- Phổ Nguyện
- Huỳnh Trung Chánh
Chuyến hành trình về
phương Nam đã được đại sư Nhất Nguyện suy tính và chuẩn bị chu đáo,
vậy mà khi sắp sửa lên đường sư cũng cảm thấy bâng khuâng ngần ngại.
Sư chỉ lẩn quẩn tu tập trong khuôn viên Thiếu Lâm tự, quen nếp sống
thanh vắng, quyến luyến núi rừng hùng vĩ, thân thuộc với từng cành
cây, từng hốc đá trên đỉnh Thiếu Thất, núi Tung Sơn, nên thật ra, nếu
không vì lý do chánh đáng, thì đã không cất bước. Sư sớm có nhân
duyên lớn với cửa Phật, đã được sư bà Diệu Từ, nhận làm dưỡng tử,
mang về chùa Phổ Nguyện, Giang Nam nuôi dưỡng từ lúc mới sơ sinh. Khi lên
năm tuổi, sư bà cho cậu bé thọ giới khu ô sa di, ban pháp danh là Nhất
Nguyện. Ngôi chùa nữ không còn thuận tiện cho việc tu tập của một cậu
con trai sắp đến tuổi dậy thì, nên đến năm mười ba tuổi, cậu được
sư bà mang gởi gắm làm thị giả cho pháp huynh Không Tuệ, thủ tòa Đạt
Ma viện, Thiếu Lâm tự. Nhờ vậy, sư đã may mắn tu tập dưới sự hướng
dẫn ngày đêm của những bậc tôn túc đạo cao đức trọng. Trong ba mươi
năm nghiêm túc tu học, sư nghiễm nhiên trở thành bậc anh tài tinh thông Phật
học, nổi tiếng là một học giả uyên bác, làu thông ba tạng kinh điển
có thể xếp vào hàng thượng thủ trong giới tu sĩ trung niên tại tu viện.
Tuân theo lời khuyên bảo của Vô Sắc thiền sư, Phương Trượng Thiếu Lâm
tự, sư đã lánh mình trong tịnh thất ba năm, để đem hết tâm trí mình sớ
giải bộ Kinh Lăng Già Tâm Ấn gồm thành hai mươi lăm quyển, để lưu lại
hậu thế. Trong thời gian nầy, phương trượng Vô Sắc đã được nhà vua
cử làm quốc sư, triệu về lưu trú tại Trường An. Vì vậy, sư buộc lòng
xuống núi, mang bộ sớ giải đi Trường An, dâng cho quốc sư thẩm duyệt,
nhân tiện, sư dự định sẽ về Giang Nam thăm lại ngôi chùa xưa, và vị
thầy quý yêu hằng thương nhớ. Tác phẩm đã được quốc sư tán thán
là một bộ luận giải công phu, văn cú mạnh lạc khúc chiết, đã chuyên
chở trọn vẹn ý nghĩa thâm sâu của đạo mầu, nên đã quyết định cho
khắc bản in, để phổ biến khắp các tự viện trong nước. Quốc sư
cũng yêu cầu tác giả lưu lại Trường An, để trông nom, sửa chữa bản
in cho đến khi hoàn tất công cuộc ấn loát. Do đó, dù có chán ngán cảnh
bon chen náo nhiệt của chốn kinh thành như thế nào, sư Nhất Nguyện cũng
phải gượng gạo kéo dài thời gian sống ở chốn đô hội thêm cả năm nữa,
rồi mới có thể nghêu ngao sơn thủy:
"Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa.
Mắt xanh xem người thế.
Mây trắng hỏi đường qua"(1)
Khác hẳn với cảnh non cao ngất
nghểu, gió lạnh buốt xương của đỉnh Thiếu Thất, nằm trong dãy núi Ngũ
Nhạc trùng trùng điệp điệp, vùng đất Giang Nam bằng phẳng, mông mênh
đồng ruộng, chằng chịt sông ngòi, khí hậu ấm áp, cây cỏ xanh tươi thịnh
mậu. Khi sư đến trấn Lăng Hồ, phủ Hồ Châu, tìm lần về ngôi chùa Phổ
Nguyện năm xưa, thì bao kỷ niệm ấm êm thuở thiếu thời, mà sư tưởng
chừng như đã buông bỏ không còn dấu vết, đột ngột hiện về khiến
sư chao đảo xúc động. Phong thái đĩnh đạc uy nghi của một vị đại
sư bỗng nhường chỗ cho hình ảnh một đứa bé mồ côi khờ khạo, dù
được sư phụ nâng niu như từ mẫu, mà vẫn ôm ấp mối hoài nghi khôn
nguôi về hai đấng sanh thành vắng bóng. Xóm làng vắng vẻ đìu hiu năm
xưa, nay đã san sát nhà cửa, đường vào chùa được trải đá, sạch và
rộng hẳn ra. Ngôi chùa cũng khang trang, không còn chút dấu vết hình dáng
gầy gò ngày trước, đến nỗi nếu không thấy chữ "Phổ nguyện tự"
màu hoàng kim rực rỡ trên cổng tam quan, sư nghĩ mình đã lạc đường. Đặc
biệt nhất là cái đầm sình lầy lội sau chùa đã được cải biến thành
một cái hồ sen xinh xắn bao quanh bởi một vườn cây trái xanh um. Đang bâng
khuâng trước cảnh đổi thay, chợt nghe ba hồi chuông trống bát nhã vang rền,
sư vội vã rảo bước nhanh vào chùa. Mọi người đang rộn rịp lo cho một
đại lễ, không ai để ý gì đến sự hiện diện của sư. Sư len vào
chánh điện, đúng lúc đại chúng đang nghiêm trang thỉnh sư bà ban đạo từ.
"Thầy hiển hiện sáng ngời đức từ bi và niềm an lạc, nhưng thầy
đã già lắm lắm rồi", sư thầm nhủ. Sư xúc động muốn chạy ngay
đến trước mặt thầy, quì lạy rồi để cho giòng nước mắt mặc tình
tuôn chảy. Nghĩ thế, nhưng sư đâu còn là đứa trẻ con chộn rộn nữa,
sư chỉ hơi nhón lên một chút mong sư bà nhìn thấy mặt, nhưng cố gắng
nầy dường như vô hiệu.
Sư bà chắp tay xá thật sâu chào
đại chúng, rồi từ hòa lên tiếng:
- Đại chúng! Theo lệ hằng năm, nhân
lễ kỷ niệm ngày khởi công gầy dựng ngôi chùa Phổ Nguyện, thầy thường
nhắc nhở quý vị về hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Hôm nay, để
thay đổi đôi chút, thầy muốn kể cho đại chúng nhân duyên kỳ diệu năm
xưa đã đưa thầy đến quyết định tạo dựng ngôi già lam nầy!
Sư bà trầm ngâm giây lát như lắng
lòng về với dĩ vãng, rồi mới chậm rãi tiếp lời:
- Như đại chúng đã rõ, thầy vốn
là đệ tử của chùa Nga Mi. Theo truyền thuyết, Nga Mi sơn là chốn ẩn cư
của Bồ Tát Phổ Hiền, và hình bóng Ngài đang tọa thiền vẫn thường xuất
hiện cho khách hành hương chiêm ngưỡng. Vào những buổi sáng đẹp trời,
đứng trên đỉnh núi phía sau chùa, khách hành hương có thể thấy hiển
hiện rõ ràng dưới thung lũng hình bóng uy nghiêm của Ngài(2). Thầy đã chứng kiến hiện tượng đó hàng
trăm lần, và lần nào thầy cũng xúc động chân tâm, thành kính quí xuống
tụng Phổ Hiền thập nguyện(3) và phát nguyện
noi gương Ngài hành mười hạnh nguyện nầy để cứu độ chúng sanh. Thầy
đặc biệt quan tâm đến đệ nhất nguyện "lễ kính chư Phật",
do đó thầy đã hằng nhắc nhở chư đệ tử khi lễ Phật phải đem hết
"thân tâm cung kính" để lễ, nghĩa là phải nghiêm chỉnh chắp
tay, đứng thẳng, tưởng nhớ đến đức hạnh cao cả của Phật, nguyện
noi gương Phật tu tập, rồi mới gieo năm vóc xuống sát đất phủ phục
trước Phật. Với thầy, thì nếu năm vóc không sát đất, hoặc đang ngồi
hay quì mà mọp xuống, thì trong việc lễ Phật đã có phần giãi đãi, thiếu
chân thành. Lễ Phật có chân thành, thì hành giả mới có thể tiến lên bốn
phép lễ về lý như "pháp lý thanh tịnh lễ", - nghĩa là thấu suốt
rằng cả Pháp giới đều do tâm hiện bày, lạy một vị Phật tức là lạy
chư Phật -, "biến nhập pháp giới lễ", "chánh quán lễ"
và "thật tướng bình đẳng lễ"(4).
Thuở thầy còn là ni cô trẻ trên
Nga Mi, thầy thuộc thành phần lễ Phật quá khích, ngày ngày thầy đi vòng
quanh đỉnh núi, mỗi một bước lễ một lễ, say mê không nhàm chán. Thế
nhưng thầy đã lễ Phật với tâm sùng bái, chớ chưa hiểu lễ Phật là
pháp môn tu sửa thân tâm. Có lẽ, đó là lý do khiến sư phụ thầy không
hài lòng. Một hôm, sư phụ truyền lệnh cho thầy phải xuống núi để
"lập hạnh", nếu lập hạnh chưa sáng tỏ thì tuyệt đối không
được lễ Phật, và cũng không được trở về Nga Mi sơn. Thầy bàng
hoàng ra đi với tâm trạng đớn đau cùng cực, vừa tủi thân vừa điên
đầu về lời dạy bảo quái dị của sư phụ. Mình đã lập hạnh lễ Phật
rồi còn bảo lập hạnh gì nữa đây? Mình có tội tình gì mà bị đuổi
xuống núi, bị ngăn cấm lễ Phật một cách độc đoán như vậy?
Lòng dạ hoang mang rối bời, thầy
đi lang thang vô định từ địa phương nầy sang chốn khác cả năm trời,
để tận lực tìm cơ duyên lập hạnh mà chẳng thấy có hạnh nào đáng
để lập. Đã bao lần thầy thối tâm muốn hoàn tục, nhưng có lẽ nhờ
chư thiện thần hộ pháp yểm trở, nên dù thân tâm đã mỏi mệt chán chường,
thầy vẫn gắng gượng lê lết tiếp nối con đường đã đi. Thế rồi,
thầy vô tình đến trấn Lăng Hồ, đúng vào lúc mà nơi nầy đang lâm vào
tình trạng hạn hán trầm trọng, mùa màng thất bát, đời sống khó khăn.
Hôm đó, thầy ôm bình bát đứng tại chợ Đông khất thực lâu hằng giờ
mà chưa gặp được thí chủa hảo tâm nào cúng dường; lão mù ngồi gần
đó cất giọng van xin thảm thiết từng hồi mà cũng chưa có mấy kẻ động
lòng. Trong thời gian nầy, đi xin ăn, dù dưới hình thức nào cũng lắm khó
khăn cay đắng. Con chó què quặt, ghẻ lác trụi lông, gầy đói trơ xương
đang lê lết trước mặt thầy càng bi đát hơn. Con vật rón rén đến quán
ăn, hau háu chực hờ thực khách quăng cho chút xương thừa. Không may, vừa
trông thấy con vật dơ dáy, người chủ quán vội chụp ngay cay gậy, đập
con vật mấy hèo, khiến nó đau đớn rên la ăn ẳng. Sự kiện đó, có lẽ
đã giúp cho mấy đứa bé trai đang hùng hục đấu võ với nhau, khám phá
ra trò chơi mới. Chúng hùa nhau đuổi rượt hành hạ con vật khốn khổ.
Thầy muốn khuyên giải đám trẻ, nhưng chưa kịp mở lời thì chúng đã
chạy khá xa rồi. Thầy là tu sĩ, phải giữ bốn uy nghi, đâu có thể la
ơi ới hay phóng chạy theo chúng được. Thầy đành rảo bước theo sau, mắt
vẫn lom lom theo dõi con chó chạy về hướng cuối chợ. Chợt có tiếng can
thiệp nhỏ nhẹ:
- Xin các cậu tha cho nó đi! Tội
nghiệp lắm!
Lạ thật, lời nói phát xuất từ
mụ ăn mày ngồi ở vỉa hè, vậy mà có hiệu lực khiến đám trẻ ngỗ
nghịch tuân lời, tản lạc bỏ đi. Con chó khôn ngoan mon men đến gần người
vừa che chở, ngúc ngoắt đuôi như để chào mừng. Thầy cũng hiếu kỳ,
bước đến gần để nhìn người tốt bụng. Hốt nhiên, vừa thấy người
đó, thầy kinh khiếp đến mức sửng sờ, dợm bỏ chạy ngay như lũ trẻ
ác độc kia. Đó là một người bệnh phong hủi, mặt mày u nần lở lói,
mũi tai bẹp dí biến dạng, ngón tay ngón chân bị khuyết cụt lầy nhầy
máu mủ, bu quanh bởi đám ruồi thèm khát vị thanh hôi... Nhờm gớm quá!
thầy dự định len lén rút lui về hướng khác. Chợt thấy thầy người
ấy vuốt ve con vật, ngọt ngào an ủi:
- Tội nghiệp con quá! chúng làm con
đau lắm phải không?
Trái với những kẻ sống đầu
đường xó chợ nói năng thô lỗ, người đàn bà nầy đối với loài vật
lại thốt lời êm ái dịu dàng như người mẹ hiền trao cho đứa con yêu,
quả là điều lạ lùng! Thầy phỏng đoán có lẽ người đàn bà nầy điên
loạn, lầm tưởng con chó là đứa con đã chết, nên lời nói mới tràn ngập
yêu thương như vậy! Do đó, thầy nán lại để lẳng lặng quan sát thêm
chút nữa.
- Chắc con đói lắm phải không? Ta
mới vừa xin được một bát cơm, chia cho con phân nửa nhé!
Mụ ăn xin sớt cơm ra chăm sóc cho
con chó ăn với "ánh mắt từ bi" diệu hiền khôn tả. Có lẽ, thấy
con vật quá đói, "dùng thiệt tình, không khách sáo", mụ cầm bát
cơm còn lại, ngần ngừ một chút, rồi trút hết cho nó. Con chó ăn xong lấy
lại hơi sức để bò đi nơi khác. Người ăn xin nhìn theo sung sướng mĩm
cười, rồi bỗng nhiên mắt mụ sáng lên, mụ vét mấy hạt cơm còn sót lại
trong bát, nhai ngấu nghiến.
Thầy tình cờ chứng kiến rõ ràng
diễn tiến xảy trước mặt, không bỏ sót một chi tiết nhỏ. Càng nhìn,
càng lắng nghe, thầy càng cảm phục mụ ăn xin, và cũng cảm thấy hổ thẹn
vương vấn trong lòng. Ôi! Thầy đã lấy cái bụng nhỏ nhen của mình để
phán đoán người có tâm địa bồ tát, đã thầm khinh thường mụ là thứ
hạ tiện khùng điên, ngờ đâu, ẩn bên trong hình hài xấu xa đó là nguồn
suối từ bi vô lượng sẵn sàng trao cho mọi loài chúng sanh. Người đã
khuyên mấy đứa trẻ tránh điều ác, ban cho con vật thức ăn và sự che
chở, an ủi, nói khác, người đã bố thí pháp, tài vật và phép vô úy
theo tinh thần ba la mật(5): cho tất cả với
tâm bình đẳng không phân biệt, không mong cầu, không tiếc nuối, không
còn thấy kẻ cho người nhận. Thầy vốn phát nguyện hành hạnh tùy hỉ,
lẽ ra thầy nên thân cận lên tiếng tán thán công đức người lạ, nhưng
lúc đó thầy cứ ngần ngừ không mở lời. Thật ra, dù đã học thuộc
làu làu giáo lý "sắc bất dị không", nhận thức rằng hình hài
bên ngoài là "huyễn", là giả dối tạm bợ, nhưng khi đối diện
với hoàn cảnh thực, thầy mới biết rõ là từ chỗ nói đến hành động
là một khoảng cách nghìn trùng. Người có tâm Phật, tâm Bồ Tát nếu
mang hình hài phong hủi, thúi tha, ghê tởm...., thì mấy kẻ dám thân mật gần
gũi, huống chi là lễ kính, xưng tán, cúng dường. Thầy còn ngẩn ngơ, thì
mụ ăn mày bỗng nhìn thấy thầy, vội đứng lên trang trọng chấp tay vái
chào, khiến thầy cũng bối rối xá đáp lễ.
- Kính chào sư thái! Có lẽ sư thái
từ phương xa mới đến địa phương nầy?
Thầy hãnh diện đáp:
- Đúng vậy! bần ni là đệ tử chùa
Phổ Hiền, núi Nga Mi!
Người ăn mày bỗng quỳ xuống
lâm râm khẩn: "Cảm tạ chư Phật, chư Bồ Tát linh thiêng, đã dun rủi
cho con gặp được vị sư thái hiền đức nầy!", đoạn hướng về thầy,
mụ tiếp lời:
- Kính thưa sư thái! Con có một
nguyện vọng tha thiết đã ôm ấp hơn ba năm qua, là mong gặp vị tu sĩ hành
hạnh Phổ Hiền, để dâng cúng chút tài vật hèn mọn. Bồ Tát đáp ứng
lòng thành cho con hạnh ngộ với sư thái, kính xin sư thái đại từ đại
bi hoan hỉ chấp nhận cho con được hoàn thành tâm nguyện!
Tài vật của mụ ăn mày dĩ nhiên
nhỏ nhoi không đáng kể, nhưng nhà Phật chủ trương của cúng dường quý
là ở lòng thành, huống chi mụ đã tán thán thầy hiền đức và van xin
lòng đại từ đại bi của thầy, thầy nỡ lòng nào từ chối. Thầy vui vẻ
đáp:
- Lành thay! Lành thay! Lòng thành của
cư sĩ sẽ được chư Phật mười phương chứng giám!
- Cảm tạ sư thái! Xin sư thái hoan
hỉ đi theo con đến chỗ con dấu tài vật! Dạ không xa đâu sư thái!
Tưởng nhận cúng dường là có thể
chia tay ngay, ngờ đâu thầy còn phải dây dưa mãi với chuyện phiền hà
khó giải bày nầy. Dù sao, lỡ hứa khả rồi, thầy buộc lòng lẻo đẻo
đi theo mụ, giữ khoảng cách chừng ba bước, không quá gần, cũng không
quá xa, để tránh cho mụ khỏi tủi thân. Điểm khó chịu là mụ tật nguyền,
bụng lại bị cổ trướng như bụng bầu, đi ngả nghiêng xiêu vẹo, mà thầy
"tảng lờ" không dìu đỡ, kể ra cũng hơi kém từ bi một chút.
Không bao lâu, người ấy đưa thầy đến cái miễu hoang tại một vùng
sình lầy vắng vẻ, lau sậy rậm rạp, nơi tạm trú của mụ. Tưởng lần
nầy vụ dâng hiến sẽ êm xuôi, ngờ đâu vừa tới nơi thì mụ đã ngồi
vật xuống, ôm bụng rên rỉ. Thầy lăng xăng chạy tới chạy lui, muốn cứu
giúp mà không dám đụng chạm vào thân thể mụ, nên cũng chẳng giúp gì
được. Ôm bụng lăn lộn một hồi, mụ mới khai "toạt" ra là mụ
đau bụng đẻ. Ôi! Thân thể bệnh hoạn mà phải sinh nở cô đơn ngoài bờ
ngoài bụi, không mụ bà, không thuốc thang củi lửa, quả là chuyện hiểm
nghèo! Thầy tội nghiệp cho người mà nghĩ cũng tội nghiệp cho chính
mình, bỗng dưng mình phải lâm vào hoàn cảnh trớ trêu khó nghĩ nầy. Thầy
phân vân chẳng biết nên hành động như thế nào đây? Thầy tự đề ra
bao giải pháp để vặn hỏi chính mình: lẳng lặng bỏ đi chăng? Lương tâm
xốn xan bức rức!, xả thân cho người chăng? ghê tởm quá không dám!, vào
xóm tìm người tốt bụng giúp đỡ chăng? Không ổn tí nào, mình hành đạo
từ bi mà né tránh thì còn xúi giục ai lăn vào địa ngục nầy! Hai chữ
địa ngục lóe lên trong tâm thức nhắc nhở thầy liên tưởng đến tuyên
ngôn dấn thân của Bồ Tát Địa Tạng: "Ta không vào địa ngục thì
ai mà vào". Thông điệp nầy xuất hiện đúng lúc, giúp thầy nắm vững
niềm tin và sức mạnh để sẵn sàng xả thân cho người. Thầy bình tĩnh
kề cận chăm lo cho người đàn bà đau khổ, không còn phân biệt dơ sạch,
thơm hôi gì nữa. Thình lình, cơn đau của người đàn bà trở nên dồn dập
và quyết liệt hơn. Cuối cùng, sau những đợt vặn mình tập trung hơi sức
vận chuyển thai nhi, người mẹ đưa được con ra đời. Thầy dơ hai tay đón
nhận đứa bé. Vừa khỏi lòng mẹ, thì nó đã "oe oe", cất tiếng
khóc chào đời. Thầy nâng cháu lên, nhìn vẻ kháu khỉnh của nó, rồi
hân hoan lên tiếng: "Con trai chị ơi! thằng bé dễ thương quá!".
Thế nhưng, bà mẹ sau khi đã vận dụng hết hơi sức cho con ra đời, dường
như đã bất tỉnh, nên vẫn lặng yên. Thầy vội đặt tạm đứa bé lên
cái y hậu, rồi xoay qua lo lắng người mẹ. May là thầy có mang theo chai dầu,
thầy xoa dầu thoa bóp cho cơ thể bà ấm lại, nhờ vậy bà tỉnh dần, sau
đó thầy mới dìu đưa bà vào trong miễu tránh gió. Phần người mẹ vừa
tạm yên, thầy quýnh quýu đập bể cái tô mẻ, dùng miểng sành cắt rún
cho thằng bé, xé vải y quấn chặt, rồi định bồng vào xóm hy vọng tìm
chút nước ấm tắm rửa nó. Khi thầy đi chừng mười bước bầu trời
đang trong xanh quang đãng, bỗng dưng xuất hiện những giọt mưa lất phất,
mịn và tươi mát. Nước mưa vô tình gột rửa sạch sẽ thân thể thằng
bé, trông nó kháu khỉnh dễ thương vô cùng. Thằng bé hớn hở chu miệng
nếm hương vị cam lồ, và quơ hai tay nhỏ xíu như để đón nhận những
giọt nước thanh lương mầu nhiệm. Thầy trang trọng chiêm ngưỡng cảnh
tượng trước mắt và bỗng dưng thầy so sánh mưa là những cánh hoa ưu đàm
mà chư Thiên từ các tầng trời rải xuống cúng dường vị Phật chào đời.
Thầy đột ngột cười vang: "Đúng vậy! đứa bé nầy quả là một vị
Phật, một vị Phật tương lai, và mình đang thật sự đích thân hành lễ
mộc dục, tắm Phật sơ sinh đây!". Mối nghi nặng trĩu đeo đẳng thầy
ngày đêm từ ngày xuống núi Nga Mi nhẹ hổng rồi biến mất, nhường chỗ
cho niềm vui vô tận tràn ngập khiến thầy ràn rụa nước mắt. Thì ra, hạnh
nguyện Phổ Hiền không nhất thiết chỉ có thể hành trì hạn hẹp qua
hình thức lễ kính hình tượng gỗ đá vô tri hay chờ đợi đến khi Đức
Phật Di Lặc hạ sanh thì mới thực hiện được. Nếu biết trải tâm rộng
lớn, hành giả có thể nhận thức được rằng ở bất cứ nơi nào, lúc
nào cũng có Phật thị hiện, để mình lễ kính, xưng tán, cúng dường...
Thầy hân hoan bồng đứa bé trở vào miễu, trang trọng hướng về vị
"Phật mẫu" đang nằm thiêm thiếp lên tiếng:
- Thí chủ ạ! Bần ni xin đặt vị
Phật sơ sinh nầy bên cạnh thí chủ nhé!
- Xin sư thái để cháu bé tránh xa
con kẻo lây bệnh thì khổ! Thưa sư thái, sức của con đã mỏi mòn, con sắp
lìa đời rồi. Kính xin sư thái mở lượng hải hà nhận nó làm dưỡng tử,
cho con được yên tâm nhắm mắt!
- Đứa bé nầy sanh ra đã được
quấn y, hẳn là đã có nhân duyên lớn với cửa Phật. Thí chủ đã có
lòng ủy thác, thì ta cũng sẵn sàng đón nhận!
- Và đây là tâm nguyện cuối cùng
của con. Con xin sư thái cho con được cúng dường sư thái bảo vật nầy.
Người đàn bà, nại hai viên gạch
sát vách lôi ra một cái bọc nhỏ, trong đó có một quyển sách và tám
viên minh châu chiếu lấp lánh, trao cho thầy. Thầy ngần ngại chưa cầm vội
vì chẳng biết xuất xứ của bảo vật như thế nào? Một người ăn mày
làm sao có thể là sở hữu chủ những thứ nầy! Có lẽ đoán được thâm
tâm thầy, chị lên tiếng giải thích:
- Tuy con là kẻ ăn mày, nhưng tài sản
quý giá đó chính thực là của con. Xin sư thái yên tâm! Con họ Lý, vốn
thuộc một giòng họ giàu sang ở Hồ Bắc, chuyện thân con phải lưu lạc
thảm chốn nầy dài dòng lắm!...
Thế rồi, chị ta trầm ngâm giây
lâu, mơ màng nhớ lại những ngày xưa xa xôi, rồi lẩm bẩm kể tiếp:
- *
- * *
"Tôi tên là Tường Vi, con
duy nhất của một gia đình giàu sang tại phủ Hồ Bắc. Mẹ tôi qua đời
khi tôi mới lên năm, khiến cho cha tôi, một nho sĩ vốn theo đòi nghiệp
bút nghiên, trở nên yếm thế. Người sống lủi thủi một mình, bậu bạn
với trăng hoa, và dành phần lớn thời giờ để vui đùa chăm sóc "tiểu
Vi", mà thôi. Tôi may mắn được người dạy dỗ chữ thánh hiền, nên
đã sớm thích thi thơ xướng họa. Vào lứa tuổi trăng tròn, tôi đã nổi
tiếng là cô tiểu thơ tài hoa, xinh đẹp, đặc biệt với làn da trắng mịn
và đôi gò má đỏ hây hây tự nhiên không cần trang điểm. Nhiều gia đình
trâm anh đã nhờ mối mai dò la dạm hỏi, nhưng tôi tha thiết muốn được
kề cận với cha thêm vài năm nữa, nên một mực chối từ. Vào năm mười
tám tuổi, một hôm soi gương tôi thấy có mấy mụt đỏ sần sùi nổi
trên hai gò má. Lúc đầu, tôi thoạt tưởng đó chỉ là mụn thường nên
không mấy lưu tâm, nhưng những mụt nầy cứ tăng trưởng dần và lầy lội
ra. Cha tôi lo lắng đưa tôi đi khắp nơi tìm thầy chạy thuốc, nhưng bệnh
tình ngày càng trầm trọng, và cuối cùng, tôi mới được một y sĩ có lương
tâm cho biết tôi bị phong hủi. Vi trùng bệnh nan y nầy đã tiềm ẩn lâu
ngày trong làn da trắng mỏng, thảo nào đôi gò má của tôi luôn hồng hào
xinh đẹp.
Chỉ trong vòng có bốn năm mà hình
dung tôi tàn tạ một cách kinh khủng. Mặt tôi biến dạng, tay chân lở
lói tanh hôi, suốt ngày tôi phải che mặt, băng bó tay chân, và sống cô
đơn không tiếp xúc với ai ngoài thân phụ và người thị nữ Nguyệt Hà
thân tín. Sống trong nhung lụa mà tôi đau khổ cùng cực. Cha tôi, có lẽ
còn đau khổ hơn tôi bội phần, người chỉ ước mơ lo cho tôi yên bề
gia thất, để có thể an tâm lên non cao tu tiên mà tiêu dao ngày tháng.
Một hôm, bỗng có người nhờ mai
mối dạm hỏi tôi về làm dâu tại phủ Hồ Nam. Cha tôi biệt phái viên quản
lý tâm phúc, cậu của thị nữ Nguyệt Hà, xuôi về Nam dò la gia thế nhà
trai. Theo báo cáo, thì đàn trai tuy nhà cửa chỉ ở mức trung bình nhưng rất
có tư cách, họ lại đặc biệt quá trọng đạo đức nhân nghĩa của cha
tôi. Chính vì vậy, nên mặc dù đã được cha tôi thành thật khai rõ bệnh
tình của con gái, mà đàn trai vẫn không đổi ý; họ giải thích rằng họ
chỉ quan tâm đến đạo đức và gia giáo, chớ không màn cân nhắc hình
dung. Dù đàn trai giải thích thế nào, tôi vẫn cảm thấy chút nghi ngại
trong lòng, tôi không tin có người thật tâm chịu gần gũi kẻ bệnh hoạn
như tôi. Trái lại, cha tôi lại tuyệt đối tin tưởng nên tỏ ra hân hoan
vui sướng tột độ, khiến cho tôi, tuy bất đồng ý kiến, mà không nỡ
làm người thất vọng. Lo lắng cho hạnh phúc con gái, cha tôi viện cớ sắp
đi tu chẳng cần tiền bạc gì nữa, nên đã hứa tặng hết gia sản mình
cho rể làm của hồi môn; người tin tưởng rằng khi đã nhận lãnh tài sản
nầy, thì con rể sẽ phải bao bọc cho vợ nó suốt đời. Chỉ mấy tháng
sau, một hôn lễ đơn giản đã được cử hành. Đến phút chót trước lễ
rước dâu, cha tôi trao cho một cái túi nhỏ xíu, đựng tám viên minh châu
vô giá căn dặn giữ kỹ để phòng thân. Con đường rước dâu về phương
Nam xa xôi, để tránh cảnh chia ly não nề, cha tôi chỉ đưa đi một quãng
ngắn rồi quay về, ủy thác mọi việc cho viên quản lý tùy nghi thu xếp.
Những ngày đi đường, tôi ngồi kiệu riêng, mặt trùm kín, và chỉ tiếp
xúc với thị nữ thân tín Nguyệt Hà, vì theo sự sắp xếp trước, thì
khi về đến nhà chồng mới làm lễ động phòng hoa chúc. Khi đoàn rước
dâu sang đến địa phận phủ Hồ Nam, viên quản lý vừa quay về, thì đám
họ hàng nhà trai bỗng nhiên chia tay mỗi người mỗi ngả, phu khiêng kiệu
cũng biến dạng. Tối đêm đó, tôi đang ở trong phòng tại một quán trọ
vắng vẻ với Nguyệt Hà, thì chồng tôi gõ cửa bước vào. Mặt hắn đỏ
gay, nực nồng mùi rượu. Hắn nhìn tôi trợn trừng, rồi hung dữ chụp
cái khăn che mặt của tôi liệng đi:
- Hừ! cái thứ cùi hủi thúi tha
mà dám đòi làm vợ tao hả!
Hắn lại định tát tay tôi, nhưng
có lẽ sợ dính máu mủ, nên đổi ý đưa nắm tay ra dọa, rồi ngoắt Nguyệt
Hà dặn dò:
- Em lột sạch nó nhan đi em!
- Anh đừng lo! Em đã tính toán đâu
vào đó cả rồi!, Nguyệt Hà âu yếm trả lời.
Nguyệt Hà nhanh nhẹn lột bộ quần
áo cô dâu của tôi ra, lột luôn cả cây kiềng vàng, xâu chuỗi hạt trai,
đôi bông..., rồi quăng cho tôi bộ đồ rách rưới, hạ lệnh:
- Mặc nhanh lên! Con cùi!
Thế rồi, hai đứa đẩy tôi ra khỏi
cửa, khoái trá cười vang.
Diễn tiến phũ phàng xảy ra đột
ngột đến nỗi tôi điếng cả người, ngẩn ngơ chẳng biết nói gì, nghĩ
gì. Mãi đến khi bị tống ra ngoài đường, bò lê trong đêm tăm tối, tôi
mới hiểu rõ là hai cậu cháu người thị nữ lâu năm mà cha con tôi thương
yêu như cật ruột, đã toa rập với nhóm lưu manh âm mưu dàn cảnh cưới
gả, để cướp đoạt tài sản của cha con tôi. Nhớ tới cha, bao nhiêu nỗi
hờn căm, khổ đau mà tôi đè nén khô cứng trong lòng bỗng biến thành tiếng
khóc nức nở. Thương cha quá! người cha đã hy sinh tất cả để mưu cầu
hạnh phúc cho con, đâu có thể ngờ rằng đứa con yêu đã phải lâm vào
trạng huống đớn đau cùng cực như thế nầy. Tôi lang thang lê lết đêm
ngày, mong được chết cho xong đời mà chẳng biết phương cách để chết,
đói khát điên cuồng mà chỉ biết ngậm câm chịu đựng chớ không biết
cách gì xoay sở. Tôi đã quen được chăm sóc, chưa từng tiếp xúc với người
lạ, nay ra đường ăn mặc rách rưới, thân thể nhơ nhuốc gớm ghiết, không
tiền không bạc, thì làm sao dám mở lời. Cuối cùng, mệt lả người tôi
ngã quị tại vỉa hè một căn nhà phố chợ, tưởng rằng sẽ chết tại
đó. Không ngờ người nhà lăng xăng cho tôi thức ăn, nước uống, rồi
"xua" tôi đi nơi khác. Tôi bèn khám phá ra một sự thật, là mang bệnh
phong hủi nầy, thân cận với người thật khó nhưng xin xỏ thực phẩm thì
quá dễ, người ta thà "thí" chút cơm cá thừa thãi hầu tôi
"xéo nhanh" nơi khác, hơn là để tôi lê lết gần họ. Từ đó,
tôi đành ăn xin đây đó qua ngày. Có những lúc tôi định hỏi đường về
quê, nhưng cha tôi chắc hẳn đã đi tu biệt dạng rồi, tôi mang thân tàn
ma dại nầy về thì chỉ nhục nhã với bà con lối xóm mà thôi. Tôi cũng
có ý định bán vài viên minh châu để có tiền xoay sở, nhưng mấy ai chịu
tin một kẻ ăn mày có của. Nghĩ cho kỹ, nếu có người tin tôi có bảo vật,
thì mạng sống tôi chưa chắc đã vẹn toàn.
Một hôm, vô tình tôi gặp một
nhà sư khả kính khoan thai đi tới. Tôi hằng mong được giới tu sĩ giảng
dạy giáo lý nhà Phật để vơi khổ, nên tiến đến vái chào. Nhà sư vừa
nhìn thấy tôi, đã luống cuống quay mặt bước nhanh như trốn chạy, vô
tình làm rơi một quyển sách dưới đường. Tôi vốn quý trọng chữ nghĩa
thánh hiền, nên ngồi sụp xuống cầm lấy, lên tiếng dâng trả cho nhà sư.
Không ngờ, nhà sư thấy bàn tay cùi hủi của tôi cầm sách lại càng sợ
hãi, khoác tay không nhận lại sách, rồi bỏ đi một nước.
Tôi lật từng trang sách đọc kỹ,
thì mới biết đó là phẩm "Phổ Hiền Hạnh Nguyện", trích trong
kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Lời kinh vừa vĩ đại, vừa thâm
ảo nhiệm mầu, càng đọc tụng tôi càng ngưỡng mộ hạnh nguyện bao la của
Bồ Tát Phổ Hiền, và ước mong được noi gương Ngài mà tu tập. Tôi
thích nhất là lời nguyện thứ tư: sám hối nghiệp chướng. Tôi ý thức
được rằng cái quả khổ đau ngày nay tôi nhận lãnh, là do cái nghiệp
ác đời trước mà ra, do đó, tôi chí thành nguyện xin sám hối, thề
không bao giờ tái phạm điều ác, luôn giữ tịnh giới và làm việc lành.
Nhờ nhân duyên được kinh, mà trong khổ đau kiếp người lòng tôi vẫn
thanh thản nhận lãnh, không chút hờn than oán trách.
Bệnh tình của tôi ngày càng trầm
trọng. Đêm giá lạnh, đầu lóng tay chân đau buốt thấu tận xương tủy,
khiến tôi có cảm tưởng rằng dẫu có đốt cháy lóng tay lóng chân đó,
chắc hẳn mình sẽ sung sướng hơn nhiều. Một lần đang oằn oại rên siết,
bỗng dưng tôi nghĩ, trên đời nầy còn biết bao kẻ bị phong cùi như tôi,
cũng đang bị đớn đau như tôi. Tội nghiệp họ quá! Tôi nghĩ đến Đức
Phổ Hiền và hạnh nguyện đại từ đại bi bao la của Ngài, rồi tôi quì
xuống cương quyết phát nguyện: "Trên thế gian nầy có bao người bị
bệnh cùi hành hạ nhức nhối, con đều xin chư Phật, chư Bồ Tát chứng
giám con nhận lãnh hết những nghiệp chướng của họ và cơn đau của họ".
Điều khó hiểu là khi lòng tôi tràn ngập từ bi, nghĩ đến kẻ khác và
quên mình, thì tôi lại quên cả những cơn đau nhức đang diễn ra trong cơ
thể của chính tôi.
Chân thành ngưỡng mộ Bồ Tát Phổ
Hiền, tôi tha thiết dự định sẽ hành hương núi Nga Mi, để cúng dường
những viên minh châu gia bảo, cho mục đích hoằng dương giáo pháp "Phổ
Hiền hạnh nguyện". Đêm đó, nằm ngủ tại miễu hoang nầy, tôi nằm
mộng thấy Bồ Tát Phổ Hiền thị hiện, cỡi voi sáu ngà xoa đầu tôi
khuyên tôi yên tâm chờ đợi một thời gian sẽ gặp người hữu duyên nhận
lãnh trách nhiệm phát huy và xây dựng đạo tràng tại đây.
Chín tháng trước đây, một hôm
vào giờ ngọ, bỗng nhiên có một vị tu sĩ đắp y màu hồng sậm, mũ đỏ
theo lối Lạt Ma Tây Tạng(6), ôm bình bát đứng
trước miễu khất thực. Bao năm trời, tôi mong mỏi thân cận giới tu sĩ
nhưng luôn luôn lâm cảnh bẽ bàng, lần nầy, vị tu sĩ đã không tránh né
mà lại dành cho tôi phúc duyên cúng dường, quả là một dịp may hiếm
có. Tôi vừa xin được mấy trái chuối, bèn cung kính dâng hết cho người.
Vị lạt ma ngồi bên hông miễu, ung dung thọ thực. Tôi thành khẩn chờ đợi
cơ hội đảnh lễ, hầu thỉnh cầu người chấp nhận cho tôi cúng dường
mấy hạt minh châu.
Trong khi tôi còn ngần ngại chờ đợi
cơ hội thuận tiện mở lời, thì vị lạt ma đã từ hòa lên tiếng:
- Thí chủ lòng dạ chí thành, ta rất
cảm mến. Thí chủ có ước mơ thâm thiết gì cứ thành thật cho ta biết,
ta sẵn sàng hoàn thành tâm nguyện cho thí chủ!
Từ thuở lang thang bụi đời đến
nay, tôi luôn luôn gặp cảnh xô đuổi và chửi mắng khinh thị, nên khi
được vị tu sĩ ban cho những lời dịu dàng thân mật, tôi cảm động nghẹn
ngào:
- Có những đêm đen cô đơn buồn
thảm, tủi thân mình lâm trọng bệnh bị người đời hất hủi khinh khi,
con bỗng ước ao có kẻ thực dạ thương con, dù chỉ ga nghĩa với con một
ngày, thì con cũng sẽ sung sướng trọn cả cuộc đời.
Không hiểu tại sao lúc đó tôi
quên mất nguyện vọng cúng dường minh châu, mà lại khùng điên nói lên
cái ước mơ xằng bậy nhất thời thuở trước. Ước mơ đó có thể là
một thứ ẩn ức hình thành bởi nỗi đau thương trong vụ cưới hỏi lường
đảo, mà tôi cố đè nén cho chìm sâu trong tiềm thức, nay gặp cơ duyên
có người ân cần thăm hỏi đã đột ngột tuôn trào. Lỡ lời, thẹn đỏ
mặt, tôi luống cuống:
- Lạy sư! Con xin lỗi đã nói chuyện
nhảm nhí...
- Không có chi đâu! Thí chủ yên
tâm! Ta và thí chủ đã có đoạn nhân duyên từ trước! Ta đã hứa hoàn
thành tâm nguyện cho thí chủ mà thí chủ chỉ ước mơ được làm vợ
trong một ngày, nguyện vọng đó không có gì là quá đáng, ta có thể giữ
lời. Vậy, kể từ giờ phút nầy, cho đến cuối giờ ngọ ngày mai thì
chúng ta là vợ chồng.
- Chao ôi! Con ăn nói vụng dại lỡ
mạo phạm đến sư, xin sư thứ tha và xin đừng nói giỡn như vậy! tội
nghiệp cho con. Thật ra, thân con cùi hủi đê tiện, với kẻ bình thường
con còn chẳng dám nghĩ chuyện đèo bồng thì làm sao lại dám tơ tưởng đến
các vị tu hành...
- "Tiểu Vi"! em mang nặng mặc
cảm tự ti quá! Trong sự sống miên viễn không bao giờ cùng tận nầy,
thân xác bất quá chỉ một chiếc áo mà mỗi chúng sinh khoác vào cho một
kiếp. Do tham, sân, si che khuất, từ kiếp nầy sang kiếp khác chúng sinh
theo nghiệp lực mà thay đổi lớp áo thân mạng của mình. Có lớp áo đẹp
đẽ, sang trọng cũng có lớp áo sần sùi, loang lổ, xấu xa..., nhưng có lớp
nào bền đâu? hơn thua gì thứ đó!
Không hiểu tại sao vị Lạt Ma lại
biết cái tên "Tiểu Vi" nầy. Cái tên thân mật đó, chỉ dành cha
mẹ tôi gọi đứa con gái cưng bé bỏng ngày xưa. Tiếng gọi nầy đưa tôi
trôi về với chuỗi ngày thơ dại ấm êm, trong tình thương vô bờ chở
che đùm bọc của mẹ cha. Tôi run rẩy cảm động, không còn nghe thấy suy
nghĩ gì nữa..., tôi ngã quị vào lòng người như đứa con chui vào lòng mẹ...
- Khoan đã! Mình phải làm lễ tơ hồng
chớ!
...
Đến cuối giờ ngọ hôm sau, người
lại ăn vận như một vị lạt ma như cũ, và khăn gói lên đường. Hạnh
phúc đã đến với tôi thật tuyệt vời, tôi đã được cưng yêu chiều
muộng như một người vợ chân chính, tất cả hiện ra như một giấc mơ
thần tiên, thành tựu bằng phép lạ, không thể tượng tượng nỗi. Tôi
biết đủ nên lòng rất mãn nguyện khi đưa tiễn người đi. Đến lúc nầy,
tôi mới nhớ đến mấy hạt minh châu nên quì xuống dâng cho người để
làm Phật sự, nhưng người cương quyết từ chối:
- Ta là kẻ lang thang như mây nổi,
vốn không thích hợp với chuyện xây chùa lập hội, vả chăng ta chỉ hứa
một điều và đã hoàn thành, sao thí chủ còn kèo nài ta chi chuyện khác.
Theo ta dự đoán, thì không bao lâu thí chủ sẽ gặp được vị hữu duyên
đảm nhận trách vụ nầy! Xín thí chủ yên tâm!
Nhờ lối đối xử nhân ái của vị
lạt ma, tôi bắt đầu học nhìn mọi loài chúng sanh với tâm bình đẳng,
tôi hiểu rằng ẩn hiện bên trong cái thân xác giả tạm mang lớp con
trùng, con kiến, con trâu, con chó..., là Phật tánh sáng ngời, bình đẳng
như nhau không khác. Tất cả đều có khả năng thành Phật, đều đáng
tôn kính, và là đối tượng sinh động để hành thập nguyện Phổ Hiền...
Nay nhờ duyên lành, tôi may mắn hội
ngộ với sư thái nên tâm nguyện đã có cơ hoàn mãn, tôi rất an lòng khi
nhắm mắt.
- *
- * *
- Bà thí chủ họ Lý kể chuyện
đến đây thì hơi thở yếu dần. Thầy chợt nhớ đến đứa bé, vội bồng
đến cho bà nhìn và xin đặt tên nhưng bà lắc đầu lộ ý để thầy tùy
nghi. Không kịp suy nghĩ, thầy lên tiếng: "Nhất Nguyện! Chị
nhé!". Lý thí chủ gật đầu, mĩm cười mãn nguyện rồi tắt thở.
Điều lạ lùng là gương mặt lở lói trước kia của bà bỗng biến thành
tươi nhuận an lạc, và từ trong búi tóc rối, một mùi trầm hương thoang
thoảng tỏa ra. Sáng hôm sau, thầy nhờ bà con lối xóm giúp đỡ làm lễ
thiêu xác Lý thí chủ, và bắt đầu khởi công xây dựng ngôi già lam nầy.
Chuyện xảy ra đã tròn bốn mươi bốn năm, vậy mà thầy vẫn tưởng như
mới ràng ràng ngày hôm qua! Thời gian trôi thật nhanh!
Sư bà ngậm ngùi và đại chúng cũng
lặng lẽ bâng khuâng. Ngừng một lúc lâu sư bà bỗng nhìn xuống hàng người
chen chúc ở dãy núi cuối cùng bên trái chánh điện, lên tiếng:
- Nhất Nguyện! Con đã về thì hãy
lên đây với thầy!
Sư Nhất Nguyện len lỏi tiến lên,
kính cẩn lễ lạy sư bà ba lần, nước mắt tràn ngập, cảm động không
thốt ra lời. Sư bà, hướng về đại chúng lên tiếng:
- Đây là Nhất Nguyện, con của Lý
thí chủ và cũng là dưỡng tử của thầy. Sư Nhất Nguyện đã dày công
tu học trên chùa Thiếu Lâm, và vừa hoàn thành bộ sớ giải về Kinh Lăng
Già Tâm Ấn rất công phu.
Quay sang Nhất Nguyện, sư bà tán
thán:
- Thầy rất hãnh diện về con! Tác
phẩm giá trị của con là một đóng góp lớn cho sự nghiệp hoằng pháp!
Công đức vô lượng vô biên!
- Thưa thầy! trước đây con nghĩ
con cũng có công đức, nhưng nhờ thầy chỉ điểm, con mới khám phá rằng
con chẳng có công đức nào đáng để tán thán cả! Tất cả những điều
con đã viết, chẳng qua là những thâu nhận từ lời dạy của chư Phật,
chư Bồ Tát, chư tổ sư, của thầy của bạn..., không có cái gì thực sự
là của con cả, thì làm sao con dám tự cho mình có công đức. Huống chi,
suy cho cùng, làm sao con có thể tự làm được việc gì, nếu không có sự
yểm trợ của xã hội, mà xã hội làm sao tồn tại nếu không có sự đóng
góp của mọi loài chúng sinh. Như vậy, trải tâm càng rộng lớn, con càng
thấy cả pháp giới chúng sinh trùng trùng lớp lớp chằng chịt tương ưng
nhau nâng đỡ con và yểm trợ con làm Phật sự, vậy thì, tất cả công đức
đương nhiên là công đức của cả pháp giới chúng sanh! Con chẳng hề thấy
thứ công đức nào là công đức của riêng con cả!
- Lành thay! Lành thay! Biết công đức
là công đức của cả pháp giới chúng sanh, thì hạnh nguyện hồi hướng
mới thênh thang vô chướng ngại!
Sư bà trang trọng chắp tay lại. Đại
chúng, không ai bảo ai, cũng đồng chắp tay và đồng tụng theo sư bà:
- "Nguyện đem công đức nầy
- Hồi hướng về tất cả
- Khắp pháp giới chúng sanh
- Đều trọn thành Phật đạo".
Tháng 07.1995
Ghi chú
1. Kệ của Bố Đại hòa thượng.
2. Nga Mi sơn là một đỉnh núi
thiêng liêng, mà theo sự tin tưởng của Phật giáo Trung Hoa thì đó là nơi
cư ngụ của Bồ Tát Phổ Hiền. Vào những buổi bình minh, đứng ở phía
sau ngôi chùa trên đỉnh núi, khách hành hương sẽ thấy hình ảnh to lớn
của một người đang ngồi thiền dưới thung lũng, mà người ta tin tưởng
là bóng của đức Bồ Tát Phổ Hiền. Có người cho rằng hiện tượng đó
chỉ cái bóng phản chiếu của rặng núi lúc rạng đông. Không ai chối
cãi điều đó, nhưng theo những người hành hương thì tốt hơn mỗi người
nên tự đến đó, tự quan sát, tự đón nhận suối nguồn an lạc, và sẽ
tự có kết luận cho riêng mình.
- 3. Phổ Hiền thập nguyện:
- Một là Lễ kính chư Phật
- Hai là Xưng tán Như Lai
- Ba là Quảng tu cúng dường
- Bốn là Sám hối nghiệp chướng
- Năm là Tùy hỷ công đức
- Sáu là Thỉnh chuyển pháp luân
- Bảy là Thỉnh Phật trụ thế
- Tám là Thường tùy Phật học
- Chín là Hằng thuận chúng sanh
- Mười là Phổ giai hồi hướng
4. Bốn phép lạy thuộc về lý:
- Pháp trí thanh tịnh lễ: người hành
lễ thấu suốt rằng cảnh giới của chư Phật, đều tùy tâm hiện bày,
nên lạy một đức Phật tức là lạy tất cả chư Phật...
- Biến nhập pháp giới lễ: người
hành lễ tự quán thân tâm cùng các pháp, từ thuở giờ vẫn không rời
pháp giới.
- Chánh quán lễ: người hành lễ lạy
đức Phật ngay nơi tự tâm, chớ không duyên vào đức Phật nào khác.
- Thật tướng bình đẳng lễ: người
hành lễ không thấy có tự có tha; người và mình là một, phàm và thánh
nhứt như; thể và dụng không hai.
(theo Phật Học Phổ Thông quyển 1,
Thượng Tọa Thiên Hoa)
5. Bố thí ba la mật: nghĩa là một
pháp môn tu có công năng đưa qua bờ bên kia, thực hành bằng cách cho cùng
khắp, cho tất cả mọi người, mọi vật, mọi nơi. Có ba loại bố thí ba
la mật:
- tài thí
- pháp thí, và
- vô úy thí (bố thí sự không sợ
hãi)
6. Lạt Ma giáo: là một tông phái
thuộc Phật Giáo Đại Thừa, phát xuất từ Tây Tạng từ thế kỷ thứ 7,
và lan truyền đến Mông Cổ, Mãn Châu, Lạt Ma giáo có hai phái:
- Hồng mạo phái: tức thầy tu đội
mũ đỏ, là phái cố cựu, dung hòa với tư tưởng bình dân, chuyên luyện
các phép thuật thần bí, giới hạnh lỏng lẻo..., và có chủ trương rất
rộng rãi về tình dục, việc giao hợp nam nữ đôi khi lại được ca ngợi
là một phương tiện hữu hiệu cho việc tu tập...
- Hoàng mạo phái: tức thầy tu đội
mũ vàng, là phái cải cách do đức Tsong-khapa lãnh đạo từ thế kỷ XIV.
Phái nầy nổi tiếng về giới hạnh thanh tịnh và là phái chánh thức
lãnh đạo quốc gia.
(ghi chú về Lạt Ma ghi trên rất sơ
sài, xin đọc với tất cả sự dè dặt)
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/044-phonguyen.htm