Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ĐIỆU SÁO HOÀNG HÔN
Minh Mẫn

 

 Thành phố bắt đầu lên đèn,  giòng xe nối đuôi nhích dần từng chút, tiếng còi,tiếng rú ga inh ỏi ra chiều nóng vội, trên từng khuôn mặt đi đường,ai nấy lộ vẻ mệt mõi sau một ngày làm việc dưới cái nóng  như thiêu ,trông được về với mái ấm, dù đó là nhà đúc hay túp lều rách nát, dẫu sao, cũng là cảnh riêng biệt của mỗi người, tìm chút tự do, thoải mái riêng tư…

Vừa nhích đến, gặp phải đèn đỏ, tôi dừng ngay gốc cây,nơi phát ra điệu sáo ai oán; tôi cúi xuống, bỏ vào chiếc nón rách tờ giáy bạc hai đồng , khẻ động chiếc nón để ông lão biết  có một tấm lòng tốt vừa hạ cố, nhở kẻ ranh ma nào đó, cuổm của ông thì khốn! Lão vẫn tiếp tục thổi, chăm chú nhìn lão, tôi quên bẳng đèn sang màu, mọi người đã qua khỏi ngã tư, tôi dắt xe lên lề, nhẹ nhàn ngồi bên lão, lên tiếng: 

- Chắc lão ở gần đây?

 Hình như lão nặng tai, không trả lời, tiếp tục thổi, tôi để tay lên đầu gối, mãnh vải sờn rách để lộ lớp da nhăn nheo đen đúa, lão cũng không hay biết, mãi đến lúc điệu nhạc chấm dứt,bỏ ống sáo vào cái nón trước mặt, lão nói:

 - Cậu muốn hỏi gì, hãy để xong việc đã.

 - Xin lỗi lão –tôi nói - tối rồi, sao lão không về?

- Suốt ngày nắng nóng, có được mấy đồng đâu, ráng ngồi thêm một chút, may ra… vừa nói, lão vừa cầm tờ bạc trong nón lên, đưa vào mũi như để định giá, rồi bỏ vào cái túi rút treo trên cổ, chiếc túi vẫn còn lép, hình như món thu nhập nầy không tương xứng với công sức lão bỏ ra!

 - Thưa lão, lão không có thân nhân?

 - Chả dấu gì cậu, tôi còn mỗi thằng con, năm nay tròn 20 tuổi, đưa tay về hướng bên kia đường, lão nói tiếp, nó sửa xe, kiếm tiền đi học,  nay năm thứ hai Tổng Hợp, nhìn theo tay lão, tôi thấy cậu thanh niên gầy gò lom khom làm việc. 

- Thưa lão, làm như vậy thời gian đâu đi học!

 Lão đáp:

 - Phải chịu vậy, tự làm nuôi thân, đâu dể ăn bám!  Hình như có dịp để bộc toạc nổi niềm, ông lão kể tiếp – nó là thằng con út, mẹ  mất lúc 10 tuổi vì phiền muộn, một thằng đầu hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, thằng kế bỏ xác tại cuộc chiến Tây Nam,tôi thương tật khi ra ruộng dẩm phải quả mìn, nhà cửa tiêu tán, cha con dắt díu vào Nam kiếm sống. Ngày còn ngoài quê, tôi gởi cháu ở chùa, vào Nam tạm trú môt tu viện có đông tăng chúng, tuy nhiên ngoài cơm ăn, mọi việc phải tự lo, họ nuôi chúng như nuôi bầy heo để làm cảnh thâu nhận sự cúng dường,ăn uống kham khổ, ngày nào có đám cúng may ra trên mâm cơm có mấy miếng đậu hủ chiên; Rau muống luộc chấm nước muối là món ăn thường bửa, làm sao đủ dinh dưỡng mà tu học; Thầy trụ trì thay xe như đổi áo, hút thuốc thơm, điện thoại di động, còn bao nhiêu chuyện không thua gì một đại gia ngoài đời, quê tôi, mấy thầy đâu có vậy, đời sống họ đơn giản, tu hành nghiêm túc lắm, con tôi thất vọng, bất mãn, mất niềm tin, chúng rủ nhau bỏ chùa đi hơn chục đứa, ra ngoài tự lập, không muốn sống bám. – nói xong lão gắn điếu thuốc lên môi, châm quẹt, ánh sánh chập chờn lộ rõ hố mắt sâu hỏm, vết thẹo lổ chổ trên khuôn mặt khắc khổ, lão bị mù!

Tôi hiểu được nổi đau của lão như thấm từng hơi lạnh về đêm, mỗi người có một bất hạnh khác nhau; riêng tôi, cha mẹ thương tiền hơn thương con, có lẽ xuất thân từ nghèo khó, cha mẹ tôi cũng vất vả  cho từng miếng ăn, cũng từng bị tủi nhục , con dể sanh nhưng tiền khó kiếm, vì vậy bầy con như bầy chó dại lang thang khắp xóm, tự kiếm cái ăn, tối về chui nhau vào đống rạ ở góc nhà ủ ấp qua đêm. Miền Trung là mãnh đất trời sanh ra để cỏ dại làm chủ, đất khô nứt cho gót chân chai đá, nắng cháy da cho con người phong trần, mưa dầm dã cho muôn loài chịu đựng, vùng nghèo khó cho trời hả hê trả oán. Từ ngày đất nước thanh bình, dân trôi dạt tứ xứ kiếm cái ăn tấm mặc, bỏ lại chòi tranh, vườn hoang đất trống cho các ông bà lão trông nom, trên rừng, dưới biển khắp miền Nam không nơi nào thiếu tiếng nói trọ trẹ cứng âm của dân miền ngoài, họ chịu đựng, cần cù có chút đỉnh dư gởi về quê nuôi người thân. Lúc bé, ở cô nhi viện, chúng tôi là món hàng để các đoàn từ thiện đến ngắm nghía, tham quan, họ ra về để lại một số bánh trái , chúng tôi chia nhau, tiền bạc, các soeur bỏ túi, những kẻ giàu có, thời giờ nhàn rỗi, muốn thể hiện lòng tốt, họ đến viếng,các soeur bắt chúng tôi đứng sắp hàng nghinh đón những thượng khách, khoanh tay, đồng thanh la lớn: - chúng con kính chào ông, kính chào bà ạ, khi họ ra về, chúng tôi cũng phải cúi đầu cùng nói:  chúng con cám ơn ông bà, cao hứng, họ bắt chúng tôi hợp ca những bài thánh ca nhạt nhẻo vô hồn , lớn lên, tôi cũng trọ một ngôi chùa trong thành phố, đi học chạy bộ gần năm cây số cho kịp giờ, ổ bánh mì chia làm hai bửa, chùa cho ở nhưng không cho ăn, vì chùa tư, không ai đến cúng , cái khó của thời chiến và cái nghèo của thời bình cùng mang tính đày đoạ.

 Ánh sáng đèn đường phả màu vàng u ám không đủ rọi sáng tấm thân bé nhỏ của lão, bóng lão hoà nhập với bóng đen xu xì của thân cây to lớn, tuổi thọ của cây hàng trăm năm nhưng vẫn không già hơn tấm thân còm cỏi và làn da nhăn nheo đen xạm của lão. Sau lưng lão, bên trong cửa kính, thực khách hả hê trên mâm món ngon, rượu mạnh, rất may, lão không thấy, có thể lão biết, nhưng… ! Cuộc sống luôn có những tương phản, đức Phật làm cuộc Cách Mạng bình đẳng vẫn không khoả lấp hết hố ngăn cách, các nhà xã hội học, chính trị và cách mạng cố gắng thực hiện đại đồng mà giàu nghèo luôn  tồn tại.

 - Thưa ,lão sống ở đây bao lâu rồi? tôi hỏi

 - Nhớ làm gì cậu, chỉ biết sáng ra ngồi, khuya lại về, lão đáp.

 - Hàng ngày  lão thu nhập được bao nhiêu?

 - Đời sống kinh tế khó lắm cậu ơi, dân nghèo nên tấm lòng thương người cũng nghèo lắm, lão ra đây chỉ có bổn phận trổi những điệu sáo bi ai để kẻ qua người lại hiểu rằng đời người cũng bi ai như lão vậy, ai tự hào trọn đời không khổ!

 - Lão có nghĩ rằng cuộc đời lão đã bị trời đày?

 - Nếu có ông trời đày thì ông ta thật bất nhân, vì sao chỉ riêng tôi! Nhưng đây là nghiệp quả của tôi cậu ơi, không than oán ai hết!

 Phải chăng lời của lão là một an phận hay một triết lý sống, không oán than trách móc ông trời hay con người, có lẽ lão hiểu rằng cái bất hạnh của lão không thấm vào đâu, còn có những bất hạnh hơn thế nữa, biết đâu, mù loà không là bất hạnh mà là diễm phúc, khỏi thấy bao cảnh trái ngang đau lòng, quê lão, còn lắm kẻ bám đất khô mà sống, lũ trẻ không có điều kiện đi học. Trong thành phố nầy,về đêm, nam thanh nữ tú đèo nhau dạo mát, các tụ điểm ăn chơi náo nhiệt để trốn chạy những chán chường của cuộc đời, họ không đối diện với thực tại như lão, ánh sáng đèn màu cố che lấp bóng đêm, nhưng màn đêm vẫn dầy đặc

 - Tại sao con lão chịu khó việc học?

 - Chả lẽ tiếp tục ăn mày như lão ! có chút chữ nghĩa, ngồi trên thiên hạ vẫn hơn, ông lão thở ra nặng nề.

 - Nhưng thưa lão, trong xã hội không thiếu kẻ ngồi trên thiên hạ mà vẫn không biết chữ ? tôi vấn ngược

 - Họ có quyền thế cậu ơi! Mình bì sao được.

 - Con lão ngoài vấn đề cuộc sống phải vươn lên, cậu ta có lý tưởng gì nữa ?

 - Chính vì lý tưởng nó mới cố gắng chịu khổ đấy cậu, nó luôn lấy gương của HT N.H xuất thân trong khốn khó để bây giờ phụng sự đạo và đời. Đạo đâu xấu, vì cơ chế thị trường, vật chất lấn át tâm linh, những kẻ bán linh hồn cho ma quỷ mới sa ngã đấy thôi!

 Ông lão nói đến đấy, tôi bàng hoàng ngở ngàn, tự xấu hổ cho chính mình trước người thanh niên còm cỏi kia, hai chữ lý tưởng mà tôi đã đánh mất tự bao giờ. Trong tận cùng của xã hội phồn hoa, vẫn còn có những tâm hồn vưỡt khó ngoi lên cho lý tưởng.

 Tiếng sáo lúc hoàng hôn có đủ níu kéo những tâm hồn chai lỳ mòn lối phố thị hay chỉ níu kéo một lý tưởng trong màn đêm nơi đôi mắt luôn u tối của lão và của người con đã mất mẹ đang lây lất nơi vỉa hè.

Tạm biệt lão, tôi ra đi,  điệu sáo hoàng hôn luôn theo tôi suốt đoạn đường miên man cỏi sống!

 

MINH MẪN

Phật Đản 2544

 

 

       

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/dieusaohoanghon.htm

 


Vào mạng: 1-4-2006

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang