Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Ô Chu và chiếc áo cũ
Minh Thuận

                        “Thầy là đỉnh núi đá cô liêu ngàn đời tịch mặc,
                        Trò là con sông dài cuồn cuộn bỏ núi ra khơi.
                        Còn đây áo cũ ngậm ngùi
                        Còn đây biển núi nụ cười an nhiên”.

Những viên ngọc ma ni lấp lánh ẩn mình trên chiếc áo cũ, nó được điểm xuyết bởi một Du tăng. Vị Du tăng ấy không ai khác hơn là Ô Chu, đệ tử đầu tiên của Thiền sư Đạo Nguyên thời Kiếm Thương (Kamukara), trong khoảng thế kỷ XI-XII ở Nhật Bản.

Câu chuyện bắt đầu từ một chiếc áo, kỷ vật đơn sơ mộc mạc mà Thiền sư Đạo Nguyên trao cho học trò mình trước lúc ra đi tìm về chân lý. Buổi từ giã hôm đó là một buổi mờ sương, Lão thiền sư ân cần trao cho đệ tử một chiếc áo cũ : “Thầy không có gì để kỷ niệm trước lúc con đi. Đây là chiếc áo năm xưa thầy cho, con bỏ đi, nay thầy khâu vá lại. Con đừng quên nó nhé !”

 Thế rồi, con đường du tăng học đạo của chàng trai ấy dường như không dừng nghỉ. Nghe đâu, chàng nhiều lần bỏ áo, băng rừng, vượt biển để cầu học với các Pháp sư, Thiền sư người Trung Hoa, Miến Điện, Tích Lan và cả Đại Hàn. Chàng đâu biết mỏi mệt, lại ra đi, lại lên đường, con đường nhiêu khê vô định, trên vai vẫn gói hành lý giản đơn : “Bạch thầy ạ ! Con chưa thể dừng chân được. sinh tử là định mệnh hối thúc không rời. Tri thức con phóng vọt tới  đằng trước như một con ngựa bất kham. Nó không cần biết vực thẳm hay thảo nguyên, quê xưa hay đất trích. Bạch thầy ạ, tuy thế còn có chiếc áo cũ của thầy, giáo huấn, nhắc nhở con mỗi khi lầm lỡ. Nó vẫn còn đây. Nó vẫn còn đây”.

Nỗi khát khao cháy bỏng xuất phát từ trái tim vì đạo yêu đời của chàng khiến việc học lẫn việc hành thiền trở thành nỗi đam mê vô hạn. Nơi thiền phòng bao giờ chàng cũng là người đến trước mà ra sau. Rồi chàng lại tiếp tục ra đi, một mình chênh vênh trên núi đá ở vùng Tây bắc Akita, ăn rau, trái cây, sống đời khổ hạnh. Từ giã núi khổ hạnh, chàng về Đông Kinh đăng đàn thuyết pháp. Người người bàng hoàng trước sự thu hút mạnh mẽ của chàng. Chàng rống tiếng Sư tử  trước mười ngàn thính chúng cử tọa bao gồm môn sinh và tăng lữ các Tu viện, Thiền viện, Phật học viện … Tiếng tăm về chàng lan rộng khắp nơi và được mọi người kính trọng. Cùng lúc, chàng mất tích.

 Giã từ tông phái Nhật Liên của Nhật Liên thượng nhân (Nichiren shonin), thì mái tóc đã điểm bạc, chàng quay lưng về ngọn núi Phú Sĩ bạc đầu, xuyên qua mấy rừng hoa anh đào trở về miền xuôi …

- Bạch thầy ạ, đây là chiếc áo cũ năm xưa, bây giờ con muốn mặc lại, xin thầy cho phép.

Giọng chàng như lạt hẳn đi.

Đôi mắt Lão thiền sư rướm lệ. Có lẽ, đó là những hạt nước mắt đầu tiên và cuối cùng.

- Con nói gì nữa không Ô Chu ! Tóc con bắt đầu đã điểm muối sương rồi.

- Dạ  ! ! !

Im lặng.

Tiếng chim vành khuyên hòa nhẹ vào không gian tĩnh lặng, một vài chiếc lá vàng nhạt lạnh mình trên phiến đá, Ô Chu bước vào thiền viện như buổi ban đầu, buổi ban đầu của tân môn sinh đầy vất vả, cực nhọc. Mọi người nhìn Ô Chu nhỏ bé lắm, tầm thường lắm. Bởi lẽ, chữ Phật, chữ Pháp còn không biết thì làm gì, chỉ còn một cách là chấp lao phục dịch.

Ô Chu miệt mài với công việc. Trên người Ô Chu vẫn mặc chiếc áo cũ, chiếc áo đồng hành đã giúp chàng vượt qua biết bao thử thách. Chiếc áo của hạnh nhẫn nhục, trì giới, tinh tấn … mà mắt thường không sao thấy được. Những lúc gặp phải chướng duyên nghịch cảnh, Ô Chu mỉm cười với chính mình, mỉm cười với chiếc áo – một nụ cười hoan hỷ.

Đêm về, một màu đen lan tỏa cả không gian thiền viện, tiếng chuông Bát nhã bỗng vang lên dồn dập … Thầy vừa tịch.

Ô Chu lặng lẽ luồn mình qua các vòm cây, đến quỳ trước tháp thầy, giã từ thiền viện, âm thầm cô liêu hơn cả kẻ từ giã cuộc đời. Chàng đến một động đá trịnh trọng khoát chiếc áo cũ lên người rồi an nhiên thị tịch. Qua ánh sáng mờ từ cửa động hắt vào, người ta thấy được từ trên chiếc áo ấy những dòng chữ chân phương sắc sảo của Lão thiền sư quá cố  :

              “Y pháp bất y nhân
              Y nhân bất y pháp
              Nhân pháp liễu mật thâm
              Mạc cầu phi thủ trước(*)”.

(Thiền tông đời thứ hai, kiếm thương hưng khởi, Đạo Nguyên Tỳ-kheo; phụng truyền đệ tử trưởng đắc pháp đời thứ ba là Ô Chu).

Pháp, nhân đã cùng tịch diệt với nhau trong động đá. Cỏ cây thản nhiên cùng trời đất, nhịp của đá trổi lên thanh âm vi diệu, nó sống mãi trong lòng nhân sinh.

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/chiec_ao_cu.htm

 


Vào mạng: 1-11-2001

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang