Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Em tôi

Tôi gặp em vào một chiều mưa tầm tã. Tiết thời tháng 7 lúc nào cũng se lạnh. Khí lạnh làm tôi tê cóng cả hai tay.

Tôi lách mình đẩy vội xe vào cổng. Cơn mưa buổi chiều đã để lại cho khoảng đường Hùng Vương dẫn đến trước cổng chùa tôi một biển nước lai láng.

Tôi dựng xe, định đóng cổng nhưng trước mặt tôi, một bóng người nhỏ bé ngồi co ro trông thật thảm thương. Qua ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đường, tôi không nhìn rõ là ai và đang làm gì, vì tôi vốn bị cận mà.

- Ai vậy? Ai ngồi đây vậy? Tôi hỏi.

Trả lời thay cho câu hỏi của tôi là tiếng rên ư ử.

Tôi đâm hoảng, không biết người này bị gì nữa. Khi nhìn kỹ lại, Phật ơi! Một đứa bé. Đôi vai gầy của nó run lên bần bật vì lạnh.

Tôi đến gần hơn và cố nhìn cho rõ. Đứa bé còm nhom, rách rưới, nó ngồi bó gối, đầu cúi gầm xuống, trên mình chỉ độc một chiếc xà lỏn, tấm lưng trần dựa sát vách chùa.

- Em ơi!

Em từ từ ngước lên nhìn tôi, trên mặt đầy những nước. Tôi không biết đó là nước mưa hay nước mắt nữa. Với hoàn cảnh em bây giờ, có lẽ là cả hai.

Tôi vội lấy áo mưa choàng qua người em và hỏi vài câu. Em không trả lời, chỉ đưa cặp mắt buồn nhìn tôi rồi lặng lẽ bước đi, để lại trong tôi một khoảng trống mênh mông, xa vắng.

Vài ngày sau, tôi lại thấy em. Vẫn với gương mặt buồn vời vợi, vẫn tại vị trí cũ, trên tay cầm chiếc áo mưa.

- Em tìm chị đã hai ngày rồi.

- Vậy sao? Tôi sửng sốt kêu lên.

- Sao em không hỏi?

- Biết chị là ai đâu! Chỉ biết ở đây thôi!

- Gởi chị, cảm ơn!

Những lời em nói tuy cộc lốc, xa lạ, nhưng trong mắt em, ánh lên sự thân thiện dành cho tôi.

Trả áo xong, tôi chưa kịp hỏi gì, sau tiếng cảm ơn, em quay mặt bước đi.

Nửa tháng sau, em lại đến tìm tôi. Tôi hiểu trong lòng em có những nỗi buồn day dứt khôn nguôi. Tôi thương cho hoàn cảnh của em. Mới chừng ấy tuổi đầu, so với những đứa bé đồng trang lứa, em thật bất hạnh.

Lặng lẽ ngồi bên tôi khá lâu, em mới thổ lộ về hoàn cảnh của mình.

Cha mẹ mất sớm, em ở với bà. Tuổi thơ của em không có cánh cò bay lả, bay la trong tiếng ru ầu ơ của Mẹ, lời vỗ về trầm ấm của cha, càng không có cánh diều bay thấp bay cao, dập dờn trong gió chiều mang theo ước mơ bé bỏng. Tuổi thơ của em là một chuỗi ngày dài cơ cực. Từ khi bập bẹ tiếng nói đầu tiên, em chỉ biết gọi “Bà”.

Rời quê lên thành phố kiếm sống. Giữa chốn phồn hoa, đô thị, chỉ có hai bà cháu lẻ loi đơn độc. Với gánh khoai lang ngày hai bữa, bà cũng xin cho em được vào học một trường bán công.

Rồi thời gian trôi qua, em càng lớn bà lại càng già thêm. Nay ốm, mai đau, bà không đủ sức lo cho em ăn học. Số tiền dành dụm được, Bà trao hết cho em tiện việc lo trong nhà. Thế nhưng, em đã dành số tiền đó làm vốn bán vé số, kiếm tiền lo thuốc thang cho bà.

Kể đến đây, đôi mắt em đượm buồn, ngấn lệ. Nỗi cảm xúc trào dâng trong khóe mắt đọng thành giọt chảy dài trên gương mặt xanh xao của em.

Từng chữ, từng lời của em thốt ra làm cho tim tôi đau thắt. Vẫn biết, trong cuộc đời còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, khốn khổ, và còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh. Nhưng với em, với lứa tuổi của em, gặp hoàn cảnh như thế này, thật đáng thương vô cùng.

Tôi hiểu lòng em. Không phải em tìm đến tôi để cầu xin một sự giúp đỡ, lại càng không tìm sự thương hại. Có lẽ, em tìm đến tôi như một chỗ dựa tinh thần.

Tuổi thơ của em, lẽ ra phải phải được ngồi trong lớp học, cùng bạn bè nô đùa, với ước mơ tương lai tươi sáng. Thế nhưng, em lại sớm vào đời, đem theo bao ước mơ pha lẫn vị đắng của cuộc đời và bao vui buồn của tuổi ấu thơ không người chia xẻ.

Kể từ ngày ấy, mỗi chiều em đều đến chùa lễ Phật. Có lúc, tôi thấy em đứng thật lâu nhìn tượng Phật, cung kính chắp tay ngang ngực, mười ngón tay khép kín thành hình búp sen, nét mặt toát lên vẻ ngây thơ thánh thiện.

Thế rồi, một ngày kia không thấy em đến chùa. Những ngày sau đó, tôi đợi mãi, đợi mãi... Hỏi thăm đến nhà em, chỉ thấy một mái lá trống trải, lạnh ngắt.

Em đến thật lặng lẽ và cũng lặng lẽ ra đi…

Tôi luôn hy vọng mọi điều tốt lành sẽ đến với em.

     

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/emtoi.htm

 


Vào mạng: 1-7-2002

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang