Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

 

...... ... .  . .  .  .
Cu Tí Đi Tu
Thích Nguyên Hùng

Thằng Cu Tý đi tu. Trời ơi, tin ấy làm bà con trong làng ngạc nhiên lắm! Ai cũng ngờ vực, bán tín, bán nghi. Thằng Cu Tý đi tu ? Chắc không phải đâu !. Hắn là thằng quậy phá nhất làng. Mới mấy tuổi đầu mà làng trên xóm dưới ai cũng biết hắn, chỉ vì hắn phá phách đến … động trời. Đến nổi, bà con gọi hắn là … "Ông thần". Ông thần phá phách đấy mà. Cu Tý, mà bọn trẻ con trong làng gọi hắn là "Tý chưởng môn", quậy phá vậy nhưng không phương hại chi đến ai và lấy của ai bất cứ vật gì. Hắn chỉ dẫn đầu một đám trẻ năm bảy mười mấy đứa suýt soát tuổi nhau đi lục lọi khắp nơi, hễ nhà ai có vườn trái cây là … "ghé thăm". Người lớn đi làm hết. Bọn trẻ chỉ đi học một buổi, một buổi ở nhà trông nhà. Hắn tập trung tất cả lại chơi … đồ hàng. Bẻ cây mì dựng nhà, cắt lá chuối mà lợp, rồi đóng thành từng cặp "vợ chồng", "con cái" của nhau và … tập sống cuộc sống của người lớn. Chơi trò này chán, chúng lại chia phe đánh nhau, phá nhà lấy cây mì làm súng, cũng bắn đùng đùng, đạn bay vèo vèo đến … khô cả miệng, rượt chạy cùng làng, la hét ầm ĩ khiến trẻ con đang ngủ phải giật mình khóc, các bà lại ra rầy…

Đùng một cái, hắn đi tu. Lúc đầu không ai tin, nhưng mà hắn đi tu thiệt, ai cũng thấy thương thương. Hắn còn nhỏ quá mà, biết gì. Ba hắn dẫn hắn đi đến một ngôi chùa xa, nơi hắn chưa hề biết đến. Hình như thầy trụ trì và ba hắn đã quen biết từ trước. Lạ thiệt, có khi nào hắn thấy ba đi chùa đâu. Hai người lớn nói chuyện với nhau. Hắn đứng ở gốc cửa, lâu lâu thấy thầy nhìn hắn có vẻ thăm dò. Đoạn ba hắn gọi :

- Cu Tý, lại đây thầy dạy. Hắn rụt rè bước đến. Thầy hỏi :

- Răng con ưng đi tu ?

- Con cũng không biết nữa, tự nhiên con ưng đi rứa. Hắn ngây thơ trả lời, giọng run run. Thầy hỏi tiếp : - Ưng đi rồi có… ưng về không ?

- Dạ, con cũng không biết nữa ! Thầy cười xoa đầu hắn :

- Đi tu cực lắm, phải thức khuya dậy sớm, học kinh, giữ giới, không được chơi đùa, phá phách nghịch ngợm như ở nhà, không được ăn thịt cá, con có chịu nỗi không ?

- Dạ nỗi ! Hắn ngẩn đầu nhìn thầy trả lời giọng dứt khoát. Thầy cười, vổ vổ vai hắn :

- Được ! Thế là Cu Tý được ở lại chùa. Ba hắn về. Lúc chia tay, ông cầm tay thầy giọng nghẹn ngào :

- Con cũng không biết cháu nó có tu được không, nhưng ở nhà nó cứ đòi đi cho bằng được. Nó nghịch lắm thầy ạ. Con thì không quen biết ai ngoài thầy, thôi thì trăm sự nay nhờ thầy dìu dắt, âu đây cũng là nhân duyên từ kiếp trước … Thầy đưa ba hắn ra cổng, ân cần nói:

- Anh cứ yên tâm. Tôi xem cháu nó có nhân duyên với Phật pháp lắm đó, nếu không sao biết chuyện đi tu được. Từ nhỏ cháu đâu đã đi chùa và đâu đã thấy thầy tu lần nào, phải không ?… Thầy cười hoan hỷ. Cu Tý đứng ở cửa chùa nhìn hình bóng người cha khuất dần ở cổng tam quan, tự nhiên lòng buồn rười rượi, khoé mắt cay cay, lần đầu tiên chú xa nhà, xa người thân, bạn bè. Đêm nớ, chú nhớ nhà chi lạ. Nhớ mạ, chú gục đầu vào gối khóc rưng rức, không ai biết, rồi thiếp đi… Cu Tý đi rồi, làng trên xóm dưới lặng ngắt, trái cây trong vườn chín mọng, bọn trẻ con cũng ít ra đường chơi… Mọi người như thấy thiêu thiếu cái gì. Không có tiếng cười đùa của trẻ thơ cuộc sống của người lớn hình như trở nên tẻ nhạt. Ai cũng thấy buồn buồn. "Cha thằng Cu Tý! Có hắn ở nhà rứa mà vui" – mấy cụ già mắng yêu. Mấy tháng sau Cu Tý được thầy cho xuống tóc, đặt pháp danh Hạo Nhiên.

Hôm ấy mẹ chú khóc rất nhiều, ba chú không khóc nhưng buồn buồn. Chú cũng cảm thấy buồn. Sao mẹ khóc nhiều thế!. Thời gian lặng lẽ trôi. Cuộc sống nơi quê nghèo, sớm hôm với ruộng vườn nương rẩy, chẳng mấy chốc, hình bóng Cu Tý rơi vào sự quên lãng trong xóm nghèo này. Chỉ có mẹ Chú là ngày đêm nhung nhớ. Mấy năm sau, Hạo Nhiên được thầy gởi vào Nam học. Hơn mười năm sau. Cuộc sống của dân trong làng khá hơn. Mọi người đều có cái ăn, cái mặc cái để dần khi ốm đau. Họ lại nhớ đến chùa, nghĩ đến việc xây dựng đời sống tâm linh. Dân trong làng họp lại, họ muốn làm chùa. Hồi đó, làng này cũng có một ngôi chùa nho nhỏ, nhưng chiến tranh đã làm đổ nát, dân làng chạy giặc ngược xuôi, không ai chú ý đến. Ngày đất nước độc lập, dân trở về làng, cái ăn cái mặc đè nặng trên vai, không ai nhớ đến Phật, đến chùa; chính quyền hồi đó rất khó khăn, họ lấy đất chùa làm hợp tác xã, cấm dân làng thờ Phật, tụng kinh. Dân trong làng trở về với đời sống "Phật tại tâm." Bây giờ họ muốn "Phật" là của làng, của nước, của truyền thống văn hoá tâm linh ngàn đời mà con cái họ phải biết để kế thừa, để giữ gìn giềng mối đạo đức, nhân luân của xã hội. Chính quyền cũng thấy được giá trị đó, họ trả đất lại, cho phép xây dựng chùa. Họ nói "để có nơi con em đến đó, tìm về bản sắc văn hoá dân tộc, tìm về cội nguồn…".

Thế là chùa được xây dựng, mỗi người mỗi ít, kẻ công người của, chẳng mấy khi chùa được xây xong, tuy không được lớn lắm. Ngày làm lễ khánh thành chùa, mấy bác trong ban hộ tự đi vô tới trong Huế thỉnh thầy ra chứng minh. Nghe nói có thầy từ trong Nam về nữa, đều là người xuất thân từ Quảng Trị. Trong đó có chú Hạo Nhiên. Chú Hạo Nhiên trở lại quê hương lần đầu tiên sau hơn mười lăm năm xa cách, tất cả đều đã đổi thay. Các cụ già ngày xưa không còn, các bậc cha chú ngày xưa bây giờ râu tóc đã bạc phơ, bọn trẻ chơi với chú ngày xưa giờ đã có gia đình… không còn ai biết chú. Khung cảnh làng quê, nơi chú chào đời, hình như còn nhớ chú, mặc dù có đổi thay, nhưng hương đồng cỏ nội, hương mùi đất mẹ vẫn còn âm ấm dưới lòng bàn chân. Cái hơi ấm như hơi thở và lòng bàn tay của mẹ cứ cuốn lấy đưa đẩy chú về cái thuở thơ ngây hồn nhiên trong trắng đến diệu kỳ. Cảm giác thân quen quá, gần gũi quá.

Chú bước đi trên con đường quen thuộc dẫn về làng trong nắng ấm ban mai với những làn gió nhẹ từ ruộng lúa xanh rì mơn trớn làn da mát rượi. Trong chú xốn xang khó tả. Sắp được gặp lại mạ rồi. Không biết mạ chừ có nhận ra chú không. Hôm ấy bà con trong làng nô nức đi cung đón quý thầy về, ra tận cổng làng. Họ nhỏ to, nghe nói có con bác trưởng ban hộ tự (ba chú Hạo Nhiên) về nữa, thầy của làng mình đó. Mọi người ai nấy hân hoan. Từ xa, Hạo Nhiên đã thấy cờ lộng tung bay, bà con xếp thành hai hàng ngay ngắn trên con đường dẫn vào chùa. Đến nơi, mọi người đều chấp tay thành kính, Hạo Nhiên đi sau cùng hoà quyện trong những chiếc y vàng rực rỡ, trang nghiêm, chú thấy ba chú bưng khay lễ đi đầu, hình như ông đang tìm đứa con của mình, nhưng ông phải thỉnh quý thầy đi vào chùa nên đành cung kính đi trước. Bất chợt, một bà mẹ già nua còm cõi lao ra ôm choàng lấy chú

- C…o…n, Th…ầ…y ! Bà khóc rưng rức, không biết những giọt nước mắt ấy là vui hay buồn. Không đó là những giọt thương yêu dịu ngọt mà chỉ có nơi người mẹ.

Hạo nhiên nghẹn ngào: - Mạ! Chú cũng khóc. Quý thầy nhìn lui, cảm thông, điềm đạm bước. Ai cũng thấy bùi ngùi: "Thầy mình, thầy mình đó, Cu Tý ngày xưa đó", mọi người thầm thì, ba chú cũng trộm nhìn lui. Phút giây hội ngộ sau bao tháng năm xa cách của đứa con xa nhà, nay là một người xuất gia uy nghi trong lớp áo ca sa làm cho không khí của buổi cung nghinh trở nên sâu lắng nghiêm trang. Hai hàng rào người nối theo sau quý thầy đi vào chùa. Hạo Nhiên dìu mẹ cùng đi bên cạnh, không nói năng chi mà ngàn lời cũng khó tả. Sau lễ khánh thành chùa là lễ chẩn tế, kỳ siêu bạt độ. Tối hôm đó quý thầy lớn quyết định cho chú Hạo Nhiên thuyết pháp. Lần đầu tiên trở về làng sau hơn mười lăm năm xa cách, Hạo Nhiên lúng túng không biết mình xuất hiện trước bà con, vốn là những chú bác, bạn bè thân thuộc của làng mình, với tư cách gì. Người thầy? Người con? Một chút bâng khuâng. Phải rồi, với tư cách người con. Ngày xưa không phải đức Phật thuyết pháp cho vua cha cùng với gia tộc với tư cách người con là gì, nhưng đó là người con đã giác ngộ, đã tìm được chân lý và hướng dẫn mọi người cùng tiến đến mục đích đó, hạnh phúc và giải thoát. Hôm nay Hạo Nhiên sẽ đến với bà con với tư cách của người con tìm thấy con đường đi đến hạnh phúc bằng thương yêu và hiểu biết.

Lần đầu tiên gặp lại Cu Tý nghịch ngợm ngày xưa, bây giờ là một người thầy uy nghi trên pháp toà, bà con ai nấy đều ngạc nhiên với bài pháp thoại của chú. Giọng nói thanh tao, nhẹ nhàng, truyền cảm làm ấm lòng người. Bài nói chuyện giản dị, gần gũi, rứa mà ai nghe cũng cảm thấy rung động, sâu xa.

Đó là bài pháp thoại về thương yêu và hiểu biết như chính lúc chú mới chào đời, bài học mẹ dạy đơn sơ, mộc mạc đầu tiên mà cũng là bài học lớn nhất của cả cuộc đời, đó bài học về tình yêu thương. Buổi thuyết pháp chấm dứt. Mọi người như vẫn còn say sưa với hương vị pháp mầu huyền nhiệm. Xong lễ, Hạo Nhiên từ biệt ba, mẹ và gia đình cùng bà con trong làng vào nam. Ngôi chùa làng trở nên yên lắng, tịch mịch. Bà con trong làng lại mong ước có được một thầy về trụ trì, hướng dẫn tu tập. "Không biết khi mô thầy mình về lại, giá mà thầy về đây ở luôn…" Hạo Nhiên ngậm ngùi ra đi. Mạ lại khóc như ngày tiễn con đi tu…

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/045-cutiditu.htm

 


Cập nhật: 1-8-2001

Trở về mục "Truyện và Kịch Phật giáo"

Đầu trang