ !
- Không tiện lắm đâu ! chỗ tao ở
chật hẹp lôi thôi lắm !
- Hoàng ! tụi mình là bạn chí thiết,
đã từng đói rách ăn ngủ bụi đời với nhau. Sao mầy lại trở
chứng khách sáo với tao như vậy !
Hoàng còn muốn chống chế, nhưng nhìn
vẻ quyết liệt của anh đành chịu thua. Thế rồi, Hoàng bối rối đưa
anh về chỗ trú ngụ, một chung cư tồi tàn dành cho người lợi tức
kém, phòng khách vừa là phòng ngủ chỉ vỏn vẹn có chiếc nệm đơn
đặt dưới đất và cái bàn con, vừa để ăn uống vừa viết
lách. Hoàng ngượng ngập nói:
- Như vậy, kể ra đã sang trọng quá
sức, so với thời học tập cải tạo rồi !
Mầy nghĩ coi ! tao
làm đồng lương tối thiểu thì chỉ đủ trả tiền nhà, ăn uống tiện
tặn và gởi chút đỉnh tiền về cho gia đình là sạch trơn, đâu còn
tiền mua sắm gì nữa!
- Rồi mầy ăn uống ra sao Hoàng ?
- Ối ! thì tao nấu nồi thịt kho, ăn
hoài hoài suốt tuần. Hết thì nấu nồi khác. Đi cải tạo ăn độn,
ăn cơm muối hột thì sao ?
Hai anh em nằm gối đầu bên nhau tâm
sự như thời trai trẻ ngày xưa. Anh nhắc nhở những kỷ niệm học
trò để "hâm nóng" lại tình bạn xa vắng bấy lâu, rồi mới
yêu cầu Hoàng thuật lại thời tù cải tạo. Nghe Hoàng từ từ kể
lể quãng đời khổ nhục, một cách nhẹ nhàng, không chưởi bới
sân hận, không than van oán trách, anh cảm phục lên tiếng:
- Mầy bị như vậy, mà không lộ chút
thù hằn, hay thiệt !
Hoàng mỉm cười giải thích !
- Thuở nhỏ đến chùa Xá Lợi nghe
thuyết pháp, rồi lãng quên không nhớ nghĩ gì đến. Thế mà, khi
lâm cảnh tội tù, thì thời pháp về giáo lý tứ diệu đế, lại
hiện về, tạo thành thứ hành trang vô giá cho tao trong tháng ngày
cùng khổ. Tao chiêm nghiệm "chân lý khổ", nhận chân được
bộ mặt thực của cuộc đời, nên đã đón nhận niềm đau như
người bạn đồng hành, suốt đời kề cận chẳng rời, nhờ vậy
không còn cảm thấy khổ cũng không thấy có kẻ hành hạ mình nữa.
Thân thể tao bị giam giữ mất tự do, mà tinh thần tao, nhờ ơn mưa
móc của Phật Pháp, lại thênh thang không ràng buộc, tao tìm được
những giây phút thanh thản, an vui
, mà nảy sanh lòng thương xót
cho những kẻ, tuy thân thể được tự do, nhưng chính ra họ đang bị
lưu đày chung thân trong ngục tù chủ nghĩa rỗng tuếch, trong hận thù
ảo tưởng, trong si mê dốt nát triền miên. Thời gian tù tội nầy,
tao sống an phận ngày qua ngày, chẳng thèm lo lắng, ưu tư gì hết, nào
ngờ, khi được phóng thích, thì đầu óc tao lại rối ren trăm mối:
chộn rộn sanh kế, phập phòng sợ hãi công an, bâng khuâng tương lai
mù mịt, nhung nhớ vợ con khôn nguôi
Tao đôn đáo chạy lo hồ
sơ đoàn tụ, "tiền mất tật mang", để rồi chán ngán đếm
từng ngày lê thê đợi chờ vô vọng. Cuối cùng, nhắm không đủ
sức chịu đựng nỗi, tao quyết định vượt biên. Tao móc nối với
một tổ chức đi chui ngả Phan Thiết, và vào ngày giờ đã định tao
đi xe đò ra tỉnh lỵ nầy, đến điểm hẹn tại quán ăn đường Lê
Lợi, ăn uống cầm chừng mà chờ đợi. Đúng sáu giờ chiều,
người hướng đạo xuất hiện, ra dấu cho tao bước theo sau, ước
hẹn giữ khoảng cách chừng mười lăm thước, để theo ra Bến Đò,
tại đây, như đã được sắp xếp trước, tao sẽ được đưa lên
thuyền chèo để chuyển sang tàu đánh cá. Đi bộ chừng nửa giờ,
khi Bến Đò vừa ló dạng thì bỗng nghe nhiều tiếng súng nổ, rồi
có tiếng hò hét đuổi bắt những tên vượt biên phản động. Tao
lo sợ cuống cuồng tìm người hướng đạo cầu cứu, nhưng chỉ mới
thoáng đó là y đã biến dạng đâu mất rồi. Tao quày quả trở
lại, lang thang trên những đường phố đông người qua lại mà
chẳng biết phải giải quyết cách nào. Xứ lạ không một người
quen, biết tìm đâu ra chỗ dung thân qua đêm ? Tao lầm lũi tìm đến
một con lộ vắng vẻ, định chui vào một góc tối om, nằm im chờ
sáng
thì có tiếng chó sủa, người nhà vác gậy gộc ra đối
phó với phường trộm cắp. Tao luýnh quýnh xin lỗi, rồi vội vã
bước nhanh mà vẫn còn nghe được tiếng lầm bầm chưởi bới thô
tục của gia chủ. Tao đổi hướng đi, theo những con đường sáng
sủa, và bất ngờ, tao lạc bước đến ga tàu hỏa Phan Thiết. Nhà ga
đông cả ngàn người, phần lớn là dân buôn bán hàng lậu, họ
ngủ đêm để sẵn sàng xếp hàng mua vé đi chuyến xe lửa khởi
hành lúc năm giờ sáng. Được lẫn lộn trong đám đông cũng đỡ
lo, nhưng họ ngủ đêm tại nhà ga thì đã chuẩn bị chiếu hoặc tấm
nylon để nằm, còn tao thì trụi lủi chẳng mang theo thứ gì, nên đi
tới đi lui, ngồi gần đám nào cũng sợ họ nghi ngờ. Cuối cùng,
tao khám phá ra một cái nền tráng xi măng, người ta nằm thành hai
hàng, và tao cũng chen nằm theo họ. Tưởng đã thoát nạn, nào ngờ
chừng một giờ sau, thì có hai chiếc xe công an, bao vây nhà ga, inh
ỏi dùng loa phóng thanh, kêu gọi đồng bào giữ trật tự để họ
lùng bắt bọn phản động lẫn trốn trong nầy. Họ chia từng toán lục
soát rất kỹ. Tao nghĩ đời tao kể như tiêu rồi, tao muốn bình tĩnh
không sợ hãi, mà vẫn cảm giác rõ rệt tóc gáy tao dựng đứng
lên, trong khi mồ hôi lạnh ngắt toát ra từng hồi. Một toán ba tên
công an trách nhiệm khu sân xi măng tao nằm, một tên chận phía ngoài,
giữ những kẻ tình nghi, hai tên còn lại mỗi tên phụ trách một
hàng, lần lượt tra xét giấy tờ từng người. Tao thấp thỏm chờ
đợi tới phiên tao, như một tử tội chờ máy chém rơi xuống cắt
đầu. Từ thuở giờ, tao chủ trương tự lực, gieo nhân nào thì
lãnh quả nấy, nghiệp mình mình chịu, và do đó, chẳng mấy đồng ý
với pháp môn niệm Phật hay niệm Quán Âm. Nhưng đến lúc đó,
không còn cách nào khác, tao chỉ biết tập trung tinh thần niệm
"Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát". Khi công an
xét giấy tờø người nằm sát bên tao, tim tao đập thình thịch thiếu
điều muốn nhảy tung ra khỏi lồng ngực, tao nhắm mắt lại niệm lấp
vấp loạn xạ. Mấy phút nặng nề trôi qua mà chưa thấy tên công an
khều ngồi dậy để xét giấy tờ, tao vội mở mắt hí hí xem thử,
thì té ra nó đã xét qua khỏi chỗ tao rồi. Tao thoát nạn một cách
kỳ diệu, may mắn không thể tượng nỗi, và tất cả niềm tin của tao
đặt trọn vào nguyện lực nhiệm mầu của Quán Thế Âm Bồ Tát !
Mầy có tin nỗi điều nầy không Năm ?
- Dĩ nhiên là tao tin ! Khi mình niệm
danh hiệu Quán Thế Âm nhất tâm, thì mình có thể ở trong trạng
thái thiền định, khiến xác thân biến mất trước nhục nhãn của con
người. Trong thiền sử, có kể đến vị thiền sư quán mình là
nước, kẻ bàng quang nhìn không thấy thiền sư, mà chỉ còn thấy
nước mà thôi. Trường hợp, niệm Quán Âm chân thành, nhất tâm
bất loạn, thì chắc mình biến thành khối âm thanh, thằng công an
không thấy là phải rồi !
- Mầy lầm rồi Năm ! tao niệm Quán
Âm đâu được nhất tâm. Tao niệm mà tim đánh "lô tô",
mắt mở hi hí dò chừng biến chuyển ! niệm lập dập chẳng ra gì
hết, vậy mà vẫn hiệu nghiệm mới là điều đáng nói chớ ! (1)
- Tụi nó có bắt được ai không
Hoàng ?
- A ! nghe phong thanh có chừng năm
người bị bắt giữ ! ưng oan không rõ ! Người ta lăng xăng bàn
bạc ỏm tỏi, nhưng mình có tịch đâu dám hỏi han ai, chỉ biết nằm im
thinh thít chờ đến hừng sáng, mua vé xe lửa dông tuốt về Saigon an
toàn. Ba tuần sau, tao móc nối đường dây khác, vượt biên ngả
Vũng Tàu. Chuyến đi nầy may mắn chẳng có gì đáng nói. Tàu cập
bến Trengganu Mã Lai, tao được chuyển sang trại tị nạn sống một năm
thì được vợ con bảo lãnh về Hoa Kỳ. Tao hí hửng chuẩn bị dang hai
tay ôm chầm hạnh phúc, ngờ đâu, lại đón nhận niềm khổ đau chua
xót tột cùng. Chắc mầy không tin nỗi điều nầy: sống trong tù cực
khổ mà tao bình thản, không hề nghĩ đến cái chết, còn đến nước
tự do, sung sướng tấm thân thì tao lại lảng vảng mơ chuyện quyên
sinh hàng trăm lần ! Bị kẻ thù hành hạ thâm độc thật ra dễ chịu
đựng hơn bị thân nhân khinh rẻ dằn vật Năm à !
- Vậy mà tao đinh ninh mầy tốt phúc
nhất đời chớ ! Ai cũng khen chị ấy đảm đang đức hạnh, vừa
nuôi dạy con học thành tài, vừa chu cấp cho chồng học tập đầy
đủ kia mà !
- Thì chính tao cũng "tưởng
bở" như vậy đó ! Chỉ đến khi tới Mỹ, thực sự chung sống
với bả, tao mới biết đá biết vàng Năm à ! Mầy nghĩ coi ! ngày
bước xuống phi trường tao yên chí sẽ có đông đủ thân nhân bạn
bè hân hoan chào đón, ngờ đâu chỉ hiện diện vỏn vẹn hai mẹ con
đợi chờ lợt lạt. Sau giây phút tay bắt mặt mừng, tìm hỏi lý do
mới biết bả cố ý không thông báo cho ai hay biết gì cả ! Tao tảng
lơ không thắc mắc vụ đón rước nữa, nhưng thật ra, tao tủi thân
biết đến chừng nào ! Tao bị tù cải tạo vì hoàn cảnh mất nước,
chớ tao đâu phải là loại tù tội lưu manh, trộm cắp gì, mà khi
đón rước tao bả xấu hổ phải dấu diếm mọi người ! Trong buổi vui
mừng đoàn tụ đó, tao cứ phập phòng lo sợ cho nguồn hạnh phúc
mong manh tan vỡ ! Tao thấp thỏm tự hỏi mình có hành động gì bất
xứng không, mà dường như có niềm thất vọng, một chút thẩn thờ
phưởng phất trong nụ cười gượng gạo của bả ?
Tao chợt
ngắm kỹ bả, đem so lại con người mình, rồi nhột nhạt hiểu rõ
nguyên nhân. Mầy ơi ! trong khi bả vẫn giữ được nét trẻ đẹp
sắc sảo ngày xưa và chưng diện kiêu kỳ diễm lệ, thì thân tao lại
lam lũ, lụ khụ, như một kẻ ăn mày. Bả mắc cỡ không cho gặp ai
là phải quá rồi ! Tao bỗng dưng cảm thấy nghèn nghẹn, bao nhiêu
lời, bao nhiêu chuyện mà hơn mười năm xa vắng tao ấp ủ chờ đến
ngày gặp nhau tỏ bày đều tan biến đi mất. Tao lủi thủi theo bả mà
ngậm ngùi chứng kiến hạnh phúc tưởng ở tầm tay đã tuột mất
tự bao giờ. Về tới nhà, vừa dợm để điếu thuốc lên môi, thì
bả đã hét lên như phỏng lửa. Bả lên lớp dạy tao bài học về
sự độc hại của thuốc lá, chê bai cái mùi thuốc hôi hám nhơ
nhớp, rồi cấm tuyệt tao không được hút thuốc trong nhà.
Hoàng dừng lại, buông tiếng thở
dài, rồi buồn hiu kể tiếp:
- Mình đâu chẳng biết thuốc lá
độc, nhưng thời học tập cải tạo, mạng sống đã kể như chết
rồi, thì còn lo lắng chi chuyện sức khỏe nữa. Những đêm lạnh,
chuyền nhau hút một hơi thuốc dài, nghe lòng cũng ấm lại
tao
làm bạn với thuốc lá từ đó, chớ ngày xưa tao đâu từng phì
phà khói thuốc. Thật ra, dẫu tao lỡ ghiền như thế nào, mà bả
muốn tao bỏ thuốc thì tao cai ngay, đâu cần phải xài xể tao nặng nề
ngay ngày tao mới chân ướt chân ráo đến nước nầy ! Tao hiểu
thân phận mình, nên không hề ngạc nhiên khi bả viện cớ, mười
năm qua ngủ một mình đã quen, để sắp xếp ngủ giường riêng.
- Thế thì tối, mầy có mò sang bả
không ?
- Tao trằn trọc đêm nầy qua đêm
khác, chờ đợi bả tỏ vẻ khuyến khích tao "mò", nhưng rồi
hoàn toàn vô vọng. Có khi tao nghe lòng thôi thúc làm càn, định ôm
chầm lấy bả để thủ thỉ lời thương yêu, nhưng ám ảnh bởi thái
độ lạnh lùng, xa lạ của bả mà "teo" mất nguồn hứng cảm !
Hoàn cảnh tao khốn nạn như vậy đó ! có khách đến thì vợ chồng
đóng kịch hạnh phúc mừng vui đoàn tụ; khách về, thì tao lại ké
né, tủi thân trước thái độ ruồng rẫy khinh thường của bả. Mầy
biết không ? bả coi tao như không hiện diện trong nhà, bàn bạc chuyện
gì chỉ nói với con, chớ chẳng lý gì đến tao. Bà muốn mua sắm vật
dụng, thay đổi trang trí, thay xe đổi nhà
, tao là thằng chẳng có
cắc bạc sao dám lăng xăng ý kiến, nhưng nếu bả hỏi ý mình lấy
lệ thì đỡ tủi thân cho tao biết chừng nào ! Bị bả xa lánh, tao
bèn tìm mọi cách để gần gũi bả, nhưng con người bả, giống như
cây xương rồng vậy, lúc nào cũng tua tủa gai thật khó mà thân
cận mầy à !
- Mụ vợ nào chẳng rắc rối khó
chịu ! mụ nào chẳng là xương rồng khó ưa ! Hoàng à ! Vợ tao cũng
gai góc chớ có vừa gì ! Có lần bực quá tao chỉ trích bả:
"Bà hả ! Bà chính là thứ xương rồng gai góc khó ưa ! đá
động gì tới bà thì bà gây gổ, cằn nhằn nhức đầu nhức óc,
không ai chịu nỗi !". Thế nhưng bả lại cười xòa, chỉ trích
ngược lại: "Chà ! bộ ông tưởng lúc nào ông cũng hòa nhã
dễ thương sao ? có khi ông cũng sừng sộ gai góc chớ bộ !".
Chừng suy nghĩ lại, tao khám phá điều nầy Hoàng ạ ! Người mình
lạc lõng xứ người, vật lộn với đời sống mới, tiếp xúc nền
văn hóa khác biệt, đầu tắt mặt tối quay cuồng chạy theo nhu cầu
sinh sống, thét rồi tâm tính mình cũng đổi thay, tương tợ như loài
cây sinh sống với khí hậu khắc nghiệt phải trang bị gai góc để
sống còn. Bà xã tao đâu còn vẻ e lệ, thùy mị
ngày xưa nữa,
giờ thì bả nhậm lẹ, tháo vát và cũng hay lằng nhằng gây gổ
thất thường nữa ! Nhưng sống với bả thì tao cũng ráng tập thương
luôn mấy cái gai của bả, chớ biết làm sao bây giờ !
- Năm à ! mầy đừng bày đặt
dựng chuyện để an ủi tao ! Vợ tao mà cằn nhằn gây gổ giận hờn
bình thường thì tao hạnh phúc lắm rồi ! đằng nầy, mỗi cử chỉ,
mỗi lời nói của bả đều hàm chứa vẻ khinh lờn chán ghét, và
điều đó mới làm tao ray rức khổ nhục chớ ! Mầy nghĩ coi ! mình
mới định cư, đầu óc rối ren trăm mối, lơ đãng đi tiểu quên bấm
nước dội cầu. Chuyện chẳng đáng gì, mà bả coi như đó là chuyện
bần tiện kinh khủng ! Bả cằn nhằn nói tới nói lui hàng trăm lần,
chê bai tao ở dơ, tao lẩm cẩm
Vật dụng linh tinh sắp xếp trong
nhà, mới qua mình làm sao nhớ hết một lần, vậy mà tìm ly tách,
tìm hủ đường, hộp tiêu
chậm chạp thì bị chê ngay là lẩn
thẩn, cà rề
Thật ra, thì bất cứ chuyện gì tao làm, phải trái
gì bả cũng biếm nhẽ, xỏ xiên, hành hạ tao cả. Mầy nghĩ coi ! quần
áo tao sắm bên trại tỵ nạn, qua đây bả chẳng đề nghị mua đồ
khác, tao tự ái cũng không đòi hỏi, thế mà mở miệng ra thì bả
chê tao ăn bận nhà quê, vậy có vô lý không ? Bà không nói năng
đến việc dợt tao lái xe. Thằng em cột chèo qua thăm, thấy tao tù
túng trong nhà tội nghiệp, tập dợt, đưa tao thi bằng lái xe, rồi cho
luôn chiếc xe cũ, để tao có phương tiện đi đó đi đây. Tao mừng
húm chưa yên thì bả đã lải nhải trách cứ tao bày đặt than thỉ
nhờ vả với người ngoài làm mất mặt bả, trong khi đó, chỉ mới
tuần trước thôi, thằng Thịnh tổ chức ăn mừng, rồi công khai đề
nghị giúp tao bằng cách mướn tao làm nhân viên văn phòng dịch vụ
của nó, mỗi tháng trả lương ủng hộ một ngàn năm trăm đồng. Kể
ra tiền lương đó đối với tao là quá trọng hậu, nhưng vừa nghe
Thịnh kể sơ sơ công việc, tao cảm thấy trong cách làm ăn của nó
có điều mờ ám bất thường
, nên tuy tiếc mà tao vẫn bấm
bụng từ chối. Chuyện nầy thì trái lại, bả xỉa xói nói móc họng:
"Hứ ! qua đây còn muốn làm ông là cha ai nữa, nghèo mạc rệp
mà bày đặt kênh kiệu, không chịu nhờ vả bạn bè !". Bả đối
với tao như vậy đó ! Tao ráng hết sức, tìm đủ mọi cách làm cho
bả vui, mà càng lúc càng cảm thấy mình vụng về, và chỉ làm cho
bả thêm khó chịu mà thôi ! Tao điên đầu chẳng biết phải hành
động, nói năng gì cho hợp lý đây !
- Trường hợp bất mãn thường
trực nầy, phải có "dĩa bánh ích" dâng nạp thì họa may mới
yên cửa yên nhà được !
- Đúng vậy ! tao cũng nghĩ đến
điều đó. Tuy nhiên, "dĩa bánh ích" năm xưa đã thiu rữa
từ ngày mất nước rồi, còn đâu nữa mà dâng với nạp ! Biết
thân phận mình, tao né bả, tao lặng lẽ ở ngoài vườn làm bạn
với cây cỏ cho qua ngày !".
Thím Năm đang hấp dẫn theo dõi câu
chuyện, bỗng gặp mấy tiếng lóng khó hiểu, vội lên tiếng chận
ngang:
- Ơ ! ngưng cho em hỏi vụ nầy cái
đã ! "dĩa bánh ích" là cái giống gì mà hai ông đối đáp
nhau tương đắc quá vậy ?
Chú Năm cười ngất giải thích:
- Đó là tiếng lóng riêng của tụi
anh, bắt nguồn từ câu chuyện tiếu lâm trong chùa như thế nầy: Một
ông thầy tụng dẫn chú tiểu đi đám ma. Lễ lạc xong, thầy trò
được đãi đằng một trận no nê, ngoài ra chủ còn ưu ái gói
nguyên dĩa bánh ích giao cho chú tiểu. Thầy trò ra về đường xa.
Thầy hẩu món bánh ích, sướng rơn trong lòng chờ đợi trò dưng
nạp mà thằng nhỏ lờ khờ chẳng biết bụng dạ thầy, cứ giữ
riết bánh mà te te đi trước. Im lặng thì thiệt thòi, còn nói ra
lại mang tiếng tham ăn với đệ tử, đau khổ thầy tằng hắng nhắc
chừng mà thằng nhỏ vẫn ngu si chẳng biết. Cuối cùng bực bội
không chịu nỗi thầy lên tiếng gây: "Bộ mầy là thầy tao ! sao
mầy dám đi trước tao". Thằng bé hoảng hồn chậm bước, lẽo
đẽo theo sau thầy. Thằng bé bây giờ lại ở ngoài tầm mắt của
thầy, đó mới là chuyện hung hiểm khôn lường chớ ! rủi ro nó
tà tà "quất sụm" cả dĩa, thầy làm sao hay biết kịp thời
để chận đứng đây ! Nguy quá thầy hét vang: "Bộ tao là vịt hay
sao ! mà mầy đi sau để lùa tao như vậy ?". Đi trước trật, đi sau
trật, thằng nhỏ luýnh qua luýnh quýnh lướt lên đi ngang hàng với
thầy cho phải phép. Nào ngờ, ông thầy liếc thấy bánh ích cầm
lòng chẳng đậu, hầm hừ khiển trách: "Bộ tao là bạn mầy hay
sao ! mà mầy dám đi ngang hàng với tao hử ?". Thằng bé bối rối
chẳng biết phải làm sao, loay hoay cầm dĩa bánh mà vẫn ráng chấp tay
kính cẩn: "Thưa thầy ! xin thầy chỉ dạy con phải đi cách nào cho
đúng !". Ông thầy coi như trò dâng bánh, quơ nhanh thồn hết vào
hồ bao, rồi mới từ hòa lên tiếng: "Con ngoan ! con hiếu thảo
lắm ! Ơ ! còn vụ đi đứng hả ? thầy nói cho vui vậy thôi, chớ con
đi trước, đi sau hay đi ngang với thầy sao cũng được cả mà !".
Thím Năm cười rưng rức, tò mò
hỏi tiếp:
- Dĩa bánh ích của anh Hoàng có phải
là hào quang bạc tiền, danh vọng ngày xưa chăng ?
- Vừa thôi bà ! thắc mắc chi kỹ
như vậy ! chỉ biết thằng Hoàng lớ ngớ cầm cái dĩa trống không đi
tới đi lui thì chỉ làm bực mình người ta mà thôi !
- Ừa đồng ý bỏ qua vụ nầy ! anh
kể tiếp chuyện anh Hoàng nhanh nhanh lên ! kẻo em sốt ruột lắm rồi !
- Đang kể nửa chừng, em hỏi giựt
ngang làm anh cụt hứng rồi ! thôi để bữa khác vậy !
- Em thích nghe liền hà ! em năn nỉ mà
!
Chú Năm cằn nhằn bà xã lấy lệ
vậy thôi, nghe vợ vỗ về một câu là chú đã cười hì hì, trầm
ngâm nhớ lại chuyện cũ, rồi thuật tiếp:
"Thế rồi anh hỏi Hoàng:
- Mầy né tránh như vậy, sao còn xảy
ra nông nỗi nầy ?
- Ơ ! chiến tranh lạnh kéo dài cỡ
chừng ba bốn tháng, thì con em út của bả đến chơi, thở than chuyện
chồng con của nó. Con nhỏ ra về, thì bả nhắc chuyện xưa rồi trách
móc tao thậm tệ. Ngày đó, chồng trước con nhỏ nầy và anh kế nó
ra trường sỉ quan một lượt và đều bị đưa ra đơn vị tác chiến.
Ông bà già vợ nhờ tao vận động đem về chỗ văn phòng, dĩ
nhiên, là với uy thế tao lúc đó, tao dư sức làm được. Tuy
nhiên, xin xỏ một lượt hai đứa tao hơi ngại, nên tao lo cho thằng em
vợ trước, còn phần thằng cột chèo thì hứa sẽ gởi gấm ba
tháng sau đó. Rủi ro là mới hai tháng thì thằng nhỏ bị lọt ổ
phục kích chết ngũm. Chuyện dĩ lỡ rồi, không ai trách tao một
tiếng. Tao ái náy xin lỗi ông bà nhạc, ổng bả còn an ủi ngược
lại tao
Vậy mà, bây giờ cô em vợ có chồng khác, con cái cả
bầy, thì bà xã tao lại đem chuyện xưa ra càm ràm, tao không còn nhịn
nhục nỗi, nên lời qua tiếng lại. Cuối cùng, tao giận lẫy:
"Được rồi ! bà chán tui thì để tui đi cho khuất mắt bà !".
Tưởng bả ngán, ngờ đâu lại trúng kế bả, bả thách thức:
"Hứ ! tui không xua đuổi ai hết ! còn ở xứ tự do nầy, ai
muốn đi đâu thì đi ! đừng hòng bày đặt dọa nạt con
nầy
". Tao lui cui soạn đồ, rồi lầm lũi lái xe ra đi, mà
chẳng biết tìm đến chốn nào. Trên đường lang thang tìm một khách
sạn hẻo lánh mong thực hiện êm thấm ý nghĩ quyên sinh đang lởn
vởn trong đầu, tao ngừng lại đổ xăng tại đây. Cây xăng treo
bảng cần người, tao vừa điền đơn thì may mắn được ngay người
quản lý Việt Nam phỏng vấn. Hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của tao,
ông chấp nhận cho làm việc, mà còn hướng dẫn, bảo lãnh để
giúp tao thuê được chung cư nầy. Lụi hụi mà tao sống ở đây gần
hai năm rồi mầy à !
- Còn phần con mầy thì như thế nào ?
- Ơ ! nó đối với tao cũng lợt
lạt lắm ! làm tao buồn vô cùng. Mầy dư biết là tao thương con vô
ngần, nên ra đi tao nhớ thương khổ sở vì con, chớ phần bả thì tao
kể như mình thua cuộc, chẳng dám tơ tưởng gì nữa, nên chẳng còn
bận tâm.
- Mầy nổi tiếng là thương con, bị
bạn bè chọc quê là "ông vú em", làm sao quên được !
Ngày nó mới ra đời mầy đã nâng niu bồng ẵm, tranh dành phần
việc với vợ để ngủ với con, lo sữa, lo thay tả cho con
, rồi
mầy cũng đích thân dạy con ê a từng chữ i, tờ
, nắn nót
dạy nó tô từng nét chữ, chớ không để một ai thay thế cả. Có
lần về phép, tao tìm gặp mầy tại bệnh viện Sùng Chính, mặt mũi
mầy bơ phờ, vì mấy đêm liền thức trắng để canh giữ con bé trong
cơn bệnh sốt xuất huyết. Tao thấy mầy đã bù đầu với công việc
tại sở mà lại còn bận rộn quá đáng với con, nên cằn nhằn và
chê mầy là đàn bà, mà mầy vẫn cười hề hề không giận !
- Giờ thì tao vẫn thương con như vậy
đó, nhưng nó nào có nhìn nhõi gì đến tao ! Tao cho nó địa chỉ, dặn
dò nó, khi có thơ từ hay giấy tờ gì quan trọng thì mang đến dùm
tao, để hi vọng cha con gặp mặt. Nó đến hai lần, một lần tao vắng
nhà, lần khác, nó đi với thằng bồ của nó, nó ngồi ngoài xe,
thằng đó mang thơ cho tao, rồi đi ngay. Tao khoác áo chạy ra, thì chiếc
xe đã từ từ lăn bánh, tao không có cơ hội nói với nó nửa
lời. Nó đâu biết rằng, có những đêm nhớ con trằn trọc thức
trắng, chờ trời sáng tao lái xe một mạch đến gần nhà nó, đậu
xe chỗ khuất, núp nhìn nó ơ hờ lái xe đi làm buổi sáng, mà đau
lòng xót dạ. Đời tao tàn tạ kể như bỏ rồi, tao chỉ còn có
ước mơ là nắm được tay con thổ lộ được chút lời thương yêu
nhung nhớ mà thôi !
- Hoàng ! sao mầy không chịu gọi
điện thoại nói thẳng với nó là mầy thương, mầy nhớ nó
- Không được đâu Năm ! bây giờ
mình là kẻ thất thời, nghèo hèn, mình chẳng ra gì
mà mở
miệng kể lể nhớ thương, thì biết đâu nó lại nghĩ mình muốn nhờ
vả chớ không thật lòng ! Nói thương đã khó mà dạy dỗ lại
càng khó hơn ! Con gái tao và thằng bạn trai chưa hứa hôn chánh
thức mà tự do quá trớn tao đâu có hài lòng nhưng nào dám hở
môi. Thằng bạn đó hời hợt, không biết chiều chuộng con gái tao,
tao sốt ruột muốn khuyên nó một điều mà cũng đành câm nín ! Mình
nói năng lạng quạng, rủi nó khệnh cho một câu: "Xin can đi ông
già ! thân ông tự lo còn chưa xong, bày đặt lộn xộn dạy biểu
người khác mà chi !", thì có nước độn thổ!
Nghe bạn kể chuyện mà anh cũng đau
lòng như cắt ruột rồi, huống chi là nó. Anh thầm nguyện tìm cách
gặp cháu gái, kể lể hết nỗi niềm thương yêu của cha nó, để may
ra cháu gái hiểu biết, thương yêu cha một chút nào chăng ? Thế
rồi, để tránh lẩn quẩn với những chuyện buồn thảm về gia đình
Hoàng, anh dò la công việc làm ăn của nó:
- A ! Hoàng ạ ! ngoài nghề nầy ra,
mầy có thử tìm nghề nào khác thay đổi không vậy ?
- Ơ ! hồi mới qua, tao vác đơn đi xin
việc mấy tháng trời ! nơi nào họ cũng từ chối hết. Xin việc
hành chánh cao thì ai mướn mình, việc thấp thì bị phê là "over
qualified", còn các loại thợ dễ làm thì bị chê là "thiếu
kinh nghiệm". Tao nản quá, muốn đi học nghề chuyên môn, mà dính
với cây xăng nầy mười giờ mỗi ngày, làm sao đi học nỗi ! Mầy
có ý kiến gì giúp tao không Năm ?
- Mầy đã có vốn trí thức cao, nói
năng tiếng người trôi chảy, thì có thể tìm một số nghề tương
đối khá ngay được như: địa ốc, bảo hiểm, văn phòng dịch vụ,
cán sự xã hội và nhân viên bưu điện. Ba ngành nghề đầu không
mấy hợp với mầy, cán sự xã hội và bưu điện thì phải qua kỳ
thi tuyển, nhưng học hành thi cử là nghề ruột của mầy, tao nghĩ nếu
mầy quyết tâm, thì sẽ thành công !
- Ông quản lý cây xăng cũng khuyên
tao nên xin thi cán sự xã hội, nhưng tao đâu biết chương trình thi
cử như thế nào mà thử thời vận ? Có mấy thằng bạn Quốc Gia
Hành Chánh cũ cũng làm nghề nầy, nhưng tao xấu hổ chuyện gia đình
đâu dám liên lạc với ai để hỏi han !
- Được rồi ! tao sẽ bỏ ra hai ngày
tìm gặp bạn bè, thu thập hết mọi dữ kiện về hai ngành nầy, phần
mầy làm ơn nạp đơn, chui vào thư viện lục lọi tài liệu nghiên
cứu, rồi đi thi dùm tao ! Mầy hứa đi !
- Hì ! hì ! không bắt tao liên lạc
với ai thì tao chịu quá rồi ! học hành thi cử thì tao đâu có ngán
!
Thế rồi anh liên lạc bạn bè hỏi
thăm mọi việc cần thiết cho nó. Thời may, đúng lúc đó lại có
kỳ thi tổ chức hai tháng sau, nó nạp đơn vừa kịp. Hôm anh đi Cali
dự tang ma thằng Thịnh, thì nó đã báo tin thi đỗ hạng nhì. Đau một
điều, là dân thiểu số gốc Á Châu bon chen làm cán sự quá
đông, tỉ lệ đã cao không còn nhu cầu nữa, họ chỉ thiếu tỷ lệ
người gốc Phi Châu và Mễ, nên mấy người đậu thấp, được
tuyển còn nó vẫn còn ngồi chơi chờ thời mới ứa gan chứ
!".
- Tội nghiệp anh Hoàng quá ! chuyện
gì của ảnh sao nó cứ trục trặc hoài ! Năm nghe chuyện người mà
cũng cảm động rưng rưng nước mắt. Trầm ngâm một chút, thím lại
hỏi tiếp:
- Còn vụ gia đình ảnh, thì có tiến
bộ gì không anh ?
- Tiến bộ khỉ móc ! thấy nó nhắc
nhở vợ con thiểu não quá, khi từ giả anh mới khuyên:
- "Ở xứ nầy, già mà cô đơn
khổ lắm Hoàng à ! Con cái ở xa, xóm giềng lạnh nhạt, người ta
chỉ lẩn quẩn trong nhà với nhau, nên người xứ nầy già khù mà
vẫn còn xum xoe lấy vợ lấy chồng ! Họ kết hôn để có bạn tâm
tình, đỡ đần nhau chớ chưa hẳn là vì tình dục. Bởi vậy tao đề
nghị mầy, một là về hòa giải với bả, hai là dứt khoát, rồi
kiếm bà xồn xồn nào ráp mối mà an ủi tuổi già
- Không được đâu mầy ! làm như
vậy thì hóa ra tao tạo cái cớ cho bả ruồng rẫy tao sao ?
- Có lý do hay không lý do thì ăn
thua gì ? Người miền Bắc ta có câu ca dao thấm thía lắm:
Củi khô tôi vất xó vườn
Ai mà hỏi đến ? "trầm hương
của bà".
Bả chê mầy củi khô vứt đi, nhưng
mà có ai xâm xoi, thì bả lại thấy quí giá như trầm hương, rồi
rước mầy về không biết chừng !
- Không ! tao biết không được đâu
mà ! tao nhát gái từ nhỏ, đâu dám tìm ai tán tỉnh. Mà thật ra,
thì tao vẫn thương bả, tao đâu có thể tơ tưởng ai nữa được !
Chú Năm kết thúc câu chuyện bằng
lời càm ràm:
- Thằng lờ khờ làm sao á ! Vợ
nó tệ như vậy mà còn khư khư tình nghĩa !
Vụ gì thì thím Năm hoàn toàn đồng
ý với chồng, nhưng vụ xúi bậy nầy thì thím bất mãn nặng. Nói
cái kiểu nầy, có nghĩa là nếu rủi ro thím có lỗi gì là chú sẽ
thẳng thừng dứt khoát liền sao ? Thím phiền phiền hỏi móc chồng:
- Chà ! gặp tay ông, lơ mơ là ông
đá đít kiếm con khác liền phải không ?
Chú Năm kẹt cứng dùng dằng không
trả lời; chú cười hề hề cho "qua truông", rồi chợt nảy
ý ngoắt ngoéo hỏi lại vợ:
- Còn bà thì sao ? tui lỡ bị kẹt ở
lại, thân tàn ma dại đi đoàn tụ theo bà, bà liệu có đối xử
với tui khá hơn bà Mai không ?
Chú Năm đã biết chắc trăm phần
câu trả lời, dù vậy, chú cũng lắng nghe câu nói xuất phát từ
miệng vợ cho mát ruột mát gan chú. Ngờ đâu, mấy giây xốn xang
chờ đợi mà thím vẫn êm ru, khiến chú giật mình nhìn kỹ lại,
thấy vợ đang chìm đắm trong trạng thái suy tư kỳ lạ. "Cái gì
lạ vậy ! bả lặng yên tức bả cũng đồng hạng "cá mè một
lứa" như vợ thằng Hoàng rồi !", chú thầm nhủ. Chú vốn
chủ trương tùy thuận trả nợ oan gia, cởi bỏ ràng buộc để sẵn
sàng thênh thang nhẹ bước
mà đến lúc nghi ngờ oan gia lợt
lạt tình nghĩa thì niềm thất vọng chán chường bỗng dưng tràn ngập.
Nhìn cái bản mặt thấy ghét của vợ, chú nổi nóng lên, thiếu
điều muốn nện nguyên bàn tay trên má thím mới đã giận. Chú bắt
chợt niệm "ác" vừa khởi, vội nhớ lời dạy của chư tổ
"thấy vọng đừng theo", nên ngưng lại tủm tỉm cười. Chú
nghĩ, cuộc đời này, kể cả gia đình đều chỉ do nhân duyên hòa
hợp mà cảm thấy hiện hữu, nên là một thứ giả rồi. Trong môi
trường giả đó, mình lại đưa ra cái giả thuyết để rồi tưởng
tượng nghi ngờ, cho hờn giận, buồn phiền sanh khởi, quả là làm
chuyện vô lý như khoác chiếc áo lông rùa, rồi lại tự cấm cho
mình cặp sừng thỏ (2). Chú bỗng
liên tưởng đến chiếc áo nặng bảy cân của tổ Triệu Châu (3) rồi thầm nhủ: "Cái áo - áo
nghiệp - của mình, có lẽ phải nặng đến ngàn cân. Mình tự hào
biết bản chất nghiệp vốn là không, vậy mà cái áo nghiệp đó
đôi khi đã đè mình nặng trìu trĩu đến ngộp thở, không dảy dụa
không nhúc nhích gì nỗi. Ôi ! mình học đòi buông bỏ, nguyện buông
hết lợi danh, thương yêu, ganh ghét
, vậy mà mới nghi mụ vợ
lợt lạt, thì ruột gan đã rối rấm tơi bời, thật là quá
tệ!",
Luồng tư tưởng của chú bỗng bị
cắt ngang, khi thím chợt tình tứ nắm tay chú thỏ thẻ:
- Nè anh à ! em sẽ trình bày ý kiến
của em một cách thành thật, mà em giao trước là anh không được
giận đó nghen !
Lần nầy, đã chuẩn bị tinh thần kỹ
lắm rồi, nhưng nghe mấy chữ "ý kiến thành thật", chú cũng
giật mình thóp ruột gan một chút. Chú cười lỏn lẻn đáp:
- Ơ ! Anh hứng chí hỏi chơi, chừng
nghĩ lại anh thấy bỗng dưng sao mình lại xía vào chuyện thị phi của
người, rồi lại còn tiếp tục bày vẽ thêm chuyện để xà quần
với nó nữa ! Đã bậy lại càng thêm bậy ! Thôi mình bỏ qua
chuyện đó đi em ! Thím vùng vằng:
- Em hổng chịu đâu ! ai biểu anh hỏi
chi ! Anh hỏi thì em phải có ý kiến chứ!
Thế rồi, thím đổi giọng thật
nghiêm trang tiếp lời:
- Từ lâu, khi biết vụ anh Hoàng
vừa mới đoàn tụ đã buồn tình xách gói ra đi, em liền có ngay
phán quyết trong đầu về chị Mai. Em cũng hùa với mọi người, gán
cho chị ấy những chữ phụ bạc, quá quắt, vô hậu
, và dĩ
nhiên, em hời hợt tự tin rằng dẫu cho bao nhiêu năm cách biệt em
vẫn chung tình trọn nghĩa với chồng
Thế nhưng, hồi nãy khi anh
chánh thức hỏi em, để trả lời chín chắn em bèn đặt mình vào
hoàn cảnh của chị Mai, rồi bỗng khám phá rằng vấn đề trở nên
phức tạp khác thường. Mười năm xa cách, hai tâm hồn hòa hợp
năm xưa đâu còn nữa. Đời sống hai nơi quá khác biệt, đã xô
đẩy tâm tính hai người biến đổi theo chiều hướng trái nghịch nhau:
từ quan niệm sống, lề lối suy tư, nếp sống tâm linh, đến những
cử chỉ vụn vặt tầm thường trong việc ăn uống ngủ nghỉ nữa. Ai
cũng thấy người kia thay đổi trọn vẹn, và cũng đồng thất vọng
trong lòng. Hai đứa mình cũng thay đổi từng giây từng phút, nhưng
sống bên nhau, thay đổi từ từ và cùng chiều khiến mình không
thấy được. Em thương yêu anh, đinh ninh như yêu đích thực con
người năm xưa, chớ thật ra thì anh bây giờ khác hẳn ngày xưa
nhiều lắm. Giả thử mình xa nhau mười năm, thì hình ảnh của anh trong
tâm em, vẫn là người thanh niên trẻ hào hoa, lanh lợi, ngang tàng
thuở trước. Nếu anh thay đổi như con người hiện tại em cũng còn
thất vọng, huống chi, anh lại sống trong hoàn cảnh khốn cùng, bất
an
trong nước, cả con người bị hủy hoại, anh già nua lụm cụm
trước tuổi, anh đờ đẫn lo lắng bâng quơ, rồi anh lại câm nín
trong mặc cảm triền miên
thì chắc lòng em tan nát lắm, sống
với nhau có lẽ chỉ là gượng gạo, đóng kịch để khỏi mang tiếng
là kẻ bạc tình bạc nghĩa mà thôi !
- Khâm phục ! bà xã tui cao hứng
phân tách nghe được quá !
- Cuộc sống bên nhau lợn cợn đâu
phải lỗi riêng của một người ! đáng lẽ vợ chồng phải lắng
lòng tìm hiểu nhau để xóa mờ khác biệt, nhưng điều éo le, là cả
hai chỉ muốn nói và chẳng ai chịu nghe. Người chồng chỉ thích nhắc
tới nhắc lui dĩ vãng vàng son và thời ngục tù hào hùng
điều đó vợ lại nhàm chán. Vợ mải mê nhắc đến thành công
trong nếp sống hiện tại, khả năng thích ứng với xã hội tây
phương của mình, thì chồng mặc cảm lơ là
- Khó thật ! khó thật ! hoàn cảnh
của thằng Hoàng rất đáng thương, nhưng qui hết lỗi về chị Mai cũng
tội cho chị ấy ! Có lẽ chị cũng bị dày dò, cũng mang nỗi khổ tâm
khó ngỏ cùng ai, phải không em ?
- Đúng vậy ! phải ở trong hoàn
cảnh của chị ấy, thì mới hiểu rõ con người thực của mình như
thế nào ? Biết đâu mình còn tệ bạc hơn chị ấy thì sao ? Bởi vậy,
nghĩ đến những lời mình lên án chị ấy ngày xưa, em thấy cũng hơi
hổ thẹn.
- Thì chính anh cũng vậy, anh không
đến nỗi dùng chữ nặng nề, nhưng lòng anh cũng mấy phần khinh khi
chị ấy. Kể ra, nghĩ xấu cho chị Mai là điều không phải. Anh đề nghị,
Tết này mình đi Cali chơi, thăm chị Mai để tỏ tình thân thiện, một
cách xin lỗi ngầm chị ấy vậy ! Nhân dịp, anh cũng muốn có cơ hội
để gợi ý cho cháu gái về thăm thằng Hoàng nữa.
Chuông điện thoại reo vang, ngắt ngang
câu chuyện hai vợ chồng. Chú Năm bắt điện thoại, mừng rỡ reo
vang:
- Hoàng hả ? có gì vui không ?
- Tao đã đi làm cán sự xã hội
một tuần rồi ! May mắn là có người cán sự gốc Tàu nghỉ việc
nên họ tuyển tạo trám chỗ hắn. Đáng lẽ tao liên lạc cho mầy ngay,
nhưng tánh tao cẩn thận quen rồi, chờ chắc chắn không gì trục trặc
mới gọi mầy !
- Vui quá là vui ! mầy qua sau mà ngon
lành hơn tao rồi nhé ! Chà ! làm "thầy", có văn phòng
riêng, điện thoại riêng ! sang nhỉ !
- Hì ! hì !
- Ê ! có việc thơm rồi, từ nay tao
có quyền chỉ trích, chưởi bới mầy, mầy không được giận đó
nghen !
- Tầm bậy ! mình là bạn nối khố !
đời nào tao giận mầy !
- Không giận thì tao nói điều nầy.
Lúc mầy thất thời, mầy mặc cảm quá sức ! mầy tự làm khổ mầy
mà mầy cũng làm khổ lây người khác nữa Hoàng ạ !
- Có lẽ đúng đôi phần !
- Tết nầy vợ chồng tao dự định đi
Cali chơi. Tụi tao ráng cố gắng móc nối mời chị dùng cơm, rồi dàn
cảnh cho mầy gặp mặt. Mầy nghĩ sao ?
- Ơ ! ơ
- Bây giờ, dù sao mầy cũng tự tin
mầy có "dĩa bánh ích" rồi, mầy bớt mặc cảm, vả lại sống
bên nầy một thời gian nên khác biệt giảm dần, tao nghĩ mầy sẽ
cởi mở, sẽ thông cảm với bà xã mầy hơn ngày trước
- Ừa ! mầy muốn hòa giải thì cứ
thử làm ! phần tao, tao sẽ tỏ thiện chí nhưng tao nghi khó ai có thể
lay chuyển bả nỗi !
Chú Năm hàn huyên với bạn hào
hứng, từ chuyện nầy sang chuyện khác, đến khi buông điện thoại
xuống, mà niềm sung sướng về tin vui của bạn vẫn còn đầy ấp trong
lòng.
Thím Năm tuy chỉ nghe phần chồng đối
đáp cũng hiểu gần hết nội dung câu chuyện, dù vậy thím vẫn nôn
nóng, chỉ chờ chồng gác máy điện thoại, để xum xoe đòi chồng kể
rõ từng chi tiết cho thỏa mãn tính tò mò muôn thuở của đàn bà.
Thím reo vang:
- Anh ơi ! anh !
Nguồn cảm hứng tràn dâng bỗng bị
vợ phá rối, chú bực bội nhăn nhó hỏi:
- Cái gì nữa vậy bà !
Thím thấy chồng đổ quạu "ngang
xương" thì cũng giận dỗi:
- Không có gì hết !
Chú Năm mỉm cười. Chú cười mụ
vợ nhiều chuyện và cũng tự cười mình đã hơ hỏng để tâm
buông lung chạy theo chuyện đâu đâu, quên mất giây phút hiện tại,
đến nỗi niệm sân lâm le sanh khởi. Chú trầm tĩnh lại, thở vào
một hơi dài, ý thức mình đang thở và ý thức giây phút hiện
hữu tuyệt vời của sự sống. Chú đâu có "hưỡn" (4) mà bận tâm chi chuyện phiền não
xa xôi đó nữa. "Bây giờ và ở đây", cả thế gian nầy
chỉ còn hiển hiện ra mình thím đang phụng phịu khó ưa ở trước
mặt. Chú giả lả vỗ về:
- Ối chà ! cây xương rồng yêu quí
của anh lại nổi gai rồi ! Ơ sao lạ quá ! khi trổ bông đã đẹp, mà
lúc nổi gai thì cũng dễ thương quá chừng chừng hà !
Tháng 10.1993
Ghi chú:
1. Câu chuyện niệm Quán Âm nầy là
chuyện thật 100%, do người bạn tín nhiệm chứng nghiệm kế. Tác giả
ghi lại diễn tiến nội vụ, kể cả những cảm nghĩ trung thực của
người trong cuộc và cho vào chuyện ngắn nầy. Bạn đọc có thể tin
trường hợp nầy là sự kiện nhiệm mầu hay coi đây chỉ là một
sự trùng hợp vô tình. Điều duy nhất mà tác giả có thể đoan
chắc với quý vị là vụ thoát nạn nầy là một câu chuyện có
thật.
2. Lông rùa và sừng thỏ là một
thuật ngữ Phật giáo dùng để chỉ chuyện vô lý, không thực có.
3. Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
"Kinh nói muôn vật trở về cái một, vậy cái một trở về gì
?". Tổ đáp: "Khi tôi ở Thanh Châu có may cái áo nặng bảy
cân". (trích Thiền Luận, bộ thượng, bản dịch Trúc Thiên, trang
463).
Tác giả xin góp lời bàn tầm
ruồng như sau: áo nặng đến bảy cân, có lẽ là loại áo lông
đặc biệt, dệt bằng lông rùa. Áo nghiệp cũng dệt bằng lông rùa,
do mỗi người tự tạo vật liệu, tự may, tự trồng vào. Tổ sư là
bậc "Tùy duyên tiêu cựu nghiệp. Nhậm vận trước xiêm y",
mà khi xả thân độ đời, khoác áo nghiệp vào, trong tự tại vẫn
cảm giác áo lông rùa trĩu nặng đến bảy cân. Kẻ phàm phu, dẫu
có huênh hoang hý luận nghiệp bản chất không, nhưng chiếc áo lông
rùa nầy chắc hẳn nặng cả ngàn cân, đè bẹp hành giả, không
vùng vẫy gì được, là chuyện bình thường !
4. hưỡn: rảnh rang, nhàn nhã.
- Vi tính: Hải Hạnh