- Hoằng nguyện thênh thang
- Huỳnh Trung Chánh
(Với tất cả lòng ngưỡng mộ, chân
thành kính dâng hòa thượng Trí Thiền, vị thiền sư đã dâng hiến trọn
đời mình cho dân tộc và đạo pháp)
Ngoài công việc ruộng nương rẫy
bái, làng xã quanh thị trấn Rạch Giá, mỗi vùng đều sở trường một ngành
nghề đặc biệt. Sóc Soài sản xuất nồi, An Hòa đánh cá làm khô, Tà
Niên dệt chiếu, loại chiếu hoa vừa đẹp, vừa bền, nổi tiếng khắp cả
miền Tây. Người địa phương đã ca ngợi tài nghệ của gái Tà Niên,
trai An Hòa bằng lời ca dao tả chân mộc mạc và rất gợi hình như sau:
- Gái Tà Niên, mồm viền chỉ đỏ
- Trai An Hòa lớn nhỏ xỏ xâu. (1)
Chú sáu Trinh lẩm nhẩm lời ca
dao, thấm ý nhìn người vợ Tà Niên duyên dáng của mình mỉm cười. Hình
ảnh người vợ đảm đang ngồi dệt chiếu, dưới ánh trăng dễ thương làm
sao, chú khao khát muốn khoác tay nàng âu yếm, nhưng thím bận bịu bù đầu,
đâu còn lòng dạ nào "chiều chồng" được. Chú thơ thẩn nhìn trăng,
lòng bỗng nôn nao nhớ đến mùa trăng rộn ràng của hai mươi năm về trước.
Ngày ấy, tại Sân Chim, cách chốn nầy chẳng xa, đoàn nghĩa quân của cố
lãnh binh Nguyễn Trung Trực, đã đồng thề nguyền xả thân diệt giặc
Pháp xâm lăng cứu nước. Thế nhưng, tiệc lớn chẳng thành, nghĩa quân
tan nát, chủ tướng Nguyễn Trung Trực (2) bị Tây xử trảm, còn chú thì
phải đơn thân trốn lánh tại chốn nầy hơn sáu năm rồi. Chú xúc động
cất tiếng ngâm nga:
- "Chim quyên xuống núi ăn trùng
- Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốn than"
Người anh hùng lỡ vận thời
nay, không có cơ hội làm than như người xưa, thôi thì đành vào bưng, nhổ
lát mang về cho vợ dệt chiếu, làm phương kế sinh nhai. Sống êm đềm bên
vợ hiền con ngoan, mà người trai lỡ vận thỉnh thoảng vẫn ngậm ngùi nhớ
lại lời nguyền đuổi giặc ngoại xâm thuở trước. Đôi mắt chú bỗng
rực sáng niềm tin khi chú nhìn sang đứa con trai đang ngủ yên trên chõng.
Chú tin mãnh liệt là thế hệ mai sau, thế hệ của thằng bé Đồng, sẽ
anh dũng trương cờ khởi nghĩa đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước
nhà. Nghĩ đến tương lai của con, lòng chú bỗng chùn lại ! Đời thằng bé
không thể bị chôn chặt ở chốn nầy ! Nó phải được học hành. Nó phải
được đào luyện chí khí để sẵn sàng dấn thân cho tổ quốc như cha của
nó.
Chú suy nghĩ miên mang khá lâu, rồi
mới ngập ngừng lên tiếng:
- Má thằng Đồng à ! Tui muốn bàn
với má nó chuyện nầy !
Thím ngưng tay, trìu mến nhìn chồng
chờ đợi:
- Có việc chi không Ông ?
- Tui có lỗi đã dấu diếm má nó
chuyện nầy. Tui sinh trưởng tại cù lao Gieng (3), thuộc gia đình theo đạo
Gia Tô đã mấy đời. Khi vua Tự Đức ban dụ cấm đạo, cha tui cùng vài vị
trong ban nhà thờ, đã bị bắt đưa về Gia Định trừng trị. Hai năm sau
người được thả về, thì cửa nhà tan nát, nên gia đình tui phải lưu lạc
sang vùng Cái Dầu, Cao Lãnh sinh sống qua ngày. Khi bọn Pháp xua quân tấn
chiếm ba tỉnh miền Đông, bọn chúng đã cho người đi móc nối những con
chiên tản lạc về cộng tác với chúng. Chủ trương giúp Pháp chiếm nước
cai trị để được tự do tín ngưỡng, vừa để trả thù cho thời bị khủng
bố, vừa lại được "sớm sâm banh, tối sữa bò" hấp dẫn lạ
lùng, hầu hết những gia đình họ đạo cù lao Gieng đã hân hoan cộng tác
với giặc, mà nổi tiếng nhất phải kể đến tên Tổng đốc Lộc, hắn
tự cho mình có quyền tàn ác với đồng bào, trung thành với mẫu quốc,
vì cha hắn đã bị tù đày bởi dụ cấm đạo. Cha tui là một trong những
người đầu tiên được mời cộng tác, nhưng người đã cương quyết chối
từ. Quan niệm của người là tuy nhà vua sai lầm trong việc cấm đạo và
ngược đãi giáo dân, nhưng việc đòi hỏi tự do tín ngưỡng phải sử dụng
bằng phương cách nào khác, chớ không thể bằng hành vi phản quốc
"cõng rắn cắn gà nhà", mang đất nước dâng cho ngoại bang cai trị
để được hành đạo. Thấm nhuần tình yêu nước sắt son của phụ thân,
khi Pháp xua quân ồ ạt tràn xuống ba tỉnh miền Tây, tuổi mới mười sáu,
tui đã xung phong vào hàng ngũ dân quân chiến đấu bảo vệ thành Long Hồ.
Thành mất, dân quân tan nát, tui lâi được tin cụ Nguyễn Trung Trực, đang
ẩn náo tại vùng Sân Chim, huyện An Biền, bờ biển Rạch Giá, chiêu mộ
nghĩa quân chống Pháp, nên vội vàng tìm đến. Nghĩa quân được phân chia
đội ngũ và huấn luyện cấp tốc cho một trận tử chiến với kẻ thù.
Tui sớm được tín nhiệm và được chủ tướng chọn làm cận vệ, để
cùng chủ tướng giả dạng thường dân vào thành Rạch Giá nghiên cứu
thành lính Sơn Đá của địch. Cuộc điều nghiên hoàn tất, đầu tháng
sáu, nghĩa quân được điều động về Tà Niên, ẩn trú tại trại ruộng
của phó tướng Lâm Quang Ky dưỡng sức một tuần. Đến đêm 10.06.1868, tức
mùng 3 tháng 5 năm Mậu Thìn, chủ tướng hạ lệnh chia quân thành nhiều
toán nhỏ, dùng thuyền theo rạch Tà Niên di chuyển trong đêm đen, lặng lẽ
đổ quân lên bờ rạch Lăng Ông, nằm án binh cho đến 4 giờ sáng. Đoạn,
đúng y theo kế hoạch quân ta chia thành ba cánh, len lỏi đến sát thành Sơn
Đá, mới reo hò thị uy, rồi ồ ạt xung phong công phá thành địch. Bất
ngờ bị tấn công, súng đạn tối tân trong thế cận chiến trở thành vụng
về, hàng ngũ địch rối loạn và tan rã nhanh chóng. Chỉ trong một thời
gian ngắn, trận địa kết thúc, với bảy mươi ba xác địch quân, gồm 50
tên người Pháp. Nghĩa quân cũng bắt sống 6 tên lính khố đỏ và tịch
thu trên 100 cây súng cùng vô số đạn dược. Trong đám tù binh nầy, có
tên Lượm là người cùng họ đạo với tui tại Cù Lao Gieng. Hắn khóc
lóc nhắc nhở tình quen biết xưa, năn nỉ tui tìm phương cứu giúp. Tui mủi
lòng xin chủ tướng cho hắn cơ hội, được đoái công chuộc tội. Điểm
tui chẳng hề nghĩ tới, là từ vụ cứu tên Lượm, mà nhiều nghĩa quân
biết tui vốn thuộc gia đình đạo Gia Tô giòng, rồi họ bắt đầu xầm xì,
hoài nghi lòng trung quân ái quốc của tui. Chủ tướng thương yêu tin tưởng
tui như một đứa em nuôi cũng bắt đầu dè dặt. Người chuyển tui sang phục
vụ dưới quyền của phó tướng, ở lại giữ thành Rạch Giá, trong khi người
đưa đại quân đón giặc tại cảng Lục Dục, Núi Sập. Quân Pháp đưa toàn
lực quân sĩ, từ các tỉnh Vĩnh Long, Mỹ Tho ồ ạt phản công tái chiếm
Rạch Giá, quân ta bị tan rã nhanh chóng, chủ tướng phải rút quân về
Hòn Chông, rồi ra Phú Quốc tiếp tục chiến đấu. Tui kẹt trong toán quân
phó tướng Lâm Quang Ky bị thất lạc không theo kịp đoàn quân của chủ tướng,
đành phải lui về Sân Chim, rồi ngã ngũ. Chỉ vì tui theo đạo Gia Tô, mà
tui bị nghi ngờ, do đó không được kề cận chiến đấu sống chết bên
chủ tướng, tui đau lòng vô hạn. Điểm dầy vò tui hơn nữa, là tên Lượm
sống sót lại có dịp lập công to với người Pháp. Hắn ruồng bắt nghĩa
quân trốn tránh quanh thị trấn, khủng bố những gia đình yêu nước. Ngoài
ra, cũng chính hắn xúi giục Pháp bắt giữ mẹ của chủ tướng tại Hà
Tiên, bắt dân chúng các vùng yểm trợ nghĩa quân đem ra hành hạ, làm phương
kế áp bức cụ Nguyễn ra đầu thú. Thương dân lành và cũng nhận thấy vận
nước đã hết phương cứu vãn, cụ Nguyễn giải tán nghĩa quân, rồi ra
trình diện để chịu án trảm quyết tại chợ Rạch Giá. Nghĩa quân còn sống
sót đành ngậm ngùi nuốt hận làm dân bị trị, họ lầm lũi trở về quê
chôn kín lòng yêu nước của mình trong nếp sống tầm thường, an phận. Với
tui, cuộc chiến vẫn tiếp tục. Tui về vùng U Minh, hợp sức với hai anh
em Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự lập căn cứ chống giặc. Sau bốn năm,
căn cứ bị phá hủy, tui bèn tìm đến cậu Hai Lãnh, cánh quân còn lại của
đức cố quản Trần Văn Thành, tại Láng Linh để chiến đấu cho đến
khi lực lượng tan rã. Cuối cùng, tui lại cùng một số chiến hữu lập một
tổ chức đượm màu sắc tôn giáo là "Tứ Ân Hiếu Nghĩa", để
âm thầm kết hợp những phần tử yêu nước đưa về vùng Thất Sơn sinh
sống, chờ ngày dựng cờ khởi nghĩa. Việc lớn đang hình thành đầy hứa
hẹn, bỗng có người biết chuyện xưa, xầm xì rằng tui theo đạo Gia Tô,
và có liên hệ mật thiết với tên Lượm phản phúc. Từ đó, ngay những
chiến hữu đã từng sống chết bên nhau với tui cũng để dạ nghi ngờ,
khiến tui phẩn uất rời bỏ anh em ra đi. Từ lâu, nỗi căm hận tên Lượm
vẫn canh cánh trong lòng, nay thì nó càng bùng dậy mãnh liệt, cơ hồ, nếu
như tui không hạ sát hắn, thì chính tui cũng không sống nỗi. Lòng đã quyết
định, tui tìm về Rạch Giá, xin làm phu vác gạo cho nhà máy xay lúa Vĩnh
Hiệp, để điều tra tông tích tên Lượm. Hắn được thăng chức đội,
được quan Tây tin tưởng, nên càng ra công khuyển mã phục vụ quan thầy
hãm hại những phần tử yêu nước. Theo dõi hắn một thời gian, tui biết
hằng đêm hắn luôn đi một mình đến nhà tình nhân tại xóm Bánh Tầm để
vui thú. Tui chọn ngày 12 tháng chín âm lịch năm 1880, ngày giỗ thứ 12 của
chủ tướng để ra tay. Đến ngày giờ định sẵn tui lẻn vào nhà, uy hiếp
con đàn bà, nhét giẻ khóa chặt mồm, trói gô lại. Tui viết bản án tử
hình kể rõ tội ác hắn làm, rồi ung dung chờ hắn đến nạp mạng. Điểm
trục trặc bất ngờ, hôm đó, chẳng biết có công tác chi không mà hắn lại
dẫn theo hai tên đàn em, võ trang súng ống đầy đủ. Nếu tui theo ngõ sau
phóng đi thì an toàn, nhưng âm mưu theo dõi đã lỡ cỡ, cơ hội thanh toán
hắn sẽ không còn nữa, nên tui liều mạng ở lại. Hai tên cận kệ lẩn
quẩn ngoài sân, hắn thản nhiên xô cửa vào nhà. Không thấy tình nhân ra
đón, lên tiếng gọi vẫn im lặng, nên hắn nghi ngại lăm le khẩu súng ngắn,
rón rén bước vào buồng. Tui nện hắn một cây song hồng xiểng niểng, rồi
đâm một nhát dao thấu tim. Hắn chết không kịp nổ súng, nhưng tiếng hét
thảm khốc của hắn cũng làm kinh động cả xóm. Tui phóng chạy thoát
thân theo ngả sau, bị hai đàn em hắn rượt nà, nổ súng ầm ỉ, khiến bọn
lính trong đồn cũng túa ra chận hết các ngả vào ra khu xóm. Tui len lỏi
trốn chạy trong các hẻm sau nhà, vô tình thấy ngôi chùa Tam Bảo, nên đánh
liều leo qua rào, gặp thầy Vĩnh Thùy xin người cứu giúp… Còn phần sau
đó, thì bà đã hiểu rõ rồi, tui bất tất phải thuật lại nữa !
Chuyện xảy ra trên sáu năm rồi, mà
mỗi khi nhớ lại thím Trinh cũng thẹn thùng chín cả người. Thím nguyên
là một sa di ni, tuổi đôi mươi, tu học tại ni viện Vạn An, Sa Đéc. Cô
sa di sắp thọ giới Thức Xoa Ma Na, nên xin thầy cho về chùa Tam Bảo, Rạch
Giá một thời gian, để được người anh ruột, tức sư Vĩnh Thùy giảng
dạy thêm về luật nghi. Đêm đó, vừa chợp mắt bỗng có những tiếng
súng nổ vang, cùng với tiếng hò hét đuổi bắt hung phạm. Nghe tiếng gõ
cửa nhè nhẹ, cô ni sợ điếng quấn mền kín mít im lặng, nhưng sư Vĩnh
Thùy lại nhanh nhẹn ra mở cửa, đón người lạ vào. Hai người thầm thì
đôi câu, rồi thình lình sư đưa người lạ vào phòng cô ni, lên tiếng:
"Diệu Thường ! cứu người là Phật sự tối thượng. Cô hy sinh cứu
người nhé !". Cô ni chưa hiểu cứu người bằng cách nào, thì đã
nghe tiếng lính la ó trước cổng chùa, sư trụ trì bước ra ngoài, còn kẻ
lạ mặt thì vội vàng, chui tuốt vô mền nằm co rút sát với cô ni. Cô ni
vừa hổ thẹn vừa sợ hãi, không biết phản ứng ra sao, cả người run rẩy
như đang lên cơn sốt rét nặng. Tuy nhiên, khi bọn lính được sư Vĩnh Thùy
dẫn đi khám xét khắp nơi, sắp vào phòng sư cô, thì cô bỗng cảm thấy
có sức mạnh phi thường hỗ trợ, cô bình tỉnh ôm sát người lạ vào
lòng, gọn gàng như ôm một chiếc gối dài. Bọn lính thấy căn phòng trống
trải, chỉ có cô ni bệnh hoạn, mặt mày đỏ nhừ, trùm mền kín mít,
không có chi đáng ngờ nên bỏ đi lục soát nơi khác. Về sau, khi biết người
lạ, là một nghĩa sĩ hết lòng với đất nước, cô ni sung sướng thấy hành
động hy sinh cứu người của mình thật không uổng, dù vậy cô vẫn thẹn
thùng không dám nhìn, dám nói gì với anh ta. Sư Vĩnh Thùy cho người lạ
ẩn náu thêm ba ngày chờ nội vụ lắng dịu, rồi mới giúp người lạ giả
dạng thành tu sĩ, gởi đến chùa Sóc Veng xa xôi lánh nạn. Giải quyết
xong vụ rắc rối nầy, sư Vĩnh Thùy lại khám phá ra vụ rắc rối thứ
hai, cũng nhức đầu không kém. Cô em vốn là một tu sĩ tu hành tinh tấn, bỗng
nhiên trở nên trì trệ giãi đãi. Cô chểnh mảng công phu, lơ là học hỏi
luật nghi, và cứ thẩn thờ mơ mộng. Sư đành cho cô em xả giới hoàn tục,
đứng ra dàn xếp cuộc hôn nhân cho hai người, rồi đưa họ về quê nhà
tại Tà Niên sinh sống. Trong sáu năm yêu đương hạnh phúc, lần đầu tiên
thím mới nghe chú thố lộ niềm tin tôn giáo, thím hơi ngạc nhiên mà vẫn
nhu hòa lên tiếng:
- Tui thật không ngờ ba nó theo đạo
Gia Tô ! Tui chưa biết đạo Gia Tô như thế nào, nhưng chắc cũng dạy ăn
hiền ở lành mà ! Ơ ! mà ba nó theo đạo nào, đối với tui cũng như vậy
! tui chỉ biết có đạo thờ chồng mà thôi…
- Cám ơn má nó không nỡ trách tui
! Ngày xưa, mỗi khi bạn bè đồng chí hướng khám phá ra tôn giáo tui, họ
đều nghi ngại và xa lánh tui. Tui bị ám ảnh điều đó, nên mấy lần định
khai rõ chuyện khác biệt tôn giáo cho anh Vĩnh Thùy và má nó, mà tui ngần
ngừ rồi không dám. Tui sợ mình khai ra, rủi má nó không "ưng" tui
nữa thì sao ?
- Ba nó theo đạo nào thì lòng tận
trung ái quốc của ba nó vẫn trong sáng như trăng rằm, những chiến hữu
đã từng sống chết bên nhau với ba nó, vì chút thành kiến sai lầm lại
nghi ngờ ba nó, quả thật rất đáng trách.
- Má nó à ! tui phải chịu dày dò
đớn đau cả đời vì thành kiến bất công đó, nhưng chính ra, tui không
oán trách ai hết. Bà nghĩ coi ! nhìn qua nhìn lại, ai chẳng có nhận xét
là phần lớn những kẻ theo Tây phản quốc đều là người Gia Tô giáo.
Nguyên nhân xa xôi bắt đầu từ lập trường của những vị cố đạo. Họ
chỉ thiết tha với sự nghiệp truyền giáo, họ là người ngoại quốc chỉ
yêu nước họ, trung thành với nước họ, chớ đâu có chút tình với nước
mình, họ lại phải trải qua thời cấm đạo gian khổ, nên họ chỉ chờ
đợi bọn xâm lăng đến là đón rước, và hô hào khuyến khích con chiên
ra cộng tác với họ. Khi Tây đã đặt xong nền đô hộ, lập guồng máy
cai trị thì họ cũng tích cực tiến cử người ra phục vụ, do đó, vô số
bọn vô lại đua nhau xin làm kẻ tân tòng, vào đạo để làm bàn đạp xây
dựng vinh hoa phú quí… Kẻ bàng quan, quơ đũa cả nắm, nghi ngờ tất cả
người Gia Tô giáo phản quốc cũng là chuyện bình thường.
- Đành vậy ! nhưng không thể chụp
mũ tất cả mọi người được ! Những người theo đạo Gia Tô như cụ
Nguyễn Trường Tộ, Huỳnh Tịnh Của…, đều là những nhân vật chân
chính yêu nước kia mà…
- Lòng tui tui hiểu, tui lại được
má nó hiểu, thì tui đã an ủi lắm rồi.
Chú cất tiếng thở dài, nghĩ ngợi
mông lung một thoáng, rồi mới ngập ngừng tiếp lời:
- Hôm nay, bỗng dưng tui đem vấn đề
nầy bàn với má nó, vì chợt nghĩ đến tương lai thằng Đồng. Nó phải
tiếp tục sự nghiệp cánh mạng của tui, nhưng không phải bằng đường lối
chiến đấu đơn độc và vô vọng như tui. Nó phải được học hỏi văn
minh xứ người, về nước phục vụ dân tộc, tạo nền tảng cho công cuộc
vận động cứu nước sau nầy. Nó phải được đưa ra tỉnh để đi học
mới được !
- Phải rồi ! mình gởi nó vào
chùa Tam Bảo với thầy Vĩnh Thùy đi, thím sốt sắng góp ý.
- YÙ tui hơi khác má nó ! Tui muốn
đưa con ra gởi cho vị linh mục chánh tòa Rạch Giá. Đưa con về với nhà
thờ, thật ra tui cũng vì chút tình riêng là muốn thằng Đồng tiếp tục
giữ giềng đạo của ông nội nó, nhưng phần khác, tui lại nghĩ trong hoàn
cảnh hiện nay, chỉ có cha cố mới đủ điều kiện giúp con mình xuất dương
ăn học thành tài được !
- Ba nó muốn thằng Đồng giữ đạo
ông nội, tui không dám ngăn cản, nhưng tui sợ quá hà !… Ba nó tới lui
nhà thờ, rủi có ai phát giác tung tích ba nó ngày xưa, thì nguy hiểm đến
chừng nào !…
- Má nó yên tâm ! người trong đạo
thương yêu nhau như đại gia đình. Tui về với nhà thờ, thì họ yêu thương
đùm bọc tui, chớ đâu ai làm chuyện kẻ vạch, hại tui; huống chi, chuyện
tui theo ngài Nguyễn Trung Trực đánh chiếm thành Rạch Giá đã xảy ra 20 năm
rồi, ai mà quan tâm đến, còn vụ tên Lượm thì chỉ mình tui đơn độc
ra tay hoàn toàn bí mật kia mà !
Thế rồi, mặc dù thím buồn hiu phản
đối ngầm, chú vẫn cương quyết đưa con về Rạch Giá, tìm gặp cha sở.
Chú xúc động ngắm nhìn ngôi giáo đường uy nghi, tràn ngập tin yêu chiêm
ngưỡng tượng chúa Jêsus trên thập tự giá, hân hoan tham dự thánh lễ
tôn nghiêm, những hình ảnh quen thuộc mà bao năm trời lăn lóc hoạt động
chống Pháp chú đã xa rời, mất mát. Chú cũng cực kỳ cảm động khi có
dịp thố lộ tất cả những bí ẩn đời mình cho cha sở trong buổi lể Xưng
Tội. Cha sở cũng cảm động không kém. Cha hân hoan đón nhận chú, như
người cha già thân thương đón đứa con ra đi biền biệt vừa trở về nhà.
Người long trọng hứa sẽ nâng đỡ bé Đồng ăn học để trở thành người
hữu dụng mai sau. Để đánh dấu ngày trở lại thánh đường của chú
Trinh, Cha sốt sắng tổ chức một ngày đặc biệt để giới thiệu chú với
bổn đạo. Trong dịp nầy, cha đã nhắc lại thí dụ của Chúa Jêsus, về
thái độ người cha vui mừng, tha thứ hết tội lỗi của đứa con hoang đàng,
vừa trở về nhà. Để nhấn mạng rằng Chúa luôn mở rộng vòng tay sẵn
sàng đón rước những con chiên sa ngã lầm lạc biết quay về, Cha nhắc lại
nguyên văn câu Thánh Kinh: "Chúng ta hãy ăn mừng, vì con ta đây đã chết
mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được…" (4).
Kế đó, cha mở rộng đề tài, hướng vào đời sống thực tế, để phân
tách đâu là nẻo chánh tà ? Thế nào là hoang đàng hư hỏng ? Thế rồi,
cha lôi Chúa đứng bên phe nhà cầm quyền người Pháp, coi điều đó là một
chân lý rõ rệt không cần phải tranh luận gì nữa, để phê phán mọi
hành động phản loạn, chống nhà nước Bảo Hộ là hành động chống lại
Chúa, là hoang đàng hư hỏng… Chú Trinh xa nhà thờ chẳng qua vì hoàn cảnh,
chớ chú chẳng hề quên Chúa, chối bỏ Chúa bao giờ. Bài giảng ám chỉ
chú là đứa con hoang, kể ra hơi quá đáng song chú vẫn kiên nhẫn nhận chịu.
Thế nhưng lập luận đồng hóa Chúa với người da trắng thống trị, chống
Pháp có nghĩa là chống Chúa, phục tùng Chúa đồng nghĩa với phục tùng
người Pháp, thì chú cực lực phản đối. Chú không dám phạm thượng cắt
ngang bài giảng, nhưng khi cha vừa dứt lời, chú liền dõng dạc lên tiếng:
- Thưa cha ! hôm nay con trở lại
nhà thờ là để về với Chúa, chớ không phải về để cộng tác với những
kẻ xâm lăng đất nước của con !
Đoạn chú dẫn bé Đồng đi ngay,
không quay đầu lại một lần. Chú nghĩ thà chịu cho con dốt hơn là để
nó bị nhồi vào đầu thứ tư tưởng nô lệ quái đảng đó.
Chú Trinh thua buồn trở về Tà
Niên an phận với nếp sống quê mùa thường nhựt. Ba hôm sau, trong khi chú
đang ơ hờ ngủ yên, thình lình toán lính mật thám, do Đội Phèn chỉ huy
bao vây nhà, xông vào bắt giữ chú. Chú chỉ kịp nhắn nhủ vợ: "Em
lo cho thằng Đồng" thì đã bị bọn chúng lôi đi.
Thím Trinh theo ngay ra tỉnh, gởi con
cho sư Vĩnh Thùy, để rảnh tay đôn đáo lo thăm nuôi chồng. Chỉ hai ngày
sau thì có tin chú chết, chú xé áo quần kết thành sợi dây, treo cổ tự
tử trong phòng giam. Người ta sử dụng niềm tin tôn giáo để dụ dỗ chú,
rồi tra tấn chú, để tìm biết thêm đồng đảng cùng những điều liên
quan đến các tổ chức chống Pháp, và chú đã quyết định chọn thái độ
vĩnh viễn im lặng. Thím Trinh lẳng lặng lãnh xác chồng đem về miếng vườn
sau nhà tại Tà Niên chôn cất. Có lẽ, khi chọn chú, biết rõ cuộc đời
cách mạng của chú, thím đã ý thức trước tai họa nầy, nên thím bình tỉnh
chịu đựng, không than khóc như những người đàn bà khác. Ngờ đâu, bề
ngoài điềm tỉnh chỉ nhằm che dấu nỗi đau thương ngùn ngụt bên trong.
Chỉ mấy tháng sau, đang ngồi ủ rũ bên mộ chồng, thím bỗng trúng gió
ngã gục, thím chết cho tròn ước nguyện "sống đồng tịch, đồng sàn,
chết đồng quan, đồng quách", chữ "Đồng" mà thím đã dùng
để đặt tên con.
*
* *
Thiền sư Trí Thiền, tục danh Nguyễn
Văn Đồng (5), trầm ngâm đứng trước bàn thờ tổ quốc trang nghiêm, vừa
được thiết lập để chuẩn bị cho buổi lễ cầu siêu đặc biệt sẽ
chánh thức khai mạc vào bảy giờ chiều. Trên bàn thờ hiển hiện hình
ảnh hiên ngang của cố lãnh binh Nguyễn Trung Trực, với hai câu đối:
- "Hỏa hồng Nhật Tảo, oanh thiên địa !
- Kiếm bạt Kiên Giang, khắp quỷ thần…"
Bên cạnh lại có bài vị của cụ
Nguyễn Văn Trinh và phu nhân, hai người có liên hệ huyết nhục với thiền
sư. Năm nào, chùa Tam Bảo cũng âm thầm chờ đến nửa đêm ngày 12 tháng
9 âm lịch mới trang nghiêm hành lễ tưởng niệm người xưa. Lần nầy lễ
tưởng niệm ngày giỗ thứ bảy mươi được tổ chức công khai, ngày giờ
thông báo cho Phật tử trước cả tuần lễ, và do đó, bọn mật thám đã
lồng lộng dọa nạt cản ngăn đồng bào đến tham dự. Bao năm qua, bọn cầm
quyền Pháp đã cấm đoán gắt gao, khủng bố trừng trị những ai dám bàn
bạc nhắc nhở đến cụ Nguyễn Trung Trực. Có một lần chẳng biết kẻ
vô danh nào lén đặt bài vị của người vào bàn thờ miếu Cá Ông. Thế
rồi dân chúng rỉ tai nhau, lũ lượt đến lễ lạy. Khi viên chánh tỉnh
Renault hay biết, y nổi trận lôi đình hạ lệnh dẹp bài vị, và lần lượt
cách chức ban hội tề làng Vĩnh Thanh Vân, về lỗi vô tình dung dưỡng việc
thờ phượng nầy. Tóm lại, tổ chức lễ tưởng niệm là một thách thức
đối với chế độ thực dân, hậu quả nguy hiểm khó ước lường. Sư Trí
Thiền đã tiên liệu mọi việc, sư biết trước buổi lễ sẽ bị cản
ngăn, phá hoại, chùa sẽ bị theo dõi khủng bố trả thù. Thế nhưng sư vẫn
cương quyết tiến hành, với tất cả niềm tin là buổi lễ sẽ thành
công, và tinh thần ái quốc của người xưa sẽ được khơi dậy mãnh liệt
trong lòng người dân tỉnh nầy.
Dù đã là bậc cao tăng, tuổi gần
sáu mươi, nhưng vừa nhìn đến bài vị song thân, lòng sư bỗng xúc động
mãnh liệt. Sư nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ căn nhà bé nhỏ Tà Niên ngập tràn
hạnh phúc cho đến khi bọn người hung ác vây bắt cha. Cha mẹ đột ngột
qua đời, bé Đồng được cậu Vĩnh Thùy đem về chùa nuôi dưỡng. Cũng
ở tại chánh điện nầy, năm mươi năm trước, thằng bé đã quì ở đó
nghe cậu tụnh kinh cầu siêu cha mẹ. Thằng bé sục sùi rơi lệ, và có lần
không kềm hãm nỗi, nó đã khóc ngất lên, khiến cậu cũng xúc động,
ngưng đọc kinh, ôm chặt cháu vào lòng an ủi. Đó là bài kinh cầu an
không lời nhiệm mầu nhất mà bé Đồng đã đón nhận được từ tuổi
ấu thơ. Thế rồi, cậu bé được cậu cho thọ giới sa di, ban cho pháp
danh Trí Thiền. Sư được cho theo học trường tỉnh, và đồng thời, cũng
được sư phụ khổ cộng giảng dạy nội điển thâm sâu. Sau khi thọ tỳ
kheo giới, sư lại cần mẫn tham dự các khóa hạ tại các tổ đình miền
Nam: Tập Phước, Vĩnh Tràng, Tây Hưng… để trau dồi giới đức. Ngoài
ra, sư cũng được tu học một thời gian khá lâu tại chùa Phi Lai, núi Voi,
thuộc vùng Thất Sơn, Châu Đốc. Đây là ngôi tổ đình của giáo phái Bửu
Sơn Kỳ Hương, một chi phái thuần túy Việt, đề cao sứ mạng hưng long
đạo pháp, song song với trách vụ xả thân bảo vệ non sông. Chùa cũng có
liên hệ mật thiết với công cuộc chiến đấu chống Pháp tại rừng Bảy
Thưa, Láng Linh, do đức cố quản Trần Văn Thành lãnh đạo. Thời gian sống
tại đây với vị tôn túc, vốn là chiến hữu của phụ thân ngày trước,
đã ảnh hưởng khá sâu đậm đến hoằng nguyện xả thân cho dân tộc và
đạo pháp của sư.
Sau khi sư phụ Vĩnh Thùy qua đời,
sư kế vị trụ trì chùa Tam Bảo năm 32 tuổi, và bắt đầu sự nghiệp phát
huy đạo pháp. Sư phát động phong trào học Phật tu thân trong tỉnh. Sư
thuyết pháp giản dị mà sâu sắc. Sư biết sử dụng lối kiến giải phù
hợp với khoa học, vạch rõ được những tập tục mê tín ngoại đạo lẫn
lộn trong chùa, do đó, giới trí thức trong tỉnh đua nhau theo sư học hỏi
Phật Pháp. Giới bình dân không phù hợp với giáo lý cao siêu, sư tùy bệnh
cho thuốc, cổ xúy họ pháp môn niệm Phật tu tâm. Nhằm thay đổi lối đóng
góp cho đạo pháp một cách tiêu cực - phó mặc chuyện chùa chiền cho quý
thầy - của giới cư sĩ, nhân dịp trùng tu ngôi chùa cũ hư mục, sư đã vận
dụng họ vào ban hưng công tái thiết. Sự đóng góp nhiệt thành của giới
cư sĩ như một luồng gió đầy sinh khí phát động công cuộc chấn hưng
Phật giáo tỉnh nhà. Sư lại chịu khó đi lưu động thuyết pháp độ sanh
khắp nơi, không nệ chốn vắng vẻ ít người. Địa điểm nào cần dựng
chùa cho Phật tử có nơi quy ngưỡng sư liền thành lập. Do đó, chỉ trong
vòng mười năm, sư tạo dựng đến chín ngôi già lam rải rác khắp tỉnh
Rạch Giá. Song song với công cuộc hoằng pháp, sư còn chủ trương đưa Phật
giáo đi vào cuộc đời, xoa dịu bớt những nỗi thương đau của người dân
nghèo bị trị. Đạo đức của sư vang lừng khắp miền Nam, lan rộng đến
Nam Vang. Nơi nơi thỉnh sư về thuyết pháp, giảng dạy kinh luận. Năm 1931,
sư đã tích cực yểm trợ phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà của
tổ Khánh Hòa, và đảm nhận chức vụ cố vấn cho Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu
Phật Học. Hội bị vài cư sĩ khuynh loát, sinh hoạt đình trệ. Sư Khánh
Hòa lui về Trà Vinh thành lập Liên Đoàn Phật học xã, rồi đổi thành Hội
Lưỡng Xuyên Phật Học, để chăm lo việc đào luyện tăng tài. Sư Trí Thiền
ủng hộ tài chánh mạnh mẽ cho hai tổ chức nầy, nhưng sư nhận thấy mục
tiêu khiêm tốn đào tạo tăng tài không đáp ứng nỗi nhu cầu khẩn thiết
của đất nước. Phật giáo phải đi vào cuộc đời, tích cực xoa dịu thương
đau người dân, tiêu trừ tệ trạng dốt nát nghèo đói, và nếu cần, phải
đứng lên chống nạn bốc lột kinh tế, lũng đoạn thị trường của những
kẻ thiếu lương tâm. Đó là lý do khiến sư đã đứng lên vận động giới
tu sĩ Phật giáo trong tỉnh kết hợp thành tổ chức thống nhứt lấy tên
Hội Phật Học Kiêm Tế năm 1937 và cho ra đời tạp chí Tiến Hóa hai
tháng sau đó. Vì công việc đa đoan sư đã ủy thác tờ báo Tiến Hóa cho
sư Pháp Linh và sư Thiện Chiếu đảm trách. Hai vị nầy, một người rất
tán đồng lề lối nhập thế của tân tăng Nhựt Bổn, người cảm tình với
duy vật biện chứng, nên có luồng dư luận nghi ngờ tờ báo thân Nhựt
và thân cộng. Sư đặt trọng tâm vào việc hoằng pháp, phát triển cơ sở
Phật giáo và đẩy mạnh công tác xã hội từ thiện: tổ chức cứu trợ
nạn nhân bão lụt năm Đinh Sửu, đẩy mạnh phong trào bình dân giáo dục
và phòng thuốc phước thiện, có đông y chẩn bệnh, có nơi tạm trú cho bệnh
nhân ở xa… Sư cũng chánh thức thành lập Viện Mồ Côi đặt tại Rạch
Giá và dự trù thành lập Viện dưỡng lão tại Tam Bảo Từ Tôn, Hòn
Quéo.
Công việc đa đoan, nhưng sư vẫn dành
thời giờ tổ chức lễ tưởng niệm người anh hùng dân tộc, và buổi lễ,
may mắn đã diễn ra êm đẹp, không bị phá hoại như những nguồn tin dọa
nạt lúc đầu. Điều đáng tiếc lại xảy ra trong nội bộ. Một biên tập
viên Tiến Hóa xuyên tạc buổi lễ, chỉ trích cố lãnh binh Nguyễn Trung Trực
là tay sai phong kiến nên không đáng được đề cao. Sự kiện nầy thúc đẩy
sư đi đến quyết định chấn chỉnh nhân sự tờ báo, một quyết định
sư đã manh nha khi nhận thấy tờ báo bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát,
bài vở quá khích có thể gây nguy hại đến kế hoạch hoằng pháp và từ
thiện xã hội trường kỳ của sư. Sư Pháp Linh và sư Thiện Chiếu bất mãn
bỏ đi. Sư Trí Thiền liền cho người liên lạc với ông cử Võ Ngọc
Hoành, một nhân sĩ thuộc phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đang bị Pháp
giam lỏng tại Sa Đéc, để nhờ giới thiệu cây viết khác và bọn mật
thám Pháp tại Sa Đéc bắt được tin nầy. Tình hình chính trị thế giới
cuối năm 1939 đã xoay chiều. Pháp thua trận nhục nhã tại chánh quốc, và
Nhựt đang hùng hổ gây hấn mưu toan bành trướng thế lực tại vùng Đông
Nam Á. Bọn cầm quyền Pháp tại Đông Dương buộc lòng ve vãn nhượng bộ
Nhựt, không dám công khai đụng chạm đến những phe nhóm chánh trị người
bản xứ được Nhựt đỡ đầu. Mặt khác, chúng hiểm độc ra tay đối
phó với hiểm họa Nhựt, bằng cách ngấm ngầm bóp chết ngay trong trứng
nước các phe nhóm toan móc nối Nhựt. Luận điệu thân Nhựt của tờ Tiến
Hóa trùng hợp mối liên lạc mật thiết của sư Trí Thiền và nhóm Đông
Kinh Nghĩa Thục, đã là nguyên nhân thúc đẩy bọn Pháp ra tay hạ độc thủ.
Chỉ hai tuần sau vụ lủng củng nội bộ, bọn Mật Thám từ Sa Đéc đã
kéo về Rạch Giá hợp với đám địa phương, bao vây chùa Tam Bảo lúc nửa
đêm khám xét bắt sư Trí Thiền và người đệ tử là sư chú Thiện Ân,
tục danh Trần Văn Thâu đem về sở mật thám khảo tra. Theo biên bản, mật
thám khám phá được 40 tạc đạn nội hóa cùng những tài liệu liên quan
đến Xứ ủy Nam Kỳ cất giấu tại chùa. Cũng theo biên bản thì hai trái
lựu đạn gài nơi bàn vong đã nổ tung trong khi mật thám lục soát làm một
người đội tên Xuôi bị thương nhẹ ở tay. Sư chú Thiện Ân bị tra tấn
dã man và nhận tội một mình, không khai ai là đồng đảng. Có thể sư chú
không chịu nỗi đòn bộng đành nhận tội cho xong, cũng có thể, sư chú
hy sinh nhận tội một mình để sư phụ Trí Thiền khỏi bị tra tấn. Điểm
mà sư Trí Thiền tin chắc là người đệ tử không dại dột mang những thứ
nguy hiểm đó, hơ hỏng lưu giữ tại chùa, nơi mà thiện tín tự do ra vào
hành lễ, vừa là nơi làm báo, trường học, bệnh xá chẩn bệnh cho thuốc,
viện cô nhi… Chỉ có những kẻ đi bắt người mới đủ khả năng và
điều kiện sản xuất rồi mang tới chùa vu oan giá họa. Họ muốn múa rối,
tung hỏa mù, vẽ vời biên bản hại người cách nào chẳng được. Do đó,
tuy chụp cho tội ghê gớm là tổ chức vũ trang phá rối trị an, mà ngoài
mấy trái lựu đạn thô sơ gài tại bàn vong !!! và lời nhận tội yếu
ớt của sư Thiện Ân, thì không còn bằng chứng nào khác; không đồng lỏa,
không đoàn viên tham gia, không người sản xuất vũ khí, cũng không hề có
các vụ rải truyền đơn, gài lựu đạn phá hoại nào xảy ra tại Rạch
Giá cả… Thế nhưng, hồ sơ buộc tội hàm hồ đó lại kết thúc nhanh
chóng, nội vụ đưa ra trước tòa Đại Hình Saigon để cuối cùng chúng cũng
long trọng tuyên án: Tử hình Trần Văn Thâu tức Thích Thiện Ân và phạt
Nguyễn Văn Đồng tức Thích Trí Thiền chung thân khổ sai. Thời gian qua, sư
Trí Thiền và đệ tử luôn bị kiểm soát gắt gao, nghiêm cấm liên lạc,
giam riêng, nên thầy trò không có cơ hội nào trò chuyện riêng tư cả. Sau
khi Tòa đã tuyên án, việc nghiêm cấm không còn nữa, đám tù nhân thành
án gom lại một nơi để chờ đợi lên đường về khám lớn, sư Trí Thiền
mới có dịp đứng cạnh đệ tử. Thầy trò trầm lặng nhìn nhau, bao
nhiêu thương yêu tràn ra trong ánh mắt nhưng chẳng ai thấy cần thiết mở
lời. Mãi đến khi sắp giã biệt, sư chú Thiện Ân mới khe khẽ ngâm nga:
- Thân xác nào có chủ
- Hình hài vốn lai không !
- Đem đầu kề gươm bén
- Như chém ngọn gió Xuân. (6)
Sư Trí Thiền mỉm cười. Sư cánh
cánh thầm lo người đệ tử hiên ngang không sợ chết nầy, không hành nỗi
hạnh hỷ xả để rồi cứ mang mang ôm ấp thù hận trong lòng. Bây giờ sư
mới an tâm chia tay. Sư sung sướng nghe đệ tử nguyện đón cái chết nhẹ
nhàng, mát mẻ như đón ngọn gió xuân…
Trước vành móng ngựa cũng như bao
lần bị tra tấn lấy khẩu cung, sư Trí Thiền vẫn giữ được thái độ
trầm tỉnh thong dong của bậc chân tu, khiến cho những kẻ hung hăng thô lỗ
không còn chút tình người cũng phải sinh tâm kính trọng. Tuy vậy, khi trở
về phòng biệt giam, thui thủi một mình sư cũng nghe lòng mình se thắt lại.
Sư chẳng vương chút hận thù, chẳng bợn lòng tiếc nuối sự nghiệp bọt
bèo tan tác, cũng không đau đớn lo âu thân phận tù tội đọa đày. Thế
nhưng, sư lại bâng khuâng vận nước, bồn chồn nhớ nghĩ đến đám dân
nghèo mất nơi nương tựa, trẻ con thất học bụi đời, trẻ mồ côi, người
bệnh hoạn không tiền thang thuốc… Do đó, khi tọa thiền sư cứ bị phân
tâm. Sư chọn phương pháp dụng công giản dị như sổ tức quán, tức đếm
hơi thở, mà cũng bị lầm lộn mãi. Cuối cùng sư phải vận dụng đến
pháp môn trì chú. Sư tụng chú đại bị liên tục. Tụng chú thì phải chăm
chỉ theo dõi từng tiếng Phạn trúc trắc khó đọc, nên không còn nhớ nghĩ
chuyện gì khác. Nhờ vậy, chỉ trong vòng một tuần lễ, sư cởi bỏ được
những nỗi niềm xao xuyến trong tâm, và lần lần cảm thấy thong dong tự
tại trong tù ngục.
Đầu thu năm1942, sư bị giải giao
bằng tàu ra Côn Đảo. Tù nhân cùm dính chùm hai người với nhau bị tống
xuống hầm tàu dồn nén như cá mòi hộp. Khẩu phần được phát một lần,
rồi cửa hầm đóng lại. Địa ngục nổi trở nên tối tăm, nóng bức
kinh người. Mùi mồ hôi, mùi dầu, mùi mốc, ngột ngạt khiến đầu óc bọn
tù choáng váng, ngầy ngật. Ra khơi chừng năm giờ, tàu lại bị sóng to trồi
lên sụp xuống, khiến cho bọn tù nhân, vốn bị nóng bức ngột ngạt
hành hạ, say sóng lê lết ói mửa, tiêu tiểu bừa lên nhau. Địa ngục nổi
vừa là địa ngục lắc lư, địa ngục phẩn tiểu tối tăm, hôi hám, bẩn
thỉu, nóng bức ngột ngạt, khổ sở không kể xiết. Sư Trí Thiền là người
duy nhất không bị say sóng, có lẽ nhờ sư để bụng đói, sư đã nhường
phần ăn của mình cho người bạn tù trẻ. Sư kéo người bạn cồng chung
tay ngồi dựa sát bên, sư nâng đầu người khác ngữa lên đùi, vuốt ve
an ủi. Sư nhỏ nhẹ khuyên lơn mọi người đừng sợ hãi, đừng chán nản,
vì sóng gió nào rồi cũng qua đi. Hốt nhiên sư khám phá rằng hoằng nguyện
Quán Thế Âm, xoa dịu thương đau chúng sanh ngày trước của sư, vẫn có
thể thực hiện được ngay trong ngục tù, dù với phương tiện hạn hẹp
tại chốn nầy. Sư không nhất thiết phải làm thầy, phải tụng kinh, gõ
mõ nữa. Sư cứ tùy tiện, tùy duyên mà làm. Ai cần đến sự nâng đỡ của
người cha, sư sẽ là người cha bao bọc họ. Ai cần đến sự nâng niu của
bà mẹ, sư sẽ là bà mẹ vỗ về an ủi họ. Ai cần đến sự chăm sóc của
người con, sư sẽ là đứa con ngoan hiền hiếu thảo phụng dưỡng họ.
Trong lặng yên, lòng sư lại hân hoan rộn ràng tiếng ca:
- Hốt nhiên trong địa ngục
- Chợt khám phá đạo tràng
- Thân gông cùng xiềng xích
- Hoằng nguyện vẫn thênh thang…
Cuối cùng tàu cũng cập bến Côn
Sơn, tù nhân từng cập dắt díu lê lết lên bờ trình diện ban cai ngục
trên đảo và liền được lệnh đứng nghiêm để nghe những lệnh lạc mới
phải tuân hành. Bọn tù nhân vừa trải qua mấy ngày đường thê thảm, đầu
óc lờ khờ, tay chân quờ quạng… ngây dại không thi hành đúng chỉ thị
liền bị ngay một trận đòn tối tăm mặt mũi, không hiểu rõ nguyên
nhân. Đây là trận đòn khai tâm, dằn mặt bọn tù mới đến, lần nào cũng
xảy ra như một cái lệ, vì lý do trừng trị thì lúc nào bọn cai ngục bươi
ra cũng có. Sau khi phân loại, sư Trí Thiền với tội danh đầu đảng phản
loạn nguy hiểm, liền bị tống vào lao kỹ luật trại số 1, nhằm trừng
trị những thành phần ngoan cố: tấn công giám thị, chủ mưu phá ngục, vượt
ngục, giết lính giết bạn tù… Tù nhân bị trừng trị thẳng tay, khẩu
phần ăn bị giảm, ngày đêm xiềng xích, mỗi ngày chỉ được phép ra
ngoài sưởi nắng một giờ. Tù nhân bị hành hạ dai dẳng, thân tâm kiệt
quệ, bại liệt gầy còm, ngây ngây dại dại như một bóng ma nằm cú rũ
trong góc phòng u tối để chờ đợi đến giờ ân huệ, vận dụng hết
chút hơi tàn còn lại bò lê lết ra ngoài hưởng chút không khí trong lành.
Sư mang thông điệp yêu thương tươi mát vào lao kỹ luật. Sư gợi chuyện,
thuật những mẫu chuyện đạo nội dung vui tươi, để tạo dựng được
những nụ cười làm tan loãng bớt không khí sầu thảm nơi đây. Xây dựng
được nhịp cầu cảm thông, sư bắt đầu khuyên họ áp dụng phương pháp
niệm Phật tu tâm. Tiếng niệm Phật ngăn chận nỗi niềm nhung nhớ thế
giới bên ngoài cùng chuỗi đời quá khứ buồn thương. Tiếng niệm Phật
cũng xóa tan đi mối sầu lo cho tương lai mờ mịt. Mỗi tiếng niệm Phật
là một bước quay về thế giới Cực Lạc, mỗi tiếng niệm Phật là một
niệm an tịnh hiện tiền ngay chốn tù đày. Mỗi ngày ba thời, sau khi sư
thỉnh ba tiếng chuông miệng "boong ! boong ! boong !", cả lao đồng
nghiêm chỉnh thiết tha cất tiếng niệm "Nam mô A Di Đà Phật".
Song song với việc tu tâm, sư khuyên họ cố gắng cử động tay chân, mỗi
giờ rủ nhau ngồi lên đứng dậy, xoa bóp tay chân cho máu huyết lưu thông.
Trong giờ ra ngoài phơi nắng, tù mạnh dìu tù yếu đi tới đi lui, để tránh
tình trạng nằm ủ rũ không cử động như ngày trước. Người tê bại nặng
quá, không đủ sức xê dịch nỗi, sư đích thân xoa bóp chân họ, rồi
khuyến khích họ cố gắng nhích từng bước như đứa bé mới tập đi.
Lao kỹ luật, vốn vang danh là nhà lao chết, đã tràn đầy sinh khí, ẩn hiện
trong từng tiếng niệm Phật chân thành, trên từng nét mặt tin yêu, trong
thân thể gầy gò, tay chân ngượng ngập…
Đầu năm 1943, sư Trí Thiền được
chuyển sang trại số 4, một trại giam chánh trị phạm, trực thuộc sở củi.
Qui chế trại tương đối thoải mái: tù nhân mỗi ngày được đưa vào rừng
đốn củi, tuy phải làm việc cực khổ nhưng được chút đỉnh tự do,
được vận động và thở không khí trong lành. Tù nhân chánh trị có tinh
thần vững chãi, biết đoàn kết và có tư cách nên giám thị cũng nể
nang. Tù nhân, tùy theo khuynh hướng chánh trị mà kết hợp mật thiết với
nhau thành nhiều nhóm, không thân thiện nhau cũng không công khai chống báng
nhau. Sư Trí Thiền không gia nhập nhóm vào. Với ai, sư cũng tròn đầy hạnh
nguyện Quán Âm, sư xả thân làm cha mẹ, anh em, vợ con, bè bạn… để
khuyên lơn, an ủi, đỡ đần họ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, sư
đã kết thân với hầu hết mọi người, như một gạch nối cho các phe
nhóm khác biệt. Trở ngại duy nhất mà sư vấp phải là thái độ chống
đối ra mặt của Ba Lợi. Ba Lợi chỉ trích sư thiếu chất "sắt máu",
không ngùn ngụt thù hận như kẻ chân chính làm cách mạng, sư là hiện
thân của hạng cầu an cúi đầu trước kẻ thù, mà còn khờ dại tiếp tục
sử dụng tôn giáo ru ngủ kẻ khác, vô tình làm công cụ phục vụ cho bọn
thực dân phong kiến thống trị nữa. Sư vận dụng mọi cách để gần
gũi với Ba Lợi, nhưng tất cả thiện chí dường như vô ích.
Mùa hè năm Quí Mùi, thời tiết
Côn Sơn bỗng trở nên độc địa khác thường. Bệnh dịch tả xuất hiện
rồi hoành hành dữ dội. Thế chiến thứ hai đang diễn ra khốc liệt, Âu
dược cực kỳ khan hiếm, không đủ mức dự trữ cho đám quản trị trại
tù và gia đình họ, huống hồ ban phát đầy đủ cho bọn tù nhân. Tù
nhân bệnh la liệt, bệnh xá không chỗ chứa, nên chi tù bệnh nặng nhẹ
gì cũng chỉ được phát thuốc, và nằm trong trại cốc tự dưỡng bệnh.
Tù nhân trại số 4 vẫn phải vào rừng đốn củi, nhưng sư Trí Thiền
tình nguyện ở lại chăm sóc người bệnh. Sư thương yêu cưng chiều từng
người như bà mẹ lo lắng cho con, kể cả những con bệnh khó tánh như Ba
Lợi. Sau cơn ói mửa, Ba Lợi lả người nằm thiêm thiếp, hơi thở yếu
ớt tưởng như sắp lìa đời. Thình lình trong cơn mê, hắn mấp máy từng
tiếng đứt khoảng:
- Thiên Đàng Địa Ngục hai bên
- Ai khôn thì nhờ, ai dại thì sa
- Thiên Đàng nhớ Chúa tưởng Cha
- Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn…
- Linh hồn phải giữ linh hồn
- Đến khi gần chết được lên Thiên Đàng…
Đây là bài hát trẻ con trong
trò chơi Thiên Đàng Địa Ngục phổ biến trong các họ đạo, mà khi lên năm
tuổi, theo phụ thân đến nhà thờ, sư đã có dịp tham dự đôi lần. Thì
ra Ba Lợi chẳng phải là kẻ không tôn giáo, những lúc bệnh hoạn khổ sở,
hắn vẫn thầm mơ về Chúa. Thật là tội nghiệp ! Hắn đã phải che dấu
niềm tin của mình bằng thái độ chống báng tôn giáo quá khích, và giờ
đây trong cơn mê mối ẩn ức nằm sâu trong tiềm thức mới tự động tuôn
trào. Sư nghĩ Ba Lợi cần được sự nâng đỡ tinh thần và vật chất của
vị linh mục sở tại nên nhờ viên giám thị, thông báo với cha có con
chiên bệnh nặng chờ chết. Linh mục Jean tức tốc đến nơi. Nhận thấy
bệnh trạng của Ba Lợi đã hiểm nghèo, linh mục đưa hắn đi bệnh viện
chữa trị ngay.
Ngày xưa khi sư phụ Vĩnh Thùy sắp
từ trần, người dặn dò sư giải quyết công án thiên đàng địa ngục của
tổ Trí Tạng: "Một vị cư sĩ hỏi tổ Trí Tạng:
- Có thiên đàng, có địa ngục
chăng ?
Tổ đáp:
- Có
- Có tam bảo: Phật, Pháp, Tăng
chăng ?
- Có
- Hòa thượng lầm rồi ! Con đã hỏi
hòa thượng Cảnh Sơn, Ngài nói tất cả đều không kia mà !
- Người có vợ chăng ?
- Có !
- Hòa thượng Cảnh Sơn có vợ chăng
?
- Không !
- Hòa thượng Cảnh Sơn nói không
là phải !"
Công án thoạt nghe tương tợ như công
án "có Phật tánh" và "không Phật tánh" của tổ Triệu
Châu (7), nhưng khi nhìn sâu vào thì dường như có nét biến chuyển chập
chùng kỳ bí. Thuở ấy, sư quá bận bịu với công cuộc hoằng dương đạo
pháp, nên chỉ hiếu kỳ tham cứu một thời gian rồi bỏ quên lửng. Nay
vô tình nghe Ba Lợi thều thào bài hát Thiên Đàng Địa Ngục, công án năm
xưa bỗng trổi dậy mãnh liệt trong tâm, rồi mối nghi tình lo lớn chụp
phủ xuống không có chỗ nào tránh thoát. Dẫu sư đi, đứng, nằm, ngồi,
săn sóc bệnh nhân, trò chuyện với người, hay làm bất cứ động tác
nào thì công án cũng bám cứng trong tâm, không phương cách gì tách rời ra
khỏi… Sư cảm giác như Tổ Trí Tạng đang đối thoại với chính sư. Đối
thoại đó lập lại như một điệp khúc tiếp nối triền miên, mà âm diệu
thì mỗi lần mỗi khác. Cũng tiếng đáp "có và không" đôi khi sư
nghe như dồn dập khẩn thiết, khi thì nghiêm trang cổ quái, lúc lại đượm
về mỉa mai, trêu cợt, khinh đời. Sư bị bức bách trong trạng thái lạ
lùng nầy, một mình mình biết, một mình mình chịu, chẳng có thầy bạn
ở gần giải bày tâm ý. Trại giam nóng bức, chật nứt người mà sư lại
cảm giác như đang cô đơn thất thiểu trong vùng Bắc cực buốt giá, mắt
trao tráo nhìn tảng băng công án chình ình nằm cản lối, tai lại nghe dồn
dập tiếng ca "Thiên đàng địa ngục hai bên. Ai khôn thì nhờ, ai dại
thì sa !". Ôi ! đó là trò chơi thuở bé hay là trò chơi suốt cả cuộc
đời: mải miết quay cuồng với phải trái, thịnh suy, khôn dại… để chìm
nổi theo địa ngục thiên đàng.
Nạn dịch tả giảm dần, trại
giam trở lại nếp sống thường nhựt. Ba Lợi hoàn toàn bình phục, hắn
trở lại đạo, và được vị linh mục ưu ái thăm nom săn sóc. Hắn được
chuyển thành tù áo trắng, không phải đi đốn củi nữa, mà hàng ngày
lãnh nhiệm vụ quét dọn, chăm sóc cây kiểng tại nhà thờ, tối mới về
trại ngủ. Tuy nhiên, mối giao tình của Ba Lợi và nhóm thân hữu của hắn
có vẻ gượng gạo. Họ cố tình tránh né hắn, hắn cuống quít vồn vã,
thì họ lại càng xa lánh. Dường như họ nghi ngờ, lo lắng y sẽ tiết lộ
những bí mật phe nhóm. Sư Trí Thiền thoáng thấy điểm đó, và dự định
khuyên Ba Lợi, nên nhờ uy thế của vị linh mục để chuyển sang trại khác.
Thế nhưng, sư lại đang điên đầu với công án thiên đàng địa ngục,
sư thở vào, thở ra, cưa cây xẻ củi, cũng đeo công án dính cứng không gỡ
thoát được, nên chuyện hiểm nguy của Ba Lợi sư chỉ thoáng nghĩ rồi bỏ
qua tức khắc.
Đêm đến sư ngồi tọa thiền, mối
nghi càng mãnh liệt, công án lồ lộ trước mắt, bao nhiêu tâm ý đặt vào
đó, không mảy may vướng bận chuyện bên ngoài. Sáng hôm sau vừa xả thiền,
sư nghe cả trại nhốn nháo tin Ba Lợi bị đâm chết. Ba Lợi giận dỗi đám
thân hữu bỏ sang nằm cạnh sư, sư chẳng hay biết gì cả mới thật là kỳ
lạ. Nội vụ được thông báo ngay cho ban giám thị và cả trại bị giữ
lại để điều tra. Chúng cật vấn từng tù nhân, dụ dỗ, dọa nạt từng
người vẫn không tìm ra manh mối. Cuối cùng chúng đưa biện pháp trừng
phạt cả trại bằng cách cho tù ăn cơm không, không có muối và thực phẩm
nào khác. Chỉ trong năm ngày thiếu chất muối, bọn tù kiệt sức nằm
rên rĩ, có kẻ điên loạn cào cấu cả mặt mày. Thế nhưng ai cũng tuân
phục nguyên tắc không nghe, không thấy, không biết… nên khổ sở cùng cực
mà chẳng chịu hở môi.
Sư Trí Thiền đã phát hoằng thệ
nguyện hành hạnh Quán Âm, do đó, tuy sư đang thao thức mong giải quyết công
án "thiên đàng địa ngục", mà hạnh nguyện ban vui cứu khổ vẫn
không quên được. Sư đứng ra nhận tội một mình. Ngay sau đó, biện
pháp trừng trị trại số 4 được giải tòa, riêng sư được chuyển sang
chuồng cọp biệt giam, chờ viên thiếu tá Chúa Đảo kiêm Giám Đốc Khám
Đường xử lý. Tình hình chính trị cuối năm 1943 trong đất liền rất rối
ren, viên Chúa Đảo không muốn bận tâm chở phạm nhân vô ra Saigon để Tòa
Đại Hình xét xử theo thủ tục bình thường. Hắn xử trí những vụ sát
nhân trong đảo theo đường lối riêng: cho toán lính tin cậy đưa tù nhân
đến bãi biển Tây Nam rồi bắn sau lưng tù nhân, đoạn lập biên bản
xác nhận tù nhân bị hạ sát trên đường vượt ngục toan lội biển trốn
sang hòn Bà.
Phòng biệt giam rất thuận tiện
cho việc tọa thiền. Sư lại biết ngày chết của mình đã gần kề, nên
bao nhiêu tâm lực sư dốc hết vào việc giải quyết công án. Điều trớ
trêu là càng hấp tấp thì càng đổ vỡ, mối đại nghi mà đôi lúc sư
tưởng như đã đạt đến đầu mé bỗng ì ra không xê dịch thêm gì được.
Đến nửa đêm, sư xả thiền, xoa bóp tay chân, bước tới lui mươi phút
cho giãn gân cốt, rồi tiếp tục tọa thiền lại. Một chút thất vọng
lóe lên khiến sư phân tâm, động niệm chuyện xa gần. Một niềm vui len lén
đến với sư khi sư chợt nhớ đến hoằng nguyện xả thân cho dân tộc
và đạo pháp của mình, niềm vui đó bỗng đổi thành chút xót xa khi sư
nghĩ đến bọn ngoại nhân xâm lược vẫn còn đang dày xéo nước nhà. Hốt
nhiên, sư chợt khám phá rằng trong niệm đầu sư còn lơ lửng ở chốn
thiên đàng mà niệm kế tiếp, thì sư đã bị lôi tuột xuống địa ngục
rồi. Sư lại bị trì kéo giữa thiên đàng địa ngục hai bên, lại phải
đối đầu với công án có vợ có thiên đàng địa ngục, không vợ không
thiên đàng địa ngục nữa rồi ! Kẻ có vợ chắc đã thực nghiệm đủ
mọi trò mật ngọt đắng cay của tình yêu, họ bị sợi dây tình ái lôi
kéo chằng chịt giữa thiên đàng địa ngục, đó là sự thật hiển nhiên
rồi. Sư không vợ cũng như tổ Cảnh Sơn, thế sao sư lại bị trôi lăn chốn
thiên đàng địa ngục ? Sợi dây nào đã lôi kéo sư đây ? Câu trả lời
bỗng hiện ra như một tia chớp. Sư tự khám phá mình cũng bị ràng buộc
bởi dây tình ái, thứ tình không thô kệch như tình chồng vợ, mà ẩn hiện
vi tế cao đẹp khó thấy như tình dân tộc, tình đạo pháp… Còn tình nhiễm
thì còn bị xâu vào xích của mười hai nhân duyên luân hồi sanh tử. Còn
tình nhiễm là còn phân biệt đúng sai, khôn dại, vinh nhục…, còn mảy
may thương ghét, còn xoay tít trong vòng địa ngục thiên đàng. Thế rồi,
những ý niệm về biên giới, màu da, chủng tộc, thiện ác, đúng sai… bỗng
nhiên tan biến không còn tung tích. Sư chợt thấy lòng nhẹ nhỏm, thênh
thang, tình yêu bình đẳng lồng lộng ngút ngàn.
Trong chớp mắt khối nghi dằng dặc
đè nặng bỗng vỡ tan thành mảnh vụn, một niềm an lạc kỳ diệu bao
trùm thân tâm sư. Cả sơn hà đại địa, một toàn thể chiếu diệu, trong
suốt, trạm nhiên, vắng lặng… lồ lộ hiện bày, không còn gì để nghi
ngờ, không còn gì để mô tả nữa.
Sư lắng chìm trong trạng thái kỳ
bí nầy cho đến khi cửa phòng giam mở, và viên giám thị lên tiếng giục:
- Đi nhanh lên ! lão già !
Sư từ hòa đáp:
- Cảm tạ chú nhắc nhở ! đúng vậy,
đã tới lúc ta nên ra đi rồi !
Người cai ngục không ngờ tên sát
nhân đến lúc sắp đền tội vẫn điềm tỉnh nhường ấy. Lạ nhứt là
giọng nói của lão sao hiền hậu quá, giống như người cha già thân thương
tâm sự với con. Mắt quen dần bóng tối, anh hiếu kỳ quan sát lão tù
nhân già, hai chân tréo nhau ngồi dưới đất, mặt rạng rỡ, đang nhìn anh
mỉm miệng cười. Bỗng nhiên anh cảm giác một niềm vui kỳ diệu từ người
tù nhân già trao đến. Anh quyến luyến nhìn lão già thêm một lúc, rồi bồi
hồi lên tiếng:
- Ông lão đi nỗi không ? tôi đỡ
ông lão đi nhé !
- Chú dễ thương quá ! Xin chú khỏi
bận tâm. Ta đi mình "ênh" được rồi !
Nói xong lão già nhắm mắt lại,
môi lão không động đậy mà người cai ngục nghe văng vẳng như có tiếng
ca:
- Không đúng sai khôn dại
- Hết địa ngục thiên đàng
- Dạo chơi nơi huyễn cảnh
- Tùy duyên lập đạo tràng…
Người cai ngục cảm thấy lòng
xao xuyến, anh ta linh cảm có điều bất ổn, vội tiến tới sờ mũi, sờ
ngực thì mới hay lão tù nhân già đã vĩnh viễn ra đi rồi.
Ghi chú:
1. Tà Niên là địa danh xưa, nay thuộc
xã Vĩnh Hòa Hiệp, Kiên Giang. Hai câu ca dao tác giả nghe được có phần
thô tục, tác giả đã thay đổi 3 chữ cho nhẹ bớt, tuy kém phần dí dỡm
nhưng vẫn giữ nguyên ý khen gái Tà Niên khéo tay, nơi kín đáo nào cũng thêu
thùa làm đẹp và trai An Hòa cần cù nên giống gì cũng đem xỏ xâu làm
khô cả. Tác giả có lời xin lỗi về hành vi tự tiện nầy.
2. Cụ Nguyễn Trung Trực tên thật
là Nguyễn Văn Lịch, người làng Bình Đức, huyện Bến Lức, Long An. Cụ
là vị anh hùng kháng Pháp lừng lẫy với 2 chiến công oanh liệt: đốt tàu
Espérance tại Nhựt Tảo và tiêu diệt đồn binh Săn Đá tại Rạch Giá:
- Hỏa hồng Nhựt Tảo, oanh thiên địa
- Kiếm bạt Kiên Giang khắp quỉ thần.
- (thơ của cụ Huỳnh Mẫn Đạt)
Khi Pháp xâm chiếm ba tỉnh miền
Đông, cụ đã đứng lên hô hào thanh niên tụ hợp dưới cờ để kháng
địch. Ngày 10.12.1861, nghĩa quân đã bắt thần tấn công thiêu hủy tàu
Espérance của Pháp neo tại lòng sông Nhật Tảo, thuộc ấp Nhựt Minh, quận
Tân Trụ và tiêu diệt trọn ổ lính Pháp. Một tiểu hạm khác, neo tại
sông Tra cũng bị nghĩa quân phá hủy 16.12.1862.
Khi Pháp lại đem quân thôn tính ba
tỉnh miền Tây, cụ Nguyễn Trung Trực được vua Tự Đức phái vào miền
Tây tiếp tục chiến đấu. Người về Sân Chim, huyện An Biên chiêu mộ
anh tài, kết nạp nhóm Ông Lâm Quang Ky, rồi đưa quân đột ngột hạ thành
sân đá Rạch Giá hạ sát 73 sĩ quan binh sĩ người Pháp, đoạt được 100
súng đủ loại.
Khi Pháp kéo đại quân phản công,
nghĩa quân thế yếu phải rút về Hòn Chông, rồi dong thuyền ra Phú Quốc
lập căn cứ chiến đấu. Bọn Pháp vây đánh không được, phải đem bọn
Việt gian Huỳnh Công Tấn, Trần Bá Lộc ra Phú Quốc, sử dụng phương pháp
khủng bố đê tiện: bắt giam mẹ cụ Nguyễn và bắt dân lành bỏ đói phơi
nắng để làm áp lực buộc cụ Nguyễn ra đầu thú. Lực lượng đã kiệt
quệ, nghĩ mình trốn lánh chỉ tội nghiệp dân lành, cụ Nguyễn ra trình
diện nhận chịu án trảm quyết tại chợ Rạch Giá ngày 27.10.1868, nhằm
ngày 12.09 âm lịch năm Mậu Thìn.
Tương truyền, trước khi bị hành
quyết cụ đã sang sảng ngâm bài thơ tuyệt mệnh:
- Thư kiếm tùng nhưng tự thiếu niên,
- Yêu gian đàm khí hữu long tuyền,
- Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.
- Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.
Thi sĩ Đông Hồ đã dịch nôm:
- Theo việc binh nhưng thuở trẻ trai,
- Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
- Anh hùng gặp phải hồi không đất,
- Thù hận chang chang chẳng đội trời.
3. Cù lao Giêng (người địa
phương gọi là cù lao Gieng): cù lao trên sông Hậu Giang, thuộc xã Tấn Mỹ,
quận Chợ Mới, An Giang.
4. Kinh Thánh, Tân Ước, sách Luke,
chương 15, từ câu 11 đến 32. Con thưa cùng cha rằng: Cha ơi ! tôi đã đặng
tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người
cha bảo đầy tớ rằng: Hãy mau mau lấy áo tốt nhứt mặc cho nó; đeo nhẫn
vào ngón tay, mang giày vào chơn. Hãy bắt con bò mập làm thịt đi. Chúng ta
hãy ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà
bây giờ lại thấy được. Đoạn, họ khởi sự vui mừng (trích nguyên văn
các câu 21, 22 và 23).
5. Thiền sư Trí Thiền tục danh
Nguyễn Văn Đồng, sanh năm 1882 tại Rạch Giá, con của cụ Nguyễn Văn
Trinh và bà Nguyễn Thị Trường ấu niên xuất gia với hòa thượng Vĩnh Thùy,
tại chùa Sắc tứ Tam Bảo, Rạch Giá. Năm 32 tuổi, sư tiếp nhận trụ trì
chùa Tam Bảo và khởi công đại tu bổ ngôi cổ tự nầy. Sau đó, sư tiếp
tục sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, tạo dựng thêm 9 ngôi chùa rải rách
khắp tỉnh Rạch Giá: Tam Bảo Hòa Thạnh tự Vĩnh Hiệp, Vĩnh Phước tự Tà
Niên, Bửu Hưng tự Gò Đất, Phước Hưng tự Ngăn Gừa, Tam Bảo Từ Tôn
Sóc Xoài, Tam Bảo Kỳ Viên hòn Quéo và Tam Bảo Long Sơn hòn Đất. Song song
với sự nghiệp hoằng pháp, sư chủ trương đem đạo Phật vào cuộc đời
để xoa dịu thương đau của người dân nghèo khốn khổ. Sư tổ chức Bình
Dân học vụ dạy trẻ em nghèo thất học, mở phòng khám bệnh Đông Y chẩn
bệnh và phát thuốc miễn phí, tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lụt, lập
cô nhi viện, xây dựng cầu cho dân đi lại (cầu dài 100 nhịp từ bán đảo
hòn Me ra tới hòn Quéo) và chuẩn bị lập dưỡng lão viện. Ưu tư với sự
tồn vong của đạo pháp và dân tộc, sư quyết tâm lập Hội Phật giáo
Kiêm Tế và cho xuất bản tạp chí Tiến Hóa để phổ biến tư tưởng Phật
giáo nhập thế của mình. Tờ báo được giao cho sư Pháp Linh tục danh Phan
Thành Hòa làm chủ bút, với sự phụ tá của sư Thiện Chiếu tục danh
Nguyễn Văn Sáng. Hai vị nầy một người thán phục Nhựt, một người cảm
tình chủ nghĩa duy vật biện chứng, do đó, tờ báo bị nghi ngờ thân Nhựt
và thân Cộng.
Cuối năm 1938, mật thám Sa Đéc hợp
với mật thám Rạch Giá lục soát và bắt giữ sư Trí Thiền và người đệ
tử pháp danh Thiện Ân, biên bản ghi nhận khám phá quả tang tàng trữ 40
quả lựu đạn nội hóa để làm việc phản loạn, khi lục soát hai trái lựu
đạn đã nổ làm người đội tên Xuôi bị thương. Tòa Đại hình Saigon xử
tử hình thầy Thiện Ân và phạt thiền sư Trí Thiền chung thân khổ sai, lưu
đày Côn Đảo. Sư đã từ trần ngày 26.6.1943, nhằm ngày 24.05 âm lịch năm
Quí Mùi, sau một thời gian dài tuyệt thực thiền định.
Dù chánh quyền Pháp rêu rao bắt sư
Trí Thiền có bằng chứng rõ rệt, nhưng trên thực tế nội vụ có rất
nhiều nghi vấn:
- Sư Trí Thiền là người làm việc
thận trọng và tế nhị, sư đã mời viên chánh tỉnh Dufour làm hội trưởng
danh dự hội Kiêm Tế, lập ban chấp hành với thành phần viên chức thân
chánh quyền có uy tín như: Đốc phủ Tôn Quang Huy, Đốc phủ Đỗ Kiết
Triệu, Đốc học Huỳnh Văn Yến…, thương gia, địa chủ như Đỗ Khuôn
Mậu, Nguyễn Đức Huê, Nguyễn Văn Phụng, Giang Minh Xinh… Sư không khờ khạo
tin tưởng với 40 quả lựu đạn nội hóa làm bằng hộp lon nổ không chết
ai, mà có thể tổ chức được lực lượng võ trang chống Pháp; huống chi
chùa Tam Bảo tấp nập kẻ vô ra như cái chợ, ai đến cũng được, ai xin
ngủ nhờ cũng không từ chối. Chùa lại vừa là trường bình dân giáo dục,
bệnh xá, phòng chẩn bệnh phát thuốc, cô nhi viện… đâu phải là nơi lý
tưởng để chứa chấp vũ khí. Điểm nực cười hơn nữa, ban đêm trong
chùa lại gài sẵn lựu đạn: để bảo vệ cái gì và để hại ai đây
?!!!. Vả chăng, nếu chuẩn bị tích trữ vũ khí thì ít nhứt cũng đã có
một số cán bộ cán bộ nồng cốt, vận động truyền, thành lập đội
ngũ, chớ chứa vũ khí mà chỉ có hai ông thầy chùa thì làm sao khơi khơi
ôm mấy quả lựu đạn tấn công đồn bót được ?
Vụ bắt bớ, lập biên bản chỉ
là cách chụp mũ hai người của chánh quyền Pháp đương thời, và nguyên
nhân, như tác giả đặt giả thuyết và viết trong truyện ngắn, vì chúng
lo ngại nhóm Tiến Hóa sẽ móc nối với Nhựt qua trung gian của ông cử
Võ Ngọc Hoành, một nhà nho thuộc nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp chỉ
định cư trú tại Sa Đéc. Chính vì vậy mà chủ động vụ bắt bớ là mật
thám Sa Đéc, mật thám Rạch Giá chỉ đóng vai hỗ trợ, và họ đã nhắm
vào sư Trí Thiền và người đệ tử, chớ không cố ý bắt sư Thiện Chiếu,
người thực sự có khuynh hướng thân cộng. (Sư Thiện Chiếu, sư Pháp
Linh, thầy giáo Nguyễn Văn Quảng, Đông y sĩ Trần Xuân Vân, chủ nhiệm Tiến
Hóa Đốc phủ Đỗ Kiến Triệu, đều được thoát nạn).
6. Nguyên tác chữ Hán như sau:
- Tứ đại chi vô chủ
- Ngũ ấm vốn lai không !
- Tương đầu lâm bạch nhẫn
- Du tợ trảm xuân phong !
Tương truyền khi thiền sư Tăng
Triệu, bị đưa ra pháp trường xử tử tình, sư đã coi cái chết như không
thực có, coi như đao phủ thủ chém gió xuân, chớ không dính líu gì với
cái "không sanh không diệt" cả. Sư đã bình thản ngâm bài thơ trên.
7. Có người hỏi tổ Triệu Châu:
- Con chó có Phật tánh không ?
- Không !
Lại có người hỏi tổ:
- Con chó có Phật tánh không ?
- Có !
- Vi tính: Hải Hạnh