Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
CHIẾC ÁO BẠC MÀU

          Mùa hè tháng tư, khí hậu nơi này thật là khắc nghiệt như muốn thiêu đốt tất cả những loại cỏ cây, hoa lá xanh tươi tại Thánh địa này. Hiếm thấy một bóng người qua lại bên đường, thỉnh thoảng chỉ có vài con chó rừng len lỏi chạy dưới những bãi cỏtranh được nhuộm nắng một màu vàng ánh và cả những chú nai rừng chạy loanh quanh bên những đồng cỏ khô cháy để kiếm ăn. Thoáng xa xa sau những bụi tre đứng trơ trọi dưới ánh nắng gay gắt, một hình dáng của ngôi Già lam đã hiện ra, lộ vẻ uy nghiêm, nhưng đầy cổ kính. Những bày chim từ phương xa lại kéo về núp dưới những hàng cây xung quanh Chùa để mong thoát khỏi ánh nắng mặt trời mỗi ngày một hừng hực, chói chang rát cả mặt người.

Nơi ngôi Già lam này, ngày ngày chú Sa di Tuệ Viễn và Thầy của chú thường đứng bên mé rừng để trông coi một đôi chim Hồng hạc đang xây tổ ấm dưới cánh đồng hoang. Với cái ống dòm trong tay mà Thầy chú cho cách đây khá lâu, chú Tuệ Viễn đứng ngắm nhìn đôi chim Hồng hạc và những cảnh vật xung quanh một cách dễ dàng. Chú Tuệ Viễn rất thích và luôn xem nó như một báo vật quý nhất trong cuộc đời của chú. Chú đã giữ gìn nó rất kỹ lưỡng và mỗi ngày chú đã lau sạch từng hạt bụi hay cọng cát trên nó. Mỗi khi được Thầy dẫn đi đâu, chú Tuệ Viễn cũng đều mang nó theo bên mình, nhờ nó mà chú Tuệ Viễn đã săn sóc đôi Hồng hạc hết ngày này qua tháng nọ. Chú đã yêu thương và luôn xem nó như một người bạn. Từ ngôi Già lam cách xóm làng khoảng độ năm hoặc sáu cây số, nên cảnh trí ở đây thật là yên tịnh và trầm lặng. Trong ngôi Chùa chỉ có hai Thầy trò sớm hôm rau muối, nhưng chú Tuệ Viễn cảm thấy rất an vui với cuộc sống của người cắt ái ly gia. Chú Tuệ Viễn còn có cả chiếc áo bạc màu mà ngày ngày chú thường mặc mỗi khi đi bất kỳ nơi nào. Chú cưng quý chiếc áo ấy lắm. Chính chiếc áo này đã theo chú Tuệ Viễn suốt cả đời tu, từ tháng này qua năm nọ, hết hạ sang thu mà nó vẫn không hư rách. Chú Tuệ Viễn năm nay chỉ độ 15 hoặc 16 tuổi, nhưng chú có vẻ rất đĩnh đạc, khôi ngô và còn có chất hiền từ luôn luôn hiện trên nét mặt. Chú đã xa cách gia đình theo Thầy học đạo khi chú vừa tròn 10 tuổi. Gia đình của chú rất nghèo, nằm tại một ngôi làng gần biển. Trong gia đình, chú là người con thứ tư. Ba Mẹ rất thương yêu chú, vì bản tánh hiền lành, lại có hiếu với Bố Mẹ và thương mến đùm bọc các anh em của chú. Nhưng từ khi chú Tuệ Viễn bước chân ra đi đến xứ người , cảnh nhà chú trở nên vắng lặng, vì thiếu đi giọng nói, tiếng cười của chú. Nhớ lại những ngày chú từ giả Bố Mẹ ra đi, Ba Mẹ chú dù rất thương mến chú, nhưng cố gượng cười, lau hàng nước mắt để tiễn biệt chú  đi. Còn chú thì bịn rịn cúi đầu lạy từ biệt Bố Mẹ và anh em. Bao ngày tháng trôi qua được sống gần Thầy bên ngôi Già lam này, chú Tuệ Viễn đã quen dần lối sống đạo hạnh của người Xuất gia, từ từ những kỷ niệm về mái ấm gia đình, thế tục đã phai mờ trong trí ức của chú. Chú Tuệ Viễn bây giờ đã thực sự trở thành một chú Sa di phạm hạnh với chiếc áo bạc màu trên người. Thầy chú, Người rất thương mến chú.          

          Nơi mái Già lam xa xôi, mỗi ngày chú Tuệ Viễn chỉ biết làm bạn với núi rừng, cây cỏ và chim thú, nhưng tâm hồn chú luôn cảm thấy thánh thoát, vì thế nên ít bao giờ chú cảm thấy buồn hay nhớ quê hương của chú. Thầy chú rất lo lắng mỗi khi người đi xa để lo công tác Phật sự. Từ ngày chú Tuệ Viễn bước chân đến ngôi Già lam này, Thầy chú, Người luôn luôn kèm sát bên cạnh chú, vì sợ rằng với bản tánh bồng bột, thật thà và chất phát của chú dễ bị mua chuộc bởi những bọn trẻ đồng trang lứa hay những người với tâm không tốt.          

          Cứ vào mỗi buổi sáng, khi mặt trời vừa ló rạng, Thầy của chú Tuệ Viễn thường dẫn chú lên ngắm ánh bình minh ở tận chân trời. Xa xa tận bên kia đồi  là những dãy núi tuyết trắng  xoá Hy mã hùng vĩ, được phản chiếu một màu vàng rực sáng bởi ánh nắng buổi sáng thật lộng lẫy. Người thường tập cho chú Tuệ Viễn cách sống để hoà nhập với thiêng nhiên nhằm tạo cho tâm hồn một sự an lạc. Chú Tuệ Viễn thích lắm. Vì thuở thiếu thời, chú xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Cha Mẹ chú phải lo từng cái ăn, cái mặc, nên chú không được may mắn để thưởng thức và sống thả hồn vào cảnh thiêng nhiên như bây giờ. Có lần, Thầy chú Tuệ Viễn, Người đã dạy chú rằng:           

          Khi con ngắm nhìn cảnh vật, thiêng nhiên, trời xanh mây lá, con phải nhìn chúng bằng đôi mắt trong lành và thương yêu. Con phải thương yêu tất cả mọi loài như thương yêu nơi chính bản thân con. Tuy những cảnh vật không có ý thức như con người, nhưng ở chúng luôn có một tình thương và một mái ấm gia đình. Nhìn chúng, con phải nhìn bằng tất cả tâm hồn và bằng sự thương yêu của con, thì con mới có thể cảm nhận được mọi cảnh vật xung quanh con thật đẹp và hồn nhiên, trong sáng. Muốn được như thế, tâm của con phải thật bình thản và lắng động.”                               

          Thầy thường giao chú Tuệ Viễn những công việc trong tầm khả năng của chú, như hương đăng hay chăm sóc những vườn hoa trong khung viên Chùa. Vì chỉ có hai Thầy trò trong cảnh tối lửa tắt đèn, nên chú thường chăm nom quán xuyến mọi việc trong chùa mỗi khi Thầy chú đi vắng.         

          Thầy của chú Tuệ Viễn, năm nay Người độ tuổi khá cao, nên sức khoẻ của Người có phần suy giảm rất nhiều. Người cũng chỉ có duy nhất một chiếc áo màu đà, mà đã 30 năm nay, nó vẫn luôn sát cánh bên Người. Với thời gian năm tháng, dần dần từ màu đà nó đã biến thành màu trắng bạc. Nhìn thấy Thầy mình như vậy, nên chú Tuệ Viễn ít có bao giờ dám sài phí, làm tiêu hao đến đồ vật của Chùa.

          Mỗi ngày, với cái ống dòm trong tay, chú Tuệ Viễn thường chạy ra khỏi công viên Chùa để ngắm nhìn đôi Hồng hạc đang săn sóc cho hai con của mình. Khi nhìn thấy mái ấm gia đình của chúng hạnh phúc, chú Tuệ Viễn thường đứng cười một mình như hoà với niềm vui của Hạc. Chú luôn luôn ao ước đôi Hồng hạc kia sẽ mãi mãi được hạnh phúc dài lâu mà không bị hại bởi những loại người vô tâm hay những con vật hung dữ. Thầy chú Tuệ Viễn, Người cũng rất yêu thương thú vật, đặc biệt là loại Hồng hạc quý hiếm này. Liên quan về câu chuyện của đôi chim Hồng hạc mà chú đã nghe được từ Thầy chú, Người thường hay kể cho một số Phật tử từ phương xa đến thăm Chùa như sau:           

          Thường thì loại chim này, chúng rất thủy chung và thường giúp đỡ lẫn nhau , chúng chỉ đẻ có hai trứng. Nhưng mỗi lần ấp trứng, thỉnh thoảng con Hạc trống thường ấp thế cho con mái, để cho con Hạc mái đi kiếm mồi. Khi nước thủy triều dâng cao, con Hạc trống đã tìm từng cọng rơm để nâng ổ lên cao, đến khi nào mà nước không thể ngập tới. Nếu như chẳng may, một trong hai con chết, thì con Hạc kia sẽ la khóc thảm thiết một thời gian không lâu sẽ chết theo……..”           

          Chú Tuệ Viễn rất thích để lắng nghe Người kể câu chuyện này lắm.         

          Vào một bữa nọ, Thầy của chú Tuệ Viễn, Người phải bận đi lo công việc Phật sự khoảng dăm mươi ngày, nhưng Người rất lo lắng về sự an toàn của đôi chim Hạc cũng như không an tâm mấy về người học trò của Người. Người đã gọi chú Tuệ Viễn đến và căn dặn chú rất kỹ lưỡng rằng:          

          Khi Thầy đi rồi, con phải nhớ mỗi ngày thường xuyên ra ngoài đồng canh chừng chim Hạc và chăm nom Chùa, bên trong cũng như bên ngoài, đừng bao giờ theo chúng bạn ham chơi để người lạ hay thú dữ đến uy hiếp hay tấn công chim Hạc.”           

          Chính vì vậy mà chú Sa di Tuệ Viễn ngày đêm rất lo lắng về sự an toàn của đôi chim Hạc đáng thương này, vì chú Tuệ Viễn đã hứa với Thầy mình trước khi Người ra đi.          

          Cứ mỗi buổi sáng sau thời công phu xong, chú Tuệ Viễn thường quên cả điểm tâm sáng, chạy liền ra ngoài đồng hướng về phía đôi chim Hạc để canh chừng. Đứng xa xa, chú cứ chăm chăm luôn nhìn thẳng về ổ chim Hạc. Đôi khi, chú Tuệ Viễn thường chấp tay theo kiểu búp sen vào lòng ngực của chú để cầu nguyện cho mái ấm gia đình của Hạc luôn luôn được bình an đến khi Thầy chú trở về.          

          Cách ngôi Già lam không xa lắm, lại có một gia đình hàng xóm, họ thuộc dòng họ Thích Ca thuở xưa còn sót lại tại xứ Nepal. Ôââng bà  có duy nhất một người con trai, độ tuổi bằng chú Tuệ Viễn. Tên chú là Govinda, bạn chơi rất thân với chú Sa di Tuệ Viễn, vì hai chú rất hợp nhau về tánh tình cũng như cá tính. Thỉnh thoảng, chú Govinda lùa đàn trâu đi chăn, chú thường ghé lại Chùa để thăm Thầy cũng như chú Tuệ Viễn. Một hôm nọ sau khi thả đàn trâu cho ăn cỏ tận tít ở mé rừng gần con sông nơi mà thuở xưa giòng họ Thích Ca đã bị sát hại bởi hai bộ tộc đã tranh nhau cùng một dòng nước. Sau đó, chú Govinda đã chạy thẳng đến Chùa để thăm chú Tuệ Viễn, nhưng tìm mãi mà không thấy bạn mình đâu cả! Chú Govinda vội vàng chạy ngay ra cánh đồng nơi hai chú Hạc đang sinh sống. Bỗng nhiên, chú đã gặp chú Tuệ Viễn đang ngắm nghía trong ống dòm về hướng đôi chim Hạc.          

          Vui mừng quá ! chú đã gọi to,           

          chú Tuệ Viễn ơi !”          

          Chú Tuệ Viễn nghe tiếng người gọi tên mình liền giựt mình quay lại, thì đã thấy bạn mình đang đứng sau lưng. Chú Tuệ Viễn vì sợ những chim Hạc hoảng hốt bay đi. Chú liền đưa tay ra hiệu cho bạn mình im lặng.  Hiểu ý chú Tuệ Viễn, chú Govinda làm thinh nhẹ nhàng từ từ bước tới ngồi bên cạnh bạn. Hai chú cùng nhau theo dõi mái ấm của gia đình chim Hạc trong say mê và thích thú. Trời đã bắt đầu ngã bóng về chiều mà hai chú vẫn còn mãi mê chăm nom chim Hạc. Bỗng đâu từ đằng xa có tiếng chim Hạc kêu la inh ỏi, làm náo động cả một vùng. Hai chú lúng túng, vì không biết chuyện gì đã xảy ra nơi chim Hạc. Các chú rủ nhau chạy đảo quanh một vòng gần sát chim Hạc để quan sát. Ồ ! thì hoá ra, một chú rắn thật to đang rình rập như muốn tấn công và uy hiếp mái ấm gia đình chim Hạc. Trông thật quá tội nghiệp ! Chúng vừa muốn bay đi, nhưng vừa muốn ở lại để bảo vệ cho hai con của mình. Ôi ! loài vật, tình mẹ con chúng chẳng khác chi con người, vì con mình mà sẳn sàng chết thay để bảo vệ sự an toàn cho con. Hai chú nhìn thấy cảnh tượng như vậy, cảm động như muốn khóc. Lúc đó, chú Sa di Tuệ Viễn vì nhớ lại lời dặn của Thầy mình trước khi Người ra đi, nên chú cảm thấy bối rối và hoảng hốt, không biết làm gì để có thể đuổi chú rắn ấy đi. Nếu như lỡ Hồng hạc kia có bề nào, chắc chắn chú Tuệ Viễn sẽ bị Thầy chú phạt nặng. Trong lúc, tâm tư của chú đang bị dao động, chú Govinda liền nghĩ ra một kế để giúp bạn mình mà cứu đôi Hồng hạc kia thoát nạn. Chú liền chạy tìm được một cục đá thật to gần bằng cả hai nắm tay của chú để ném cho con rắn ấy chết đi. Vì sợ bị phạm tội sát sanh, chú Sa di Tuệ Viễn liền ngăn hành động của bạn mình bằng câu nói:           

          Bạn đừng nên giết nó mà mang tội.”          

           Ngay lúc ấy, chú Tuệ Viễn liền nhớ lại những lời dạy của Thầy chú dặn rằng:                                    

          Khu rừng này có rất nhiều rắn. Trước khi, Thầy đến đây, thì trong vườn Chùa mình đã có cả hàng trăm con rắn, lớn có, nhỏ có. Khi nào gặp chúng, con đừng nên hoảng hốt mà hảy chấp tay niệm Phật và cầu nguyện cho chúng đi thì chúng sẽ đi ngay.”            

          Chú Tuệ Viễn liền chấp tay theo kiểu búp sen lên ngực để niệm Phật. Chú Govinda rất ngạc nhiên, vì không hiểu bạn mình đang làm gì ?nhưng chú cũng bắt chước mà chấp tay trong im lặng. Khoảng một lát sau, lạ thay ! các chú không còn nghe thấy một tiếng động nào cả. Hai chú đã vội vàng mở mắt ra, nghiêng mình về phía cặp Hồng hạc.           

          Ồ ! hay thay ! hoá ra tổ ấm của đôi chim Hạc vẫn được bình an, vô sự mà chú rắn to tướng kia đã biến mất trong đám bụi cỏ tranh từ lâu. Các chú đưa mắt nhìn nhau trong nỗi vui mừng khôn xiết. Chú Tuệ Viễn thầm nghĩ rằng:       

           Những lời dạy của Thầy mình thật là hiệu nghiệm.”           

          Vậy mà từ trước đến giờ, chú cứ nghĩ rằng Thầy chú có cái gì đó, nữa hư, nữa thật. Chú không sao hiểu được tại sao loại thú lại có giác linh hiểu được tiếng người ?. Đôi lúc, chú cũng cảm thấy Thầy chú có cái gì đó khác thường lắm. Vì có những lúc, Người thường hay đón biết trước được sự việc. Trong cuộc sống sinh hoạt tại Chùa, không có điều gì mà chú Tuệ Viễn qua mặt được Thầy chú, từ suy nghĩ đến hành động, cũng chính vì thế mà chú Tuệ Viễn rất sợ và không bao giờ để cho sai phạm. Chú Govinda cũng ngạc nhiên không kém, liền hỏi chú Tuệ Viễn rằng:           

          Tại sau Thầy của bạn hay vậy ?”         

          Chú Sa di Tuệ Viễn liền kể cho bạn mình một vài câu chuyện có liên quan đến Thầy chú.          

          Có lần, chú Tuệ Viễn đang ngồi thiền trên chiếc ghế tre được đặt gần cạnh  cây chuối ở gốc Chùa. Bỗng nhiên, những vọng niệm cứ phát khỏi trong đầu chú mà không sao chú định tâm được. Chú đã nghĩ miên man đủ thứ chuyện về gia đình chú và những vị Thầy  mà trước đó các Ngài đã tế độ cho chú quy y cũng như xuất gia. Và cứ ngày này qua ngày kia, chú luôn luôn trong tâm trạng buồn phiền. Và những vọng tưởng khác lại tiếp xuất hiện, chú nghĩ rằng không biết vị Thầy mà chú đang nương tựa hiện giờ có còn thương chú nữa không? và chú có thể ở đây bao lâu.? Thầy chú, Người có gởi chú đến một nơi khác tu hoc không? Mỗi khi lên chánh Điện tụng Kinh, chú Tuệ Viễn thường có cảm giác buồn, tụng câu trước lại lộn câu sau. Vào buổi sáng nọ, một mình đang ngồi trên chiếc ghế mây. Bỗng đâu, Thầy chú từ Am thất của Người, sau thời Kinh sáng và thời toạ thiền, đã từ từ chậm rãi tiến về chú Sa di Tuệ Viễn đang ngồi. Khi quay nhìn lại, chú đã hoảng hốt, vì thấy Thầy mình đã đứng gần sát cạnh bên chú từ hồi nào rồi. Chú liền vội vàng chấp tay búp sen xá chào Thầy, nhưng nét mặt của chú vẫn không sao giấu được nỗi u buồn. Cứ mỗi buổi sáng, chú Tuệ Viễn thường thức dậy thật sớm để pha cho Thầy chú một ấm trà nóng được đặt sẳn trên bàn, và Thầy chú, Người thường ghé lại bàn này để uống trà và cũng đồng thời dạy cho chú Tuệ Viễn mọi việc, từ công việc bên ngoài cho đến sự tu tập hàng ngày của chú Tuệ Viễn làm sao giúp chú có thể đoạn trừ ba độc, tham; sân; si, đừng cho phát khởi trong tâm của người học trò mình. Lúc đó, chú Tuệ Viễn đã vội vàng nhẹ tay rót cho Thầy chú tách trà nóng và hai tay nâng ly trà để thỉnh Người uống trà. Sau khi uống xong tách trà, Người dạy cho chú Tuệ Viễn ngồi bên cạnh Người. Mỗi khi được ngồi gần bên Thầy, chú cảm thấy ấm áp và hạnh phúc tuyệt diệu để chú ý lắng nghe những lời dạy quý báo từ vị Thầy khả kính của chú. Nhưng lần này, tâm tư của chú bị dao động, bất an mà vẫn cố gắng tỏ vẻ vui cười trước Thầy chú. Tuy Người không nói, nhưng Người đã hiểu tất cả những vọng niệm đang phát khởi trong tâm của đệ tử mình. Sáng hôm nay, Thầy của chú không dạy cho chú Tuệ Viễn như mọi lần mà Người chỉ đề cập tâm tư của chú Tuệ Viễn hiện giờ. Người nói rằng:          

          Trong khi ngồi thiền, Thầy đã thấy được sự vọng tâm của con. Con đang lo nghĩ vẩn vơ, phải không con ?”          

         Chú Tuệ Viễn vì bị Thầy rày, nên đã cúi đầu mà bạch rằng:          

          Kính bạch Thầy !, con không có nghĩ gì cả.”          

          Thầy chú đã mỉn cười nhưng nét mặt vẫn giữ thái độ thật nghiêm nghị. Thầy chú ôn tồn nói rằng:           

          Đã là người Xuất gia, là đệ tử của Phật, con đã thọ mười giới Sa di. Tương lai, con cũng sẽ làxứ giả của Như Lai. Tại sao con lại nói vọng ngữ với Thầy ? Con có biết là con đang nói dối với Thầy không ?”            

          Sau khi Thầy chú nói vừa dứt lời, chú Tuệ Viễn cảm thấy đất trời dường như tăm tối và nét mặt chú liền đổi sắc, tái xanh. Vì biết có lỗi với Thầy, nên chú đã           quỳ xuống trước Thầy, cúi đầu xin sám hối. Chú đã bạch với Thầy chú rằng:                 

           Kính bạch Thầy ! Hôm nay, con đã bị ma chướng làm mê hoặc thân tâm, nên không làm chủ được mình và đã vọng ngữ với Thầy. Kính mong Thầy từ bi chỉ dạy cho con.”          

          Người liền cho phép chú ngồi dậy và nụ cười đã hiện trên nét mặt, trông thật khả kính và bao dung ! Thầy của chú đã dạy cho chú từng câu, từng lời một cách từ tốn, khoang dung nhưng cũng rất dứt khoát. Người nói:          

          Tâm của con bây giờ đang suy nghĩ về tương lai, vì con sợ rằng Thầy sẽ không còn thương con như trước đây nữa và con đang lo lắng là ngày mai này, Thầy sẽ đưa con đến một nơi khác để tu học, phải không ?”           

          Sau khi Thầy chú nói xong, chú Tuệ Viễn như người từ trên trời vừa rơi xuống, vừa kính cũng vừa sợ và tự hỏi lòng mình:          

          Tại sao Thầy lại biết rõ những vọng niệm của mình ? Thầy cũng là người bằng da, bằng thịt như bao nhiêu người khác mà thôi.”           

          Chú Tuệ Viễn xúc động như muốn chạy đến ôm lấy Người mà khóc, nhưng vì sợ mang tội bất kính.          

          Thầy bèn dạy chú tiếp:          

          Thầy đã từng dạy con. Người Xuất gia, con nên chú tâm vào hiện tại, đừng nghĩ vẩn vơ trong quá khứ hay mơ tưởng đến những chuyện ở tương lai. Con nên để tâm vào tập trung học Kinh, Luật và Luận. Hơn nữa, tuổi đời cũng như tuổi đạo của con cũng còn quá trẻ, rất dễ sa ngã trong ngủ dục, lục trần. Những thứ ấy sau này sẽ làm cho tâm của con điên đảo, làm mất đi tuệ giác của người Xuất gia. Đức Phật có dạy: “ Chớ có buông lung trí tuệ, hảy hộ trì chân đế, hảy làm sung mãn huệ xả, hảy tu học tịch tịnh.” Con không nên hướng tâm vọng động hướng ngoại cầu huyển, không nên tìm kiếm bất cứ thứ gì ở bên ngoài. Con cần phải sống thật tỉnh giác. Nếu không nghe lời Thầy dạy, tự ý cải Thầy, sau này con sẽ hối hận không kịp đó. Ngay bây giờ, con phải nên cẩn thận từng lời ăn, tiếng nói, phải nói những lời chân thật. Đặc biệt là con phải lấy hạnh nhẫn nhục làm đầu. Với người xấu ác, con phải nên tránh xa không nên kết bạn với họ. Nếu họ có đánh chửi mắng con hay sỉ nhục đến danh dự của con, con không vì thế mà biện bạch cho mình hay tìm cách trả thù họ mà con phải nên chấp tay niệm Phật để cầu nguyện cho họ giảm bớt lòng sân hận. Muốn thế, con phải sống cho thật tỉnh giác và xa lìa ngủ dục, lục trần.”            

          Người còn dạy cho chú Tuệ Viễn thêm rằng:            

          Con phải ráng ghi nhớ nhũng lời Thầy dặn, đừng cãi lời Thầy. Nếu sau này, con có bị sa chân trong ngủ dục, lục trần, Thầy dù có thương con bao nhiêu chăng nữa, cũng không thể cứu vớt con được mà chỉ có con mới tự cứu lấy mình. Con phải nên sám hối mỗi ngày theo Kinh, để con có thể nhớ mà đừng cho sai phạm. Vả lại, nghiệp chướng của con còn nặng lắm, có thể nhờ sám hối mà nó sẽ mau tiêu trừ, trí càng thêm tăng trưởng”          

          Những lời Thầy chú dạy làm cho chú cảm thấy thấm thía vô cùng. Chú Tuệ Viễn đã phải cúi đầu, chấp tay y giáo sự răn dạy của Người và hứa sẽ cố gắng không để cho sai phạm về sau.           

          Sau khi nghe chú Tuệ Viễn kể xong câu chuyện, chú Govinda, tâm rất phấn khởi, vì đã học phần nào bài học quý báo của Thầy chú Tuệ Viễn.         

          Vừa kết thúc câu chuyện, hai chú nhìn lại thì trời đã mờ tối. Chú Govinda liền hốt hoảng la lên:           

          Chết ! mình phải đi lùa đàn trâu, kẻo Mẹ mình sẽ đánh đòn.”           

          Hai chú cùng dắt tay nhau chạy miết một mạch đến tận bên bờ sông gần đám ruộng để lùa đàn trâu về. Khi vừa về đến nhà chú Govinda, thì đúng 8 giờ tối. Chú Govinda đã bị Mẹ chú la cho một hồi và còn đòi đánh đòn chú nữa. Vì thương bạn mình, chú Tuệ Viễn đã bước đến xin lỗi và nhận khuyết điểm về phần mình,            

          “ Tại Tuệ Viễn mà chú Govinda mới về nhà trễ.!”           

          Vì cảm động tình nghĩa bạn bè của đôi bạn trẻ, nên Mẹ của chú Govinda đã giảm bớt cơn giận và sau đó, Bà đã lấy tay xoa đầu chú Tuệ Viễn và con trai Bà với niềm vui lộ trên nét mặt. Khi thấy Mẹ của chú Govinda không còn giận nữa, chú Tuệ Viễn bèn chấp tay xá chào tạm biệt Mẹ của Govinda và chú  trở lại ngôi Chùa của mình. Khi chú Tuệ Viễn vừa về đến Chùa thì màn đêm đã về khuya. Chú Tuệ Viễn vội vàng rửa tay mặt và bước lên Điện Phật để thắp nhang đèn. Tối nay, chú không tụng Kinh như mọi ngày mà chỉ lạy Phật ba lạy rồi đi nghĩ sớm, vì chú cảm thấy cả người mỏi mệt suốt cả ngày phải ở ngoài đồng. Nhưng vừa bước lên gường ngủ, chú liền sực nhớ lại lời dặn dò của Thầy trước khi Người ra đi,                         

          Trước khi đi ngủ, con phải nhớ đi Kinh hành 3 vòng xung quanh Chùa để quán sát xem có động tịnh gì có thể xảy ra trong đêm.”          

          Tuy không có mặt Thầy chú ở đó, dù rất mệt mỏi, nhưng chú Tuệ Viễn cũng ráng tinh tấn, tay cầm đèn pin nhẹ nhàng thả bộ Kinh hành trong đêm khuya. Vừa đi chú vừa niệm Phật, nhưng đôi mắt chú luôn đảo quanh khu vực trong Chùa. Thỉnh thoảng, chú lại nghe có tiếng ve kêu trong đêm và nước chảy róc rách nhịp nhàng như những bản nhạc từ những cảnh giới xa xăm nào đó nghe thật du dương. Bên ngoài, những chú chó rừng đôi khi lại hú lên nghe thật rùng rợn. Đi kinh hành sắp hết vòng thứ ba, chú Tuệ Viễn liền dừng lại ngồi nghĩ trên ghế mây mà Thầy chú đã làm cho khách cách đây khá lâu lắm rồi. Vào những đêm trăng thanh vắng như thế này, Thầy chú thường dẫn chú đi Kinh hành. Vừa đi Người vừa kể cho chú Tuệ Viễn nghe thời niên thiếu của Người. Người phải trải qua không biết bao nhiêu là cay đắng, chông gai, nhưng Người vẫn cố gượng sống trong âm thầm chịu đựng với những khổ đau luôn luôn đe doạ và rình rập bên Người, cũng nhờ ý chí và nghị lực nên Người đã vượt qua được những sóng gió của cuộc đời. Tất cả đều nhờ ở sự kham nhẫn, chịu đựng và đức tính hùng lực của Người đã phải sẵn sàng đón nhận tất cả những khổ đau hay cay đắng đến với Người từ cuộc đời. Người đã từng nói với đệ tử của mình rằng:          

          Thầy không được may mắn như con hiện giờ. Dù sao bên cũng còn có Thầy và bao nhiêu người thương mến con, đã sẵn sàng ủng hộ và nâng đỡ cho con mỗi khi con bị vấp ngã giữa sóng gió của cuộc đời. Còn Thầy lúc xưa cũng lưu lạc tha phương nơi xứ người mà không có một người thân, bạn bè hay Thầy tổ. Mỗi lần vấp ngã, Thầy phải tự mình đứng dậy bằng ý chí, bằng tâm hồn, trái tim và cả đôi chân của Thầy. Thầy còn nhớ lúc Thầy bước chân ra đi, Sư Phụ của Thầy, Người đã cho Thầy những câu cẩm nan mà chúng có thể giúp Thầy thoát qua được những hiểm nguy, gian khổ mà Thầy không thể vượt qua được.”         

          Người còn dặn dò chú Tuệ Viễn thêm rằng:           

          Cuộc đời này có rất nhiều cạm bẫy và cũng rất nhiều hạng người có thể giúp mình mà cũng có thể hại mình. Nếu con không cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, không sống tri túc, thì con sẽ dễ bị mắc vào lưới bẫy của họ. Con phải nên dè dặt, đừng bao giờ sống hời hợt hoặc tin tưởng họ một cách tuyệt đối. Con cũng cần tập sống trong đơn độc suốt cuộc hành trình mà con đang và sẽ đi qua. Dù sao bên cạnh con vẫn còn có Thầy và bao nhiêu người thân, nên con đừng bao giờ sợ rằng con sẽ cô đơn. Nhưng dù có cô đơn, con càng phải cố gắng, vì sớm muộn gì Thầy cũng như tất cả người thân của con sẽ ra đi. Vì thế, bây giờ con phải tập sống trong niềm cô độc, thầm lặng trên con đường giác ngộ và con cũng nên đối diện với những niềm đau khổ hay những cay đắng chông gai. Vì chính nơi ấy con mới nhận ra được con người thật của con và cánh cửa giải thoát mà con cần phải đạt được. Trong những đêm thanh vắng như thế này, con hảy ngồi dưới ánh trăng đêm một mình để suy tư trong thầm lặng, để hiểu rõ thế nào là cuộc đời ? thế nào là lòng ganh ghét, tị hiềm, lừa đảo của trò đời trong cái lối bịp bợm của danh lợi, hơn thua mà người với người tranh giành cấu xé lẫn nhau, có khi còn phải hại nhau để dành phần thắng về mình. Con ơi ! Thầy sẽ không bao giờ sống gần bên con mãi đâu. Con đừng bao giờ có ý nghĩ sống ỷ lại nơi Thầy mà hãy tự mình nỗ lực trong công phu tu tập. Một khi, Thầy còn sống gần bên con, có nghĩa là Thầy còn che chở và đùm bọc cho con. Nhưng một khi Thầy đã ra đi rồi, con hãy tự lo lấy mà vươn lên bằng ý chí của mình, đừng nên phụ lòng Thầy và tất cả những người thân luôn thương yêu con, và đặt niềm tin vào con.”         

          Chú Tuệ Viễn đã nhớ lại những lời dạy của Thầy và cảm động, nên đôi dòng nước mắt của chú rưng rưng. Chú đã nhớ lại từng câu, từng lời của Người như ôn lại những bài học vỡ lòng khi còn sống gần bên Cha, Mẹ. Cứ mỗi đêm, vì ham mê ngủ, Mẹ chú đã từng đánh chú thức giấc, dậy để ôn lại bài cũ. Chú còn nhớ năm chú chỉ mới 5, 6 tuổi mà đã bỏ nhà ra đi tu không biết bao nhiêu lần. Vì thương chú còn quá nhỏ dại, phải sống cuộc đời khổ hạnh, Mẹ, Cha chú thường bắt chú trở lại nhà với đôi hàng nước mắt. Mẹ chú tuy già yếu lắm, nhưng người vẫn thường thức khuya, dậy sớm cặm cụi bếp núc và chăm nom đàn heo. Người chính là một bà Mẹ Việt nam chịu khó, chịu khổ với gia đình con cái, nhưng Người vẫn luôn giữ được nụ cười và nét tươi vui hiện trên hai gò má gầy ốm đầy mồ hôi và nước mắt. Còn cha của chú, với dáng người cũng giống như Thầy chú hiện giờ, Người luôn lặn hụp với sóng gió, mưa bão ngoài biển khơi để dành lấy sự sống cho gia đình vợ con thoát qua được cảnh bần hàn túng thiếu. Chú Tuệ Viễn còn nhớ lại bà Nội và hai Cô của chú. Trong đàn cháu con, chú Tuệ Viễn luôn là người được sự cưng trìu của Nội và các Cô. Mỗi khi đi đâu, các Cô thường dẫn chú Tuệ Viễn theo bên Người cả. Sở dĩ, chú Tuệ Viễn biết được Phật Pháp sớm, là cũng nhờ Cô chín, Người đã dẫn chú Tuệ Viễn đến Chùa khi chú chỉ mới vừa tròn 4 tuổi. Nghĩ lại, chú Tuệ Viễn cũng được tốt phước và may mắn hơn ai hết. Đôi lúc, chú cảm thấy rất hạnh phúc, vì ông Trời đã ban cho chú những vị Thầy thật khả kính và đạo hạnh. Các Ngài đã thay thế cho Cha, Mẹ chú để dắt dìu chú trong cuộc đời thăng trầm, phong ba, bão táp này. Chú tuệ Viễn còn nhớ lại từng tiếng cười, giọng nói của Thầy chú thuở nào mà chú cảm thấy ấm áp và hạnh phúc hơn bao giờ hết. Dưới ánh trăng đêm của ngày 18, ánh sáng của trăng sao đã tỏ xuyên qua những bụi trúc trong vườn Chùa khuyến chú cảm thấy dễ chịu và thích thú vô cùng. Tuy chú đã đi xong kinh hành, nhưng vẫn còn muốn một mình đùa giỡn dưới ánh trăng khuya. Lúc xưa, tại quê nhà, chú Tuệ Viễn cũng có một người bạn rất thân và hợp tánh tình nhau lắm. Chú luôn mơ ước thèm sống lại những chuỗi ngày mà đôi bạn thân thường đùa giỡn dưới ánh trăng đêm trên bãi biển thật đẹp. Rồi ngày tháng qua mau, đôi bạn thân lại phải chia tay nhau, vì mỗi người phải tự chọn một con đường cho lý tưởng riêng của mình. Chú cảm thấy cuộc đời thật là vô thường, vì nó ngắn ngủi quá. Kiếp người hợp tan, tan hợp trong vủ trụ thành; trụ; hoại; không này. Thỉnh thoảng, chú Tuệ Viễn lại buồn nhớ những người thân của chú. Nhưng khi nhớ lại những lời dạy của Thầy chú thuở nào về công hạnh của Tôn giả La Hầu La,           

          Tuy tuổi Ngài còn rất trẻ hơn con nhiều, mà Ngài vẫn từ bỏ tất cả để tìm cho mình Chân lý, giải thoát khỏi những xiềng xích của cuộc đời,”.           

          Khi nghĩ đến đây, những vọng tưởng buồn nhớ trong đầu chú Tuệ Viễn  dường như biến mất. Chú Tuệ Viễn sau đó đã lặng lẽ trong màn đêm, âm thầm trở lại căn phòng mà tâm tư vẫn còn như luyến tiếc một khung cảnh tuyệt diệu của đêm trăng tròn này.          

          Từ mờ sáng, chú Tuệ Viễn đã thức dậy thật sớm theo những tiếng kẻng báo hiệu của những ngôi Chùa bên cạnh. Trước khi bước chân xuống giường, chú đã ngồi kiết già, hai tay đặt lên nhau và im lặng để suy tư, quán tưởng trong vài phút đồng hồ, thì đã đến giờ chú phải sửa soạn lên chánh Điện công phu. Đối với chú Sa di Tuệ Viễn, bài kinh Lăng Nghiêm rất quan trong trong  cuộc đời tu hành của chú. Thầy chú thường dạy cho chú rằng:           

          Cũng nhờ bài Kinh Lăng Nghiêm này, Ngài Tôn giả A-Nan mới thoát khỏi sắc dục của ma Lăng già. Dù sao tuổi của con rất trẻ, con phải nên cẩn thận, đề phòng bởi sắc dục.”            

          Trong ngôi Già lam này chỉ duy nhất có hai Thầy trò, Thầy của chú, Người thường hay đi vắng lo công tác Phật sự, còn lại chỉ một mình chú. Thường ngày, khách Thập phương tứ xứ đến viếng Chùa rất đông, có cả những cô thiếu nữ áo xanh, áo đỏ, áo tím và áo hồng, trông cô nào cũng xinh đẹp cả. Có một lần nọ, chú Sa di Tuệ Viễn đã giáp mặt một cô thiếu nữ người Nepal, cô ấy có vẻ lả lơi hoa bướm lắm, đã ghẹo chú Tuệ Viễn đỏ cả mặt. Vậy mà khi cô ấy đi rồi, chú ngày đêm thương nhớ, không sao quên được hình bóng mỹ miều của cô gái đó. Ngày nào, chú cũng thẩn thờ thương nhớ như người mất cả tâm trí. Khi nhìn thấy người học trò mình như vậy, Thầy chú đã đón biết được chuyện bất ổn đã xảy ra cho ông học trò của mình. Khi Người hỏi ra thì mới biết chú đang thương trộm, nhớ thầm một cô thiếu nữ chọc ghẹo chú hôm qua. Thầy liền gọi chú đến và giảng cho chú nghe về tai   hại của nữ sắc. Người nói:           

          Con nên biết, nếu trên thế gian này có hai nữ sắc như thế, thì khó có ai thành Đạo được lắm. Thầy dạy con đừng bao giờ va chạm hay tiếp xúc với họ. Nếu một khi con thấy họ, con phải cúi đầu, chấp tay niệm Phật, không nên nhìn thẳng vào đôi mắt hay khuôn mặt của họ hoặc nắm tay, nắm tóc đùa giỡn với họ, rất nguy cho con đường tu hành của con hiện tại cũng như mai sau. Tất cả tai, mũi, mắt, miệng…của họ tuy đẹp, nhưng đến khi già yếu, tất cả những thứ ấy đều nhăn nheo, xấu xí đáng sợ. Nếu họ chết đi, để khoảng năm ba ngày, thân xác hôi thối, con càng phải đáng sợ hơn nữa.”             

          Khi Thầy chú giảng đến đây, chú Tuệ Viễn cảm thấy trên đời không có gì quý bằng Đạo hạnh giải thoát. Những vọng niệm luyến ái đã tan biến trong tư tưởng của chú. Thầy còn dạy chú mỗi ngày phải ráng thọ trì Kinh Lăng Nghiêm. Cũng chính vì thế mà chú Tuệ Viễn rất siêng năng, tinh tấn trong việc trì tụng Kinh này vào mỗi buổi sáng.          

          Sau khi xong thời Kinh, chú đã nhẹ nhàng đặt quyển Kinh một cách trang trọng dưới kệ và đi một vòng để tảo sạch tất cả bụi bặm bám xung quanh điện Phật, vì theo Thầy đã lâu, nên chú rất rành rẽ về công việc lau dọn trong ngoài cũng như cách sắp xếp các thứ một cách ngăn nắp. Mỗi khi có Thầy chú ở Chùa, Người thường dạy chú rất tỉ mỉ trong công việc này. Bây giờ có Thầy cũng như không có Thầy, chú đã quen mọi việc và luôn luôn làm trong chánh niệm. Trong mọi việc, chú chỉ cần lơ đễnh một chút là Thầy chú biết ngay. Thầy thường dạy chú rằng:           

          “Làm tức là Tu mà Tu cũng chính là làm, con đừng bao giờ xem thường việc nhỏ, vì lổ nhỏ có thể làm đắm thuyền.”          

          Bởi thế, chú Tuệ Viễn rất tỉnh giác trong mọi công việc từ việc nhỏ cho đến việc lớn, Thầy chú rất hài lòng.         

          Khi vừa xong việc Chùa, chú đã nhờ một chú, người Nepal, một mình chú đã chạy thẳng ra cánh đồng để xem chừng đôi chim Hồng hạc. Khi đến nơi đó, chú gặp ngay chú Govinda đang lùa đàn trâu đi về hướng chú. Hai chú vừa gặp lại nhau rất là vui mừng. Chú Govinda liền lấy phần ăn sáng của mình mà Mẹ chú đã gói sẵn cho chú sáng nay. Đó là những củ mì. Chú vội chia cho bạn mình 2 củ, còn phần mình 2 củ mì. Chú Govinda đã trèo lên cỏi một con trâu và chú cũng đưa cho chú Tuệ Viện cỏi một con trâu đi về hướng đôi chim Hạc. Vừa đi giữa đường, tận tít đằng xa ngoài đồng ruộng, hai chú đã nhìn thấy một chú cò trắng đang bị mắc bẫy. Chú Govinda rất vui vẻ, liền cỏi trâu chạy ngay đến con cò đang nằm và nắm bắt lấy chú cò trong tay. Vui mừng hớn hở, chú đến bên bạn mình khoe rằng:            

          Chiều nay, mình sẽ có một nồi canh thịt cò thật ngon mà Mẹ mình sẽ nấu cho mình.”           

          Chú Tuệ Viễn liền cắt ngang giọng nói của bạn mình:          

          Bạn đừng nên bao giờ giết nó mà hãy cứu lấy mạng sống của nó. Trông nó tội nghiệp lắm, bạn ơi ! Nếu bạn giết nó, thì Cha, Mẹ của nó có lẽ đau lòng lắm vì nhớ thương con. Cũng giống như chúng ta, nếu lỡ có ai hại chúng ta, thì Mẹ bạn và Thầy mình chắc chắn sẽ đau lòng lắm.”            

          Chú Tuệ Viễn còn kể cho chú Govinda nghe về một câu chuyện mà chú đọc từ cuốn sách nói về ‘cuộc đời của Đức Phật’ do một cô Phật tử đã tặng cho chú cách đây đã lâu lắm rồi. Chú kể rằng:           

          Thuở xa xưa, khi Đức Phật còn tại thế, lúc ấy, Ngài mới là Thái Tử Tất Đạt Đa. Cha Ngài là vua Tịnh Phạn và Mẹ Ngài là hoàng hậu Ma Gia. Một hôm nọ, đang đi trong hoàng cung, Ngài đã nhìn thấy một con cò trắng từ trên bầu trời xanh đã từ từ rơi xuống mặt đất. Ngài vội liền đỡ lấy con chim ấy vào lòng, vuốt ve trong niềm thương mến vô hạn. Vì con cò đã bị tên, nên máu ra thật nhiều, Ngài nhẹ nhàng rút mũi tên ấy ra và băng bó vết thương cho nó. Bỗng đâu, ông Đề Bà Đạt Đa xuất hiện trước mặt Thái Tử. Ông là người luôn luôn tị hiềm và ganh ghét với Thái Tử Tất Đạt Đa. Vì bất cứ chuyện gì Thái tử cũng đều hơn ông cả. Khi nhìn thấy Thái Tử đang ôm con chim do chính tay ông bắn trong lòng của Ngài. Ông đòi Thái Tử phải trả nó lại cho ông, vì nó rơi xuống là do công của ông bắn, nhưng Thái Tử, Ngài nhất quyết không giao con chim ấy cho Đề Bà Đạt Đa. Cuối cùng sự việc được đưa đến các trưởng lão phân xử. Với những lời hùng biện khéo léo hợp tình, hợp lý của Thái tử Tất Đạt Đa, Ngài được quyền săn sóc con chim ấy. Sau khi con cò khoẻ mạnh, Thái tử đã thả con cò bay về với tổ ấm của nó.”          

          Qua câu chuyện này, chú Govinda cảm thấy hối tiếc về hành động của mình và xin lỗi chú Sa di Tuệ Viễn. Chú đồng ý với chú Tuệ Viễn là tìm cách cứu con chim thoát nạn và sau đó thả nó trở về với cha, mẹ và bạn bè của nó. Chú Tuệ Viễn còn kể cho chú Govinda rất nhiều câu chuyện về tiền thân của Đức Phật. Chú Govinda cũng rất ưng ý để lắng tai nghe một cách chăm chú.          

          Khoảng hai ngày sau đó, chú Govinda vì bị đau nặng, nên không thể lùa đàn trâu đi chăn như mọi ngày. Mỗi lần ra cánh đồng, chú Tuệ Viễn đợi bạn mình mãi mà vẫn không thấy tăm hơi của bạn mình đâu cả, Chú liền bỏ cặp Hạc và đi đến nhà chú Govinda. Nhưng không may, giữa đường, chú đã gặp phải những bọn trẻ cùng trang lứa với chú. Họ đã đứng bao quanh nơi chú và nói những lời ngon lẽ ngọt để dụ chú theo họ. Họ đã nói với chú rằng, có một nơi rất là sang trọng, đủ mọi thứ của ngon vật lạ, tiền tài, danh vọng. Cuối cùng lòng tham đắm của chú Tuệ Viễn nổi lên và chú đã đồng ý theo họ. Chú Tuệ Viễn luôn nghĩ rằng:          

          Nếu mình được giàu có, tiền tài, danh vọng, mình sẽ giúp Thầy mình xây lại ngôi Chùa vẫn còn đang dang dở. Vì thấy Thầy mình đi làm hoài mà vẫn không đủ tiền để xây dựng ngôi Chùa và những căn phòng cho khách thập phương bá tánh khắp nơi dừng chân, mình muốn giúp Thầy mình khỏi phải vất vả khổ cực nữa.”          

          Chính vì thế mà chú Tuệ Viễn đã sa vào ngủ dục, lục trần. Chú không còn nhớ đến lời dạy của Thầy mình năm xưa và cũng quên hẳn người bạn thân nhất của chú đang nằm trên giường bệnh và cả đôi chim Hồng hạc đáng thương nữa. Có lẽ, đây là nghiệp lực của chú phải trả trong đời này, nên ma chướng nổi lên hồi nào chú không biết được. Sau khi họ đã dụ chú đến nơi ấy và khai thác chú đủ điều về ngôi Chùa và vị Thầy đáng kính của chú. Chú đã bị họ đuổi chú ra khỏi nơi ấy. Chú đã lang thang trở lại ngôi Chùa. Hởi ôi ! tất cả đồ đạc quý giá trong Chùa đã bị họ lấy sạch và cả cặp Hồng hạc đáng thương đã bị họ bắt đi đâu mất. Chú Tuệ Viễn như người quẫn trí không còn làm chủ lấy mình. Chú đã mất dần bản tánh hồn nhiên của chú Tuệ Viễn ngày xưa mà chú đã bước chân đến với Thầy chú. Vì không chịu nỗi tội lỗi với Thầy, bạn và cả đôi hồng hạc, chú Tuệ Viễn đã tự ý bỏ Chùa ra đi mà không một lời giả biệt cùng Thầy chú. Nhưng đi được một quãng đường thật xa, vì hối hận và kính nhớ Thầy, nên chú đã trở lại Chùa. Khi Thầy chú, Người vừa đi làm mới về, chú Tuệ Viễn đã y áo quỳ dưới chân Thầy để tạ tội sám hối và chú cũng đã thuật lại tất cả mọi chuyện do chú tạo ra. Sau khi lạy Người 3 lạy, chú đã cúi đầu xin Thầy cho phép chú ra đi. Thầy của chú Tuệ Viễn nhìn thấy học trò mình mà Người cảm thấy xót xa và đau đớn thấu tận đấy lòng. Người chỉ biết thở dài với hai hàng nước mắt trên hai gò má đầy mồ hôi. Người chỉ thốt lên được một câu trong nghẹn ngào:          

          Con hảy đi đi !”          

          Lúc này, chú Tuệ Viễn cảm thấy không thể xa Thầy được nữa. Chú khẩn cầu Thầy cho phép chú ở lại với Người. Nhưng tất cả đều đã muộn màn. Thầy chú liền nghiêm sắc mặt và nói với chú bằng giọng nói thật dứt khoát:           

          Người Xuất gia, con cần phải nên giữ chữ Tín, nói đi là đi và ở là ở. Con nên vào bên trong sắp xếp hành lý và đi ngay.”           

          Vì không còn hy vọng nào để xin thầy ở lại hầu Người, nên chú đã lau nước mắt lặng lẽ vào bên trong chuẩn bị đồ đạc để lên đường. Đặc biệt là có chiếc áo đà bạc màu mà Thầy chú cho đã lâu. Có lẽ, nó là người bạn sau cùng để cùng chú đi suốt cuộc hành trình mà chú sắp sẽ đi qua. Nó sẽ nhắc nhở chú mỗi khi chú sa ngã hay nhờ nó chú sẽ cảm thấy giảm bớt phần nào nỗi thương nhớ Thầy trong những ngày lang thang, phiêu bạt nơi đất khách quê người. Chú đã mặc nó vào mình và lặng lẽ ra từ biệt Thầy.          

          Trước lúc xa cách người học trò thương mến, Thầy còn dặn chú Tuệ Viễn rằng:          

          “Con hảy nhớ bảo trọng trên lộ trình mà con sắp đi qua. Thầy sẽ không còn ở bên cạnh con để nhắc nhở cho con mỗi khi con vấp ngã. Con nên tìm đến một nơi thanh vắng để tịnh tâm tu hành. Con cũng nhớ đừng bao giờ giao du hay thân cận với bạn xấu ác, vì họ có thể hại con bất cứ lúc nào. Đây là số tiền con hảy giữ làm lộ phí đi đường.”           

          Khi từ biệt Thầy ra đi, trong tâm chú luôn nghĩ rằng:          

          “ Tại sao Thầy mình quá nghiêm khắc vậy ? Mình đã biết lỗi và đã tạ tội với Thầy, vậy mà Thầy nhất quyết vẫn không cho mình ở lại.”           

          Chú Tuệ Viễn ra đi nhưng trong lòng vẫn còn hờn giận Thầy, nhưng chú có biết đâu, Thầy chú còn đau khổ hơn chú gấp trăm nghìn lần, vì thấy học trò mình ra đi mà vẫn không giúp được thì còn đau khổ nào hơn nữa. Người muốn chú phải ra đi theo ước nguyện ban đầu của chú và cũng tập cho chú thấy rằng tấm lòng của người Thầy thật là bao la và rộng mở, vì Người không muốn bắt ép đệ tử Người phải ở lại với Người, dù thâm tâm Người rất thương mến. Điều đó cũng nói lên được tấm lòng vị tha vô bờ bến và sự giải thoát tự tại của vị Thầy đáng kính ấy. Hơn nữa, Người muốn tập cho đệ tử mình phải giữ chữ Tín với Người và với tất cả mọi người. Chú Tuệ Viễn có biết đâu, chú ra đi như vậy là để lại cho Thầy chú những nỗi khó khăn khôn cùng từ những lời nói vô ý của chú. Rồi đây, Thầy chú sẽ phải đối phó không biết bao nhiêu nghịch cảnh bủa lấy quanh Người. Hậu quả mà chú Tuệ Viễn để lại cho Thầy chú có khi là một tai hoạ khôn lường đến sự nghiệp hành Đạo của Người. Chú Tuệ Viễn ra đi như thế cũng là giải pháp tuyệt diệu nhất mà Thầy chú đã sắp đặt cho chú. Dù sao đi nữa, chú Tuệ Viễn vẫn còn rất trẻ không chỉ về thể xác mà cả tâm hồn non dại nữa. Với bản tánh hiền hoà và chất phát của chú thì làm sao có thể đương đầu nỗi với những gì chú đã tạo ra và với những con người luôn luôn là mũi nhọn của Thầy chú và chú. Chỉ có Thầy của chú, Người mới có đầy đủ bản lãnh để đương đầu với những sóng gió luôn luôn ập đến cho Người.          

          Trong suốt thời gian, chú Tuệ Viễn đã lang thang khắp đó đây. Vì thương mến Thầy vô hạn, nên chú đã càng si mê, tăm tối, tin người để rồi phải lúng sâu thêm vào tội lỗi và làm ảnh hưởng khá nhiều đến vị Thầy của chú. Nhưng từ đó về sau, người ta không còn nghe thấy âm vang hay hình bóng của chú Tuệ Viễn đâu nữa cả. Có lẽ, vì nhận ra lỗi lầm quá sâu nặng, nên chú đã uẩn tích chốn núi non để tu hành và để sám hối cho tội lỗi của mình. Còn Thầy của chú Tuệ Viễn, có lẽ, Người rất đau lòng khi nhìn thấy người đệ tử mình đã lúng sâu lại càng lúng sâu vào con đường tăm tối hơn nữa. Đây cũng là hậu quả của việc cãi lời Thầy dạy.          

          Người viết luôn nghĩ rằng còn tội hay hết tội, tất cả đều tuỳ thuộc nơi chú Tuệ Viễn có thực sự để sám hối với chính mình hay không. Dù Thầy chú, Người có thương chú đến mấy đi nữa, Người vẫn bó tay đứng nhìn, vì học trò của Người không nghe lời dạy của Người.          

          Nơi ngôi Già lam xa xôi hẻo lánh, vị Thầy, một hình bóng từ bi và đức độ, mỗi ngày trông chờ người đệ tử của mình thực sự trở thành một chú Tuệ Viễn ngày xưa đã đến với Người, với tâm hồn trong sáng và vô tư. Có lẽ, Người cũng rất đau lòng thầm lặng trong suốt những chuỗi ngày sóng gió nơi xứ người.          

          Đối với hàng Tăng, Ni Sa di trẻ tuổi như chú Tuệ Viễn, đây cũng là bài học quý giá nhất để chúng ta có thể thức tỉnh mà nghiệm lại chính mình. Không nên vì tánh bồng bột, non dại mà cãi lại những vị Thầy đáng kính nhất của chúng ta. Dù chúng ta có học rộng hiểu sâu, nhưng đức độ và đạo hạnh của chúng ta vẫn còn rất khiêm cung. Chỉ cần một hành động nhỏ hay lời nói vô ý có thể đưa chúng ta lúng sâu vào tội lỗi như câu chuyện trên đây về chú Tuệ Viễn.          

          Người viết thật lấy làm đáng tiếc cho một chú Sa di vì suy nghĩ nông cạn mà phải lâm vào một hoàn cảnh đáng thương như thế. Người viết xin chấp tay cầu nguyện Chư Phật mười phương gia hộ cho chú Tuệ Viễn thân tâm sẽ được sáng suốt minh mẫn, sớm nhận ra con đường mà chú cần đi và hy vọng tương lai, chú sẽ trở thành một vị Sa môn Đạo hạnh để xứng đáng với ước mong của Thầy chú và những người luôn luôn lo lắng cho chú.         

          Thầy của chú,Người sẽ vui cười, khi nhìn thấy đệ tử mình thật sự trưởng thành với thời gian năm tháng mà Người luôn kỳ công mong đợi.

Viết tại Dharamsala, ngày 13 tháng 11 năm 2001

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/chiec_ao.htm

 


Vào mạng: 17-11-2001

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang