Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
HÃY BÁN CÁI NGHÈO

Viết cho người nghèo
Quê hương tôi với một chút quà

Trên đời này, ai cũng muốn mình được giàu sang sung sướng, được thong thả tự do tùy theo ý thích của mình. Nào ai có muốn nghèo khổ để sống bị lệ thuộc vào ngoại cảnh hay vào người khác. Nhưng kiếp nhân sinh, rất ít ai được phú quý vinh hoa, còn đa số chịu cảnh nghèo nàn. Nhất là người dân các nước kinh tế chưa phát triển như Việt Nam ta, nếu ai không có thân nhân ở ngoại quốc gởi tiền về, thì cuộc sống thiếu thốn khó khăn. Nhất là các nông dân và những người chuyên làm thuê mướn, thật là cực khổ nghèo nàn rất đáng thương hại. Có nhiều gia đình không đủ cơm ăn, áo mặc, cha mẹ phải đi làm vất vả nhọc nhằn, con cái nheo nhóc tiều tụy thì làm gì nói đến chuyện học hành.

Khi thiếu ăn, người ta có cái gì bán được cũng bán hết. Từ việc bán sức lực yếu gầy đi làm thuê, bán máu cho ngân hàng máu hay những người cần máu. Thậm chí có người bán cả tấm thân trong trắng của cuộc đời để lo cho gia đình. Cũng chỉ vì quá nghèo khổ!

Cái gì cũng đem bán được, bán ánh mắt làn môi, bán cả nụ cười. Vậy tại sao ta không đem bán ngay cái nghèo đó đi?

Hãy bán cái nghèo! Có lẽ các bạn ngạc nhiên lắm! Có bạn sẽ cười, xưa nay đâu có ai đem bán cái nghèo bao giờ? Nhưng thật sự bạn ơi! Bất cứ chuyện lạ nào trên thế gian này, dù khó tin nhưng lại có thật. Như câu phương ngôn: "Không có gì lạ dưới ánh sáng mặt trời". Nếu căn cứ trên giáo lý nhân quả, ta gieo hạt nhân nào tất nhiên ta thọ kết quả đó. Theo lời đức Phật dạy: "Người nghèo là do đời trước không bố thí, không làm phước mà lại hay bỏn sẻn; hoặc do ganh tỵ khi thấy người khác làm phước, bố thí cúng chùa". Còn người sanh tâm đố kỵ kiếm chuyện nói xấu chê bai người, ngăn cản tâm lành của người khác, nên đời này thân thể khiếm khuyết, lục căn không trọn vẹn, cuộc sống nghèo nàn cực khổ thiếu thốn. Còn người đời này gia đình rối ren không an vui hạnh phúc, hoặc bị nhiều kẻ ghét, gặp cảnh ngang trái là do thiếu tu phước, tu đức. Tu phước là làm các việc phước thiện đem lợi lạc cho nhiều người. Tu đức là khiêm nhường nhẫn nhục, năng gần gũi các bậc hiền đức, để tự rèn luyện mình từ ý nghĩ đến lời nói và việc làm đều lành. Khi ai khởi ý nghĩ xấu thì người ấy tổn đức lành, còn lời nói bóp méo sự thật gây hoang mang, hoặc tìm cách nói xấu người để dồn điều tốt cho mình để cầu lợi, cầu danh, hoặc đâm thọc gây chia rẻ sẽ tổn hết đức lành. Chắc chắn kẻ đó sẽ thọ nhiều nghiệp quả xấu xa ngay đời này và hậu quả của nó không lường được. Ngoài ra những đời sau thọ quả báo nghèo khổ xấu xí ai thấy cũng ghét, cuộc đời lại hay gặp những việc rắc rối khó khăn, sự sống hay vương mang những phiền lụy. Muốn hưởng được những quả lành, ta cần gieo những nhân lành, như hoan hỷ khi thấy người khác bố thí làm phước, mình nên hoan hỷ cầu nguyện cho mỗi người đều được đủ duyên lành bố thí, cúng chùa làm phước như vậy. Nếu người có lỗi lầm, mình là người tốt, thì ta nên khởi tâm từ gần gũi, tìm hiểu rõ ràng rồi nhỏ nhẹ nhắc nhở. Như vậy hiện đời mình được người quý trọng và đời sau sanh làm người có uy thế được nhiều người quý mến và tín nhiệm. Người tốt là người xây dựng trước mặt, chớ không mờ ám lén lút đâm sau lưng người bằng cách xuyên tạc nói xấu, với những dụng ý tà tâm. Muốn hết nghiệp xấu xa nghèo khổ, nghiệp vướng mắc khó khăn ngang trái, ta phải tu phước và tu đức, phải giữ gìn thân, khẩu và ý nghiệp.

Trong phạm vi mẩu chuyện này, nhằm đề cập đến việc làm phước để giải thoát cái nghèo. Cái nghèo hiện hữu là kết quả của những hạt nhân, do những đời trước ta đã gieo như đã nói ở trên. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu xem, việc bán cái nghèo như thế nào?

Vào một thuở xa xưa, khi đức Phật Thích Ca còn tại thế. Thành Ba La Nại có một bà già dòng hạ tiện, bà nghèo hơn ai hết, nghèo nhất nước này. Bà sống cô đơn trong cái chòi rách nát, trống trải. Những tấm vách rách nát, rách đến nỗi ta đứng ở bên đông có thể trong thấy bên tây. Trong cái chòi bé tí của bà, không có một vật gì lành lặn, giá trị. Dù cái bát của bà đựng cơm, cũng sứt mẻ do bà lượm được ở gốc phố khi người ta vất bỏ. Cái giường bà nằm, thật sự không phải là cái giường, nó chỉ là những miếng ván vụn người ta vất đi, bà lượm về lót để nằm nhằm tránh sự ẩm ướt khi mưa dột tứ tung.

Bộ đồ bà mặc thì khỏi nói, nó chỉ là những miếng vải cũ rách người ta bỏ ở đống rác, bà chằm vá chằng chịt để mặc. Nhưng nó vẫn rách, bà phải chằm vá nhiều lớp, đến nỗi te tua thê thảm, và gần như chưa bao giờ đem giặt rửa. Vì bà chỉ có một cái áo duy nhất đó, nên bà phải trân trọng giữ gìn không thể ly thân. Cuộc đời bà dốt nát, thèm khát tín ngưỡng, được cầu nguyện, nhưng ai cho bà vào đền thánh để cầu nguyện? Bà tủi thân, thể xác và tinh thần trở nên rách rưới tả tơi cùng cực. Nhiều lúc bà muốn chết cho rồi, nhưng muốn chết đâu phải là chuyện dễ. Bà hoang mang, không biết sau khi chết sẽ đi về đâu? Bà úp mặt vào hai tay để khóc, khóc cho cuộc đời hẩm hiu cô quạnh cùng cực của bà!

Thuở bấy giờ, có ngài Ma Ha Ca Diếp, đứng hàng đầu đại đệ tử của đức Như Lai. Ngài là vị thánh Tăng thuờng thương tưởng đến những người nghèo khổ, tùy duyên đến tận nơi hóa độ họ. Một hôm, ngài cảm nhận đuợc tâm niệm đau buồn của bà lão nghèo này, ngài thương xót nên đến hóa độ bà. Hôm nay, bà già nghèo nhất thành Ba La Nại ấy, đang trân trọng gạn lọc phần cơm canh cặn, do bà mới xin đuợc của người tớ gái nhà giàu đang định đổ bỏ. Nên phần ăn hôm nay nhiều, bà xem là phần ăn đặc biệt, ngon lành và sang trọng nhất đối với bà.

Dù bà muốn bố thí, làm phước như những nhà giàu, nhưng đào đâu ra của để bố thí như vậy? Vì bà là người nghèo nhất nước, làm gì có của mà cho. Bà đang lom khom sớt phần ăn đó vào bát để ăn. Nhung bất chợt, bà thấy một bóng người đứng đối diện với bà đua cái bát xin ăn! Bà giật mình không ngờ tại sao hôm nay, lại có người nghèo khổ hơn bà nữa, nghèo đến nỗi phải đến xin đồ ăn của bà như thế này? Một thoáng tự hào hiện lên trong lòng bà, là mình còn thuộc về giai cấp khá hơn giai cấp hạ tiện này. Nhưng dòng tư tưởng đó vụt tắt ngay khi bà nhìn lên. Vì người xin ăn đang đứng trước mặt bà, không phải là người tầm thường như những người xin ăn khác. Ðó là người dòng Bà la môn quý phái ai cung biết, đã hỷ xả tất cả vật chất xa hoa làm thầy Sa môn tu hành cầu giải thoát. Chính là ngài Ma Ha Ca Diếp đứng đầu hàng đại đệ tử của đức Phật, ngài có oai đức lớn ai cung kính mến và biết bao người mong mỏi đuợc cúng dường ngài. Cớ sao hôm nay ngài hạ cố đến xin một người nghèo khổ nhất thế gian như bà? Bà tủi lòng ràn rụa nước mắt, vì bản thân không có gì để cúng dường ngài cả. Thâm tâm bà muốn cầu phước, nhưng cái nghèo đã bó tay bà, cản trở thiện tâm bà. Cái nghèo khó đã bóp nát trái tim tốt đẹp của bà nữa. Bà tức tưởi, không biết đời trước bà đã tạo nhân gì, mà bây giờ muốn làm lành cung không đuợc nữa. Trời cao có thấu đuợc nỗi niềm của bà không? Nhưng trong một thoáng, bà như được nương theo oai đúc của vị Sa môn đang ung dung truớc mặt bà, trước mắt hiện ra tiền thân của bà đã tạo ra những nhân tham lam, ích kỷ, ganh tỵ, tật đố người khác hơn mình. Ngoài ra bà còn hiểm độc, tạo ra những nhân ngăn cản thiện tâm của người đối với Phật, Pháp và Tăng, nhằm để củng cố địa vị của mình. Nên đời này bà chịu quả báo xấu xa, lục căn khiếm khuyết, hay gặp những cảnh khó khăn, ngang trái và nghèo nàn khổ sở cùng cực như thế này!

Bà bừng tỉnh, hai tay chắp thành búp sen cúi đầu xá vị Sa môn, thành kính thưa:

- Kính bạch ngài Sa môn đáng kính! Con rất muốn cúng dường ngài, nhưng bản thân con quá nghèo khổ, không có một vật gì để cúng dường ngài cả.

Vị Sa môn nở nụ cười từ ái với gương mặt hoan hỷ, bảo rằng:

- Bà đã phát tâm cúng dường, mà chỉ có "Cái nghèo khổ". Vậy bà hãy bán cái nghèo ấy đi để cúng dường. Sự phát tâm cúng dường của bà sẽ đuợc phước báo vô biên, sẽ thoát khỏi cảnh khổ muôn đời.

Bà già nghe xong mừng quá, nhưng nghĩ lại đâu có ai chịu mua cái nghèo khổ. Lòng bà buồn vô hạn không biết tính sao, bà thưa:

- Kính bạch ngài, con muốn bán cái nghèo để cúng dường, nhưng đâu có ai chịu mua?

Ngài Ma Ha Ca Diếp dạy:

- Bà hãy an tâm, bà đã phát tâm cúng dường thì bà sẽ bán đuợc cái nghèo. Bây giờ, bà hãy nhìn chung quanh có vật gì quý giá đối với bà hôm nay, hãy đem vật đó cúng duờng. Sự phát tâm lành cúng dường như vậy đuợc phước báo vô lượng. Khi đuợc phước báo vô lượng, tức là bà đã bán đuợc cái nghèo khổ của kiếp trầm luân bấy lâu nay rồi.

Bà già nghèo nghe ngài khai thị xong vô cùng mừng rỡ, bà nhìn chung quanh xem có cái gì quý giá ngay lúc này. Thật ra, tài sản của bà là những vật thuộc loại vất đi của người khác, nhưng đối với bà đều có giá trị để sống. Còn vật quý giá cho buổi trưa nay, là cái bát mẻ đựng thức ăn thừa của người giàu mà bà mới xin đuợc. Nó chính là sự sống của bà cả ngày hôm nay. Trong đầu bà lóe lên tia sáng tài sản quý giá của bà là phần ăn đó, vì không có vật gì quý giá hơn nữa. Bà xúc động sung sướng, vì thấy mình vẫn có vật quý giá để cúng dường, để bán cái nghèo. Với hai hàng nước mắt lăn dài đầy cảm xúc, với tâm hoan hỷ vô biên, với sự thành kính qua đôi tay run run, bà quỳ xuống kính dâng phẩm vật quý giá của bà:

- Kính bạch vị Sa môn quý kính! Hôm nay con vô cùng sung sướng, đuợc ngài hoan hỷ chiếu cố với lòng từ bi vô biên, ngài đã vì con khai thị những lời vàng vô cùng quý báu. Chỉ một lời dạy đon so, nhung đã phá trừ cái ngu muôn thuở cho con, lòng từ bi của ngài đã làm cho con sanh tâm hoan hỷ, biết đem tấm lòng thành kính cúng dường cầu đuợc phước báo lớn lao, sớm thoát khỏi kiếp trầm luân nghèo nàn khổ sở. Bây giờ con xin dâng lên ngài tất cả những phẩm vật quý giá của con, xin ngài từ bi hứa khả chú nguyện cho con sớm thoát ly cuộc đời nghèo khổ này.

Ngài Ca Diếp với nụ cười hoan hỷ, phong thái uy nghi từ tốn, ngài đua bình bát ra lãnh thọ phần ăn của bà lão, rồi chú nguyện:

- Tôi cầu cho bà luôn đuợc an lạc, xả bỏ tất cả xan tham đố kỵ và phiền não, phát triển tâm Bồ đề vị tha, sớm thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Cầu cho bà nương theo công đức lành này, đuợc hưởng nhiều phước báo cỏi thiên nhơn.

Chú nguyện xong, ngài sớt lại phân nữa phần ăn cho bà lão đở dạ. Nhưng bà lão từ chối, vì bà đã no bằng pháp hỷ thực, bằng sự sung sướng là đã có của cúng dường, bà đã no đủ trong niềm vui an lạc vô biên ấy.

Từ lúc đuợc cúng dường xong, bà lão thường sống trong hỷ lạc. Gương mặt bà rạng rỡ, tâm hồn bà thanh thoát nhẹ nhàng với nguồn an lạc vô biên. Bà thấy mình đã làm một việc chưa từng có, không thể ngờ và không thể mong. Bà cảm thấy tánh ích kỷ hẹp hòi, ganh ghét đố kỵ những người giàu sang đã rơi rụng đâu mất. Từ đây nó không còn làm cho bà phiền muộn vì mặc cảm nghèo nàn hạ tiện. Tất cả những thứ đó đã chuyển hóa thành tánh tùy hỷ, thành tâm vị tha mong muốn mọi người đều đuợc lợi lạc tốt đẹp như nhau. Nhờ nương theo oai đức và lòng từ bi của vị Sa môn, bà xả bỏ đuợc những tánh xấu xa, khởi tâm hoan hỷ nên bà hưởng đuợc nguồn an lạc vô biên tràn ngập trong tâm thức của bà. Bà thấy mình đã trở thành người giàu, quý phái. Ðúng vậy! Nếu bà không giàu, không có của thì làm sao có thể bố thí cho một vị Sa môn giai cấp quý phái, vốn là người giàu có nổi tiếng xứ Ma Kiệt Ðà. Bây giờ bà đang sống trong thế giới vui tươi riêng biệt, trong bầu trời hạnh phúc vô biên, bà đang huởng sự an lạc tuyệt vời mầu nhiệm. Thân bà tuy đang ở cõi trần đầy phiền lụy, nhưng tinh thần bà đang an vui ở cõi trời Ðao Lợi.

Thời gian thấm thoát không bao lâu, cơn gió vô thường thổi đến, đem thân xác bà trở về với cát bụi. Một thân xác nghèo khổ, già nua, xấu xí của bà, vốn vay mượn của tứ đại giả hợp, bây giờ trả lại cho tứ đại. Thần thức của bà đuợc sanh lên cõi trời Ðao Lợi hưởng phước. Các cõi trời, chư thiên rât sung sướng, ăn mặc đi đứng tùy theo ý muốn, cuộc sống thật tự tại vui thích, thường quây quần bên nhau với những niềm vui không nhàm chán. Thân thể chư thiên thanh khiết, không phải do chất bất tịnh của tinh cha huyết mẹ tạo thành, mà do phước báo của mỗi người kết thành bằng những thanh khí nhẹ nhàng với hương thơm. Cảnh vật cung do phước đức trở thành y báo. Da thịt của chư thiên thường thoát ra mùi thơm. Tóc không cần chải gỡ, uốn sấy hay gội đầu, hoặc nhuộm màu hay làm móng. Vì tóc tự kết lại thành cái hoa, cung không phải đi vệ sinh dơ bẩn như cõi trần. Cũng không có mồ hôi chua nhớp, quần áo cung không phải giặt rửa, không phải mua sắm. Vì tất cả y phục và màu sắc đều xuất hiện theo ý muốn. Bà lão nghèo đã chuyển nghiệp, thành một cô gái trẻ đẹp với đầy đủ mọi trang sức và phương tiện. Khi sanh lên cõi trời, bà thấy rõ phước báo lớn lao này, là do ân đức của ngài Ma Ha Ca Diếp đã dạy bà cách bán cái nghèo. Nhờ sự tín tâm, hết lòng cung kính cúng dường, làm cho các nghiệp xấu chuyển hóa thành các tính tốt, cho nên bà đuợc phước báo lớn sinh lên cõi trời. Bà nhớ ân đức này, liền đem hoa trời đến đảnh lễ cúng dường ngài Ma Ha Ca Diếp đang tọa thiền dưới cây cổ thụ trên núi Linh Thứu.

Thời gian trên các cõi trời khác hẳn thời gian ở cõi trần. Một ngày ở cõi trời bằng trăm năm ở thế gian. Bà hưởng phước không biết mấy ngàn năm ở cõi trời.

Ngài Phú Lâu Na là bậc thuyết pháp đệ nhất, trong hàng đại đệ tử của đức Phật. Một hôm ngài đi ngang một thôn xóm, gặp những người nông dân có thiện căn đang làm ruộng. Ngài hỏi:

- Các vị làm ruộng, trồng những thứ lúa để nuôi thân. Bây giờ, tôi sẽ hướng dẫn quý vị phương pháp canh tác các ruộng phước, để nuôi dưõng huệ mạng. Các vị có chịu không?

Những người nông dân nghe xong nói:

- Thưa Sa môn, muốn cày ruộng phước để nuôi huệ mạng thì phải làm sao?/P>

- Ngài dạy:

- Tin Phật, trọng pháp, cung kính cúng dường các vị Sa môn, chăm sóc nguời bệnh, hiếu thảo với cha mẹ, nhiệt tâm với những việc từ thiện lợi ích chung. Ðối với xóm làng nên tùy thuận làm các điều phước, sửa những điều ấu của người, nêu những điều lành để làm gương tốt, không bê tha gây tội. Ðó là cách tốt nhất cày cấy các ruộng phước cho đời này và hưởng các đời sau. Các nông dân nghe xong vui mừng, đều chấp tay cung kính lễ lạy, lãnh thọ và cảm tạ ân đức của ngài đã chiếu cố đến hàng thứ dân. Về sau những người nông dân này làm phước nên thường hay trúng mùa và trở nên khá giả. Những đời sau họ tin sâu Tam Bảo và đuợc hưởng nhiều phước lộc.

Sự cúng dường, cầu phước giá trị của nó không ở nơi sự vật, giá trị của nó thực sự ở tâm thành. Như ông A gia đình giàu sang cúng mười ngàn, nhưng tâm còn so sánh, còn ngã tướng, nhân tướng, muốn mọi người biết và khen. Số tiền cúng tuy lớn, nhưng không ảnh hưởng đến sự sống hằng ngày của ông A và ông A chú trọng đến lời khen nhiều hon, thì phước đức của ông A nhỏ trụ nơi lời khen. Bà B tuy nghèo, bà rất thành tâm dâng cúng nhưng không có tiền, bà phải nhịn ăn ba ngày mới có đuợc mười đồng để đem cúng duờng. Bà cúng vì quý trọng Tam Bảo, quý trọng Thầy có phương tiện hoằng pháp, chứ không mong cầu ai biết, cung không nghi đến lới khen. Bà khiêm nhường cúng riêng, không cần ai biết và nhới quý Thầy chứng minh chú nguyện cho bà, cho nên của tuy ít nhưng phước lại lớn. Vi sao? Vì của tuy ít nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống thiếu thốn của bà, bà phải hy sinh, cố gắng dành dụm mới có để cúng. Khi cúng bà thành tâm cung kính và chỉ cầu phước chứ không trụ ở chỗ cầu danh, nên phước của bà lớn hơn.

Nếu bà B phát tâm hồi hướng công đức cúng dường này, cho tất cả mọi người đều đuợc hưởng vả phát tâm Bồ đề làm các công đức lành, thì phước đức của bà B trở thành vô biên. Vì hỷ xả tất cả sẽ đuợc tất cả. Chính tâm hỷ xả, tâm Bồ đề làm tiêu trừ hết các nghiệp xấu, các nhân lành phát triển nên các quả lành sanh ra vô số quả.

Vậy ta có thể bán sức lực, bán công khó, kiến thức tài năng để lấy tiền. Tại sao ta không bán cái nghèo của kiếp sống tạm bợ, để cầu lấy tài sản quý giá và thân ngọc đẹp đẽ như bà lão nghèo trên?

(Trích dẫn: Nỗi lòng của chú Tiểu, tác giả: Thích Tuệ Chiếu xuất bản)

Sưu tầm và đánh máy: Thanh Sơn

       

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/bancaingheo.htm

 


Vào mạng: 1-5-2002

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang