- Cái bẫy chuột
- Thiện Anh Lạc
(Lời tác giả: đây
là một câu chuyện hơi lẩm cẩm trong gia đình nhưng thấy nó ngộ nghỉnh
nên tác giả thi vị hoá nó thành truyện không nhằm mục đích đề cao hay
khen tặng chính mình, chỉ viết theo ký ức, tâm thức không phân biệt. Nếu
có điều gì sơ xuất, đó cũng là ngoài ý muốn của tác giả)
Không biết con chuột nhắt này đã
lẽn vào nhà tôi khi nào, bằng ngõ ngách chi mà chẳng ai biết cả. Riêng
tôi, tôi nghi nó vào từ cửa ra sau vườn, vì mẹ tôi không bao giờ đóng
chặt cửa. Khi ra vào, bà luôn luôn thả trôi, để tự nó khép vào. Hơn thế
nữa, bà sợ đóng mạnh mau hư cửa nên nhờ bố tôi điều chỉnh hệ thống
lại để có một khoảng trống mà cửa không dộng vào tường, cũng tiện
việc ra vào.
Tôi phát giác ra vào buổi chiều chủ
nhật, khi anh chị hai tôi đến thăm bố mẹ. Đang ở trong phòng dợt nhạc,
chợt nghe chị dâu tôi hét to lên:
"Giời ơi, nhà má có con chuột
nhắt, nhỏ tí teo hà, vừa chạy ngang đây"
Chị lại tíu tít cả lên:
"Đấy đấy, nó vừa chạy
ngang nữa nè, ồ nó chui vào khe tủ của má rồi …"
Chu choa ơi, tôi bổng nhiên nổi phiền
não vì nhà có chuột …Nhất là chuột nhắt, lanh lẹ như chớp, khôn ranh
kinh hồn. Nhà tôi luôn giữ rất sạch sẽ, bây giờ lại có chuột … Rồi
đây, nó sẽ sinh sôi ra chuột con, ăn vụng, gặm bàn ghế, vào phòng ngủ
làm ổ, cắn áo quần, đồ đạc thì khốn … chỉ có bấy nhiêu đó thôi
mà tâm tôi đã trùng trùng duyên khởi lên nhiều ý tưởng xa vời quá ….
Càng suy nghĩ, tâm tôi càng bị bực
dọc, khó chịu, không yên vì cuộc sống thường ngày sẽ ít nhiều bị
xáo trộn.
Tôi không còn tâm hồn đâu nữa
mà dạo đàn, tôi bước ra nhà ngoài góp chuyện:
"Tại má cứ mở cửa sau nên
nó mới lẻn vào được đấy. Làm sao mà bắt nó đây ? "
Mẹ tôi chống chế:
"Cô cứ đổ thừa cho tôi, biết
đâu nó vào bằng ngã khác, như nóc nhà chẳng hạn"
Tôi không nghĩ vậy, nhưng cũng chẳng
cãi vì các cụ già hay hờn mát lắm.
Chị dâu tôi bênh vực mẹ tôi:
"Bé Tí nói thế là oan cho má
đó, thiếu gì ngõ để nó chui vào."
Anh tôi tỉnh bơ tuyên bố :
"Ngày mai, mày cứ ra tiệm thuốc
của tao lấy thuốc chuột về trộn với thức ăn cho nó ăn là xong ngay, loại
này sẽ làm cho nó chết khô, rất sạch sẽ, không có mùi …"
Tôi nghe thấy là rùng rợn, nổi da
gà, dảy nảy lên không chịu :
"Em không có sát sinh, hại vật"
Anh tôi nói:
"Chứ bộ mày tính để nó ở
trong nhà để nó phá phách rồi sinh chuột con sao ? "
Tôi nói:
"Em chưa tính gì cả, chứ bộ
chuột là phải phá phách và sinh chuột con sao? Rủi nó là con đực, hay con
cái mà không có bầu thì sao ?"
Anh tôi và mẹ tôi lại tấn công
tôi tiếp:
"Có từ bi thì cũng nên từ bi
đúng chỗ và có trí tuệ một chút chứ, mày vẫn còn sống trong cuộc đời
ô trược này mà, mở mắt ra mà thực tế một chút đi em…
Tôi làm thinh, không nói gì nữa, đó
là thái độ cố hữa của tôi khi không đồng ý với ai một chuyện gì ,
biết có tranh cải cũng không đi đến đâu.
Thế là bố mẹ tôi và tôi bắt đầu
sống chung với chuột. Thức ăn được cất kỷ, tủ rã, phòng ốc đóng
kín mít.
Tôi đi làm suốt ngày nên tạm
quên nó trong văn phòng, bạn đồng nghiệp thông cảm tôi khi nói chuyện,
vì họ cũng bị chuột lẽn vô nhà liên miên.
Về nhà, thấy nó nhởn nhơ chạy từ
nơi này sang nơi khác kiếm ăn. Ban đầu còn dè dặt, sau đó ung dung, tự tại
mà bò chứ chẳng thèm chạy nữa, xem như không có ai cả, làm tôi đôi
lúc phát bực tức vì ngứa mắt. Bố tôi cũng đi làm thường nên cứ mặc
kệ nó. Chỉ có mẹ tôi là khổ, bà ở nhà suốt ngày, nhà bếp, phòng ăn
là nơi bà đóng đô nhiều nhất, giờ có kẻ thứ hai xâm phạm, làm rộn
nên bà không vui.
Sau vài ngày, chịu không nổi nữa,
mẹ tôi bắt đầu lên tiếng, nói với tôi:
"Cô và Oång phải lo xong chuyện
con chuột đi nhé, không lẽ cứ ì ra như thế sao ?"
Tôi nói:
"Thì đã lo rồi đó, bao nhiêu
tủ thức ăn đóng lại hết, không có để thức ăn ra ngoài, ắt nó đói
thì phải đi nơi khác kiếm ăn thôi"
Nói vậy chứ, tôi đang suy nghỉ làm
thế nào để bắt sống nó, thảy ra ngoài đường hay nhốt nó vào chuồng
cho nó ăn uống là xong.
Những ngày sau, tôi cũng bắt đầu
rầu rỉ vì thấy nó bò, nó chạy lung tung trong nhà nhanh như thoắt, không
thể nào bắt được.
Mẹ tôi sang nhà chị tôi chơi kế
bên về cho tôi biết:]
"Nhà chị mày có phước ghê, cũng
có con chuột lẽn vào nhà, thế mà tụi nó là sao đó không biết, con chuột
lờ đờ, từ trong tủ, khập khểnh bước ra, anh rể mày lấy cái chổi
quét nhà hất cho nó một cái một, nó văng ra sân sau là xong chuyện."
Tôi than thở với chị tôi, chị
tôi đã có kinh nghiệm nên truyền lại:
"Mày bắt chước tao đi, dọn một
ngăn chót, dưới tủ thức ăn khô, để tí thức ăn dụ nó vào, rồi để
một đống giấy với bao ni lông, nó đói, nên ăn ráo nạo. Chắc con chuột
nhà tao ăn bao ni lông nhiều quá, bị đau bụng nên mới lờ đờ như thế,
thử xem "
Tôi không tán thành nên lờ tít,
không hỏi thêm nữa, chị tôi hiểu nên thôi.
Một tối nọ, đang ngồi xem TV, tôi
thấy nó rõ ràng, đang nhướn mình lên, cố lấy hai chân trước đẩy cánh
cửa tủ thức ăn khô nặng nề ra, tìm chút gì lót dạ. Tôi biết nó đói
lắm rồi. Lòng tôi bổng chùng xuống nặng nề khi nghỉ đến cái đói
thiêu đốt mọi loài. Đêm hôm ấy, tôi bắt đầu làm bẫy, để vài hạt
cơm ra ngoài cho nó ăn, bắc một cái cầu bằng thanh gổ gác từ dưới đất
lên trên một cái sô lau nhà, cơm để dài dài đến tận đáy sô, xem như
nó lọt vào đấy thì hết phóng ra.
Sáng hôm sau, cơm trên cầu không
còn, chỉ có cơm trong đáy sô là còn, chuột không ngu đến mức nhảy vào
sô ăn cơm, chỉ có tôi là tên ngốc ….
Mẹ tôi bắt đầu bực dọc ra lệnh:
"Oâng và nó phải bắt cho được
con chuột à nha, tôi chịu nó không nổi nữa rồi, nó cứ chạy loanh quoanh
trông thật dơ dáy, ngứa mắt"
Thật ra thì nó cũng chẳng làm gì
phiền đến tôi, có nó chạy quanh nhà, tôi lại thấy vui vui mới lạ chứ
… Giống như con chó, con mèo nuôi trong nhà vậy …
Ba tôi chịu không nổi mẹ tôi nhằn
mỗi ngày nên bắt đầu đi kiếm, mua bẫy chuột. Tôi yêu cầu ông phải
kiếm loại lồng để bắt sống chứ đừng có mua loại kẹp, có răng cưa
để giết chết. Thế mà chiều hôm ấy, ông đem về khoe tôi cái bẫy kẹp.
Nhìn thấy cái thứ dụng cụ lừa lọc để sát sinh, hại vật, tôi lại rởn
tóc gáy, nổi da gà. Tôi không vui, nên nói :
"Sao con nói bố mua loại lồng
mà bố mua loại kẹp ?"
Bố tôi chống chế:
"Ba đi tìm mãi mà không có loại
lồng, nên tạm thời, ba mua đại cái này cho rồi. Cốt yếu để mẹ cô
thấy mà đừng có nhằn ba nữa, cho yên thân, chứ ba đâu có gài."
Nhớ lại hình ảnh quá khứ, khi
còn nhỏ ở quê nhà, nên tôi nhất định không chịu:
"Con không bằng lòng để cái bẫy
này trong nhà đâu, mai ba mang trả đi"
Ba tôi ưng thuận :
"ƯØ, thì để ba mang trả vậy
…"
Nhớ khi còn nhỏ, nhà tôi có chuột
làm ổ trong hầm thang, chị bếp tức mình gài bẫy, có khi là lồng, có
khi là kẹp. Trưa hôm đó, đang nghỉ trưa, tôi nghe tiếng kêu "chít
chít chít …" thảm thiết từ nhà dưới, vì tôi ghét ngủ trưa nên mới
nghe được. Tôi len lén trốn xuống nhà rồi chui vào hầm thang, thấy chú
chuột lắc, miệng ngậm miếng thịt mở do chị bếp gài, chân thì bị kẹp
vào bẫy nên đau nhức kêu thảm thiết, chú nhìn tôi sợ hãi, hai mắt đen
láy như hai hạt đậu, ướt sũng, van lơn tôi đừng giết chú. Tôi chỉ
có bảy, tám tuôỉ, tôi không biết gì về Phật Pháp, lòng từ bi, nhưng tôi
thương chú quá, hình ảnh ấy vẫn in sâu trong ký ức tôi. Bàn tay tôi bé
nhỏ, quá yếu ớt để đủ sức kéo cái lò xo lên, mà bẫy thì toàn răng
cưa, móc sắt, tôi cũng sợ bị kẹt tay chứ bộ. Còn chú chuột thì sợ
cuống lên vì sự hiện diện của tôi, nên cố kéo chân ra khỏi bẫy để
chạy mà không chạy được, chân càng đau nên càng kêu thảm thiết.
Tuy thương chú, nhưng tôi rất ghét
chuột dơ bẩn, phá phách, nên tôi cứ lưởng lự, không biết nên cứu
chú, hay là cứ để mặc kệ cho chú ở đó đau đớn. Lát nữa, chị bếp
đến đập cho chú một nhát là xong đời. Suy nghĩ một chập, tôi vuốt nhẹ
lên người chú rồi an ủi:
"Cưng ráng một chút, chờ chị
cứu cưng nhé"
Chú hơi an tâm, nên đứng yên. Tôi
nhìn quanh quất, thấy có que củi nhúm bếp khá chắc mà mỏng, nên dùng
làm đòn bẫy, một tay nạy cái lò xo lên, một tay thì giữ cái bẫy, Thế
là chú thoát nạn, chạy cà nhắc vào hộc tủ, biến mất không quên tha
theo miếng thịt mở. Tôi thấy nhẹ lâng lâng, vui vui, sung sướng.
Tôi thở phào, nhẹ nhỏm, mau mau chạy
lên giường đắp chăn, lim dim thiếp đi. Một chặp sau, chị bếp la inh ỏi:
"Đứa nào thả con chuột tao bẫy
rồi … Chắc lại con Tí … Tí à …"
Chị ấy nghi tôi là thủ phạm ít
lầm, vì tôi hay phá phách, nghịch ngợm.
Tôi im thin thít, mong chú chuột ấy
thoát nạn, rồi chìm lại vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Bắt quá, nếu chị
ấy méc mẹ tôi, anh tôi thì tôi bị nhéo lổ tai hay vài roi là cùng …..
Có những lần, mắt tôi ngấn lệ,
hồn tôi nặng chĩu khi nhìn thấy chị ấy xách cái bẫy có con chuột chết,
gương mặt đau đớn, đầu bị kẹp cứng vào bẩy, mắt nhắm tịt , miệng
còn ngậm miếng mồi, chưa nuốt trôi khỏi cổ thì hồn đã lìa xác.
Những khi khác, đang vui đùa ngoài
ngõ, nô giởn trong xóm, tôi thấy những đứa trẻ khác, lớn hơn tôi. Tay
trái xách cái lồng chuột như một "chiến lợi phẩm", tay phải cầm
chai dầu hôi, dầu lửa và diêm quẹt để chuẩn bị thui con vật vô tội.
Rồi ra lệnh với bọn tôi:
"Tụi bay đi theo tao để đốt
con chuột này, trông nó bị đốt, nhảy múa vui lắm"
Tôi còn ngu, sợ bị tụi nó đánh
nên đành phải đi theo. Nhưng tôi đã bịt mắt, bịt mủi lại khi nhìn và
ngưởi thấy con chuột mình đầy lửa kêu la thảm thiết, nhảy nhót trong
lồng trước màn vỗ tay, reo hò của những đám trẻ vô tình.
Tôi cũng ù chạy mất hay quay mặt
đi nơi khác khi nhìn những đứa trẻ nhận chìm cả cái lồng chuột xuống
cống cho con chuột chết chìm.
Những lần như thế, tôi hay khắc
khoải lo sợ, thương sót cho đời sống thú vật mà chẳng làm gì được
cho chúng cả. Tôi hoàn toàn bất lực trước khổ đau của chúng.
Tôi không lên án hay chỉ trích một
ai, mỗi hoàn cảnh xã hội, tâm tính con người một khác nhau. Chuột bọ dơ
bẩn, đem bịnh dịch hạch lại cho con người, chẳng ai ưa thích chúng cả.
Nhưng chúng cũng là chúng sinh có tính linh, có cảm giác, biết đói lạnh,
sợ hãi, vui buồn như ta vậy, chúng làm gì nên tội để bị hành hạ đến
thế.
Kỷ niệm đó làm tôi nhớ mãi nên
không muốn nhìn thấy cái bẫy kẹp đầu chuột trong nhà nữa, nó làm tôi
suy nghĩ xa vời.
Đến cuối tuần, là đúng một tuần,
mẹ tôi bắt tôi và bố tôi phải lùa nó đi cho bằng được. Bàn tủ được
dở lên hết mà vẫn không thấy nó đâu cả, kể cũng lạ. Tôi chán quá,
nên kệ nó cho rồi, nhưng thức ăn cho nó, tôi vẫn để lén mỗi đêm.
Chiều thứ hai, bố tôi vui vẻ
đưa tôi xem một cái hộp nhỏ, dài, bẽ góc, có hai nắp ở hai đầu, rất
đặc biệt. Thì ra là cái bẫy bắt sống con chuột rất tân kỳ.
Bẫy là đường hầm ngắn có dốc
đi lên ở đoạn cuối đường hầm, thức ăn để ở cuối đường hầm.
Khi con chuột leo dốc đến cuối đường hầm để lấy thức ăn, sức nặng
của con chuột trúc xuống thì đầu đường hầm bậc lên trên, nắp mở
không có điểm tựa, sẽ bậc xuống, đóng lại, thế là chuột bị nhốt
sống. Tôi chịu liền nhưng vẫn không vui vì lổ thông hơi quá ít, sợ con
chuột bị chết ngạt sau một đêm nên phải nhờ bố tôi lấy đinh đục
thêm vài lổ, bố tôi chịu liền.
Thế là bẫy chuột được hoạt động
mỗi đêm nhưng không hiệu quả, con chuột này nó ranh mãnh quá sức, chỉ
ăn những miếng mồi trước cửa bẫy. Tôi tức mình, không để thức ăn
ngoài bẩy trong vài ngày cho nó đói meo đi, thì nó mới bò vào bên trong bẫy.
Thế mà nó chịu đói, chứ không
vào bẫy, mẹ tôi bắt đầu bực mình và lại lầm bầm lo lắng:
"Thôi, dẹp cái bẫy đi cho rồi,
nó khôn lanh quá vậy làm sao bắt được nó bây giờ"
Tôi nói:
"Sao mà má nóng nảy quá vậy,
"dục tốc, bất đạt", má cũng biết vậy cơ mà"
Bố tôi thêm vào:
"Thì bà cứ để yên cho người
ta làm việc, lo mãi, ích lợi gì, chỉ thêm phiền não"
Mẹ tôi hờn mát:
"ƯØ, thì tôi để chờ xem ông
và nó bắt con chuột ra sao"
Tôi và bố tôi vẫn kiên trì gài bẫy
mỗi đêm, có mất mát gì đâu một chút phô mai. Sáng thứ năm, tôi thức
dậy sửa soạn đi làm, bố tôi kêu tôi lại và chỉ vào bẫy:
"Hôm qua, ba gài bẫy, hôm nay, cửa
đóng, không biết nó có trong đó không …"
Tôi cầm chiếc bẫy lên, thấy nhẹ
tênh, nhưng hơi âm ấm, tôi nói:
"Không biết có nó trong đó
không, mà sao nhẹ quá, chắùc phải có thì cửa mới đóng"
Bố ầm ừ:
"Không biết nữa …chắc là
có …"
Mẹ tôi lúc ấy đã thức dậy,
nghe lào xào, liền ra bếp xem chuyện gì. Bà hỏi:
"Chuyện gì mà mày với ổng
nói lào xào vậy ? Con chuột ra sao rồi ?"
Bố tôi nói:
"Tôi đâu có biết. Có lẽ nó
đã bị mắc bẫy"
Mẹ tôi hỏi:
"Sao ông biết ?"
Bố tôi:
"Thì nghe cô Tí nói vậy"
Tôi nói:
"Chắc là đói quá rồi, nên cũng
liều mạng … sống để kiếm miếng ăn"
Mẹ tôi nói:
"Đâu, sao ông không xem thử
xem, rồi thả nó đi cho rồi"
Bố tôi ầm ừ:
"Để chút xíu nữa đã. Giờ
này, tôi phải đi ngồi thiền, hơn nữa ngoài trời còn sương, khá lạnh.
Tôi ra ngoài, rủi cảm lạnh thì sao?"
Tôi năn nỉ:
"Thôi, ba làm phước, mặc áo
ấm vào, rồi ra công viên gần nhà, thả nó đi sớm dùm con đi. Ba rảnh
ở nhà, còn con phải đi làm. Nếu không, con sẽ thả nó đi cho sớm. Để
nó nằm trong này, vừa chật chội, vừa tối thui, lại lo sợ sống chết,
tội nghiệp"
Bố tôi ngần ngừ:
"Thì nó đã ở đó suốt đêm
rồi, thêm vài chục phút nữa có là bao, ba phải đi ngồi thiền, kẻo trể
giờ …"
Mẹ tôi gắt gỏng:
"Con chuột bị nhốt suốt đêm
rồi, nó bị tù túng, sợ hãi. Oâng phải từ bi mà thí vô úy cho nó chứ.
Ông ngồi thiền sớm, trể một chút, có sao đâu. Còn nó, nó được thả
sớm lúc nào là đở sợ lúc đó "
Bố tôi rầu rỉ:
"ƯØ, thì tôi đi đây"
Khi bố tôi trở về, mẹ tôi và
tôi xúm xít lại hỏi:
"Thế nó thế nào rồi vậy ạ?
Bố có thả nó xa nhà người ta không?"
Bố tôi nói:
"Thì nó tỉnh bơ phóng ra khỏi
bẫy chứ sao, nó lủi vào bụi rậm trong công viên rồi biến mất"
Tôi và mẹ tôi thở phào, nhẹ nhỏm
vì nó còn sống và mạnh khoẻ.
Tôi hỏi:
"Thế còn miếng phô mai không
ạ? Bố thấy nó có lờ đờ không ạ?"
Bố tôi nói:
"Nó sợ điếng hồn, còn tâm
thần đâu mà ăn nữa, chỉ lo chạy thoát thân. Tuy nhiên, nó chẳng có lờ
đờ tí nào cả, còn lanh lẹ lắm"
Tôi yên tâm:
"Chứ không thì lại bị mèo
xóm này vồ thì khốn. Mèo, nó có đói mà vồ để ăn thì con tha thứ được,
đằng này, vồ chim, vồ chuột giải trí mới đáng giận chứ"
Bố tôi nói:
"Thì nó thuộc loài độc ác như
thế mà"
Mẹ tôi lo lắng:
"Không biết nó có bị mèo vồ
không nhỉ ?"
Tôi an ủi bà:
"Chắc nó không sao đâu, nó cũng
biết lo thoát thân chứ bộ"
Bà chắc lưởi:
"Tội nghiệp, trời lạnh lẽo,
không biết có tìm được gì để ăn và chổ để trú không nữa. Mà nó
ở đây mãi đâu có được, thật là khổ"
Bố tôi an ủi:
"Bà đừng có lo cho nó, nó ở
trong này thì đói chứ khi nó được tự do ngoài đường rồi thì thiếu
gì thứ để ăn, chổ để trú"
Tôi cũng mủi lòng theo:
"Biết thế, con giữ nó lại
cho rồi, con sẽ nuôi nó luôn để làm gia súc"
Bố tôi an ủi:
"Không được đâu, nó đời nào
chịu tù túng trong chuồng, thả nó tự do là tốt nhất"
Tối hôm ấy, Tôi đi làm về, thấy
nhà sao nhà thiếu vắng một cái gì ….
À, thì ra thiếu chú chuột nhắt nhỏ
chạy tung tăng qua lại từ khe tủ lạnh sang khe bếp, từ khe bếp sang khe tủ
thực phẩm …Nó bây giờ ở nơi đâu nhỉ ?
Tình cờ, tôi đọc một bài báo
nói về mùa Thu ở nơi đây, cũng là mùa sinh sản của loài chuột lắc. Nếu
trời mưa nhiều thì các loại này sẽ ở luôn ngoài đường vì có nhiều
thực phẩm và nước uống. Nhưng nếu không có mưa thì các loài này sẽ
vào tư gia kiếm ăn. Bài báo khuyên dân địa phương phải đề phòng và
bài trừ vì nó có thể có nguy hại như cắn nát đồ, nhưng tôi không thấy
đề cập đến vấn đề đem bịnh truyền nhiểm.
Tôi đem bài báo này đến cho mẹ tôi
đọc, bà chắc lưởi …:
"Tội, không biết giờ nó đã
ra sao, sống chết thế nào rồi … "
Bố tôi an ủi:
"Bà đừng có lo, nó ra ngoài
đường được tự do, càng thích hơn trong nhà bị tù túng, chán vạn thứ
ngoài đường cho nó ăn, trú"
Mẹ tôi thở dài:
"ƯØ, thì mình đâu có làm gì
được hơn cho nó, mình đâu thể nuôi nó mãi trong nhà"
Rồi như nhớ điều gì, bà đi ra bếp,
một phút sau, tôi nghe bà cằn nhằn bố tôi:
"Oâng à, ông dẹp dùm tôi cái
bẫy chuột đi, để trong bếp, trông dơ bẩn quá chừng hà, còn chuột đâu
nữa mà cứ để đó hoài hà"
………………………………………………………………………………………..
Vài tháng sau, chuyện con chuột cũng
dần dà đi vào quá khứ quên lãng. Quên lãng như chuyện đóng sát cửa ra
vườn sau của mẹ tôi vậy. Cánh cửa ra vườn sau nhà đã được đóng kỷ
lưởng để ngăn chuột bọ, ruồi muỗi trong suốt thời gian có con chuột,
và sau đó.
Bây giờ, cánh cửa ấy đã đóng lơi
dần vì mẹ tôi đi ra đi vào bao lần trong ngày. Đến khi tôi phát hiện ra
cánh cửa ấy không còn đóng kỷ như trước nữa khi thấy có con ruồi bay
vo ve trong bếp, tôi hơi bực mình, đi tìm mẹ tôi để trách:
"Sao má không đóng sát cửa ra
sau vườn kỷ lại như mấy tháng trước, lúc có con chuột … "
Mẹ tôi:
"Thôi, tôi mệt lắm, tôi còn
phải mang cái này, cái kia, đâu còn có tay nào đâu để kéo sát cửa
vào"
Tôi nói:
"Nhưng má chịu khó một chút
thôi, còn hơn là mất thì giờ, bị phiền não khi có con chuột khác lẽn
vào, phải cực khổ bắt nó, rồi còn nhớ nó nữa chứ …
Mẹ tôi trả lời tỉnh bơ:
"Chẳng có sao cả, nếu có con
khác lẽn vào, thì nhà đã có sẵn cái bẫy chuột rồi, lo gì ….".
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/039-caibaychuot.htm