Pháp Đăng Thái Khâm (910-947) là một thiền tăng nổi tiếng thời Ngũ Đại (
907-960). Ngài họ Quí, người Ngụy Phủ ( nay là Đại Danh, tỉnh Hà Bắc,
Trung Quốc). Thuở ban đầu ngài ở chùa Song Lâm thuộc môn phong của Mã Tổ
Đạo Nhất. Là người kế thừa tông phong của thiền sư Thanh Lương Văn Ích,
nhưng Thái Khâm lại nói: Lão tăng này vốn bắt chước người xưa chôn thân ở
núi rừng mà sống qua quít từng ngày. Ta theo học với ngài Thanh Lương lão
nhân mà ta chẳng gặt hái công án gì, cho nên ta bỏ ông ấy mà ra đi.
Có ai hỏi ngài Thái Khâm điều gì thì ngài trả lời bằng cách…nói lại câu
hỏi ấy! Có một thiền tăng hỏi ngài: Thiền sư đã thông suốt công án gì ở
ngài Thanh Lương? Ngài không trả lời mà dùng gậy nện cho thiền tăng kia
một gậy! Vị tăng kia nói: Con có lỗi gì chứ? Thái Khâm nói: thầy tổ u mê
đúng là gây họa cho con cháu!
Lúc đó có Lý quốc chủ đứng bên, quốc chủ từ tốn hỏi: Thầy ấy chưa hiểu
công án gì của thầy? Ngài trả lời: Vậy tôi đang nói công gì nào! Ngài trả
lời làm Lý quốc chủ ngớ cả người.
Thái Khâm là người tỏ ngộ thiền cơ từ thời trai trẻ. Là người có lối sống
trầm mặc, tính khí thì lạ lùng, và thường coi nhẹ những qui tắc, không ai
“nắm bắt” được ngài ngoài thiền sư Văn Ích. Thái Khâm thường đi hóa đạo ở
núi Thanh Lương, nhưng ngài thường không tuân theo giới luật, có khi đi
quá giờ ngọ mà không về. Đại chúng thường chuyền tai nhau mà cười nhạo
ngài. Văn Ích sai người bảo ngài về để làm đại chúng toát mồ hôi hột chơi.
Một hôm, thiền sư Văn Ích nói trước đại chúng: Có một cái chuông vàng treo
trong cổ con hổ, vậy ai là người đi tháo nó ra?
Đại chúng đều im lặng. Ngay lúc đó Thái Khâm đi vào, ngài Văn Ích nêu lại
câu hỏi ấy để ngài trả lời. Thái Khâm nói: Sao các thầy không trả lời,
người nào buộc vào được thì cởi ra được! Đại chúng trố mắt nhìn nhau, ngài
Văn Ích nói: Vậy các thầy không được cười người ta nữa nhá!
(Theo Huệ
Hồng, Lâm Gian Lục, quyển 2. Tục Tạng 87, No 1624, trang 263)
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/buoc&mo.htm