Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

 

...... ... .  . .  .  .
TUỔI THƠ VÀ CHỊ
Thông Trường

 

Mùa Hạ năm ấy, tôi bắt đầu bước vào một cuộc sống mới. Cuộc sống mà người ta thường hay ví von:

                          “Một bát cơm ngàn nhà,
                          Thân chơi muôn dặm xa,
                          Mắt xanh xem cuộc thế,
                          Mây trắng hỏi đường qua”.

Và kể từ đó, hai chị em tôi không còn cơ hội để “tranh nhau” nữa. Đôi lúc, tôi tự hỏi: “Phải chăng đó là những kỷ niệm khó quên trong khoảng trời tuổi thơ của tôi”.

Gia đình tôi đông anh em, các anh chị lớn đã sớm lập gia đình, nên chỉ còn chị là người gần gũi với tôi nhất. Chị chào đời sớm hơn tôi, thế là, được giành quyền làm chị. Không biết có phải vì vậy mà tôi lại bị nhiều thiệt thòi! Tôi thường thắc mắc.

Thuở ấy, mẹ có vẻ thương chị hơn tôi, hay bênh vực cho chị. Mẹ bảo: “Nó là con gái, thương được mấy khi. Mai mốt nó đi lấy chồng thì có thương cũng vậy!”. Dĩ nhiên, mẹ có cái lý của mẹ. Có phải đâu mẹ bỏ rơi tôi. Nhưng, với tôi lúc ấy, mọi cái đều không đúng. Mẹ chẳng thương tôi chút nào! Tôi cảm thấy bực mình vì chị, lại giận lây cả mẹ, bởi “Mẹ không công bằng …”. Trong khi, ba tôi thì sao cũng được, lại càng ít quan tâm mấy chuyện lặt vặt. Tuy vậy, phải thú nhận rằng, khó mà hiểu được ba. Có lần tôi chạy đến bên ba để “kiện”. Ba chỉ cười, xoa đầu, dỗ dành vài câu làm lành là xong. Có lẽ, vì sợ cái yên lặng của ba nên tôi chỉ biết cúi đầu “Vâng ạ!”, mà lòng vẫn nghe còn nhiều ấm ức.

Công bằng mà nói, chị cũng có rất nhiều điều lẽ ra tôi phải biết mà thương, thay vì chỉ lo “kiếm chuyện”. Mỗi khi tôi la cà rong chơi cùng đám bạn thì chị lại ở nhà lo cơm nước, giặt ủi áo quần tươm tất cho cả nhà, phụ giúp ba mẹ được nhiều thứ. Áo quần sút chỉ, nếu không có mẹ thì cũng một tay chị lo. Chị lại có rất nhiều bạn. Không phải như bọn nhóc chúng tôi, suốt ngày chỉ biết hết xóm trên xuống xóm dưới, với đủ thứ trò nghịch, trên mình không bao giờ có một mảnh áo, không sợ nắng, mưa lại càng vui, bạn của chị bao giờ trông cũng đàng hoàng, lịch sự, mỗi lần đến nhà tôi chơi đều được chị tiếp ở phòng khách xem ra trịnh trọng lắm. Điều quan trọng là, thỉnh thoảng tôi lại được bạn chị quan tâm, vì tôi là em của chị. Dẫu vậy, bởi cái tính hẹp hòi ích kỷ của tôi lúc ấy, đã khiến tôi ít khi chịu làm lành với chị mà thường là như nước lửa gặp nhau.

Chị càng lớn mẹ hình như có nhiều điều phải lo. Thường cứ mỗi lần Tết đến, mẹ sắm cho chi nhiều thứ, con gái mà. Tôi không chịu cằn nhằn: “Con thì chẳng được mấy thứ. Còn chị thì gì cũng được mẹ mua”. Giận mẹ, tôi khóc. Mẹ buồn, không nói.

Tôi còn nhớ mãi nỗi vui buồn năm nào, mồng 3 tết, đám bạn chị đến rủ chị đi chơi. Vì muốn “model” một chút, chị bèn lấy cái nón “hàng tết” của tôi đội lên, và cùng đám bạn chị vui cười có vẻ thích ý. Tôi bất chợt thấy được. Thế là, chạy ngay lại nhất định đòi cho được cái nón. Bị bất ngờ chị trở nên lúng túng, ngượng ngùng trước những anh chị bạn, phần vì cái nón, phần vì đứa em như tôi. Vậy mà, tôi không cần quan tâm đến điều đó, chỉ biết rằng, lòng cảm thấy vui vì có cơ hội chứng tỏ cái “hơn” của mình. Tôi thật không hiểu mình lúc ấy. Chị càng năn nỉ mượn, tôi càng khóc thêm đòi lại. Nhất định, không là không!

Thấy vậy, để giải hòa, mẹ tôi nhỏ nhẹ lên tiếng: “Thôi con! Lấy nón khác đội, để nón em con nó còn đi chơi đâu nữa chứ”. Tôi cảm thấy rất hài lòng. Chị buồn, gở nón xuống trả lại cho tôi rồi im lặng cùng các bạn chị bước ra sân. Chiều hôm ấy, thật ra tôi cũng chẳng biết đi đâu dù nghe mẹ nói thì đúng lắm. Không ngờ lúc ở nhà, tôi bị mẹ mắng cho một trận nên thân. Buồn. Tôi lại giận chị.

Một hôm, mẹ có việc cần phải ra tỉnh, hai chị em được mẹ giao trách nhiệm giữ nhà cẩn thận. Tôi bèn chia ranh giới, tôi giữ nhà dưới, chị giữ nhà trên, không ai phiền ai cho đến khi mẹ đi chợ về. Chị bằng lòng vô điều kiện. Thế nhưng, chỉ được một lúc sau khi mẹ đi, chân tôi cũng không muốn đứng yên một chỗ. Hôm ấy, bọn tôi đã hẹn nhau đá banh cùng tụi xóm dưới. Một cơ hội vui không thể bỏ lỡ. Không còn cách nào khác, tôi đành phải xuống nước với chị, nhờ chị giữ luôn nhà dưới và cho tôi được đi chơi với điều kiện là không được cho mẹ biết. Chị từ chối không một chút “nhân nhượng” hay cảm thông gì, với lý do vô cùng chính đáng bằng những lời mẹ đã dặn trước khi đi: “Không được cho em đi chơi. Nó đang cảm nắng mấy hôm nay rồi. Hơn nữa, con con gái ở nhà một mình mẹ không yên tâm, để nó ở nhà có chị có em cho vui”. Bằng mọi cách tôi vẫn không thể nào xoay nổi tình thế. Nghĩ đến hình ảnh trái bóng lăn, tiếng cười khoái chí của mấy thằng bạn lúc này đang hăng say trên sân cỏ gần mé rừng cao su, tôi thêm phần nôn nóng. Không thể làm gì được, tôi lại không dám mạo hiểm liều bỏ đi chơi khi nghĩ đến những cây roi mẹ đã để sẵn trong ngạch cửa. Tôi bắt đầu quay sang muốn gây sự với chị. Chị chỉ cười trêu chọc quê tôi. Tôi càng bực mình thì càng làm cho chị thêm vui bởi sự vô lý của tôi. Cuối cùng tôi la lên: “Đồ con gái, chỉ biết ăn diện, còn giữ nhà cũng không xong …!”. Tôi mừng thầm bởi sau câu nói quyết định ấy khiến chị thay đổi sắc mặt, không nói thêm được lời nào. Ai ngờ, không biết chị giận tôi đến mức nào mà hôm ấy chị khóc thật nhiều. Nhìn chị khóc tôi cảm thấy hối hận, nhưng cũng không chịu xin lỗi, đứng nhìn chị, khóc theo.

*  *  *

Vào chùa chưa được bao lâu mà mọi cái hầu như đều thay đổi. Lúc này, mặc dù vẫn đang còn là một chú điệu để “chỏm”, tôi cảm thấy mình rất chín chắn. Con người, suy nghĩ và mọi cái như lớn hẳn lên. Tuy thỉnh thoảng cũng bị Sư phụ quở, các sư huynh rầy la, mà chưa lần nào hân hạnh được nhận đòn roi hay cây hương nào của Tam Bảo, như những anh điệu đồng lứa, đồng liêu. Có lẽ cũng nhờ vậy mà một thời gian sau, tôi được làm “xếp” của mấy điệu, cũng có lắm kỷ niệm vui trong những tháng ngày này.

Đôi khi tôi tự nghĩ, có lẽ lúc đó tôi đã thực sự biết thương ba mẹ, biết thương chị, thương những ngày còn sống trong gia đình. Ở nhà, hờn dỗi, cải lẫy thì còn có người nhịn, kẻ chìu ; vào chùa, cuộc sống tu hành dĩ nhiên thì phải có tính độc lập, tự giác hoàn toàn trong khuôn khổ của những quy tắc thiền môn. Một là nên, hai là phải chịu phạt để làm bài học kinh nghiệm lần sau.

Gia đình tôi rất mộ đạo, tối nào cũng có người lên chùa lễ Phật. Quê tôi lúc bấy giờ phần lớn là dân tứ xứ đến lập nghiệp. Ngoài những nơi sinh hoạt công cộng khác, hầu như những người dân quê tôi ai cũng cảm thấy chùa là nơi giúp cho họ dễ hòa nhập với cộng đồng hơn cả. Phật tử ở quê rất tinh tấn, luôn gần gũi, gắn bó với chùa - ngôi nhà tinh thần chung - không thể thiếu được đối với cuộc sống tâm linh sau một ngày lao động vất vả của họ. Tôi còn nhớ có một bài thơ thật tuyệt vời đã miêu tả hình ảnh ngôi chùa trong tâm hồn của người dân quê. Đọc từng lời thơ tôi cứ ngỡ như chính tác giả cũng đã xuất thân từ nơi miền quê ấy:

“. . .

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh phảng phất vọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân lành sống mến yêu

. . .

              Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

              Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

              Mái chùa che chở hồn dân tộc

              Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Thỉnh thoảng sau giờ tụng kinh tối, chị tìm gặp tôi trao cho vài thứ cần dùng hoặc nhắn lại lời ba mẹ dặn, đôi lúc chị còn kèm cho thêm ít tiền do chị dành dụm. - “Chú giữ cái này, lúc nào cần thì có mà dùng”. Ngoài những điều dặn dò của ba mẹ, riêng chị em tôi thường không biết chuyện gì hơn để nói. Hai chị em chỉ gặp mặt nhau một lúc, rồi đi. Những lúc như thế tôi thoáng nghe trong lòng một niềm cảm thương chị, rất lạ.

Hai năm sau, khoảng thời gian không dài cho một con người thực sự trưởng thành, nhưng lại quá đủ cho mọi sự biến đổi của cuộc đời. Một hôm mẹ một mình lên chùa tìm gặp tôi. Sau khi hỏi han đôi chuyện, mẹ có vẻ trịnh trọng khác thường:

- Chú Thông à! Mẹ có điều này muốn nói với chú. Mẹ không hiểu người xuất gia có cần biết điều này hay không, nhưng mẹ nghĩ dù sao thì chú vẫn là người trong nhà.

Tôi nhìn mẹ với chút hoài nghi, không biết có điều gì mà quan trong đến vậy. - “Có chuyện gì vậy hở mẹ?” Tôi liền hỏi.

Giọng mẹ trầm ngâm:

- Chắc khoảng một tháng nữa là đến ngày đám cưới của chị chú. Con gái lớn ở đời rồi ai cũng phải thế. Mong sao nó đi làm dâu được nhà người ta thương. chứ xem như trách nhiệm ba mẹ đối với con cái đến đây cũng tạm xong.

Mẹ xuống giọng:

- Còn chú, con đường chú đã chọn thì ba mẹ không có gì phải lo nữa. Ba mẹ chỉ trông mong thật nhiều làm sao bước đường tu niệm của chú không phải gặp oan chướng như cậu chú trước đây. (Tôi có một người bà con mà tôi gọi bằng cậu, trước đây cũng xuất gia học Phật, đã được gọi Đại đức. Nhưng, đường tu đâu phải êm đềm như người ta tưởng).

Dù rất hiểu và cảm thông được tất cả nỗi lòng của mẹ lúc này, tôi vẫn đứng lặng, nghe từng lời của mẹ mà không nói thêm được lời nào. Có lẽ những gì tôi nói ra bây giờ đều chỉ tội làm cho lòng mẹ thêm buồn mà thôi. Mẹ bỗng như nhớ ra điều gì:

- À! Chị chú có hỏi mẹ không biết hôm đó chú có được về dự ngày vui của nó không.

Tôi nhỏ nhẹ trả lời:

- Chắc là không được đâu mẹ ạ! Giờ con đã là người xuất gia, không còn thích hợp với những nơi như vậy nữa. Con không có ý muốn làm cho chị con không vui. Mà … ai đi tu rồi cũng vậy thôi. Cầu mong sao đời chị con sau này sẽ được như mẹ nghĩ.

Sau lần gặp mẹ, tôi cảm nghe trong lòng mình có gì thay đổi lạ thường. Phật dạy người xuất gia phải cát ái từ thân để bước theo con đường phạm hạnh, siêu việt ba cõi, cứu độ muôn loài. Tôi vẫn nằm lòng những câu kinh phát nguyện mà Sư phụ và các sư huynh tôi đã đọc trong lúc làm lễ xuất gia cho tôi. Thế nhưng, lòng tôi bây giờ lại chỉ hiện lên toàn những hình ảnh mà tôi hằng yêu thương. Tôi chắp tay một mình đứng lặng trước thánh tượng Bổn sư như muốn bày tỏ lỗi lầm của mình, nhưng đúng hơn là muốn tìm được một nguồn cảm thông mầu nhiệm từ nơi đấng Từ Bi. Bởi tôi biết rằng tâm hồn tôi lúc này thật không an ổn.

Từ hôm chị về nhà chồng, gia đình tôi thêm vắng tiếng cười nói. Ba mẹ tôi lại một lần nữa xa con. Người buồn nhất chính là mẹ. Riêng tôi, không về dự lễ đám cưới của chị, không được một lần tiễn chị lên xe hoa. Tôi nghĩ thế mà hay. Có lẽ, chị cũng hiểu điều đó. Ngày chị đi lấy chồng cũng là ngày tôi cảm nhận như mình bị mất mát một cái gì đó rất gần, và rất thật. Tôi cứ sợ rằng mình sẽ mất đi người chị của ngày xưa, người chị mà lẽ ra với tôi không biết sẽ như thế nào, sẽ còn biết bao “kỷ niệm” đáng nhớ khác, nếu không có sự thay đổi lớn (sự kiện xuất gia của tôi) trong đời tôi, dẫu biết rằng sau này chị vẫn sẽ thường lên chùa lễ Phật, vẫn còn đứng đó để nói cười với tôi. Chính lúc này, tôi mới thực sự cảm nhận được những lời của mẹ năm xưa. Tôi thấy thương chị, thương ba mẹ, thương cả những tháng năm thơ dại ấy hơn bao giờ hết.

Và, lặng lẽ dòng thời gian, ánh nắng chiều âm thầm phủ lên bao mái đầu những sắc màu của chính nó. Âu cũng là định luật muôn đời của cuộc thế. Tất cả còn chăng cũng chỉ là một dĩ vãng thật dễ thương. Dẫu biết cuộc đời không ngoài hai chữ “Khổ - Không” hư giả, thế mà, đã có lúc nào đó vẫn còn phảng phất một chút gì dư âm của những hoài niệm, man mác thân thương …

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/049-tuoithovachi.htm

 


Cập nhật: 1-9-2001

Trở về mục "Truyện và Kịch Phật giáo"

Đầu trang