Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Bước đi của thiên thần

 

Lúc nào cũng vậy, hễ nghe ai nhắc tới cha của Rahula là nét mặt Yasodhara sầm xuống, buồn dàu dàu. Rahula còn bé bỏng, không làm sao cảm thấu được nỗi buồn của mẹ. Cậu bé cứ hỏi mẹ về người cha chưa bao giờ thấy mặt của mình. Yasodhara chẳng biết trả lời sao. Cứ hứa hẹn với con, rằng cha sẽ về, một ngày nào đó, một ngày rất gần.

Nhiều năm và nhiều lần như vậy rồi, đến hôm nay tin tức về chồng nàng mới thực sự được đưa về kinh thành một cách chính xác và đáng tin cậy. Rằng Siddhàrtha chồng nàng, đương kim thái tử của vương quốc Sàkyas, sau sáu năm lìa bỏ cung thành xuất gia tầm đạo trong núi tuyết Hymalaya, đã chứng được đạo quả vô thượng, trở thành một kẻ giác ngộ hoàn toàn, một bậc đạo sư, một đấng Thế tôn... và sau ba năm kế tiếp thành lập giáo đoàn, truyền bá giáo lý giải thoát khắp nơi, người đang trên đường trở về kinh thành để thăm cố quốc. Bây giờ cái tên quen thuộc Siddhàrtha đã không được người ta dùng để gọi chàng nữa: người ta gọi chàng là Thế tôn, Như lai, hay đức Gotama.

Từ ngày chồng nàng vượt thành vào rừng xuất gia, nàng lặng lẽ ở mãi trong tư phòng, chẳng thiết tha gì với mọi sinh hoạt, lễ lộc, cùng bao cuộc vui ca múa hát thường xuyên tổ chức trong cung đình. Với nàng, cuộc đời thanh xuân kể như đã khép lại. Thực ra, hơn ai hết, nàng hiểu rõ tâm trạng, tình cảm cũng như hoài bão cao xa của chồng mình. Có những điều mà có lẽ chàng chưa nói với ai, nhưng đã không che giấu nàng. Nàng còn nhớ những lần cùng đi dạo với chồng trong ngự uyển dưới ánh trăng vằng vặc trải ánh vàng lênh láng trên ngàn hoa nội cỏ. Trước vẻ đẹp của thiên nhiên và không khí riêng tư êm đềm ngoài cung đình, nàng sung sướng ôm chặt cánh tay chàng, tựa đầu vào vai chàng để lắng nghe những lời tình tự mà hiếm khi chàng bày tỏ. Nhưng chàng cứ im lặng. Mắt chàng vẫn cứ nhìn xa xăm, nhìn đâu đâu, như thể sự hiện diện của nàng không còn là một sở hữu vô giá mà chính chàng đã từng nâng niu, từng ra sức thi thố tài năng trước mọi công tôn vương tử khác để chiếm hữu! Sau những lần dạo chơi ngoài cung thành để tìm hiểu đời sống nhân dân, chàng đã thay đổi quá nhiều. Trong mắt chàng, dường như chỉ còn một thứ lửa còn cháy, cháy dịu nhưng triền miên, đó là thứ lửa bi mẫn mà chàng dành trọn cho nỗi thống khổ của nhân sinh. Và trong mắt chàng, nàng cũng chỉ hiện hữu như một biểu trưng của kiếp người khổ bệnh. Nhưng có lẽ nàng đặc biệt hơn: nàng được gần gũi chàng để lắng nghe, để cảm thấu bao biến động trong tâm tư và ý chí của chàng. Những lời chàng trao cho nàng, dù được thốt ra dưới một đêm trăng huyền ảo thơ mộng, hay được thốt ra trước ánh bình minh rực rỡ trải dài muôn tia nghìn sắc trên sông núi bao la hùng vĩ, vẫn chỉ là những lời than thở, đau xót cho nhân sinh khổ lụy. Lần ấy, cùng đứng bên nhau trước bao lơn nhìn ra ngự uyển đang ngập ánh trăng, chàng nói rằng:

"Yasodhara, nếu một ngày nào đó ta không còn ở bên em, em có hờn trách ta không?"

Yasodhara cúi mặt không trả lời. Tim nàng dường như đứng lại. Dĩ nhiên như bao nhiêu thiếu phụ son trẻ khác, nàng không muốn rời chồng nửa bước. Nàng và chàng chưa hề hục hặc gây gổ, lời qua tiếng lại với nhau bao giờ. Cuộc hôn nhân của họ là một cuộc hôn nhân đằm thắm, đẹp, và có thể nói là một cuộc hôn nhân cực kỳ xứng hợp và toàn vẹn để có thể làm gương cho bao cặp tình nhân khác. Vậy thì, không có lý do nào, không có trở lực nào có thể cưỡng ép, lôi kéo, đưa đẩy nàng và chàng phải xa nhau. Nhưng rõ ràng là chàng đã từng có ý ra đi. Dường như chàng có mặt trên cuộc đời này không phải là để hân thưởng hoặc đón nhận những gì hiện hữu của cuộc đời mà có mặt để thực hiện một chuyến đi, một cuộc hành trình, một sở nguyện nào đó rất cấp thiết cho muôn loài. Tình yêu của chàng không phải là thứ tình mà người ta có thể đong đầy hay phong kín trong một trái tim, một tâm hồn mà là thứ tình lan tỏa, trải rộng, không bến bờ. Tình yêu đó đã lan thấm nhè nhẹ vào lòng nàng một cách êm mát, dễ chịu và thanh thản, nhưng mặt khác, nó đánh bạt đi độc quyền chiếm hữu của nàng. Nó không phải là cái gì có thể chiếm riêng được. Đôi lúc nàng sung sướng đón nhận cái tình yêu bao la và trong sáng đó, nhưng thoạt khi, nàng cũng muốn chối bỏ nó, để chỉ được vớt vát lại cái tình cảm giới hạn dù rằng rất là tầm thường của thế nhân. Nàng muốn chàng cứ yêu mình như một người chồng yêu thương một người vợ. Một người vợ duy nhất. Tình yêu đó không cần phải san xẻ cho ai. Tình yêu đó, không ai khác trên thế gian này có thể được chung hưởng...

"Siddhàrtha yêu dấu, em biết, em có thể nhìn thấy trước điều đó trong mắt anh. Một ngày nào đó anh sẽ ra đi. Nơi anh đến sẽ không cần có em. Em biết anh muốn tìm cái gì. Cái đó không có ở nơi em. Cái đó không phải cho riêng anh, cũng không phải cho riêng em..." Yasodhara nghẹn ngào giây lát rồi bật khóc.

Siddhàrtha ôm choàng lấy vai nàng, không nói. Úp mặt trên vai chồng, Yasodhara thỏ thẻ:

"Muôn loài sẽ hân hoan an lạc nếu anh tìm thấy ánh sáng và lối đi của anh. Cùng với muôn loài, em cũng sẽ đượcchung hưởng niềm vui đó. Nhưng... làm sao em có thể chịu đựng nổi sự ly biệt này, hỡi Siddhàrtha yêu dấu của em..."

Siddhàrtha vỗ về nàng, giọng chàng ấm và dịu như ánh trăng vàng đang trôi trên lá cỏ:

"Đừng khóc em yêu. Nhân loại đang chờ đợi ta. Không phải chỉ chờ đợi riêng ta, mà còn chờ đợi em nữa đó. Trên và trước tất cả mọi người, em là kẻ đầu tiên có thể chia xẻ cùng ta sứ mệnh thiêng liêng này."

Chính đêm ấy, Yasodhara thọ thai. Và cũng từ đêm ấy, nàng ý thức rất rõ ngày ra đi của Siddhàrtha càng lúc càng kề cận. Chàng trầm tư nhiều hơn, tọa thiền nhiều hơn, cả ngày lẫn đêm.

Khi nàng sinh hạ Rahula, phụ vương Shuddodhana cùng hoàng thân quốc thích, thần dân trong kinh thành đều hết sức hoan hỷ. Đức vua Shuddodhana tổ chức lễ tiệc linh đình để ăn mừng sự ra đời của vương tôn Rahula. Nhưng đối với Yasodhara, sự ra đời của Rahula như là sự báo hiệu của một cuộc biệt ly đoạn trường mà nàng từng tiên cảm. Trong tư phòng, nàng gượng gạo đón tiếp những người thân thay nhau bước vào thăm hỏi sức khỏe mà mắt nàng cứ đăm đăm nhìn về hướng cửa phòng để mong ngóng chồng mình. Đến tối, khi chỉ còn lại một mình nàng, Siddhàrtha mới lặng lẽ bước vào. Không nói gì. Chàng ngồi bên mép giường, cầm tay nàng. Rồi đưa tay vén nhẹ những sợi tóc lòa xòa trên vầng trán cao của nàng, đặt bàn tay ấm của chàng lên đó. Yasodhara bỗng nghẹn ngào khóc. Nước mắt nàng ràn rụa trên gương mặt xanh xao. Nước mắt nàng cứ chảy mãi, chảy mãi như thể phút phân kỳ đã kề cận, không còn mơ hồ nữa. Siddhàrtha cúi hôn lên đôi mắt đẫm lệ của nàng.

Rồi chàng ẵm Rahula lên, nhìn ngắm đứa con sơ sinh với thương yêu đầy tràn trong ánh mắt. Chàng ôm con đi vòng vòng trong phòng. Nàng nằm trên giường nhìn theo, ngắm bóng dáng chàng, quan sát đôi mắt và nụ cười của chàng. Mắt chàng ánh lên niềm vui, miệng chàng đã nở được nụ cười. Cũng là ánh mắt và nụ cười hạnh phúc của một người cha. Chàng đã trở thành một người cha rồi đó. Rahula bụ bẫm dễ thương hơn bất kỳ đứa bé nào có mặt trong kinh thành này. Chàng đã cười vui. Có lẽ... có lẽ chàng sẽ quên. Có lẽ chàng sẽ quên. Chàng sẽ không rời xa nơi này nữa. Rahula xinh đẹp, kháu khỉnh quá. Rahula thừa hưởng tất cả nét đẹp thanh cao quý phái của cha nó. Ô kìa, chàng đang sung sướng ẵm con. Chàng sẽ quên, chàng sẽ quên... Bỗng Rahula khóc ré lên. Chàng không biết làm gì cho nó nín khóc. Chàng lúng túng nhìn nàng vừa cố gắng đu đưa hai tay dỗ con. Nhưng Rahula cứ khóc. Chàng bèn đem con đến giường, đặt con nằm bên cạnh nàng. Yasodhara ôm lấy con. Rahula ệ ạ vài tiếng rồi nín khe. Chàng ngồi bên mép giường, nhìn hai mẹ con, cười nhẹ. Rồi mặt chàng bỗng sầm xuống. Niềm vui không bao giờ kéo dài được trong chàng. Chàng ngồi im lặng thật lâu, rồi đứng dậy, rời khỏi phòng.

Tối nào cũng vậy, chàng ghé tạt vào phòng của hai mẹ con như để thăm hỏi, vài ba phút thôi, rồi rời khỏi phòng. Chàng có phòng riêng để tọa thiền và nghỉ đêm một mình. Thỉnh thoảng vào nửa đêm, Yasodhara bước nhẹ đến trước phòng của Siddhàrtha để thăm chừng giấc ngủ của chồng và nàng thấy chàng ngủ trong tư thế tọa thiền. Nàng không biết phải làm sao. Nàng không muốn đánh thức chàng. Sự tĩnh tâm hàng giờ, hàng ngày của chàng càng lúc càng tạo nên một khoảng cách giữa hai vợ chồng khiến đôi lúc nàng có cảm tưởng chàng như một vị thầy, một đạo sư của nàng chứ không còn là một người chồng đã từng chia xẻ tình cảm vui buồn với mình như trước đây nữa.

Tối hôm đó, khác với mọi khi, chàng đến thăm hai mẹ con sớm hơn, vừa sau giờ ăn tối. Chàng ngồi nơi chiếc ghế nạm ngọc, chống cằm nhìn nàng cho con bú. Chàng vẫn im lặng, không biểu lộ tình cảm nào rõ nét. Một chốc, chàng bảo Yasodhara đưa con cho chàng bồng. Chàng bồng Rahula thật lâu, bước quanh trong phòng, rồi đến bên cửa sổ chỉ cho Rahula mảnh trăng non vừa lú lên ở cửa thành phía đông. Rahula bé bỏng không hiểu gì, chỉ cười. Rồi chàng lặng yên đứng mãi bên cửa sổ, tay vẫn ôm con mà mắt nhìn xa xăm. Rahula tựa đầu lên vai cha nó, mút ngón tay. Yasodhara ngồi trên giường quan sát hai cha con, vừa hạnh phúc, vừa lo sợ.

Khi chàng quay lại để trao Rahula cho nàng, Yasodhara thấy mắt chàng long lanh. Chàng nhìn nàng một cách trìu mến, nhưng vẫn không nói gì. Rồi chàng rời khỏi phòng.

Vào khoảng nửa đêm, khi Yasodhara còn đang trằn trọc ưu tư về cuộc sống chung giữa nàng và Siddhàrtha thì chàng xuất hiện. Chàng vào phòng, có vẻ ngập ngừng một lúc rồi bước nhẹ đến bên giường của hai mẹ con. Yasodhara vờ ngủ say, nhưng với ánh đèn dầu mờ đặt trên bàn và ánh trăng thượng tuần nhợt nhạt hắt vào song cửa sổ, nàng có thể nhìn thấy được nỗi xúc cảm của chàng hiện lên trên nét mặt vốn nhiều trầm tư đó. Chàng cúi xuống hôn Rahula. Rồi khẽ ngồi xuống giường, đặt nhẹ bàn tay ấm của chàng lên má nàng. Bàn tay ấm đặt lên má và để yên như vậy vài phút. Yasodhara nín thở, nén xúc động. Chàng không hay biết nàng đang thức. Chàng nhìn ngắm nàng, nhìn ngắm con, thật lâu. Rồi chàng đứng dậy. Nước mắt Yasodhara lăn dài, lăn dài. Nàng nằm yên nhìn chàng vén màn bước ra khỏi phòng. Bóng chàng nhạt nhòa qua làn nước mắt của nàng. Nàng vẫn cứ nằm yên, nước mắt lăn mãi, lăn mãi. Nhưng chàng bỗng quay trở lại, bước vào phòng, đến cạnh giường, nhìn vợ con lần nữa. Hình như mắt chàng long lanh, nàng cảm thấy vậy. Nàng muốn ngồi bật dậy để ôm lấy chàng, nhưng nàng không thể. Và nàng cứ nằm đó, vờ nhắm mắt ngủ. Chàng khẽ nâng nhẹ bàn tay nàng lên, hôn nhẹ. Chàng không biết nàng đang khóc. Chàng quay qua vuốt tóc Rahula. Rahula cười hồn nhiên trong giấc ngủ. Chàng hôn lên trán con rồi bước ra khỏi phòng. Lần này, bước đi chàng mạnh dạn hơn. Nhưng đến cửa phòng, chàng lại dừng, quay đầu nhìn vợ con trước khi khuất nhanh sau màn cửa. Yasodhara cứ nằm yên mà khóc một cách thầm lặng. Nàng biết chàng đã lên đường, sẽ không quay lại nữa, trừ phi chàng có thể tìm được một con đường, một phương thuốc để đem lại hạnh phúc và lợi lạc cho muôn loài. Nàng đứng dậy bước đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời đêm bao la. Một lúc lâu, có tiếng vó ngựa gõ vang ở xa xa, đâu đó ngoài kinh thành.

*

Bây giờ, chàng đang trên đường về. Cả hoàng thành nhốn nháo. Quốc vương Shuddodhana hân hoan thấy rõ. Ông lăng xăng lui tới trong hoàng cung rồi đích thân cùng với Maha Pradjapati (dì của Siddhàrtha) ra ngọ môn quan để đón rước Siddhàrtha vào thành. Ông cũng cho người gọi Yasodhara cùng đi, nhưng nàng cáo bệnh, từ chối. Nàng ở lại một mình trong phòng. Vén rèm nhìn qua cửa sổ. Nơi đây, nàng không thể nhìn thấy được tận cổng thành. Chỉ nghe tiếng trống, tiếng kèn, tiếng hò reo hân hoan của thần dân vương quốc Kapilavastu. Nàng biết quốc vương Shuddodhana vẫn còn ảo tưởng, vẫn còn hy vọng rằng một khi Siddhàrtha đã chịu trở về kinh thành, chàng cũng sẽ đồng ý gánh lấy sứ mệnh nối ngôi vua cha để cai trị xứ này. Ông chỉ mong đợi chừng đó. Bây giờ, nghe rằng chàng đã giác ngộ và trở thành một đạo sư du thuyết khắp nơi, ông vẫn không từ bỏ niềm hy vọng của ông. Ông vui mừng đi đón Siddhàrtha. Ông cho rằng, một bậc thế tôn—như người ta xưng tụng—cũng có thể thay ông cai trị vương quốc Kapilavastu chứ không gì trở ngại cả. Đức độ của vị thế tôn đó càng làm tăng thêm uy tín cho ngai vàng cũng như càng làm vững mạnh thêm cho vương quốc này. Yasodhara không tin như vậy. Nàng biết chàng đã tìm được con đường của chàng. Chàng đã tìm thấy chơn lý. Và như vậy, chàng sẽ không bao giờ từ bỏ con đường của chàng để trở về với những phù hoa ảo ảnh của cuộc đời—cho dù là cuộc đời vương giả. Chàng đã tìm được thuốc hay và chàng sẽ mang thuốc đó đi chữa bệnh cho nhân loại. Chàng đã kết thúc cuộc tìm kiếm của chàng, nhưng chỉ mới bắt đầu con đường chữa trị cho kẻ khác. Chàng vĩnh viễn không thuộc về tộc họ đế vương hạn hẹp này nữa. Chàng là một đạo sư cao cả của thế gian—một kẻ mà những sợi tóc óng mướt của nàng sẽ không bao giờ có thể cột trói được nữa—vậy thì nàng đi đón chàng với tư cách gì đây. Ngay khi chàng còn bên cạnh, nàng đã cảm nhận rằng chàng không thuộc về mình nữa. Huống chi giờ này, chàng đã trở nên một con người khác, một con người với trí tuệ siêu việt, một bậc thế tôn—tiếng đồn đã lan đi như vậy.

Yasodhara đứng bên rèm cửa sổ, lặng yên nhìn hoa nở, lặng yên nhìn mây bay qua bầu trời. Lòng nàng lặng yên một lúc rồi cuồn cuộn dâng dậy bao xúc cảm bình thường của một người vợ. Đã mười năm rồi, xa cách nhau, không biết bây giờ chàng đã thế nào? Chàng có được khỏe mạnh không? Bao năm lăn lóc với sương tuyết trên núi cao, trong rừng thẳm, không biết chàng có mang bệnh trong người không. Chắc là chàng phải gầy hơn xưa nhiều. Đôi mắt chàng, sáng đẹp nhưng buồn làm sao! Nhưng chắc bây giờ chúng không còn vương buồn nữa vì chàng đã tìm thấy những gì chàng mong đợi kiếm tìm. Càng suy nghĩ, Yasodhara càng nghe rạo rực nôn nả trong lòng. Nhưng cuối cùng, nàng gạt phắt đi tất cả. Nàng quỳ xuống bên cửa sổ. Hai tay vịn vào khung cửa, gục mặt trên đó, tự nhắc nhở chính mình:

"Không, không, ta không thể ngăn trở bước đi của chàng. Phải can đảm. Phải dứt khoát. Phải chia xẻ cùng chàng sứ mệnh thiêng liêng đó."

Tuy đã tự nhủ như vậy mà mắt nàng vẫn cứ đoanh lệ. Nàng cố nén tất cả nỗi đau trong lòng, ngước nhìn lên trời cao như mong đợi sự tiếp sức của một thần linh nào để nàng đủ nghị lực vượt qua những đau khổ thường tình hạn hẹp. Bất chợt Rahula chạy xông vào gọi:

"Mẹ ơi, mẹ."

Yasodhara vội vàng lau nước mắt, quay lại với con:

"Gì vậy Rahula, sao con không đi đón cha?"

"Con đi với chú Ananda ra tuốt ngoài kia rồi, nhưng con không muốn đi nữa, con muốn về đây với mẹ. Sao mẹ không đi đón cha hở mẹ? Mẹ buồn hở mẹ?"

Nghe Rahula hỏi, Yasodhara cố nén tiếng khóc, nói:

"Mẹ đâu có buồn. Cha con về thì mẹ vui chứ. Con ngoan thì đi đón cha, vào đây với mẹ làm gì!"

"Mẹ đi thì con mới đi. Không có mẹ con sợ cha quá à!"

"Đừng có vậy mà. Cha con hiền lắm, ai gặp cũng quý mến. Mẹ thường kể cho con nghe rồi, con không nhớ sao! Cha con thương người thương vật, tại sao con phải sợ chứ!"

"Thương người thương vật chứ đâu có thương con!" Rahula phụng phịu nói.

"Nói bậy! Cha chỉ có mình con, cha thương con lắm," nói ngang đây thì Yasodhara nghẹn ngào muốn ứa nước mắt.

Nàng có thể hy sinh dâng tặng chồng mình cho nhân loại, nhưng đứa con thơ Rahula này phải hy sinh người cha thì đáng thương cho nó quá. Ngay từ lúc sơ sinh nó đã mất đi người cha này rồi. Bây giờ, cha nó trở về... nhưng cũng không còn là cha nó như một người cha thông thường nữa. Có thể sự trở về của chàng hôm nay càng làm cho con buồn tủi hơn, vì chàng về rồi chàng sẽ đi. Đây không phải là nơi chốn dừng nghỉ vĩnh viễn của chàng. Đã có lần chàng tâm sự với nàng như vậy. Chàng nói rằng nếu một ngày nào đó chàng tìm được chân lý, chàng sẽ đi muôn phương, đi khắp nơi nào có bóng dáng của khổ đau để giáo hóa, vỗ về, đem lại hạnh phúc và an lạc cho tất cả mọi người. Vậy thì, chàng sẽ lên đường sau khi thăm viếng và giảng dạy cho nhân dân kinh thành Kapilavastu. Nếu chàng có dự tính thiết lập một nơi chốn cố định để truyền đạo và phát huy tư tưởng giải thoát của chàng thì nơi chốn đó sẽ không bao giờ là hoàng cung này. Một bậc thế tôn sẽ không bao giờ làm như thế. Và trước tất cả mọi người, nàng biết rất rõ rằng chàng không còn là sở hữu của riêng quốc gia nào, dòng dõi nào, giai cấp nào, hay của riêng một người nào, dù người đó đã từng là vợ chàng, Yasodhara, hay là con chàng, Rahula.

Nghẹn ngào một lúc, nàng gắng gượng nói tiếp:

"Rahula à, cha thương con lắm, nhưng cha cũng thương nhân dân đau khổ nữa. Chính vì vậy mà cha đã rời hoàng cung để xuất gia tìm đạo đó. Mẹ đã nói con nghe điều này rồi, phải không?"

"Dạ phải, mẹ đã nói. Mẹ còn nói rằng cha đã trở thành một sa môn, một tu sĩ không nhà, chỉ sống trong rừng sâu, dưới gốc cây, đúng không mẹ?"

"Đúng, nhưng bây giờ cha đã trở thành một đức thế tôn, nghĩa là một vị đạo sư cao cả xứng đáng cho mọi người trên thế gian kính ngưỡng quy phục."

"Như vậy... như vậy... cha có trở về hoàng cung để làm vua không hở mẹ? Cha có về với mẹ, với con không hở mẹ?"

Yasodhara ngập ngừng một chốc rồi nói với hy vọng rằng Rahula cũng sẽ vui lòng chấp nhận sự vắng mặt của Siddhàrtha nơi cung điện này:

"Một vị vua tài đức như ông nội con cũng chỉ đủ sức đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân Kapilavastu chứ không đem lại hạnh phúc cho nhân dân thuộc các vương quốc khác. Ông nội con cũng chỉ có thể cai trị vương quốc này trong vòng mấy mươi năm hạn cuộc chứ không thể cai trị vĩnh viễn. Ông nội con không chăm sóc, không giải quyết được những đau khổ riêng lẻ của mỗi người trong vương quốc này. Một bậc thế tôn thì khác. Khác lắm. Nhưng... con có hiểu mẹ nói gì nãy giờ không vậy Rahula?"

Rahula nhanh nhẩu đáp:

"Thưa mẹ con hiểu. Con hiểu mẹ nói rằng cha con đã trở thành một đức thế tôn thì cha con sẽ làm nhiều việc to lớn hơn cả ông nội con nữa."

Yasodhara sung sướng ôm con vào lòng:

"Ôi con thương yêu của mẹ, con thông minh biết bao! Con mới được mười tuổi đầu mà tâm trí sáng láng như vậy thực chẳng kém sút gì cha con thời ấu thơ. Mẹ kể con nghe rồi phải không? Đúng, cha con thực là phi thường ngay từ thuở bé. Dù lúc ấy còn nhỏ, mẹ cũng đã nghe được tiếng đồn về một đứa bé trai đặc biệt ngang tuổi mẹ mà đã tỏ ra thông minh tột đỉnh. Sau này mẹ còn nghe các hoàng thích, các cung nhân lớn tuổi kể lại nữa. Con thừa hưởng tất cả những cái phi thường của cha. Nhưng... cha con thì đã... vậy con phải..."

"Mẹ không muốn con theo cha, phải không mẹ? Vì cha đã làm sa môn, cha đâu có làm vua thay thế ông nội. Mẹ muốn con thay thế cha làm vui lòng ông nội, phải không hở mẹ?"

Yasodhara giật mình nhìn Rahula. Nàng không ngờ con mình lại tinh ý đến như vậy.

"Rahula, con thật là hiểu chuyện. Đúng, thay cha, thay ông nội trị vì vương quốc này chính là trách nhiệm của con đó. Nhưng... điều mẹ muốn hỏi là..." ngưng một lúc, Yasodhara quyết định hỏi thẳng, "nếu cha về thăm chúng ta xong rồi sẽ ra đi trở lại thì con có buồn không?"

Rahula suy nghĩ một lúc rồi nói:

"Con buồn chứ. Con muốn có cha bên cạnh mẹ để mẹ không buồn, để mẹ khỏi đến bên cửa sổ nhìn ngóng hoài. Con cũng muốn có cha để cha dạy con bắn tên, múa kiếm, cưỡi ngựa và học đọc sách nữa. Chú Ananda nói cha giỏi tất cả những môn đó. Không có cha con buồn lắm. Mẹ cũng sẽ không vui được. Nhưng con nghĩ lâu nay cha cũng đã xa chúng ta rồi mà. Nay biết được cha khỏe mạnh và thành đức thế tôn thì con vui mừng rồi. Con không dám đòi cha về đâu, để cha lo làm công việc của đức thế tôn."

Yasodhara nhìn Rahula, nàng khóc sung sướng.

"Đừng khóc nữa mẹ. Mẹ đi với con ra đón cha đi."

"Mẹ không buồn đâu Rahula ạ. Mẹ đang sung sướng đấy chứ. Nhưng mẹ không đi đâu. Con ngoan thì nghe lời mẹ, hãy đi đón cha. Con sẽ thu thập được từ cha con nhiều điều hay đẹp có lợi cho cuộc sống hằng ngày của con cũng như trong việc cai trị vương quốc về sau này. Cha con có một kho tàng vô tận mà không ai trên thế gian này có được."

"Kho tàng hở mẹ! Ô, thật thích quá!"

Yasodhara mỉm cười:

"Ừ, một kho tàng vô giá, chỉ riêng cha con mới có."

Rahula khuất dạng rồi mà nàng cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu ấy trong lòng. Một kho tàng vô tận mà không ai trên thế gian này có thể có được.

*

Rahula ra khỏi dãy hậu cung, băng ngang một dãy hành lang dài dẫn đến tiền cung. Khi Rahula đến nơi thì đức Gotama (tức Siddhàrtha) cùng các đệ tử đã vào hẳn cung điện rồi. Từ bên ngoài lén nhìn vào, Rahula thấy khoảng mười vị sa môn cạo nhẵn râu tóc, mặc ca-sa bạc màu, lem luốc hoặc vá chùm vá đụp. Rahula ngạc nhiên lắm. Cậu không ngờ rằng phụ thân mình—một thái tử—lại là một trong những vị sa môn khổ hạnh bần hàn như vậy. Trước đây Rahula chỉ nghe mẹ nói cha mình trở thành sa môn; nghe thì nghe vậy chứ không bao giờ hình dung nổi là cha mình cũng ăn bận và sống đời đơn giản khổ hạnh như các sa môn khác. Từ xa, Rahula không nhìn thấy rõ mặt cha, nhưng biết cha mình đang ngồi trò chuyện cùng đức vua Shuddodhana. Các vị sa môn khác thì đứng vây quanh. Rahula ngần ngại đứng bên ngoài một lúc, rồi hít mạnh một hơi, mạnh dạn bước vào.

Đức vua Shuddodhana là người trông thấy Rahula trước hết. Ông đang buồn lòng vì đứa con thân yêu Siddhàrtha ăn bận y phục nghèo nàn của các sa môn mà đi khắp các vương quốc, rồi trở về cố quốc cũng bằng thứ y phục nghèo nàn đó. Ông tiếp Siddhàrtha và các sa môn mà trong lòng như tan vỡ. Ông không cần một đức thế tôn. Ông chỉ cần một thái tử nối ngôi ông mà thôi. Siddhàrtha là đứa con trai duy nhất cho ông nhiều hy vọng và cũng làm ông thất vọng đau khổ nhiều nhất chỉ vì đứa con ấy không bước đi bằng những bước chân bình thường của một người trai thế tục. Nay thấy Rahula bước vào, ông như sực tỉnh. Ông biết rằng chỉ có Rahula mới là niềm an ủi duy nhất, là người mà ông có thể tin tưởng để giao phó vương quyền trước khi lìa đời. Ông biết rằng Siddhàrtha con ông sẽ không bao giờ chịu từ bỏ đời sống phạm hạnh của sa môn để trở về cung điện này nữa. Ông nói với Sidhàrtha khi Rahula còn từ xa bước đến:

"Nếu con nhất quyết như vậy, ta cũng không còn cách nào khác hơn. Thôi thì để Rahula thay con nối nghiệp ta vậy. Rahula kia kìa, nó mới mười tuổi mà thông minh đĩnh ngộ chẳng khác chi con ngày xưa."

Siddhàrtha quay nhìn về hướng Rahula, điểm một nụ cười chờ đợi.

Rahula quỳ xuống chào đức vua Shuddodhana trước rồi quay sang Siddhàrtha, phụ thân của mình. Siddhàrtha đưa tay vẫy, từ tốn gọi:

"Rahula, đến đây."

Rahula rón rén bước đến bên cha. Cậu hãy còn ái ngại không biết phải xưng hô và biểu lộ cử chỉ như thế nào cho thích hợp với sự liên hệ giữa mình và cha, giữa một người thế tục và một đức thế tôn. Rahula không dám nhìn thẳng vào mắt cha. Cúi đầu, bước nhẹ, Rahula đến đứng một bên Siddhàrtha. Siddhàrtha xoa đầu con, nói những lời có vẻ như không có tình cảm đặc biệt riêng tư gì nhưng thật là cảm động và đầy thương yêu:

"Rahula đây sao! Con thật mau lớn ngoài sức tưởng tượng của ta!"

Đức vua Shuddodhana ứa lệ. Các sa môn hầu cận Siddhàrtha cũng không khỏi nghẹn ngào.

Chỉ một câu nói đó, một cái xoa đầu đầy thương yêu đó của Siddhàrtha, Rahula đã trở nên dạn dĩ, quỳ xuống dưới chân cha, ngước nhìn cha. Rahula cảm thấy trong lòng tươi mát hân hoan như thể được trầm mình trong dòng suối trong veo vào một ngày nắng cháy. Nơi cha mình, Rahula cảm nhận một tình thương bao la bát ngát vượt hẳn thứ tình cha con mà cậu hằng mong đợi. Nỗi hân hoan trong lòng Rahula như kéo dài, lan tỏa ra, khiến cậu muốn quỳ mãi dưới chân cha và được gần gũi cha mãi mãi. Một chốc, Rahula buột miệng nói:

"Cha ơi... ồ không... Thế tôn ơi, con muốn theo Thế tôn suốt đời."

Siddhàrtha mỉm cười xoa đầu con, nói riêng vào tai Rahula:

"Nếu con thực sự muốn, có ngày con sẽ ở bên ta."

Vừa lúc đó, Yasodhara xuất hiện. Mọi người cùng quay lại nhìn. Không khí trong cung bỗng như lắng lại. Yasodhara đẹp một cách đằm thắm và đức hạnh. Nàng ăn mặc đơn sơ, không mang đồ trang sức, không xông ướp hương hoa, chân trần bước nhẹ vào cung, đứng lặng im một lúc hướng nhìn Siddhàrtha, người chồng yêu dấu xa cách mười năm của mình. Đức vua Shuddodhana lâu nay có mặc cảm là tộc họ mình đã không mang lại hạnh phúc cho công nương Yasodhara này nên vừa thấy Yasodhara, ông liền nói, vừa đủ cho Siddhàrtha nghe:

"Khốn khổ thay cho Yasodhara, con dâu ta! Mười năm nay nàng lặng lẽ trong cung phòng chờ đợi, nghe ngóng từng ngày từng giờ những tin tức về con. Nàng đã từ chối tất cả những tiệc vui, bỏ hết những trang sức xa hoa, bỏ luôn cả những bữa ăn thịnh soạn của hoàng cung... Nàng muốn chia xẻ với con đó. Khi con tu khổ hạnh trong rừng thì chính nơi cung phòng, nàng cũng đã sống một cuộc sống khổ hạnh không kém. Ta thật đau xót cho nàng! Nhưng ta biết làm sao bây giờ! Con... con hãy an ủi nàng. Chỉ có con mới xoa dịu được nỗi buồn của nàng mà thôi."

Nói rồi, đức vua đứng dậy, bảo rằng ông mệt cần nghỉ ngơi: ông muốn để Siddhàrtha và Yasodhara gặp gỡ nhau trong không khí tự nhiên. Các quần thần hiểu ý cùng đứng dậy hộ giá đức vua rời hoàng triều.

Yasodhara bước đến gần Siddhàrtha hơn. Nàng nhìn chàng thật kỹ, nhìn từng nét. Chàng vẫn vậy, vẫn đôi mắt đen láy ẩn sâu hai bên sóng mũi cao quý phái, vẫn đôi chân mày dài và đen sẫm nổi bật dưới vầng trán cao ngất thông minh. Nàng run run bước thêm vài bước gần chàng hơn. Vẫn không rời mắt nhìn chàng, nàng phát giác có một vài đổi thay: chàng gầy và da xạm đen hơn xưa, và trong mắt chàng, trên vầng trán chàng đã mất đi những nét ưu tư khắc khoải ngày xưa. Chàng đã tìm thấy, đã nắm được một cách chắc chắn những gì chàng hằng tìm kiếm.

Siddhàrtha ngồi yên không nói gì. Chàng đưa tay ra dấu mời Yasodhara ngồi ở chiếc ghế đối diện. Nhưng Yasodhara không ngồi. Nàng đứng im một lúc lâu, vẫn nhìn chàng. Rồi nàng sụp xuống ôm lấy chân chàng. Nàng bật khóc nức nở. Nước mắt nàng rơi trên bàn chân chàng. Những kỷ niệm xa xưa bất chợt trỗi dậy, trỗi dậy, tuần tự theo thứ lớp thời gian: từ khi nàng nghe tiếng đồn về những tài năng xuất chúng của chàng; từ khi nàng cùng vua cha và mẫu hậu ngồi xem chàng thi văn võ cung kiếm với các hoàng thân của các lân bang để được kết hôn nàng; từ khi hôn lễ được cử hành trọng thể với sự ăn mừng của thần dân của hai vương quốc; từ khi nàng và chàng tham dự các cuộc vui thâu đêm suốt sáng của triều đình; từ khi nàng và chàng dạo chơi nơi ngự uyển mỗi đêm sáng trăng; từ khi nàng phát giác nàng có mang Rahula; từ khi chàng nắm lấy tay nàng lần cuối trước khi rời hoàng cung xuất gia; từ khi chàng tu khổ hạnh trong rừng sâu và nàng ngày đêm ở lại hoàng cung nuôi con chờ đợi... Tất cả những kỷ niệm đẹp đẽ thiêng liêng đó, không sót một chi tiết nào, lần lượt trôi qua tâm tưởng nàng như một dòng sông êm. Dòng sông đó, nàng đã trải qua với bao hạnh phúc của sự chiếm hữu, bao âu lo về sự gãy đổ chia ly của cuộc sống chung. Bây giờ nó được chảy lại, chỉ trong vài khoảnh khắc thôi, nhưng thật rõ nét như thể chính nó tự biết rằng nó sẽ không còn có thể chảy trôi lại như thế được bao giờ. Nàng biết, nàng thấy rất rõ rằng tuổi xuân, ái tình, những mộng đẹp và cả những hy vọng hão huyền cuối cùng của nàng gần đây—rằng chàng sẽ trở về mãi mãi bên mẹ con nàng—tất cả đã thực sự trôi đi rồi. Trôi đi như dòng sông kỷ niệm kia, trôi đi theo dòng lệ nóng này. Phải, nàng đã cho chúng trôi đi. Nàng chia xẻ cùng chàng. Nàng hy sinh, vui lòng hiến tặng chàng cho nhân thế, cho niềm hạnh phúc hân hoan của muôn loài. Nhưng nàng vẫn cứ khóc và thấy đau buốt thế nào ấy trong lồng ngực mình.

Các sa môn đệ tử của Siddhàrtha chứng kiến cảnh này đều bối rối nhưng cũng không khỏi bùi ngùi cho người vợ trẻ của thầy mình. Có người nghĩ rằng Yasodhara thật đáng thương, nhưng công nương không nên ôm chân đức thế tôn và nhỏ những giọt lệ nhi nữ trên chân người như vậy. Siddhàrtha thì điềm tĩnh, để mặc cho nàng khóc và ôm lấy chân mình. Chàng biết nàng hành động như vậy là đã cố gắng lắm rồi. Nàng là một thiếu phụ đức hạnh, nhiều nghị lực, nhưng điều đó không có nghĩa rằng nàng sẽ dễ dàng chấp nhận một cuộc chia tay vĩnh viễn với chồng ngay khi chàng đang còn sống và đang đối diện mình. Chàng ôn tồn nói:

"Yasodhara, ta thật không biết nói sao để cảm ơn nàng. Trong đời học đạo và hành đạo của ta, không phải rằng nàng là người đã chia xẻ cùng ta một cách lặng lẽ và ý nhị nhất đó sao! Những gì ta cống hiến cho thế gian này đều có ẩn tàng bên trong sự đóng góp thầm lặng cao cả của nàng. Hãy tiếp tục chia xẻ cùng ta sứ mệnh đó hỡi Yasodhara!"

Yasodhara không nói gì, chỉ biết khóc. Rahula nhìn mẹ nghẹn ngào. Không khí lúc ấy bỗng im phắc, chỉ nghe tiếng nấc của Yasodhara.

Nghe thầy nói những lời vừa khen tặng, vừa an ủi với người vợ xưa như vậy, các sa môn có mặt đều xúc động và tin tưởng sự trong sáng thanh cao của cả thầy mình lẫn công nương Yasodhara. Một vị sa môn bỗng bước ra trước Siddhàrtha cung kính nói:

"Kính lễ đức Thế tôn, hàng môn đồ chúng con cũng nghiêng mình cảm tạ ân đức của công nương Yasodhara. Chính nhờ sự hy sinh đóng góp một cách cao cả và thầm lặng của công nương mà đức Thế tôn vượt qua được những ràng buộc tình cảm, dõng mãnh hơn trên đường tìm đạo để cuối cùng chứng thành đạo quả vô thượng, dìu dắt chúng con và nhân loại tiến đến giải thoát giác ngộ."

Siddhàrtha cúi xuống Yasodhara nói:

"Đúng vậy, Yasodhara đã chia xẻ cùng ta từ phút đầu, và sẽ tiếp tục chia xẻ cùng ta mãi mãi sứ mệnh đó. Phải không, Yasodhara? Nàng hãy nói đi."

Yasodhara rời Siddhàrtha, vẫn quỳ dưới nền đất, chậm nước mắt rồi ngước lên nói:

"Kính lễ Gotama... đức Thế tôn... người tìm thấy bình an giải thoát là Yasodhara mãn nguyện rồi. Xin hân hoan chúc mừng Thế tôn."

Rồi Yasodhara đứng dậy, cáo lui. Siddhàrtha và các đệ tử đều thấy rất rõ nét mãn nguyện trong sáng trên khuôn mặt Yasodhara khi nàng rời khỏi triều. Rahula cũng cáo từ Siddhàrtha để chạy theo mẹ. Nhưng đến ngang bậc cửa, Rahula như nhớ điều gì, dừng chân rồi quay trở lại bên cha.

"Thế tôn, có phải ngài có một kho tàng vô tận mà chẳng ai có được, phải không? Ngài hãy cho con xem kho tàng ấy đi."

Siddhàrtha mỉm cười nói:

"Tất cả những gì có sinh ra tất phải có lúc hủy diệt. Nếu con mong đợi nơi ta một kho tàng ngọc ngà châu báu, con sẽ thất vọng. Vì ngọc ngà châu báu không mua được sự bình an giải thoát cho con người. Ta chỉ có niềm tịch lặng vô biên của tự tâm, ngàn đời không hư hao, không giảm bớt. Kho tàng của ta chỉ có thế. Nhưng để thấy được kho tàng này, con phải có trí tuệ siêu việt để chặt đứt tất cả những dây mơ rễ má của phiền não chằng chịt phủ lấp cái kho tàng đó. Sao, con có thích tìm thấy kho tàng đó không?"

"Kính lễ đức Thế tôn, con thích lắm. Nhưng... con phải theo mẹ bây giờ. Con xin kính chào Thế tôn."

*

"Mẹ ơi, sao khi nãy gặp cha mà mẹ lại khóc. Mẹ đau khổ lắm hở mẹ? Mẹ không vui khi cha trở thành sa môn, trở thành thế tôn và không trở lại với mẹ con ta, phải không mẹ?"

"Đâu có, Rahula. Mẹ đâu muốn ngăn cản bước đi của cha con. Mẹ đã vui lòng chấp nhận sự chia tay với cha con để người có thể tận tụy chăm sóc cho nỗi khổ đau của mọi người."

"Vậy sao mẹ khóc nhiều vậy, con không hiểu. Con thấy mẹ có vẻ... đau khổ nhiều quá."

"Đừng nghĩ vậy Rahula. Con có nhớ tháng trước mẹ nhổ cho con cái răng cửa không?"

"Nhớ chứ mẹ."

"Trước khi để mẹ nhổ, con có biết là nhổ răng sẽ đau không?"

"Dạ biết chứ."

"Vậy sao con vẫn đồng ý cho mẹ nhổ?"

"Vì con không muốn giữ lại cái răng sâu chỉ làm đau con suốt ngày suốt đêm. Với lại, mẹ nói rằng phải nhổ cái răng sâu đó thì răng mới, tốt hơn mới mọc được."

"Con bằng lòng để mẹ nhổ răng, vậy khi mẹ nhổ con có thấy đau không?"

"Dạ... đau điếng."

"Rồi con vừa đau vừa khóc, phải không?"

"Dạ, phải."

"Biết rõ nhổ răng là tốt, bằng lòng để người ta nhổ răng cho mình, vậy mà cũng đau cũng khóc chứ đâu có khỏi!"

Rahula cười thẹn:

"Sao mẹ không trả lời con mà lại đi nói chuyện nhổ răng vậy mẹ?"

"Vì chuyện khi nãy mẹ khóc dưới chân cha con, đức Thế tôn, cũng tương tợ chuyện nhổ răng của con vậy thôi. Mẹ rất vui lòng để cha con ra đi, trở thành sa môn, và trở thành đức Thế tôn để cứu khổ ban vui cho muôn loài. Nhưng... chia tay với cha con, mẹ cũng thấy đau lắm chứ."

"Mẹ đau ở đâu vậy mẹ? để con xoa cho mẹ há."

"Mẹ đau ở đây nè, nơi ngực, ngay nơi tim mẹ đây."

*

Ngày hôm sau đức Gotama (Siddhàrtha) giảng kinh cho hoàng cung. Rahula theo mẹ đến nghe.

Gotama diễn tả về sự thống khổ của kiếp người mà không ai trên thế gian có thể tránh khỏi dù kẻ ấy được sinh trong hoàng cung hay từ một túp lều xiêu vẹo của những người cùng đinh nô lệ. Sinh, già, bệnh, chết, là những nỗi khổ mà Gotama nhấn mạnh. Sau đó, người vạch rõ đâu là những nguyên nhân đưa đến thống khổ. Rồi người ca ngợi về niết-bàn, trạng thái an tĩnh giải thoát của tâm linh mà bất cứ ai cũng có khả năng đạt đến được nếu cố gắng và tu tập đúng phương pháp. Cuối cùng, ngài chỉ dạy phương pháp để đạt đến niết-bàn. Đó là con đường trung đạo với Bát Chánh Đạo.

Khi Gotama chấm dứt buổi giảng, cả hoàng cung đều thấy hân hoan an lạc như tìm được lối đi sau những đêm dài mờ mịt. Nhiều hoàng thân phát tâm xuất gia, được đức Gotama cho phép cạo bỏ râu tóc ngay tại chỗ.

Rahula nghe pháp xong cũng thấy chấn động cả tâm hồn. Từ khi đức Gotama về thăm hoàng cung, Rahula đã nhen nhúm một ước muốn gì đó trong lòng mà cậu chưa nhìn rõ được. Nay thấy chú Ananda (anh em chú bác của Siddhàrtha) và các hoàng thân xuất gia, Rahula hiểu ngay rằng có lẽ con đường thích hợp của mình chính là con đường xuất gia, trở thành sa môn y như thân phụ Siddhàrtha. Rahula nhớ lần đầu tiên gặp lại cha, chính đức Gotama đã nói với cậu rằng: "có ngày con sẽ ở bên ta". Câu đó hẳn hàm ý đức Gotama sẽ chấp thuận cho Rahula xuất gia nếu Rahula xin phép. Nhưng nhìn vào phái đoàn sa môn đi theo đức Gotama, Rahula thấy chẳng có vị nào nhỏ tuổi như mình. Rahula suy nghĩ mông lung. Không biết đức Gotama có cho phép cậu xuất gia hay không. Có lẽ muốn xuất gia, cậu phải chờ cho đến khi cao lớn như chú Ananda mới được cho phép. Như vậy thì lâu quá. Rahula muốn trở thành sa môn ngay bây giờ. Không thể chờ đợi được. Rahula sẽ thưa với mẹ điều đó, nhờ mẹ giúp đỡ, ngay hôm nay.

Rahula vào gặp mẹ trong cung phòng của bà. Thấy Rahula bước vào với vẻ đăm chiêu rất dễ thương của một đứa trẻ, Yasodhara vừa cười vừa hỏi:

"Con bận tâm điều gì mà có vẻ nghiêm trọng vậy? Thật giống cha con hồi trước, chẳng khác chút nào!"

Rahula quỳ xuống bên mẹ, hôn lấy tay bà rồi nói:

"Nghe Gotama nói pháp mẹ có thích không hở mẹ?"

"Hay lắm. Phải là một bậc giác ngộ hoàn toàn mới có thể diễn bày chân lý một cách rõ ràng và tường tận như vậy. Nghe xong là mẹ muốn... xuất gia thành sa môn. Tiếc rằng tăng đoàn của đức Gotama không thu nạp người nữ."

"Phải rồi, con không thấy người nữ xuất gia trong hàng đệ tử của đức Gotama. Con cũng không thấy những người sa môn nhỏ tuổi như con. Sao vậy mẹ, sao đức Gotama không cho người nữ và người nhỏ tuổi đi tu?"

"Có lẽ Gotama cho rằng sự có mặt của người nữ sẽ gây phiền phức cho đời sống phạm hạnh của tăng đoàn; huống chi, giáo pháp của Gotama cao xa khó hiểu, người nữ đa phần vô học làm sao thấu đạt được!"

"Vậy còn những người nhỏ tuổi như con thì sao? Sao không thấy ai được Gotama cho phép xuất gia hết vậy?"

"Tuổi của con ư?" Yasodhara bật cười, "tuổi của con biết gì mà xuất gia! Xuất gia đâu phải là chuyện chơi, con không biết vậy sao! Nếu Gotama cho những đứa con nít vào tăng đoàn thì... chắc người phải mất công lau mũi cho chúng! ủa, mà sao con lại hỏi chuyện đó? Bộ con muốn... con muốn xuất gia sao?"

"Dạ phải, con muốn xuất gia thưa mẹ. Mẹ thưa với Gotama giúp con đi mẹ!"

"Trời ơi! Cha con xuất gia thành sa môn, thành Thế tôn rồi, chưa đủ hay sao mà con lại muốn theo cha, bỏ mẹ!"

"Con đâu có bỏ mẹ. Con xuất gia mà. Xuất gia đâu phải là chết mất tiêu đâu mà mẹ sợ?"

"Nhưng, như vậy cũng chẳng khác gì con bỏ mẹ rồi. Con không muốn gần gũi bên mẹ nữa sao?"

"Dạ... dạ muốn chứ, nhưng rồi cũng có ngày con phải xa mẹ thôi. Gotama nói đâu có gì còn mãi trên thế gian đâu."

"Đành là vậy, nhưng... trời ơi! Biết nói sao với con đây! Tóm lại, mẹ không bằng lòng chuyện con xuất gia chút nào. Huống chi, ông nội và cả hoàng cung này đều trông cậy nơi con. Con không nhớ rằng ngôi vua của xứ Kapilavastu đang chờ đợi con hay sao?"

"Con nhớ chứ, nhưng điều đó có gì quan trọng đâu mẹ! Chính mẹ cũng đã nghe Gotama nói rằng không có sự vật nào tồn tại lâu dài. Ngai vàng cũng vậy thôi mà."

"Nhưng con bỏ đi thì ai sẽ thay ngôi vua?"

"Người nào thích thì để họ làm vua, đâu có sao đâu! Tại sao vương quốc này bắt buộc phải là của tộc họ Sàkya chứ?"

"Bởi vì... bởi vì... là của dòng Sàkya. Chuyện này quan trọng lắm. Con chưa đủ tuổi để hiểu đâu. Nói tóm là con không nên làm ông nội thất vọng lần nữa. Vả lại..." (nói đến đây thì Yasodhara đổi thành vui, như tìm được chỗ nương tựa chắc chắn, không lo sợ nữa), "con cũng không cần phải bận tâm chi chuyện xuất gia: Gotama đâu có cho phép những người nhỏ tuổi tham dự vào tăng đoàn của người đâu mà con ham!"

"Con sẽ yêu cầu Gotama cho phép thiếu niên xuất gia."

"Con yêu cầu?" Yasodhara lại bật cười, "ai mà nghe con. Nhìn các đạo khác con cũng sẽ thấy, có đạo nào có con nít xuất gia bao giờ!"

"Nhưng giáo pháp của Gotama sẽ mở đường cho tuổi thiếu niên của con."

"Sao con biết?" Yasodhara vừa hỏi vừa cười.

"Vì hôm qua Gotama giảng rằng tất cả mọi người đều có khả năng giác ngộ, có khả năng trở thành một đức thế tôn như ngài."

Yasodhara giật mình chưng hửng một lúc, rồi nói:

"Điều đó không chứng tỏ rằng Gotama sẽ cho phép thiếu niên xuất gia. Tại sao không chờ cho những thiếu niên đó trưởng thành để tự chọn lựa và quyết định lý tưởng của họ chứ. Xuất gia sớm vào tuổi thiếu niên có lợi gì đâu! Chỉ thêm phiền cho Gotama và môn đồ của người mà thôi."

"Có lợi lắm mẹ ạ. Nhưng... để con thưa với Gotama cái đã. Con biết chắc Gotama sẽ bằng lòng cho con xuất gia mà. Bây giờ con đến gặp Gotama nghe."

"Khoan... con ngồi đây chờ đi. Để mẹ đến gặp Gotama xin cho con trước, nếu không được thì con ra năn nỉ Gotama sau. Được không?"

"Mẹ đồng ý xin phép cho con rồi hả?" Rahula mừng rỡ hỏi.

Yasodhara chỉ ậm ừ trong họng, lại bảo:

"Ngồi đó, không được đi đâu. Chờ mẹ đến trình Gotama."

"Dạ, mẹ đi đi mẹ. Con sẽ ngồi đây chờ. Con biết mẹ xin đức thế tôn sẽ cho phép mà. Nhớ nói là con, Rahula, muốn xin xuất gia, chứ đừng nói có một đứa bé trong hoàng cung xin xuất gia nghe mẹ."

Yasodhara dừng lại ở cửa, quay lại nói:

"Con làm như nói tên con ra thì Gotama sẽ thay đổi điều lệ của giáo hội vậy! Bộ con không biết rằng đối với một bậc thế tôn đã giải thoát giác ngộ thì..."

Nói đến đây, Yasodhara bỗng đổi ý, ngưng ngay, rồi đi.

Yasodhara lòng bối rối, lo âu, kinh sợ viễn ảnh đứa con thơ cũng sẽ rời bỏ mình và hoàng cung để theo cha nó sống lang thang khổ hạnh ngoài sương gió. Nàng vội vã đi tìm đức Gotama và được biết người đang thuyết giảng lần nữa cho các công tôn vương tử lẫn các vị đại thần trong hoàng thành. Đến nơi, Yasodhara thấy một đám đông cử tọa gần hai trăm người đang chăm chú nghe đức Gotama nói pháp. Nàng không biết sao để thưa riêng với đức Gotama về việc ngăn chận ý định xuất gia của Rahula. Nàng lặng lẽ quỳ mọp xuống đất, như mọi người, để chờ đợi đức Gotama chấm dứt thời pháp. Lòng nàng nóng như lửa bỏng, cứ thấp thỏm chờ đợi, không tâm trí đâu mà nghe pháp. Vậy đó mà những lời dạy của đức thế tôn cũng thấm và lan nhẹ vào lòng nàng. Nàng nghe thật rõ đức Gotama nhấn mạnh rằng bất cứ ai cũng có khả năng thành Phật. Cái khả năng đó không có sự khác biệt nhiều hay ít, to hay nhỏ nơi giới hạn giai cấp, tuổi tác, nam nữ... của mọi người. Đó là một khả năng tiềm tàng một cách bình đẳng nơi tất cả mọi loài. Nàng càng lo sợ hơn. Nàng muốn xua đi những lời dạy ấy. Nàng không muốn nghe. Nàng muốn thưa ngay với đức Thế tôn rằng nàng đã mất người chồng rồi, nàng không muốn mất thêm đứa con thương yêu nữa. Nàng sẽ không có sức chịu đựng nhiều đến như vậy. Tuyên ngôn của Thế tôn làm rúng động chao đảo chủ thuyết của các học phái thời danh trong nước thì cũng làm run sợ tâm tư người mẹ đang bấu víu vào tình mẫu tử này. Không phải Rahula và cả chính nàng, Yasodhara, cũng đã từng bị xao động bởi tuyên ngôn đó hay sao. Tuyên ngôn đó mở đường cho mọi người, mọi tầng lớp. Người ta ồ ạt bố thí nhà cửa, từ bỏ quan quyền tước vị để xin xuất gia theo Thế tôn. Nếu không sớm ngăn chận, chắc chắn Rahula có ngày sẽ rời bỏ cung điện để thành sa môn.

Đang băn khoăn lo nghĩ, nàng bỗng giật mình thấy mọi người quỳ rạp kính lễ đức Gotama để lui ra. Biết thời pháp đã xong, nàng vội đứng dậy lần dò đến chỗ đức Gotama để trình bày sự việc của Rahula.

Gotama như đọc được nỗi lo âu trên nét mặt và dáng điệu nàng, liền hỏi ngay lúc nàng quỳ xuống thi lễ:

"Yasodhara, người có việc gì bận tâm lắm sao? Hãy nói đi xem ta có giúp gì được không."

Những lời của đức Gotama như khích lệ sự giải bày, Yasodhara vội nói:

"Kính lễ Thế tôn, Rahula..."

"Rahula thế nào? Có phải nó tinh nghịch làm cho người không vui?"

"Thưa không... Yasodhara xin hỏi trước đức Thế tôn... rằng có phải Thế tôn rất tán đồng việc Rahula thay cha nối ngôi vua sau khi phụ vương băng hà hay không?"

"Phải, ta rất tán đồng việc đó."

"Như vậy, có phải rằng Thế tôn cũng sẽ nỗ lực can ngăn Rahula khi nó có ý định rời bỏ hoàng cung hay không?"

"Phải, ta sẽ can ngăn nếu Rahula rời bỏ hoàng cung để rong chơi sa đà."

"Không, Rahula không rời hoàng cung để rong chơi sa đà, mà để xuất gia theo chân Thế tôn."

"Vậy sao? Ta chưa biết điều đó. Ta chưa chấp thuận việc xuất gia của Rahula và Rahula cũng chưa tỏ ý đó với ta bao giờ, ngoại trừ lần đầu gặp ta Rahula có nói Rahula muốn sống bên cạnh ta."

"Vậy Thế tôn có khích lệ Rahula xuất gia ngay lúc đó không?"

"Không, Yasodhara. Ta chỉ nói nếu Rahula thực sự muốn thì có ngày nó sẽ được ở bên ta. Điều này chỉ là một hứa hẹn và chỉ có ý nghĩa khích lệ đối với Rahula nếu nó thực sự muốn xuất gia."

"Ôi, quả thật Rahula đã ngỏ ý muốn xuất gia, Yasodhara biết làm sao đây. Thế tôn hãy ngăn cản nó. Yasodhara chỉ còn có mỗi một Rahula mà thôi..."

"Đừng lo, Rahula chưa đến tuổi trưởng thành mà. Tăng đoàn của ta đâu có chấp thuận cho thiếu niên xuất gia."

"Nói như vậy, có nghĩa rằng Thế tôn sẽ cho phép Rahula xuất gia khi nó đủ tuổi. Vậy thì chỉ tám đến mười năm sau là nó cũng rời hoàng cung, rời Yasodhara để xuất gia rồi."

"Nếu nó không có căn duyên xuất gia, không mang chí xuất trần thật mãnh liệt thì trong vòng ba năm sau nó sẽ quên lãng chuyện hôm nay. Nhưng nếu nó thực sự muốn xuất gia để tìm cầu giác ngộ, ta nghĩ rằng sự cấm đoán, ngăn cản nó không phải là điều hợp lý và có hiệu quả tốt. Huống chi, xuất gia học đạo giải thoát là điều đáng khích lệ chứ!"

"Không, không thể như vậy được. Rahula không thể xuất gia. Yasodhara biết xuất gia là điều cao quý khó làm, nhưng Yasodhara không bao giờ vui lòng để cho Rahula ra đi. Thế tôn hãy vì Yasodhara, hãy vì tộc họ Sàkya mà ngăn cản ý định xuất gia của nó. Kính lễ Thế tôn, xin người đừng chấp thuận cho Rahula xuất gia..."

Gotama im lặng trầm ngâm một lúc, rồi trấn an Yasodhara:

"Được rồi, ta sẽ cố gắng. Tuy nhiên, hãy chờ xem những ngăn trở của ta có thắng nổi ý chí của Rahula hay không mới là điều quan trọng. Đối với những kẻ có chí lớn, ta không bao giờ dám tin rằng có thể có một phương cách trói buộc tầm thường nào cản ngăn được bước chân của họ. Nhưng người hãy yên tâm, và hãy nói với Rahula rằng giáo đoàn của ta chỉ khứng nhận những kẻ đủ tuổi trưởng thành xuất gia mà thôi."

Yasodhara quày quả trở lại tư phòng. Rahula đang chồm lên cửa sổ, nhìn ra ngoài mong ngóng nàng. Thấy mẹ trở về, Rahula mừng rỡ chạy a đến hỏi ngay:

"Sao mẹ? Đức Thế tôn nói sao hở mẹ?"

"Con đừng trách mẹ. Mẹ cố gắng lắm nhưng không xin được cho con. Thế tôn nói tăng đoàn của người không cho phép thiếu niên xuất gia. Con mới có mười tuổi thì làm sao Thế tôn cho phép được."

"Con đã gần mười một tuổi rồi mà. Đâu phải mười tuổi."

"Mười một tuổi cũng chưa đủ thiếu gì! Phải hai mươi tuổi mới được gọi là trưởng thành!"

"Hai mươi tuổi!" Rahula đếm các đầu ngón tay, "mười hai, mười ba, mười bốn, mười lăm... mười chín, hai mươi! Chín. Chín năm nữa. Con không chịu đâu! Con phải xuất gia ngay bây giờ."

"Tại sao phải ngay bây giờ mà không phải là chín năm nữa. Bộ không xuất gia bây giờ thì chết đi sao?" Yasodhara không nén được buồn bực.

Rahula nhìn mẹ ái ngại, rồi nhỏ giọng năn nỉ:

"Con xin lỗi mẹ, nhưng... con không biết sao nữa, tự dưng con muốn xuất gia quá. Mẹ cho con đi gặp Thế tôn nghe."

Yasodhara ôm Rahula vào lòng, trìu mến xoa đầu con:

"Thôi được, con muốn trực tiếp gặp Thế tôn thì con cứ đi. Mẹ không cản con nữa. Nhưng, như mẹ đã nói trước, Thế tôn không bằng lòng cho thiếu niên xuất gia đâu."

"Con sẽ yêu cầu Thế tôn. Con đi nghe mẹ."

Rahula bá cổ mẹ, hôn lên má Yasodhara rồi vụt chạy đi. Yasodhara lắc đầu nhìn theo, vừa cười vừa khóc.

*

"Rahula, vào đi. Sao còn đứng lấp ló làm gì?" Gotama nói.

Rahula rụt rè xuất hiện ở cửa rồi bặm môi, mạnh dạn bước vào, quỳ xuống thi lễ Gotama. Gotama nghiêm nghị hỏi:

"Rahula hôm nay đến gặp ta có việc lành gì chăng?"

Rahula không ngước lên, nói từng tiếng rõ ràng:

"Thế tôn, con Rahula, hôm nay đến xin Thế tôn cho phép con được xuất gia."

Gotama mỉm cười không nói. Người nhìn quanh để xem phản ứng của các môn đồ. Người thấy rất rõ đại chúng bàng hoàng xúc động khi nghe vương tôn Rahula bày tỏ ý nguyện xuất gia. Không ai có thể tưởng được một cậu bé mười tuổi, một vị vua tương lai của xứ sở này lại tự nguyện xin xuất gia.

Gotama vẫn nghiêm giọng, nói với Rahula:

"Tăng đoàn của ta chưa có điều lệ khứng nhận những kẻ vị thành niên xuất gia. Con hãy còn quá nhỏ để tham dự vào tăng đoàn của ta."

Rahula dõng dạc nói:

"Con nghe Thế tôn dạy rằng tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật. Như vậy hàng thiếu niên chúng con cũng có khả năng đó. Chúng con có thể xuất gia và thành Phật như Thế tôn và các sa môn khác."

"Phải, ta đã từng dạy như thế. Nhưng đó là đứng về mặt pháp tánh mà nói; riêng về mặt tâm lý, trí tuệ, thì tuổi thiếu niên hãy còn bồng bột, non dại, chưa đủ trưởng thành và chín chắn để tiếp thọ giáo lý cao siêu cũng như chịu đựng cuộc sống kham khổ bần hàn của sa môn."

"Con sẽ thực tập thiền định để tiếp thọ giáo lý, sẽ trau luyện ý chí để chịu đựng kham khổ."

"Tăng đoàn của ta không ai rảnh rỗi để chăm sóc con như mẹ con đã làm."

"Con tự biết chăm sóc cho chính con."

"Đời sống sa môn cực nhọc, dầm sương dãi nắng, ăn uống kham khổ, ngủ nghỉ ít giờ, thiếu niên làm sao chịu nổi!"

"Con sẽ chịu nổi."

"Sa môn thực hành hạnh khất thực, mỗi ngày phải tự nguyện đi xin ăn độ nhật, con là vương tôn quen mùi phú quý vinh hoa làm sao theo được!"

"Thế tôn làm được, con cũng sẽ làm được."

"Hạnh sa môn suốt đời tự nguyện sống độc thân, không vợ không con, không nhà không cửa, xa lìa tình cảm gia đình và họ hàng thân thuộc để giốc lòng cầu đạo giải thoát, con liệu có kham nổi hay chăng?"

"Con sẽ kham nổi."

"Dù con quyết tâm như vậy, ta vẫn chưa dám tin rằng cho phép những thiếu niên xuất gia là điều nên làm. Và làm sao ta có thể vội tin rằng con sẽ giữ được, làm được những gì con hứa! Huống chi, đạo lý cao siêu của ta, tuổi con bé bỏng làm sao tiếp nhận được!"

Rahula vẫn quỳ mọp không ngước lên, nói rất cứng rắn:

"Kính lễ đức Thế tôn, năm xưa Thế tôn một mình tìm chân lý, phải cực nhọc khổ sở, trải qua nhiều năm mới thành đạo cả, là bởi không người dẫn đường, dìu dắt, mà do chính Thế tôn tự tìm thấy. Bây giờ, chân lý đã sáng tỏ, đường đi cũng rõ ràng, lại có Thế tôn dìu dắt thì dù cho con bé bỏng, chắc chắn cũng có ngày thành công."

"Đáng khen, Rahula! Tuy nhiên, vẫn chưa có gì chứng minh rằng con sẽ quyết tâm từ bỏ cung vàng điện ngọc để theo ta xuất gia. Con hãy chứng minh đi!"

Rahula vẫn quỳ sát đất, úp mặt trên hai tay, suy nghĩ cách chứng minh ý nguyện của mình. Im lặng chừng một khắc, Rahula đã trả lời Gotama ngay:

"Kính lễ Thế tôn, nếu không được phép xuất gia, con nguyện quỳ mãi nơi đây không đứng dậy."

Gotama nhìn Rahula, vừa buồn cười mà cũng vừa sửng sốt trước thái độ và cử chỉ cương quyết một cách dễ thương của cậu bé. Tình thế này buộc Gotama phải đắn đo, cân nhắc giữa ý chí quyết liệt của Rahula và sự thỉnh cầu của Yasodhara, chưa biết quyết định sao. Bỗng thấy Yasodhara từ đâu vụt hiện phía trước, cúi mình thi lễ Gotama rồi vội vàng thưa:

"Kính lễ Thế tôn, Rahula hãy còn nhỏ dại, e rằng không kham chịu được đời sống khắc khổ khuôn phép của tăng đoàn, xin Thế tôn suy xét kỹ lưỡng trước khi quyết định."

Gotama ôn tồn:

"Yasodhara, ta vẫn chưa quyết định gì dù rằng ý chí của Rahula đã tỏ rằng Rahula không chịu chùn bước trước bất cứ trở lực nào. Có lẽ nàng cũng đã chứng kiến và nghe được những gì Rahula nói, phải không?"

"Thưa Thế tôn, Yasodhara đã nghe thấy, nhưng... thật khó mà chấp nhận."

Rahula nghe được tiếng mẹ, vẫn không ngước lên, nói thật cương quyết:

"Kính lễ Thế tôn, kính lễ các Thánh tăng, kính thưa mẹ, xin đừng coi thường hàng niên thiếu chúng con. Nếu giáo đoàn của Thế tôn không thể hay không bao giờ mở cửa đón nhận con chỉ vì con còn nhỏ tuổi thì con xin noi gương Thế tôn vượt thành xuất gia để tìm chân lý."

Gotama và đồ chúng vây quanh lại thêm một phen kinh động trước sự quyết tâm của Rahula. Yasodhara cũng giật mình, sợ hãi, vừa thương con, vừa cảm kích ý nguyện sắt đá của con, rưng cả nước mắt. Một vị trưởng lão trong số các đại đệ tử của Gotama bước ra thi lễ Gotama rồi cung kính thưa:

"Kính lễ đức Thế tôn, lành thay ý nguyện của Rahula, cao cả thay ý nguyện của Rahula, tuổi trẻ chí lớn, xứng đáng làm gương cho hàng thiếu niên có tâm nguyện xuất trần của muôn đời sau. Xin Thế tôn từ bi hứa khả cho vương tôn Rahula."

Một vị sa môn khác lại bước ra thi lễ rồi thưa:

"Đúng vậy, Thế tôn. Xin đừng phụ lòng vương tôn Rahula. Chí nguyện xuất gia của vương tôn là việc hy hữu khó có, khó thực hiện. Hàng thiếu niên của ngàn thế hệ sau cũng sẽ nhờ nhân duyên xuất gia hy hữu này mà được tiếp thọ giáo pháp cao siêu của Phật đà ngay từ tuổi ấu thơ dễ uốn nắn. Con tin rằng việc cho phép niên thiếu xuất gia là điều đáng làm, đáng thay đổi trong sinh hoạt tăng đoàn. Xin Thế tôn hoan hỷ chấp thuận sự thỉnh cầu của vương tôn Rahula."

Gotama chưa trả lời. Người im lặng suy tưởng trong vài khắc. Cả hội trường im lặng chờ đợi. Bỗng đức vua Shuddodhana xuất hiện. Ông nghe tin báo về việc Rahula xin xuất gia nên tức tốc tìm đến để can ngăn. Vừa vào đến chỗ Gotama, ông đã nói ngay:

"Kính thưa... Gotama, không thể chìu lòng một đứa trẻ với những ước muốn xốc nổi, nhất thời. Có thể chỉ trong vài ngày sau là Rahula đã không còn thích hợp với nếp sống tăng đoàn nữa. Đến lúc đó, quay về lại với hoàng cung thì bất tiện, mang tiếng cho cả tăng đoàn cũng như cho hoàng cung mà thôi. Vậy xin có đề nghị như sau: Thế tôn có thể nới rộng quy chế tăng đoàn để đón nhận tuổi niên thiếu xuất gia, nhưng phải có sự chấp thuận của cha mẹ đứa trẻ đó thì việc xuất gia mới thành. Xin hỏi đề nghị đó có hợp lý không?"

Gotama gật gù đáp ngay:

"Phải lắm. Đề nghị của quốc vương rất hợp lý."

Câu trả lời của Gotama khiến cho các môn đồ hoan hỷ, biết rằng thầy mình đã mặc nhiên chấp thuận việc cho phép niên thiếu xuất gia. Tuy nhiên, trong trường hợp của Rahula, mọi người đều biết rằng sự việc chưa ngã ngũ thuận lợi cho vương tôn bé nhỏ này: Quốc vương Shuddodhana tin rằng công nương Yasodhara cũng sẽ đứng về phía ông để cản trở việc xuất gia của Rahula nên mới đưa ra đề nghị như vậy để cản trở Rahula. Khi xưa Siddhàrtha chưa xuất gia thì hiển nhiên người có quyền quyết định về cuộc sống thế tục của Rahula; nhưng khi người trở thành một đức Thế tôn, trở thành sa môn Gotama rồi thì cái quyền đó mặc nhiên không còn nữa. Rahula chỉ còn lệ thuộc vào quyền làm mẹ của Yasodhara mà thôi. Cho nên, Gotama vừa trả lời xong là quốc vương Shuddodhana đã quay sang Yasodhara, nói ngay:

"Trẫm thực tình không muốn Rahula xuất gia mà không có sự đồng ý của mẹ nó. Yasodhara, theo như sự đồng thuận của Gotama về đề nghị của ta thì hiện tại chỉ có con mới có thể cho phép Rahula xuất gia được hay không mà thôi. Gotama có thể đón nhận Rahula xuất gia, đó là quyền của Gotama trong giáo hội, nhưng Rahula có được phép rời khỏi hoàng cung để xuất gia hay không thì đó là quyền của con đó, Yasodhara. Phải vậy không? Vậy con hãy nói đi, nói cho Gotama, cho mọi người, cho Rahula biết, rằng con có đồng ý việc Rahula xuất gia hay không."

Gotama mỉm cười nhìn xuống Rahula đang khom mình dưới đất. Trong khi đó, mọi người đều hướng về công nương Yasodhara, chờ đợi. Yasodhara dán mắt nhìn Rahula, đứa con thương yêu từng quấn quít bên mình mười năm nay. Bây giờ, đứa con thơ đó đang quỳ mọp dưới đất với dáng điệu rất dễ thương để bày tỏ chí nguyện cao xa của nó. "Ta biết làm sao đây?" Yasodhara nghẹn ngào tự hỏi như vậy. Rồi nàng từ từ bước đến gần Rahula, quỳ xuống bên cạnh con. Nàng đưa tay xoa mái tóc với từng lọn quăn mướt mịn như tơ của Rahula. Rahula không nhúc nhích, cứ úp mặt im lặng trên hai bàn tay nhỏ bé mũm mĩm của mình, nhưng cậu cũng cảm nghe được tình thương yêu của mẹ như truyền qua từ bàn tay ấm của bà. Bàn tay đó, hơi ấm đó, quen thuộc với Rahula lắm. Đó là tất cả vốn liếng mà cậu có được để sống hạnh phúc, an vui trong mười năm qua. Đó là tất cả niềm thương yêu mà cậu được hân thưởng từ người mẹ nghi dung đức hạnh của mình. Rahula nghe rung động trong lòng một lúc. Nhưng cậu vẫn im lặng, không nhúc nhích. Yasodhara trìu mến nói với con:

"Con thực tâm muốn xuất gia theo Thế tôn hở Rahula?"

"Thưa mẹ, phải."

"Con sẽ không hối hận quay về hở Rahula?"

"Thưa mẹ, phải."

"Con sẽ quyết tâm đạt được Thánh quả hở Rahula?"

"Thưa mẹ, phải."

Nước mắt lăn dài trên đôi má, Yasodhara ngước nhìn Gotama, rồi nhìn qua quốc vương Shuddodhana, cúi mặt sụt sùi một lúc. Nén tiếng khóc, nàng cúi lạy Gotama rồi thưa:

"Kính lễ Thế tôn, bậc đạo sư cao cả của ba cõi bốn loài, Rahula quyết tâm như vậy hẳn là không ai có thể ngăn trở được. Xin Thế tôn hoan hỷ cho phép Rahula xuất gia và dìu dắt Rahula tiến đến mục tiêu tối hậu của những kẻ xuất trần."

Quốc vương Shuddodhana bàng hoàng sửng sốt, nhìn Yasodhara một lúc, rồi thở dài, buồn bã quay đi. Gotama nói:

"Cao cả thay, Yasodhara. Vì ta, vì Rahula mà dẹp bỏ tình riêng, người đã làm được những điều khó làm nhất, gián tiếp góp phần vào sự thành tựu và hoằng truyền chánh pháp cho muôn đời sau. Ta ghi nhận đức hy sinh của người và hôm nay, trước ý nguyện xuất gia mãnh liệt của Rahula và lời thỉnh cầu của người, ta cho phép Rahula gia nhập giáo đoàn của ta; và cũng kể từ hôm nay, ta cho phép hàng thiếu niên xuất gia theo học làm sa môn nếu có sự đồng ý của cha mẹ. Rahula, ước nguyện của con đã thành, con hãy đứng dậy đi."

Rahula bấy giờ mới ngước lên, mừng rỡ lạy tạ Gotama rồi đến trước Yasodhara. Hai mẹ con ôm lấy nhau. Yasodhara ứa lệ xoa đầu con. Rahula không khóc nhưng cũng nghẹn ngào xót thương mẹ. Cậu nói lời từ biệt lần cuối với mẹ để bắt đầu dấn mình vào cuộc sống mới với các sa môn. Yasodhara không muốn làm bịn rịn lòng con quá lâu, bèn thi lễ Gotama mà cáo biệt.

Đứng dõi theo bóng mẹ một lúc, Rahula quay lại mới giật mình biết rằng Gotama và các sa môn như đang có ý chờ đợi mình. Cậu lật đật quỳ xuống trước Gotama, chờ nghe lời dạy bảo. Gotama nói:

"Khá khen Rahula, tuổi nhỏ mà có chí xuất trần. Ta mong rằng con sẽ không phụ lòng mong đợi của mọi người. Kể từ hôm nay con đã chính thức là thành viên của giáo hội. Vì vậy, hãy cố gắng tuân thủ những điều lệ, nội qui và cấm giới của tăng đoàn. Trưởng lão Saripùtra sẽ thay ta giáo dục con. Con hãy bái trưởng lão làm thầy và theo hầu cận người để học hỏi giáo pháp."

Saripùtra vâng mệnh Gotama, cạo tóc cho Rahula, nhận Rahula làm đệ tử. Rahula trở thành chú tiểu đầu tiên của giáo hội. Và danh từ Sa-di cũng xuất hiện từ đó để chỉ cho hàng niên thiếu xuất gia.

*

Mặc dù quyết chí xuất gia như vậy, Rahula cũng không làm sao trong một sớm một chiều vượt qua được lứa tuổi thiếu niên với những nghịch ngợm, phá phách của mình. Cho nên, sống quen trong tịnh xá một thời gian, Rahula bỗng nẩy sinh những ý tưởng đùa giỡn, trêu cợt các sa môn lớn tuổi. Rahula bắt kiến bỏ vào áo các vị sa môn đang ngồi thiền; hoặc lấy que ráy vào tai họ để chọc cho họ phân tâm. Có khi Rahula nói dối với các sa môn hoặc các phái đoàn hành hương từ xa đến về nơi chốn đức Gotama cư ngụ khiến cho những người này phải đi lạc, tìm mãi không gặp Gotama. Có khi Rahula leo cây hái trái ném vào các sa môn khi họ đang chú tâm lắng nghe Gotama thuyết pháp. Lại có khi giăng giây giữa đường cho các sa môn đi ngang phải vướng giây lảo đảo để mình có dịp ôm bụng cười. Không biết bao nhiêu là hành động tinh nghịch do một tay Rahula bày ra. Ban đầu các sa môn vì lòng từ bi và hạnh nhẫn nhục quen nếp, đã bỏ qua cho Rahula. Mặt khác, không nhiều thì ít, họ cũng cả nể Rahula là con trai của Gotama cũng như đã từng là vương tôn của vương quốc Sakỳas nên không bắt nạt chú. Nhưng càng làm ngơ thì Rahula càng nghịch ngợm quá tay hơn. Cuối cùng, chuyện đến tai Gotama. Gotama bèn đến ngay phòng Rahula.

Thấy dáng vẻ nghiêm nghị của Gotama, Rahula kinh hãi, sợ sệt, định tìm chỗ trốn nhưng Gotama đã gọi ngay:

"Rahula ra đây ta bảo."

Rahula riu ríu bước ra, thi lễ Gotama rồi đem chậu nước đến cho Gotama rửa chân. Gotama rửa chân xong liền hỏi:

"Rahula, nước rửa chân này uống được không?"

"Kính thưa Thế tôn, nước đã dơ rồi không thể uống được."

"Nước sạch mà để cho dơ thì không thể dùng được nữa, phải vậy không? Con cũng như thứ nước dơ này. Chí nguyện cao xa, tâm tư thoát tục, nhưng lại để cho cáu bẩn lên vì lời ăn tiếng nói thì chuyên dối gạt chọc ghẹo kẻ khác, hành động cử chỉ thì chuyên phá phách nhiễu hại người. Cái tâm như vậy thì đâu còn dùng được nữa!"

Rahula nghe Gotama quở như vậy thì nín lặng, không dám hó hé cử động, cứ cúi mặt ngó dưới đất. Gotama nói:

"Nước dơ rồi thì đổ đi chứ!"

Rahula lật đật đem nước đi đổ. Khi chú trở lại, Gotama lại hỏi:

"Cái chậu con đang cầm có thể đem đựng thức ăn được không, Rahula?"

"Thưa Thế tôn, chậu đã dơ, không dùng để đựng thức ăn được."

"Con bây giờ chẳng khác gì cái chậu dơ: tâm tư, lời nói và hành động không trong sạch thì làm sao đón nhận được giáo pháp cao siêu thanh tịnh!"

Rahula xấu hổ quỳ xuống, đặt cái chậu xuống đất. Gotama bèn dùng chân hất cái chậu đi:

"Chậu này bể con có tiếc không?"

"Thưa không ạ, vì chậu đã dơ, không phải đồ quý."

"Nếu thân tâm con cũng dơ như chậu thì sự có mặt hay vắng mặt của con sẽ không ai luyến tiếc, quan tâm nữa. Như vậy con có thích lắm không?"

Rahula vả mồ hôi hột, cúi lạy Gotama, thưa rằng:

"Kính lễ Thế tôn, con đã biết lỗi. Con xin nguyện từ nay chừa bỏ và hứa tinh tấn tu học để trau luyện thân tâm thanh tịnh."

Quả nhiên, kể từ lúc đó, Rahula siêng năng tu học, ngoan ngoãn vâng lời người trên, không còn phá phách tinh nghịch nữa. Rahula trở nên một chú tiểu nổi tiếng với sự nghiêm trì các điều cấm giới, các oai nghi tế hạnh, cũng như tâm tính ôn hòa nhẫn nhục đối với mọi người, mọi nghịch cảnh. Năm 20 tuổi, Rahula được tiếp thọ giới tỳ kheo, chính thức trở thành một sa môn của tăng đoàn. Đức độ và uy tín của Rahula càng lúc càng tăng. Trong tăng đoàn, Rahula cũng được xưng tụng như là một trong mười đại đệ tử của Gotama với danh hiệu "Mật hạnh đệ nhất".

Và cũng như bao nhiêu vị Thánh tăng khác đi theo đức Gotama, Rahula đã đạt được ý nguyện của ông: vào năm 20 tuổi sau khi thọ giới tỳ kheo, Rahula chứng được Thánh quả Arahan. Nhưng đặc biệt nhất, hình ảnh của Rahula trong giáo hội nguyên thủy cho đến ngàn sau vẫn là hình ảnh tuyệt đẹp của một thiên thần bé nhỏ, quyết chí xuất gia từ lúc ấu thời, và cuối cùng cũng đã sánh vai với Phật Thánh trên lộ trình giải thoát giác ngộ. Rahula không phải chỉ mở đường cho chính mình mà còn mở đường cho muôn ngàn chú tiểu bé bỏng dễ thương khác trên khắp trái đất, trong mọi thời đại, bước vào vòm trời cao rộng siêu thoát của Thiền môn.

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/buocdi_cua_thienthan.htm

 


Vào mạng: 10-12-2001

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang